Seite auswählen

Một điều thú vị đã xuất hiện trong mẫu hình bầu cử trên cả hai bờ Đại Tây Dương (ở cả châu Âu và Mỹ): Cách những người trẻ bỏ phiếu khác biệt rõ rệt so với những người lớn tuổi. Có vẻ như một sự phân chia rõ rệt đã xuất hiện, không dựa nhiều vào thu nhập, giáo dục, hay giới tính mà phụ thuộc vào việc người bỏ phiếu thuộc thế hệ nào.

Sự phân chia này xuất phát từ những nguyên nhân dễ hiểu. Thế hệ trẻ và thế hệ những người lớn tuổi hiện nay có cuộc sống khác nhau. Quá khứ của họ khác nhau, và cả những triển vọng của họ cũng khác nhau.

Ví dụ, cuộc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc thậm chí trước cả khi nhiều người trong số họ ra đời và số khác thì vẫn là những đứa trẻ. Những từ ngữ như chủ nghĩa xã hội không còn mang ý nghĩa như trước nữa. Nếu chủ nghĩa xã hội nghĩa là tạo ra một xã hội nơi những mối quan tâm chung không bị phớt lờ – nơi con người quan tâm tới nhau và tới môi trường sống – vậy thì hãy thực hiện nó. Có thể đúng là đã có những thử nghiệm thất bại với khái niệm đó từ cách đây 25 hoặc 50 năm; nhưng những thử nghiệm của ngày hôm nay không có gì giống với những thử nghiệm trong quá khứ. Vì thế những thất bại trong quá khứ chẳng nói lên điều gì về hiện tại cả.

Những người lớn tuổi thuộc tầng lớp thượng-trung lưu ở châu Âu và Mỹ đã có một cuộc sống tốt. Khi họ mới tham gia vào lực lượng lao động, những công việc lương tốt đang chờ đợi họ. Câu hỏi họ đặt ra là mình muốn làm gì, chứ không phải họ sẽ phải sống cùng cha mẹ trong bao lâu cho tới khi tìm được một công việc (lương tốt) có thể giúp họ chuyển ra ở riêng.

Thế hệ đó kỳ vọng có công việc ổn định, kết hôn sớm, mua một căn nhà – và có thể là cả một căn nhà dành riêng cho việc nghỉ nghè nữa – và cuối cùng là một chế độ an sinh hưu trí hợp lý. Nhìn chung, họ kỳ vọng vào một cuộc sống tốt hơn thế hệ cha mẹ mình.

Tuy thế hệ những người lớn tuổi hơn cũng phải đối mặt với những trở ngại trong cuộc sống, nhưng hầu hết họ đều đạt được những kỳ vọng của mình. Họ có thể kiếm lời từ các khoản vốn đầu tư vào nhà cửa còn nhiều hơn từ công việc. Họ chắc cũng thấy điều đó lạ lùng, nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận món quà đó từ các thị trường đầu cơ, và thường tự khen bản thân vì đã có những quyết định mua nhà đúng nơi, đúng lúc.

Ngày nay, kỳ vọng của người trẻ, dù thu nhập của họ nằm ở mức nào, lại trái ngược so với những điều trên. Họ luôn phải đối mặt với sự bất định trong công việc. Mặt bằng chung là nhiều sinh viên mới ra trường sẽ phải tìm kiếm trong nhiều tháng trước khi có được một công việc – thường là sau khi chấp nhận một vài tháng thực tập không lương. Và họ nghĩ bản thân mình may mắn, bởi họ biết rằng nhiều bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn hơn, một số trong đó học rất tốt ở trường, không thể trụ được từ một đến hai năm mà không có thu nhập, và cũng chẳng có mối quan hệ nào để được nhận cơ hội thực tập.

Hiện nay, nhiều cử nhân mới ra trường bị gánh nặng nợ nần – họ càng có hoàn cảnh khó khăn thì số nợ càng lớn. Vì thế họ không đòi hỏi một công việc như mong muốn; họ đơn giản chỉ cần một công việc cho phép họ trả được những khoản nợ học phí đại học, thường là gánh nặng cho họ trong vòng 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Tương tự, chuyện mua nhà đối với họ là một giấc mơ xa vời.

Những khó khăn này đồng nghĩa với việc những người trẻ sẽ không suy nghĩ nhiều đến chuyện nghỉ hưu. Nếu nghĩ tới, họ sẽ chỉ càng thêm hoảng sợ về số tiền họ cần phải tích lũy để có một cuộc sống tử tế (không dựa vào an sinh xã hội cơ bản), trong bối cảnh lãi suất thường xuyên ở mức thấp sát đáy.

Tóm lại, người trẻ bây giờ nhìn thế giới qua lăng kính của sự công bằng xuyên thế hệ. Con cái của tầng lớp thượng-trung lưu có thể vẫn sống tốt, bởi họ được thừa hưởng gia tài từ cha mẹ. Mặc dù có thể họ không thích sự phụ thuộc này, họ còn ghét phải đối mặt với khả năng còn lại hơn: một “khởi đầu mới” khi mà may mắn không đứng về phía họ trên chặng đường gây dựng những điều gần với thứ đã từng được coi là một mức sống trung lưu cơ bản.

Những sự bất bình đẳng này không dễ mà giải thích ngay được. Không phải là những người trẻ hiện nay không làm việc chăm chỉ: khó khăn này ảnh hưởng tới cả những người học tập rất chăm chỉ, có thành tích tốt ở trường, và luôn làm điều “đúng đắn”. Ý thức về sự bất công xã hội – rằng cuộc chơi kinh tế đã bị gian lận – càng tăng thêm khi họ chứng kiến những nhân viên ngân hàng, những người gây ra khủng hoảng tài chính và là nguyên nhân của tình trạng kinh tế bất ổn triền miên, vẫn ung dung với những khoản tiền thưởng và hầu như chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì cho những việc làm sai trái của mình. Đã có một vụ lừa đảo trên quy mô lớn, nhưng theo cách nào đó, chẳng ai là thủ phạm thực sự cả. Giới tinh hoa chính trị hứa hẹn rằng “những cải cách” sẽ mang lại sự thịnh vượng chưa từng có. Và họ đã làm được điều đó, nhưng chỉ cho 1% số người thuộc tầng lớp trên. Những người khác, bao gồm giới trẻ, đang trải qua sự bất an chưa từng có.

Ba thực tế – sự bất công xã hội ở một quy mô chưa từng có, sự bất bình đẳng trên diện rộng, và sự mất niềm tin vào giới tinh hoa – đã định hình bối cảnh chính trị của chúng ta, một cách thỏa đáng.

Gia tăng những điều tương tự như trên sẽ không cho ta một câu trả lời. Đó là lý do tại sao các đảng trung tả và trung hữu ở châu Âu đang thất thế. Mỹ đang ở một tình thế kỳ lạ: trong khi các ứng cử viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa cạnh tranh bằng sự mị dân, với những đề xuất thiếu cân nhắc có thể khiến mọi vấn đề trở nên tồi tệ hơn, thì cả hai cử ứng viên của Đảng Dân chủ đang đề xuất những thay đổi – chỉ khi chúng được Quốc hội thông qua – (được cho là) sẽ tạo nên sự khác biệt đích thực.

Nếu những cải cách do Hillary Clinton hay Bernie Sanders đưa ra được thông qua, khả năng của hệ thống tài chính trong việc gây bất lợi cho những người vốn đã có một cuộc sống bấp bênh sẽ được hạn chế. Đồng thời cả hai đã đề xuất những cải cách sâu sắc sẽ làm thay đổi việc tài trợ cho giáo dục đại học của Mỹ.

Tuy nhiên, rất nhiều điều cần phải được giải quyết để biến việc sở hữu nhà trở thành trong tầm tay không chỉ với những người trẻ được cha mẹ cho một khoản tiền trả trước, đồng thời an sinh hưu trí cũng phải trở nên khả thi trong bối cảnh những thay đổi bất thường của thị trường chứng khoán và tình trạng lãi suất thấp gần bằng không mà chúng ta đang trải qua. Quan trọng nhất là thế hệ trẻ sẽ không tìm được con đường êm ái nào để gia nhập thị trường việc làm trừ khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Tỉ lệ thất nghiệp “chính thức” ở Mỹ là 4,9%, che đậy tỉ lệ thất nghiệp không chính thức cao hơn nhiều, điều chí ít là đang kéo mức lương xuống thấp.

Tuy nhiên chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu không nhận ra nó. Những người trẻ nhận ra nó. Họ nhận thấy sự thiếu công bằng giữa các thế hệ, và họ đã đúng khi giận dữ.

Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel Kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và từng là Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Quyển sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là quyển Xây dựng Xã hội Học tập: Phương pháp Mới để Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ Xã hội.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Nghiên cứu quốc tế

Project Syndicate: The New Generation Gap 16/3/2016

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen