Seite auswählen

Biển Đông : Ngoại giao Mỹ dùng lời cực nặng tố cáo Trung cộng bắt nạt

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói chuyện với các nhà báo tại sân bay Narita, Nhật Bản, ngày 11/07/2019REUTERS/Kim Kyung-Hoon/File Photo

Từ ngày Trung cộngcho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tung tàu hải cảnh cản trở công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam, Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối.

Nhân buổi điều trần hôm 16/10/2019 trước Tiểu Ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, một lần nữa, bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc, nhưng lần này với những lời lẽ nặng nề hiếm thấy, không mang tính chất chung chung thường gặp trong ngôn từ ngoại giao.

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ về chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á – Thái Bình Dương, đã tập trung mũi dùi tố cáo một loạt những hành vi bị lên án là bất hợp pháp của Trung cộngở Biển Đông, và không ngần ngại khẳng định rằng Bắc Kinh là mối đe dọa đối với mọi nước, chứ không riêng gì đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á nói chung.

Ông Stilwell trước hết cực lực đả kích các hành vi của Trung cộngnhằm dọa nạt, bức hiếp các láng giềng. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại nhắc lại câu nói của ngoại trưởng Trung cộngDương Khiết Trì tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực khối ASEAN (ARF) năm 2010 ở Hà Nội, khi trước việc Bắc Kinh bị tố cáo là kẻ gây hấn trên Biển Đông ông đã giận dữ và nói rằng “Trung cộnglà nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và thực tế là như vậy”.

Theo ông Stilwell, cách Bắc Kinh “bắt nạt” các láng giềng vào lúc này cũng nằm trong chiều hướng tuyên bố của ông Dương Khiết Trì vào năm 2010, và quan niệm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh là một “mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, phẩm giá và thịnh vượng” của một khu vực năng động nhất thế giới.

Đối tượng công kích thứ hai là đường chín đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi hỏi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã cho rằng đó là một yêu sách “phi lý”, vừa phi pháp, vừa không chính đáng. Theo ông, những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, đã gây tổn hại các nước khác, nhất là khi Bắc Kinh bằng những biện pháp khiêu khích liên tục nhằm áp đặt đường 9 đoạn, đã cản trở không cho các nước ASEAN tiếp cận 2,5 ngàn tỷ đô la trữ lượng dầu khí, đồng thời gây bất ổn định và tạo nguy cơ xung đột.

Sau cùng, nhà ngoại giao Mỹ đã nêu bật ví dụ về vụ Trung cộngđang đánh phá Việt Nam trên Biển Đông để tỏ ý hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trong việc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.

Trợ lý ngoại trưởng nhấn mạnh : “Trong khi hô hào quyết tâm theo đuổi hòa bình, thực tế cho thấy là các lãnh đạo Trung cộng- thông qua Hải Quân, các cơ quan chấp pháp và lực lượng dân quân biển – tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác. Việc họ liên tục quấy rối cơ sở của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính là một trường hợp điển hình.

Trong tình hình đó, ông Stilwell cho rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông sẽ có hại cho khu vực và cho tất cả những ai yêu chuộng tự do hàng hải nếu Trung cộngsử dụng bộ Quy Tắc đó để “hợp pháp hóa các hành vi thô bạo, các yêu sách trên biển phi pháp của họ, cũng như để nuốt các cam kết mà Bắc Kinh đã ký theo luật quốc tế”.

Phát biểu của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã được nhiều chuyên gia tán đồng. Trên mạng Twitter, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI ngày 17/10 hoan nghênh “Trợ lý ngoại trưởng Stilwell đã có những phát biểu hay nhất về Biển Đông từ trước đến nay đến từ một người trong chính quyền.”

Chuyên gia này ghi nhận nhiều yếu tố tích cực trong đó có việc ông Stilwell đã chỉ trích hành vi xâm phạm quyền của nước khác trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nêu rõ trường hợp Bãi Tư Chính, vạch mặt lực lượng dân quân biển và nêu bật mối quan ngại của Mỹ hiện nay về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.

RFI (19.10.2019)

Tàu ngầm Trung cộng  nổi lên giữa các tàu cá VN ở Biển Đông: hăm dọa hay tai nạn?   

Tư liệu- Một tàu ngầm Type 094A lớp Jin trang bị tên lửa đạn đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng trong một cuộc phô trương lực lượng ở Biển Đông, ngày 12/4/2018.

Nhiều ngư dân Việt Nam gần đây đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một tàu ngầm khổng lồ của Trung cộng bất thình lình nổi lên giữa các tàu đánh cá của họ, theo một bản tin của Forbes hôm 16/10. Sự cố đã xảy ra từ hồi tháng 9 nhưng chỉ được đưa ra ánh sáng mới đây qua các trang mạng truyền thông xã hội. Chiếc tàu ngầm lớp Jin của Hải quân Trung cộng, trang bị tên lửa đạn đạo, được cho là hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Nằm ở vị trí chiến lược trên Biển Đông, Hoàng Sa đã thuộc quyền kiểm soát của Trung cộng sau khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam sau một trận hải chiến khốc liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này.

Việc chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Jin của Trung cộng, nặng 11.000 tấn, bất ngờ nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, là một sự cố vô cùng bất thường, theo nhận định của một nhà phân tích quốc phòng được trang mạng News.com.au của Úc trích dẫn.

Nhà phân tích H.I. Sutton, cộng tác viên của tạp chí “Không gian và Quốc phòng” nói rằng chuyện một tàu ngầm nổi lên bên cạnh tàu của một quốc gia khác là chuyện rất bất thường, cho thấy có thể có điều gì đó không ổn.

Bản tin của trang mạng News.com của Úc cho rằng tính năng quan trọng nhất của chiếc tàu ngầm là tàng hình, tức là tàu có thể hoạt động và ẩn mình dưới nước trong nhiều tháng trời, do đó phải có một lý do nào đó, đủ nghiêm trọng thì con tàu vạn bất đắc dĩ mới phải nổi lên dưới ánh mắt soi mói của tàu bè một nước khác.

Nhà phân tích Sutton nhấn mạnh rằng đây không phải là loại tàu được dùng để đánh đi một thông điệp, như để răn đe các đối thủ, bởi vì thông thường các tàu ngầm thường lánh xa tàu đánh cá, vì những mối nguy tiềm tàng.

Bản tin nhắc lại một sự cố xảy ra vào năm 1984 khi một tàu ngầm hạt nhân Nga mắc vào lưới đánh cá của một tàu cá Na-Uy. Sau nhiều giờ phấn đấu để tìm cách thoát ra khỏi lưới, chiếc tàu ngầm Nga đã bị buộc phải trồi lên mặt nước, phơi bày sứ mạng bí mật của mình ở ngoài khơi một quốc gia thuộc Liên minh NATO.

Vẫn theo nguồn tin này thì hậu quả có thể còn tệ hơn nhiều. Năm 1990, một tàu ngầm của Anh đã sa vào lưới của một tàu đánh cá nhỏ ở ngoài khơi Scotland. Tất cả 4 thủy thủ đều thiệt mạng.

Theo suy luận của nhà phân tích Sutton, việc tàu ngầm hạt nhân Trung cộng nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, do đó có thể là do tàu bị mắc phải lưới, hoặc sợ bị mắc vào lưới. Nổi lên có thể cứu mạng các thủy thủ trên tàu ngầm, hoặc các ngư dân trên tàu cá Việt Nam.

Cho tới lúc này, chi tiết của sự cố này vẫn chưa được công khai. Bản tin của News.com.au nói rằng tuy vậy sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất của Trung cộng tại quần đảo Hoàng Sa, cũng là một nhắc nhở về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông.


Theo nguồn tin này thì việc Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo và củng cố các đảo này một cách bất hợp pháp, đã biến toàn bộ vùng biển giữa Trung cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai và Việt Nam trở thành “ao nhà” của Trung cộng. Trung cộng giờ có thể dễ dàng giám sát tàu bè tiến vào Biển Đông, trong khi các tàu ngầm hạt nhân của họ có thể ẩn mình sâu dưới biển, và cảm thấy an toàn vì biết rằng bất cứ tàu ngầm, hoặc máy bay nào sẽ khó có thể lọt khỏi lưới kiểm soát của họ.

Tàu ngầm hạt nhân Trung cộng trong cuộc được cho là đóng căn cứ tại Vịnh Tam Bình, Đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa khoảng 100 dặm về hướng tây-bắc.

Phân tích gia quốc phòng Sutton cho hay tàu ngầm lớp Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí đã được hiện đại hóa của Trung cộng. Tính cho tới nay đã có 6 chiếc được chế tạo, và đội tàu này đã trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chủ lực của Trung cộng trên biển.

Trang mạng tin tức của Forbes nhắc lại rằng sự cố xảy ra vào tháng 9 năm nay, nhưng truyền thông Việt Nam chỉ vén màn bí mật mới đây.

VOA (17.10.2019)

Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của Trung cộng nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?

Bản quyền hình ảnhTED ALJIBE Image caption Đường chín đoạn của Trung cộng trên bản đồ

Các ấn phẩm của Trung cộng có bản đồ ‘đường lưỡi bò’ đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường bất chấp chế độ kiểm duyệt được cho là ‘hà khắc’ ở đây.

Mới đây nhất, một du khách người Việt phát hiện công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò (đường chín đoạn) mà Trung cộng tự vẽ và tự tuyên bố vùng chủ quyền trên Biển Đông.

Ông T.Đ.H ở TP Hồ Chí Minh đặt tua của Saigontourist hôm 17/10 và được giới thiệu tour đi Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung cộng.

Nhân viên của Saigontourist sau đó đưa cho ông một cuốn sách dày khoảng 100 trang giới thiệu cảnh vật tại địa điểm này. Ông T.Đ.H cho hay xem tới gần cuối cuốn sách thì phát hiện bản đồ Trung cộng có in đường lưỡi bò phi pháp, theo Thanh Niên.

Đây không phải là lần đầu tiên các ấn phẩm của Trung cộng có in bản đồ có đường lưỡi bò được mang trót lọt vào Việt Nam, vượt qua nhiều cổng kiểm duyệt. Nhiều ấn phẩm như vậy thậm chí đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng Việt Nam.

Ồn ào nhất, mới đây, là việc Việt Nam cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable (tên phim tiếng Việt là Everest – người tuyết bé nhỏ), một sản phẩm hợp tác giữa công ty Pearl Studio của Trung cộng và DreamWorks Animation, vì có cảnh bản đồ đường lưỡi bò.

Thế nhưng trước khi bị cấm, phim này đã được chiếu trót lọt gần 10 ngày tại hệ thống rạp của CJ CGV ở Việt Nam. Chỉ đến khi nhiều người xem phát hiện phim có hình ảnh bản đồ Trung cộng với đường lưỡi bò, xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh quay, và lên tiếng trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Tháng trước, tại Hội chợ quốc tế du lịch 2019 tại TP Hồ Chí Minh, giới chức phát hiện tờ rơi quảng bá du lịch Trung cộng có hình đường lưỡi bò được công ty Hola China phát cho khách.

Năm ngoái, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung cộng được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung cộng.

Trung cộng mang bản đồ lưỡi bò vào Việt Nam như thế nào?

Bản quyền hình ảnh NGUYỄN ĐÌNH PHÚ Image caption Hình có chèn Đường Lưỡi bò đi kèm bài viết của học giả Trung cộng trên tạp chí Geoscience

Các sự việc nói trên liên tiếp xảy ra, cho thấy Trung cộng có nhiều bước đi ‘âm thầm và xảo quyệt’ để tuyên truyền chủ quyền của mình trên Biển Đông, như nhận định của ông Nguyễn Đình Phú, phó giáo sư tại Đại học UCI, California.

Các kênh quảng bá đường lưỡi bò của Trung cộng có thể là qua phim ảnh, ấn phẩm du lịch, giáo dục, hoặc các tạp chí khoa học quốc tế.

Trong bài phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hồi tháng 3/2019, Giáo sư Phú nói do tính chất công việc, ông thường xuyên đọc các tài liệu khoa học và phát hiện ra rằng Trung cộng gần đây cố tình đưa đường Lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn vào các ấn phẩm khoa học quốc tế.

Số lượng các bài báo khoa học có chèn đường lưỡi bò lên tới hàng ngàn bài, từ năm 2017. Trong khi trước thời điểm đó rất hiếm.

Trung cộng cũng cho các học giả quốc tế tới dự các diễn đàn khoa học về Biển Đông để tuyên truyền về đường lưỡi bò.

Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung cộng cũng mang ấn phẩm sang Việt Nam dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, hoặc tinh vi hơn, mang cả phim sang chiếu.

‘Đường lưỡi bò’ cũng vào Việt Nam bằng cách in trên áo phông, hoặc hộ chiếu của khách du lịch Trung cộng.

Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt, sàng lọc thông tin từ trung ương xuống địa phương nhưng lại vẫn để lọt ‘đường lưỡi bò’.

Ví dụ, các phim chiếu ở Việt Nam đều phải qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim thuộc Cục Điện Ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Trong vụ việc của Saigontourist, lỗi được đổ cho nhân viên của công ty đã không kiểm tra kỹ cuốn cẩm nang du lịch do công ty Trung cộng cung cấp.

Trong vụ việc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019, các tờ rơi có hình bản đồ lưỡi bò bị mang đi tiêu hủy, nhưng không thấy tin công ty Hola China bị xử lý.

Với phim Điệp Vụ Biển Đỏ, Cục Điện Ảnh khi đó nói phim đã được kiểm duyệt ‘đúng quy trình’, nên không có ai chịu trách nhiệm.

Còn với phim Abominable, Cục Điện Ảnh ‘thẳng thắn nhận trách nhiệm’ nhưng nói lỗi này ‘khó tránh’ vì “Cục không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt”.

Đến nay chưa thấy cá nhân hay cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nào phải chịu bất thứ hình thức xử lý nào.

Tranh chấp Biển Đông vượt ra ngoài lãnh thổ VN-TC

Bản quyền hình ảnh NGUYEN VIET LONG Image caption Quả địa cầu bán ở Ukraine được cho là in sai bản đồ Việt Nam

Các tranh chấp Biển Đông từng được ‘xử lý’ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và Trung cộng.

Hồi tháng 8/2018, cộng đồng mạng Việt Nam phản ứng dữ dội trước thông tin một công ty ở Ukraine bán quả địa cầu trong đó nhiều tỉnh biên giới Việt Nam bị xếp vào lãnh thổ Trung cộng.

Trả lời BBC Tiếng Việt thời điểm đó, công ty Globus Plus của Ukraine cho hay họ đã ngưng bán sản phẩm quả địa cầu in sai hình bản đồ Việt Nam.

Hồi tháng 9/2017, một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có in hình đường lưỡi bò của Trung cộng sau khi có thư phản ánh của người Việt.

BBC (18.10.2019)

Mã Lai gia tăng sức mạnh hải quân giữa lúc có căng thẳng Biển Đông

Hình minh họa. Tàu chiến của Hải quân Mã Lai “KD Lekui” tham gia một cuộc diễn tập cứu nạn với tàu USS John S. McCain của Mỹ ngoài khơi Mã Lai hôm 24/8/2017 AFP

Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai hôm 17/10 phát biểu quốc gia này cần phải gia tăng sức mạnh hải quân để bảo vệ vùng biển của đất nước.

Phát biểu này của ông Saifuddin Abdullah được đưa ra vào lúc có những căng thẳng ở khu vực Biển Đông giữa Trung cộng và các nước láng giềng.

Trung cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn vốn đã bị tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016.

Trong một phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah nói chính phủ Mã Lai muốn kiểm soát sự hiện diện của các tàu chiến trong khu vực bằng cách gia tăng sức mạnh của hải quân.

Chúng ta cần cải thiện các khả năng của vũ khí để kiểm soát các vùng nước, đặc biệt là trong bối cảnh đối mặt với các siêu cường ở Biển Đông”, ông Saifuddin nói.

Ông Saifuddin cũng thừa nhận các tàu chiến của hải quân Mã Lai hiện tại nhỏ hơn cả tàu hải cảnh của Trung cộng.

Hồi tháng 5 vừa qua, Trung cộng đã điều các tàu hải cảnh vào khu vực bãi Luconia của Mã Lai ở Biển Đông, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của nước này.

Hồi giữa tháng 9 vừa qua, chính phủ Mã Lai công bố chính sách đối ngoại mới, kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Biển Đông, trong đó xác định “Biển Đông phải là vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột”.

RFA (17.10.2019)

Ngoại trưởng Mã Lai: ‘Mã Lai cần sẵn sàng cho tình huống xấu trên biển Đông’

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionNgoại trưởng Mã Lai, Saifuddin Abdullah

Hôm 17/10, Ngoại trưởng Mã Lai, ông Saifuddin Abdullah phát biểu trước Quốc hội nước này rằng, cần nâng cao năng lực của hải quân để chủ động ứng phó với những tình huống xấu trên biển Đông, theo Reuters.

Nước này lâu nay vẫn theo đuổi và thúc đẩy chính sách phi quân sự hóa khu vực đang xảy ra tranh chấp trên biển Đông.

Ngoại trưởng Mã Lai, ông Saifuddin Abdullah nói rằng, Mã Lai có thể ra thông cáo phản đối nhưng nước này sẽ thất thế trong trường hợp xảy ra xung đột nếu thiếu sự đầu tư cho lực lượng hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển.

Ông Saifuddin nhấn mạnh là, các lực lượng hải quân của Mã Lai sẽ được nâng cấp để đối phó với việc lực lượng hải cảnh của Trung cộng hiện diện gần như 24/24 giờ quanh bãi cạn Nam Luconia, ở ngoài khơi bang Sarawak, phía đông Mã Lai.

“Các tàu hải quân thuộc Hải quân Hoàng gia Mã Lai nhỏ hơn các tàu Hải cảnh Trung cộng,” ông Saifuddin nói trước quốc hội nước này trong phần chất vấn.

“Chúng ta không muốn [xung đột] xảy ra, nhưng lực lượng hải quân của chúng ta… cần được nâng cấp để chúng ta có thể quản lý tốt hơn vùng biển của mình trong trường hợp xảy ra xung đột giữa các nước lớn ở vùng Biển Đông”, ông nói.

Bản quyền hình ảnhROYAL MÃ LAIN NAVYImage captionTàu hộ tống lớp KD Kasturi bắn tên lửa Exocet MM40 Block II của Mã Lai

Lâu nay, tuy chỉ trích những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung cộng ở Biển Đông, nhưng Mã Lai ít lên tiếng về các tranh chấp ở vùng biển này, nhất là sau khi Trung cộng đã bơm hàng tỉ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Thủ tướng Malaysai, ông Mahathir Mohamad cũng từng cho biết, nước này quá nhỏ bé để đứng vững trước một cường quốc châu Á, ngay cả khi các tàu Trung cộng khảo sát dầu khí trên vùng biển của Mã Lai mà chưa được nước này chấp nhận.

Chẳng hạn, hồi tháng Bảy năm nay, tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung cộng, đã tuần tra quanh cụm bãi cạn Luconia, phía nam quần đảo Trường Sa từ ngày 10 đến 27/5, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell.

Khi Mã Lai điều hai tàu tiếp tế đến khu vực này, tàu hải cảnh Trung cộng chạy quanh khiêu khích, “tiếp cận trong phạm vi 80 mét”, theo Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI).

Cũng trong bài phát biểu nói trên, ông Saifuddin cho biết, Mã Lai sẽ tiếp tục thúc đẩy quan điểm phi quân sự hóa Biển Đông tại diễn đàn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để từ đó, có cách tiếp cận thống nhất nhằm đối phó với các cường quốc.

“Biển Đông không nên trở thành điểm nóng xung đột giữa các quốc gia. Chúng tôi nhất quán với quan điểm trên tại các diễn đàn quốc tế như ASEAN, nơi chúng tôi đưa ra quan điểm tự kiềm chế và phi quân sự hóa ở Biển Đông,” ông nói.

BBC (17.10.2019)

Trung cộng kêu gọi Việt Nam đối thoại về Biển Đông

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng

Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau khi Việt Nam đẩy mạnh lên án Trung cộng vi phạm chủ quyền.

Báo South China Morning Post (SCMP) trích lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo vào hôm thứ Tư 16/10 rằng “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực.”

Tuyên bố được đưa ra tiếp theo sau một cảnh báo hồi đầu tuần của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước sẽ “không bao giờ thỏa hiệp” chủ quyền của mình, nhưng cần duy trì một môi trường hòa bình.

Trước đó, hôm 7/10 người kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất của Việt Nam “đề nghị Trung ương phân tích” về tình hình Biển Đông trong bối cảnh các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung cộng đã đối đầu nhau quanh khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.

Ngoài phát biểu của ông Trọng, hôm thứ Ba 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nói rằng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông đã bị Trung cộng xâm phạm nghiêm trọng, theo SCMP.

Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong hơn 3 tháng qua khi Trung cộng đưa tàu thăm dò địa chấn Hải Dương 8 vào khu vực mà Việt Nam nói là chủ quyền của mình. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vài lần lên tiếng phản đối sự “vi phạm chủ quyền” của các tàu Trung cộng nhưng chưa kiện Trung cộng ra tòa quốc tế như nhiều chuyên gia và công chúng kêu gọi.

(Theo SCMP)

VOA (16.10.2019)

Biển Đông : Việt Nam lên án Trung cộng vi phạm chủ quyền tại hội nghị ASEAN

Một hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Không ảnh chụp ngày 21/04/2017.REUTERS/Erik De Castro/File Photo

Trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung cộng về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tổ chức tại Đà Lạt hôm qua 15/10/2019, Việt Nam tố cáo Trung cộng đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực.

Tuổi Trẻ và VnExpress dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, nhấn mạnh « những diễn biến phức tạp » trên Biển Đông đã cho thấy sự cấp thiết cần có Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung cộng (COC) để ngăn ngừa những hành động tương tự trong tương lai. Theo ông, các hành vi của Trung cộng gây bất lợi cho cuộc đàm phán về COC.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng khẳng định lập trường của Việt Nam về Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, mà cả Việt Nam và Trung cộng đều là thành viên.

Tuyên bố trên được đưa ra trước các quan chức cấp cao của 9 nước ASEAN và Trung cộng. Tuy không giữ vai trò chủ tọa (Trung cộng và Phi Luật Tân đồng chủ trì hội nghị), nhưng đoàn Việt Nam thẳng thừng tố cáo các hành vi đơn phương của Trung cộng tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Như vậy đã Hà Nội bắt đầu mạnh dạn hơn, sau khi phó thủ tướng Phạm Bình Minh trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9 đã bày tỏ lo ngại về việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung cộng.

Từ đầu tháng 7/2019, Bắc Kinh đã đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không phải là vùng tranh chấp.

Nhóm tàu này vẫn liên tục hoạt động bất chấp các phản đối của Việt Nam. Trên thực địa hôm nay, theo trang Đại sự ký Biển Đông, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã vào cách đất liền Việt Nam chỉ có 70 hải lý, và khi một tàu cảnh sát biển Việt Nam ngăn chận, đã bị hai tàu hải cảnh Trung cộng áp sát đe dọa.

RFI (16.10.2019)

Bộ phim Abominable của Trung cộng với „đường lưỡi bò” bị cắt bỏ tại Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai

Hình ảnh ‘đường lười bò’ xuất hiện trong phim “Everest: Người Tuyết bé nhỏ”

Phim “Abominable”  là sản phẩm hợp tác của hãng DreamWorks Animation và Pearl Studio – một công ty của Trung cộng. Phim được chiếu tại Việt Nam từ ngày 04.10 sau khi đã được quảng bá rầm rộ ở Việt Nam từ cuối tháng 9.

Cụ thể, trong phim “Abominable,” hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Ngay trong trailer của phim này, người xem cũng dễ dàng nhìn thấy tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” mà Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô.  Tấm bản đồ này còn xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.

Bộ Phim hoạt hình này đã bị ngưng chiếu tại các rạp ở Việt Nam nhưng chỉ sau khi một số khán giả xem phim phát hiện rằng phim có cài cắm bản đồ ‘đường lưỡi bò’ vào khuôn hình.

Sau VN, cả Mã Lai và Phi Luật Tân đều quyết cắt cái lưỡi bò của phim Abominable, sau khi biết chuyện “thuốc độc lưỡi bò” đã bị cài cắm vào nhiều chỗ trong phim.

Chủ tịch Uỷ ban kiểm duyệt phim Mã Lai yêu cầu cắt bỏ phân cảnh có hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ phi pháp trong phim Abominable (tựa Việt: Everest: Người Tuyết bé nhỏ). Bộ phim này, theo dự kiến, tới 7/11 mới ra rạp (theo tin Reuters). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đã lên tiếng kêu gọi cắt cảnh có “đường lưỡi bò” và tẩy chay bộ phim, cũng theo Reuters.

Reuters dẫn lời ông Mohamad Zamberi Abdul Aziz, Chủ tịch Ủy ban Kiểm duyệt phim Mã Lai cho biết, “phim hoạt hình có tựa đề Abominable được chấp thuận khởi chiếu ở Mã Lai với điều kiện bản đồ gây tranh cãi phải bị xóa bỏ.”

Trước đó, tại Phi Luật Tân, Ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin cũng kêu gọi cắt bỏ các phân cảnh có xuất hiện ‘đường lưỡi bò’ trong Abominable sau khi phim này đã bị rút khỏi rạp tại Việt Nam.

Theo BBC (18.10.2019)

Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị cho những thách đố lớn hơn

Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn D.K của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, Biển ĐôngAMTI/CSIS

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 vào ngày 07/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, đã yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương « phân tích, dự báo tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi, những khó khăn, thách thức ».

Ông Trọng đưa ra yêu cầu này 3 tháng sau khi tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng, với sự hộ tống của nhiều tàu vũ trang, xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính, nơi mà đối tác của Việt Nam là tập đoàn Nga Rosneft đang thăm dò dầu khí. Khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hà Nội đã tố cáo Trung cộng xâm phạm chủ quyền lãnh hãi của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại cho rằng việc thăm dò địa chất của tàu Hải Dương Địa Chất 8 là « chính đáng và hợp lý », đồng thời cáo buộc hoạt động của các công ty dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính là xâm phạm lợi ích của Trung cộng.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 12/10 đã trích lời giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales, cho rằng yêu cầu của ông Nguyễn Phú Trọng với Ban Chấp hành Trung ương, cơ chế hoạch định các chính sách của Việt Nam, có thể là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội sẽ không lùi bước trước nguy cơ đối đầu với Trung cộng về chủ quyền Biển Đông.

Theo giáo sư Thayer, những thách đố đối với Hà Nội là việc các tàu của Trung cộng kéo dài sự hiện diện tại nhiều nơi khác nhau trong vùng biển Việt Nam, khả năng Trung cộng triển khai một giàn khoan lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như việc các tàu của Trung cộng ngăn chận hoạt động thăm dò dầu khí của các công ty nước ngoài liên doanh với tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

South China Morning Post nhắc lại là trong buổi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, phó chính ủy Quân khu 7 và cũng là đại biểu Quốc Hội, khẳng định là giàn khoan của Rosneft vẫn hoạt động bình thường, mặc dù có sự hiện diện của hơn 40 tàu Trung cộng và 50 tàu của Việt Nam trong khu vực.

Trong khi Việt Nam vẫn dành ưu tiên cho giải pháp ngoại giao, thiếu tướng Hoàng không loại trừ khả năng Việt Nam đưa vụ Bãi Tư Chính và các tranh chấp chủ quyền khác ở Biển Đông ra trước Liên Hiệp Quốc hoặc một tòa án quốc tế.

Theo nhận định của South China Morning Post, trong vụ Bãi Tư Chính, Việt Nam và Trung cộng dường như đã rút ra bài học từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Bắc Kinh hiểu rằng xung đột có thể gây tổn hại cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, còn Việt Nam cũng biết là căng thẳng leo thang có thể khiến các nhà đầu tư e ngại.

Nhưng trong vụ Bãi Tư Chính, Việt Nam có thể nhận được sự ủng hộ từ các nước láng giềng, trong đó Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, tức là những nước cũng tranh chấp chủ quyền Biển Đông, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer

Tờ báo cũng nhắc lại tuyên bố của đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, cho biết Hà Nội có thể sẽ nêu vấn đề Biển Đông, trong đó có cả vụ Tư Chính, tại cuộc đối thoại an ninh thường niên Việt Nam – Ấn Độ trong tháng này tại Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy, tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho rằng Ấn Độ đang theo dõi sát tình hình Biển Đông và đang gia tăng hợp tác với các đối tác, bao gồm cả Việt Nam. Còn theo một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung cộng, có khả năng là Ấn Độ sẽ đóng vai trò trọng tài trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung cộng với Việt Nam.

Giáo sư Thayer cũng cho rằng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp thượng đỉnh không chính thức với chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình hôm thứ Sáu tuần trước chắc là đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì ổn định ở Biển Đông và đã thúc giục Bắc Kinh và Hà Nội có những bước ngoại giao để giảm bớt căng thẳng ở vùng biển này.

RFI (15.10.2019)

Mỹ tập trận gần Biển Đông cùng Nhật Bản và Phi Luật Tân

Tàu BRP Ramon Alcaraz (FF-16) và BRP Tarlac (LD-601) của Hải quân Phi Luật Tân đi cùng tàu USNS Millinocket (T-EPF 3) trong cuộc huấn luyện hàng hải (MTA) Sama Sama 2018 (ảnh: US Navy).

Hải quân các nước Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân đã bắt đầu một cuộc tập trận chung ở gần Biển Đông kéo dài một tuần, bắt đầu từ thứ Hai (14/10), theo báo Inquirer của Phi Luật Tân.

Cuộc tập trận mang tên MTA-Sama Sama được tổ chức tại thành phố Puerto Princesa, thuộc Palawan, một tỉnh đảo của Phi Luật Tân có vị trí gần nhất đối với quần đảo Trường Sa.

Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết cuộc tập trận bao gồm các hoạt động trên trên bờ và dưới biển, được thiết kế để cho phép các lực lượng hải quân tiến hành các hoạt động phức tạp với nhiều phương tiện hải quân.

Các hoạt động diễn tập trong những ngày tới bao gồm các hoạt động thăm, lên tàu, tìm kiếm và thu giữ, chiến thuật phân chia, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, trực thăng hạ cánh trên sàn tàu, theo dõi chiến tranh trên không và trên mặt đất.

Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản trực tiếp tham gia các hoạt động trong cuộc tập trận này. Năm ngoái, Nhật chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên.

Đại úy Ann McCann, phó chỉ huy biên đội tàu khu trục số 7 nói với Inquirer: “Bất cứ khi nào chúng tôi thực hiện các kịch bản thực tế, mang tính kết hợp với các đối tác của chúng tôi, nó đều khiến chúng tôi phối hợp với nhau tốt hơn và hiệu quả hơn”.

Lực lượng Hải quân Miền Tây của Phi Luật Tân cho biết hoạt động này ghi nhận tình hữu nghị và quan hệ đối tác, hợp tác hàng chục năm giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ.

Phi Luật Tân và Nhật Bản đều là hai đồng minh có hiệp ước phòng thủ với Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Phi gần đây đã trải qua một số sóng gió, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016 và đảo ngược chính sách thân Mỹ của Manila. Vài tháng sau khi nhậm chức, ông Duterte tuyên bố “chia tay” Mỹ để theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung cộng.

DKN (15.10.2019)

Tin Biển Đông: Hải Dương 8 cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km

Tối ngày 14/10/2019, ông Phạm Thắng Nam đưa tin: Tàu Hải Dương 8 đã hoàn tất đường khảo sát thứ 13 và bắt đầu thực hiện đường khảo sát thứ 14. Lúc 14h32’ giờ chiều 14/10, tàu Hải Dương 8 đã bắt đầu thực hiện đường khảo sát thứ 14, trong vùng khảo sát thứ 4 ở vùng biển Nam Trung Bộ Việt Nam. Khoảng cách giữa điểm cực Tây của đường khảo sát 14 này đến mũi Đại Lãnh là 60 hải lý, nghĩa là chỉ khoảng 110 km.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã thực hiện xong 13 đường khảo sát trong vùng biển Nam Trung Bộ Việt Nam. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông xác nhận thông tin và cập nhật lúc 15h chiều ngày 14/10/2019. Trang này thống kê, với đường khảo sát vừa hoàn tất trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, tàu Hải Dương 8 đã có 2 thời điểm tiến gần bờ biển Việt Nam nhất là lúc cách Bãi biển Rạng bên ngoài Vịnh Vân Phong, chỉ 67,3 hải lý (lúc 11h29′) và lúc cách Bãi Ngà chỉ 65,2 hải lý (lúc 14h32′).

“Hai vị trí này sát mép yêu sách đường lưỡi bò của Trung cộng và nằm ở rìa ngoài lô dầu mà phía Trung cộng tự nhận và gọi thầu năm 2012. Trung cộng đặt tên cho lô dầu này là Huayang 34”.

Hai vị trí của tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi gần bờ biển Việt Nam nhất trong vòng khảo sát mới ngày 14/10/2019. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Vẫn không rõ ông Trọng và bộ sậu của ông sẽ “bảo vệ” chủ quyền lãnh hải Việt Nam bằng cách nào, chỉ biết khoảng cách giáp mặt đối phương dưới 70 hải lý thì còn có thể chấp nhận được thời Đệ Nhị Thế chiến, nhưng bây giờ nếu TQ có trang bị loại đạn phản lực LRLAP (Long Range Land Attack Projectile), với tầm bắn trúng mục tiêu trong vòng 100 hải lý, thì tất cả các mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm phá hủy của Hải Dương 8.

Về nỗ lực truy cản của các tàu Việt Nam, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cung cấp video, kèm chú thích: “Tàu Việt Nam Khanh Hoa 01015 bám đuổi theo nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ở lớp phía ngoài mà không tiếp cận được chiếc tàu khảo sát ở trung tâm lớp trong cùng”.

Theo clip này, khoảng 10h sáng ngày 14/10, khi cả nhóm tàu Trung cộng đang tiến về gần bờ biển Việt Nam, tàu Khánh Hòa 01015 đã vượt lên phía trước và đợi ở toạ độ 12.71° / 110.4983°, ngay trên đường tiến của Hải Dương Địa Chất 8. Vào lúc tàu Khánh Hòa 01015 gần như dừng hẳn, hai tàu hải cảnh 46303 và 5304 của Trung cộng đã tăng tốc, chủ động lao nhanh tới chỗ tàu 01015.

“Trên bản đồ AIS vệ tinh, đã có thời điểm vị trí toạ độ của tàu Khanh Hoa 01015 và tàu 46303 trùng khít với nhau, gợi ý rằng có lẽ tàu 46303 đã áp sát tàu Khanh Hoa 01015”. Điều đó có nghĩa là, tàu Trung cộng giờ đây không ngại chủ động gây sự với tàu hải cảnh Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam.

***

Về toạ đàm “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông” do báo ĐCSVN tổ chức, báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng’. TS Tạ Đình Thi thừa nhận: “Chủ quyền biển đảo của chúng ta bị thách thức nghiêm trọng. Biển Đông có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, cũng như các tranh chấp chủ quyền trong khu vực”.

Vẫn không thấy ông TS Tạ Đình Thi và TS Trần Công Trục đề ra giải pháp nào, ngoài việc trông chờ vào Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng, một ông già 75 tuổi, đầy bệnh tật, gần đất xa trời.

Tiếng Dân (15.10.2019)

“Khởi kiện là công cụ hữu hiệu nhất để chống lại Trung cộng”

Đó là nhận định của Bill Hayton, chuyên gia Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Chatham House Hayton tại Anh, trong một cuộc nói chuyện với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Sau đây là bản lược dịch bài báo „Tranh chấp mới ở Biển Đông“ đăng trên trang web của đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức) hôm nay 11/10/2019:

Từ nhiều tháng nay, Trung cộng đã gia tăng sự đối đầu ở Biển Đông. Các quốc gia ven biển có ít lựa chọn để chống lại. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi kiện Trung cộng. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (CPC), phát biểu hôm thứ Tư tuần rồi tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương rằng tình hình ở Biển Đông „cần được phân tích và đất nước phải lường trước những thách thức có thể xảy ra”. Trang tin tức Việt Nam VNExpress đưa tin như vậy. Trong ngôn ngữ của Đảng, thường được đặc trưng bởi sự kiềm chế, đây là nhiều hơn một phát biểu rõ ràng.

Căng thẳng giữa các quốc gia ven biển trong cuộc xung đột lãnh thổ, đặc biệt là giữa Trung cộng và Việt Nam, đã gia tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Nguyên nhân gây ra là sự khiêu khích kéo dài của Trung cộng từ nhiều tháng nay. Một mặt, tàu thăm dò Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung cộng đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) từ nhiều tuần qua. Đồng thời, giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) được cho là đang trên đường đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2014, việc sử dụng một giàn khoan khác của Trung cộng đã dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai nước và dẫn đến những cuộc bạo loạn ở Việt Nam đập phá một số công ty nước ngoài và bốn công dân Trung cộng bị giết chết.

Giai đoạn mới của xung đột lãnh thổ

Từ vài tháng nay, một giai đoạn mới rõ ràng đã bắt đầu, như Bill Hayton đã xác nhận trong một cuộc nói chuyện với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức): “Đây là một hành vi gây hấn mới của Trung cộng, tạo ra nhiều áp lực nặng nề hơn”. Trung cộng đang tiến hành ngày càng nhiều việc sử dụng các đội tàu đánh cá và lực lượng hải cảnh của mình để ngăn chặn các quốc gia ven biển khác đánh bắt cá và thăm dò các mỏ dầu khí, cũng như Trung cộng thực hiện thăm dò tại vùng lãnh hải của các quốc gia khác. Theo chuyên gia Đông Nam Á này của Viện nghiên cứu Chatham House Hayton tại Anh, điều đó có thể xảy ra ở mức độ như vậy là nhờ vào các cảng của những đảo nhân tạo có thể được sử dụng để tiếp tế cho các tàu thuyền Trung cộng. “Các hòn đảo này rất quan trọng đối với Trung cộng để gây tác động quân sự đến tận phía nam Biển Đông”.

Tại bãi Tư Chính đã có những căng thẳng tái diễn nhiều lần giữa các tàu Trung cộng và Việt Nam trong những tuần gần đây.

Những lựa chọn của các nước ven biển

Những nước ven biển không có nhiều lựa chọn để đối phó chống lại Trung cộng. Con đường đàm phán ngoại giao không dẫn đến thành công trong việc lay chuyển Trung cộng hợp tác, như các cuộc đối đầu gần đây cho thấy. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị chia rẽ từ nhiều năm nay và do đó không thể xây dựng một thế đối trọng với Bắc Kinh. Về mặt quân sự, các quốc gia Đông Nam Á không ngang hàng với Trung cộng, nước này vốn đã được vũ trang ồ ạt từ nhiều năm nay.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên, khi những chuyên gia Việt Nam khác nhau vào tháng 8 (chú thích của người dịch: chính xác là 6/10/2019) tại một cuộc tọa đàm ở Hà Nội đã lên tiếng, Việt Nam nên khởi kiện Trung cộng ra trước một tòa án quốc tế.

Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA), “Phần đông cử tọa đều thống nhất rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có đề nghị thẳng thắn là phát triển quan hệ hơn nữa với Hoa Kỳ, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung cộng”. Phần lớn các chuyên gia thống nhất rằng luật pháp quốc tế đứng về phía Việt Nam.

Bill Hayton cũng coi khởi kiện là công cụ hữu hiệu nhất để chống lại Trung cộng. “Lập luận rằng Trung cộng không để cho Việt Nam có một lựa chọn nào khác là khá thuyết phục”. Bill Hayton bác bỏ sự phản bác rằng Phi Luật Tân đã thắng hầu như tất cả các điểm trong vụ kiện năm 2016 tại Tòa án Trọng tài Hague, nhưng nó không có tác dụng đáng kể. Ông viện dẫn đến chính phủ Phi Luật Tân dưới thời Tổng thống Duterte: “Đó là lỗi của chính phủ khi nó không tận dụng cơ hội có một không hai này”. Thay vì thúc giục thi hành phán quyết này, chính phủ mới đắc cử của Phi Luật Tân lại đi đường hướng xích gần với Trung cộng.

Lo sợ các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản

Nhận xét về vụ kiện, Hayton bổ sung về khía cạnh giới hạn: “Quyết định này đối với Việt Nam có thể sẽ gây ra một hậu quả lớn. Nó sẽ phá vỡ mối quan hệ Trung-Việt”.

Đối với Việt Nam, nhiều cái sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm, bởi vì Trung cộng không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng, mà còn là một đồng minh ý thức hệ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV).

Một vấn đề khác có thể là trong nước. Các cuộc biểu tình phản đối Trung cộng năm 2014 tại nhiều tỉnh khác nhau đã nhanh chóng chuyển sang chống lại các điều kiện lao động và hệ thống chính trị của Việt Nam. “Đó sẽ là kịch bản ác mộng đối với Đảng, nếu họ cho phép các cuộc biểu tình chống Trung cộng và sau đó mở rộng thành các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản”. Trong chừng mực này, Hayton tin rằng thời điểm cho một vụ kiện chống Trung cộng chưa đến.

Rodion Ebbighausen

Hiếu Bá Linh biên dịch

Nguồn bản gốc: https://m.dw.com/de/neuer-streit-im-s%C3%BCdchinesischen-meer/a-50793279?fbclid=IwAR2SYb2g3HJpslR7QUwXjv9UL7wkOPMWNqfzdG5pcIANr2KDbECCtpI9P28

Nguồn bản dịch: https://www.danluan.org/tin-tuc/20191012/khoi-kien-la-cong-cu-huu-hieu-nhat-de-chong-lai-trung-quoc

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen