Seite auswählen

Tại sao dân trí ở Việt Nam tiến triển chậm?

„Đất nước mình giờ đây rất cần những chương trinh khai phóng, mở mang trí tuệ và trau dồi Đạo đức, nếp sống văn minh, thanh cao, sáng láng, tinh túy, uyên bác, khoa học và thực sự dân chủ như ở Đức hay các nước có nền dân chủ.“

 

Nguyễn Doãn Đôn

Th tướng Olaf Scholz trong Talkshow của bà Maischberger, Đức  

 

Bởi đó là mục đích và âm mưu cố ý của Đảng độc tài. Ngu Dân thì dễ trị. Mà Độc tài thì độc nhất vô nhị. Nên ĐẢNG LÃNH ĐẠO TOÀN DIỆN và từ đó đẻ ra điều §4 trong Hiến pháp!

 Cũng bởi vậy, nên VN mặc dù có Quốc hội, có Chính phủ, có Tòa án; Nghĩa là có TAM QUYỀN, nhưng lại KHÔNG CÓ PHÂN LẬP. Nên 3 cơ quan này sinh ra chỉ là hình thức và trở thành mỵ Dân. Mục tiêu của họ là lừa đảo người kém cỏi dễ hiểu lầm rằng họ lãnh đạo cũng “dân chủ”, cũng “tam quyền phân lập” như ai mà thôi.

 Thành thử ba người đứng đầu của 3 cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp này là Vương Đình Huệ – Đại diện cho Quốc hội; Nguyễn Hòa Bình – Đại diện cho Tòa án; Phạm Minh Chính – Đại diện cho Chính phủ và ông Chủ tịch nước hữu danh mà vô thực chạy lăng xăng. Tất cả họ đều là cái loa phát âm lại một cách ngoan ngoãn, lễ phép và trung thành lời ra lệnh của một ông độc tài, độc đảng mà thôi. Kể cả cho dù ông ta bất tài, hay nói hâm, nói hấp…

 Do vậy, không chỉ người Dân VN bị khâu miệng, không được tự do đề cử, ứng cử và bầu cử, mà thậm chí những ông đầu to nằm ở 3 cơ quan TAM QUYỀN kia cũng có DANH mà không có THỰC hoàn toàn.

Đó cũng là nguyên nhân tại sao ông Trọng lại thích cho cháu Thưởng lên làm Chủ tịch nước. Vì Thế hệ con cháu sau mình thì dễ bảo, chứ thời ông Quang là ông Trọng mệt vì “Kẻ kia tám lạng, kẻ này cũng già nửa cân”.

 Khi chúng ta viết, nói hay tranh luận về vấn đề xây dựng Đất nước VN sao cho văn minh giàu mạnh, thì cần phải đưa Thể chế Dân chủ vào thay cho Thể chế độc đảng chuyên quyền; Thì một số vị ngụy biện nghe ra rất có lý là: Ở VN, vì Dân trí còn thấp, nên đưa Dân chủ vào là loạn, là đâm chém tùm lum, vì Dân VN mông muội, không văn minh và có sự hiểu biết như Dân Châu Âu. Họ khuyên chúng ta nên chờ cho Dân trí lên hẵng hay.

 Vậy xin hỏi rằng chờ đến bao giờ? 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa; Để 4000 năm ta không còn là ta nữa; hay 4000 năm vẫn không sao lớn được! 4000 năm ta vẫn còn bú mớm?

 Thế thì ai là kẻ cố ý chèn hòn đá dưới bánh xe Dân trí này để cỗ xe ì ạch không tiến nhanh lên được? Để rồi chúng ta loay hoay mãi. Chúng ta càng lúng túng, mông lung thì lũ chuột càng có cơ hội sinh con, đẻ cháu ngày càng đông đúc. Chúng ta đứng nhìn ngơ ngác, thở dài ngao ngán, không làm nên được sự nghiệp long trời nở đất, là “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”?

 Vậy muốn cho cỗ xe Dân tộc, hay còn gọi là bánh xe Lịch sử ung dung, tự tại tiến lên phía trước như Nhật, như Nam Hàn, Singaphore… thì nhiệm vụ của chúng ta trước tiên là phải làm sao loại bỏ dần dần những viên đá cản đường đó đi.

 Loại chúng ra khỏi bánh xe bằng cách nào? Thì Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí, sách viết, chương trình phát sóng Radio và truyền hình phải nới lỏng để họ tự đi bằng chính cái chân và cái đầu của họ.

 Tôi nghĩ chỉ cần mỗi chương trình vô tuyến truyền hình VN có được các chương trình bắt chước như của Đức này gọi là Talkshow (Tọa đàm) đã khiến cho dân trí tiến nhanh như vũ bão ngay. Ví dụ ở Đức này hàng ngày họ có các Tọa đàm phát trực tiếp cho Dân xem trên nhiều kênh ti vi. Để Dân tiếp cận và có thể tham gia, cống hiến và phản biện trực tiếp vào được công cuộc, đường lối xây dựng Đất nước .

 Vì thường thì có CỌ mới sinh ra SÁT; Nhờ có SÁT mà sinh ra NHIỆT, nhờ có NHIỆT mà thành ra NHIỆT TÌNH!

 Ví dụ các Tọa đàm mang tên người chủ chương trình luôn. Họ là những người thông minh, tài giỏi, hiểu biết sâu và rộng, bởi họ được đào tạo ở nhiều lĩnh vực, nên thông thái, Họ đặt ra những câu hỏi bất ngờ, hóc búa nhưng lại rất cụ thể, rất thời sự; mà chỉ có người có tài mới trả lời được.

 Đó là các chương trình của : Anne Will, Maischberger, Markus Lanz, Maybrit Illner; Hay các chương trình của nhiều người làm chủ như Hart aber Fair, Moma v.v…

 Những chủ chương trình này họ mời thường xuyên các chính trị gia như Thủ tướng, Tổng thống, các vị Bộ trưởng, các Chủ tịch của các Đảng, các Chuyên viên, Cố vấn, các Nhà khoa học… đủ các lĩnh vực mà Đất nước họ đang sôi sục, nóng bỏng, đang thời sự đến ngồi bàn tròn để phỏng vấn, để tranh luận, để vạch ra chương trình cụ thể mà khắc phục, điều tiết và mở khóa…

 Nhờ những tọa đàm văn minh bàn tròn này mà họ sản sinh ra rất nhiều ý tưởng và sáng kiến hay; Dân Đức và Lãnh đạo Đức ngày càng thông thái ra, cũng chính nhờ vào sự tham gia trực tiếp và xem các chương trình rất bổ ích và rất người này.

 Ngoài ra nhờ các chương trình đó mà đồng thời họ cũng tiêu diệt và loại ra được rất nhiều những ung nhọt, những nguyên nhân sâu xa tiềm ẩn đã tạo ra những bất cập trong Xã hội.

 Người dân được nghe trực tiếp những tranh luận nảy lửa và đầy trí huệ của những người thông thái, có chức có quyền và có tài thực sự này giữa thanh thiên bạch nhật thì họ tự ngấm cái DÂN TRÍ vào đầu ngay. Không cần đọc văn kiện hay chỉ thị, thông tư nào cả. Mà ra đường chúng ta có thấy họ treo khẩu hiệu tùm lum, tùm la như ta đâu. Họ không có tư duy lố bịch, dơ dáng là hướng và bắt người ngu phải sống, chiến đấu và học hỏi người ngu, để tất cả đều ngu…

 Cũng bởi vậy mà Chính phủ của họ không có cái trò ngồi nghĩ mưu mang tính độc quyền cá nhân, một người thảo ra nghị quyết, ra luật, sửa luật vô tội vạ để lợi dụng quyền hành, dùng vũ lực để chỉ đạo, răn đe Dân như ở VN. Luật là tao, tao là luật để áp đặt và ép buộc người Dân một cách hèn hạ, tiểu nhân, thậm chí man rợ, tàn ác và vô văn hóa.

 Rất tiếc ở VN thời gian gần đây cũng học đòi phương Tây, cho ra các Tọa đàm của ông này bà nọ, nhưng nội dung sơ sài, nghèo nàn và toàn bàn những chuyện tầm phào vớ vẩn, hay đố vui, hát vui rẻ tiền. Thậm chí vô văn hóa, phá nát luân thường đạo lý ; Chứ chưa có chương trình xây dựng mang tính chiến lược giúp cho Dân tộc lớn mạnh và đứng vững.

 Việc ông Nguyễn Phú Trọng cách chức, kỷ luật vị Giáo sư có tài, có tâm khả kính Chu Hảo là tổng Giám đốc Nhà xuất bản Trí thức là một hành động xấu xa, tồi tệ và hèn đớn. Kẻ sỹ Bắc Hà thì không hành xử như vậy!

 Nhà xuất bản Trí thức thì phải để người ta cho in ấn, xuất bản, giới thiệu và dịch những sách nổi tiếng bàn về Trí thức chứ! Tại sao chỉ vì với động cơ tốt lành của ông là muốn cho dân trí của Dân Việt thông qua đọc sách quý đó mà có, mà đi lên, thì lại ngăn cấm không cho họ tiếp cận?

 Hơn nữa Lãnh đạo VN ta do kém đức, kém tài, nên không dám lên vô tuyến. Chứ ở Đức tôi thấy lãnh đạo của họ lên màn hình tiếp cận với Dân như cơm bữa. Thậm chí vào mạng Dân cũng biết được chương trình làm việc hàng ngày của họ rất cụ thể. Trừ khi có những bí mật Quốc gia thì họ giữ kín, không thông báo rành rọt ra thôi.

 Đất nước mình giờ đây rất cần những chương trinh khai phóng, mở mang trí tuệ và trau dồi Đạo đức, nếp sống văn minh, thanh cao, sáng láng, tinh túy, uyên bác, khoa học và thực sự dân chủ như ở Đức hay các nước có nền dân chủ.

 Chừng nào ở VN không có các chương trình này để Nhân tài lên tiếng tham gia, trải lòng, quyết chí thể hiện và cùng với Dân đoàn kết vào cuộc, thì rừng Trường Sơn ngày càng bị phá tan hoang mà khỉ thì cứ con đàn, cháu đống, nhảy nhót reo cười và hoan ca với bộ não bã đậu, mồm nhai chuối, tay cầm ống bơ, chân trượt vỏ chuối mà thôi.

 Những chương trình Táo quân, đố vui, thách thức , thi thố, phỏng vấn những người không có chính kiến, nói năng bát nháo, vô thưởng, vô phạt, hay của Trấn Thành mồm mép như tép nhảy với những điệp khúc triền miền dùng vốn từ hâm đi hâm lại, xưa như trái đất, khiến người nghe càng ngày càng thấy vô duyên, nhạt nhẽo, không học hỏi được điều gì mới mẻ, thì chỉ là những bùa mê, thuốc lú, ru người dễ ngủ qua trò tiêu khiển rẻ tiền mà thôi.

 Xin hỏi, sau khi hút hồn, dán mắt vào xem những chương trình nhố nhăng đó, ta nở nụ cười vô duyên, nhạt như nước ốc ấy thì trí khôn của ta có lớn lên được mini nào không? Ta tắt đèn đi ngủ, sáng mai dậy tám ngàn năm ta vẫn là ta…Tóc thêm sợi bạc và cái đầu thêm dây thần kinh lú cuốn quanh như mạng nhện, rồi than, rồi tự hỏi lòng mình:

 “Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi, nhện hỡi nhện chờ mối ai?

 Cuối cùng thì nàng Kiều khổ, Gia đình nàng khổ, Làm cho cụ Tố Như khóc nức nở, sướt mướt và cả tức tưởi nữa tới 300 năm dòng dã, và cụ còn sụt sùi khóc tiếp. Chung quy lại cũng là do thằng bán tơ… Nó giở giói ra. Nó tên thật là gì? Nó người vùng nào? Dáng dấp của nó ra sao? Nó còn sống hay chết? Để mình cứ phải đằng đẵng, chán cảnh, chán tình:

 “Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”

 Tương lại thật là mờ mịt và ảm đạm, phải không bà con?

 Ảnh dưới là chương trình Tọa đàm với các Chính trị gia của nhiều đảng phái và những người nổi tiếng do bà Anne Will làm chủ. Ảnh dưới nữa là chương trình của bà Maischberger, bà đang đặt ra những câu hỏi hóc búa trực diện với ông Thủ tướng Scholz. Họ đều rất tài giỏi. Họ không hẳn phải là Giáo sư, Tiến sỹ. Nhưng sự học rộng của họ thì thật bao la…

 Rất mong nhiều người đọc bài này của tôi. Xin cảm ơn ạ!

 

Nguyễn Doãn Đôn

Chương trình của bà Anne Will, Đức,  với các chính trị gia của nhiều đảng phái và những người nổi tiếng  

 

Nguồn: https://www.facebook.com/dondoan.nguyen.3/posts/pfbid022XbV6KwU6skHq5d5WyTYhJJ3y4SZ33HGWswhabvsJS

 

Vì đâu dân trí thấp?

Nguyễn Đình Cống

9-11-2023

Nguyên nhân rất nhiều tai họa mà đa số người dân Việt Nam hiện nay phải chịu, được quy về hai nhóm: Những sai lầm trong lãnh đạo và dân trí thấp. Hai nguyên nhân này phối hợp với nhau, cộng hưởng lẫn nhau, thể hiện ra dưới nhiều dạng khác nhau. Một trong các dạng thường được trình bày là sự kết hợp giữa những độc hại của chủ nghĩa Mác Lê và một số yếu kém trong văn hóa dân tộc. Sai lầm trong lãnh đạo là do chủ nghĩa Mác Lê, dân trí thấp, tạo ra một số yếu kém về văn hóa.

Bài viết này không bàn đến những sai lầm của lãnh đạo, chúng đã được nhiều người trình bày ở nhiều nơi và còn được tiếp tục. Chỉ xin bàn đến một phần nhỏ trong vấn đề dân trí.

Dân trí có ba loại, về khoa học, về nghề nghiệp và về chính trị.

Dân trí về khoa học là những kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và những ứng dụng các kiến thức đó trong đời sống. Dân trí về nghề nghiệp là những hiểu biết, tình cảm, kỹ năng, kỹ xảo đối với nghề đang làm.

Dân trí chính trị là những hiểu biết về các loại chính quyền và quan hệ giữa chính quyền với người dân, về nhân quyền và dân quyền, về tự do, dân chủ, bình đẳng, về những biện pháp để thực thi nhân quyền và dân quyền, để tự bảo vệ và đòi được bảo vệ khi các quyền bị xâm hại, về sự hoạt động của các đảng phái chính trị v.v…

Ba loại dân trí không mâu thuẫn nhau, nhưng cũng không hoàn toàn thống nhất trong mỗi người. Đã từng có những người làm chủ bằng cấp cao về khoa học, nắm vững chuyên môn, giỏi trong nghề nghiệp, mà lại có hiểu biết không những mơ hồ mà con sai về dân trí, chính trị.

Ở Việt Nam, dưới thể chế hiện tại, không phải chỉ dân trí chính trị thấp mà “quan trí” càng thấp, hơn nữa chức quan càng cao thì trí tuệ càng thấp so với yêu cầu. Có ý kiến cho rằng: Dân trí thấp thì làm sao quan trí cao được, vì dân ấy sinh ra quan ấy. Nhưng cách nói ngược lại rằng “quan ấy sinh ra dân ấy” có thể đúng hơn.

Phan Chu Trinh đã rất đúng khi ra sức vận động “Nâng cao dân trí, Chấn hưng dân khí”. Sự hoạt động của nhiều người, nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng nhằm nâng cao dân trí, chính trị, cho đấy là động lực của tiến bộ.

Nguyên nhân nào làm cho dân trí chính trị thấp? Phải chăng bản chất của nòi giống dân tộc Việt là có trí tuệ kém? Không, không phải thế. Có thể nêu ra hàng ngàn, hàng vạn dẫn chứng trong lịch sử, rằng về bản chất, dân tộc Việt có trình độ trí tuệ không hề thấp kém. Nhưng hiện nay, rõ ràng dân trí chính trị của đại đa số người Việt ở trong nước thấp hơn so với rất nhiều quốc gia, thấp hơn người Việt ở nước ngoài.

Nhận xét ở đoạn trên (dân trí thấp tạo ra quan trí thấp) nghe qua thấy có vẻ đúng về hình thức nhưng sai về bản chất, là người ta đổ lỗi cho dân, cho rằng dân trí thấp là tại dân. Phải chăng tại dân cam tâm chịu ngu dốt, không chịu giác ngộ về nhân quyền và dân quyền, tại vì dân chỉ chăm lo niêu cơm, manh chiếu mà không quan tâm đến văn hóa, chính trị, sẵn sàng chịu sai khiến v.v… Việc đổ lỗi cho dân là quá dễ nên một số người đã nghĩ và làm như thế. Không, không phải như thế. Những người tử tế không tán thành cách đổ lỗi như vậy.

Đúng là có hiện tượng một số người dân chỉ lo cho niêu cơm, manh chiếu nhà mình mà không quan tâm đến văn hóa, chính trị, cam tâm chịu sai khiến, nhưng đó là số ít, rất ít và chủ yếu họ bị bắt buộc, bị kìm kẹp, bị dọa nạt. Họ sợ chính quyền, sợ không giống những người xung quanh, sợ bị trừng phạt. Nhưng bản chất của dân Việt không phải như vậy.

Nguyên nhân chủ yếu của dân trí chính trị thấp bắt nguồn từ phía lãnh đạo. Về hình thức, ngoài mồm hoặc trong văn bản, lãnh đạo nói nhiều, nói mạnh đến phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài v.v… nhưng thực tế họ cố nâng cao dân trí khoa học và dân trí nghề nghiệp một cách lệch lạch là nặng về dạy người ta làm theo mẫu, trả lời chủ yếu câu hỏi làm như thế nào, mà không dạy học khai phóng nhằm kích thích sáng tạo; trả lời câu hỏi tại sao, là tìm cách xa rời tính nhân bản nhằm đào tao con người tự do mà tránh việc đào tạo con người công cụ.

Còn dân trí chính trị thì bị làm cho lệch lạc bằng một số biện pháp sau: 1- Nền giáo dục phụ họa chính quyền, xa rời tính nhân bản, khai phóng. 2- Hệ thống tuyên truyền một chiều. 3- Ngăn cấm tự do ngôn luận. 4- Khống chế việc thống nhất tư tưởng và lòng trung thành với đảng; 5- Đàn áp các xu hướng khác biệt, ngăn cấm các phản biện và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

Kết quả của chính sách, đường lối trên dẫn tới dân trí chính trị càng ngày càng thấp. Sự kìm kẹp và dối trá đã buộc khá đông thành phần tinh hoa nhập vào dòng chảy chất xám. Số trí thức được đảng đào tạo hoặc tiếp nhận, phần lớn chỉ giỏi phụ họa, hữu danh vô thực, một số ít tuy có trình độ nhưng chỉ phát huy được trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, hoặc vì trung thực nên bị vô hiệu hóa, một số khác vì phản biện mà bị tù đày.

Lãnh đạo có những chủ trương trên đây, chủ yếu là do đã bị Tàu Cộng xúi bẫy, bị mắc lừa mà cứ tưởng được dạy bảo thực lòng theo mười sáu chữ vàng.

Một số người tưởng nhầm là làm cho dân ngu để dân giữ một lòng trung thành, không còn ai phản biện, để cho một mình đảng, tha hồ kiên trì chủ nghĩa mà họ tôn thờ. Nhưng không phải như vậy, làm cho dân ngu một thì lãnh đạo nhận lấy ngu gấp hai, gấp ba lần. Thực tế chứng tỏ, rõ ràng càng về sau trình độ lãnh đạo ngày càng thấp là dẫn chứng, càng dễ bị lệ thuộc vào Trung Cộng.

Trong lúc dẫn dắt dân Việt làm cách mạng, làm chiến tranh để mang lại độc lập và thống nhất lãnh thổ, lãnh đạo đã phạm một số sai lầm, trong đó làm ngu dân về chính trị là thuộc loại khá nặng, một mặt nó góp phần tạo ra máu chảy đầu rơi, phá nát kinh tế. Mặt khác quan trọng hơn, nó hủy hoại nền văn hóa truyền thống, hủy hoại tinh thần bất khuất của nhân dân, làm suy yếu dân tộc, tạo cơ hội và điều kiện cho kẻ thù phương Bắc thao túng.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen