Seite auswählen

RFI

Ngăn chận Trung Quốc dùng thương mại, kinh tế như một loại vũ khí phục vụ các mục tiêu chính trị, ngoại giao hay chiến lược : Thất bại được báo trước của thượng đỉnh G7 Hiroshima. Làm thế nào để ngăn cản một thủ đoạn mà chính phương Tây, đứng đầu là Mỹ, vẫn thường xuyên sử dụng ? 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo G7 khác, trước phiên làm việc về Ukraina nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo G7 khác, trước phiên làm việc về Ukraina nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023. via REUTERS – POOL
QUẢNG CÁO

Theo giới quan sát, tương tự như trong rất nhiều lĩnh vực công nghiệp, Bắc Kinh đã quan sát, học hỏi những phương pháp của những quốc gia khác để tiến xa hơn khi bắt tay vào thực hành. Sử dụng thủ đoạn economic coercion bắt chẹt thế giới cũng vậy. 

Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng tại Hiroshima, hôm 20/05/2023, 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) cảnh cáo mọi ý đồ khai thác « mậu dịch, kinh tế như một công cụ chính trị (…) mọi ý đồ biến sự lệ thuộc của G7 và các đối tác của khối này thành một mục tiêu quân sự ». Đồng thời G7 chủ trương giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào hàng hóa, nguyên liệu, vào dây chuyền sản xuất, vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tại Washington, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan bồi thêm : G7 tuy không là một thượng đỉnh « chống lại Trung Quốc » nhưng đây là cơ hội để khối này tìm cách « giảm thiểu những rủi ro » đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng như giới phân tích quốc tế đều biết rõ, bản tuyên bố chung của G7 vì an ninh kinh tế toàn cầu nhắm vào Trung Quốc.

Không chừa một ai

Hơn một chục năm trước, để phản đối Tokyo khẳng định chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản, cột sống của nền công nghiệp tại nền kinh tế thứ ba toàn cầu này. « Bổn cũ soạn lại », tập đoàn Hàn Quốc Lotte bị tẩy chay tại Hoa Lục năm 2017, khi Seoul chuẩn bị kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ. Litva trong tầm ngắm của Trung Quốc khi mở văn phòng đại diện tại với Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Không chỉ nhắm vào những nước nhỏ, Trung Quốc sẵn sàng « trừng phạt » luôn cả Úc, một trong những đối tác quan trọng nhất của mình, khi Canberra đòi mở điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona gây đại dịch Covid trên toàn cầu năm 2020. Năm 2019, hơn 25% nhập khẩu của Úc tùy thuộc vào Trung Quốc và, trong chiều ngược lại, chỉ một mình ông khổng lồ châu Á này chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc.  

Nhật Bản trong cương vị chủ tịch luân phiên G7 lần này đã phải cố gắng tìm ra đồng thuận giữa một bên là Hoa Kỳ vốn có lập trường rất cứng rắn với Bắc Kinh và Mỹ được Anh Quốc, Canada tán đồng,  với bên kia là quan điểm của Pháp, Đức, hai đầu tàu kinh tế trong Liên Hiệp Châu Âu, muốn « hòa hoãn hơn » với Trung Quốc.

Thiếu những hành động cụ thể

Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước khi rời khỏi Hiroshima đã không ngần ngại đánh giá Trung Quốc là một « thách thức » đang đặt ra đối với an ninh toàn cầu: « G7 cần có những biện pháp để tự vệ trước những dự án đầu tư không có mấy dụng ý tốt có thể làm phương hại đến mỗi thành viên trong khối này ». Ông Sunak lấy làm tiếc thượng đỉnh Hiroshima đã không nhất trí về những hành động cụ thể để ngăn chận những quyết định của Trung Quốc, hay bất kỳ một quốc gia nào khác muốn dùng đòn kinh tế uy hiếp những nước khác.

Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, Pascal Boniface ghi nhận trên đài truyền hình France24 về nỗ lực của thủ tướng Nhật để dung hòa quan điểm của ngay chính các thành viên G7 về vấn đề Trung Quốc: « Mời Ấn Độ và Brazil tham dự thượng đỉnh G7, mà đây là hai thành viên trong khối BRICS đến nay không trừng phạt Nga xâm lược Ukraina, là cách để thuyết phục hai nước này thay đổi quan điểm về nước Nga. Nhưng mục tiêu đó đã không thành. Thế còn về chủ đích thành lập một liên mình để kháng cự với Trung Quốc, ngay trên điểm này đã có bất đồng giữa 7 thành viên trong khối. Pháp và Đức chẳng hạn tránh tỏ thái độ quá quyết liệt bài Trung Quốc ».

Pascale Joannin, giám đốc viện nghiên cứu về châu Âu mang tên sáng lập viên Liên Âu Robert Schuman chú ý đến quan điểm chung của 4 trong số các thành viên G7:  

« Bớt phụ thuộc vào Trung Quốc là mục tiêu tất cả các bên cùng hướng tới. Ý muốn rút lui khỏi dự án Một Vành Đai Một Con Đường, hay còn được gọi là con đường tơ lụa mới thế kỷ 21 của Trung Quốc. 4 nước châu Âu trong G7 cùng muốn tự chủ hơn đối với Trung Quốc, thí dụ như trong lĩnh vực chip điện tử, song Anh, Pháp, Đức và Ý cũng muốn tránh lao vào một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Về phía Tokyo, do nằm ngay sát cạnh với Trung Quốc, trong cương vị chủ nhà, Nhật Bản bắt buộc phải đề cập đến hồ sơ Trung Quốc ».  

Châu Á dửng dưng với đề xuất cô lập Trung Quốc

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà kinh tế Jean Paul Tchang, mặc dù G7 lần này đã cố gắng thuyết phục một số nước đang trỗi dậy như Brazil hay Ấn Độ và nhất là nhiều khách mời tại châu Á, trong đó có Indonesia hay Việt Nam giữ khoảng cách với Trung Quốc, nhưng không chắc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thành công:

« Không chắc lập trường kềm tỏa kinh tế của Trung Quốc có sức thuyết phục các nước châu Á, ngoại trừ Hàn Quốc, hay Philippines. Đấy là những quốc gia đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ , đặc biệt trong bối cảnh Seoul đang cải thiện quan hệ với Tokyo. Trái lại tôi cho rằng G7 sẽ khó thuyết phục Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam sẽ không chọn đứng về phe nào. Thế còn Thái Lan thì tất cả đang trong vòng chờ đợi sau cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng đúng là các bên đang gây áp lực để kềm tỏa Trung Quốc về nhiều mặt từ địa chiến lược, đến quân sự, kinh tế hay là công nghệ ».

Cho dù ngay cả tổng thống Biden đã chấp nhận chỉ nói tới chủ trương « giảm thiểu mức độ rủi ro vì quá lệ thuộc vào Trung Quốc », Bắc Kinh cũng vẫn chưa hài lòng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân hôm 20/5 phản công qua tuyên bố :

« Nếu thực sự G7 chú tâm đến an ninh và ổn định kinh tế của thế giới, khối này cần đòi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành vi o ép, kềm tỏa hoạt động của các quốc gia khác, ngừng những hành động đơn phương hù dọa hay lôi kéo các đồng minh về hùa, ngừng gây rối loạn các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ngừng chia rẽ thế giới thành hai khối. Đấy mới chính là những mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu ».

Rất nhiều công cụ để gây sức ép

Trở lại với câu hỏi Trung Quốc uy hiếp các đối tác kinh tế và thương mại bằng cách nào ? Theo viện nghiên cứu của Đức Merics, từ 2018, danh sách hành vi o ép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Hoa Lục « càng lúc càng dài » và đó chỉ là « bề nổi của tảng băng chìm».

Bắc Kinh có thể viện nhiều lý do để trừng phạt : « Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông hay nhân quyền, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông » là những chủ đề « húy kỵ » và là những lý do đủ mạnh để một hãng ngoại quốc bị « áp lực ».

Cũng theo báo cáo của viện Merics (công bố giữa tháng 8/2022), Bắc Kinh luôn phản đối và bác bỏ mọi cáo buộc dùng đòn kinh tế và thương mại hù dọa các « mục tiêu » muốn nhắm tới, song, chính quyền có nhiều « công cụ » : gần 50% trường hợp trong tầm ngắm của Trung Quốc bị thiệt hại do khách hàng được lệnh tẩy chay. Hãng quần áo Thụy Điển H&M đã trả giá đắt cho bài học này khi dám chỉ trích Trung Quốc khai thác sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ; 20% bị gây phiền toái vì các thủ tục hành chính. Đối với phần còn lại, Trung Quốc thường buông lời đe dọa trước khi ban hành các biện pháp uy hiếp cụ thể, với hy vọng gây tác động tâm lý ở cấp rât cao trong chính quyền quốc gia liên quan.

Cũng báo cáo của viện Merics năm ngoái kết luận « vì lý do này, Paris cũng như Berlin còn đang suy nghĩ trước khi cấm hẳn Hoa Vi tham gia vào các dự án trang bị mạng 5G cho  Pháp và Đức ». Các tác giả bài nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh luôn chọn rất kỹ các mục tiêu trừng phạt. Những công ty thuộc các lĩnh vực « trọng yếu mà Trung Quốc đang cần không mấy khi bị đe dọa ». Nhưng nếu là các hãng có thể cạnh tranh với các tập đoàn quốc gia, thì các giới chức Trung Quốc không khi nào run tay ký lệnh phạt.

Đương nhiên là các đòn hù dọa, uy hiếp đó làm phương hại đến hình ảnh của Trung Quốc, đến « quyền lực mềm » của nước này thế nhưng, như Nicolas Regaud, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, trường Quân Sự Pháp IRSEM, ghi nhận trong một bài tham luận ngày 20/01/2021, đây là một thông điệp kép của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Công cụ này vừa phục vụ các lợi ích của Trung Quốc về đối ngoại, vừa nhằm chứng minh với công luận trong nước rằng quốc gia đông dân nhất nhì địa cầu giờ đây đã « đủ mạnh để áp đặt luật chơi với thế giới » và không để bất kỳ một quốc gia nào, dù là Mỹ hay Nhật, lấn át.

Vào lúc mà khối G7 gián tiếp « cảnh cáo » về mọi hành vi dùng đòn kinh tế để hà hiếp thế giới, thì Trung Quốc viện lý do an ninh quốc gia để ban hành lệnh cấm dùng chip của hãng Mỹ Micron Technology.

Sau cùng, các tuyên bố chung của thượng đỉnh G7 thể hiện quyết tâm của khối này về những mục tiêu chung mà các bên muốn nhắm tới. Tại Hiroshima, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển đã không đề xuất bất kỳ một biện pháp cụ thể nào để « ngăn chận » các hành vi « uy hiếp » ấy. Một phần có lẽ chính những thành viên quan trọng nhất của khối đã và vẫn đang khai thác lá bài kinh tế, thương mại và sức mạnh của đồng tiền quốc gia để áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới.      

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen