Seite auswählen

VNC: Thì ra Quốc hội Việt Nam ngoài việc đóng vai nghi gật để hợp thức hóa quyết định của Bộ Chính trị còn tổ chức đi vui chơi ở các nước. Còn vụ buôn người này không biết ai chịu trách nhiệm đây. Bể mặt quá! Nhưng quí vị đã tham dự bỏ phiếu trong vở kịch bầu cử Quốc hội đừng than vãn, phê bình mà hãy tự chỉ trích chính mình.

24.9.2019

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa chính thức xác nhận với Julie Yoon của BBC tiếng Hàn rằng hiện có “bảy người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”.

BBC liên hệ với đường dây chính thức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau khi đài MBC đăng phóng sự hôm 23/9 cho biết chín người trong đoàn đại biểu tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 đã mất tích.

 

Đài truyền hình lớn ở Hàn Quốc cho biết hơn 160 người Việt, trong đó có 20 quan chức cấp cao đã cùng bà Ngân sang Hàn theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang từ 4-7/12.

MBC cho biết đoàn người này bay đến sân bay quốc tế Gimhae trên một chuyến bay bao trọn gói (charter flight) của Vietnam Airlines – tức tất cả đều đi cùng một chuyến bay.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm 3 ngày 4 đêm, bao gồm cả Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt-Hàn, chín người trong đoàn đã “mất tích”.

Vẫn theo MBC, một người sau đó xuất hiện tại sân bay vào đầu năm 2019 và tự nguyện trở về Việt Nam.

Một người khác đã bị phía Hàn trục xuất, nhưng vẫn còn bảy người đang mất tích.

Đài MBC nghi ngờ rằng chín người này đã tìm cách cho hồ sơ họ vào danh sách đoàn đại biểu để bay qua Hàn và tìm cách ở lại.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói gì?

Trả lời Julie Yoon của BBC tiếng Hàn hôm 24/9, vị quan chức Bộ Ngoại giao nói:

“Trong chuyến thăm của phái đoàn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp. Hai trong số họ đã được trở về nước.

“Bộ Ngoại giao xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng 7 người vẫn còn ở Hàn Quốc.

“Bộ Ngoại giao sẽ có hành động tiếp theo dựa trên cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, và dựa trên mối quan hệ Việt-Hàn và mối quan hệ liên Triều.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam hiện chưa đưa ra thông tin gì về vụ mất tích này.

Hồi tháng 12/2018 báo Nhân Dân và Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin về chuyến thăm của đoàn đại biểu do bà Ngân dẫn đầu vào thời điểm đó.

Báo Nhân dân hôm 6/12/2018 viết “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc”.

Thông tấn xã Việt Nam cho hay đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam gồm

  • Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
  • Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy
  • Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
  • Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
  • Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
  • Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
  • Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh
  • Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam
  • Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh…

Chuyến thăm “có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới,” TTXVN cho biết.

BBC

Nhục quốc thể

24-9-2019

Báo chí Hàn Quốc đăng tải, dịch hẳn sang tiếng Việt về việc 9 người trong đoàn ngoại giao do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu thăm Hàn Quốc năm 2018 trốn ở lại Hàn Quốc. Những dòng tin đầy nhục nhã và bi phẫn.

Tôi tin rằng chẳng có một quan chức, một tuỳ tùng nào lại chấp nhận sống chui tại nước bạn. Bởi vì đã có mặt trên chuyến bay cấp ngoại giao quốc gia, đương nhiên họ có cuộc sống tốt đẹp hơn hàng triệu con người.

9 người đó, rất có thể là người xuất khẩu lao động bằng đường không chính quy. Xưa nay đi lao động chui theo diện du lịch có, thậm chí làm thẻ Apec cũng có. Nhưng đi qua đường ngoại giao thì là một câu chuyện kinh thiên động địa.

Có nghĩa là kẻ nào đó đã lũng đoạn, mượn Quốc Hội làm phương tiện để đưa người sang nước bạn. Kẻ nào đó đã đặt một đường dây “buôn người” ngay trong cơ quan quyền lực tối thượng nhất của quốc gia. Để hôm nay quốc gia gằm mặt nhục nhã với thế giới.

Để hôm nay, những lương dân bị vo tròn đưa lên máy bay và “buông đuôi” ở xứ người trở về trong cảnh tay trắng, ê chề.

Nếu đúng là như vậy, quy trình sắp xếp nhân sự và hậu cần của Quốc hội có vấn đề. Để kẻ nào đó thọc sâu vào trục lợi. Có đến 162 người trong chuyến đi thăm Hàn Quốc dài 4 ngày.

Danh sách do Quốc hội lập, ngân sách do Bộ Tài chính chi. Nghĩa là những kẻ phe phẩy sẽ đưa người đi bằng đường công cán, vo tròn những thân phận lại bằng tiền của nhân dân, sẽ gả bán sang xứ người để lấy tiền tư túi.

Chính những người đó đang chà đạp quốc thể và chà đạp nhân dân để kiếm chác ở hai đầu. Đây không chỉ là nỗi nhục quốc gia mà còn là nỗi cay đắng của công dân quốc gia. Quốc gia và nhân dân bị biến thành trò đùa trong tay con buôn thể chế.

Tôi tin rằng chủ tịch Quốc hội cũng bị hàm oan trước dư luận. Cả quốc gia và nhân dân cũng chịu nhục nhằn. Nếu cứ im lặng, chúng ta mặc nhiên chấp nhận nỗi nhục này vì kẻ khác!

Xã hội hóa các chuyến công du

24-9-2019

Vụ 9 người trong đoàn Quốc hội đi thăm Hàn quốc trốn lại thoạt nhìn tưởng chuyện bịa. Quan chức đang bổng lộc ngu gì trốn, làm nhục quốc thể. Nhưng mà nếu hơi biết biết về “ngoại giao” và xã hội hóa thì thấy bình thường, không có gì lạ.

Thường các đoàn công du kiểu này sẽ có 1 chú doanh nghiệp đứng ra làm tổng thầu. Nó lo toàn bộ vấn đề tài chính cho đoàn (tất nhiên là cho những thành viên chính thức và gia quyến họ). Ngân sách chỉ chi trả cho những hoạt động chính thức của đoàn, còn các hoạt động “ngoại khóa” là được xã hội hóa thông qua chú doanh nghiệp kia. Chú này thường cũng phải thuộc loại tay to, sân sau của lãnh đạo dẫn đoàn. Ví dụ bác Sinh Hùng ngày xưa đi đâu thì phải có anh Thắm Ocean đi điều hàng, à quên điều hành.

Các chuyến công du kiểu này đối với nhiều thành viên trong đoàn thì hoạt động ngoại khóa mới là chính khóa. Ví dụ, phu nhân của quan chức sang bển đi shopping trong lúc cụ nhà họp hành, hoặc chính quan chức tranh thủ đi mua sắm. Tiền shopping dĩ nhiên cũng được xã hội hóa nốt, ai đem tiền nhà đi tiêu. Đấy là cơ hội tốt để doanh nghiệp gây thiện cảm với lãnh đạo, mà lại kín đáo, ăn chơi ở bển đỡ bị dòm ngó. Thường thành phần ăn theo này có khi còn đông gấp mấy lần quan chức chính thức.

Như thế thì thằng doanh nghiệp kia chết tiền nhỉ?

Không, nhớ là nó chỉ là tổng thầu thôi. Nó sẽ bán suất đi cùng cho bọn thầu phụ, tức là doanh nghiệp cò con hơn nó. Đại khái bọn cò con kia muốn cọ quẹt với quan chức thì thông qua thằng này để được tham gia tháp tùng. Khi tham gia thì nó sẽ chung chi các chi phí ngoại khóa với tổng thầu, bao chi phí cho các quan chức cấp nhỏ hơn. Đi kiểu này lấy quan hệ và hình ảnh rất tốt, tối thiểu là được chụp ảnh chung với quan chức 1 cách thân mật, 2 là được đầu gối tay ấp với AEQL cùng gia quyến trong suốt chuyến đi.

Đến lượt bọn thầu phụ, để gỡ lại chi phí, có thể nó lại bán tiếp suất đi cho bọn B”. RẤT CÓ THỂ bọn trốn ở lại Hàn Quốc chính là bọn này. Bọn B nhiều phẩy này là bọn giẻ rách rồi, chứ mấy thằng doanh nghiệp to kia thì việc quái gì phải trốn, bỏn thừa tiền mua thẻ xanh, thậm chí đã mua rồi. Còn khả năng quan chức trốn lại thì chắc chắn không bao giờ có, đang đục đẽo tốt ngu gì trốn. Tất nhiên khả năng quan chức bất mãn trốn lại kiểu ông Bùi Tín là có nhưng tận 9 đồng chí thì không có khả năng.

Các chuyến công du này gồm cả các chuyến công tác của quan chức cấp Sở, Vụ, doanh nghiệp nhà nước, lên tới Trung ương, cơ bản đều có quy trình như vậy, dứt khoát phải có doanh nghiệp bám càng với lý do là đi mở rộng quan hệ thương mại với các đoàn cấp Trung ương, hoặc doanh nghiệp mời cán bộ công chức đi tham quan với các đoàn cấp dưới.

Nhưng mà mua suất công du cấp cao rồi trốn lại thì là sự sáng tạo rất đáng kinh ngạc.

Hi vọng 9 đồng chí này bất mãn với chế độ CS lừa lai ngựa của VN, nên trốn sang Hàn rồi tìm đường sang Bắc Triều Tiên, sống dưới chế độ XHCN thuần khiết, tươi đẹp không có người bóc lột người.

 

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng xác nhận vụ việc có thật.

Các quan chức cao cấp của Việt Nam thừa nhận họ đã biết từ trước về việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi đi cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

25.9.2019

Vụ bỏ trốn hy hữu xảy ra khi bà Kim Ngân dẫn đoàn thăm Hàn Quốc từ 4 đến 7/12/2018, nhưng chỉ mới được truyền thông Hàn Quốc công bố hôm 23/9.

Ngày 25/9, phản ứng về tin của báo Hàn Quốc, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng xác nhận vụ việc có thật.

Theo trang VietnamNet, ông Chí Dũng cho biết bộ của ông khi đó được giao tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến thăm và làm việc tại các nước cũng như tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư ‘rất buồn’

“Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm”, Bộ trưởng KH-ĐT nói với báo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lập danh sách các doanh nghiệp đi cùng lãnh đạo là do bộ này thành lập thông qua các hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

“Chúng tôi xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia. Trong quá trình đó, có thể sơ suất, ai đó lợi dụng sang đó rồi bỏ trốn. Chúng tôi giữ cả hộ chiếu mà họ còn bỏ trốn. Đây là những nhân vật có ý đồ, cố tình, là sự việc đáng tiếc”, ông Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm: “Chúng tôi đã tích cực phối hợp tìm kiếm nhưng quan trọng nhất là rút ra bài học kinh nghiệm sắp tới làm chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nếu làm chặt quá thì doanh nghiệp lại kêu không tạo điều kiện cho họ.”

Trên trang chính thức của Quốc hội Việt Nam ngày 25/9, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.

Thông cáo của Quốc hội nói: “Theo những thông tin ban đầu thì đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.”

Quốc hội làm việc với Bộ Công an

Thông cáo nói tiếp: “Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao, tham dự thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.”

“Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, Đoàn doanh nghiệp này đã đi nhờ chuyên cơ của Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Trước khi Đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 09 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật.”

Văn bản của Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xác nhận rằng ngay khi vụ bỏ trốn được phát hiện, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao để phối hợp Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để tìm đưa những người này trở về Việt Nam.

Nhưng đến nay chỉ mới có hai người được đưa về Việt Nam.

BBC

Xem thêm Ai có quyền ‘đi nhờ’ chuyên cơ nguyên thủ?

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen