Seite auswählen

„dự án thành lập Viện Bảo Tàng Quốc Gia Chiến Tranh Việt Nam được hoàn tất để xây dựng một cơ sở tầm vóc quốc gia nhằm làm trung tâm giáo dục về thời đại của Chiến Tranh Việt Nam cho quần chúng thuộc mọi lứa tuổi, mọi sắc dân và khuynh hướng chính trị.“

 

Đỗ Văn Phúc 

Chín tháng trước đây, ngày 25 tháng 6, 2022, Viện Bảo Tàng Quốc Gia về Chiến Tranh Việt Nam (The National Vietnam War Museum) được khánh thành tại Mineral Wells, một thành phố nhỏ cách trung tâm thành phố Fort Worth chừng 48 dặm, khoảng một giờ xe.

Nhìn qua những hình ảnh trong và ngoài của buổi lễ khánh thành, chúng tôi đã chạnh lòng vì thấy thiếu những biểu tượng của phía Việt Nam Cộng Hòa, trong khi đó, lại có hai nơi trưng bày hình ảnh của du kích Việt Cộng. Chúng tôi đã viết ngay một bài nhan đề “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” để nói lên sự thất vọng của chúng ta khi những người đóng vai trò chính yếu, hy sinh lớn lao nhất lại bị quên lãng.

Ban Giám Đốc Viện Bảo Tàng đã nghe được lời than phiền này!

Tháng Ba năm nay, ông Wayne Sanderson đã thay mặt Hội Đồng Quản Trị gửi thư mời nhiều nhận vật Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Dallas-Fort Worth đến Mineral Wells để tham dự một cuộc họp hòng lắng nghe ý kiến của chúng ta và họ cũng trân trọng mời một hai thành viên tham gia vào Hội Đồng Quản Trị hay Cố Vấn.

Một đoàn Việt Nam sáu người đã dự cuộc họp diễn ra lúc 2 giờ chiều ngày 18 tháng 3, 2023 trong đó có ông bà Tiến Sĩ Phan Quang Trọng (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ), ông bà Đỗ Hạnh và Thu Nga (Giám Đốc Đài Phát Thanh Saigon-Dallas), bà Lê thị Kim Oanh (Hội Người Mỹ Gốc Việt Bắc Texas) và tác giả bài này.

Ông John Hyatt đã hướng dẫn đoàn Việt Nam đi từng phòng triển lãm để giới thiệu trước khi chính thức vào cuộc họp. Ngay phòng ngoài cùng của Viện Bảo Tàng có trưng bày và bán các phù hiệu, decals, tranh, lịch, những mòn lưu niệm về các đơn vị Quân Lực Hoa Kỳ.  Cuộc chiến Việt Nam được trình bày theo trình tự thời gian; khởi đi từ chiến tranh Pháp Việt, qua giai đoạn Quốc Cộng, Hoà Đàm Paris và kết thúc ở cuối vòng.

Theo lời giải thích, phần hiện hữu tại khuôn viên chỉ mới hoàn tất ở giai đoạn một. Giai đoạn hai sẽ thêm vào mội building để trưng bày về những biến cố lớn ở Hoa Kỳ trong giai đoạn chiến tranh; những sa bàn các trận đánh lớn (như trận Ia Drang, Vịnh Bắc Bộ, cuộc hành quân Ranch Hand); các trưng bày về hoạt động chiến tranh đặc biệt, Việt Nam Hoá Chiến Tranh, Tết Mậu Thân, hành quân Kampuchea, Lam Sơn 719…

Về phần Việt nam, sẽ mở ra những phòng để giới thiệu về văn hoá, lịch sử Việt Nam qua 4000 năm. Trong đó sẽ có các chủ đề: quan hệ Việt-Hoa, Việt-Pháp; Nam-Bắc (thời chiến  tranh chống xâm lăng bắc Cộng); mối quan hệ nông thôn – thành thị;  những tranh chấp chính trị, tôn giáo; các sắc dân thiểu số vân vân. Đặc biệt sẽ dựng lên mô hình một đường phố tiêu biểu của miền Nam.

Với dự án lớn lao này, việc tiến hành đòi hỏi những nỗ lực rất lớn trong việc quảng bá và quyên góp vì chi phí sẽ lên trên dưới một triệu đô la. Trong tương lai, Viện Bảo Tàng sẽ tổ chức một lễ đặt viên đá xây nền móng cho cơ sở của giai đoạn hai với những chương trình đặc biệt, hấp dẫn.

Tiến Sĩ Phan Quang Trọng và tôi đã nhận lời tham gia vào Hội Đồng Quản Trị với tư cách đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ về quá trình hình thành của Bảo Tàng Viện.

 

Vào năm 1998, dự án thành lập Viện Bảo Tàng được hoàn tất để xây dựng một cơ sở tầm vóc quốc gia nhằm làm trung tâm giáo dục về thời đại của Chiến Tranh Việt Nam cho quần chúng thuộc mọi lứa tuổi, mọi sắc dân và khuynh hướng chính trị.

Qua năm 1999, Viện Bảo Tàng được Tiểu Bang Texas chính thức thừa nhận là một hiệp hội bất vụ lợi có qui chế 501 (c). Viện được xây dựng trên một lô đất rộng 12 mẫu tây ở thành phố Mineral Wells, cách Fort Worth khoảng 50 dặm. Ngoài Board of Directors (Hội Đồng Quản Trị ) gồm 13 người, còn có Board of Visitors (tạm dịch là Hội Đồng Tham Vấn) là cơ quan quản lý ở mức cao nhất có quyền quyết định chính sách và phê chuẩn ngân sách. Viện Bảo Tàng cũng lập ra các mối liên lạc để bảo trợ với các tổ chức cựu chiến binh trên toàn quốc để quảng bá và thu nhận hội viên.

Viện Bảo Tàng sẽ là nơi để tìm hiểu về lực lượng quân sự 2.7 triệu chiến sĩ Hoa Kỳ và những nhân viên dân chính Mỹ đã từng tham dự trong cuộc chiến Việt Nam; cũng bao gồm luôn nhân dân Việt Nam với nền văn hoá và lịch sử; và cũng không quên những quần chúng Mỹ ở hậu phương, không phân biệt những người ủng hộ hay chống đối chiến tranh.

Tuy Mineral Wells là một thành phố nhỏ, nhưng quanh đó là một nơi tụ hội nhiều trọng điểm lịch sử và thắng cảnh như: Fort Wolters là nơi có trường phi hành mà hàng trăm sĩ quân Không Lực Việt Nam từng theo học để trở thành phi công trực thăng,  Công Viên Thảo Mộc Clark Gardens Botanical Park, Công Viên Hồ Mineral Wells (Lake Mineral Wells State Park), Old Jail Museum, Little Rock Schoolhouse Museum, W.K. Gordon Center for Industrial History, Possum Kingdom State Park…

Thăm Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam để nhớ lại những kỷ niệm đáng quí; đóng góp tài lực cho dự án của Viện Bảo Tàng là giúp duy trì hình ảnh và tiếng nói của chúng ta cho người bản xứ và các thế hệ sau của chúng ta hiểu biết về một giai đoạn bi hùng xa xưa.

Chúng tôi sẽ có thông báo về việc quyên góp tài chánh. Trước mắt, xin quí vị sẵn sàng hiến tặng những di vật của QLVNCH gồm có: Huy hiệu, phù hiệu, quân phục, tài liệu, bằng chuyên môn, vân vân. Phải là các món nguyên gốc làm trước tháng 4, 1975, không phải hàng mới làm lại  sau này ngoại trừ sách báo liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Sau đây là địa chỉ, website và trang Facebook của Viện Bảo Tàng:

12685 Mineral Wells Highway, Weatherford, Texas

https://www.nationalvnwarmuseum.org/

https://www.facebook.com/nationalvietnamwarmuseum

 

VNTB (24.03.2023)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen