Đầu năm 1951, ông nội tôi từ Bến Tre vào thăm và cho tôi khoản tiền bán con heo một tạ. Tôi đem số tiền này mua cây đàn violon, rồi say mê học đàn, học nhạc lý. Từ năm 1952, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ có quyết định thuế nông nghiệp. Nông dân đóng thuế bằng lúa tỷ lệ theo số ruộng canh tác. Tôi sáng tác một bài hát vận động cho phong trào này: “Đóng thuế nuôi quân”. Tôi được mời tham dự buổi trao Giải Văn nghệ Cửu long. Tôi đi dự, không hề nghĩ mình được giải nhì!
Văn xuôi dự giải lần này có một cây bút cực kỳ quan trọng, mọi người nói nhỏ với nhau đó là một “ông gộc”: nhà văn Ngũ Yến (tách đôi chữ Nguyễn là tên và là họ của ông Nguyễn Văn Nguyễn) với tác phẩm “Kén Rể” đã đăng trên tạp chí Lá Lúa của Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Trong chiến khu ai cũng biết ông Nguyễn Văn Nguyễn là người đảm trách hàng loạt chức vụ quan trọng: Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Ban Tuyên huấn, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, Giám đốc Sở thông tin Nam bộ, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến, chủ bút báo Cứu Quốc Nam Bộ (có thể kể một loại nguyên chức vụ như, nguyên bí thư tỉnh ủy Bến Tre; nguyên bí thư liên tỉnh ủy Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công; nguyên chủ bút báo Búa Liềm; nguyên ủy viên Ban Biên tập báo La Lutte…) Truyện ngắn “Kén Rể” của Ngũ Yến được đông đảo cán bộ, bộ đội chuyền tay nhau đọc. “Kén Rể” được viết theo lối kể chuyện đời xưa, về một anh nông dân nghèo, cần cù chịu khó rất thông minh cải tạo đất, chọn giống má, cân nhắc mùa vụ, chăm bón đúng cách… Nhờ đó đã mau chóng thoát nghèo, giúp đỡ người kém may mắn, được xóm làng trọng vọng và cuối cùng anh ta giàu có và được sánh duyên với một cô gái tài sắc vẹn toàn con gái một vị quan thanh liêm hồi hưu. Ai cũng đinh ninh “Kén Rể” sẽ được xướng danh vào giải nhứt văn xuôi. Chánh giám khảo Hà Huy Giáp (trưởng ban tuyên huấn Trung ương Cục) biết rõ điều ấy, nhưng ông cho rằng việc bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp còn quan trọng hơn là giữ uy tín của một cá nhân, cho dù đó là một nhà lãnh đạo có tên tuổi. Trước khi mở đầu bài nhận xét tác phẩm, ông có lời xin lỗi đối với người đồng chí đáng kính.
Ông cho rằng câu chuyện “Kén Rể” được thể hiện với nghệ thuật bậc thầy, tuy nhiên tư tưởng của tác phẩm là sự thất bại của giai cấp nông dân khi chưa được sự lãnh đạo của Đảng vô sản; do đó từ thân phận tôi đòi, anh ta cố gắng ngoi lên, để cuối cùng gia nhập vào giai cấp bóc lột mà cứ tưởng rằng đó là sự thành đạt tột cùng!
Không phải riêng tôi mà cả hội trường đều tỏ ra vô cùng bái phục sự “phân tích sâu sắc” của ông Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục, chánh giám khảo. Hóa ra lập trường giai cấp là một lãnh vực phải luôn luôn cảnh giác đề phòng, chỉ sơ sểnh là bị trượt chân dù một người đã tự nguyện “đầu hàng giai cấp vô sản”, đã vào tù đế quốc như đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, ủy viên Thường vụ Trung ương Cục!
Giải nhất về văn được trao cho: “Bên rừng Cù lao Dung” của Phạm Anh Tài (tức Sơn Nam).
Giải nhì về văn được trao cho: “Tây đầu đỏ” cũng của Phạm Anh Tài và “Cái lu” của Trần Kim Trắc.
Về thơ không có giải nhất, giải nhì được trao cho tập truyện thơ lục bát “Chú Hai Neo” của Nguyễn Hải Trừng. (Giải thưởng văn nghệ 1954 – 1955 của Hội văn nghệ Việt Nam đã trao giải khuyến khích cho tác phẩm này).
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đại diện ban giám khảo xướng tên bài nhạc “Đóng thuế nuôi quân” của Tống Văn Công đoạt giải nhì. Bạn ca nhạc trình bày bản nhạc và cũng được cả hội trường vỗ tay hồi lâu. Giờ đây, nhớ lại bài hát tôi cảm thấy ngượng vì nhạc thì đơn điệu, lời thì thô thiển.
…”Quạt cho sạch,
rồi ta phơi lúa khô.
Phơi lúa khô,
Dành nuôi quân của mình.
Quân ta đem màu hồng diệt thù giữ nước non.
Ta căm ghét Tây càng yêu thương lính mình.
Quần có ấm no vì dân xong lên diệt thù!”
Sau khi công bố giải nhì mọi người hồi hộp chờ nghe giải nhất. Bài hát có tên là “Thành đô khổ lắm ai ơi”. Bao nhiêu năm đã qua tôi vẫn còn nhớ lời của bài hát nhưng không sao nhớ được tên tác giả! Trước khi viết đoạn này tôi hỏi người bạn có mặt hôm đó là anh Lê Văn Chánh (Hải Phong) hiện là Phó chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, anh cũng nhớ tên và thuộc lời bài hát, nhưng không nhớ tên tác giả. Hồi công bố giải thưởng, khi nghe trình bày bản nhạc đoạt giải nhất “Thành đô khổ lắm ai ơi”, ông chủ tịch Chi hội Văn nghệ Nam bộ Lưu Quý Kỳ gục gặc đầu, nhấp nháy mắt, giần giật môi theo từng câu hát:
“… Thành đô khổ lắm, ai ơi!
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.
Tây muốn bắt, Tây tràn tới bắt.
Lính muốn giam, lính dắt đem giam.
Người ta mà như loài thú cầm!
Mắt đui, tai điếc, miệng câm, chân què!…”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (16): Bài hát tiểu đoàn 307 – Bị phê bình lai Tây!
Đọc bài tiếp theo:Từ theo cộng đến chống cộng (18): Nhà thơ Nguyễn Bính rời quân ngũ, bán sách báo