Seite auswählen

Thật ra họ là ai, Lê Kiên Thành?

Người Việt

Tr. Tiến Minh

Ông Lê Kiên Thành – một thái tử đỏ, con của ông Lê Duẩn, cố tổng bí thư Cộng Sản Việt Nam – đã làm nổi sóng gió mạng xã hội khi vướng vào khẩu nghiệp. Thế giới đang yên đang lành, ông Lê Kiên Thành lại chọc tức thiên hạ bằng một status trên trang Facebook cá nhân. Mỉa mai ông thầy tu Minh Tuệ, ông Lê Kiên Thành đặt câu hỏi:

 

 

Ông Lê Kiên Thành chia sẻ về cuốn sách “Những Khoảnh Khắc Sống” của mình. (Hình: T.Thịnh/Dân Việt)

“Với tất cả sự kính trọng Thầy và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người muốn và đang theo bước Thầy:

-Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho Thầy dùng bữa?

-Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho Thầy mặc?

-Ai sẽ giữ bình yên trên những con đường Thầy sẽ đi?”

Thế là mạng xã hội phừng phừng như cháy rừng. Hàng loạt châm biếm mỉa mai ào ạt tấn công ông Thành. Một người viết:

“Một số người có cái nhìn hạn hẹp thì thắc mắc cứ ôm bát đi khất thực thì ai trồng lúa gạo cho mà ăn, ai dệt vải cho mà mặc.

Nhưng lạ thay họ lại không hỏi:

-Hỏi Giáo Sư Ngô Bảo Châu rằng tất cả đi làm toán và ai cũng học theo giáo sư để học toán thì ai trồng lúa cho mà ăn? Chắc chắn làm toán thì không ra hột gạo rồi.

-Hỏi nhạc sĩ Đặng Thái Sơn rằng ai cũng chơi đàn suốt ngày thì ai sẽ dệt vải cho mà mặc? Chắc chắn chơi đàn tuyệt luân cũng không ra cọng vải nào đâu.

-Hỏi cầu thủ Quang Hải rằng cứ hàng ngày nhông nhông với trái bóng thì ai sẽ giữ gìn biển đảo? Ai sẽ giữ bình yên trên đường?”

Rồi nhiều người khác cũng hỏi ông Thành:

-“Ai cũng làm ‘tổng bí’ (tổng bí thư) thì ai sẽ trồng lúa, đắp đường?”

-“Ai cũng ra sách kể về cha mình thì ai trồng lúa, dệt vải, giữ bình yên cho những con đường? (ám chỉ việc Lê Kiên Thành ra sách viết về cha mình).”

Nhiều người huỵch toẹt:

-“Cái này gọi là cái ngu giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra!”

-“Sao không hỏi đám trọc ở chùa Ba Vàng, Bái Đính, Tam Chúc… có làm ra lúa gạo không? Hỏi luôn thế đi có phải hỏi ra hỏi không.”

-“Ai cũng đi làm cách mạng thì chết đói cả lũ. Cái này thì có thật!”

-“Ai mà cũng như ông Thưởng (cựu chủ tịch nước), ông Phúc (cựu chủ tịch nước), ông Huệ (cựu chủ tịch Quốc Hội), ai mà cũng như vụ Việt Á, vụ test kit… thì đất nước Việt Nam này sớm muộn cũng bị xóa sổ thôi.”

Đáng chú ý có một status của ông Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, viết: “Thành là con lãnh tụ, tư sản đỏ, rất giàu. Hôm trước Thành in cuốn sách, bao nhiêu văn nhân tài tử nổi tiếng xúm lại o bế rối rít, thổi Thành lên mây. Lâu lâu nhà tư sản Thành lên phây ị một bài tỏ vẻ thương nước thương dân và đau xót cho thời cuộc, lại được văn nhân tài tử ngợi ca hết lời. Hôm nay bỗng dưng Thành ngậm xí muội thở ra một cái tút (status) hẹp hòi ra vẻ đại nhân để truy vấn Thích Minh Tuệ, bị dân phây chửi sấp mặt, hihi.

Nhiều người cho rằng, không cần đọc cuốn sách, chỉ cần đọc cái tút là đủ để đánh giá Thành. Do xuất thân là một người lính nhập ngũ năm 1977 nên tôi luôn nhớ về Thành, vì đúng cái đêm Tháng Hai, 1979, ấy, khi Thành cùng với các lãnh đạo Việt Nam vui vẻ trong tiệc cưới của Thành thì 60 vạn quân Trung Quốc lặng lẽ trườn qua xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, tàn sát dã man đồng bào ta, để lại những di chứng không dễ khắc phục trong một thời gian dài…”

***

Đúng là không có cái ngu nào giống cái ngu nào, đặc biệt cái ngu của một người có bằng “tiến sĩ” như ông Lê Kiên Thành. Là con của ông Lê Duẩn, ông Lê Kiên Thành sinh năm 1955, học kỹ sư hàng không tại Liên Xô, sau đó là phó tiến sĩ vật lý. Khi về nước, ông Lê Kiên Thành lo làm giàu. Không biết ông Lê Kiên Thành có là sân sau của băng nhóm chính trị nào không. Theo thông tin công khai thì ông Lê Kiên Thành từng là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) và hiện là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần Xây Dựng và Phát Triển Đô Thị; chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần Chế Biến Thực Phẩm Thái Minh; đồng sở hữu sân golf Đầm Vạc và là chủ tịch Hiệp Hội Golf Việt Nam.

Thỉnh thoảng ông Thành lên mạng thổn thức vài câu cảm thán thế thái nhân tình, như thể mình là người nặng lòng với quốc dân. Tháng Tư, trên Facebook cá nhân, ông Lê Kiên Thành viết: “Họ là những người được đứng vào hàng ngũ những người ưu tú nhất. Sau một thời gian thử thách qua nhiều cung bậc của chính quyền, Họ được trang bị những lý luận chính trị, kinh tế (và cả quân sự) sâu sắc nhất. Qua những lần bỏ phiếu tín nhiệm ở nhiều nơi, đa phần Họ có số phiếu cao nhất. Họ bước lên đỉnh vinh quang sau khi long trọng thề với quốc dân đồng bào về lòng trung thành, về sự hy sinh, về tâm nguyện cống hiến.

Rồi Họ thay mặt đất nước tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhân dân đi khắp nơi trên thế giới, thắt chặt tình hữu nghị. Họ viết thư cho học sinh, tặng danh hiệu cho nghệ sĩ… Rồi bỗng một hôm Họ buông lỏng, Họ vi phạm những điều cấm, vi phạm lối sống bình thường, Họ làm tổn hại… và Họ biến mất (như chưa từng có) trong đời sống của chúng ta. Tôi, vô cùng đau đớn, chỉ muốn hỏi những người đã kết nạp Họ vào tổ chức, đã từng ca ngợi Họ, đã bỏ những lá phiếu cho Họ, rằng: THẬT RA, HỌ LÀ AI VẬY?”

Ông Lê Kiên Thành viết hoa chữ “Họ” để muốn nhấn mạnh đến một nhóm đối tượng, những kẻ quyền cao chức trọng trong hệ thống cai trị của đảng Cộng Sản. “Thật ra, họ là ai vậy?” là câu hỏi tu từ, không cần trả lời. Với ông Thành, “họ” là những người làm cho ông “vô cùng đau đớn.” Với người dân, “họ” là ai thì ai chẳng biết: “Họ” chính là sản phẩm của hệ thống mà chính cha của ông Thành – Lê Duẩn – là kẻ tạo ra.

Cha của ông Thành không chỉ tạo ra “họ.” Cha của ông Thành còn mang lại bao nhiêu bi kịch cho đất nước, đặc biệt sau 1975. Ai là người tổ chức đánh tư sản miền Nam để cướp trắng của nhân dân? Ai là người tạo ra thảm cảnh vượt biên gây ra bao oan khuất? Ai thực hiện chính sách phá hoại văn hóa miền Nam? Ai thực hiện những cuộc trả thù hèn hạ nhằm vào giới chức Việt Nam Cộng Hòa?

Trong quyển “Những Khoảnh Khắc Sống” phát hành Tháng Tư, được miêu tả là viết “về sự hy sinh của một thế hệ trong năm tháng chiến tranh của dân tộc, và hồi ức về gia đình, bạn bè, người thân,” ông Lê Kiên Thành dĩ nhiên không nhắc đến vai trò tàn ác của cha mình, “anh Ba Lê Duẩn,” đối với miền Nam nói riêng và với đất nước nói chung.

Thậm chí trong một cuộc phỏng vấn báo Công An Nhân Dân vào Tháng Bảy, 2016, ông Lê Kiên Trung, thiếu tướng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An – em ruột của ông Lê Kiên Thành – còn bỉ ổi một cách trắng trợn khi nói: “Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh: Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục…”

Đúng là “đảng ta” đã không hề “động chạm” đến những người thuộc chế độ cũ, mà là đọa đày họ; con cái họ bị truy sát bởi chính sách “sơ yếu lý lịch;” vợ họ phải vật vạ buôn gánh bán bưng hoặc bị tống lên những vùng đất khỉ ho cò gáy được gọi bằng mỹ danh là “kinh tế mới”…

Đó là những năm tháng mà ông Lê Kiên Thành, cùng với ông Lê Kiên Trung, sống trong nhung lụa. Đó là những năm tháng mà hàng triệu người dân phải thống khổ “để có gạo cho ‘họ’ dùng bữa.” Đó là những năm tháng mà hàng triệu người phải nai lưng làm việc và “dệt những tấm vải để có áo cho ‘họ’ mặc.” Đó là những năm tháng mà hàng triệu người không thể sống “bình yên trên những con đường mà ‘họ’ đi.” Tội ác của họ rành rành ra đó. Bao nhiêu “trúc nước Nam” ghi lại cho đủ!

“THẬT RA, HỌ LÀ AI HẢ, LÊ KIÊN THÀNH?” (Tr. Tiến Minh) [qd]

Xem thêm:

Không chỉ là sạn chữ

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen