Phần trên tôi vừa kể về ông Đặng Ngọc Tấn đến thay ông Nguyễn Văn Chánh làm đội trưởng Đội Thông tin Liên lạc. Năm đó ông Tấn 26 tuổi, hơn tôi năm tuổi, rất đẹp trai, tính tình hòa nhã. Ông sắp xếp lại tổ chức thông tin liên lạc theo hệ thống của quân đội để phục vụ tốt cho cả các ngành quân, dân, chính, đảng. Ông phân công tôi làm trưởng trạm thông tin liên lạc 23 (Trạm 23 vốn là bí danh của Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ, nay là tên thật của một trạm nhỏ). Tôi gọi ông Tấn là anh và trò chuyện với nhau thoải mái hơn các ông giám đốc trước đây. Một hôm, có bà cán bộ ngoài 40 tuổi từ Cần Thơ đi qua Trạm 23 để đến đổi thông tin liên lạc, xưng là vợ của đội trưởng Đặng Ngọc Tấn. Tôi vô cùng kinh ngạc, lúng túng, không dám gọi là chị! Hôm đó, cha tôi đi công tác ghé Trạm 23 thăm tôi, có tiếp chuyện với bà. Cha tôi nhận xét: “Bà này chắc lớn tuổi hơn má mày.” Tôi không thể nói trống không với bà, đành phải gọi là “thím”, mà đã gọi “thím Tư” thì phải “đề bạt” anh Tư lên chú Tư! Chuyện kỳ lạ lôi cuốn sự tò mò. Hóa ra các anh lớn trong ngành, thậm chí nhiều người ở các cơ quan lân cận đều biết rõ ngọn nguồn câu chuyện và thương kể cho nhau nghe không phải lúc “trà dư tửu hậu” khi bị giặc đuổi vô rừng sâu không có việc gì làm.
Chị Tư Hạnh nguyên là Đội trưởng Tình báo của Quân khu 9. Chị đã lập gia đình trước Cách mạng Tháng Tám, có một con gái nhỏ hơn tôi ba tuổi, chồng sớm qua đời. Đặng Ngọc Tấn, sinh viên ở nội thành Cần Thơ là đội viên tình báo. Hằng tháng, Tấn bí mật vào bưng biền báo cáo tình hình cho thủ trưởng Hạnh, rồi ngủ lại hôm sau mới trở về Cần Thơ. Bưng biền “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh”. Đêm các đội viên ngủ trong nóp (một cái túi to đan bằng sợi bàng), Chỉ có thủ trưởng Hạnh ngủ trong chiếc mùng nhỏ. Biết sinh viên Tấn không quen nằm trong chiếc nóp ngột ngạt, thủ trưởng Hạnh với giọng của người chị cả: “Tối nay thằng Tấn vô mùng nằm với chị”. Cả cơ quan ai cũng thấy đó là tình cảm trong sáng của người chỉ huy, người chị đối với chú đội viên, đứa em chưa quen chịu gian khổ của chiến khu. Chuyện như vậy kéo dài và trở thành bình thường trong sinh hoạt của cơ quan tình báo Quân khu 9, cho đến một “ngày định mệnh”: Bụng của thủ trưởng Hạnh cứ to dần, to dần. Chị gọi đội viên đặng Ngọc Tấn vào công tác hẳn tại cơ quan ở chiến khu. Hai người vẫn giữ quan hệ thủ trưởng – đội viên, chị – em. Tư lệnh Quân khu 9 là thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ biết chuyện. Ông gọi chị Hạnh đến, cho ý kiến về cách xử lý. Ông tỏ ý thông cảm đối với người phụ nữ goá bụa còn trẻ, nhưng cho rằng không nên buộc chàng sinh viên nhỏ hơn gần 20 tuổi phải gánh trách nhiệm làm chồng. Ông nói, tổ chức không khiển trách, đồng chí sinh đẻ và nuôi con như một bà mẹ đơn thân. Nói thẳng ra thì chị có trách nhiệm nặng hơn. Cậu Tấn còn quá trẻ, đừng buộc cậu phải mang gánh nặng cả đời vì chuyện lầm lỡ này, tội nghiệp lắm! Chị có đồng ý với tôi không?” Đội trưởng Hạnh đành phải miễn cưỡng tỏ ra đồng ý với lời khuyên của ông thiếu tướng tư lệnh. Nhưng sau đó mấy hôm, thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ tử trận lúc chỉ huy đánh trận Tầm Vu nổi tiếng (bài ca Tầm Vu có những câu: “Hùng thay, Tầm Vu! Rạng uy danh Huỳnh tướng quân…”) Tham mưu trưởng Võ Quang Anh tạm thay tư lệnh điều hành công việc. Về chuyện cái bầu của Trưởng ban Tình báo, ông có ý kiến khác hẳn thiếu tướng Huỳnh Phan Hộ. Ông gọi Đặng Ngọc Tấn đến khuyên bảo: “Đồng chí là một đảng viên chứ đâu phải trẻ con. Chẳng lẽ đồng chí ngoảnh mặt để người phụ nữ mang thai với mình phải mang tiếng sinh con hoang? Đồng chí thấy mình không có trách nhiệm gì cả sao?” Đảng viên Đặng Ngọc Tấn tỏ ý xin cùng chịu trách nhiệm với đồng chí Hạnh về chuyện đã gây ra cái bụng bầu và xin được khẩn trương tiến hành lễ cưới.
Tham mưu trưởng Võ Quang Anh trở thành người thân của gia đình đôi vợ chồng đặc biệt này, nói cho đúng là ân nhân của riêng Tư Hạnh. Những người thời ấy kể cho nhau nghe câu chuyện với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn. Ngay sau ngày cưới, Tư Hạnh bắt đầu nghĩ cách báo ân vị tham mưu trưởng luống tuổi vì tận tụy việc nước nên vẫn còn độc thân. Có người cho rằng, ông tham mưu trưởng cố giúp Trưởng ban Tình báo Hạnh là vì ông đã bị hớp hồn bởi cô Thu Hồng thiếu sinh quân 17 tuổi, em gái của Đặng Ngọc Tấn. Ông và Tư Hạnh đã âm thầm ký kết bản hợp đồng không lời, sau ngày cưới Hạnh phải gấp rút thực hiện. Cái khó là, thiếu sinh quân Thu Hồng tuy mới 17 tuổi, nhưng đã có người yêu là thiếu úy X đang công tác ở Khu 7, miền Đông Nam bộ. Ông tham mưu trưởng và bà thủ trưởng tình báo đều là những kẻ giàu cơ mưu, họ thuộc lòng câu châm ngôn mới: “Thứ nhất cự ly, thứ nhì tốc độ, thứ ba hành động, thứ tư chớp thời cơ.” Cô thiếu sinh quân 17 tuổi làm sao đấu nổi hai vị lõi đời. Sau khi có tin đồn thiếu uý X bị mất tích, cô Thu Hồng chới với gần như đổ sụp. Ông tham mưu trưởng hết lòng an ủi và không bao lâu đã bàn với chị Tư Hạnh chuyện tổ chức lễ cưới sao cho giản dị mà trọng thể!
Sau khi cưới cô vợ trẻ, ông tham mưu trưởng được quân đội cất cho ngôi nhà xinh xắn bên bờ kinh xáng, trước nhà có một sàn cầu (như kiểu cầu ao ở quê). Một hôm, cô vợ trẻ đang vo gạo trên sàng cầu thì một chiếc xuồng chèo ngang và từ đó có tiếng quen thuộc gọi vọng lên: “Xin kính chào bà tham mưu trưởng!” Cô Thu Hồng ngẩn nhìn, trời ơi, chàng thiếu úy! Cô ném nồi gạo xuống kênh, rồi chạy ùa vô nhà nằm trùm mền khóc. Đến chiều tối, tham mưu trưởng về nhà, bếp lạnh, bàn ăn trống không, tiếng vợ rấm rứt trong buồng. Nghe cô vợ trẻ kể sự tình, ông tham mưu trưởng tỏ ra khẳng khái và cao thượng (hay cao tay?) có ngay cách giải quyết: “Hai người nên gặp nhau, làm rõ sự việc, do tin đồn không chính xác đã khiến cho em tuyệt vọng, chứ đâu phải em phụ tình. Nếu giờ đây anh ấy thông cảm cho em, chấp nhận tái hợp thì anh đành lòng nhường bước để hai người đến với nhau.”
Dưới đây xin tóm lược đoạn kết câu chuyện theo truyền khẩu của cán bộ nhân viên vùng kháng chiến miền Tây thời đó.
Vậy là nàng hẹn gặp chàng khoảng cuối chiều ở bia rừng tràm và được chàng đồng ý. Trước khi đi, nàng giắt lưng cây súng lục của tham mưu trưởng. Nàng kể cho chàng nghe nỗi mong ngóng như thế nào khi gần nửa năm trời không được tin gì về chàng, rồi tin chàng mất tích khiến nàng cạn kiệt nước mắt, không ăn không ngủ. Ông tham mưu trưởng đến đúng lúc nàng như kẻ sắp chết đuối, tưởng rằng bíu lấy ông để được sống, nhưng không phải, từ đó đến nay nàng vẫn là cái xác không hồn! Hôm gặp lại chàng, nàng đau đớn tưởng sắp chết, nhưng không phải, đó chính là nỗi đau của sự hồi sinh. “Bây giờ em chỉ có thể sống cùng với anh hoặc là chết, không thể sống tiếp cuộc sống lâu nay!” Chàng tỏ ra thông cảm, nhưng khuyên nàng hãy sống với người đã yêu nàng, đưa nàng thoát khỏi cơn tuyệt vọng, chàng cũng cảm thấy biết ơn người đã làm được cái việc mà mình không làm được cho nàng. Cuộc đối thoại không giúp họ đi tới sự hòa hợp mà mỗi người một hướng mỗi lúc một xa. Cuối cùng nàng quả quyết: “Như vậy thì cả hai phải cùng chết”. Nàng rút súng chỉa vào chàng, nhưng cô thiếu sinh quân làm sao thắng nổi anh thiếu úy dạn dày trận mạc.
Nghe tiếng súng vang phía bia rừng, du kích mấy xã quanh vùng ào ào kéo ra và họ nhìn thấy nàng ngất xỉu trong lòng chàng. Anh thiếu uý lịch sự nhờ các anh du kích đưa giúp nàng về nhà tham mưu trưởng.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (12): Ông giám đốc với cây súng sáu!
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (14): Vào đội ngũ báo nhân dân miền Nam