Seite auswählen

♦ Chuyển ngữ: 
 
16.08.2019

 

writer-paul-theroux in 1970s
Nhà văn Paul Theroux vào đầu thập niên 1970s

Lời giới thiệu của dịch giả: Đây là bản dịch các chương viết về Việt Nam của Paul Theroux (1941-) trong hai cuốn The Great Railway Bazaar (xb 1975) và Ghost Train to the Eastern Star (xb 2008), mỗi chuyến đi hơn 4 tháng, phần lớn đi bằng xe lửa, khởi hành từ Luân Đôn qua Pháp, xuống dần phía nam, qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phía nam nước Nga, qua Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản, và cuối cùng đi xe lửa từ đông sang tây nước Nga để trở lại Luân Đôn. –Phạm Văn

 

Great Railway Bazaar cover

The Great Railway Bazaar – By Train through Asia (nxb Washington Square Press, NY: 1975 (342 trang).

 

Chương 24

Chuyến xe lửa chở khách tuyến đường Sài Gòn-Biên Hoà

Tôi đến Việt Nam để đi xe lửa; ở đất nước đó người ta làm nhiều chuyện còn kỳ lạ hơn. Đường Hoả xa Xuyên Việt[1], người Pháp gọi là Transindochinois, làm 33 năm mới xong, nhưng năm 1942, chỉ sáu năm ngắn ngủi sau khi hoàn tất, nó bị nổ tan tành và chưa hề được sửa lại. Là sản phẩm của thuộc địa, nó giống như một trong mấy món ăn Pháp được sửa soạn rất lâu rồi ngấu nghiến trong tích tắc: miếng ngon ngắn ngủi rất công phu và đáng nhớ. Tuyến đường từ Sài Gòn tới Hà Nội dọc theo bờ biển đẹp, nhưng anh em lính Mỹ bất đắc dĩ của chúng ta ít khi ca tụng nó; giờ đây nó đứt làm nhiều đoạn, như con giun bị chặt ra làm mồi câu, đoạn này đoạn kia ngọ nguậy sống. Việt Cộng đặt mìn nó – thậm chí còn dữ dội hơn sau khi ngưng bắn (ngưng bắn là một cách nói hoa mỹ, tầm phào, khéo đau khéo đớn); bọn đặt mìn cũng là đám tài xế xe vận tải ở địa phương, kẻ khủng bố vì tiền, họ nghĩ nếu các tuyến đường xe lửa này hoạt động lại (tới Đà Lạt, Huế, Tuy Hoà) thì họ sẽ mất kế sinh nhai theo cách người Mỹ đã chỉ cho họ. Như nhiều thứ khác ở Việt Nam, đường xe lửa hư hại – đoạn phía bắc tỉnh Bình Định biến thành ruộng lúa – nhưng đáng kinh ngạc là nhiều đoạn của nó vẫn chạy. Phó giám đốc Hoả xa Việt Nam, Trần Mộng Châu, một ông thấp đeo kính dày, bảo tôi: “Xe lửa của chúng tôi không thể ngưng. Chúng tôi vẫn cứ chạy dù lỗ lã. Có thể chúng tôi sẽ sửa vài chỗ. Nhưng nếu chúng tôi ngưng thì mọi người sẽ biết là chúng tôi thua trận.”

Trần Mộng Châu cảnh cáo tôi đừng đi từ Nha Trang ra Tuy Hoà, nhưng ông nói tôi có thể thích đi đoạn đường Sài Gòn tới Biên Hoà – mỗi ngày có 14 chuyến. Ông dặn trước là nó không như xe lửa Mỹ. Lời cảnh cáo đặc biệt này (mà có thể ông không ngờ?) lại giống như một lời giới thiệu hấp dẫn.

Khi ra khỏi văn phòng, tôi hỏi Dial, anh thông dịch viên người Mỹ của tôi, lính thủy quân lục chiến đổi qua làm tùy viên văn hoá (anh nói anh đã “vô ngang” và mỉm cười vì nghĩa tục tĩu của cụm từ đó[2]): “Anh nghĩ đi xe lửa tới Biên Hoà có an toàn không?”

Dial nói: “Tháng trước Việt Cộng tấn công. Họ phục kích bắt sáu, bảy hành khách. Họ dựng chướng ngại vật[3] để chặn xe lại – rồi họ bắn.”

“Có lẽ mình đừng đi.”

“Không, bây giờ an toàn rồi. Dù sao thì tôi cũng có súng mà.”

Lúc ăn điểm tâm sáng hôm sau, Cobra One – bí danh ông chủ nhà người Mỹ của tôi ở Sài Gòn – bảo tôi rằng Ủy ban Du lịch Việt Nam muốn gặp tôi trước khi tôi đi xe lửa tới Biên Hoà. Tôi nói tôi vui lòng gặp họ. Chúng tôi ăn trên sân thượng biệt thự của Cobra One, hưởng không khí mát mẻ và cây cối nở hoa thơm ngát. Thỉnh thoảng một chiếc trực thăng bay thấp lướt qua, len lỏi giữa các nóc nhà. Cobra One nói sắp có nỗ lực thu hút du khách tới Việt Nam. Tôi cho là chuyện đó có thể còn quá sớm – dù sao thì chiến tranh vẫn còn.

Vợ Cobra One, Cobra Two nói: “Anh chả bao giờ thấy chiến tranh ở đây.” Bà ngước khỏi tờ báo. Bên dưới chúng tôi, giữa khu biệt thự, có hồ bơi giữa các luống hoa và hàng dừa. Bức tường đằng xa giăng dây kẽm gai, nhưng như thế làm nó lại càng giống Singapore[4]. Hàng dâm bụt đỏ dọc theo lối xe ra vào, bụi dương xỉ khổng lồ, một ông mặc sơ mi vàng đang cào lối đi trải sỏi dưới mấy cây kim tước. Cobra Two, nổi bật trong cái áo khoác bằng lụa, đung đưa chiếc dép lông, sột soạt tờ Stars and Stripes[5], nói: “Nhiều thứ hạng nhất ở – ê, chỗ này thuộc bán cầu nào nhỉ?”

Cobra One nói: “Đông bán cầu.”

“Ừ. Nhiều thứ hạng nhất ở đông bán cầu có ngay trong biệt thự này.”

*

Văn phòng Giám đốc Kế hoạch của Ủy ban Du lịch Việt Nam lót nhung đỏ từ sàn lên tới trần nhà, và mép tường có ruy băng. Chúng tôi như ngồi trong cái hộp đựng sô cô la đắt tiền nhưng trống hoác. Tôi nói tôi đang vội, vì tôi sắp đi xe lửa ra Biên Hoà. Giám đốc Kế hoạch và Phó ủy viên bứt rứt liếc nhau. Giám đốc Võ Doãn Châu nói tình trạng xe lửa không tốt – ông nói tôi nên đi xe hơi ra Vũng Tàu tắm biển. Ông nói: “Việt Nam nổi tiếng nhờ bãi biển.”

Nổi tiếng nhờ bãi biển! Tôi định nói: “Còn nhiều thứ nổi tiếng khác nữa,” nhưng Trần Lương Ngọc, Phó ủy viên được đào tạo kiểu Mỹ, lao vào giải thích. Ông nói họ sẽ dốc toàn lực để thu hút du khách, và họ đã nghĩ ra một chiêu quảng cáo chắc chắn thành công, Follow Me! Bích chương in hình các cô gái Việt xinh xắn ở mấy nơi như Đà Nẵng, Huế, và đảo Phú Quốc, và câu khẩu hiệu trên bích chương là FOLLOW ME! Các bích chương này (PLEIKU – FOLLOW ME!, DALAT – FOLLOW ME!)[6] sẽ được gửi đi khắp thế giới, nhưng phần lớn tiền vận động nhắm vào du khách Mỹ và Nhật. Ông Ngọc đưa tôi một cọc sách mỏng có tựa đề chẳng hạn như Lovely Huế  Visit Viet-Nam, ông hỏi tôi có câu hỏi nào không.

Tôi nói: “Các bãi biển này thế nào.”

Ông Ngọc nói: “Bãi biển rất đẹp, cả rừng và cây cỏ cũng đẹp.”

Ông Châu nói: “Việt Nam có đủ thứ.”

Tôi nói: “Nhưng du khách có thể sợ bị bắn.”

Ông Ngọc nói: “Mấy chỗ không đánh nhau mà! Sợ cái gì? Chính ông đang đi khắp nước, đúng không nào?”

“Đúng, và tôi sợ.”

Ông Ngọc nói: “Tôi khuyên ông là đừng sợ. Chúng tôi hy vọng có đông du khách. Chúng tôi nghĩ tới du khách Mỹ, và có lẽ một số người Nhật. Người Nhật thích du lịch.”

Tôi nói: “Họ có thể thích đi Thái Lan hay Mã Lai hơn. Ở đó cũng có bãi biển đẹp.”

Ông Châu nói: “Biển của họ bị thương mại hoá quá rồi. Họ có khách sạn lớn và phố xá đông người. Chẳng có gì thú vị cho lắm – tôi xem rồi. Ở Việt Nam du khách có thể trở về với thiên nhiên!”

Ông Ngọc nói: “Và chúng tôi có khách sạn, không phải khách sạn năm sao, nhưng đôi khi có máy lạnh hay quạt điện. Ông có thể nói là tiện nghi tối thiểu. Và chúng tôi có cái nhà trệt xây cho Tổng thống Johnson lúc ông ấy tới thăm. Có thể biến nó thành cái gì đó. Lúc này chúng tôi chưa có gì nhiều lắm, nhưng chúng tôi có nhiều tiềm năng.”

Ông Châu nói: “Nhiều tiềm năng. Chúng tôi sẽ làm họ tò mò – dân Mỹ. Rất nhiều người có bạn và họ hàng ở Việt Nam. Họ đã nghe nói nhiều về đất nước này.” Rồi ông nói giọng rất gở, “Bây giờ thì họ có thể thấy thật sự nó là cái gì.”

Ông Ngọc nói: “Những nơi như Bangkok và Singapore toàn là thương mại. Chẳng thú vị. Chúng tôi sẽ đưa ra nét tự nhiên và lòng hiếu khách, và vì khách sạn chúng tôi không tốt lắm nên chúng tôi cũng có thể hấp dẫn những người ưa mạo hiểm. Nhiều người thích thám hiểm cái chưa biết. Rồi họ có thể về Mỹ kể cho bạn bè là họ đã thấy nơi đã xảy ra trận đánh này trận đánh kia –”

Ông Châu nói: “Họ có thể nói, ‘Tôi đã ngủ trong công sự ở Pleiku!’”

Đúng là có hai điểm ăn khách, bãi biển và chiến tranh. Nhưng chiến tranh đang tiếp diễn, dù không chỗ nào trong cuốn sách mỏng 44 trang tựa đề Visit Viet-Nam nhắc tới cuộc chiến, ngoại trừ câu viết mơ hồ “Tiếng Anh đang rất thông dụng dưới sức ép của các biến cố hiện nay,” có lẽ là nhắc khéo tới sự có mặt của người Mỹ và có thể cả chiến tranh. Hồi đó – tháng 12/1973 – 70.000 người bị giết từ sau khi ngưng bắn, nhưng Ủy ban Du lịch Việt Nam quảng cáo Huế (thành phố bị tàn phá với phố xá lầy lội, thỉnh thoảng bị pháo kích) như một nơi có “cảnh đẹp … các đền đài lịch sử, sân vườn và lối đi có mái che, đậm nét quá khứ huy hoàng,” và thúc giục du khách tới Đà Nẵng hãy xuôi nam sáu dặm để xem “thạch nhũ và mầm đá”, không nói chính nơi đó còn giao tranh dữ dội và có các tay súng nấp trong hang gần Ngũ Hành Sơn.

Trước khi tôi rời văn phòng, ông Châu kéo riêng tôi ra và nói: “Đừng đi Biên Hoà bằng xe lửa.”

Tôi hỏi tại sao.

Ông nói: “Tuyến xe lửa đó tệ nhất thế giới.” Ông phát ngượng khi tôi muốn đi chuyến đó.

Nhưng tôi nhất quyết đi, và chúc ông may mắn trong nỗ lực thu hút du khách tới các bãi chiến trường, rồi tôi ra nhà ga. Ga Sài Gòn không có bảng tên, và nếu tôi đứng cách nó 50 bước thì cũng chẳng ai quanh đó biết nó ở đâu. Tôi tìm thấy nó hoàn toàn tình cờ, xuyên qua phòng vé Hàng không Việt Nam, nhưng thậm chí đứng trên thềm ga tôi vẫn không chắc nó là ga xe lửa: không hành khách và không thấy toa xe nào trên sân ga. Hoá ra xe lửa đậu phía trên đường ray một quãng ngắn, nhưng hai mươi phút nữa xe mới chạy. Toa xe là những thùng sơn màu xanh lục méo mó, có cái bằng gỗ (lởm chởm đầy dầm), có cái bằng sắt (móp méo). Chỗ ngồi là băng ghế hẹp chạy dọc thành toa, không thoải mái cũng chẳng tiện nghi, và phần lớn hành khách đều đứng. Họ mỉm cười, ôm chặt đám gà vịt cực kỳ lo sợ và bọn trẻ lai Mỹ cháy nắng thảm hại.

Xa xa trên sân ga có chiếc xe lửa còn cũ hơn nữa. Tò mò vì cái lan can bằng sắt rèn chung quanh xe – nét Tây của toa xe – tôi thả bộ tới. Tôi leo vào chiếc xe gần như bỏ phế này và nghe một tiếng rú cự nự chói lói. Một cô gái đứng vùng dậy cách đó hai toa (tôi thấy dáng cô trong khung cửa trống) đang kéo quần jeans lên. Rồi tôi thấy một cậu đang quơ quào quần áo của cậu ta. Tôi đi ngược lại và gặp hai cô nghiện ma túy đang ngủ, cả hai mặt đầy mụn, cánh tay có hình xâm và vết kim tiêm. Một cô thức giấc quát tôi. Tôi vội tránh đi: trên xe có nhiều cặp nhân tình, và trẻ con, và thanh thiếu niên vẻ mặt hăm doạ thò đầu ra ngoài toa. Nhưng đoàn xe không có đầu máy: nó chẳng đi đâu.

Ông trưởng ga đội mũ lưỡi trai bằng nhựa, băng qua đường ray vẫy tôi. Tôi nhảy ra khỏi đoàn xe bỏ phế đi đến bắt tay ông. Ông cười ngượng nghịu, giải thích xe này không phải là chiếc đi Biên Hoà, mà là chiếc kia, và chỉ qua tuyến có những toa xe chật ních. Tôi bước tới một toa của đoàn xe và sắp đu lên thì ông trưởng ga gọi, “Đừng! Đừng!”

Ông ra hiệu cho tôi đi theo, và vừa cười vừa dắt tôi đến cuối đoàn xe, nơi có một loại toa khác. Toa này bằng gỗ có bếp, ba buồng ngủ và một phòng khách lớn, rõ ràng là di sản của Transindochinois, và tuy chẳng có gì xa hoa ngay cả theo tiêu chuẩn Ấn Độ, nó thoải mái và rộng rãi. Ông trưởng ga nói đây là toa của giám đốc: ông giám đốc đã yêu cầu tôi đi toa này. Chúng tôi lên; ông trưởng ga gật đầu với anh phất cờ hiệu, và đoàn xe lên đường.

Một chuyến đi miễn phí trên toa riêng của giám đốc, tăng cường màu sắc phi thực của bối cảnh: đây là điều tôi thật sự không ngờ –-nhất là ở Việt Nam. Nhưng sự đề cao đặc quyền kiểu này là một hình thức hào nhoáng kiểu Mỹ. Làm chiến tranh phải như vậy, phải tạo ra một chế độ chiều đãi riêng để khách thông cảm, bọn khách (vì những rủi ro mà họ nghĩ họ sẽ gặp) muốn được tiếp đãi như nhân vật quan trọng. Mỗi người khách có thể sẽ là một nhà quảng cáo, điều trớ trêu là ngay cả một tay bồ câu chủ hòa cáu kỉnh nhất cũng được hưởng tiện nghi và tin tưởng vô hạn để hắn có thể tỉa tót lông cánh nhạy cảm của hắn thành cơn thịnh nộ phản chiến. Bản tính hào phóng của người Việt làm nổi bật sự hiếu khách cứ tiếp tục diễn ra này. Thật đáng xấu hổ khi nhận sự hiếu khách ấy, vì sự hiếu khách ấy được sản sinh từ chính cái kế hoạch mà công ty đã giễu dở đưa ra để quảng bá cho một sản phẩm hỏng. Nó bóp méo sự thật. Nhưng tôi kìm sự dè bỉu của mình lại: kẻ khác đã truyền cái thói lãng phí kềnh càng và đắt giá này cho người Việt tiếp nhận.

Chúng tôi ngồi quanh cái bàn trong buồng khách chiếm tới một phần ba toa giám đốc. Ông trưởng ga cất mũ rồi vuốt lại tóc. Ông nói sau thế chiến thứ hai ông được mời làm một số việc có lương cao, nhưng ông chọn trở về với việc cũ của mình trong ngành hoả xa. Ông thích xe lửa và ông tin rằng Hoả xa Việt Nam có tương lai rạng rỡ. Ông nói: “Khi nào mở lại tuyến đường Lộc Ninh thì chúng tôi sẽ đi tới Thổ Nhĩ Kỳ.”

Tôi hỏi ông làm cách nào làm được.

“Chúng tôi lên tới Lộc Ninh, sau đó chúng tôi làm đường qua Phnom Penh. Rồi tới Bangkok chứ không à? Rồi tới chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ – có thể Ấn Độ chứ? – rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có đường xe lửa.”

Ông cầm chắc Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay bên kia đồi, và ông thấy khó khăn duy nhất là lấy Lộc Ninh khỏi tay Việt Cộng rồi đặt đường ray băng qua đầm lầy bên Cam Bốt – thật vậy, dường như đó là đặc điểm của người Việt miền Nam khi họ nói tới biên giới chính trị. Viễn ảnh đường xe lửa xuyên lục địa của ông, đi qua tám quốc gia mênh mông, có một trở ngại duy nhất: đuổi địch quân ra khỏi cái thị trấn nhỏ ở biên giới mình. Đối với công dân Việt Nam thì cả thế giới rất đơn giản và thanh bình; ông có tính vị kỷ của người bệnh tin rằng mình là bệnh nhân kém may mắn duy nhất trong một thế giới khoẻ mạnh.

Ông trưởng ga nói: “Thỉnh thoảng chúng tôi bị phục kích ở đây. Mấy tuần trước có bốn người chết vì trúng đạn.”

Tôi nói: “Vậy thì có lẽ mình nên đóng cửa sổ lại.”

Ông nói: “Ha ha! Hay lắm!” và dịch câu nói đùa lại cho người phụ tá của ông đang mang ra mấy ly Coca-Cola.

 

 

 Đoạn đường này chỉ có một đường ray, nhưng dân ở lậu cất chòi tới sát bên cạnh nó. Tôi có thể nhìn qua cửa sổ nhà họ vào các căn phòng có trẻ con ngồi chơi trên sàn; tôi có thể ngửi thấy mùi thức ăn đang nấu – cá thịt xèo xèo – và thấy họ thức dậy mặc quần áo; ở một cửa sổ có một ông nằm đưa võng sát mũi tôi. Trái cây trên bệ cửa sổ rung rinh lúc xe lửa chạy ngang – một quả cam bắt đầu lăn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cứ như là mình đang ở trong các căn nhà mà mình đang đi ngang như thế này, và tôi cứ có cảm giác là đang dí mặt mình vào việc hàng ngày trong nhà kẻ khác. Nhưng đó là tôi chỉ tưởng tượng mình đang xâm phạm vào đời tư của họ: người trong các căn nhà khốn khổ ấy hình như chẳng đoái hoài gì tới kẻ lạ bên ngoài cửa sổ nhà họ.

Từ cuối đoàn xe tôi có thể thấy trẻ con và đàn bà họp chợ lại tràn lên đường ray, và một lần tôi thoáng thấy một ông nhảy vội – ông ta để râu, mặc bộ đồ ngủ phất phới, cao, da trắng, vai thuôn, nhưng bước dài và hai chân lớn làm tôi nghĩ ông là người Mỹ. Ông ta biến mất giữa hai căn nhà gỗ rung rinh, khuất vào đám quần áo giặt bạc màu phơi trên dây. Đây là một trong mấy khu ổ chuột đông nhất ngoại ô Sài Gòn, và thoáng thấy người đàn ông có thân hình quá khổ này so với nơi ấy – dáng điệu lóng ngóng càng làm rõ chiều cao của ông ta so với người khác – khiến sau đó tôi tìm hiểu thêm về ông. Dial nói có thể ông ta đào ngũ, một trong khoảng 200 người còn ở lại nước này, phần lớn ở vùng Sài Gòn. Một số nghiện ma túy, một số có việc làm đàng hoàng và lấy vợ Việt, một số là tội phạm – khá nhiều vụ đào tường khoét vách ở Sài Gòn có thể gán cho đám đào ngũ tháo vát có xu hướng tội phạm này: họ biết lấy cái gì ở PX, cửa hàng bán cho lính Mỹ; họ có thể trộm xe mà ít bị để ý hơn kẻ trộm người Việt. Không ai trong bọn họ có giấy tờ, và Việt Nam là một nước khó trốn ra. Hy vọng duy nhất của họ là đi ghe ngược sông Cửu Long qua Thái Lan; hay họ có thể ra đầu thú. Họ là một nhóm kỳ dị gồm những kẻ đào tẩu mà trên thực tế không ai biết đến. Và nghĩ tới họ – nghĩ tới người đàn ông có râu mặc bộ đồ ngủ băng qua đường ray vào một ngày rất đẹp trời, thoáng lộ diện – làm tôi vừa tò mò vừa thương xót. Tôi thấy họ là nhân vật có thể tiểu thuyết hoá được, một hoàn cảnh vừa bí ẩn vừa là manh mối để làm sáng tỏ bí ẩn ấy. Nếu định viết về Việt Nam một cách có đầu có đuôi, ta phải bắt đầu với những kẻ bên lề này.

Tôi rời toa riêng và đi suốt đoàn xe. Trên xe đầy người què cụt đáng sợ, những người tay chân cụt tròn, lính mặc đồng phục nhăn nhúm, mấy ông già râu ria lưa thưa tì lên cây gậy. Một ông mù đội nón rơm cao bồi chơi ghi ta, cất tiếng hát lạc điệu trước một nhóm lính. Nhưng chuyến xe không chỉ có những kẻ khốn khổ bị bỏ rơi. Ấn tượng tôi có trên chuyến xe lửa đi Biên Hoà và theo tôi suốt thời gian ở Việt Nam là tài tháo vát của người Việt. Dường như khó tin, nhưng đó là các bé gái mang cặp sách, phụ nữ khiêng mấy bó rau lớn, và các ông ôm gà vịt bị cột chặt, và nhiều người nữa, đứng ở cửa của cái chỉ đáng gọi là toa chở hàng, trên đường đi làm ăn ở Biên Hoà. Sau bao nhiêu năm người ta chờ xem họ chịu thua, điều đáng ngạc nhiên là họ sống sót và vươn lên. Từ những ngăn trở tàn bạo của chiến tranh, họ đã bướng bỉnh phục hồi lại cuộc sống bình thường: trường học, chợ búa, nhà máy. Chuyến xe bị phục kích ít nhất mỗi tháng một lần, nhưng họ nói tới “các vụ tấn công” bằng giọng chấp nhận giống như khi nói về trận gió mùa ắt sẽ đến. Và họ tiếp tục đi chuyến xe này mỗi ngày. Chuyến đi nguy hiểm. Họ cam chịu nguy hiểm. Đối với họ cuộc sống không hề thay đổi, và mối đe dọa của địch quân thì tiên đoán được và bất biến, tựa như thời tiết.

Một bà bế đứa bé lai Mỹ đi theo tôi qua các toa xe. Khi tôi đứng lại chỗ nối hai toa để cẩn thận nhảy qua thì bà kéo tay tôi và định đưa tôi đứa bé. Nó chừng hai tuổi, da trắng, bụ bẫm, mắt tròn. Tôi mỉm cười, nhún vai. Bà cho tôi xem mặt đứa bé, véo má nó, rồi đưa nó. Nó bắt đầu khóc, khi ấy bà khởi sự nói lớn tiếng, và một nhóm vài người tụ lại nghe. Bà ta chỉ tôi, dùng đứa bé để ra dấu buộc tội tôi.

Dial nói: “Mình nên đi tiếp đi.”

Anh giải thích rằng đứa bé bị bỏ rơi. Người đàn bà tìm thấy nó và nuôi nó. Nó không phải con bà – nó là con Mỹ. Bà ta muốn cho tôi đứa bé, và không hiểu tại sao tôi không nhận. Bà vẫn đang lớn tiếng – tôi có thể nghe rõ tiếng bà lúc chúng tôi băng qua toa xe đông đúc kế bên.

Chúng tôi đến tận đầu máy, máy dầu cặn mới, vào luôn buồng máy, rồi đi dọc theo lan can tới thềm phía trước, ngược gió và nhíu mắt mỗi khi còi rúc. Nhưng quang cảnh không hấp dẫn, Dial chỉ ngọn đồi bên phải và nói: “Việt Cộng chỗ đó pháo kích mấy tuần trước. Nhưng đừng lo – lúc này tụi nó không có ở đó đâu. Tụi nó nhào tới, bắn vài trái hoả tiễn, rồi dông.”

Bám lấy thanh lan can phía trước xe lửa, tôi có thể thấy tuyến đường sắt trải dài trước chúng tôi, và xa xa là cảnh vàng vọt đổ nát, cây cối trơ trụi, Biên Hoà ở phía chân trời, ngổn ngang ống khói và mái nhà xám. Gió hôi mùi phân, dọc đường ray lầy lội cứt, tệ hơn bất cứ điều gì tôi đã thấy ở Ấn Độ, tràn đến tận đường ray, và tiếp tục từ cống lộ thiên của xóm nhà chảy xuống bờ đất. Khu định cư không phải là các căn chòi xây sơ sài của kẻ ở lậu, mà là những căn nhà nhỏ được cấp giấy phép, do nhà thầu xây dựng. Xóm không có cống. Nó thích hợp với một nước có các đại lộ chẳng dẫn tới đâu, có máy bay bay không mục đích, và chính quyền chỉ là một chế độ chuyên chế phục vụ chính nó. Người ta thường nghĩ người Mỹ là bọn đế quốc; nhưng điều đó không đúng. Nhiệm vụ của Mỹ thuần túy chỉ là quân sự và dạy đời; không có bằng cớ nào chứng tỏ Mỹ có ý đồ chiếm giữ và đặt chính quyền cai trị ở địa phương như các thế lực thực dân thường làm – như vá đường, làm cống rãnh, hay xây các toà nhà vĩnh cửu. Ở Sài Gòn, toà đại sứ và Thư viện Abraham Lincoln đã vắt kiệt sức một kiến trúc sư được cử tới làm việc trong chín năm. Hai toà nhà này sẽ chống chịu được một cuộc tấn công vì ông kiến trúc sư đó biết cách biến tấm chắn hoả tiễn thành đồ trang trí cho bức tường bên ngoài – nhưng thành tựu ấy vẫn không sánh được với các công trình do người Pháp xây, như bưu điện, nhà thờ, một số trường học, các câu lạc bộ vững chắc như Le Cercle Sportif Saigonnais, và những dinh thự lớn, trong đó biệt thự của Cobra One là một thí dụ tương đối khiêm nhường. Và ở ngoài này, ngoại ô Biên Hoà thành hình vì người Mỹ cần chỗ ở, đường sá tan nát và dịch tả tràn vào sân nhà. Ngay cả đế chế ngắn ngủi và tàn bạo nhất cũng lập kế hoạch và bảo trì; tuy rằng ngoài hệ thống luật pháp thì đế quốc chẳng có gì hay ho để nói. Nhưng người Mỹ không hứa bảo trì. Nhà ga Biên Hoà, xây 50 năm trước, sắp sập, nhưng đó không phải là chuyện để nói. Đáng nói là không hề có dấu vết nào cho thấy người Mỹ đã từng sửa chữa nó; nhưng dù bị vòng dây kẽm gai đè võng xuống nhà ga vẫn có vẻ vững chắc hơn các nhà chứa máy bay ở căn cứ không quân Biên Hoà.

Tới ga Biên Hoà, Dial nhảy xuống khỏi toa đầu máy và nói: “Nếu tụi Việt Cộng đánh chuyến xe này thì mình là kẻ tiêu tùng trước tiên.”

*

Chiều hôm đó ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tôi có buổi thuyết trình – câu chuyện tầm phào thường lệ của tôi nói về tiểu thuyết. Nó tạo ra một số chất vấn gay go về vị trí của người da đen ở Mỹ, và tôi cố trả lời hết sức thành thật. Sau đó nhà sư Thích Huyền-Vi tặng tôi bản luận án tiến sĩ của ông, “A Critical Study of the Life and Works of Sáriputta Thera” [“Cuộc đời và sự nghiệp của tôn giả Xá Lợi Phất”] với lời đề tặng, rồi tôi đi đến Cercle Sportif.

Cobra One nói: “Đây là mình đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Ông dẫn tôi đi loanh quanh khu đất chừng 4 hecta nơi người Hoa, Việt, và có lẽ một chục người Pháp uể oải đang chơi thể thao (vũ cầu, quần vợt, đấu kiếm, nhu đạo, bóng bàn, bowling) dưới hàng cây thắp sáng. Chúng tôi chơi bi da rồi tới tiệm ăn. Vài cặp tình nhân thủ thỉ ở mấy bàn và một nhóm các ông nói vọng lại “–mở chi nhánh”. Cobra One nói: “Đây là mình đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Chúng tôi tới một hộp đêm trên đường Tự Do, phố chính của Sài Gòn. Bên trong tối om. Họ mang ly bia có đá cục ra cho chúng tôi. Rồi đèn đỏ bật lên, một cô gái Việt mặc váy ngắn hát theo nhịp nhanh bài “Where Have All the Flowers Gone?” Người ta hăng hái nhảy theo bài hát, đầu họ nhấp nhô trong bóng tối lờ mờ. Tôi thấy Cobra One ra dấu ở cuối bàn và nghe “– bị bao vây,” vừa đủ lớn hơn giọng mũi của cô ca sĩ.

Hôm sau – vì không có xe lửa – tôi bay đến thị trấn Cần Thơ trong vùng châu thổ, trên chiếc máy bay sơn màu bạc, nhăn nhúm như tấm giấy thiếc rút ra từ bao thuốc lá. Hồi trước Cần Thơ là nơi đóng quân của hàng ngàn lính Mỹ. Bây giờ nhà thổ và quán rượu đóng cửa, thị trấn có vẻ hoang phế như bãi chợ phiên bỏ không sau mùa hè nhộn nhịp. Vẻ hư nát ấy tiết lộ thái độ khăng khăng: chúng tôi đâu có muốn ở lại Việt Nam, vì thế chúng tôi chẳng nghĩ ngợi xa xôi gì cho đất nước này, ngoại trừ bày vẽ mấy khái niệm trừu tượng về ổn định chính trị và quân sự. Phi trường Cần Thơ bị hư hại gần hết và con đường chính lỗ chỗ ổ gà; những toà nhà mới mang vẻ hào nhoáng tạm bợ – nhà tiền chế, những căn lán, chỗ trú bằng ván ép. Chẳng bao lâu nó sẽ sập – một số đã bị trộm và kéo đổ để lấy gỗ – thời gian trôi qua, chỉ vài năm thôi, sẽ còn rất ít dấu vết cho thấy người Mỹ đã từng ở đó. Có những ruộng lúa bị rải chất độc giữa các nhánh sông ngoằn ngoèo trong vùng châu thổ sông Cửu Long, với hàng trăm đứa trẻ tóc vàng và tóc bùi nhùi, nhưng chỉ trong một thế hệ nữa ngay cả những đặc điểm bất thường ấy cũng sẽ biến đổi.

(Da Màu)


[1] “The Trans-Vietnam Railway.” (Mọi chú thích của người dịch).

[2] “he had – and smiled at the lechery in the phrase – made a ‘lateral entry.’”

[3] “They stopped the train with a pillar of salt – then they started shooting”. Nhóm chữ “pillar of salt” chắc có một nghĩa bóng nào đó, có thể lấy từ điển tích trong Cựu Ước về bà vợ của ông Lot biến thành cột muối vì ngoảnh lại nhìn thành phố Sodom đang bị Thiên Chúa thiêu cháy (?), hơn là cột muối thật sự.

[4] Trong các chương trước Theroux tả Singapore như một nơi tù túng, khó có thiện cảm.

[5] Tờ báo của quân đội Mỹ.

[6] “Hãy đi cùng tôi đến Pleiku! Hãy đi cùng tôi đến Đà Lạt!”

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen