Seite auswählen

Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi

 

 

 

  • Giải pháp nào cho số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại ở Thái Lan

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 30 tháng 3, 2023

http://machsongmedia.org

LM Prayoon (Peter) Namwong, vị ân nhân của những ai từng ở trại Sikiew năm xưa, lần nữa kêu gọi các bên hữu trách hãy giải quyết định cư số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan sau khi chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada dành cho họ đã kết thúc. Trong lời kêu gọi ngày 20 tháng 1, 2023, LM Namwong xác nhận nhiều gia đình còn kẹt ở Thái Lan là cựu thuyền nhân ở trại Sikiew trước đây.

Không kể 6 hồ sơ bị mất liên lạc và 8 hồ sơ hoặc đã hồi hương hoặc đang lánh nạn sang một quốc gia khác trong vùng, hiện có 14 hồ sơ cựu thuyền nhân gồm 26 người bị bỏ rơi lại Thái Lan.

Father_Namwongs_writing.jpg

Hình 1 — Thủ bút của LM Namwong, ngày 20/01/2023

Bất công

Trong khi 14 hồ sơ, gồm 26 cựu thuyền nhân, bị bỏ rơi lại, thì cũng có 14 hồ sơ, gồm 34 người, hoàn toàn không đủ điều kiện lại thay họ đi định cư Canada, bao gồm:

  • 7 hồ sơ gồm 19 người không hề là cựu thuyền nhân
  • 7 hồ sơ gồm 15 người là cựu thuyền nhân đã hồi hương và không hề lưu lạc, vô tổ quốc

Ngoài ra, có 7 hồ sơ gồm 16 người là cựu thuyền nhân sang tị nạn lần 2 ở Thái Lan vì những hoạt động sau khi hồi hương. Lẽ ra họ phải qua thủ tục cứu xét tư cách tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ y như người mới đến Thái Lan lần đầu. Nhưng họ đã giả làm cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm ở Thái Lan để đi định cư tắt theo chương trình nhân đạo của Canada.

Năm 2011, tôi cùng với Ts. Lê Duy Cấn gặp gỡ một nhóm cựu thuyền nhân vừa chạy sang Thái Lan. Chỉ một số ít đến với luật sư của BPSOS để làm đơn xin quy chế tị nạn với CUTN/LHQ; số còn lại chẳng thiết tha gì việc này. Dò lại danh sách của thành phần này, tôi chợt nghĩ rằng ý hướng của họ ngay từ đầu là “ăn gian” và họ đã ăn gian thành công.

Dr._Thang_and_Dr._Can.jpg

Ts. Thắng và Ts. Cấn cùng với 2 cựu thuyền nhân vừa trở lại Thái Lan, Bangkok, ngày 10/06/2011 (ảnh BPSOS)

Không phải lần đầu

Cuối năm 2017, LM Namwong từng lên tiếng kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi và ngỏ ý muốn gặp tôi ở Thái Lan để bàn việc này. Đáp lại, tôi nhờ anh Vũ Hoàng Hải ở Nam Cali làm hẹn để mời LM Namwong đến văn phòng của BPSOS ở Bangkok.

Tôi mời Ông Nam Lộc, lúc ấy trong Hội Đồng Quản Trị của VOICE, từ Hoa Kỳ đến Thái Lan để họp chung. Cũng hiện diện tại buổi họp còn có cựu Đại Sứ Joseph Rees, tư vấn thâm niên của BPSOS về các đề xuất quốc tế. Ông Võ Văn Dũng, có biệt danh là Dũng Loa, cũng có mặt vì là người chở LM Namwong đến nơi họp. Đó là ngày 14 tháng 11, 2017.

LM Namwong khẩn khoản kêu gọi giải quyết định cư cho số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi, mà phần lớn đang sống quanh nơi ở và làm việc của nhà tu hành này. LM Namwong cho biết là cảnh sát Thái Lan sắp đến sẽ kiểm soát gắt những người cư trú bất hợp pháp. Nếu bị bắt thì không chỉ họ bị phạt tù mà người chứa chấp họ cũng bị phạt tiền rất nặng mà LM Namwong e sẽ không cáng đáng nổi.

Tôi trả lời là BPSOS không thể giúp các cựu thuyền nhân này định cư theo chương trình nhân đạo của Canada vì đó là công việc và trách nhiệm của VOICE. Tôi hứa với LM Namwong là các luật sư của BPSOS sẽ giúp các cựu thuyền nhân làm đơn xin cứu xét tư cách tị nạn với CUNT/LHQ; nếu được quy chế tị nạn thì họ có thể đi định cư theo diện tị nạn, và không cần đến chương trình định cư nhân đạo đã đóng của Canada. Những ai không được quy chế tị nạn thì VOICE phải giải quyết định cư cho họ.

Ông Nam Lộc hứa chuyển lời kêu gọi của LM Namwong đến VOICE.

Định cư nhân đạo và định cư tị nạn

Các quốc gia đệ tam chỉ nhận định cư tị nạn những ai đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn và chuyển hồ sơ đến cho họ. Chính phủ Canada, qua sự vận động của Liên Hội Người Việt Canada, mở ra một ngoại lệ dành riêng cho các cựu thuyền nhân Việt Nam không có quy chế tị nạn và đã sống lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm ở Thái Lan sau khi trại Sikiew đóng cửa. Theo đó, chính phủ Canada, với sự đồng ý của chính phủ Thái Lan và CUTN/LHQ, nhận định cư nhân đạo các cựu thuyền nhân này mà không đòi hỏi quy chế tị nạn.

Ts. Lê Duy Cấn nói đến ở trên là người đã thay mặt Liên Hội Người Việt Canada ký thoả thuận thư với chính phủ Canada về chương trình định cư nhân đạo này. Ông đã giao khoán phần thực hiện cho VOICE.

Khi chương trình định cư nhân đạo này đóng lại, nhiều cựu thuyền nhân tri hô lên là đã bị bỏ rơi. Cuối năm 2017, tôi sắp xếp để LM Namwong lên tiếng cho họ với VOICE, qua Ông Nam Lộc.

Giữ lời hứa với LM Namwong, luật sư của BPSOS đã can thiệp thành công để CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn cho 7 hồ sơ gồm 11 người. Nay họ có thể định cư theo diện tị nạn ở một quốc gia đệ tam.

Số 7 hồ sơ còn lại, gồm 15 người, nếu muốn xin quy chế tị nạn thì sẽ phải mất nhiều năm nữa, chưa kể CUTN/LHQ đang chuyển giao cho chính phủ Thái Lan tiến trình “thanh lọc” người xin tị nạn. Khi ấy sẽ có vô vàn rủi ro. Cách tốt hơn và bảo đảm hơn là Liên Hội Người Việt Canada vận động chính phủ Canada mở lại chương trình nhân đạo cho họ.

Nhiều lần đôn đốc

Từ năm 2019, tôi đã nhiều lần liên lạc cách riêng với những người chủ chốt của Liên Hội Người Việt Canada để kêu gọi giải pháp này nhưng đến nay vẫn chưa có sự đáp ứng.

Cuối tháng 1 năm 2023, do không còn cách nào khác hơn, một số cựu thuyền nhân đích thân liên lạc với Liên Hội Người Việt Canada và VOICE Canada để kêu gọi 2 tổ chức này chung sức giải quyết tình trạng bị bỏ rơi.  Họ gửi lá thư chung, với thủ bút yểm  trợ của LM Namwong, để đề nghị:

1.     VOICE Canada hãy dùng tiền đã gây quỹ còn dư để ưu tiên định cư tất cả các cựu thuyền nhân, kể cả những người đã có hoặc không có quy chế tị nạn. Chúng tôi được biết là phần lớn những đợt được định cư trước đây đã không dùng hết số tiền ký quỹ cho họ. Chúng tôi cũng biết từ trang Facebook của cô Grace Bùi rằng VOICE Canada đã định cư người không có quy chế tị nạn.

2.     Liên Hội Người Việt Canada cần đòi hỏi VOICE Canada thực thi yêu cầu kể trên của chúng tôi khi được uỷ thác việc gây quỹ và lập hồ sơ cho chương trình định cư nhân đạo đặc biệt của Canada dành cho các cựu thuyền nhân Việt Nam. Là tổ chức ký thoả thuận thư về chương trình này, Liên Hội Người Việt Canada không những có trách nhiệm đối với chính phủ Canada mà còn có trách nhiệm đối với các mạnh thường quân đã đóng góp tài chánh và đặc biệt đối với các cựu thuyền nhân là đối tượng của chương trình.

Sau nhiều lần nhắc nhở, đến nay các cựu thuyền nhân ký thư chung vẫn chưa nhận được hồi âm.

Đổ lỗi

Thay vì mở lối thoát cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi, có người thuộc tổ chức hữu trách đã đổ lỗi là vì họ lên tiếng ầm ĩ nên chính quyền Canada ngưng nhận định cư nhân đạo. Thực ra, các cựu thuyền nhân này chỉ lên tiếng sau khi chương trình này đã đóng và vì hồ sơ của họ đã không được nộp cho chính phủ Canada.

Lại có người cùng tổ chức ấy đổ thừa cho LM Namwong là người cung cấp danh sách cựu thuyền nhân trực tiếp cho Sở Di Trú Canada, cho nên hồ sơ bị bỏ sót là do lỗi của LM Namwong. Đó là vu oan; chính nhà tu hành này đã nhiều lần bất bình lên tiếng cho những cựu thuyền nhân bị bỏ rơi.

Đôi dòng về LM Namwong

LM Namwong, gia đình là người Việt di cư sang Thái Lan nhiều thế hệ trước, là vị cứu tinh của nhiều người Việt ở trại Sikiew. Chính LM Namwong đã lén chuyển thông tin, kèm với hình ảnh, từ trại Sikiew cho BPSOS để vận động Quốc Hội Hoa Kỳ và quốc tế – việc làm này nguy hiểm cho chính bản thân của LM Namwong nếu bị chính quyền Thái phát giác.

Một trong số các tấm hình đó là cảnh một nữ thuyền nhân khi nhập viện vẫn bị xích chân. Nó nói lên thân phận của đồng bào thuyền nhân lúc bấy giờ. Chúng tôi treo tấm hình này thường trực tại văn phòng trung ương của BPSOS để tưởng nhớ đến giai đoạn hết sức đen tối trong lịch sử thuyền nhân vượt biển tìm tự do.

Woman_in_chain.jpg

Hình 3 – Phụ nữ Việt bị xích chân khi nhập viện từ trại Sikiew

Lời kêu gọi trách nhiệm

Khi đánh bạo lên tiếng, các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lo ngại các đòn đánh phủ đầu để bịt miệng. Để che chắn cho họ, ngày 10 tháng 2, 2023, BPSOS chính thức lên tiếng và đặt vấn đề trách nhiệm với Liên Hội Người Việt Canada. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng.

Đồng thời, chúng tôi sẽ từng bước bạch hoá thông tin cho thấy họ bị bỏ rơi trong khi những người không đủ điều kiện lại lên đường định cư. Chúng tôi có những thông tin này vì:

  1. BPSOS nắm hồ sơ của nhiều cựu thuyền nhân trước đây ở trại Sikiew.
  2. Khi phỏng vấn các hồ sơ cựu thuyền nhân để định cư theo chương trình nhân đạo, phái đoàn Canada đã sử dụng 2 nhân sự của BPSOS làm thông dịch viên.

Tôi kêu gọi những thành phần hữu trách, vì lương tri, hãy ngưng ngay hành vi đổ lỗi cho một nhà tu hành đã hết lòng cưu mang người tị nạn Việt Nam và cũng ngưng ngay chiêu đánh phủ đầu nạn nhân là các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi. Thay vào đó, hãy thực tâm góp phần tìm giải pháp có hậu cho họ, những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng.

Tôi cũng kêu gọi các người làm truyền thông có lương tâm đứng về phe của kẻ yếu thế, của các nạn nhân của sự bất công, của các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan.

Thông tin liên quan:

Ông Trần Thanh Mẫn: “hết đời người” mắc kẹt ở Thái Lan
https://machsongmedia.org/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1915-ong-tran-thanh-man-het-doi-nguoi-mac-ket-o-thai-lan.html

Ông Sơn Doành: 8 năm để có quy chế tỵ nạn tại Thái Lan
https://machsongmedia.org/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1912-ong-son-doanh-8-nam-de-co-quy-che-ty-nan-tai-thai-lan.html

Bà Thạch Thị Phay: Một cuộc đời quá đỗi bất hạnh và nỗi khao khát gặp lại con dù chỉ một lần…
https://machsongmedia.org/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1914-song-chi-mot-cuoc-doi-qua-doi-bat-hanh-va-noi-khao-khat-gap-lai-con-du-chi-mot-lan.html

Còn nhiều cựu thuyền nhân đang không lối thoát ở Thái Lan
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1901-con-nhieu-cuu-thuyen-nhan-dang-khong-loi-thoat-o-thai-lan.html

Kêu gọi lòng trắc ẩn cho một cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1891-keu-goi-long-trac-an-cho-mot-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi-o-thai-lan.html

Thêm cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan cầu cứu
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1892-them-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi-o-thai-lan-cau-cuu.html

Thông Báo Gửi Đồng Bào Cựu Thuyền Nhân Còn Kẹt Ở Thái Lan
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1889-thong-bao-gui-dong-bao-cuu-thuyen-nhan-con-ket-o-thai-lan.html

Các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan: Cảnh đời tương phản giữa thật và giả

 

 

  • Gia đình 4 người bị bỏ rơi sống ra sao khi một gia đình 4 người khác, không đủ điều kiện, lại đi định cư?

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 2 tháng 4, 2023

http://machsongmedia.org

Hiện có 14 hồ sơ cựu thuyền nhân bị bỏ rơi, gồm tổng cộng 26 người, mà chúng tôi còn liên lạc hoặc biết là còn ở Thái Lan. Trong khi đó, cũng có đúng 14 hồ sơ, gồm 34 người, hoàn toàn không đủ điều kiện nhưng đã định cư Canada theo chương trình lẽ ra dành cho số người kia, bao gồm:

  • 7 hồ sơ gồm 19 người không hề là cựu thuyền nhân
  • 7 hồ sơ gồm 15 người là cựu thuyền nhân đã hồi hương và không hề lưu lạc, vô tổ quốc

Đây là một trong loạt bài nêu lên sự tương phản giữa cảnh đời của những cựu thuyền nhân bị bỏ rơi và của những người không đủ điều kiện đã thay họ đi định cư.

Cựu thuyền nhân thật

Ông Sơn Doành, cựu thuyền nhân ở trại Sikiew, cùng vợ và 2 con đã bị bỏ rơi lại Thái Lan dù đã ghi danh với LM Prayoon Peter Namwong và lập hồ sơ với VOICE năm 2015. Họ tiếp tục sống bất hợp pháp ở Thái Lan và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt, tống giam.

Pic_1_-_Son_Doanh_Luu_Thi_Yen.jpg

HÌnh 1 – Vợ chồng Bà Lưu Thị Yến và Ông Sơn Doành, dù trong cảnh cơ cực vẫn hướng về một Việt Nam tự do, dân chủ

Pic_2_-_Son_Doanh_family_members.jpg

Hình 2 – Vợ chồng Ông Sơn Doành và Bà Lưu Thị Yến và 2 người con trai Sơn Tín Mậu và Sơn Thục Tảo

Để kiếm sống, họ đi xin rau củ mà người Thái bỏ đi, đem về nhà lặt ra phần chưa hư hỏng để đem ra chợ bán lén với giá rẻ. Nếu bị nhân viên bảo vệ khu chợ bắt, họ phải nộp phạt mỗi lần là 500 Baht (15 USD).

Người vợ, Bà Lưu Thị Yến, bị nhiều bệnh mãn tính, áp huyết cao, đường trong máu, bướu trong não, nhưng không có tiền chữa trị.

Chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada là dành cho những cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm như họ, nhưng họ đã bị bỏ rơi.

Pic_3_-_Son_Doanhs_livelihood.jpg

Hình 3 – Cả nhà lặt rau củ để bán ngoài chợ

Để hiểu rõ hơn hoàn cảnh bị bỏ rơi của họ, xem lời trần tình của Ông Sơn Doành: https://www.facebook.com/watch/?v=884283772720530

và của anh Sơn Tín Mậu, người con trai lớn: https://www.facebook.com/TinanThailan/videos/1371513400329935

Cựu thuyền nhân giả

Trong khi đó một gia đình 4 người không hề là thuyền nhân đã định cư Canada ngày 10 tháng 6, 2017 và được mô tả qua bản tin dưới tựa đề “Trạm Cuối Đến Tự Do”: “Hôm nay, một trong những số phần khốn khổ đó, gia đình anh Nguyễn Việt Trung vừa được hưởng ‘phần tỵ nạn’ của mình dưới sự bảo trợ của VOICE và VOICE Canada.”

Trong hồ sơ nộp cho chính phủ Canada, họ được khai là cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc 27 năm ở Thái Lan.

Pic_4_-_Nguyen_Viet_Trung_and_family_at_Bangkok_Airport.png

Hình 4 – Gia đình Nguyễn Việt Trung, tại phi trường Bangkok trên đường đến Canada, được giới thiệu là 27 năm lưu lạc, vô tổ quôc ở Thái Lan

Pic_5_-_Nguyen_Viet_Trung_and_family_at_Pearson_Airport.png

Hình 5 – Gia đình của Ông Nguyễn Việt Trung được đón tiếp nồng hậu tại phi trường Pearson, Toronto, ngày 10 tháng 6, 2017

 

Pic_6_-_Nguyen_Viet_Trung_welcomed.png

Hình 6 – Gia đình Ông Nguyễn Việt Trung, vợ là Quỳnh Giao, và 2 con chụp hình lưu niệm ngày đầu ở Canada, ngày 10 tháng 6, 2017

 

Chưa đầy 3 tháng trước ngày lên đường định cư Canada, cô con gái lớn của họ còn khoe ảnh đi chơi Vũng Tàu, Việt Nam. Gia đình này nhởn nhơ sống trong cảnh sung túc, đi đi về về hợp pháp giữa Việt Nam và Thái Lan, nơi họ mở công ty du lịch. Họ chẳng lưu lạc gì, chẳng hề vô tổ quốc.

Pic_7_-_Nguyen_Ngoc_Phuong_Uyen_in_Vung_Tau.png

Hình 7 – Cô con gái lớn của Nguyễn Việt Trung, lúc ấy 7 tuổi, đi chơi Vũng Tàu, ngày 23 tháng 3, 2017

 

Pic_8_-_Nguyen_Ngoc_Phuong_Uyen_at_movie_theater_in_Vietnam.png

Hình 8 – Cô con gái lớn cùng cả nhà đi xi-nê ở Việt Nam, năm 2016

 

Pic_9_-_Nguyen_Viet_Trungs_family_with_Nguyen_Viet_Ha.png

Hình 9 – Ông Nguyễn Việt Trung (tên Thái là Teelek Jantharasaman) với vợ và con gái đón Tết ở Sàigòn cùng anh ruột là Ông Nguyễn Việt Hà và vợ là Bà Phạm Oanh, ngày 30 tháng 1, 2014

 

Gia thế của họ cho thấy gia đình này không cần và không đủ điều kiện định cư nhân đạo vào Canada. Cha của Ông Nguyễn Việt Trung có huân chương kháng chiến. Anh ruột, Ông Nguyễn Việt Hà, là sĩ quan bộ đội, có trung tâm nha khoa ở “Thành Phố Hồ Chí Minh”, và đã nhận nhiều bằng khen và huân chương của chế độ cùng với huy hiệu của đảng Cộng Sản. Vợ của Ông Hà cũng phục vụ trong quân đội nhân dân.

 

Pic_10_-_Nguyen_Viet_Ha_and_wife.png

Hình 10 — Ông Nguyễn Việt Hà; vợ là Bà Phạm Oanh

 

Pic_11_-_Nguyen_Viet_Ha_presented_certificate_of_30_years_in_VCP.jpg

Hình 11 – Ông Nguyễn Việt Hà được trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi đảng

 

 Pic_12_-_Nguyen_Viet_Ha_at_dentistry_center.png

Hình 12 – Ông Nguyễn Việt Hà tại trung tâm nha khoa mà ông ta là Giám Đốc

 

 Pic_13_-_certificates_of_recognition.png

Hình 13 – Các bằng khen, huy hiệu đảng, huân chương chiến sĩ vẻ vang, huân chương chiến công, huân chương kháng chiến…

 

Pic_14_-_certificates_of_recogntion_and_medals.png

Hình 14 – Các huân chương và huy hiệu phóng lớn

 

Gia đình nào xứng đáng để Canada định cư nhân đạo?

Gia đình của Ông Sơn Doành, vợ xa chồng, con xa cha vì chế độ cộng sản, kéo lê cuộc sống vất vưởng bất hợp pháp nơi xứ người, gian khổ từ đời bố mẹ đến đời con cái, tương lai mờ mịt. Chương trình định cư nhân đạo của Canada là dành cho và chỉ dành cho các người như họ — lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm ở Thái Lan, nhưng họ bị gạt ra ngoài.

Thay họ đi định cư lại là một gia đình có cuộc sống sung túc, được ân sủng của chế độ ở Việt Nam. Họ đang sống phây phây, hưởng thụ mọi tiện ích của đất nước Canada. Tháng 5 năm 2019 họ được giới thiệu với Thủ Tướng Justin Trudeau là những người tị nạn tiêu biểu và thành đạt đã được chính phủ Canada cưu mang qua chương trình định cư nhân đạo.

Đó là bất công. Đó là tráo trở. Đó là nhẫn tâm.

Pic_15_--_Nguyễn_Việt_Trung_với_Justin_Trudeau.png

Hình 15 – Gia đình Ông Nguyễn Việt Trung chụp hình lưu niệm với Thủ Tướng Canada, Toronto, ngày 23 tháng 5, 2019.

Pic_16_-_side_by_side_comparison.png

Hình 16 – Tương phản giữa thật và giả

Luật sư của BPSOS đã can thiệp thành công để gia đình 4 người của Ông Sơn Doành được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn năm 2021. Giờ đây gia đình này có lối thoát qua chương trình định cư tị nạn của các quốc gia đệ tam. Đọc thêm về câu chuyện của họ:

Có nhiều gia đình cựu thuyền nhân bị bỏ rơi không được may mắn như vậy và vẫn hoàn toàn không lối thoát. Tôi đã nhiều lần kêu gọi và lần nữa kêu gọi những thành phần hữu trách, vì lương tri, hãy thực tâm góp phần tìm giải pháp có hậu cho những thuyền nhân Việt Nam lưu lạc, vô tổ quốc cuối cùng.

Tôi cũng kêu gọi các người làm truyền thông có lương tâm đứng về phe của người yếu thế, của các nạn nhân của sự bất công, của các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan.

Thông tin liên quan:

Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1918-tu-thai-lan-linh-muc-namwong-keu-cuu-cho-cac-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi.html

Nam Lộc trả lời Nguyễn Đình Thắng

Calitoday

 

Thân gửi anh Thắng,

Tuần qua, vào ngày 30 tháng 3, 2023, trên một bài báo do chính anh viết, đăng trên Mach Song của BPSOS, có tựa đề là Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi”. Trong đó anh có nhắc đến tên tôi và cuộc hội ngộ của chúng ta với Cha Peter Namwong vào tháng 11, 2017. Mặc dù anh Thắng không hề buồn phiền hay trách cứ gì tôi cả, tuy nhiên có nhiều chi tiết trong các đoạn sau của bài viết rất thiếu sót và sai lạc, có thể tạo ra sự hiểu lầm, vì thế tôi xin phép được bổ túc, nhân tiện hỏi anh một số điều mà cá nhân tôi và nhiều người vô cùng thắc mắc.

Trước hết xin nói rõ thêm là, sau khi ban tổ chức buổi nhạc hội tại Houston vào tháng 10, 2017 (gây quỹ giúp cho BPSOS định cư đồng bào tị nạn VN, đang tạm trú ở Thái Lan), mời tôi làm MC, thì tôi nhận lời ngay, vì đối với tôi, bất cứ tổ chức nào tranh đấu hay hỗ trợ cho người tị nạn, thì chúng ta có bổn phận phải tiếp tay. Ngay sau đó, anh đã mời tôi đi Thái Lan để quan sát tình hình, đồng thời tiếp xúc và gặp gỡ người tị nạn đang chờ cơ hội được đi định cư. Nghe tin tôi sang Thái, vốn là chỗ quen biết và hoạt động gần gũi, cho nên một tuần trước khi lên đường, linh mục Namwong đã liên lạc với tôi và đề nghị là họp chung với anh Thắng, mục đích là để nhờ BPSOS tiếp tay giúp đỡ cho một số thuyền nhân được đi định cư. Ngài nói, vì những năm trước đã nhờ tổ chức VOICE giúp hơn 100 người rồi!

Nội dung buổi họp đó, linh mục Namwong chỉ yêu cầu BPSOS giúp bảo trợ cho các gia đình thuyền nhân còn lại đi định cư, nhưng không hề đưa ra một danh sách hay tên tuổi của người nào cả! Sau khi ngài từ giã chúng ta thì anh Thắng có nhờ tôi chuyển lời yêu cầu đó đến cho VOICE. Tôi rất đỗi ngạc nhiên và hỏi tại sao, thì lúc đó anh Thắng mới “tâm sự” rằng, BPSOS không có khả năng và hoàn cảnh để định cư người tị nạn! Tôi hỏi vậy tiền BPSOS gây quỹ của người Việt hải ngoại thì dùng vào việc gì? Anh Thắng trả lời: Để thuê các luật sư làm nhiệm vụ “cố vấn pháp lý” mà thôi! Và cũng chính vì lẽ đó nên tôi đã không còn tham dự vào các cuộc gây quỹ của BPSOS sau này nữa.

Trở lại với bài viết Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi”, anh Thắng có đưa ra mối quan tâm sâu xa về các gia đình thuyền nhân, đặc biệt là một số người mà anh cho rằng họ đã bị “bỏ rơi”? Điều này đưa tôi đến những điểm thắc mắc sau đây:

1. Tại sao trong suốt thời gian công tác ở Thái Lan với BPSOS, anh Thắng KHÔNG GIỚI THIỆU TÔI VỚI BẤT CỨ MỘT GIA ĐÌNH THUYỀN NHÂN NÀO CẢ? Thay vào đó anh đã đích thân đưa tôi đi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết, một người tị nạn từ Hải Phòng, vượt biên qua Hong Kong, bị trục xuất về VN năm 1994. Sau đó tìm đường sang Thái Lan tị nạn. Gia đình thứ 2 anh Thắng giới thiệu với tôi là gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, một công nhân cũng từ miền Bắc VN, đi lao động tại Jordan, nhưng đã trốn qua Thái Lan xin tị nạn. Tiếp đó anh đưa tôi đến gặp mục sư Sung Seo Hoa, là người gốc H’mong, cùng một số tín đồ của ông.

(Hình TS Thắng và tôi chụp tại nhà bà Luyến có mặt ông Thuyết và gia đình của họ trong một buổi cơm tối)

Qua ngày hôm sau, có lẽ vì bận nên anh đã giao tôi cho cháu Jack, một cậu người Việt gốc Thượng tên thật là Y Phic Hđơk, Jack cho biết, ông Thắng bảo đưa đến thăm các gia đình người thiểu số gốc Tây Nguyên mà thôi. Tuy nhiên đối với tôi người tị nạn nào cũng đáng thương và đáng cần giúp đỡ. Tất cả đều là người VN, đặc biệt là các cựu tù nhân lương tâm hay những nhà đối kháng đang bị CSVN truy lùng khiến họ phải lánh nạn ở Thái Lan.

2. Trước khi từ giã Thái Lan để trở về Hoa Kỳ, anh Thắng có khẩn khoản nhờ tôi chuyển lời với tổ chức VOICE Canada để giúp bảo trợ cho gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết và bà Nguyễn Thị Luyến. VOICE đã nhận lời yêu cầu này và đưa họ vào danh sách 50 người mà VOICE Canada nộp cho bộ di trú Canada để xin bảo lãnh. Vào ngày 18, tháng 8, 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết gồm 5 người đã đến định cư tại Toronto và sau đó vào ngày 6, tháng 10, 2022, thì gia đình bà Nguyễn Thị Luyến gồm 6 người, cũng đã đặt chân đến bến bờ tự do qua sự bảo lãnh của tổ chức VOICE Canada và các nhà mạnh thường quân giàu lòng nhân đạo tại quốc gia này. TÔI NGHĨ ANH THẮNG NỢ VOICE CANADA MỘT LỜI CẢM ƠN! Thiết tưởng, nếu lúc đó anh Thắng đưa tên của các gia đình thuyền nhân mà anh hay nhắc đến sau này như ông Sơn Doành hoặc bà Thạch Thị Phay cho VOICE, thì không chừng họ cũng đã đến Canada.

Cần nhắc thêm ở đây là, cho đến ngày hôm nay trong tổng số 50 người mà VOICE Canada xin bảo lãnh, thì 34 người đã được bộ di trú Canada phỏng vấn và chấp thuận cho định cư tại Canada. Gồm có 14 cựu thuyền nhân, 9 người thuộc diện tù nhân lương tâm, 6 thuộc diện xuất cảnh lao động, và 5 là nạn nhân Formosa (trong đó có cả 11 người tị nạn do anh Thắng giới thiệu). Hiện còn 16 người nữa đang chờ thủ tục nhập cảnh. Những người này đã từng bị ông NTT, tung tin thất thiệt và bịa đặt trên các kênh YouTube mà ông ta một thời huyên hoang, cho đến khi bị cộng đồng người Việt khám phá ra bộ mặt thật, là tay sai CS, khi ông ấy xuất hiện trên các cơ quan truyền thông của nhà nước CSVN.

(Lời tuyên bố láo lếu của NTT về hồ sơ 50 đồng bào tị nạn VN được VOICE Canada bảo lãnh)

3. Chúng ta cũng không nên quên công sức của VOICE Canada trong thời gian qua, ngoài số 50 hồ sơ tị nạn tại Thái Lan, họ cũng đã thành công trong việc tranh đấu và vận động cho 3 gia đình thuyền nhân gồm 27 người, đã bị nước Úc trục xuất về VN vào năm 2015. Sau khi ra tù họ lại tiếp tục vượt biển và cuối cùng tất cả đã được VOICE Canada phối hợp với cộng đồng người Việt tại Úc Châu giúp định cư tại Canada trong năm 2022. Là một cơ quan có tên là “Cứu Người Vượt Biển/Boat People SOS”TÔI NGHĨ MACH SONG MEDIA CỦA ANH NỢ NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI NHỮNG BẢN TIN ĐẦY TÌNH NGƯỜI VÀ LÒNG NHÂN ÁI NHƯ TRÊN! TÔI THẮC MẮC, TẠI SAO KHÔNG BAO GIỜ ANH PHỔ BIẾN CÁC BẢN TIN LIÊN QUAN ĐẾN THUYỀN NHÂN NHƯ THẾ?   

(Video phỏng vấn các gia đình thuyền nhân VN từ Indonesia)

4. Thắc mắc thứ tư của tôi là BPSOS chỉ là một NGO (Non Governmental Organization) tức là một tổ chức Phi Chính Phủ, tương tự như Liên Hội Người Việt Canada hoặc như tổ chức VOICE, vậy thì anh Thắng lấy tư cách gì mà “nhắc nhở, trách cứ hay đôn đốc” họ? Tại sao anh không tự đứng ra làm? Tôi biết BPSOS có rất nhiều cơ sở kinh doanh về dịch vụ di trú ở nhiều nơi trên đất Mỹ, bảo lãnh hôn nhân, hoặc đưa du học sinh từ VN sang HK. Vậy tại sao anh không hợp tác với VOICE hoặc liên kết với các tổ chức cộng đồng ở Canada để “cứu người vượt biển” như chủ trương và đường lối của BPSOS? Anh thường cho biết là có nhiều mối liên hệ với các quan chức cao cấp trong cộng đồng người Việt tại quốc gia này, và nếu tôi không lầm thì chị nhà sau này của anh cũng là dân Canadian gốc Việt? Nhiều người vẫn thường nói đùa, “giám đốc”, chứ không “dám làm”. Tôi hy vọng là anh không nằm trong trường hợp đó!

5. Thắc mắc tiếp theo của tôi là, cũng trong bài viết, anh có nhắc đến một vài trường hợp mà anh cho là “không đủ điều kiện” để được định cư? Là một NGO, ăn lương và nhận funding của chính phủ cùng nhiều tổ chức tài trợ khác, tôi thiết nghĩ anh Thắng CÓ BỔN PHẬN PHẢI ĐƯA CÁC TRƯỜNG HỢP GIAN LẬN ĐỂ NHẬP CẢNH CANADA LÊN CHO CÁC GIỚI CHỨC TRÁCH NHIỆM CỦA QUỐC GIA NÀY để họ điều tra và truy tố những kẻ phạm pháp! Vậy tại sao anh không làm mà cứ lập đi, lập lại trên Mach Song Media những chi tiết mà trước đây NTT đã bịa đặt với mục đích bôi nhọ và vu cáo người khác? Họ đâu có phương tiện báo chí hoặc thì giờ ngồi viết mỗi ngày như anh?

(Hình TS Thắng và tôi chụp với các người tị nạn gốc H’mong)

6. Sau cùng, trong tình thân cùng mối giao hảo lâu năm, tôi đề nghị anh hãy tập trung vào kế hoạch “Bảo Lãnh Tư Nhân” mà chính phủ HK vừa phát động. Chúng ta có đến hơn 1000 người như ông Sơn Doành và bà Thạch Thị Phay đang chờ đợi để được giúp đỡ ở Thái Lan. BPSOS và các tổ chức hay cá nhân khác có lòng, hãy dồn sức vào nỗ lực vận động và chuẩn bị nộp đơn để bảo trợ cho họ. Còn quá nhiều việc quan trọng phải làm thay vì chỉ ngồi viết để chống đối hay chỉ trích người khác vì tham vọng cá nhân của mình.

(Hình gia đình ông Thuyết đến Canada)

Thưa anh Thắng, tôi vừa nhận lời yêu cầu của Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS) để đảm nhiệm chức vụ Đại Sứ Quốc Tịch thêm một nhiệm kỳ nữa. Vào trung tuần tháng Năm này, sau khi trở về từ Thái Lan, tôi sẽ bay lên Hoa Thịnh Đốn để tham dự một cuộc họp với Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An Hoa Kỳ. Nếu anh không đi đâu trong thời gian đó, tôi rất mong được gặp anh để trao đổi thêm tin tức. Và nếu BPSOS nhập cuộc, quyết định đứng ra BẢO LÃNH ĐỊNH CƯ NGƯỜI TỊ NẠN, thì tôi, không những chỉ MC các chương trình gây quỹ của BPSOS mà còn mang 41 năm kinh nghiệm trong lãnh vực định cư, sẵn sàng ủng hộ và tiếp tay anh như đã từng làm trước đây, nếu anh cần đến sức mọn của tôi.

Chúc anh luôn vui khỏe và bình an,

Nam Lộc

Đại Sứ Quốc Tịch, Sở Di Trú Hoa Kỳ

Thành Viên Hội Đồng Quản Trị, Cơ Quan Thiện Nguyện USCRI

Đề nghị với Ông Nam Lộc giải pháp cho các đồng bào vô tổ quốc bị bỏ rơi ở Thái Lan

 

 Ngày 13 tháng 4, 2023

http://machsongmedia.org

Thưa anh Nam Lộc,

Trước hết, tôi xin đề nghị giải pháp cho số đồng bào cựu thuyền nhân (và bộ nhân) bị bỏ rơi lại ở Thái Lan, gồm 3 điểm:

  1. Anh hãy đốc thúc VOICE Canada trình báo với Sở Di Trú (IRCC) những trường hợp có dấu hiệu gian lận đã lấy mất chỗ của những người xứng đáng.
  2. Trên căn cứ đó, anh hãy yêu cầu Liên Hội Người Việt Canada (LHNV-Canada) vận động chính phủ mở lại chương trình định cư cho những người xứng đáng nhưng bị bỏ rơi.
  3. Trong chuyến đi Thái Lan sắp đến, anh hãy tiếp xúc trực tiếp với số đồng bào bị bỏ rơi để thu thập thông tin cần thiết cho 2 nỗ lực trên.

Xin lưu ý, chương trình nhân đạo của Canada là chương trình đặc biệt chỉ dành cho các người Việt sống không quy chế lâu năm ở Thái Lan, khác với chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn vẫn có của Canada:

  1. Chương trình định cư nhân đạo đặc biệt: Đối tượng chỉ cần xác minh là đã từ Việt Nam đến Thái Lan trong các năm 1984 – 1991 và đang không có quy chế tị nạn hoặc bất kỳ quy chế hợp pháp nào (without status), gọi nôm na là “vô tổ quốc”. Cuối năm 2012, LHNV-Canada ký Thoả Thuận Thư (MOU) với chính phủ về chương trình này và giao trách nhiệm thực hiện cho VOICE. Tổng cộng 108 người đã đến Canada nhưng hơn 1/3 không hợp lệ trong khi nhiều người xứng đáng lại bị bỏ rơi. Điều 4.3 của MOU đòi hỏi tổ chức đứng tên ký và tổ chức thực hiện phải ngăn ngừa gian lận, tham nhũng và hành vi phạm pháp, và phải báo cáo khi phát hiện. Theo Điều 8, về nguyên tắc chương trình này chưa thể chấm dứt vì nó chưa hoàn tất mục tiêu khi còn nhiều đối tượng vẫn còn kẹt ở Thái Lan.
  1. Chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn vẫn có: Chương trình này có từ năm 1978 và đến nay đã định cư hơn 327,000 người tị nạn vào Canada. Đối tượng định cư phải được công nhận tư cách tị nạn bởi Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (CUTN/LHQ) và/hoặc bởi Sở Di Trú Canada. Nhiều trăm tổ chức vá các “nhóm 5 người” định cư khoảng 22,500 – 30,000 người tị nạn mỗi năm theo chương trình này. Trong số đó, VOICE Canada được phân bổ 50 chỗ.

Bây giờ, tôi xin trả lời những điểm chính mà anh nêu ra trong email đề ngày 4 tháng 4, 2023.

Trong email, anh xác nhận rằng tại buổi họp ngày 14 tháng 11, 2017 với anh, tôi và cựu Đại Sứ Joseph Rees, LM Namwong cho biết nhiều cựu thuyền nhân còn kẹt lại và khẩn khoản yêu cầu định cư họ. Câu trả lời của tôi khi ấy gồm 2 phần. Thứ nhất, những người này đều không có quy chế tị nạn nên chỉ có thể định cư theo chương trình nhân đạo đặc biệt kể trên và duy nhất VOICE có thể và có trách nhiệm thực hiện việc ấy. Thứ hai, luật sư của BPSOS sẽ lập hồ sơ xin quy chế tị nạn với CUTN/LHQ cho những ai muốn thế; nếu có quy chế tị nạn, họ có thể đi định cư theo diện tị nạn ở bất cứ quốc gia nào sẵn sàng đón nhận. Như thế, họ không cần VOICE đưa vào chương trình định cư nhân đạo đặc biệt.

Anh than rằng LM Namwong yêu cầu nhưng lại không đưa danh sách các cựu thuyền nhân còn kẹt lại. Lẽ ra anh phải chủ động hỏi xin danh sách ấy; những cựu thuyền nhân này là đối tượng phục vụ của VOICE, và anh, khi ấy đang là thành viên hội đồng quản trị, có tư thế và có trách nhiệm để hỏi xin. LM Namwong chắc chắn sẽ cung cấp.

Anh cũng thắc mắc là sao lúc ấy tôi đã không giới thiệu các thuyền nhân bị bỏ rơi với anh để VOICE giải quyết. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết lờ mờ về họ qua lời kể của LM Namwong. Mãi đến cuối năm 2018, tôi mới có thông tin chi tiết hơn khi một vài cựu thuyền nhân chủ động liên lạc với tôi để yêu cầu giúp đỡ. Liền sau đó tôi đã nhiều lần và bằng nhiều cách liên lạc với LHNV-Canada, yêu cầu họ phối hợp với VOICE Canada giải quyết các trường hợp bị bỏ rơi, nhưng không đến đâu. Đầu năm nay, một số nạn nhân bị bỏ rơi đã liên lạc trực tiếp với cả 2 tổ chức này và cũng không được hồi đáp. Tháng 3 vừa rồi, tôi lại nhờ người quen nêu vấn đề với người đứng đầu VOICE Canada; tôi nhận về câu trả lời không thiện lành: những người bị bỏ rơi, đấy là lỗi của họ.

Tôi mừng khi anh bày tỏ thiện chí muốn thúc đẩy VOICE giải quyết các trường hợp bị bỏ rơi. Xin anh cho tôi tên và địa chỉ email của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị và Giám Đốc Điều Hành của VOICE. Tôi sẽ chuyển ngay đến họ các thông tin mà BPSOS đang có về những hồ sơ không hợp lệ đã đi định cư và về những trường hợp xứng đáng nhưng bị bỏ rơi.

Ở đâu đó trong email, anh đổi đề tài và nhắc nhở tôi 2 khoản nợ. Trước hết, tôi nợ VOICE Canada lời cảm ơn vì đã định cư một số người mà anh có dịp tiếp xúc khi ở Thái Lan, do tôi giới thiệu. Họ không khác gì số còn lại trong danh sách 50 người của VOICE – hầu hết được quy chế tị nạn là do luật sư của chúng tôi can thiệp thành công với CUTN/LHQ. Trong số đó nhiều người còn được chúng tôi cứu gỡ khi bị cảnh sát Thái bắt, hoặc được can thiệp để ra khỏi trại giam của sở di trú (IDC), hoặc được cấp phát khoản trợ cấp khẩn cấp trong tình huống đặc biệt — 8 gia đình đã nhận tổng cộng 18,469 Mỹ kim. Anh có thể phối kiểm các thông tin này một cách dễ dàng. Chúng ta mỗi người một việc, mỗi tổ chức một phận sự, cùng nhau xúm lại để phục vụ đồng bào đang hoạn nạn thì làm gì có chuyện ai nợ ai?

Chưa kể, nhân sự của BPSOS đã giúp thông dịch cho phái đoàn di trú Canada khi họ từ Singapore đến Bangkok phỏng vấn những người trong danh sách định cư nhân đạo — cô Luật Sư Anna Nguyễn của VOICE không đủ rành tiếng Việt cho công việc này. Và như tôi có hứa với LM Nawwong, luật sư của chúng tôi đã can thiệp thành công cho 7 hồ sơ được quy chế tị nạn sau khi họ bị bỏ rơi, nghĩa là VOICE được giảm nhẹ gánh nặng trách nhiệm. Chúng tôi đã làm những điều ấy vì ý thức trách nhiệm, vì tấm lòng đối với đồng bào chứ chẳng phải vì VOICE hay vì VOICE Canada cho nên chẳng hề nghĩ đến chuyện ai nợ ai.

Kế đến, anh đòi BPSOS phải nợ cả cộng đồng người Việt hải ngoại vì không đưa tin khi VOICE định cư một số thuyền nhân ở Indonesia hồi năm ngoái. Tôi biết rất rõ các thuyền nhân này vì chúng tôi đã can thiệp cho họ ngay từ đầu. Cựu đại sứ Joseph Rees, Cố Vấn Thâm Niên cho các Đề Xuất Quốc Tế của BPSOS mà anh đã từng gặp, điều động toán luật sư của chúng tôi ở Thái Lan trong sự phối hợp với một tổ chức pháp lý ở Indonesia để lập hồ sơ với CUTN/LHQ cho các thuyền nhân này. Còn tôi thì vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ can thiệp. Đầu tháng 5 năm 2017, đại sứ Rees đích thân đến Jakarta để làm việc trực tiếp với các tổ chức và cơ quan hữu trách; nhân thể, ông thăm gặp các thuyền nhân tại trại giam để bảo đảm rằng họ được đối xử tử tế và chăm sóc đầy đủ. Ít lâu sau, khi họ được công nhận tư cách tị nạn, đài VOA chạy tin và đăng tấm hình cựu đại sứ Rees chụp chung với các thuyền nhân này tại trại giam.

Pic_1_-_Amb_Rees_with_Vietnamese_boatpeople_in_Indonesia.jpg

Hình 1 — Cựu Đại Sứ Rees, Cố Vấn Thâm Niên về các Đề Xuất Quốc Tế của BPSOS, cùng với các thuyền nhân ở Indonesia, đầu tháng 5 năm 2017

Có lẽ các thuyền nhân đã cúng cấp cho VOA tấm hình này vì chúng tôi chủ trương tuyệt đối giữ im lặng, không đưa tin. Chúng tôi không muốn nước chủ nhà trở nên khắt khe vì lo rằng tin tức lan rộng sẽ khuyến khích thêm nhiều thuyền nhân kéo đến quốc gia họ. Tháng 11 năm ấy, thêm 41 thuyền nhân lại tấp vào Indonesia. Chính phủ sở tại cưỡng bức hồi hương tất cả, bất chấp sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và yêu cầu của CUTN/LHQ về tiếp cận các thuyền nhân. Khoa trương bất chấp hệ luỵ cho đồng bào không phải cách làm của chúng tôi. Nếu được giải thích lý do cho sự im lặng, có lẽ cộng đồng người Việt ở hải ngoại không đến nỗi bắt lỗi chúng tôi đâu.

Trong email, anh đặt một câu hỏi lý thú:  BPSOS chỉ là một tổ chức NGO thì lấy tư cách gì để “nhắc nhở, trách cứ hay đôn đốc” một tổ chức NGO khác? Và anh đã tự trả lờ khi câu trước câu sau anh quay ra đôn đốc BPSOS hãy bỏ việc đang làm để chuyển sang lo “bảo lãnh tư nhân”. Thật ra, một tổ chức NGO không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ lên tiếng cho đối tượng họ phục vụ, kể cả lên tiếng với các cơ quan LHQ, với các giới chức chính quyền và với các tổ chức NGO khác. Việc anh đốc thúc BPSOS là không sai và tôi hoan hỉ đón nhận.

Tuy nhiên, làm theo ý của anh sẽ là tắc trách. Ngân sách của BPSOS để tài trợ các hoạt động bảo vệ và giúp đỡ đồng bào tị nạn là hoàn toàn do các mạnh thường quân đóng góp. Chúng tôi có trách nhiệm phân bổ và sử dụng số tiền ấy sao cho đạt hiệu qua cao nhất cho nhiều đồng bào nhất. Chúng tôi chọn công thức 90% – 10%:

  • Chúng tôi dồn 90% nhân, tài, vật lực để giúp đồng bào vượt qua chặng đường ở tuyến đầu: chứng minh tư cách tị nạn với CUTN/LHQ. Không có quy chế tị nạn thì không có cửa định cư, không được LHQ bảo vệ, không được hưởng các dịch vụ y tế, xã hội, đời sống do LHQ tài trợ. Tiến trình cứu xét quy chế tị nạn thường mất từ 2 đến 4 năm, có người đã mất hơn 20 năm. Suốt thời gian đằng đẵng ấy họ phải đối mặt với biết bao rủi ro, hiểm nguy, thử thách. Đối với tuyệt đại đa số đồng bào xin tị nạn ở Thái Lan, BPSOS là tổ chức của người Việt duy nhất đồng hành với họ trên chặng đường đằng đẵng và gian nan ấy.
  • Chúng tôi dành 10% còn lại để giúp đồng bào định cư, là chặng đường cuối trước khi đến tự do. Tại các buổi họp hàng tuần với CUTN/LHQ, luật sư của chúng tôi giới thiệu các hồ sơ tị nạn cần ưu tiên định cư. Cá nhân tôi, tại buổi họp mỗi 3 tháng với vị trợ lý ngoại trưởng đứng đầu chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, luôn luôn đốc thúc việc định cư nhiều và nhanh người tị nạn từ Thái Lan. Chúng tôi cắt cử người để giúp người tị nạn lập hồ sơ định cư theo diện bảo lãnh tư nhân của Canada. Tháng 9 năm ngoái, chúng tôi tuyển dụng một vị mục sư Tin Lành từ Anh Quốc vào toán nhân sự ở Thái Lan để đẩy mạnh và nhanh hơn nữa việc định cư các đồng bào đã có quy chế tị nạn.

Từ năm 2008 đến nay, công thức này đã đem lại các thành quả bao gồm:

  1. 600 hộ gia đình, khoảng 1800 nhân khẩu, được luật sư của chúng tôi lập hồ sơ xin tị nạn;
  2. Khoảng 1600 đồng bào đã được quy chế tị nạn;
  3. Khoảng 800 người trong số này đã định cư Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Na Uy, Thuỵ Điển…
  4. 65 gia đình tị nạn nhận hỗ trợ khẩn cấp tổng cộng 225,000 Mỹ kim;
  5. Gần 100 đồng bào được chúng tôi lập hồ sơ cho chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn của Canada;
  6. 63 nhóm người Việt ở Hoa Kỳ sẵn sàng bảo lãnh đồng bào tị nạn và hơn 70 hội thánh Baptist và Presbyterian người Mỹ sẵn sàng bảo lãnh hoặc hỗ trợ các nhóm bảo lãnh.

Những con số này cho phép tôi tin rằng cách phân bổ nhân, tài, vật lực của chúng tôi là đúng đắn, là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan, và là cách sử dụng tối ưu các đóng góp tình nghĩa của các mạnh thường quân.

Tôi đồng tình với anh rằng chương trình bảo lãnh tư nhân Welcome Corps mở ra triển vọng định cư cho thêm một số đồng bào đã có quy chế tị nạn; tuy không nhiều nhưng được thêm người nào thì tốt cho người đó. BPSOS đã tham gia vận động cho chương trình này từ rất sớm.

Cuối năm 2020, ngay sau khi ứng cử viên tổng thống Joe Biden đắc cử, chúng tôi đã cùng với nhiều tổ chức tranh đấu cho người tị nạn có nhiều buổi họp với các toán chuyển tiếp (transition teams) của Hành Pháp tương lai. Trong số nhiều khuyến nghị của chúng tôi, có khuyến nghị về định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân. Đúng 2 tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng Thống Biden ban hành ngay Sắc Lệnh số 14301 để thiết lập chương trình bảo lãnh tư nhân. Xem ở đây: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/presidential-actions/2021/02/04/executive-order-on-rebuilding-and-enhancing-programs-to-resettle-refugees-and-planning-for-the-impact-of-climate-change-on-migration/.

Tháng 9 năm 2021, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thiết lập diện P4, là diện định cư tị nạn theo bảo lãnh tư nhân, nhưng lại giới hạn chương trình bảo lãnh tư nhân chỉ cho người lánh nạn đến từ Afghanistan. Liền sau đó, tổ chức Welcome.US được hình thành dưới sự đỡ đầu của 4 cựu tổng thống và các vị đệ nhất phu nhân: Carter, Clinton, Bush (con), và Obama. Tổ chức này phối hợp liên minh Welcome Coalition gồm hơn 300 tổ chức NGO, công ty và doanh nhiệp, để định cư hơn 70 nghìn người Afghanistan trong vòng 3 tháng (giờ đây đã trên 88 nghìn). Welcome.US hiện là một tổ chức chủ chốt trong việc nới rộng chương trình bảo lãnh tư nhân ra cho mọi thành phần tị nạn toàn cầu. Chương trình mở rộng này được mệnh danh là Welcome Corps. Là thành viên tiên khởi của Welcome Coalition, BPSOS đã góp phần nhỏ bé cho sự hình thành chương trình Welcome Corps. Tôi vui mừng là anh ủng hộ chương trình này.

Pic_2_-_Welcome_Coalition.jpg

Hình 2  — Trích xuất từ trang mạng: https://welcome.us/partners#welcome-coalition

Email của anh còn đề cập một số điểm linh tinh như: tôi năn nỉ anh nhờ VOICE Canada định cư một số người tị nạn, BPSOS không có khả năng và hoàn cảnh định cư người tị nạn, tôi muốn anh chỉ thăm gặp những đồng bào Tây Nguyên khi ở Thái Lan, BPSOS có dịch vụ đưa du học sinh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, BPSOS tổ chức gây quỹ để định cư người tị nạn nhưng dùng ngân sách để trả lương cho luật sư chỉ để “cố vấn pháp lý”, vân vân. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, cho nên tôi không nghĩ là cần bàn đến.

Để kết luận, xin nhắc lại giải pháp mà tôi đề nghị với anh:

Trong chuyến đi Thái Lan sắp đến, bằng mọi giá anh hãy gặp tận mặt số đồng bào đã bị gạt ra khỏi chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada một cách bất công — tôi sẵn sàng làm nhịp cầu kết nối. Qua tiếp xúc, anh sẽ lấy được những thông tin cần thiết để giúp VOICE Canada trình báo với chính phủ Canada các hồ sơ có dấu hiệu gian lận và các hồ sơ xứng đáng nhưng lại bị bỏ rơi. Lấy đó làm căn cứ, anh có thể và có nghĩa vụ đốc thúc LHNV-Canada vận động mở lại chương trình định cư nhân đạo để giải quyết một lần cho trọn số đồng bào lưu lạc, vô tổ quốc đã bị bỏ rơi lại Thái Lan.

Chúc anh thượng lộ bình an.

Kính  thư,

Nguyễn Đình Thắng

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen