Seite auswählen

Nỗi niềm của những luật sư bị buộc rời bỏ đất nước

Diễm Thi
2023.10.31
RFA
sharethis sharing button

Nỗi niềm của những luật sư bị buộc rời bỏ đất nướcNữ thần công lý. Ảnh minh họa

 AFP

Thời gian gần đây, ít nhất có ba vị luật sư đang hành nghề tại Việt Nam và một vị luật sư bị tước thẻ hành nghề vì công khai lên tiếng cho nhân quyền, đã phải rời bỏ đất nước đến Hoa Kỳ sinh sống.

Luật sư Võ An Đôn bị tước thẻ hành nghề hồi năm 2017 với lý do mà các cơ quan chức năng trong nước nêu ra, là đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam. Vị luật sư này đã từng nộp đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long, yêu cầu trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông nhưng không thành công, dù theo luật sư Võ An Đôn, nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì ông thắng 100%.

Còn khi lên tiếng thì bị chính quyền trù dập, đàn áp. Tôi thì bị tước thẻ hành nghề. Tôi còn bị nguy cơ bị bắt, bị bỏ tù và không giúp được gì cho người dân khi chính quyền tuyên truyền tôi là một “luật sư phản động”. Đó là lý do tôi quyết định ra đi. – Luật sư Võ An Đôn

Gia đình Luật sư Võ An Đôn đến Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 10 năm 2023. Nêu lý do vì sao phải rời bỏ đất nước, Luật sư Đôn nói với RFA hôm 30 tháng 10 năm 2023:

“Là người Việt Nam, không ai muốn bỏ quê hương đất nước đến một vùng đất mới không bà con họ hàng, không bạn bè thân thích như tôi cả. Nhưng tôi phải ra đi vì ở Việt Nam, tôi phải sống ở trong một xã hội đầy bất công, tham nhũng tràn lan. Là một luật sư thấy những cảnh tượng đó mà không lên tiếng, không đứng về phía lẽ phải để chống lại những bất công thì lương tâm cắn rứt. Còn khi lên tiếng thì bị chính quyền trù dập, đàn áp. Tôi thì bị tước thẻ hành nghề. Tôi còn bị nguy cơ bị bắt, bị bỏ tù và không giúp được gì cho người dân khi chính quyền tuyên truyền tôi là một “luật sư phản động”. Đó là lý do tôi quyết định ra đi.

Khi bị chính quyền gây khó khăn, bản thân tôi rất nhiều lần đề nghị Đoàn Luật sư cũng như Liên đoàn Luật sư bảo vệ nhưng họ không những không bảo vệ mà còn ra quyết định tước quyền hành nghề luật sư của tôi theo chỉ đạo từ các cơ quan đảng và đặc biệt là từ công an can thiệp vào.”   

Ba vị luật sư đang hành nghề tại Việt Nam là Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Đào Kim Lân cũng phải bỏ nước ra đi và đến Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua. Truyền thông nhà nước loan tin, nội dung tiếp nhận của Công an tỉnh Long An từ A05 đã phát hiện ba luật sư này có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA sáng 30 tháng 10 năm 2023:

“Tôi buộc phải bỏ nước ra đi vì chúng tôi là những người đấu tranh cho quyền lợi của người dân, cụ thể là bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động luật sư hợp pháp ở Việt Nam. Thế nhưng đối với Việt Nam, không phải những gì hợp pháp đều được chấp nhận, mà phải theo ý đảng. Chúng tôi đã thoát ra khỏi ý của những người lãnh đạo đất nước dù chúng tôi căn cứ theo chính luật pháp, hiến pháp và các luật của họ đưa ra. Và hơn thế nữa, chúng tôi căn cứ theo các quyền con người thông qua luật về nhân quyền, các quyền về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia.

Chính vì điều đó mà chúng tôi bị giám sát, bị đe dọa và có nguy cơ bị khởi tố. Chúng tôi bị đẩy đến bước đường cùng và phải rời bỏ đất nước. Đây là một mất mát cho những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.”

4d8e51ad-1856-4046-9244-1368139313ac.png

 Gia đình LS Võ An Đôn ở tại phi trường Dulles hôm 26/10/2023

Cuối tháng 2 năm 2023, Luật sư Đào Kim Lân có đơn khẩn cấp gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để kêu cứu, sau khi ông Lân nhận được thông báo của Công an tỉnh Long An nói rằng, cơ quan này nhận được tin báo về tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai, trong đó có ông, có dấu hiệu vi phạm Điều 331 và đang xử lý thông tin này.

Ông Lân nói với RFA về quyết định bỏ nước ra đi của mình:

“Không đâu hành nghề bằng ở Việt Nam vì luật sư học ở Việt Nam thì chỉ hành nghề ở Việt Nam thôi. Việc phải ra nước ngoài là bất khả kháng. Đó là vì an toàn của mình và gia đình khỏi sự đe dọa của công an địa phương. Họ sai nhưng lại bao che cho nhau. Họ lấy cớ là tụi tôi tung những sai trái của họ lên mạng xã hội làm ảnh hưởng ngành công an, mà những sai trái đó nếu tụi tôi không đưa lên thì làm sao người dân biết?

Công an làm sai, luật sư là người đối trọng với công an và các cơ quan tố tụng để bảo đảm cho công lý được thực thi. Nếu không có luật sư thì công an, công tố viên, viện kiểm sát làm sai không ai “bắt giò”. Bây giờ họ đàn áp cả luật sư thì coi như luật pháp đâu còn tồn tại. Liên đoàn luật sư chỉ là hình thức cho có, chứ khi luật sư bị gì thì khó có sự can thiệp từ họ.”

Hầu hết các luật sư cho rằng, do họ không tự bảo vệ được mình và cơ quan chủ quản của họ là các đoàn luật sư, thậm chí Liên đoàn Luật sư cũng không bảo vệ được họ khi gặp nguy hiểm, gặp những bất công trong quá trình hành nghề, khiến họ phải rời bỏ đất nước.

RFA gửi email đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ hôm 29 tháng 10 năm 2023 để hỏi thông tin nhưng không nhận được phản hồi.

Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ, trong quá trình hành nghề luật sư từ hơn một phần tư thế kỷ, ông biết rất rõ về sự yếu kém của nền tư pháp nước nhà; về tình trạng bất công, án oan tràn lan khắp nơi khiến cho công chúng bất bình, mất hoàn toàn sự tin cậy vào hệ thống tư pháp.

599803ee-819b-4293-aefe-515f8505f64d.jpeg

 Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng tại phi trường Dulles hôm 16/6/2023

Luật sư Mạnh phân tích với RFA:

“Sự yếu kém của nền tư pháp không hẳn về lập pháp mà là từ quá trình thực thi luật pháp, trong đó, yếu tố con người mang tính chất quyết định. Với tư cách công dân, tôi ý thức trách nhiệm của mình với sự hưng thịnh, tồn vong đất nước.

Thế nên, tôi đã cố gắng đóng góp sức mọn của mình bằng cách viết khá nhiều kiến nghị với mong mỏi cải cách nền tư pháp theo chiều hướng tích cực, tiệm cận hơn với nền tư pháp của thế giới văn minh. Thế nhưng, đáng buồn rằng khá nhiều bài viết của tôi đã trở thành chứng cứ về tội danh theo điều 331 Bộ luật hình sự để Bộ công an trong nước yêu cầu điều tra hình sự đối với cá nhân tôi. Đó là sự bất công và không khó đoán trước hệ quả của nó.

Thế nên, tôi phải ra đi để tìm kiếm tự do, tuy rằng việc ra đi là sự vạn bất đắc dĩ, nhưng tôi phải chọn lấy vì không thể nào để cho nền tư pháp bất công quyết định số phận của mình. Tôi tin rằng nền tư pháp nước nhà sẽ sớm có sự thay đổi cùng với sự thay đổi về thể chế chính trị, vì lẽ, điều ấy là nguyện vọng, là ý chí của nhân dân nên chẳng thể nào cưỡng lại được.”

RFA gọi điện thoại đến Phòng an ninh, điều tra Công an Tỉnh Long An để hỏi thêm thông tin thì nhận được câu trả lời:

“Có vấn đề gì chị cần biết, cần trao đổi thì chị đến cơ quan. Cơ quan sẽ xem xét trả lời bằng văn bản chứ chúng tôi không trao đổi qua điện thoại.”

Ngoài các luật sư phải rời đất nước khi đang hành nghề hợp pháp như Luật sư Miếng, Luật sư Mạnh, Luật sư Lân, hay đã bị cấm hành nghề một cách bị cho là bất hợp pháp như Luật sư Đôn, còn một số luật sư rời Việt Nam từ nhà tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài hay Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Luật sư Nguyễn Văn Đài bị kết tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, bị tuyên 15 năm tù trong phiên tòa sơ thẩm hôm 5 tháng 4 năm 2018. Hai tháng sau, ông Đài được đưa sang Đức.

Hầu hết các luật sư hiện nay đều được học dưới mái trường của chế độ cộng sản, nhưng khi ra hành nghề thì họ thấy những quy định trong hiến pháp cũng như pháp luật so với những gì những quan chức cộng sản từ các ngành, cơ quan hành chính cho đến hệ thống tư pháp áp dụng nó trái ngược với những gì hiến pháp và pháp luật quy định. – Luật sư Nguyễn Văn Đài 

Trao đổi với RFA hôm 31 tháng 10 năm 2023, Luật sư Đài nêu quan điểm của ông về hiện thực của một số luật sư trong nước:

“Hầu hết các luật sư hiện nay đều được học dưới mái trường của chế độ cộng sản, nhưng khi ra hành nghề thì họ thấy những quy định trong hiến pháp cũng như pháp luật so với những gì những quan chức cộng sản từ các ngành, cơ quan hành chính cho đến hệ thống tư pháp áp dụng nó trái ngược với những gì hiến pháp và pháp luật quy định.

Thế nhưng khi các luật sư lên tiếng bảo vệ cái sự đúng đắn của pháp luật thì bị coi là chống đối đảng cũng như chế độ và nhà nước. Những luật sư chính trực thường không thể hành nghề lâu dài ở Việt Nam được. Sớm hay muộn cũng bị nhà nước hoặc là tước thẻ hành nghề, hoặc bắt giữ, cầm tù rồi đẩy ra nước ngoài. Có luật sư chưa bị bắt tìm cách ra nước ngoài. Đó là tình cảnh của một số luật sư Việt Nam.”

Một số luật sư cho rằng, để thay đổi ngành tư pháp Việt Nam cho tốt hơn thì phải thay đổi rất nhiều thứ vì thể chế chính trị Việt Nam khác hẳn các nước dân chủ.

Luật sư bị hành hung, ai sẽ bảo vệ luật sư?

Diễm Thi, RFA
2022.05.18
sharethis sharing button

Luật sư bị hành hung, ai sẽ bảo vệ luật sư?Chiếc cân biểu tượng cho công lý

 AFP

Mới đây, Luật sư Lê Hoàng Tùng, Công ty Luật TNHH Everest, có đơn tố giác bị điều tra viên hành hung khi làm việc tại Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn đề nghị Công an TP.HCM xem xét, xác minh và có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm sức khỏe, thân thể và quyền hành nghề luật sư.

Trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay:

“Dù muốn hay không thì phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản chính thức để gửi cho Ban Giám đốc Công an thành phố và Viện kiểm sát. Họ phải trả lời trước công luận để xử lý đúng quy định của pháp luật. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì chúng tôi sẽ theo dõi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư khi tham gia tố tụng. Cái này đã được Luật luật sư quy định. Luật sư người ta có quyền tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức cũng như quyền tự do dân chủ của công dân. Không ai được xâm phạm.

Ở đây thì tôi xác định đó là một cá nhân họ làm không đúng thôi, tức là nhiều khi là luật sư người ta nói cái gì đó rồi hai bên cự cãi và họ không kiểm chế được, không làm chủ được bản thân. Tôi thấy rằng cần phải được xử lý một cách nghiêm túc nếu có xảy sai phạm. Một người bình thường thôi là đã vi phạm rồi, tức là thân thể của một con người là bất khả xâm phạm trong quy định của hiến pháp.”

Bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của luật sư, bảo đảm hành nghề theo pháp luật của luật sư được cho là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tôi thấy rằng cần phải được xử lý một cách nghiêm túc nếu có xảy sai phạm. Một người bình thường thôi là đã vi phạm rồi, tức là thân thể của một con người là bất khả xâm phạm trong quy định của hiến pháp. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Câu chuyện Luật sư Lê Hoàng Tùng không phải là cá biệt. Vào tháng 11 năm 2015, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị tám người bịt mặt bằng khẩu trang đánh đập, sau khi hai luật sư đến nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của một người bị đánh chết tại Trại Tạm giam là Đỗ Đăng Dư, để tìm hiểu sự việc bà Mai cho biết bị Công an Hà Nội ép từ chối luật sư.

Tháng 11 năm 2021, Luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tố cáo việc ông bị lực lượng công an xã Thanh Khương, Bắc Ninh lăng mạ và xua đuổi khi tới làm việc cùng với thân chủ. Trên trang Facebook Tuan Ngo, ông viết: “Tôi sẽ giữ đúng bổn phận của người luật sư và phẩm giá của một luật sư đàng hoàng cho tới ngày cuối cùng, khi tôi còn giữ tấm thẻ luật sư trên tay. Mọi hành vi sai trái, xâm phạm quyền hành hợp pháp của tôi và đồng nghiệp, tôi sẽ sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng”.

Trước đó, hôm 14  tháng 11 năm 2019, Luật sư Nguyễn Duy Bình, người tham gia bào chữa trong vụ án vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, đã bị một tốp cảnh sát bảo vệ “kẹp nách, bẻ tay, lôi ra” khỏi phòng xử án và sau đó bị “kẹp cổ, xốc nách, lôi lên xe” đưa về đồn công an phường Phước Tân (Thành phố. Nha Trang).

phien-toa-ls-tran-vu-hai-1-e1573870863710.jpg
Luật sư Nguyễn Duy Bình bị lôi ra khỏi phòng xử án hôm 14 tháng 11 năm 2019. Photo: Viettan

Trò chuyện với RFA sáng 18 tháng 5 năm 2022, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho hay, ông bị chính những người trong hệ thống tư pháp đối xử thô bạo ít nhất ba lần. Có lần còn bị công an lấy điện thoại rồi xóa hết dữ liệu lưu trữ của ông. Ông nêu nguyên nhân xảy ra những vụ hành hung, xúc phạm luật sư những năm qua:

“Nguyên nhân trước hết để xảy ra những vụ việc là do cái nền tố tụng của đất nước Việt Nam. Nhất là bên các cơ quan điều tra và một số điều tra viên có cái dấu hiệu lạm quyền cản trở việc hành nghề của luật sư. Khi các điều tra viên thấy các luật sư vào thì việc buộc tội sẽ khó hơn; khó chứng minh tội phạm hơn. Cũng có thể họ cho rằng luật sư sẽ tư vấn cho thân chủ của mình theo quy định của pháp luật để tạo cho thân chủ của mình sự vững tâm trả lời các câu hỏi, các vấn đề của cơ quan điều tra cho nên họ cố tình ngăn cản ngay từ đầu.

Tóm lại, cái mục đích của họ mà hay gây nên những vụ việc này, thứ nhất là họ không muốn luật sư tham gia để cho họ dễ làm. Từ ‘dễ làm’ nó có nhiều nghĩa cho nên thường thường họ rất ghét luật sư không muốn luật sư can thiệp vào. Trong hàng ngũ công an thì cũng có những người là trình độ văn hóa còn thấp và đạo đức còn kém cho nên họ thường hay sử dụng những hành vi côn đồ, vô pháp đó. Số mà hay hành hung hay giở những cái thủ đoạn bỉ ổi như vậy thì cũng ít thôi không phải là nhiều.”

Luật sư Nguyễn Duy Bình nói thêm, theo quy định của pháp luật, cảnh sát tư pháp có nghĩa vụ bảo vệ luật sư ở trụ sở tòa án; khi luật sư làm việc ở công an thì công an cũng có nghĩa vụ bảo vệ luật sư. Nói chung, khi luật sư làm việc ở bất cứ cơ quan nào của nhà nước thì cũng được lực lượng của cơ quan nhà nước bảo vệ. Tuy pháp luật quy định như vậy nhưng đôi khi, chính người tiến hành tố tụng, điều tra viên, công an viên lại sử dụng những hành vi có tính chất côn đồ với luật sư.

Nguyên nhân trước hết để xảy ra những vụ việc là do cái nền tố tụng của đất nước Việt Nam. Nhất là bên các cơ quan điều tra và một số điều tra viên có cái dấu hiệu lạm quyền cản trở việc hành nghề của luật sư. Khi các điều tra viên thấy các luật sư vào thì việc buộc tội sẽ khó hơn; khó chứng minh tội phạm hơn. – Luật sư Nguyễn Duy Bình

Theo nhận định của những người quan tâm, dường như các luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị, hoặc những vụ án được coi là “nhạy cảm” thường bị theo dõi và dễ bị hành hung hơn các luật sư khác.

Trong khi phiên tòa “Đồng Tâm” diễn ra, một số luật sư cho biết họ bị các đối tượng lạ mặt đeo bám trên đường về. Trong đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Ngô Anh Tuấn bị công an xốc nách xô từ trên thềm xuống mấy bậc thang.

Bình luận về việc các luật sư bị đối xử thô bạo, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ý kiến của mình với RFA qua ứng dụng Facebook messenger sáng 18 tháng 5 năm 2022: 

“Tình trạng công an viên “giơ cao tay” hoặc “nhấc cao chân” để công dân “va” vào bị thương tích trở nên phổ biến trong xã hội. Điều đó làm méo mó đi mối quan hệ lành mạnh giữa “bạn dân” với người dân. Thậm chí, giới luật sư vốn hiểu biết luật pháp đôi khi cũng từng là nạn nhân của tình trạng này. 

Tôi nghĩ, giải pháp cho vấn đề là nên nhìn thẳng vào sự việc và gọi đúng tên hành vi trái pháp luật là hành hung trái phép công dân để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật. Giải pháp này không chỉ là sự chế tài mà còn là cách răn đe, phòng ngừa tình trạng này tái diễn. Giúp lành mạnh hóa trở lại quan hệ giữa nhân viên công lực với người dân.” 

Ngoài những vụ luật sư bị hành hung, sách nhiễu khi tham gia bào chữa trong các vụ án dân sự, những luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị cũng cho biết họ phải đối mặt nhiều rào cản, đe dọa và có người bị tước thẻ hành nghề như Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên…

Trách nhiệm của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, nhằm bảo vệ sự công minh của pháp luật. Luật sư được coi là tiêu chí đánh giá mức độ phát triển dân chủ của xã hội. Nếu luật sư không được bảo vệ pháp lý đúng mức thì niềm tin vào nhà nước pháp quyền của người dân có thể bị lung lay.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen