Seite auswählen

Image result for Phong Trao Dan Chu la Gi ???

26.9.2018

     Câu hỏi: Phong trào Dân chủ là gì?

 Trả lời: Phong trào Dân chủ là toàn bộ những hoạt động của người dân hướng tới, nhằm dân chủ hóa đất nước. Đây là khái niệm rộng và chung nhất. Cốt lõi của dân chủ hóa đất nước là cần có một thể chế chính trị dân chủ, để bảo đảm tự do của người dân, từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh.

 Câu hỏi: Phong trào Dân chủ Việt Nam có nội dung hoạt động cốt lõi là gì?

 Trả lời: Việt Nam chưa có thể chế chính trị dân chủ, hiện đang ở trong chế độ toàn trị cộng sản, chính vì vậy, nội dung hoạt động cốt lõi của Phong trào Dân chủ Việt Nam chính là góp phần thay đổi thể chế chính trị hiện hành, xây dựng thể chế chính trị dân chủ.

 Câu hỏi: Hiện nay, trong các bài viết, trên mạng xã hội có đề cập tới Phong trào Dân chủ, nên hiểu phạm trù này như thế nào?

 Trả lời: Đó là toàn bộ những hoạt động của cá nhân và tổ chức đang thực hiện các công việc sau: thông tin sự thật, phê phán sự dối trá, lên án hành vi sai trái, tố cáo sự bất công, cái ác; chia sẻ những kiến thức, nhận thức đúng về tình hình đất nước, về các quyền con người; lập các hội, nhóm, tổ chức và thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân đòi quyền dân sinh, đấu tranh với những sai trái, áp bức, bất công của hệ thống cầm quyền đối với người dân, đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị hiện nay… Tóm lại, đó là những hoạt động góp phần thay đổi thể chế chính trị hiện nay của đất nước.

 Câu hỏi: Những ai có thể tham gia vào Phong trào Dân chủ?

 Trả lời: Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào Phong trào Dân chủ, bởi vì Phong trào Dân chủ bao hàm cả những người nói ra sự thật, phê phán sự dối trá… đó là những điều giản dị nhất, nên ai cũng có thể tham gia.

 Câu hỏi: Những người tham gia vào Phong trào Dân chủ có thể có nhiều mức độ khác nhau, có sự phân chia nào để phản ảnh sự khác nhau đó không?

 Trả lời: Có, những người tham gia vào Phong trào Dân chủ có rất nhiều mức độ, đa dạng và phong phú. Đó là những người bất đồng chính kiến, người phản kháng, người ly khai, người hoạt động và đấu tranh nhân quyền, người đấu tranh dân chủ.

 Người bất đồng chính kiến là những người có ý kiến khác, ngược lại hoặc phản đối các chủ trương đường lối chính sách, hoặc những việc làm của nhà cầm quyền Việt Nam.

 Người phản kháng là những người có hành động phản đối, chống lại chủ trương, đường lối, thái độ hoặc những việc làm của nhà cầm quyền. Ví dụ, đó là những người xuống đường phản đối thái độ của nhà cầm quyền với trung Quốc, chống lại Trung Quốc o ép, thôn tính lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

 Người ly khai là người bất đồng chính kiến hoặc phản kháng tự nguyện rời bỏ đảng cộng sản hoặc từ bỏ các cơ quan công tác trong hệ thống đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.

 Người hoạt động và đấu tranh nhân quyền là những người phổ biến kiến thức về nhân quyền, đấu tranh để nhà nước thực thi các quyền con người, tự mình thực thi các quyền con người qua đó động viên người dân thực thi quyền con người của mình.

 Người đấu tranh dân chủ là những người có ý thức về việc đấu tranh nhằm thay đổi chế độ, để xây dựng một thể chế dân chủ cho đất nước. Đồng thời, họ có những hoạt động trực tiếp, góp phần vào việc thay đổi chế độ.

 

Hỏi và đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (Bài 2)

Câu hỏi: Phong trào Dân chủ có từ bao giờ?

 Trả lời: Theo khái niệm rộng và chung nhất (Phong trào Dân chủ là toàn bộ những hoạt động của người dân hướng tới, nhằm dân chủ hóa đất nước), Phong trào Dân chủ có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với các bậc tiền bối như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Tuy nhiên, đó là những hoạt động đơn lẻ, không có tính chất liên tục. Vì vậy, có thể lấy mốc năm 1975 làm mốc chung của Phong trào Dân chủ. Từ năm 1975 trở đi, các hoạt động đấu tranh rộng khắp, lại vừa mang tính liên tục, kế thừa.

 Câu hỏi: Phong trào dân chủ trải qua một thời gian dài như vậy, có phải có những giai đoạn, thời kỳ khác nhau hay không?

 Trả lời: Đúng vậy, Phong trào Dân chủ trải qua một thời gian dài nên có nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Có thể chia Phong trào Dân chủ thành 4 giai đoạn, mà mỗi giai đoạn có một đặc trưng riêng. Giai đoạn từ 1975 – 1988, giai đoạn 1988 – 2000, giai đoạn 2000 – 2007, và giai đoạn từ 2007 đến nay.

 Câu hỏiĐó là những giai đoạn như thế nào? Xin cho biết đặc trưng của từng giai đoạn?

 Trả lời: Đó là các giai đoạn từ 1975 – 1988, có thể gọi giai đoạn này là giai đoạn Phục quốc. Các hoạt động đấu tranh chủ yếu sử dụng bạo lực, vũ trang, được thực hiện bởi những người trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ với mục tiêu là phục hồi lại quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Địa bàn hoạt động là ở hải ngoại và phần miền Nam Việt Nam. Lý do lấy năm 1988 làm mốc là vì năm đó có bài viết “Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của tiến sĩ Hà Sỹ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ), một nhà khoa học ở miền Bắc Việt Nam. Bài viết này đã có tiếng vang lớn, bởi nội dung phản đối con đường đảng cộng sản lựa chọn, nhưng quan trọng hơn, nó đại diện cho sự phản kháng của giới trí thức miền bắc.

 Giai đoạn 1988 đến năm 2000, gọi là giai đoạn phản tỉnh, đặc trưng là sự lên tiếng, phản tỉnh của giới trí thức miền Bắc. Đã có rất nhiều trí thức lên tiếng trong giai đoạn này như: Cụ Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Thích Quảng Độ, ông Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Linh mục Chân Tín, Hòa thượng Thích Không Tánh, các ông Hà Sỹ Phu, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng tiến, …vv. Song song với sự phản tỉnh của giới trí thức ở miền bắc, là sự chuyển hướng từ phương thức bạo động, vũ trang ở miền nam và hải ngoại sang đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Đồng thời, có sự kết nối hoạt động đấu tranh trong nam ngoài bắc và hải ngoại. Lý do lấy năm 2000 làm mốc bởi năm đó có lá đơn xin thành lập đảng Tự do – Dân chủ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, khi đó 32 tuổi. Lá đơn phản ánh ý thức đấu tranh có tổ chức, và của người trẻ tuổi tham gia Phong trào Dân chủ.

 Giai đoạn 2000 đến 2007, gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị. Gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị bởi vì những người tham gia phong trào khi đó đều ý thức được mục tiêu thay đổi thể chế chính trị, và các hoạt động hướng đến mục tiêu này. Chính vì vậy mà các tổ chức được thành lập chủ yếu là các tổ chức chính trị, hoặc mang màu sắc chính trị. Ví dụ, tái lập đảng Dân chủ, thành lập đảng Thăng Tiến, Công đoàn độc lập, khối 8406, vv …  Giai đoạn này có một số người trẻ tuổi tham gia như Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình. Thời kỳ 2005, 2006 có thêm Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… các hoạt động thời kỳ này đơn thuần vì mục tiêu chính trị. Năm 2007 được lấy làm mốc cho thời kỳ tiếp theo bởi năm đó có hoạt động xuống đường, biểu tình chống Trung Quốc, và hoạt động xuống đường của giáo dân Công Giáo phản đối chiếm đất đai nhà thờ. Những hoạt động này bắt đầu mở ra một thời kỳ mới của Phong trào Dân chủ.

 Giai đoạn 2007 đến nay, là giai đoạn đấu tranh tổng hợp. Bao hàm trong giai đoạn này tất cả các khuynh hướng đấu tranh: chính trị, phong trào yêu nước, đấu tranh vì dân sinh, nhân quyền, xã hội dân sự … số người tham gia bùng nổ với tất cả các thành phần. Giai đoạn này Phong trào Dân chủ đã lan tỏa vào trong nhân dân, động viên được nhân dân cất lên tiếng nói phản kháng. Đặc trưng của giai đoạn này, là có sự hỗ trợ của yếu tố khoa học kỹ thuật, tức mạng xã hội giúp lan tỏa tinh thần đấu tranh của Phong trào Dân chủ đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước./.

Hà Nội, ngày 26/9/2018

RFA

Xem tiếp phần 3,4

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen