Seite auswählen

Huy Đức

Tiếng Dân

16-3-2023

Ảnh: Luật sư Nguyễn Ngọc Bích và một trong những học trò của ông, luật sư Ngô Thanh Tùng [ảnh xin từ facebook Tung Ngo]

Chiều qua, khi nghe tin, luật sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, tự nhiên tôi nhớ tới cuộc nói chuyện với ông gần 20 năm trước, rồi, tìm mở kinh thánh, tìm lại bài giảng về Tám Mối Phúc Thật:

“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa… Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

Như rất nhiều trí thức miền Nam khác, ba ngày trước tổng tuyển cử, 26-4-1976, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị bắt. Ông Bích từng làm cho cơ quan trợ giúp Mỹ USAID trong chương trình “cấp căn cước cho người từ mười sáu tuổi trở lên” và, năm 1972, sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông nhận được học bổng đi học thêm một năm tại Đại học Harvard, Mỹ. Tháng 4-1975, ông là “chuyên viên đặc nhiệm” cho Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản.

Trước đó, 2-1976, ông Nguyễn Ngọc Bích được mời lên cơ quan công an. Cán bộ hỏi cung đặt vấn đề: “Tại sao 15-4 mới được nhận vào mà Tổng cục đã cho làm chuyên viên đặc nhiệm ngay?”. Làm sao mà ông trả lời được câu hỏi đó.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị giam trong xà lim loại dành cho tử tù suốt một năm và khi bị hỏi cung: “Anh biết gì về kế hoạch hậu chiến; trong đó, anh được giao nhiệm vụ gì?”, ông đoán ra, “Cách mạng nghĩ ông là người do Mỹ cài lại”. Hai năm sau, khi đã được đưa ra phòng giam chung, khi “được” thẩm vấn, luật sư Nguyễn Ngọc Bích nói: “Lưng tôi bị gù thế này làm sao được tuyển làm tình báo!” Khi ấy, những người hỏi cung dường như vô tình nói ra lý do khiến ông bị bắt: “Anh là người do Mỹ đào tạo, anh sẽ chống chúng tôi đến cùng”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị giam cầm suốt 13 năm, từ 1976 cho đến năm 1988.

Khi được hỏi làm sao mà ông có thể đi qua được những tháng năm oan khuất, luật sư Nguyễn Ngọc Bích nói với tôi, “Kinh thánh. Hằng ngày, tôi đọc đi đọc lại Tám Mối Phúc Thật.”

“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa…”

Trong hơn 30 năm biết ông, tôi chưa bao giờ thấy ông than phiền, oán trách. Sau khi ra tù, ông chọn ở lại Việt Nam. Và, khi đất nước đổi mới, bằng trí tuệ và kiến thức học được từ các “thế lực thù địch”, ông đã giúp những nhà lãnh đạo ở trong cái thể chế đã bắt bỏ tù mình, giúp các thế hệ luật sư hiểu như thế nào là pháp quyền, như thế nào là kinh tế thị trường, bằng cách nào để dẫn dắt một công ty đúng cách.

Từ hôm qua, rất nhiều luật sư có tiếng từ Bắc chí Nam cùng viết trên Face gọi ông là “THẦY”, dù nhiều người trong số họ chỉ học ông qua những cuốn sách của ông và qua những bài ông viết trên báo chí, chủ yếu trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, từ thập niên 1990s.

Khi cầm bút, dù là những vấn đề mới mẻ, phức tạp ông đều trình bày giản dị và mạch lạc. Khi ngồi với những học trò trẻ tuổi, cho dù vẫn là con người uyên bác ấy, ông trở nên rất ân cần, gần gũi. Chính ông tự phá bỏ khoảng cách trí tuệ và hàng rào thế hệ để những người trẻ tuổi vẫn có thể dễ dàng tiếp cận và học được từ ông.

Cho dù, đóng góp rất nhiều để xây dựng nền tảng pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Bích luôn tin rằng:

“Nền kinh tế thị trường kiểu gì thì cũng chỉ hoạt động được trên nền tảng đạo đức cá nhân. Mỗi người tự mình phải biết kiềm chế mình. Nền kinh tế của ta đang phát triển nhưng vấn đề đạo đức cá nhân chưa được coi trọng. Muốn có đạo đức thì phải bắt đầu từ giáo dục…”

“Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật… Ai hiền lành, ấy là phúc thật… Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật… Ai thương xót người, ấy là phúc thật… Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật… Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật… Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật…”

Tôi đọc thêm một lần “Tin Mừng” để cố gắng hiểu ông. Giờ đây thì ông đã coi “Nước của Đức Chúa Trời là của mình” rồi.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích để lại một di sản rất lớn cho các trí thức Việt Nam

  • Thanh Thủy
  • Gửi bài từ TP Sài Gòn, Việt Nam cho BBC

Giám mục Nguyễn Thái Hợp

GIA ĐÌNH LS NGUYỄN NGỌC BÍCH Đức Giám mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp nói: “Chúng ta hiện diện ở đây để tiễn đưa một trí thức thật sự tài năng, sáng kiến, một trí thức Công giáo dám dấn thân”

Di sản mà luật sư Nguyễn Ngọc Bích (1944-2023) để lại cho đời theo tôi là những gì người khác học được ở ông: sự chính trực, khiêm nhường, tử tế, nhân hậu; thái độ trân trọng hiện tại, bao dung khi nhìn về quá khứ và lạc quan về tương lai.

Những di sản ấy không chỉ được các con và thân nhân của ông đón nhận và lan truyền, mà còn có cả bằng hữu, đồng môn, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, nhà báo… thẩm thấu, tùy vào cái duyên gặp gỡ ông nhiều hay ít.

Thánh lễ đồng tế tiễn đưa luật sư Nguyễn Ngọc Bích cử hành 6 giờ sáng ngày 18/3 tại nhà thờ Mông Triệu, Quận 8, một ngôi thánh đường nhỏ gần nhà ông. Chủ tế thánh lễ là Đức giám mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp (cựu Giám mục giáo phận Vinh và Hà Tĩnh), và ba linh mục: Giuse Đào Nguyên Vũ (Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam), Giuse-Maria Lê Quốc Thăng (Cha chánh xứ Phú Hạnh, quận Phú Nhuận), Giuse Nguyễn Văn Khiêm (Cha chánh xứ Mông Triệu).

Mở đầu thánh lễ, Đức giám mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp nói: “Chúng ta hiện diện ở đây để tiễn đưa một trí thức thật sự tài năng, sáng kiến, một trí thức Công giáo dám dấn thân, có tâm huyết đóng góp cho đời, cho anh em đồng bào, để môi trường xã hội ngày càng tốt hơn.

“Trong niềm tin Ki-tô giáo, cảm ơn Chúa đã cho chúng ta một người con trí thức và can đảm, biết dựa vào đức tin của mình để vực dậy trong cuộc sống, xin Chúa đón nhận người con của Ngài vào nơi quê hương vĩnh cửu.”

Trí thức mang thập giá oan khiên 13 năm tuổi trẻ

Trong bài giảng 15 phút, Đức cha Nguyễn Thái Hợp nhắc lại một đoạn đời của luật sư Nguyễn Ngọc Bích:

“Ông là một trí thức sinh bất phùng thời, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đổi thay, di cư vào Nam cùng cha mẹ. Giai đoạn từ 1960-1975, với trí thông minh, ông học giỏi từ trung học đến đại học, được học bổng Hoa Kỳ đi học luật kinh tế ở Harvard, lúc trở về đã dạy luật kinh tế với phong cách mới, thầy và trò cùng tìm giải pháp cho một vấn đề, được thể chế Việt Nam Cộng hòa trọng dụng. Đất nước đổi thay, khi nhiều người ra đi thì ông chọn ở lại với mong muốn tiếp tục đóng góp.

“Đó là điều ông nghĩ nhưng người ta không nghĩ như vậy, cho rằng CIA gài ông ở lại, chính vì vậy, 31 tuổi ông bị bắt. Trải qua 13 năm trong tù, khi ông được về thì đã 44 tuổi. Nếu ông sinh vào bối cảnh và môi trường xã hội khác thì ông sẽ còn đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho con người. Tuy nhiên, những khổ đau, những vất vả, những bất công rồi cũng qua, cũng chấm dứt, với tinh thần lạc quan của người công giáo, ông “hà tất ưu tư”…”

Điều giúp luật sư Nguyễn Ngọc Bích vượt qua 13 năm thập giá oan khiên đã được Đức cha Nguyễn Thái Hợp xác tín: “Chính niềm tin vào Chúa đã vực dậy ông đứng dậy. Khi đồng minh bỏ chạy, khi mà những mộng ước ngày xưa và thể chế Cộng hòa tan vỡ, thân phận trí thức bị kết án, đày đọa, chẳng còn gì nữa, chỉ còn niềm tin vào Chúa để ông vực dậy và đứng lên. Chỉ hai năm sau khi ra tù, ông đã hội nhập vào xã hội, trở thành giáo sư luật xuất sắc trong giai đoạn đó, dù bị tách rời khỏi xã hội hoàn toàn trong 13 năm.”

“Phải chăng khi ở tù tấm lòng ông không chất chứa hận thù, mà chấp nhận để tiếp tục học và chờ cơ hội, nên trí tuệ ông vẫn minh mẫn để đào tạo ra nhiều thế hệ luật sư kế thừa?” Đức cha Hợp đặt câu hỏi.

Cuối bài giảng, Đức cha Hợp nhấn mạnh: “Có niềm tin vào Chúa, ông can đảm sống. Lưng ông gù nhưng ông luôn nói thẳng, không bao giờ cúi đầu trước bất cứ thế lực nào, không nịnh hót ai cả.” Một lời vinh danh quá đẹp tiễn đưa ông.

Mấy ngày qua, trên trang Facebook Bich Nguyen Ngoc của luật sư Bích, tôi đọc được rất nhiều bài viết và bình luận tốt đẹp về ông. Ai cũng nhắc đến con số 13 năm ở tù oan khiên của ông. Thế mà, 17 năm trước, cuối năm 2006 khi tôi phỏng vấn ông, ông chỉ nhẹ nhàng nói: “12 năm tròn (1976-1988) học tập ở Chí Hoà và Bình Long (Sông Bé). Thoạt đầu, không biết ngày về, chẳng thấy tương lai, tôi chỉ hồi tưởng lại quá khứ và lương tâm tự nhiên phán xét những việc mình đã làm…”

“Ông đã làm gì?”

Ông trả lời: “Phúc cho kẻ chịu khóc lóc, vì sẽ được an ủi,” Thánh kinh nói thế. Nhờ vậy mình không còn bị vướng bận về hoàn cảnh nữa, đầu óc mới sáng suốt để biết nên làm gì trong hoàn cảnh ấy. Và tôi đã nghĩ: Số phận đã đưa tôi vào đây, vậy tôi phải lấy lại được cái gì từ nó. Trong trại cải tạo có nhiều sách báo và được khuyến khích học tập, tôi lợi dụng những phương tiện ấy cùng với thời gian “suốt năm nhàn như ba ngày tết” (thời kỳ chưa đi lao động) để học về các thể chế chính trị, về con người trong hoàn cảnh không danh, không lợi, và về chính mình. Năm 1988 tôi được về, hơn 40 tuổi mà suy nghĩ đã già dặn như người 70. Đó là khoảng thời gian hữu ích.”

“Hơn 40 tuổi mà suy nghĩ đã già dặn như người 70” – đó là năm 1988, như vậy có thể hiểu là ông đã hơn 100 tuổi khi rời cõi tạm. Một cuộc đời mà có trải nghiệm như hai cuộc đời.

“Ông chủ đi vui và bình an, con và em rất tự hào là con của bố”

Sau lời cảm ơn các cha đã dâng thánh lễ đồng tế, cảm ơn cộng đoàn và thân bằng quyến thuộc đã đến tiễn đưa bố, cháu Nguyễn Ngọc Hương Thảo (33 tuổi, con gái lớn của luật sư Nguyễn Ngọc Bích) đã nghẹn ngào nói vài lời tạm biệt bố:

“Ông chủ ơi, hôm nay mẹ con và tụi con phải xa bố. Những ngày qua con nhận ra hai điều: bố rất vĩ đại, được rất nhiều người yêu thương, quý mến rất rất nhiều so với tưởng tượng của mẹ và chúng con. Mỗi lần con về ăn chực hay gọi Facetime cho bố mẹ, bố chỉ hỏi hôm nay con có đủ ba tiêu chí của bố không, đó là mạnh khỏe, vui vẻ và bình an, lần nào con cũng trả lời “Dạ đủ,” bố nói “Vậy tốt rồi.” Bố hay nói với con: “Con làm gì cũng được, miễn con vui là bố vui.”

Gia đình LS Nguyễn Ngọc Bích

GIA ĐÌNH LS NGUYỄN NGỌC BÍCH Đám cưới của luật sư Bích tổ chức tháng 10/1989, sau khi ông ra tù, cô dâu lúc đó là giáo viên trường mẫu giáo

Trong hai ngày đến tạm biệt ông, tôi lại nhớ đến câu mình hỏi ông 17 năm trước: “Gia đình ông thế nào?”

Ông trả lời khi đó:

“Tôi cân bằng giữa thời gian và tiền bạc, không chăm chú đi kiếm tiền lắm để dành thời gian cho gia đình. Mình phải sống lương thiện để làm gương cho con. Cái khó của việc dạy con bây giờ là phải trả lời câu hỏi của con: ” Sao họ ác mà sống sướng thế?” hay “Lương thiện để làm gì?”. Và làm sao để con không bị bạn bè xấu lôi kéo. Tôi có hai đứa con, con gái đầu 16 tuổi và con trai 11, đều đang học trường phổ thông trung học của Việt Nam. Đi đâu người ta cứ ngỡ “ông nội chở cháu”! Tôi dạy con chỉ cần hơn người khác cái trán thôi, đừng hơn nhiều quá. Vợ chồng tôi không tìm sự thành công của mình qua con cái, không đem con để khoe. Chúng tôi tạo cho con phương tiện và chỉ dẫn để nó tự vươn lên.”

Ông còn kể: “Vợ tôi từ khi mang thai đứa con đầu đã ở nhà “trông chồng nuôi con”. Lúc đó cô ấy đạp xe đi dạy, còn tôi có chiếc Cub cánh én – mua được bằng tiền của ông thầy cho. Tôi nói: “Anh đủ sức lo cho em, có bầu mà đi làm cực lắm.” Vì tôi đã có một quan niệm về gia đình rồi nên mọi việc suôn sẻ. Vợ tôi rất hiền. Tôi đi làm có cảm xúc gì cũng kể cho cô ấy nghe, thích cô nào cũng kể luôn. Chung thủy là nói thật! Chúng tôi có được sự cảm thông và tin cậy lẫn nhau. Trong nhà, vợ tôi là cô giáo, tôi là hiệu trưởng. Cô giáo dạy con, lo cho con, còn hiệu trưởng chỉ để “hù” con.”

Khi Thảo đưa cho tôi tấm hình cả gia đình luật sư Nguyễn Ngọc Bích chụp hồi tháng 10/2022 nhân kỷ niệm 33 năm ngày cưới của họ, tôi thấy hai cánh tay anh chị đan vào nhau trìu mến. Thảo nhớ lại: “Lúc đó bố có nói với tụi con là cuộc đời của bố may mắn khi gặp được mẹ.”

Rồi Thảo thẫn thờ: “Giờ tụi con lo cho mẹ lắm. 33 năm mẹ chỉ biết mỗi bố, chăm bố.”

Trong đám tang của ông, tôi không thấy vợ luật sư Bích khóc. Ngoài lúc tiếp khách, bà cứ lẳng lặng chu toàn những việc cần phải làm, nhưng cách bà kể về chồng thì tôi biết, phải rất lâu nữa bà mới chấp nhận sự thật là đã mất ông, và khoảng trống mà ông để lại thì không ai có thể bù đắp được.

Vị luật sư luôn đề cao việc xây dựng nền tảng đạo đức cá nhân, đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, và ông biết giá trị của vợ mình.

Ông từng nói:

“Khi xem xét đạo đức cá nhân thì tôi thấy nó bị tác động bởi giáo dục. Do đó, tôi đi vào giáo dục. Tôi nhìn ra nền tảng của việc giáo dục ở ta: nó là thế nào, tại sao như thế. Đi sâu vào giáo dục tôi thấy nó bị ảnh hưởng bởi gia đình. Tôi bèn đi vào vấn đề gia đình. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi nhận ra sự quan trọng của các bà mẹ. Cho hạnh phúc của gia đình và cho sự phát triển của xã hội, vai trò của các bà mẹ rất quan trọng. Các ông chồng cần phải nhận ra vai trò quan trọng của vợ mình để biết quý vợ. Khi biết mình được quý – ngoài yêu, các bà sẽ hết lòng chăm sóc chồng con và sẽ thấy mình… ở trên bình đẳng!

Lâu nay xã hội mình chú trọng nhiều đạo đức nghề nghiệp mà ít xây dựng đạo đức cá nhân – tức là cách cư xử giữa con người bình thường với nhau. Muốn thay đổi điều này, phải thay đổi cách giáo dục, bắt đầu từ gia đình, cốt tủy là bà mẹ”.

Đánh giá cao vai trò của người vợ và người mẹ trong gia đình như thế, điều ông nói với các con là ông thấy may mắn khi gặp bà chính là LỜI CẢM ƠN.

Gia đình luật sư Nguyễn Ngọc Bích

GIA ĐÌNH LUẬT SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH Gia đình luật sư Nguyễn Ngọc Bích trong ảnh chụp năm 2022

Sau 13 năm bị tách biệt khỏi xã hội, ông đã vun đắp nên hành trình khác cho đời mình: “Tay phải của tôi là công việc luật, tay trái là gia đình và cộng đồng. Một ngày tôi chỉ làm việc tối đa 8 – 9 giờ, còn lại là chơi với vợ con và làm công việc mình thích…Hạnh phúc là được sống theo ước vọng của mình và đóng góp cho việc chung. Tôi không đi tìm sự giàu có”.

Người như ông, hiếm hoi lắm giữa xã hội này, và càng buồn hơn, khi đang khuất dần. Nhưng tôi tin, “bóng” của ông sẽ còn ở lại, đó là DI SẢN của ông.

Bài thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của nhà báo Thanh Thủy ở TP Sài Gòn, VN.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen