Seite auswählen

1

Nguyễn Thị Thanh Bình:  Sau 44 năm không còn tiếng súng đạn pháo, liệu tháng tư 1975 trong lòng bạn vẫn còn là tháng tư đen, và mỗi người trong chúng ta dường như đều có mỗi cách riêng để nghĩ về hoặc truy điệu cho Ngày 30/4 chăng? Ví dụ bạn có cảm hứng sáng tác một chút thơ “riêng tư” nào cho tháng 4 như thắp lên nén hương lòng chẳng hạn? Nếu bạn không làm thơ thì bài thơ tháng 4 hay tác phẩm nào khiến bạn xúc động nhất? Đại khái lúc trước tôi rất tâm đắc những linh cảm tiên tri của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong mấy câu thơ: “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc bến”, hoặc “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”… Coi như là chuyện “thơ thẩn”, vì dường như khi lòng mình chưa quên lãng nguôi ngoai thì người Việt vốn là dân tộc yêu thơ, nên đều muốn được gởi gấm cùng Thơ. Kỳ thực bạn ơi, nếu có một ai đó đang muốn lắng nghe một câu chuyện tháng 4 của bạn như “chuyện bây giờ mới kể”, thì liệu bạn có muốn chia sẻ điều gì cho mốc điểm 30/4 năm nay? Và liệu có bao giờ bạn tự hỏi giang sơn đất nước chúng ta đã quy về một mối, sao điều gì vẫn khiến lòng người ly tán và không thống nhất được?

Hoai Ziang Duy:

Bốn câu hỏi cô đặt ra ở đây với tôi vào thời gian sau 44 năm, cũng là lúc lòng người nguội lạnh ở tuổi hoàng hôn. Nhưng chắc một điều là ai đã sống ở miền Nam không thể nào quên 30 tháng Tư, quên nỗi đau ngày mất miền Nam Việt Nam, nhất là khi chế độ mới áp đặt và thực tế xảy ra sau đó, là nỗi thống khổ đọa đày ly tán, gia đình, nhà cửa người thân.

Cho nên vào lúc này, trả lời câu 1:

Năm nay, tôi chỉ viết bài thơ hai câu, chỉ hai câu thôi (trong tập thơ Đứng Tựa Bên Đời xb tháng 4/ 2019)

30-4-75

Đâu ai nghĩ một ngày ta mất nước

Lá cờ thiêng, hồn sông núi đứng ngậm lời


Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu chỉ một lần cần quay lại cuốn phim Hà Nội vứt bỏ Hiệp Định Đình Chiến Paris, để mang danh nghĩa giải phóng Miền Nam, giữa đôi mắt “quan sát” ráo hoảnh của Liên Hiệp Quốc, liệu bạn còn nhớ cảm giác hụt hẫng mất mát, khi cả nhà cùng mở đài phát thanh nghe tin T.T Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng kéo cờ trắng buông súng? Cảm giác sững sờ tê điếng ấy nếu có thử hỏi có giông giống cảm giác lặng người bên vỉa hè MN Sài Gòn chan hòa nắng đẹp tự do của nhà văn Dương Thu Hương, vì chợt nhận ra chiếc mặt nạ tuyên truyền dối trá của cách mạng giải phóng? Thật tình hình ảnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của bạn về Ngày 30/4 là gì? Bạn có chứng kiến cảnh những người lính VNCH cởi quân phục vất đầy đường, hay đại khái những âu lo tang thương khi “đàn bò vào thành phố” như câu nhạc bất ngờ của Trịnh Công Sơn? Nếu bạn cũng “bất ngờ” thuộc diện “Bên Thắng Cuộc” thì ngày 30/4/1975 bạn có nhớ mình đang làm gì, và khung cảnh, không khí cũng như cảm giác tưng bừng hoa lá như thế nào ở Miền Bắc lúc đó. Đặc biệt khi nghe báo tin trên đài cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ đã cáo chung và Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng Miền Nam từ đây anh em một nhà?

Hoài Ziang Duy:

Ở giờ phút với biến cố nầy, với người lính của quân đội miền Nam Việt Nam là sự sỉ nhục, là sự bội phản của đồng minh, từ giới chính trị, và thái độ hèn nhát của tướng Dương Văn Minh ở câu tuyên bố đầu hàng. Tôi nghĩ nước mắt của người lính trong 21 năm ở cuộc chiến, lần đâu tiên khóc ở ngày tháng này.

Tôi trích đoạn đầu của bài thơ viết ở tháng 4 /2003, đăng ở tạp chí Văn Học:

Em à, thế là đã hai mươi tám năm

Như một nỗi tình cờ

Ta buông đời rớt xuống

Nhớ năm xưa, cảm giác bồi hồi

Ta ôm em, ôm con ngày này bật khóc

Đâu có nỗi đau nào

Hơn nỗi đau chung

Như con cá lội ngược dòng

Trong đêm khuya mất hút

Ai chém xuống miền Nam nhát dao tuyệt vọng

Như bài ca vọng cổ não lòng

Hát câu ai oán

Về đâu hai bờ nhân nghiã

Đổi chác máu xương

(Như là như thế sao. Hoài Ziang Duy)

 

3
Nguyễn Thị Thanh Bình: 
Với chính sách ngu dân, Việt Cộng đã mở những chiến dịch truy lùng truy diệt và thiêu hủy toàn bộ sách vở sách báo của văn hóa, văn học Miền Nam. Họ còn trâng tráo đến độ quy tội đó là thứ văn hóa nô dịch, đồi trụy, phản động. Nghe nói học giả Vương Hồng Sển đã có lần viết thư năn nỉ họ và tuyên bố đòi được chết theo sách, nếu toàn bộ sách quý trong thư phòng của ông bị đốt cháy. Bạn nghĩ gì về “tội ác” cố tình diệt chủng nền văn minh văn hóa của MN này? Và giả thử bạn cũng là nạn nhân của một tủ sách gia đình đáng quý, liệu bạn xử trí ra sao lúc ấy? Còn nếu bạn đã lên tàu vượt biên hay di tản, thì thử hỏi cuốn sách nào vào thời buổi đó được bạn vội vã trân quý mang theo? Tôi nghe nhà thơ Trần Mộng Tú nói là chỉ kịp vác theo cuốn Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm thì phải?

Hoài Ziang Duy:

Vào thời điểm này, tôi đã ở trong tù (9 tháng 5/75), không biết chuyện bên ngoài.

Còn chuyện họ đốt sách, đối xử với văn hoá văn chương thế nào đã xảy ra, cũng đúng thôi, vì giai cấp lãnh đạo có học đâu mà hiểu, nào có cho dân biết đến sách vở khoa học kỹ thuật, văn nghệ, xã hội (chình sách ngu dân, bịt mắt). Đó là cái quyền của người chiến thắng, chiếm giữ. Họ huỷ diệt tất cả, để người dân miền Bắc không biết gì hết, che giấu theo tuyên truyền, miền Nam dốt nát, lạc hậu nghèo đói (nhưng thực tế khác hẳn, điều này ai cũng thấy, chưa kể bị miền Nam hoá về mọi phương diện văn hoá xã hội, đời sống tiếp theo, bởi nhu cầu người dân ai cũng cần đời sống văn minh hạnh phúc cho bản thân mình).

 4

Nguyễn Thị Thanh Bình: Cách đây khoảng hơn một năm, không chỉ trong giới cầm bút mà hầu như đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán về một thứ hội nghị gặp gỡ giao lưu kiểu hòa hợp hòa giải dân tộc về văn học văn chương trong và ngoài nước, do chủ tịch Hữu Thỉnh của Hội Nhà văn V.N chủ xướng gọi mời. Hẳn nhiên khi đụng phải phản ứng từ chối thật mạnh mẽ của nhà văn “quân đội” Phan Nhật Nam, người ta cũng đâm ra muốn đặt lại vai trò liệu nhà văn có thể lãnh nhận sứ mệnh to tát như thế để mở ra những cuộc đại đoàn kết dân tộc? Thật tình hễ nghe người ta “khuyên bảo” về hai chữ đoàn kết, tôi không biết có bao giờ họ muốn dang tay ra đoàn kết với người dân… thật, hay chỉ cốt đoàn kết có tính cách cục bộ trong những đảng viên của Hội Nhà Văn VN với nhau mà thôi? Và như thế bạn nghĩ có phương cách gì để những vết thương được ngừng ung mủ, chảy máu? Thử hỏi làm sao để chúng ta có thể “giải phóng” những uất ức của Ngày Quốc Hận 30/4, và sau 44 năm liệu ai mới thực sự giải phóng ai?

Hoài Ziang Duy:

Tôi không có theo dõi tác giả, tác phẩm trong nước, ngoại trừ có đọc, có biết tên mấy tác giả trên các tạp chí gởi ra ngoài. Tôi không quan tâm đến hội luận, giao lưu văn học, từ trong nước đề xướng, bởi hội nhà văn trong nước cũng chỉ do đảng điều hành, người của đảng chỉ huy.

Tôi không có niềm tin nào hết, chỉ an ủi là “có tán thì có tụ.” Mọi việc hình thành một thể chế chính trị, dân chủ tốt đẹp hơn sau này, tùy thuộc vào mấy anh cả thế giới sắp đặt (trên quyền lợi dân tộc họ trước tiên). Thân phận dân tộc nhược tiểu nước nào cũng phải chịu thua thiệt vậy thôi.

Cám ơn bạn đọc đã theo dõi câu trả lời.

 


[*] Hoài Ziang Duy là nhà văn quân đội đã xuất hiện trước 75, và thường viết trên các nhật báo ở Sài Gòn như Tiền Tuyến, Sóng Thần… Sau 75, ông cộng tác với khá nhiều tạp chí ở hải ngoại như Văn, Văn Học, Văn Tuyển, Đi Tới, Thư Quán Bản Thảo… Õng cũng là tác giả của truyện ký về một giai đoạn lịch sử của một chứng nhân trong vai trò người lính Miền Nam Việt Nam ‘Còn Không Chốn Quay Về’  xuất bản năm 2017… Ông còn là nhà thơ và mới đây nhất cũng đã in thêm tập thơ mà theo ông ‘giúp cho anh em bạn trẻ, thế hệ sau này hiểu hơn về sự có mặt của mình trên xứ người’. Đó là thi phẩm Đứng Tựa Bên Đời xuất bản tháng 4/2019, nghĩa là ông vẫn tiếp tục cầm bút sau khi buông súng cho đến tận cuộc đời hoàng hôn bóng xế trên miền tạm dung Hoa Kỳ.

Nguồn: Văn Việt

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen