Seite auswählen

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào cảng ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng hai tàu hộ tống thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam từ ngày 25-30/6, Đại sứ quán Mỹ và cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam thông báo.

Theo quan sát của VOA, đội tàu hùng mạnh của Hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào trưa 25/6, đến tối cùng ngày, trong khung giờ vàng, đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV phát sóng trực tiếp một chương trình nói về chiến công của Hải quân Việt Nam thời những năm 1960, 1970 trong cuộc chiến “chống đế quốc Mỹ”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên Mở Đường Ra Biển dài hơn 1 tiếng, phát trên kênh VTV1 từ 20h10 ngày 25/6, tập trung ôn lại việc Hải quân Việt Nam “chống phong tỏa sông biển” ở miền bắc của đất nước, với đỉnh điểm là vào ngày 27/6/1973, cảng Hải Phòng và các cửa sông biển miền bắc “được giải phóng khỏi cuộc phong tỏa kéo dài bằng bom, mìn và thủy lôi của Mỹ”.

Tham gia chương trình có nhiều nhân chứng sống là các cựu binh Việt Nam đã rà phá bom, mìn, thủy lôi do “giặc Mỹ man rợ” thả xuống, theo cách dùng từ của chương trình.

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chống giặc giữ nước.
Bà Tạ Bích Loan, VTV

Bà Tạ Bích Loan, một trong hai người dẫn chương trình, có lúc bình luận rằng các chiến sĩ của Hải quân Việt Nam “bằng lòng quả cảm, sự dấn thân, sự mưu trí, sự thông minh” đã “đánh thắng vũ khí tối tân, hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ” và khơi thông các luồng sông, cửa biển cho miền bắc Việt Nam.

Vẫn bà Loan, người cũng giữ chức Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí của VTV, tức VTV3, trong một phần khác của chương trình nói rằng: “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chống giặc giữ nước của dân tộc ta”.

Trong khi VTV phát chương trình ôn lại nỗ lực “chống đế quốc Mỹ” cách đây hơn 50 năm, cũng vào buổi tối 25/6, hàng trăm đoàn viên thanh niên cộng sản ở Đà Nẵng “đã có những phút rực cháy hết mình” với màn trình diễn của ban nhạc hải quân Mỹ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của 3 chiến hạm Mỹ kể trên, theo báo chí Việt Nam.

Các báo, đài, trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VTC News, cho hay buổi biểu diễn của ban nhạc Hải quân Mỹ diễn ra tại khuôn viên Thành đoàn thành phố Đà Nẵng. Các bạn trẻ “vỗ tay, nhảy múa cuồng nhiệt theo nhạc và không quên khích lệ tinh thần của ban nhạc bằng những lời khen ngợi hết lòng”, Tuổi Trẻ tường thuật.

Đông đảo đoàn viên thanh niên cộng sản ở Đà Nẵng cuồng nhiệt với buổi diễn của ban nhạc hải quân Mỹ, 25/6/2023.

Đông đảo đoàn viên thanh niên cộng sản ở Đà Nẵng cuồng nhiệt với buổi diễn của ban nhạc hải quân Mỹ, 25/6/2023.

Trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, không ít người tỏ ý băn khoăn về việc đài quốc gia VTV phát chương trình với một số lời lẽ không thân thiện về Mỹ ngay cùng ngày Việt Nam đón nhóm tàu sân bay Mỹ đến thăm, là một trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023), theo mô tả của trang Thông tin Chính phủ.

Ông Dương Quốc Chính, một nhà bình luận về thời cuộc ở Việt Nam, có hơn 72.000 người theo dõi trên Facebook, nhận định với VOA rằng chương trình của đài quốc gia VTV không phải là ngẫu nhiên.

Một buổi giao lưu trực tiếp như vậy phải lên kế hoạch trước nhiều ngày, nhiều tuần, trong khi kế hoạch đón tàu hải quân Mỹ cũng phải được chuẩn bị từ hàng tháng trước, ông nhận xét và nói thêm:

“Khả năng lớn là có sắp xếp. Giữa hai thông tin này, người ta hoàn toàn có thể tìm hiểu và tránh đi được trong vòng vài ngày gì đó, không khó gì cả. Khả năng lớn không phải chuyện ngẫu nhiên”.

Tín hiệu [không thân Mỹ] quá là mạnh, không cần thiết, thiếu tế nhị. Họ [VTV, tuyên giáo] làm như vậy chứng tỏ là phe thân Trung Quốc có quyền lực lớn, có thể họ rất e ngại Trung Quốc trong việc này.
Nhà bình luận Dương Quốc Chính

Một số người phỏng đoán trên mạng xã hội rằng sự trùng hợp của chương trình trên VTV1 và chuyến thăm của nhóm tàu sân bay Mỹ cho thấy đài truyền hình quốc gia nói riêng và bộ máy tuyên giáo nói chung không có sự tế nhị hoặc cũng có thể các cơ quan tuyên truyền này có chủ đích phát ra tín hiệu là Việt Nam có quan hệ với Mỹ nhưng không thân Mỹ.

Nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan sát của ông với VOA:

“Cái này tôi nghĩ người ta [Việt Nam] muốn bật một tín hiệu cho Trung Quốc biết là tuy Việt Nam có đón tiếp về mặt ngoại giao, quốc phòng với Mỹ nhưng vẫn có khoảng cách nhất định chứ không phải là quá vồ vập với phía quân đội Mỹ, vì cái đấy rất là nhạy cảm với Trung Quốc”.

Sự nhạy cảm này là do một loạt những động thái trên các vùng biển gần Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay, ông Chính lưu ý đến bức tranh toàn cảnh, bao gồm việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật, Trung Quốc tập trận gần Đài Loan; Mỹ, Nhật Bản, Canada và Pháp tập trận gần Philippines; chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Không chỉ có các hoạt động của hải quân các nước, ông Chính cũng đề cập đến việc tổng thống Hàn Quốc vừa thăm Việt Nam và thủ tướng của Việt Nam có chuyến công du tới Trung Quốc trùng thời điểm nhóm tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.

Hàn Quốc và Nhật Bản tuy không có chủ quyền ở Biển Đông nhưng là hai nước có lượng hàng hóa qua đây rất nhiều, trong khi đó, Việt Nam có vị trí quan trọng và được đánh giá là có thể đủ năng lực để ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, ông Chính phân tích.

Vì vậy, dưới góc nhìn của ông, không phải ngẫu nhiên mà mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Đài Loan, lại rất mật thiết với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc các chiến hạm hùng mạnh nhất của Nhật Bản và Mỹ liên tiếp ghé thăm Việt Nam những ngày này là điều “rất nhạy cảm” trong mối quan hệ đan xen của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với Việt Nam, mà trong đó quan hệ Mỹ-Việt là “nhạy cảm nhất” với Trung Quốc, nhà bình luận Dương Quốc Chính nói.

VTV1 hôm 25/6 phát chương trình nói về Hải quân VN rà phá bom, mìn, thủy lôi của "giặc Mỹ man rợ" thời những năm 1960, 1970.

VTV1 hôm 25/6 phát chương trình nói về Hải quân VN rà phá bom, mìn, thủy lôi của “giặc Mỹ man rợ” thời những năm 1960, 1970.

Từ các yếu tố kể trên, ông Chính phán đoán rằng việc VTV cho phát sóng trực tiếp một chương trình có nội dung “chống” hải quân Mỹ là một chỉ dấu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam đối với Mỹ vẫn là “vừa hợp tác vừa đấu tranh” chứ không hề ngả sang Mỹ.

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng việc đó có thể “rất không tế nhị” khi VTV phát sóng trực tiếp vào đúng giờ vàng ngay buổi tối đầu tiên mà tàu USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng. “Lẽ ra họ có thể chọn một thời điểm khác tế nhị hơn để phát đi thông điệp thân Trung Quốc”, ông nói và bình luận thêm với VOA:

“Tín hiệu [không thân Mỹ] quá là mạnh, không cần thiết, thiếu tế nhị. Họ [VTV, tuyên giáo] làm như vậy chứng tỏ là phe thân Trung Quốc có quyền lực lớn, có thể họ rất e ngại Trung Quốc trong việc này”.

Theo quan sát của VOA, không chỉ có chương trình gây chú ý kể trên của VTV, nhiều lần khác, các báo đài thuộc hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã đăng bài, phát sóng các lời bình luận, các bài xã luận chỉ trích, phê phán Mỹ để làm đối trọng cho các thông tin tích cực về Mỹ và quan hệ Việt-Mỹ, trong khi rất hiếm khi làm điều tương tự với Trung Quốc.

Cây tre nó vẫn ngả về một bên chứ không tuyệt đối là cân bằng giữa các bên đâu. Nếu mà cân bằng giữa các bên thì bình thường nó phải khá là thẳng, nhưng mà thế này thì nó rất là cong. Nó vẫn đang ngả về Trung Quốc nhiều hơn.
Ông Dương Quốc Chính

Thực tế nêu trên dẫn đến câu hỏi của nhiều người trong các diễn đàn trên mạng về “nền ngoại giao cây tre” của Việt Nam, một thuật ngữ được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu ra khi ông phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị toàn quốc của đảng về đối ngoại hồi tháng 12/2021.

Tổng Bí thư Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho “trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo” của đất nước, được ông đúc kết là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Dẫn chứng từ thiên nhiên và liên hệ đến đường lối ngoại giao kể trên, nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan điểm:

“Tre mà đúng nghĩa gọi là tre lại có thể rất là cong. Cây tre như thế nó vẫn ngả về một bên chứ không tuyệt đối là cân bằng giữa các bên đâu. Nếu mà cân bằng giữa các bên thì bình thường nó phải khá là thẳng, nhưng mà thế này thì nó rất là cong. Nó vẫn đang ngả về Trung Quốc nhiều hơn, vì đối với Trung Quốc, Việt Nam cực kỳ nhạy cảm về mặt thông tin. Cây tre này không hoàn toàn cân bằng đâu, nó vẫn ngả về một bên”.

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Chính nêu ví dụ là hàng năm, đến dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra tháng 2/1979, Việt Nam vẫn “e ngại”, “e dè” nhắc đến Trung Quốc trong khi vẫn “phê phán Mỹ thẳng thắn”.

VOA cố gắng liên lạc với bà Tạ Bích Loan để tìm hiểu về quyết định của VTV nhưng không kết nối được.

Ngọai giao… ‘cây tre Việt Nam’ thì tất nhiên phải thế!

Blog VOA

Trân Văn

27-6-2023

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại cảng Đà Nẵng. Nguồn: AFP

Nhiều người đem sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng với hai hộ tống hạm ghé thăm Đà Nẵng đặt bên cạnh sự kiện dựng và phát chương trình “Mở đường ra biển”, rồi sự kiện ông Phạm Minh Chính sang thăm Trung Quốc và cho rằng đó là một cách để giữ cho Trung Quốc đừng nổi giận.

Có thể những sự kiện vừa xảy ra tại thời điểm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và hai hộ tống hạm ghé thăm Đà Nẵng (từ 25/6/2023 đến 30/6/2023) khiến nhiều người thắc mắc nhưng xét cho đến cùng thì ngoại giao… “cây tre” phải là như thế!

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vừa được chứng kiến hệ thống truyền thông chính thức hào hứng giới thiệu “thanh niên Đà Nẵng cháy hết mình với ban nhạc Hải quân Mỹ” (1), vừa được xem Chương trình “Mở đường ra biển” (2) của Đài Truyền hình Việt Nam.

Vừa tổ chức đón tiếp hải quân Mỹ đến thăm Việt Nam nhân dịp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ (2013-2023)”, vừa “Kỷ niệm 50 năm cuộc chiến chống phong tỏa sông, biển miền Bắc (1973-2023)” của hải quân nhân dân Việt Nam trong công cuộc “chống Mỹ cứu nước” là bình thường.

Điều đó giống như chuyện cách nay ba tháng, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư vừa khẳng định với ông Joe Biden qua điện thoại rằng hai bên nên “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” để “tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới”, đồng thời tha thiết đề nghị Mỹ “tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam” (3), vừa dựng và phát “Mở đường ra biển”, nhắc đồng chí, đồng đội, đồng bào đừng quên… “giặc Mỹ man rợ” (4)!

Đó không phải là bất nhất. Đó là “sự đặc sắc, độc đáo của đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” từng được ông Trọng xiển dương đầy tự hào khi ban huấn từ Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc diễn ra hồi tháng 12 năm 2021 [5].

Chuyện vừa lặp đi, lặp lại “tội ác của đế quốc Mỹ” và chưa bao giờ chịu ngưng nghỉ tụng ca về “sự tài tình, sáng suốt” của đảng, sự anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, vừa đề nghị, vừa ngửa tay nhận đủ thứ hỗ trợ từ Mỹ để “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ” chính là… “sự đặc sắc, độc đáo của đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”!

Có lẽ nên nhắc lại rằng, cũng tại hội nghị vừa đề cập, ông Trọng đã khái quát “sự đặc sắc, độc đáo của đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” là biết… “mềm nắn, rắn buông”. Mỹ hay Pháp được đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam xếp vào loại… “mềm”, khác với Trung Quốc – bạn đồng hành trên con đường xây dựng XHCN – chắc là rất “rắn”!

Bởi Trung Quốc rất “rắn” nên trong một thời gian dài, từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cùng né tránh, không dám gọi tên khi trong tình thế buộc phải lên án, thậm chí tất cả những thứ nhằm tố cáo sự man rợ của quân xâm lược Trung Quốc suốt từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980 cũng bị loại bỏ thẳng tay và tất nhiên phải quên những gì đã xảy ra trong cuộc chiến vệ quốc hồi hạ bán thế kỷ trước.

Đâu phải tự nhiên mà ông Trọng hào hứng giới thiệu… “trường phái ngoại giao” mà ông gọi là… “cây tre Việt Nam” khi triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng 13 trong lĩnh vực ngoại giao. Cụ thể là thảo luận về công tác đối ngoại của đảng, ngoại giao

nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị trước đây và trong tương lai. Theo ông Trọng, “trường phái ngoại giao”… “cây tre Việt Nam” chính là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

“Gốc vững, thân chắc” là bất kể thế nào cũng phải duy trì được sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng, không được… “chệch hướng”. Còn… “cành uyển chuyển”? Chương trình “Mở đường ra biển” được dựng và phát nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm cuộc chiến chống phong tỏa sông, biển miền Bắc (1973-2023)” nhằm ca ngợi sự dũng cảm, mưu trí của hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng và quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, khi đối đầu với… “giặc Mỹ man rợ” và vì vậy đã tạo ra chiến thắng được ví von là… “Điện Biên Phủ dưới nước” (6).

Giờ, tuy Trung Quốc không ngừng rượt đuổi, săn bắt ngư dân, quấy nhiễu hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí, thỉnh thoảng lại cấm biển nhưng quân đội nhân dân nói chung, hải quân nói riêng tự thấy không cần … “mở đường ra biển” nữa!

Vì sao? Khác với trước, đảng đã đặt được sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối trên toàn lãnh thổ nên “mở đường ra biển” là… thừa, giữ biển giờ là trọng trách của ngư dân, ngư dân được khuyến khích… “bám biển”. Đó chính là… “cành uyển chuyển”!

Nhiều người đem sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng với hai hộ tống hạm ghé thăm Đà Nẵng đặt bên cạnh sự kiện dựng và phát chương trình “Mở đường ra biển”, rồi sự kiện ông Phạm Minh Chính sang thăm Trung Quốc và cho rằng đó là một cách để giữ cho Trung Quốc đừng nổi giận. Nhận định như thế là chẳng hiểu gì về…. “trường phái ngoại giao”… “cây tre Việt Nam”. “Cành” phải… “uyển chuyển”, kiên định… “mềm nắn, rắn buông” thì mới có thể giữ cho… “gốc vững, thân chắc” chứ?

Đừng xem thường “trường phái ngoại giao” theo kiểu… “cây tre Việt Nam”. “Trường phái” này đã, cũng như đang đem lại vô số lợi ích cho đảng, lợi ích lâu dài của quốc gia hay dân tộc chỉ là thứ yếu, chỉ cần đảng thấy được là… được!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/thanh-nien-da-nang-chay-het-minh-voi-ban-nhac-hai-quan-my-20230625205237188.htm

(2) https://www.youtube.com/watch?v=ly2b9ag_clo&ab_channel=NguyễnThịThuTrangOfficial%28TrangNem%29

(3) https://dangcongsan.vn/thoi-su/lam-sau-sac-hon-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-634527.html

(4) https://www.voatiengviet.com/a/da-nang-tau-san-bay-ronald-reagan-vtv-show-hai-quan-chong-de-quoc-my/7153175.html

(5) https://nld.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-xay-dung-truong-phai-ngoai-giao-mang-ban-sac-cay-tre-viet-nam-20211214152909679.htm

(6) https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giao-luu-nghe-thuat-mo-duong-ra-bien-732340

Thủ tướng Chính: ‘Không cho phép thế lực nào chia rẽ Việt-Trung’


Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 27/6

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được cho là đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chia rẽ Việt-Trung’, phát ngôn được các nhà quan sát cho là mang tính ‘xã giao’ mà Việt Nam phải nói để làm yên lòng Bắc Kinh.

Ông Chính vừa có chuyến thăm chính thức kéo dài bốn ngày đến Trung Quốc kết hợp dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới kể từ ngày 25/6. Chuyến thăm này của ông Chính trùng hợp với chuyến cập cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cũng từ ngày 25, và đến 30/6.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân hôm 27/6, ông Chính được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Tập rằng Việt Nam ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chen ngang giữa hai nước’.

Tuy nhiên, câu nói này của ông Chính không xuất hiện trong các bản tường thuật của báo chí Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Chính nói với ông Tập rằng ‘Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam’.

Về phần mình, ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời ca ngợi mối quan hệ đồng chí giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa với mức độ tin cậy cao, là đối tác cùng có lợi và là bạn bè biết rõ về nhau và rằng ‘Trung Quốc hướng tới xây dựng cộng đồng có chung tương lai với Việt Nam’.

‘Tốt ngoài mặt’

Trao đổi với Việt Nam từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh ngoài miệng vẫn nói là ‘bạn bè tốt, đồng chí tốt’ nhưng bên trong Trung Quốc vẫn tìm cách chơi xấu Việt Nam.

“Nếu ông Chính nói thật lòng thì đấy là điều đáng lo vì nhiều công trình hợp tác với Trung Quốc không mang lại hiệu quả,” ông Đào nói và dẫn chứng nhà máy gang thép Thái Nguyên có vốn vay Trung Quốc ‘giờ chỉ là đống sắt vụn’

Còn nếu ông Chính chỉ nói chuyện xã giao thì trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải thận trọng khi chơi với Trung Quốc, nhất là khi tiếp nhận các dự án hợp tác với Trung Quốc, cũng theo lời nhà văn này.

Ông cũng chỉ ra những lý do mà Hà Nội buộc phải gắn chặt với Trung Quốc chẳng hạn như ‘mô hình nhà nước và thể chế chính trị Việt Nam là copy theo Trung Quốc’

“Những tệ nạn về kinh tế xã hội, ở Trung Quốc diễn ra như thế nào thì ở Việt Nam y như thế,” ông nói. “Trung Quốc phải đả hổ diệt ruồi thì Việt Nam có đốt lò.”

Là một người dân, ông Đào cho biết ‘dân trong nước thấy ngột ngạt lắm rồi nếu không thoát khỏi cái vòng kim cô Trung Quốc’.

“Có điều Đảng và Nhà nước thì không chịu vì họ vương nợ với cộng sản Trung Quốc quá sâu nặng. Nếu họ dứt đi được sẽ nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của họ,” ông phân tích.

Do đó, nếu các lãnh đạo Việt Nam ngả theo phương Tây thì ‘họ lại sợ Trung Quốc’ mặc dù họ muốn bắt tay với phương Tây để có thêm nguồn lực phát triển, theo lời ông Đào.

Khi được hỏi trên vấn đề Biển Đông, liệu Hà Nội có vì quá lo ngại Bắc Kinh mà không dám tiến đến gần gũi hơn với Mỹ hay không, ông Đào cho rằng các lãnh đạo Việt Nam ‘sợ mất mỏ dầu thì phải ra tay giữ’. “Nhưng khi Trung Quốc rút rồi, mơn trớn vài câu, hứa cho vài câu thì họ lại mê Trung Quốc trở lại,” ông nói.

‘Cần nhún nhường Bắc Kinh’

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng chuyến đi của ông Chính sang Trung Quốc là ‘quan trọng hơn nhiều so với việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm’.

Theo nhận định của ông thì ‘tất cả những gì mà ông Chính nói với ông Tập chỉ là xã giao’. “Giữa những người cộng sản thì họ vẫn tuôn ra lời hay ý đẹp nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau,” ông lý giải.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp như hiện nay, ông Phúc cho rằng Việt Nam phải làm sao giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, còn việc theo ai ‘chỉ là đối sách tạm thời’.

“Việt Nam đang bị kẹt trong mối quan hệ chồng chéo giữa các siêu cường. Việt Nam phải tìm chỗ đứng để giữ hòa khí với các nước và quan trọng nhất là không để Biển Đông trở thành chiến trường cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn mà người thiệt hại đầu tiên là Việt Nam,” ông nói.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu này thì các lãnh đạo Việt Nam biết rõ ‘Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông’ . “Thực tế ngoài thực địa, lực lượng chấp pháp Việt Nam đấu tranh rất dữ dội với các tàu Trung Quốc. Hành động này nói lên quyết tâm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay,” ông giải thích.

Cũng như ông Đào, ông Phúc chỉ ra những ràng buộc giữa Hà Nội với Bắc Kinh khiến họ khó thoát ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh: “Tương quan về ý thức hệ, chế độ chính trị cũng quyết định phần nào việc Việt Nam thân cận với Trung Quốc dù bị o ép. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, mà cái quan trọng hiện nay là Việt Nam đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.”

Cho nên ông cho rằng nếu Việt Nam cần tự lực tự cường về kinh tế, nếu không sẽ ‘rất khó’ để không bị gắn chặt vào Trung Quốc.

“Thù địch với Trung Quốc là không có lợi cho Việt Nam,” ông nói và cho rằng trước mắt Việt Nam không thể làm căng với Trung Quốc, vẫn phải nhún nhường, vẫn phải xoa dịu và trấn an nỗi lo của Bắc Kinh rằng Hà Nội có thể hùa với Mỹ chống Trung Quốc.

“Trong lịch sử, các triều đại Việt Nam đã từng đánh thắng các triều đại Trung Quốc. Nhưng một khi xong thì cũng phải sang triều cống để giữ hòa hiếu,” ông chỉ ra.

Khi được hỏi sự ủng hộ về kinh tế và chính trị của Mỹ có đủ để Việt Nam lánh xa Trung Quốc hay không, ông Đinh Kim Phúc cho rằng ‘Việt Nam vẫn cần phải giữ cân bằng giữa hai bên’ và ‘Việt Nam có nhiều vấn đề trong kinh nghiệm bang giao với Mỹ’.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen