Seite auswählen

Vũ Ngọc Chi

25.7.2019

Đọc được bài viết có đăng ở phần dưới của bác Vũ Linh lan truyền tại các diễn đàn khi mới đi nghỉ hè về mình cảm ơn bác đã giải bày một số vấn đề và thấy cần bày tỏ quan điểm mình cũng như nhờ bác giải thích tiếp:

Chuyện tranh cử tổng thống bên Mỹ thì mình không dám xía vào. Nhưng lời phát biểu của Trump thì mặc dù chỉ nói trống không, không nói rõ ai nhưng mọi người đều hiểu ám chỉ ai, đã đập vào chính mặt mình, những người Việt định cư ở ngoại quốc và con cháu họ, bởi vì chính ngay những người sinh đẻ ra tại Mỹ có da màu khác đại diện cho đa số dân Mỹ tại một khu vực bầu cử nào đó bị tấn công bởi một vị tổng thống với những lời lẽ ngụy biện đầy tính kỳ thị này, thì đến phiên chúng ta sẽ ra sao, nếu cứ im tiếng về một câu nói gây chia rẽ sắc tộc.

Về phần 1 và 7. Câu (If you hate our Country, or if you are not happy here, you can leave! = Nếu anh chị không thích nước Mỹ của chúng tôi, hay nếu anh chị không cảm thấy hạnh phúc ở đây, các anh chị có thể ra đi!) tại sao ngụy biện? Đây là những đại biểu quốc hội, đại diện cho đa số dân chúng Mỹ ở một khu vực, nếu họ có ghét thì họ ghét Trump (chuyện thường tình ở các nước dân chủ khi phe đối lập chỉ trích, phê bình các chính sách của chính phủ). Ở đây Trump đánh đồng mình với nước Mỹ, cho là hễ ai ghét ông ta là ghét Mỹ.

Ngay cả nếu là người da trắng, người dân bản xứ, là những người có tinh thần tự do dân chủ thì cũng phải lên tiếng để bảo vệ cho những giá trị dân chủ như bà thủ tướng Merkel đã làm. Rõ ràng là bà ta biết Trump muốn nói tới ai ở đây và biết sự nguy hiểm của những lời nói có tính cách kỳ thị này. („Ich distanziere mich davon entschieden und fühle mich solidarisch mit den drei attackierten Frauen“ (Tôi nhất quyết không tán thành câu nói đó và cảm thấy có tình đoàn kết với 3 người phụ nữ bị tấn công)). Không một vị nguyên thủ quốc gia nào đương không lại ngu dại đi chọc giận một tổng thống của một siêu cường để mang rắc rối cho nước mình, nếu không thấy là cần thiết.

Ngoài ra một nghị quyết của hạ viện Mỹ với 240 dân biểu đồng ý (trong đó có 4 dân biểu đảng Cộng Hòa), 187 đại biểu chống, lên án những câu nói của Trump đã tạo điều kiện hợp pháp hóa và gia tăng sự thù hận đối với những người có gốc từ nước ngoài và có các màu da khác. (Trumps “rassistische Bemerkungen” hätten Hass auf Menschen mit ausländischen Wurzeln und anderer Hautfarbe legitimiert und verstärkt.)

Đối với các anh chị, các bạn nói tiếng Đức thì mình xin nói thêm là Wehret den Anfängen!

Sau đây mình xin phép dịch một bài của phóng viên người Đức Marc Pitzke, sống ở New York đăng trên tờ Spiegel và xin phép mời bác Vũ Linh vào để chỉ ra dùm những sai trái của bài viết này.

 

Các bài đả kích bằng twitter của Trump

Hận thù như một công cụ, phân biệt chủng tộc như một chương trình

Marc Pitzke, New York, Spiegel.de

17.7.2019

Vụ bê bối xung quanh các lời đả kích phân biệt chủng tộc của Donald Trump leo thang, và bây giờ ông đã nhận được sự khiển trách của công chúng. Nhưng tổng thống Mỹ bướng bỉnh khuấy động những sự phẫn nộ cũ – thật trùng hợp, những tấn công này không phải là tình cờ.

Donald Trump không rút lại bất cứ điều gì và không bao giờ xin lỗi. Tổng thống Mỹ lần này vẫn theo chân ngôn này – bất chấp sự náo động về những lời tấn công gần đây của ông.

“Những tweet này KHÔNG phân biệt chủng tộc”, ông nhấn mạnh vào ngày thứ ba, ba ngày sau vụ bê bối về các lời đả kích của ông chống lại bốn đảng viên Dân chủ da màu. “Tôi không có một chút nào phân biệt chủng tộc!”.

Our Country is Free, Beautiful and Very Successful. If you hate our Country, or if you are not happy here, you can leave!

   — Donald J. Trump (@realDonaldTrump) 16. Juli 2019

Mandatory Credit: Photo by MICHAEL REYNOLDS/EPA-EFE/REX (10337149r) US President Donald J. Trump delivers remarks during the third annual ‘Made in America’ product showcase on the South Lawn of the White House in Washington, DC, USA, 15 July 2019. President Trump has declared 15 July, ‘Made in America Day’. US President Donald J. Trump hosts the third annual Made in America product showcase, Washington, USA – 15 Jul 2019

 

Bạn biết rồi: Trump nói điều gì đó gây tranh cãi, những người chỉ trích của ông nổi giận, những người hâm mộ ông cổ vũ, Trump lại châm thêm vào. Một mạch tuần hoàn quen thuộc được cung cấp bởi Trump, Twitter và các đài truyền hình.

Vào tối thứ Ba, đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết lên án các tweet của Trump là phân biệt chủng tộc. Nhưng nó chỉ mang tính biểu tượng: Chỉ có bốn trong số 191 đại biểu đảng Cộng hòa tham gia khiển trách.

Sự kích động cho thấy những điều tồi tệ trong chiến dịch bầu cử ở Hoa Kỳ: Là tổng thống đầu tiên trong nhiều thế hệ – và trái ngược hoàn toàn với lý tưởng của nước nhập cư Mỹ – Trump đưa ra các ý tưởng phân biệt chủng tộc lên nền tảng chính trị để thúc đẩy nhóm người da trắng ủng hộ mình và không chỉ chia rẽ đảng Dân chủ, mà toàn dân tộc.

Trump tận dụng những định kiến hiện có để làm lợi thế cho mình.

Các vụ tấn công mới nhất của ông ta nhắm vào Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Ayanna Pressley và Rashida Tlaib: họ nên trở về “các quốc gia có đầy tội phạm” nơi mà họ đến.

 ….and viciously telling the people of the United States, the greatest and most powerful Nation on earth, how our government is to be run. Why don’t they go back and help fix the totally broken and crime infested places from which they came. Then come back and show us how….

     — Donald J. Trump (@realDonaldTrump) 14. Juli 2019

 (…hung hăng chỉ bảo người dân Hoa Kỳ, Quốc gia vĩ đại và hùng mạnh nhất địa cầu, cách điều hành chính phủ của chúng ta. Sao họ không trở về nơi họ đã bỏ đi để giúp cải thiện các xứ sở hoàn toàn hư hỏng và đầy rẫy tội phạm đó. Làm xong rồi hãy quay trở lại cho chúng ta biết cách cải thiện như thế nào… )

Ba trong số bốn phụ nữ sinh ra ở Mỹ, Omar trốn thoát khỏi Somalia đến New York khi còn nhỏ. Nhưng Trump không quan tâm đến những chi tiết như vậy: ông khai thác những định kiến chống lại sắc tộc, niềm tin và hình dáng bề ngoài của những người bị dính líu tới.

Omar, giống như Pressley, người da đen và Tlaib, người gốc Palestine, là những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trong Quốc hội, Ocasio-Cortez đến từ một gia đình Puerto Rico. Các chính trị gia trẻ tuổi, được bầu vào Washington năm 2018, nhân cách hóa sự thay đổi nhân khẩu học – trong khi các cử tri da trắng của Trump lo ngại họ sẽ sớm trở thành thiểu số.

Vì vậy, sự lựa chọn từ ngữ của ông ấy hầu như không phải là một sự trùng hợp. Bất kỳ người Mỹ nào không phải là người da trắng đều biết sự xúc phạm này: “Hãy cút về nơi mày đến!” Câu hô hán này cũng đi kèm với nhiều hành vi bạo lực đối với người thiểu số.

 

President Donald Trump pauses while speaking as reporters leave the room during a Cabinet meeting in the Cabinet Room of the White House, Tuesday, July 16, 2019, in Washington. (AP Photo/Alex Brandon)

Những người không phải da trắng bị cho ra rìa

Ông vẫn thường nghe câu nói, ông nên “cút về Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên hoặc Nhật Bản”, Nghị sĩ Ted Liêu, người sinh ra ở Đài Loan và phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ, viết như vậy trong một bài tiểu luận cho tờ Washington Post. Chỉ vì màu da, nhiều người nghi ngờ lòng trung thành của ông với Hoa Kỳ.

Trump nhen nhúm các cuộc tấn công này, thậm chí mở rộng chúng ngay bây giờ, theo phong cách chuyên quyền. Tất cả các nhóm thiểu số chỉ trích có thể biến đi – ngay cả những người nhập cư hợp pháp và người Mỹ bản địa: “Nếu mày không thích ở đây, mày có thể đi nơi khác.”

Đối với Trump, người thích tự hào về “gen tốt” của mình, đây là một chiến thuật quen thuộc: sự nghiệp của ông ta đã được chấp vá với những lời kỳ thị, phẫn nộ và thù địch – từ khi bắt đầu vào ngành bất động sản cho đến ngày hôm nay.

– Vào những năm 1970, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã kiện ông và cha ông vì tội phân biệt đối xử với người thuê nhà da đen.

– Sau vụ hãm hiếp một người chạy bộ da trắng ở Central Park năm 1989, ông ta đã yêu cầu xử án tử hình cho các nghi phạm – bốn người da đen, một người Latinh – mặc dù họ vô tội.

– Người quản lý hàng đầu lâu năm của ông, Barbara Res, đã mô tả định kiến của ông như sau: “Người da đen lười biếng và người Do Thái có quan hệ tốt với tiền bạc”.

– Là chủ sòng bạc, ông ta đã phải trả 200.000 đô la tiền phạt vì phân biệt đối xử với nhân viên người Mỹ gốc Phi.

– Thăng tiến của ông trong giới bảo thủ bắt đầu bằng lời nói dối “Birther”, theo đó Barack Obama được sinh ra không phải ở Mỹ, mà là ở Kenya. Chê bai người da đen là công dân Mỹ bất hợp pháp là một phương tiện phân biệt đối xử thường được dùng.

– Trong chiến dịch bầu cử, Trump đã nguyền rủa những người nhập cư từ Mexico là những kẻ hiếp dâm và buôn bán ma túy và một thẩm phán sinh ra ở Indiana, người đã xét xử Đại học Trump về một vụ gian lận là “rất không công bằng” vì ông ta là “người Mexico”.

– Là một trong những hành động chính thức đầu tiên của mình sau khi nhậm chức, ông đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh chung đối với đa số là các quốc gia Hồi giáo.

– Sau các cuộc biểu tình cực hữu ở Charlottesville nơi một người phản kháng đã bị sát hại, vào tháng 8 năm 2017, ông rõ ràng từ chối lên án chủ nghĩa phát xít mới – điều mà Ku Klux Klan và các nhóm khác nhiệt tình hoan nghênh.

– Vào tháng 1 năm 2018, ông gọi Haiti và các quốc gia châu Phi là “các nước như cứt (shithole)”: ông thà có người nhập cư từ Na Uy.

– Việc ông ta lên án những người di cư và những đòi hỏi của ông ta về việc lập một bức tường ở biên giới phía nam Hoa Kỳ cũng là do tinh thần kỳ thị: ông ta không bao giờ phàn nàn về những người nhập cư từ châu Âu hoặc Canada.

– Nỗ lực thất bại của ông trong việc mở rộng điều tra dân số với một câu hỏi về quốc tịch chủ yếu nhằm đàn áp tiếng nói thiểu số “nâu”.

Không có điều gì trong số này là tình cờ, mọi thứ đều phù hợp với một chiến lược: “Nước Mỹ của Trump là vùng đất của người da trắng”, nhà bình luận người da đen Jamelle Bouie đúc kết lại như vậy trên tờ “New York Times”.

Ông không hối tiếc điều gì, Trump bảo vệ những tweet cuối cùng của mình: “Nhiều người thích điều đó”. Ông ta chắc chắn nói đúng.

Và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhà bình luận Niall Stanage viết trên tạp chí The Hill, Trump cố tình kích hoạt phân biệt chủng tộc và do đó, các yếu tố cực đoan ở cả hai phía của phổ chính trị, – và tiên đoán: “Cuộc bầu cử năm 2020 có thể trở thành độc hại nhất kể từ xưa đến giờ”.

Quelle: Hass als Instrument, Rassismus als Programm

CÂU CHUYỆN ‘TỨ QUÁI BANG’ THE SQUAD

Vũ Linh

Như DĐTC này đã viết, ‘kỳ thị’ bây giờ đã trở thành một thứ bùa hộ mệnh cho phe cấp tiến cực đoan nhất. Bất cứ ai, từ kẻ thù không đội trời chung Trump và các cụ da trắng cho đến các đồng chí DC phe ta, hễ khác ý là bị chụp cái nón cối kỳ thị lên đầu ngay. Hội Tương Tế Những Người Kỳ Thị bây giờ có ba hội viên then chốt: Trump, Biden (bị bà Harris tố) và Pelosi (bị nhóm The Squad tố).
Kỳ thị sẽ là lá bài vận động tranh cử chủ chốt của đảng DC chống TT Trump trong những ngày tháng tới, sau khi nhiều lá bài khác đã được xài thử mà không thấy hiệu quả gì, như Trump có cá tính bê bối, Trump bất tài, Trump thông đồng với Nga,… Bà Pelosi đã ‘tưng bừng khai trương’ với khẩu hiệu mới ‘Make America White Again’ thay thế ‘Make America Great Again’.
Ông thần Trump, như thường lệ, chẳng những đã không sợ hãi, mà còn đổ dầu vào lửa, quậy cho ngọn lửa cháy cho to hơn nữa.

Ông tuýt “những bà dân biểu Dân Chủ cấp tiến” mà xứ gốc của họ là những bãi rác lớn nhất, mấy bà có giỏi thì về đó mà dọn dẹp trước đi, rồi trở về đây chỉ cho chúng tôi dọn dẹp nước Mỹ sau.
Phe ta, cả bốn ả trong ‘Tứ Quái Bang’ The Squad, TTDC, và cả truyền thông vẹt tỵ nạn cùng vài cụ tỵ nạn bị bệnh DƯT, kể cả vài cụ tuốt bên Âu Châu chỉ đọc tin Mỹ qua truyền thông chống Trump, đã ùn ùn xúm vào cắt xén câu tuýt của TT Trump, bóp méo, xuyên tạc, tố giác ông Trump kỳ thị, đòi đuổi mấy bà Squad về xứ gốc.
Kẻ này xin ‘điều chỉnh’ tin của TTDC một chút:
– Thứ nhất, ông Trump không hề nêu đích danh ai hết. TTDC và đảng DC cho là TT Trump nói về nhóm Tứ Quái Bang là họ diễn giải. Rồi tất cả những người chống Trump hùa theo như vẹt ngay.
– Thứ nhì, TT Trump không ‘đuổi’ ai ra khỏi Mỹ hết, chỉ thách thức họ đi giải quyết chuyện rác rến các xứ gốc của họ đi, rồi về lại Mỹ chỉ cho ông cách chữa bệnh cho bác Sam.
– Thứ ba, sau đó, ông nói thêm những người chống Mỹ, ghét Mỹ có quyền ra khỏi xứ Mỹ bất cứ lúc nào nếu muốn. Trong một mít–ting vận động, khi dân chúng hò la “Send her Back”, nghĩa là đòi đuổi bà hồi giáo gốc Somalia Omar, TT Trump bác bỏ, nói rõ ông không chủ trương đuổi ai hết, chỉ nói ai ghét Mỹ muốn bỏ đi thì có quyền đi thôi.
– Thứ tư, một chi tiết nhỏ: có cụ tỵ nạn tuốt bên Âu Châu (thích bàn ra về chuyện Mỹ mà cụ chỉ hiểu rất lờ mờ, nhưng lúc nào cũng mừng rỡ kiếm được cớ chửi Trump dù là chửi sai) mỉa mai sao lại đuổi cô Ocasio-Cortez về Puerto Rico là xứ USA mà. Puerto Rico không hẳn là ‘xứ Mỹ’, không có đại diện trong quốc hội, không có đại diện trong cử tri đoàn bầu tổng thống, không phải là tiểu bang cũng chẳng thuộc tiểu bang nào, không có đảng DC hay CH gì hết, có trao đổi ngoại giao với 41 quốc gia trên thế giới,… Puerto Rico chỉ ở trong ‘US Commonwealth” như Ghana ở trong British Commonwealth, không có nghĩa Ghana là Anh Quốc, hay dân Ghana là dân Anh.
– Thứ năm, cái cụ tỵ nạn bên Âu Châu nói Trump chỉ trích Palestine và ‘mấy quốc gia khác’, sao các đại sứ không phản đối? Thưa cụ, TT Trump không hề nêu đích danh bất cứ ai, bất cứ xứ nào hết, Palestine là diễn giải của cụ. “Mấy xứ khác’ nghe có vẻ như có rất nhiều xứ, vì cụ muốn phóng đại để bi thảm hóa chỉ trích của cụ, chứ thật ra chỉ có một xứ khác bị TTDC ám chỉ, là Somalia. Mỹ không có đại sứ nào của Palestine hay Somalia hết, cụ nên vào Google trước thì lời công kích may ra có giá trị hơn một chút.
– Thứ sáu, trong câu tuýt của TT Trump mà TTDC khua chiêng trống như vỡ chợ, không có vấn đề pháp lý hay nhân quyền gì hết vì câu tuýt chẳng phạm luật gì cũng chẳng đụng đến quyền tự do đi hay ở của ai hết.
– Thứ bẩy, trong mục đích hù dọa dân tỵ nạn Việt, cụ tỵ nạn bị bệnh DƯT hăm he nếu Trump nổi hứng ‘yêu cầu’ dân Mít về xứ CSVN thì những người tỵ nạn nghĩ sao. Thưa cụ, kẻ này đồng ý ‘một chăm phần chăm’! Dân tỵ nạn chống Mỹ, ghét Mỹ có thể đi ra khỏi xứ Mỹ để về xứ Xuống Hố Cả Nước bất cứ lúc nào. Không có lý do gì ở đây ‘ăn hăm-bơ-ghơ thờ ma Hồ’. Xin cụ lưu ý: TT Trump nói chuyện ‘ghét Mỹ’ chứ không nói ‘ghét Trump’ đâu, đừng xuyên tạc nhé. Ghét Trump vẫn có quyền ở lại Mỹ sỉ vả Trump, cụ đừng lo.
Một anh nhà báo chê TT Trump ngu dốt, không biết khai thác nội chiến trong đảng DC mà lại giúp đoàn kết họ lại. TT Trump thật ra không ngu đến vậy. Nhóm lãnh đạo DC muốn tìm cách tránh xa ra khỏi cục than đỏ Tứ Quái Bang. Những thăm dò mới nhất cho thấy khối cử tri độc lập không đảng phái đang sợ Tứ Quái Bang đến độ mất viá luôn.
Dường như đám DC đã lọt hết vào bẫy của ông Trump, không cho khối lãnh đạo DC tách ra khỏi đám cuồng điên thiên tả. Ai cũng biết sách lược của TT Trump trong mùa tranh cử tới là tố giác đảng DC thiên tả hết, bất kể ứng cử viên nào, trong khi đa số các chính khách DC cố tìm cách tự tách xa ra khỏi nhóm cực đoan quá khích Tứ Quái Bang mà thượng nghị sĩ Lindsay Graham gọi là ‘một đám cộng sản’, “a bunch of communists”.
Bây giờ ông thần Trump tuýt một câu, tất cả đảng DC đã ‘đoàn kết’ lại thật, nhưng mà là đoàn kết sau lưng một nhúm thiên tả cuồng điên nhất, mạc nhiên thành một đảng bị nhóm cực tả Tứ Quái Bang chi phối. Đó là điều tốt hay xấu? Cử tri độc lập sẽ nghĩ sao?

The Squad’, nữ đội Capitol Hill

22.7.2019

Đinh Yên Thảo

VOA

Kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ hồi cuối năm trước đã tạo ra nhiều kỷ lục trên chính trường Hoa Kỳ, trong đó con số dân biểu phụ nữ và gốc thiểu số đắc cử đông đảo nhất từ trước nay là một. Bốn trong số những phụ nữ da màu lần đầu tiên đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ đã được nhắc đến nhiều ngay từ những ngày đầu tiên là nữ đội “The Squad” bao gồm Alexandria Ocasio-Cortez gốc Mỹ La Tinh của New York, Ayanna Pressley gốc Châu Phi của Massachusetts , Rashida Tlaib từ Michigan và Ilhan Omar từ Minesota cùng là Hồi Giáo. Nhóm nữ dân biểu thuộc đảng Dân Chủ này là ai mà đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tổng thống và gây nhiều tranh cãi từ công luận?

Hơn cả tuần trước, truyền thông thế giới cùng công luận Hoa Kỳ lại xoay quanh mẩu tweet bị cho là có màu sắc kỳ thị của tổng thống Donald Trump đòi đuổi nhóm nữ dân biểu (DB) này về nước vì đã chỉ trích ông và các chính sách của chính phủ quá nhiều, cho dù ba trong bốn dân biểu này đã sinh đẻ ngay tại Mỹ và chỉ nữ DB Pressley là người tị nạn đến từ Somali từ bé. Như điều tất nhiên, sự việc được nhìn nhận và tranh cãi theo sự binh-chống giữa hai nhóm ủng hộ và chống đối tổng thống. Còn ở đây, chúng ta thử cùng nhìn kỹ hơn chân dung của những tân nữ dân biểu trẻ tuổi, cấp tiến đến độ bị xem là “nổi loạn” ngay từ chính đảng Dân Chủ khi bất tuân với đường lối chung từ cấp lãnh đạo, có nguồn gốc và xuất thân như thế nào khi bước vào chính trường Hoa Kỳ.

Nữ DB Alexandria Ocasio-Cortez, thường được gọi tắt là AOC từ New York là nữ dân biểu trẻ nhất từng đắc cử vào quốc hội Hoa Kỳ . Sinh năm tháng 10 năm 1989 tại New York trong một gia đình Công Giáo trung lưu có nguồn gốc từ Puerto Rico – lãnh thổ của Hoa Kỳ, Ocasio-Cortez – 29 tuổi hiện nay, đã gây sự chú ý ngay trước kỳ bầu cử giữa mùa năm trước khi cô chiến thắng DB kỳ cựu Joe Crowley thuộc đảng Dân Chủ đã phục vụ tại Hạ Viện suốt 10 nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử sơ bộ, một chiến thắng bất ngờ và được xem là “ngựa về ngược”. Chiến thắng này đã dẫn đến việc thắng cử ứng viên đảng Cộng Hòa Anthony Pappas – một giáo sư Kinh Tế Học để chính thức bước vào Quốc Hội. Là một sinh viên năng động với nhiều hoạt động xã hội và chính trị ngay từ thời sinh viên, trong đó có thời gian làm việc cho văn phòng Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, cô từng là nhân viên pha chế rượu và phục vụ nhà hàng, Ocasio-Cortez theo học Đại Học Boston và tốt nghiệp ưu hạng chuyên khoa Đối Ngoại và Kinh Tế và phục vụ trong các tổ chức phi chính phủ, giáo dục và nhóm lãnh đạo gốc Mỹ La Tinh. Mùa bầu cử tổng thống 2016, Ocasio-Cortez phục vụ trong ban tranh cử của TNS Bernie Sander và đến năm 2018, cô quyết định ra tranh cử vào Hạ Viện như đã nói trên. Cô bị xem là con “ngựa chứng” cứng đầu và gây nhiều tranh cãi nhất trong nữ đội này.

Nữ DB Ayanna Pressley sinh năm 1974, tại Ohio nhưng lớn lên tại Chicago, là con một trong một gia đình đối diện nhiều thử thách khi mẹ cô phải làm nhiều công việc cùng lúc để nuôi gia đình, buộc phải ly dị với người cha dù có nhiều bằng cấp và từng dạy đại học nhưng lại nghiện ngập, vào tù ra khám và trở thành nhà văn về sau. Ảnh hưởng từ mẹ là một nhà hoạt động xã hội tích cực tại Chicago, từ lúc còn đi học Pressley đã là một học sinh có tài hùng biện, liên tục làm chủ tịch hội học sinh từ lớp bảy và được bạn bè, thầy cô xem như người có khả năng và triển vọng trở thành thị trưởng Chicago trong tương lai. Vừa làm vừa theo học gián đoạn tại đại học Boston, ra trường Pressley lần lượt làm việc cho văn phòng các dân biểu Joseph Kennedy II (chú: con trai cựu Bộ trưởng Robert Kennedy, cháu ruột TT Kennedy), rồi TNS John Kerry trong hàng chục năm trời. Năm 2009, Pressley ra tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố Boston và đắc cử, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đắc cử vào hội đồng thành phố trong suốt 100 năm lịch sử của thành phố này. Từ 10 năm qua, Pressley liên tục được bình chọn và trao giải thưởng là một trong những nữ lãnh đạo trẻ tài năng, một ngôi sao đang lên của đảng Dân Chủ.

Nữ DB Rashida Tlaib, 42 tuổi, sinh năm 1976 tại Detroit trong một gia đình di dân đông con gốc Palestine. Là chị cả trong một gia đình có tổng cộng đến 14 đứa con, Tlaib đã phải thay cha mẹ để chăm lo cho các em mình khi họ là nhân công lắp ráp trong các hãng xe hơi tại Detroit . Dù hoàn cảnh gia đình như vậy, Tlaib vẫn cố gắng hoàn tất đại học rồi tốt nghiệp tiến sĩ Luật Khoa, trở thành một luật sư tranh đấu cho những người bị kỳ thị, bị đối xử thiếu công bằng. Năm 2008, Tlaib ra tranh cử vào Hạ Viện tiểu bang Michigan theo lời khuyến khích của vị dân biểu mà cô đã từng tập sự và phụ tá cho ông. Trong một địa hạt có nhiều cư dân gốc Mỹ La Tinh và Mỹ Phi Châu, cô đã qua mặt nhiều ứng cử viên thuộc các sắc dân này để rồi chiến thắng áp đảo với tỉ lệ 92 % trước ứng viên đảng CH, trở thành người phụ nữ Hồi Giáo đầu tiên đắc cử vào lập pháp tiểu bang Michigan. Năm 2018 vừa qua, Tlaib đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, là dân biểu gốc Palestine đầu tiên tại Quốc Hội cũng như cùng với nữ DB Ilhan Omar là hai DB Hồi Giáo đầu tiên vào ngành lập pháp trong lịch sử nước Mỹ.

Người nữ dân biểu duy nhất trong nhóm nữ đội không sinh đẻ tại Mỹ mà là một di dân đến Mỹ từ năm 12 tuổi là DB Ilhan Omar của Minnesota. Sinh năm 1982 tại Somali , Omar mồ côi mẹ từ năm lên hai và là con út trong một gia đình bảy anh chị em. Chạy trốn chiến tranh, Omar theo gia đình lánh nạn sang Kenya năm lên tám và ở trong trại tị nạn bốn năm trời trước khi được sang Mỹ định cư. Có ông nội từng là một giám đốc cục vận tải đường biển quốc gia Somali và cha cùng các cô, chú làm việc trong ngành giáo dục, Omar được khuyến khích tham gia vào chính trị từ rất sớm. Tốt nghiệp đại học North Dakota ngành chính trị học và quốc tế học. Omar được học bổng để tiếp tục theo học về chính sách quốc gia tại đại học Minnesota, nơi cô làm việc như một nhà giáo dục về dinh dưỡng cộng đồng sau khi tốt nghiệp. Tiếp tục tham gia ban tranh cử của các dân biểu tiểu bang và làm việc tại Bộ Giáo Dục Minnesota, năm 2016 Omar ra tranh cử vào Hạ Viện tiểu bang Minnesota và đắc cử, trở thành một người gốc Somali đầu tiên nắm giữ chức vụ công quyền cao nhất và phục vụ cấp lập pháp tiểu bang. Hồi tháng 11 năm trước, Omar đắc cử vào Hạ Viện với số phiếu áp đảo là 78%, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên của Minesonta đắc cử vào quốc hội Hoa Kỳ.

Nhìn lại thân thế của cả bốn nữ dân biểu thiểu số này, hầu như họ đều có chung một mẫu số là, tất cả đều xuất thân từ các gia đình lao động, thể hiện khả năng và tinh thần dấn thân từ rất sớm. Trẻ trung, học thức và mang tinh thần phục vụ cộng đồng cùng quốc gia, họ xứng đáng để trở thành những dân biểu đại diện cử tri của mình. Tuy nhiên sự cấp tiến đến độ cực tả, để bị xem là “những kẻ nổi loạn” khi thường xuyên đối đầu cùng tổng thống và chính phủ lẫn chính với cấp lãnh đạo của đảng Dân Chủ thay vì tập trung vào các vấn đề chính sách quốc gia, có lẽ không phải là điều tốt nhất cho sự nghiệp chính trị lâu dài của họ. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một thái độ can đảm và là con đường mà những nữ dân biểu này đã chọn lựa.

Thêm một quan điểm của một người Mỹ gốc Việt về vấn đề này

Này Trump, tôi cũng là người Mỹ

 

  • 25 tháng 7 2019
Lễ khánh thành Vườn Đô Thị Valley Verde tại San Jose - tác giả Thắng Đỗ bảo trợ cho dự án này, gây hạt giống cơ hữu và huấn luyện cách trồng hoa quả cho người thu nhập thấpĐỖ THẮNG Lễ khánh thành Vườn Đô Thị Valley Verde tại San Jose – tác giả Thắng Đỗ (giữa) bảo trợ cho dự án này, gây hạt giống hữu cơ và huấn luyện cách trồng hoa quả cho người thu nhập thấp

Tổng thống Donald Trump gần đây bị chỉ trích dữ dội vì vài câu ‘túyt’ như ông vẫn thường làm. Lời phê bình đương nhiên đến từ phe đối lập đảng Dân chủ, nhưng ngay cả trong đảng Cộng hòa, một số chính khách cũng lên tiếng phản đối.

Lãnh đạo của nhiều quốc gia khác cũng đả kích tinh thần kỳ thị trong ‘túyt’ này.

Người bênh vực Tổng thống lập luận rằng lời phát biểu này không đụng chạm gì đến cá nhân ai, hoặc chủng tộc và màu da, do đó không có gì là kỳ thị. Họ cũng cho rằng phe đối lập chỉ trích bất cứ điều gì Tổng thống nói; Tổng thống là người ăn nói vụng về, nhưng nói thật, và họ ủng hộ nội dung của lời phát biểu, dịch nguyên văn như sau:

“Thật là thú vị khi thấy các “Nữ Dân Biểu Dân Chủ Cấp Tiến”, họ đến từ các quốc gia với chính phủ hoàn toàn là một đại họa, bọn tệ hại, thối nát và bất tài nhất của bất cứ nơi nào trên thế giới (nếu họ còn có chính phủ), bây giờ lớn tiếng hung hăng dạy dỗ người dân Hoa Kỳ, Quốc gia vĩ đại và hùng mạnh nhất địa cầu, cách điều hành nhà nước. Sao họ không về nơi họ đã bỏ đi mà giúp cải thiện các xứ sở hoàn toàn hư hỏng và đầy rẫy tội phạm đó. Làm xong rồi hãy quay trở lại cho chúng ta biết cách cải thiện như thế nào. Mấy xứ đó rất cần sự giúp đỡ của mấy bà, mấy bà đi lẹ lẹ lên. Tôi chắc rằng Nancy Pelosi sẽ rất hân hoan thu xếp cho các bà phương tiện chuyên chở miễn phí”.

Đúng là Tổng thống không gọi đích danh người nào, nhưng bất cứ ai ít nhiều theo dõi tin tức đều hiểu rằng ông ám chỉ “bộ tứ” các nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Rashida Tlaib và Ayanna S. Pressley, trong đó chỉ có Omar là người sinh trưởng tại Somalia và đến Mỹ năm 10 tuổi.

Ocasio-Cortez và Tlaib, tuy bố mẹ đến từ các xứ sở khác, nhưng họ sinh ra tại Mỹ. Còn gia đình bà Pressley là người da đen đã sống ở Mỹ từ bao nhiêu đời. Xuất xứ khác nhau, nhưng “bộ tứ” này giống nhau ở ba điểm chính: họ là phụ nữ, họ da màu, và họ đã từng công kích mạnh mẽ chính sách của Tổng thống Trump.

Nữ dân biểu Alexandria Ocasio-CortezSPENCER PLATT/GETTY IMAGES Nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez

Còn để hiểu đoạn ‘túyt’ trên có kỳ thị hay không, hãy đặt ngược vấn đề.

Trên thực tế, liệu có ai nói với Donald Trump là nếu ông không thích nước Mỹ (ông luôn mồm chỉ trích các chính sách của Mỹ ở các thời tiền nhiệm) thì ông về nước ông đi? Hoặc nếu không phải là Donald Trump mà là các người da trắng khác, liệu có ai nói thế không?

Nữ dân biểu Ilhan OmarCHIP SOMODEVILLA Nữ dân biểu Ilhan Omar

Câu trả lời giản dị là không. Người ta không nói, vì họ coi các nhân vật này là người Mỹ “thật”. Làm sao có thể bảo một người Mỹ “thật” đi về nước của mình, làm gì có nước nào để đi về?

Nhưng hầu hết người da màu, kể cả người viết, đã từng bị câu nói đó chĩa vào mình: “không thích hả, không thích thì về đi”. Đằng sau câu nói đó là ngụ ý: Da màu không phải là Mỹ “thật”. Da màu chỉ được Mỹ cho vào nhập cư; cho vào được thì đuổi ra cũng được.

Thế nào là người Mỹ?

Thiếu tướng Lương Xuân Việt nói mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là "quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai"STATESMAN.COM Thiếu tướng Lương Xuân Việt nói mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là “quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai”

Khác với hầu hết các quốc gia khác, nước Mỹ chưa bao giờ là một xã hội thuần chủng. Ngay từ khi những người Anh đến Tân Thế Giới để tránh sự đàn áp tôn giáo ở nước của họ, đã có một số đông người thổ dân da đỏ sinh sống tại đây. Lái buôn người sau đó đưa người da đen đến nước Mỹ để làm nô lệ cho người da trắng. Những đợt di dân khác đón thêm hàng chục triệu người từ Châu Âu và Á, với đủ các màu da.

Đợt di dân nào lúc đầu cũng bị kỳ thị vì họ mang theo các tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo lạ lẫm với những người đến trước. Ngay cả những người từ Châu Âu, như Ý, Bồ Đào Nha, Ba Lan và các xứ Đông Âu khác đều bị cho rằng họ “chưa Mỹ đủ” trong nhiều năm mới đến xứ sở này. Khi được chấp nhận là người Mỹ, họ quay sang kỳ thị các nhóm khác mới đến. Người di dân từ Châu Á đã là nạn nhân của những chính sách kỳ thị như Đạo Luật Cấm Người Hoa, hay việc giam người gốc Nhật vào trại tập trung.

Thế thì ai mới là người Mỹ thật?

Nước Mỹ là quốc gia đã được thành lập dựa trên một số nguyên tắc, chứ không theo bất cứ chủng tộc hoặc tôn giáo nào. Thật thế, Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ có câu “mọi người sinh ra bình đẳng”, mà không nói đến màu da hay bất cứ tính dân tộc nào khác. Cùng lúc, Hiến pháp Mỹ chỉ nói về các giá trị dân chủ, tự do và công bằng, và trách nhiệm của mỗi công dân Mỹ là trung thành với Hiến pháp, chứ không với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.

Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora người Mỹ gốc Việt, cùng vợ (trái) và con gáiVIRGINIA NATIONAL GUARD PUBLIC AFFAIRS Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora (giữa) là một trong các Chuẩn tướng người Mỹ gốc Việt

Tóm lại, định nghĩa về người Mỹ hoàn toàn không dựa trên màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Bất cứ ai sống ở Mỹ hợp pháp, tin vào và trung thành với Hiến pháp Mỹ đều là người Mỹ như nhau.

Vì thế, tôi, một người di dân da vàng, là một người Mỹ chính cống. Có thể tôi nhìn không giống nhiều người Mỹ khác, có thể tôi không sinh hoạt theo tập quán dòng chính, thậm chí có thể tôi nói tiếng Anh với khẩu âm chưa hoàn toàn chuẩn. Nhưng tôi không “ít M‎ỹ” hơn bất cứ ai khác, cũng như tôi không “Mỹ hơn” những người đến sau tôi.

Cho nên, khi bảo một người da màu “về nước đi”, câu nói đó ngụ ‎ý là người da trắng “Mỹ hơn” người da màu. Đó là tinh thần kỳ thị, xét người dựa trên màu da hay chủng tộc.

Xin đừng ai nói với tôi câu đó. Tôi là một người Mỹ hoàn toàn, không hơn không kém bất cứ người Mỹ nào khác.

Tác giả Thắng Đỗ là một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, và là thành viên hội đồng quản trị của hội PIVOT (Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến).

Tranh cãi về đô thị Hoa Kỳ

Đằng sau cuộc tấn công Baltimore của Trump

“Bị ô nhiễm bởi chuột.” Tổng thống Mỹ lăng mạ toàn bộ dân số của một thành phố lớn của Mỹ và do đó làm cho nhiều người Mỹ phẫn nộ. Nhưng cuộc tấn công này xảy ra theo một kế hoạch.

Bất cứ ai nghĩ rằng văn hóa tranh cãi chính trị Hoa Kỳ không thể tiếp tục xuống cấp hơn nữa dưới thời Tổng thống Donald Trump, giờ đây được dạy cho một bài học. Với các cuộc tấn công của Trump vào thành phố Baltimore và Nghị sĩ Mỹ gốc Phi Elijah Cummings, nó đã đạt đến một mức thấp mới.

Trump, vào cuối tuần qua đã cáo buộc Cummings không quan tâm đầy đủ đến khu vực bầu cử “ghê tởm, ô nhiễm chuột” của mình ở thành phố ven biển phía đông Baltimore, rõ ràng là có ý định muốn châm dầu vào cuộc tranh luận với các đối thủ chính trị của ông. Chiến dịch bầu cử sắp tới, chắc chắn, sẽ trở thành bẩn thỉu – và nó thậm chí chưa thực sự bắt đầu.

Như với các cuộc tấn công vào bốn chính trị gia trẻ tuổi xung quanh dân biểu Ilhan Omar, cách đây hai tuần, Trump là người quyết định mức độ: Trong tổng số hàng tá tin nhắn trên Twitter, ông đã tấn công trực tiếp Cummings nhiều lần. Trump đã mô tả quê hương của ông ta là một “nơi không có người nào muốn sống ở đó” – “rất nguy hiểm và kinh tởm”.

Tại sao lại là Baltimore?

Bằng cách tấn công Cummings, Trump theo một mô hình điển hình: ông ta cố gắng nói xấu về đối thủ chính trị của mình. Đồng thời, ông ta khuấy động sự phẫn nộ rằng, nhiều người bầu cho ông – ngoài Baltimore – vẫn còn chống lại người Mỹ gốc Phi, nhưng nói chung cũng chống lại các thành phố lớn dọc theo bờ biển.

Bạn cần phải biết: Trump được bầu rất ít ở Baltimore. Ông không quan tâm tới tình hình chính trị ở thành phố này và tiểu bang Maryland nói chung. Giống như nhiều khu vực tự do, đô thị ở bờ biển phía đông và phía tây, nó là thành trì của đảng Dân chủ. Ứng cử viên tổng thống Kamala Harris đặt trụ sở chính tại Baltimore. Khu vực bầu cử của Cummings có 53% là người Mỹ gốc Phi, những người nằm trong số các nhóm cử tri quan trọng nhất của đảng Dân chủ.

Baltimore đã phải vật lộn trong nhiều năm với tỷ lệ tội phạm cao, tỷ lệ giết người thuộc hàng cao nhất ở Mỹ. Một mặt là như vậy. Mặt khác, thành phố đang cố gắng hết sức để lôi cuốn các công ty mới đến lập nghiệp và đánh bóng hình ảnh của họ. Trong vài năm qua, các khu dân cư mới với nhà ở tân tiến, bảo tàng và khách sạn đã mọc lên xung quanh bến cảng, nó có một trong những bệnh viện đại học tốt nhất nước và một giới nghệ sĩ hiện đại, trẻ trung.

Bản thân Cummings đã là thành viên của Hạ viện trong 23 năm và được coi là một trong những nhà phê bình khắc nghiệt nhất của Trump. Ông đã nhiều lần chỉ trích chính sách của chính phủ đối phó với người tị nạn ở biên giới Mexico. Ông đã dẫn đầu phiên điều trần của cựu luật sư của Trump Michael Cohen, và vào tuần trước ông gây ra bản tin hàng đầu trên báo chí khi ông yêu cầu chính phủ giao lại e-mail của con rể của ông Trump, Jared Kushner và con gái ông Ivanka.

Kinh tởm, nhưng cũng được ủng hộ

Một lần nữa Trump chia rẽ đất nước với những cuộc tấn công của mình. Một số đảng viên Dân chủ và truyền thông tự do phản ứng với sự pha trộn giữa ghê tởm và phẫn nộ về các tweet của Trump. Các tuyên bố của tổng thống là “kinh tởm và phân biệt chủng tộc”, người cùng đảng của Cumming, Jerrold Nadler, cũng là một thành viên của Quốc hội bày tỏ như vậy. Tờ báo địa phương “Mặt trời Baltimore”, trong sự phẫn nộ về các cuộc tấn công của Trump vào thành phố này, đã đi xa đến mức phê bình một cách giận dữ, so sánh chính ông Trump với loài sâu bọ: “Thà có một con sâu bọ bên hàng xóm còn hơn là chính mình”.

Trong khi đó, những người ủng hộ Trump và những người Cộng hòa hàng đầu đã tạo ra không khi thuận lợi cho tổng thống của họ. Chánh văn phòng của Trump trong Nhà Trắng, Mick Mulvaney, đã bảo vệ ông chủ một cách kịch liệt. Những gì Trump nói về tình trạng ở Baltimore là hoàn toàn hợp lý. “Nó không liên quan gì đến phân biệt chủng tộc,” Mulvaney nói.

Các cuộc tấn công được thực hiện theo một kế hoạch.

Bản thân ông Trump cũng bác bỏ cáo buộc phân biệt chủng tộc: “Đảng Dân chủ luôn chơi con bài phân biệt chủng tộc, và chính họ đã đóng góp rất ít cho người Mỹ gốc Phi vĩ đại của chúng ta”.

Các cuộc tấn công của Trump có thể sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tuần này, vào ngày thứ Ba và thứ Tư các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ sẽ tham dự tại Detroit cuộc đấu tay đôi lớn thứ hai trên truyền hình. Với những bình luận của mình về Baltimore, Trump đảm bảo rằng ông vì đó đặt ra một chủ đề quan trọng.

Như trong các cuộc tấn công chống lại bốn đảng viên Dân chủ trẻ tuổi, Trump rõ ràng toan tính là nhờ đó huy động được những người theo ông. Ông hy vọng tài hùng biện sắc sảo của mình sẽ gây được tiếng vang với nhiều cử tri da trắng, ít học ở các bang trọng điểm như Pennsylvania, Michigan hay Wisconsin.

Nếu ông lại thắng ở 3 tiểu bang này – ngoài các thành trì Cộng hòa thông thường ở miền nam – Việc ông tái đắc cử vào năm 2020 sẽ được bảo đảm. Trong hệ thống bầu cử Hoa Kỳ được biết là không tính đến việc ai thu thập nhiều phiếu nhất trên toàn quốc. Nó chỉ tính ai thắng được nhiều tiểu bang nhất, để có được đa số trong Đại cử tri đoàn (Electoral College), mà quyết định ai được chọn làm tổng thống.

Cho dù tại Baltimore và Maryland, rất nhiều công dân phẫn nộ bỏ phiếu chống lại Trump. Điều này sẽ không làm thay đổi gì cả.

Quelle: Was hinter Trumps Baltimore-Attacke steckt

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen