Seite auswählen

Người phụ nữ với đôi mắt bầm tím vì bạo lực gia đình - Ảnh minh hoạ

GETTY IMAGES Người phụ nữ với đôi mắt bầm tím vì bạo lực gia đình – Ảnh minh hoạ

 

 

Nguyễn Tường Linh

,Gửi tới BBC từ New York, Hoa Kỳ

24.3.2023

Trong vài tuần qua, mạng xã hội Việt Nam lan truyền một bài viết của một phụ nữ 30 tuổi giãi bày những ký ức đau xót thời ấu thơ. Ở đó có bóng dáng một người mẹ nhẫn nhịn và bất lực, người cha hung bạo và mất kiểm soát, ẩn sau vẻ hào nhoáng của tiếng tăm.

Tôi cảm nhận rằng nạn nhân không chỉ phải sống lại ký ức đau đớn nhất trong đời để kể câu chuyện đó, ngôn từ bình thản của chị cũng cho thấy chị đang tiến những bước vững chắc trên hành trình chữa lành.

Bằng việc phân tích mổ xẻ bi kịch kéo dài 17 năm của gia đình mình, đồng thời xem cha mẹ cũng là nạn nhân, chị cũng muốn độc giả nhận diện rõ nét về bạo hành xuyên thế hệ và muốn vòng quay nghiệt ngã này dừng lại.

Tuy nhiên, phản ứng của cộng đồng mạng xã hội nói chung khiến tôi có phần thất vọng: dường như sự chú ý của nhiều người chỉ dừng ở việc truy vấn và luận tội. Đó là một cách hiểu khá nông cạn trước một vấn đề phức tạp. Thật ra, bạo hành là một phương trình mà thủ phạm, nạn nhân, công chúng đều là các biến số.

Ít ai để ý rằng trong hơn 6 ngàn lượt share bài viết này, có không ít người tuyên bố rằng mình từng là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Thống kê mới nhất của UN Women cho thấy 2 trong 3 phụ nữ Việt Nam đã kết hôn đã phải hứng chịu bạo hành thân thể, tình dục, cảm xúc, tài chính hoặc bị thao túng, số nạn nhân bị bạo hành chưa thể lên tiếng được dự đoán là hơn 50%.

Báo cáo của The American Journal of Emergency Medicine cho thấy thống kê về các trường hợp bạo hành tăng 25-33% ở cấp độ toàn cầu tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19, như vậy Việt Nam có thể đối mặt với một con số cao hơn chúng ta có thể hình dung.

Những dữ liệu này cho thấy bạo hành không chỉ xảy ra trong một vài gia đình mà đang là một vấn nạn ở Việt Nam.

Số liệu này gợi lên một câu hỏi: tại sao bạo hành lại lan rộng đến quy mô này?

Sang chấn tâm lý xuyên thế hệ?

Giới nghiên cứu nay tin rằng psychological trauma (sang chấn tâm lý) đóng một vai trò quan trọng.

Tiến sĩ Gabor Maté cắt nghĩa sang chấn tâm lý không phải là những chuyện tồi tệ bên ngoài, mà là những gì diễn ra bên trong tâm trí bởi những chuyện tồi tệ đó, như một bàn tay vô hình lèo lái hành vi và thế giới quan của con người. Nó cũng nguyên nhân hình thành các bệnh tâm lý những rối loạn hậu sang chấn (PTSD).

Trong một nghiên cứu tâm lý về những người Do Thái tị nạn, các nhà khoa học nhận diện một vài nạn nhân gặp khó khăn trong quản lý cảm xúc. Một số khác trở nên tức giận quá mức trước sự yếu đuối của người thân. Một số bao bọc con cái một cách thái quá. Số khác thì lại thờ ơ, lãnh đạm trước những vấn đề hệ trọng của gia đình.

Khi nghiên cứu tâm lý những đứa con, dù chúng được sinh ra khi cơn ác mộng đã lùi xa, các nhà khoa học ghi nhận hàng loạt hành vi mang tính kiểm soát, nỗi ám ảnh với những ký ức đau xót của cha mẹ, và cả tính phụ thuộc do thiếu trưởng thành (immature dependency) ở những đứa con được bao bọc thái quá.

Tất cả những biểu hiện này là hậu quả của sang chấn xuyên thế hệ. Sang chấn không chỉ tước đoạt tính tự chủ, làm rối loạn cảm xúc – hành vi của các nạn nhân trực tiếp mà còn tạo ra các sang chấn thứ phát ở các nạn nhân gián tiếp. (Cụm từ “xuyên thế hệ” do tôi thêm vào để giải thích sự ảnh hưởng đáng kể lên các thế hệ kế tiếp.)

Cũng giống như các cựu binh Mỹ và Pháp đi qua chiến tranh Đông Dương, sang chấn của nhiều người Việt Nam ngày nay được xem xét là do hậu quả của chiến tranh. Thế nhưng thế hệ cha mẹ tôi (7x) và tôi (2xx), chúng tôi chưa bao giờ phải ra chiến trường, chưa chứng kiến bom rơi đạn nổ mà các rối nhiễu tâm lý xem ra không hề vơi đi.

Nhìn vào một số gia đình ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều cha mẹ có những hành vi được miêu tả trong nghiên cứu trên.

Nhiều trường hợp mà sự tức giận biến thành đòn roi, sự kiểm soát trở thành thao túng, thái độ vô cảm trở thành sự bỏ mặc, và các hành vi này đều nằm trong nội nghĩa của khái niệm bạo hành. Tôi cũng thấy nhiều người lớn lên trong bạo hành đã tái hiện chính những cơn ác mộng đó lên con cái mình.

sang chan

GETTY IMAGES

Nạn nhân bị kẹt trong môi trường độc hại, không ai giúp

Thống kê cho biết chỉ 1 trong 10 nạn nhân tìm sự giúp đỡ từ người thân. Một người bạn vong niên của tôi chia sẻ những ký ức đớn đau của 25 năm trước, khi bà ôm con trai nhỏ lên tàu Bắc Nam, chạy trốn khỏi người chồng vũ phu. (Ông này từng có những trải nghiệm tồi tệ trong trại tập trung sau chuyến vượt biên).

Khi bà ấy kể chuyện bị chồng bạo hành, cả hai bên nội ngoại của bà đều có chung một kiểu phản ứng. Họ hỏi: “Cô đã làm gì để đến nông nỗi ấy?”

Vì thiếu hiểu biết, những người thân này đã cô lập người phụ nữ đang là nạn nhân của bạo hành khỏi sự hỗ trợ mà bà và con bà xứng đáng được nhận. Đáng tiếc rằng đây là điều mà rất nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình từng hứng chịu khi tìm kiếm sự giúp đỡ, và tình hình chưa thay đổi gì so với ¼ thế kỷ trước.

Đa số vẫn xem đó là chuyện nội bộ của mỗi gia đình. Dư luận chỉ bắt đầu tỏ ra quan tâm khi có người nổi tiếng là thủ phạm hay nạn nhân. Nhiều câu hỏi được đặt ra chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ, việc chúng có làm tổn thương nạn nhân hay không dường như chưa được tính đến.

Trong khoảng thời gian thực hành hỗ trợ tâm lý các bạn sinh viên và học sinh phổ thông, tôi được xác tín rằng việc cật vấn nạn nhân là điều không được khuyến khích. Điều nên làm là cho nạn nhân cơ hội giãi bày, còn chúng ta thì lắng nghe, ghi nhận mà không phán xét hay luận tội.

Việc đặt quá nhiều câu hỏi cật vất về tính xác thực của thông tin, bất chấp nạn nhân có bị tổn thương hay không, cũng nói lên rằng người ta muốn tin đó là tố cáo giả hơn. Nhưng thống kê về tố cáo bạo lực tình dục trên toàn thế giới, tố cáo sai chỉ chiếm 2-10% và các nhà nghiên cứu còn nhận định con số về bao cáo sai thường bị thổi phồng.

Với nền tảng văn hóa trọng nam khinh nữ, lối suy nghĩ cũ kỹ “thương cho roi cho vọt”, “đẹp khoe xấu che”, “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai”, … thì số nạn nhân chưa thể cất tiếng ở Việt Nam chắc chắn còn cao hơn.

Thực tế mà chúng ta phải đối mặt là đã cùng nhau tạo ra một môi trường độc hại, để bạo hành gia đình tiếp tục được dung dưỡng, và nhiều thủ phạm vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ một hình phạt nào thích đáng. Trong hai năm qua tại Việt Nam, số vụ việc bạo hành gia đình được đưa ra công luận khá ít, nhưng hậu quả đều vô cùng nghiêm trọng: Có 1 phụ nữ bị đánh đập đến thương tật, 2 phụ nữ đã chết và ít nhất 4 em nhỏ đã qua đời vì đòn roi của người lớn, ở các độ tuổi: 8, 6, 3 tuổi và nhỏ nhất là 17 tháng.

bao luc gia dinh

GETTY IMAGES

Giải độc môi trường tâm lý và lên án các nhân vật nổi tiếng

Ở Mỹ, nhiều hãng phim và cá nhân từ chối hợp tác với Kevin Spacey, một trong những diễn viên gạo cội của Hollywood sau khi ông ta bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Trên mạng xã hội của Việt Nam gần đây, tôi cũng bắt gặp một vài nghệ sĩ, giám tuyển lên án bạo hành gia đình và tuyên bố ngưng hợp tác với nghệ sĩ, giám tuyển bị tố cáo nọ, cho đến khi vụ việc được làm sáng tỏ. Tôi cho đó là những động thái tích cực.

Nhưng giải pháp căn cơ là phòng chống bạo lực gia đình qua giáo dục. Qua tìm hiểu của tôi, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình có xu hướng sao chép và lặp lại hành vi bạo lực trong tương lai.

Trong những năm qua, Việt Nam có rất nhiều bước tiến về khoa học kỹ thuật, kinh tế đồng thời cũng là một quốc gia đề cao giáo dục với hơn 1,4 tỉ USD hàng năm dành cho du học, theo một số số liệu báo chí công bố.

Cho dù đầu tư rất nhiều cho con cái, dường như ít cha mẹ nhận ra sai lệch trong quan niệm “thương cho roi cho vọt” truyền đời. Bên cạnh việc để lại hàng loạt chấn thương tâm lý, lối giáo dục này dạy cho trẻ em khiếp hãi bạo lực và chấp nhận bạo lực như một giải pháp phù hợp.

Với các nạn nhân, mặc dù đa số từ chối tiếp tục vòng tròn bạo lực, nhưng quá trình chữa lành đồng thời nâng cao sức khỏe tâm lý là một con đường gian nan với nhiều vật cản như tài chính, thời gian. Điều trị tâm lý luôn gắn chi phí cao và trên hết là một nỗi sợ bị dán nhãn “thần kinh”, “tâm thần”.

Một số liệu pháp tâm lý nhẹ nhàng hơn được sinh ra để gỡ bỏ rào cản này như các workshop hay các buổi thảo luận về những chủ đề liên quan. Các chuyên gia trong ngành cũng lưu ý hãy xem đó là một sự hỗ trợ thay vì giải pháp.

Tôi không phủ nhận sang chấn tâm lý sẽ để lại nhiều vết thương sâu cho các nạn nhân từng hứng chịu bạo hành. Nhưng tin tôi rằng tiêu chí “không tổn hại người khác” và “giúp bản thân đạt một sức khỏe tối thiểu” là những cột mốc khả thi cho mỗi cá nhân trên hành trình chữa lành.

Tuy nhiên, cũng không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho sang chấn là nhân tố phát sinh bạo hành Một nghiên cứu khác ở Anh cũng cho thấy thực chất đa số nạn nhân có sang chấn tâm lý không có hành vi bạo lực trong tương lai.

Vì vậy, mặc dù hậu quả của chiến tranh rất nặng nề, và sang chấn có thể xuyên thế hệ, chúng ta vẫn có thể đấu tranh cho một thế giới mà sang chấn không định đoạn hành vi hay khiến chúng ta làm đau người kế bên.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Nguyễn Tường Linh, sinh viên ngành Tâm Lý học, Đại học Niagara, New York, Hoa Kỳ.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen