29.10.2019
“Làn sóng thứ tư” tuy không diễn ra tập trung như trước, nhưng lại là một dòng chảy âm thầm rất mạnh mẽ.
IOM (Tổ chức Di cư quốc tế) cho rằng, VN đang diễn ra một “làn sóng di cư thứ tư”. Ba làn sóng trước là vào các thời điểm: Pháp rút khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Geneve 1954; Mỹ rút khỏi VN trước 30/4/1975; và thuyền nhân trong những năm 1979-1982. “Làn sóng thứ tư” này tuy không diễn ra tập trung như trước, nhưng lại là một dòng chảy âm thầm rất mạnh mẽ. Trong dòng chảy đó, những người có tài sản hoặc các chủ doanh nghiệp thì lặng lẽ thu dọn dần để chuyển việc đầu tư và mua tài sản nước ngoài; giới trẻ tìm đường đi và ở lại thông qua con đường du học hoặc lao động tay nghề (skilled worker); những phận dân bèo bọt thì cố vay mượn đi xuất khẩu lao động chui, những cô gái miền Tây nam bộ đi bán thân khắp thế giới bằng visa du lịch và là miếng mồi ngon cho bọn ma cô buôn người. Điều tích cực mang lại là VN đang thuộc top 10 thế giới về nhận kiều hối. Đó là tiền mồ hôi, nước mắt, cả máu và mùi khắm của những người ra đi.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners đã công bố bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực thường niên 2019. Theo bảng xếp hạng này, hai quốc gia châu Á là Nhật và Singapore đều nắm giữ vị trí hàng đầu thế giới vì công dân của hai nước này có thể tự do đi lại 190 quốc gia. Hàn Quốc giữ vị trí thứ hai với 188 điểm đến miễn thị thực, đồng hạng với Đức và Pháp. Còn hộ chiếu VN đứng thứ 90 trong 107 nước được xếp hạng, thấp hơn Lào và Campuchia, và đang tiến gần hơn về phía nhóm 10 quốc gia bị xếp loại “hộ chiếu tệ nhất”, bao gồm Bắc Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, hay Afghanistan…
Thảm kịch 39 nạn nhân tại Anh đang tràn ngập trên news feed những ngày qua, nếu xét ở góc độ hẹp, thì một phần là do các em và gia đình các em đã không đủ thông tin để đánh giá được hết các rủi ro và ý thức được cái giá phải trả khi dấn thân ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp, và nếu có sống sót thì cũng sẽ là một cuộc sống vất vưởng, chui lủi, tủi nhục ở xứ người.
Thật chua chát! ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư, xuất khẩu lao động dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn…
Xe tải chở 39 người nhập cư lậu chết.
Cũng có nhiều người có tri thức và nặng tình với quê hương đã hừng hực trở về, nhưng rồi cũng vội vã ra đi.
Lịch sử dân tộc VN dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát ma mị của Khánh Ly vọng từ nhà ai đó nghe nức nở, ám ảnh: “Có nghe đời nghiêng: Người ra đi có đôi dòng lệ…”.