RFI
Cuộc tấn công Ukraina của quân đội Nga mở màn ngày 24/02/2022, và chưa biết sẽ kéo dài đến khi nào, thường được coi là một quyết định độc đoán – liều lĩnh, của tổng thống Nga cùng với một vài cộng sự tin cẩn nhất. Để trả lời cho câu hỏi, cuộc chiến sẽ đi về đâu, nhiều chuyên gia thường đặt lên hàng đầu câu hỏi tổng thống Vladimir Putin thực sự muốn gì ?
Giải đáp câu hỏi tổng thống Putin thực sự muốn gì quả là điều không đơn giản, bởi theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo tối cao nước Nga trong thời gian gần đây sống cô lập, gần như tránh mọi tiếp xúc, thận trọng với tuyệt đại đa số người dưới quyền. Mới đây, tình báo Hoa Kỳ đưa ra nhận định sở dĩ ông Putin quyết định tiếp tục chiến tranh, do nhận được những tin tức sai lạc do chính tình báo Nga cung cấp, những thông tin được coi là để thỏa mãn trước hết nhu cầu đầy ảo tưởng của ông chủ điện Kremlin, chứ không nói lên sự thật. Một Putin độc đoán, cô lập, tách rời với tất cả, sống trong ảo tưởng… là hình ảnh về lãnh đạo tối cao Nga, được không ít người chia sẻ.
Trên thực tế, cũng có một cách nhìn rất khác về lãnh đạo tối cao Nga, về quyết định chiến tranh chống Ukraina của Matxcơva. Theo tiếp cận này, cuộc xâm lăng Ukraina là sự tiếp nối rất logic cùa tư tưởng « sùng bái chiến tranh », như một phương tiện khẳng định « sự vĩ đại của nước Nga » đang trên đường tìm lại hào quang, điều mà Vladimir Putin cùng cộng sự đã dày công xây dựng từ hơn 20 năm qua. Xây dựng trên nhiều phương diện, về công nghệ, kỹ thuật, quân sự, nhưng đặc biệt là về mặt văn hóa, về ý thức hệ, về tuyên truyền.
RFI xin giới thiệu một số nét chính trong bài tổng thuật của nhà báo Valentine Pasquesoone, trên trang mạng Pháp France Inter (ngày 30/03/2022). Bài viết nhan đề « Từ văn hóa quân sự đến cuộc xâm lăng Ukraina, Vladimir Putin ‘‘khẳng định uy tín’’ qua chiến tranh như thế nào ? », lột tả tham vọng dùng chiến tranh để khẳng định quyền lực, dùng các cuộc xâm lăng để khẳng định bản sắc Nga, khẳng định đế chế Nga.
Một quan niệm như vậy dường như đã và đang nhận được sự đồng cảm lớn trong xã hội Nga. Rất có thể là nhờ sự ủng hộ rộng lớn đó mà tổng thống Putin quyết định tấn công Ukraina, bất chấp phản ứng phẫn nộ rộng khắp thế giới, có thể dự đoán. Và muốn biết chiến tranh tại Ukraina đi đến đâu, và bên cạnh việc trả lời cho câu hỏi Putin thực sự nghĩ gì, bên cạnh việc lý giải chủ đề này dưới góc độ toàn cầu, một vấn đề chính khác có lẽ cần được làm rõ là : đa số người Nga thực sự nghĩ gì, và chính quyền Putin đã định hướng dân Nga nghĩ như thế nào ?
***
Nhà báo đài France Inter nhấn mạnh trước hết đến « văn hóa chiến tranh », thái độ tôn sùng, cổ vũ cho chiến tranh xuyên suốt cuộc đời Putin ngay từ trước khi trở thành tổng thống. « Chiến tranh, rồi văn hóa quân sự đã in đậm tuổi trẻ của Putin thời Liên Xô. Cha của Putin là thương binh trong Thế chiến Hai, còn tổng thống Nga tương lai lớn lên ‘‘tại một ‘thành phố – anh hùng’ (thành phố Leningrad, tức Saint Petersbourg) mà hồi ức về nó vẫn là điều thiêng liêng » đối với biết bao người dân Nga, như nhận xét của Michel Eltchaninoff (tác giả cuốn « Dans la tête de Poutin / Trong đầu Putin », xuất bản 2016, tái bản 2022 có bổ sung).
Mục lục
Giáo dục « quân phiệt » từ thuở thiếu thời
« Vladimir Putin là đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà chủ nghĩa quân phiệt thấm đẫm cuộc sống đời thường », nơi « giáo dục chính là giáo dục quân phiệt », và « nghĩa vụ quân sự, với các nghi thức nhập môn tàn bạo và những nghi lễ thu nạp đầy nam tính là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong đời sống của một con người trong xã hội Xô Viết ».
Đường phố Leningrad đã dạy cho Putin một điều căn bản, đó là « nếu như đụng độ là không thể tránh khỏi, bạn hãy là kẻ tấn công đầu tiên ». Người thanh niên Vladimir Putin đã lớn lên trong môi trường đầy dương tính, rất gần với « văn hóa quân sự », một thứ văn hóa « rất cổ sơ », coi chiến tranh là con đường khẳng định phẩm giá đàn ông, theo bà Cécile Vaissié, giáo sư chuyên về nghiên cứu Nga và Xô Viết, Đại học Rennes 2 (Pháp).
Rất nhiều năm trước khi quyết định tiến hành xâm lược Ukraina, ông chủ điện Kremlin đã không ngừng khẳng định sức mạnh của nước Nga thông qua chiến tranh. Nhà báo France Inter dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Mỹ gốc Nga Anna Borshchevskaya, về nỗ lực không ngừng của Putin, khẳng định mình như « một thủ lĩnh chiến tranh ngay trong thời bình » (*), ngay từ khi Putin đắc cử tổng thống năm 2000.
Michel Eltchaninoff, tác giả cuốn « Trong đầu của Putin », chú ý đến một số tác giả có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tư tưởng của tổng thống Nga. Nhà triết học Ivan Ilyine (1883 – 1954) ủng hộ hành động bạo lực « nhân danh điều thiện » hay nhà tư tưởng Nikolai Danilevski (1822- 1885) ca ngợi việc « huy động dân chúng tham gia chiến tranh như một chất men quan trọng cho sự phục sinh văn hóa và chính trị ».
Chiến tranh Tchetchenia : Từ 1% đến hơn 50% dân Nga ủng hộ Putin
Không thể có Putin – thần tượng của rất nhiều người dân Nga, nếu không có cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai (tháng 8/1999 – tháng 2/2000). Vào tháng 8/1999, khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, dưới thời tổng thống Boris Eltsine, cựu nhân viên an ninh Putin chỉ nhận được 1% ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tháng 6/2020. Tuy nhiên, theo giáo sư Cécile Vaissié, cũng vào năm 1999, « Cơ quan An ninh Nga FSB đã có kế hoạch xây dựng hình ảnh Putin như một vị tổng thống sáng giá ».
Thủ tướng Putin, rồi quyền tổng thống Putin (thay thế Eltsin tháng 12/1999), đã khẳng định tư thế một người hùng của nước Nga, khi thể hiện như « một thủ lĩnh quân sự, trong trang phục quân nhân, chụp ảnh với binh sĩ, (được coi là người đã) tung ra câu nói nổi tiếng ‘‘truy đuổi những kẻ khủng bố đến hang ổ cuối cùng’’… ».
Kể từ thời điểm đó uy tín của Putin lên như diều. Từ 1% lúc mới là thủ tướng đến hơn 50% phiếu bầu ngay trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn (tháng 3/2020).
Điều gì đã khiến Putin nhanh chóng trở thành người được dân Nga hâm mộ ? Theo hai chuyên gia Cécile Vaissié và Isabelle Facon (Quỹ nghiên cứu chiến lược), hình ảnh một nhà lãnh đạo quân sự trẻ tuổi sẵn sàng vực dậy nước Nga đã khiến « nhiều người dân Nga nức lòng ».
Theo quan điểm chính thống, cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai được khởi động sau khi các lực lượng ly khai người Tchetchenia tiến hành 5 cuộc tấn công khủng bố tại Matxcơva và một số nơi khác, từ tháng 8 đến tháng 9/1999. Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về tính xác thực của việc quy trách nhiệm các cuộc tấn công khủng bố nói trên cho các nhóm ly khai Tchetchenia. Một số người cho rằng cơ quan an ninh Nga đã dàn dựng các vụ tấn công, được sử dụng để làm cái cớ dẫn đến một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất tại châu Âu sau Thế chiến Hai (từ 100.000 đến 300.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến này, tức khoảng từ 10 đến 30% dân số Tchetchenia). Cuộc chiến bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo như một « tội ác diệt chủng ».
Có một điều rõ ràng là ông Putin đã phụ trách Cơ quan An ninh Liên bang Nga từ tháng 7/1998 đến tháng 8/1999, tức ngay trước khi trở thành thủ tướng, và đúng vào lúc Chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai khai màn. Cuộc chiến mà chính quyền Putin gọi là « Chiến dịch chống khủng bố ».
Chiến tranh và tham vọng đế chế: cội rễ uy tín của Putin
Bà Isabelle Facon, chuyên gia về các chính sách an ninh và quốc phòng Nga (Quỹ nghiên cứu chiến lược), tóm lược bí quyết thành công của ông Putin. Đó là : chiến tranh, « hơn bất cứ thứ nào khác », cho phép Putin khẳng định uy tín của mình trong xã hội Nga.
Thành quả bất ngờ trong việc chinh phục công luận Nga, với chiến thắng trong cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai, có lẽ khiến chính quyền Putin nhận rõ rằng chiến tranh, hồi ức về chiến tranh là một trụ cột chủ yếu của hệ thống quyền lực tại Nga. Hai tháng sau khi đắc cử tổng thống, Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga đầu tiên chủ trì dịp kỉ niệm ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, ngày 09/05/2000, trong cuộc chiến thường được người Nga gọi là « Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1940 -1945) ».
Chuyên gia về chính sách an ninh, quân sự Nga, Anna Borshchevskaya, khẳng định : hồi ức về chiến tranh trở thành luận điểm tuyên truyền căn bản để điện Kremlin khôi phục hình ảnh ảnh về nước Nga như một đại cường, với trong nước và trên trường quốc tế. Kể từ lễ kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức vào năm 2000, tổng thống Putin bắt đầu tìm cách sử dụng triệt để hình ảnh Liên Xô anh hùng chiến thắng phát xít như một yếu tố căn bản gắn kết toàn bộ xã hội Nga. Kể từ giờ, ngày 09/05 trở lại với lễ duyệt binh, mũ quân nhân, quân phục được bán khắp nơi, bán cho trẻ em… Một không khí « quân sự hóa » ngày càng hiện diện rõ trong xã hội Nga. Quân đội được coi là hạt nhân của đất nước, có vai trò trụ cột trong việc khôi phục hình ảnh cường quốc của Nga. Mọi ý kiến trái chiều đối diện với nguy cơ bị đàn áp.
Kể từ lễ kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức vào năm 2000, tổng thống Putin bắt đầu sử dụng triệt để hình ảnh Liên Xô anh hùng chiến thắng phát xít như một yếu tố căn bản gắn kết toàn bộ xã hội Nga. Kể từ giờ, ngày 09/05 trở lại với lễ duyệt binh, mũ quân nhân, quân phục được bán khắp nơi, bán cho trẻ em… Một không khí « quân sự hóa » ngày càng hiện diện rõ trong xã hội Nga.
Nước Nga Putin tiếp tục chống « phát xít »
Nhà báo France Inter đặc biệt chú ý đến « vai trò căn bản » của nhà trường Nga trong việc phổ biến hình ảnh về chiến thắng của Hồng Quân Liên Xô trong Thế chiến Hai. Chính quyền Putin cũng chủ trương khôi phục hình tượng Stalin, biện minh cho những tội ác khủng khiếp chống lại người dân Nga thời Stalin. Tiếp tục « chống phát xít », kế thừa truyền thống Liên Xô của Stalin, là điều đang được coi là đã và tiếp tục làm nên tính chính đáng của chính quyền Putin, phục hồi sự vĩ đại của nước Nga (**).
Theo Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển, « dưới thời tổng thống Putin, quân đội trở thành một tác nhân hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại ». Nhà nghiên cứu Isabelle Facon có cùng ghi nhận, « trong những năm gần đây, quân sự là kênh chủ yếu » cho phép nước Nga trở lại cải thiện vị thế. Việc vai trò của quân đội được củng cố mạnh mẽ kể từ năm 2008, sau cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Gruzia, khiến quân đội, chiến tranh trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng hàng đầu đến các quyết định chính trị của Nga.
Vai trò số một của quân đội và xu thế « quân sự hóa » xã hội Nga
Quân đội Nga được coi là đã tăng cường sức mạnh đáng kể sau năm 2009, với các cải cách do tổng thống Putin chủ trương. Can thiệp quân sự hỗ trợ nhà độc tài Assad tại Syria từ năm 2015, can thiệp vào miền đông Ukraina, sát nhập bán đảo Crimée kể từ năm 2014, đã là các động thái giúp chính quyền Putin củng cố quyền lực trong nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, uy tín của nhà độc tài – « người hùng » trong chiến tranh Tchetchenia, vốn được dân chúng Nga hâm mộ – sụt giảm rất mạnh. Theo một thăm dò dư luận tháng 5/2019 (của viện điều tra VTSIOM), chỉ có 30,5% dân Nga dẫn tên Putin, để trả lời cho câu hỏi mở : « Quý vị tin tưởng vào chính trị gia nào ? » (***). Ảnh hưởng sụt giảm rất mạnh so với tỉ lệ gần 77% cử tri bỏ phiếu ngay trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống 2018 – do hiệu ứng « đồng thuận về bán đảo Crimée » (« đồng thuận » do bởi sự ủng hộ rộng khắp của dân Nga với quyết định sát nhập, cũng như thái độ phổ biến trong dân chúng chống lại các trừng phạt phương Tây do Matxcơva sát nhập bán đảo Crimée).
Đúng là vào thời điểm 2018 – 2019, đông đảo dân chúng Nga có nhiều thất vọng với những hứa hẹn hão huyền của tổng thống Putin về việc cải thiện đời sống trong nước, cuộc cải cách hưu trí gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Đa số người dân không sẵn sàng đánh đổi các điều kiện sống thực tại, và các đòi hỏi về công lý, lấy một chính quyền « mạnh », vị thế với quốc tế, tham vọng lãnh thổ đại Nga.
Tuy nhiên, những bất bình như trên trong xã hội Nga đối với chính quyền Putin, dù có thể dẫn đến một số phản kháng đáng kể trong nước, đã khó cưỡng nổi xu thế « quân sự hóa » chủ đạo trong xã hội Nga, mà ông Putin và các đồng sự đã khởi động từ hơn 20 năm qua, đặc biệt là từ 5 năm gần đây, như ghi nhận của chuyên gia Mỹ gốc Nga Anna Borshchevskaya. Ngay cả trong thời bình, nhà lãnh đạo độc đoán Nga vẫn rất chú ý đến việc hành xử như một « thủ lĩnh chiến tranh ».
Chiến thắng quân sự và thành công chính trị: Ukraina, một bàn đạp mới cho Putin ?
Nếu như cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai đã đưa Putin lên đỉnh cao quyền lực, thì rất có thể với nhà lãnh đạo độc tài, cuộc chiến chống Ukraina tạo cơ hội thành công trong tham vọng cuối đời, một tham vọng gắn liền với việc khẳng định đế quốc đại Nga mới, kế thừa những vinh quang thời Xô Viết. Nhà báo France Inter nhấn mạnh rằng chính quyền Putin « để biện minh cho việc xâm lăng Ukraina », đã khắng định mục tiêu « phi phát xít hóa nhà nước Ukraina, như để nhắc lại tầm vóc vĩ đại của nước Nga trước kẻ thù Đức Quốc xã trước đây ».
Theo thăm dò dư luận mới nhất, do viện nghiên cứu độc lập Levada thực hiện, vào cuối tháng 3, có 83% dân Nga ủng hộ ông Putin (tăng 12% so với tháng trước), khoảng hai phần ba dân ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina. Theo Wall Street Journal, các điều tra do những trung tâm của chính quyền Nga tiến hành cũng cho ra một kết quả gần tương tự.
Tại Nga, chính quyền ra luật cấm dùng chữ chiến tranh để nói về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Người dân Nga buộc phải ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Putin do bị kiểm duyệt ? Hay do thiếu thông tin về thực chất cuộc chiến ? Hay do tin tưởng thực sự vào tổng thống Nga, chia sẻ với ông Putin về niềm tin vào tương lai một Đại Nga hùng mạnh, đối thủ của phương Tây, mà quốc gia « đàn em » Ukraina không có cách nào khác phải quy phục ?
Trong một xã hội như nước Nga, mà chính quyền thao túng xã hội dân sự về nhiều mặt, thật khó có một câu trả lời thỏa đáng. Dù sao bài viết « Từ văn hóa quân sự đến cuộc xâm lăng Ukraina, Vladimir Putin ‘‘khẳng định uy tín’’ qua chiến tranh như thế nào ? » cũng giới thiệu những thông tin căn bản cho phép công chúng có thêm cơ sở để suy ngẫm về những diễn biến nội tại trong xã hội Nga. Những diễn biến ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến tranh của nước Nga chống lại Ukraina, đang diễn ra. Một cuộc chiến không chỉ là câu chuyện nội bộ Nga – Ukraina, mà còn góp phần đáng kể xác định hướng đi của toàn nhân loại.
***
Ghi chú
(*) Chuyên gia Anna Borshchevskaya là tác giả bài « The Role of the Military in Russian Politics and Foreign Policy Over the Past 20 Years / Vai trò của quân đội trong chính trị và chính sách đối ngoại của Nga trong 20 năm qua », tháng 5/2020, Foreign Policy Research Institute (được dẫn trong bài « Từ văn hóa quân sự đến cuộc xâm lăng Ukraina, Vladimir Putin ‘‘khẳng định uy tín’’ qua chiến tranh như thế nào ? », trên France Inter, ngày 30/03/2022).
(**) Tác giả Anna Borshchevskaya trong bài trên đã chỉ ra hàng loạt biện pháp của chính quyền Putin cổ vũ cho một quan điểm hoài niệm về thời Xô Viết, cổ vũ cho sự sùng bái quân đội trong dân chúng từ 20 năm nay, khôi phục bộ máy tuyên truyền của Nhà nước Nga, thành lập các phong trào thanh niên, như Nashi (2005), Yunarmia (2016) để tiếp tay cho chính quyền, soạn thảo lại sách hướng dẫn dạy môn sử trong nhà trường… Chính quyền Putin cũng coi Giáo hội Chính Thống Giáo Nga ngay từ năm 2000, như một « chất keo của chủ nghĩa dân tộc Nga », một công cụ quan trọng đối với chính sách đối ngoại (« Quan niệm về An ninh Quốc gia Nga 2000 » nhấn mạh đến khái niệm « Đổi mới tâm linh »). Giáo hội Chính Thống Giáo có thể được huy động để biện minh cho việc xét lại các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, về sứ mạng tôn giáo của một chế độ chính trị, bảo vệ các giá trị truyền thống Nga, chống lại sự băng hoại về đạo đức của phương Tây. Với chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo có thể « thay thế cho một xã hội dân sự độc lập ». Giáo hội Chính Thống Giáo dần dần trở thành một phương tiện bảo vệ an ninh quốc gia (tại Nhà thờ lớn của Quân đội Nga, đang được xây dựng, có lúc có kế hoạch trang trí tranh ghép có hình tổng thống Putin, bộ trưởng Quốc Phòng Soigu và Stalin, với dùng chữ « bán đảo Crimée là của chúng ta »). Việc giám đốc cục tình báo hải ngoại Sergey Naryshkin cũng đồng thời là giám đốc Hiệp hội sử học Nga (RHS), người khuyên cha mẹ học sinh nói chuyện với con cái về Thế chiến Hai trong thời gian cách ly Covid-19, nói lên nhiều điều về sự can thiệp ở mức độ rất cao của chính quyền Putin vào đời sống xã hội dân sự Nga.
(***) « Le chef de guerre Poutine à la reconquête de l’opinion russe / Thủ lĩnh chiến tranh Putin tìm cách chinh phục công luận Nga », Libération, ngày 19/06/2019.