Seite auswählen

1

Hàng ngồi từ trái qua phải: Muammar Gaddafi của Libya, Yasser Arafat của Palestine, Abdel Nasser của Ai Cập và vua Hussein của Jordan trong cuộc đàm phán ở Cairo.

Long Vũ / ncls group

2.1.2020

Nhiều người hẳn đã nghe cụm từ ”Tháng 9 đen” này, bởi đây là tổ chức đã quá nổi tiếng với vụ thảm sát chấn động thế giới tại Olympic Munich năm 1972, một sự kiện đen tối nhất trong lịch sử thể thao lẫn chính trị thế giới.

Tuy nhiên, bài viết này lại không nói về tổ chức ”Tháng chín đen” gây ra sự việc trên, mà đề cập đến gốc rễ vấn đề, đó là sự kiện đã khai sinh ra tổ chức đó, và khiến nó mang cái tên ”Tháng 9 đen” chứ không phải tháng nào khác. Đó là sự kiện ”Tháng 9 đen” – một cuộc chiến ngắn nhưng ác liệt diễn ra trong lãnh thổ Jordan vào tháng 9 năm 1970, khi mà dân quân Palestine, có sự hỗ trợ của Syria đã nổi dậy tấn công quân đội và dân thường Jordan.

Biết về sự kiện này, sẽ giải thích được các vấn đề sau đó, như nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến ở Lebanon, sự hình thành tổ chức khủng bố ở Munich, tại sao Jordan tại trở thành ốc đảo hòa bình giữa Trung Đông…và ở đây muốn nhấn mạnh đến một lý do khiến nhà nước Israel trên thực tế không hẳn bị “bao vây” như chúng ta thường nghĩ.

1/ Bối cảnh khu vực và Jordan năm 1970 và vấn đề người Palestine ở Jordan.

Trước đó 3 năm, vào năm 1967, đã xảy ra một cuộc chiến nổi tiếng: chiến tranh 6 ngày. Cuộc chiến này trở nên nổi tiếng một phần bởi thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chiến tranh: cả một liên minh Arab bị quốc gia Israel nhỏ bé đánh thảm bại chỉ trong chưa đầy 1 tuần.

Cùng với những thiệt hại thê thảm của Ai Cập, Syria,…Jordan cũng chịu hậu quả to lớn. Toàn bộ bờ Tây sông Jordan bị mất vào tay Israel, nhưng đặc biệt là khu Đông Jerusalem linh thiêng cũng bị mất vào tay người Do Thái.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Các lãnh thổ mà Jordan bị mất đó, có số lượng đáng kể người Palestine. Về điều này, cần lùi lại xa hơn nữa về năm 1951. Thời điểm đó, sau một cuộc chiến khác giữa Israel và khối Arab vào năm 1948, quân đội Jordan đã chinh phục được khu bờ Tây, vốn là lãnh thổ có nhiều người Palestine sinh sống. Nhưng không phải người Palestine nào cũng phản đối Jordan. Nhiều nhân vật quan trọng của Palestine, đã ủng hộ sáp nhập vào Jordan, ít nhất là nó sẽ giúp bảo vệ họ tốt hơn khỏi Israel. Vì vậy đến năm 1951, sau một thỏa thuận được quốc tế công nhận, Jordan sáp nhập khu Bờ Tây.

Để làm người Palestine đồng thuận với sự sáp nhập này, chính quyền Jordan đã cho họ quyền bình đẳng. Người Palestine nghiễm nhiên có một nửa số ghế quốc hội Jordan dù dân số chỉ chiếm 1/5. Toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị đều được bình đẳng với người Jordan khác. Đặc biệt khu Bờ Tây giáp với Israel, dù không chính thức nhưng trên thực tế có quy chế không khác gì một khu tự trị của Palestine. Tại đây, nhiều tổ chức vũ trang của Palestine đã hình thành mà không chịu sự kiểm soát của chính phủ Jordan. Họ áp đặt luật lệ riêng, quân đội, cảnh sát riêng, giống như một nhà nước bên trong lãnh thổ Jordan.

Nhưng sau khi Bờ Tây bị Israel chiếm lấy vào năm 1967, lãnh thổ của người Palestine coi như không còn. Số phận của người Palestine tại khu Bờ Tây là mối quan tâm hàng đầu của các nước Arab. Tại đây, sau một hội nghị ở Cairo, Ai Cập, các nước Arab đã ra yêu cầu Jordan, Ai Cập và Syria cho người Palestine được di cư vào lãnh thổ của mình, bất chấp việc này chưa được các nước đồng thuận. Sau đó, hơn 400.000 người Palestine đã di cư đến Ai Cập, Jordan và Syria, trong đó ở Jordan đông nhất với 245.000 người Palestine di cư vào lãnh thổ Jordan.

Vấn đề bắt đầu phát sinh. Do yêu cầu của các nước Arab là mang tính cưỡng ép, nhiều người Jordan bất mãn với sự có mặt của người Palestine. Hơn nữa, người Palestine đã di cư đến những lãnh thổ vốn là của người Jordan, không liên quan gì đến người Palestine trước kia. Cho đến đầu năm 1967, cả 2 thành phố lớn nhất của Jordan là thủ đô Amman và thành phố Irbid đều tràn ngập người Palestine tị nạn. Nhưng những người ”tị nạn” này đã lập cả căn cứ du kích bên ngoài thành phố. Việc người Palestine chiếm quá nửa dân số thủ đô khiến nhiều người nói vui rằng Jordan đã ”vong quốc” vào tay Palestine.
2/ Xung đột với Israel và sự chia rẽ Jordan-Palestine*Trận chiến KaramehDù bị đẩy lùi sang lãnh thổ Jordan, nhưng các du kích Palestine vẫn không ngừng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel. Đứng đầu các vụ tấn công là tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat.

Trong các căn cứ của du kích Palestine trong lãnh thổ Jordan, trại Karameh là căn cứ lớn nhất. Ngày 18/3/1968 một chiếc xe chở học sinh Israel bị trúng mình của du kích làm nhiều người chết. Sau đó, có tin tình báo rằng thủ lĩnh Arafat đang ở trại Karameh, nên quân Phòng vệ Israel (IDF) quyết định tấn công trại Karameh trả thù, đồng thời bắt Arafat. Ngày 21/3/1969, một lực lượng lớn quân đội cùng thiết giáp Israel tấn công qua trại Karameh.

Nhưng vấn đề ở chỗ, trại Karameh lại nằm trong lãnh thổ thuần túy của Jordan, bị du kích Palestine ”chiếm dụng” làm căn cứ du kích. Vì vậy nên khi Israel tấn công, mặc dù là nhằm vào du kích Palestine, quân đội Jordan vẫn phải huy động để chống lại Israel. Do phải chiến đấu với một lúc hai đối thủ, quân Israel đã chịu thất bại trong trận này. Đây là một đòn giáng mạnh vào Israel, không phải vì tổn thất hay không bắt được Arafat, mà là đã hủy hoại danh tiếng ”bất khả chiến bại” của IDF lúc đó.

Với người Arab, trận Karameh là chiến thắng đầu tiên của họ trước Israel, khiến khắp nơi người ta nức lòng. Lãnh đạo Ai Cập Nasser thậm chí tuyên bố ”thời khắc cuối cùng của Israel đã điểm”. Nhưng ở giữa lòng chiến thắng, mâu thuẫn lại nảy sinh.

Chiến thắng ở Karameh lại dẫn theo một loạt các yêu sách của người Palestine, bị Jordan coi là vô lý, nhưng lại bị liên đoàn Arab bắt thực hiện. Theo đó du kích Palestine yêu cầu Jordan phải cho họ đi sâu hơn vào nội địa. Sau đó, họ yêu cầu Jordan cho hơn 50.000 tình nguyện viên Palestine từ Syria, Lebanon được đi vào Jordan để đến các căn cứ du kích. Tiếp tục, họ lại bắt Jordan cho Syria, Iraq mở căn cứ huấn luyện du kích Palestine ngay trong lãnh thổ Jordan. Ở trong các trại này, năm 1970 Trung Quốc đã điều máy bay chở xe tăng sang Jordan tặng cho quân Palestine. Kèm theo đó là hàng trăm nghìn quyển ”Mao chủ tịch lục ngữ” được mang đến tay du kích PLO. Các nước Arab sau trận Karameh cũng quyên góp được 1 triệu USD ủng hộ cho du kích Palestine, nhưng người Jordan không được một xu nào.

Jordan lẽ ra không thể nào chấp nhận yêu sách trên. Nhưng vì các nước Arab ép họ buộc phải thực hiện, nên dù đồng ý nhưng sự bất mãn của người Jordan đã lên đến đỉnh điểm. Giờ đây họ không khác gì chủ nhân bị đá khỏi ngồi nhà của chính mình, ngồi xem kẻ khác đùa giỡn trong đó. Vì vậy từ năm 1970, vua Hussein của Jordan bắt đầu tính chuyện ”cứng” với Palestine và các nước Arab khác.

*Thỏa thuận 7 điểm

Tháng 11 năm 1968, vua Hussein của Jordan ra lệnh thiết lập lại trật tự ở các trại Palestine, bắt đầu bằng việc tấn công các nhóm tội phạm vũ trang người Palestine. Nhiều nhóm vũ trang bị bất ngờ trước sự cứng rắn của vua Hussein, đã xin hạ vũ khí. Các nhóm này bị vua bắt ký vào một ”Thỏa thuận 7 điểm” gồm các điều khoản giới hạn hoạt động của quân Palestine ở Jordan.

Duy chỉ có PLO của Arafat là không chịu ký. Do nhóm này lớn mạnh nhất, lại được Syria, Ai Cập, Trung Quốc chống lưng, nên cho rằng Jordan sẽ không dám làm gì họ. Quả nhiên, dù PLO bác bỏ thỏa thuận 7 điểm, nhưng Jordan vẫn chịu áp lực và bao vây bởi khối Arab, không cho họ đụng vào du kích Palestine. Vua Hussein biết được thế yếu của mình nên đã tìm thêm đồng minh mới: Hoa Kỳ.

Tháng 3 năm 1969 vua Hussein sang Mỹ gặp tổng thống Nixon. Tại đây tổng thống Mỹ bày tỏ ủng hộ nhà vua trong bối cảnh ông bị khối Arab ”quay lưng”. Chính điều này khiến nhà vua tự tin rằng ông sẽ được người Mỹ chống lưng để thực hiện các hành động của mình.

*Sự ngang ngược của quân Palestine và sự bùng nổ chiến tranhSự nghiêng về Mỹ của vua Hussein lại làm cho PLO của Arafat càng thêm cực đoan. Bắt đầu từ năm 1970 Arafat càng lộ rõ ý đồ chống đối Jordan của mình. Không chỉ vậy còn lộ thêm sự thiên tả của tổ chức.Arafat tuyên bố ”Con đường san bằng Tel Aviv phải đi qua Amman (thủ đô của Jordan)”, sau đó tuyên bố ”Biến Amman thành Hà Nội của thế giới Arab”.

Quân Palestine báng bổ các đền thờ Hồi giáo ở vùng chiếm đóng bằng cách treo ảnh Marx, Lenin và các biểu tượng cộng sản lên đó. Người ta miêu tả sự xấc xược của quân PLO:

“Họ lái xe ồn ào quanh Amman trong những chiếc xe jeep với vũ khí nạp đầy đạn, giống như một đội quân chiếm đóng; họ tống tiền các khoản đóng góp tài chính từ các cá nhân, đôi khi là người nước ngoài, tại nhà của họ và ở những nơi công cộng; họ bất chấp các quy định giao thông thường lệ, không đăng ký và cấp giấy phép cho phương tiện của mình và từ chối dừng tại các trạm kiểm soát của quân đội; họ khoe khoang về vai trò định mệnh của họ chống lại Israel và coi thường giá trị của quân đội. Sự hiện diện của họ ở Amman, cách xa chiến trường, dường như là một thách thức đối với chế độ nhà vua”.
Cuối cùng, lên đến đỉnh điểm là sự việc thủ tướng Jordan, Zaid Rifai tố cáo quân Palestine chặt đầu 1 lính Jordan rồi đá bóng với đầu của anh ta.

*Sự ủng hộ của Ai Cập, sắc lệnh 10 điểm và cuộc đối đầu đầu tiên.

Vua Hussein đứng trước lựa chọn khó khăn. Ông biết rằng nếu tấn công quân Palestine lúc này, gần như chắc chắn chuốc lấy việc bị Arab Saudi, Syria, Libya, Iraq,…phản đối, và không gì đảm bảo rằng các nước trên không dám đưa quân vào bảo vệ PLO. Nhưng nếu để quân PLO hoành hành, sớm muộn nhà vua biết ông cũng sẽ bị Arafat đưa lên đoạn đầu đài. Thế nên tháng 2 năm 1970, vua Hussein sang Ai Cập gặp tổng thống Nasser xin tư vấn. Đây chính là bước ngoặt.

Ít ai ngờ là Ai Cập lại ủng hộ vua Hussein cứng rắn hơn với PLO. Quân đội Ai Cập lúc đó là mạnh nhất khối Arab, lớn hơn tất cả quân Arab Saudi, Syria và Libya cộng lại. Sự ủng hộ của Ai Cập đảm bảo chắc chắn cho vua Hussein rằng ông không phải lo ngại Syria nữa. Vậy nên khi vừa trở về, vua Hussein ra tiếp sắc lệnh 10 điểm với quân PLO, bao gồm việc cấm mang vũ khí. Không ngoài dự đoán, Arab Saudi, Libya và Kuwait công khai phản đối Jordan và gửi tiền đến cho PLO. Nhưng với sự ủng hộ của Mỹ và Ai Cập, vua Hussein mạnh mẽ chặn tất cả số tiền này.

Để thể hiện thêm nữa sự ủng hộ cho Jordan, Mỹ ép Israel rút quân khỏi biên giới Jordan tháng 6 năm 1970. Nhưng cũng trong tháng 6 này, máu đã đổ.

Ngày 7 tháng 6 năm 1970, một đoàn xe thiết giáp của Jordan bị phục kích giết toàn bộ. Ngày hôm sau Tổng cục Tình báo Jordan bị đánh bom. Vua Hussein đến thăm tổng cục tình báo, trên đường đi xe của vua bị phục kích giết chết tài xế.

Ai cũng biết quân PLO của Arafat làm điều này. Họ đưa cả hỏa tiễn Ka-chiu-sa của Liên Xô vào Amman. Quân đội Jordan quá yếu vào lúc đó so với quân PLO được trang bị hiện đại không kém gì quân đội Ai Cập. Các bộ trưởng của Hussein vội vã khuyên ông nên ngừng bắn để tránh cho Amman khỏi một cuộc tắm máu. Cuối cùng sau khi 300 người đã chết, một lệnh ngừng bắn được thực thi giữa vua Hussein và Arafat, với thế yếu thuộc về nhà vua.

Cuộc tấn công tháng 6 làm chấn động thế giới Arab. Nasser của Ai Cập phải tức tốc gọi điện cho Gaddafi của Libya để sắp xếp ngay lập tức một cuộc hòa giải giữa Jordan và PLO. Dù tốn hết công sức của Nasser và Gaddafi, cuộc hòa giải bó tay trước sự kiêu ngạo của Arafat. Lúc này thế giới người ta đã nghĩ đến khả năng chính quyền quân chủ của Jordan sẽ sụp đổ. Henry Kissinger , cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon, đã đưa ra đánh giá sau đây về các sự kiện ở Jordan:

”Thẩm quyền và uy tín của chế độ quân chủ sẽ tiếp tục suy giảm. Uy tín quốc tế của Jordan sẽ bị tổn hại hơn nữa … Tự do hành động lớn hơn của PLO chắc chắn sẽ dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng hơn về lệnh ngừng bắn ở Thung lũng Jordan … Vua Hussein sẽ đối mặt với một tương lai chính trị không chắc chắn”.

Ngày 15 tháng 8 năm 1970, Arafat tuyên bố rõ ràng: ”Amman sẽ là Hà Nội của cuộc cách mạng Arab!!!”.

3/ Tháng 9 đen – sự bội phản.

*Vụ không tặc Dawson.

Nói về những gì diễn ra năm 1970 ở Jordan, có thể người ta không biết về những cuộc chiến đẫm máu trên đường phố Amman, nhưng chắc chắn thế giới đều biết về một sự kiện: vụ không tặc Dawson.

Ngày 6/9/1970, các tay súng Mặt trận giải phóng nhân dân Palestine (PFLP) khống chế 4 máy bay khi đang di chuyển đến New York và London. Họ ép phi cơ hạ cánh tại cánh đồng Dawson, một sa mạc gần Zarka, Jordan.

Toàn bộ 310 hành khách được trả tự do nhưng họ giữ lại những người Do Thái và thành viên phi hành đoàn gồm 56 người. PFLP dọa giết con tin và cho nổ tung các máy bay nhằm đổi lấy sự tự do của Patrick Arguello và Leila Khaled đang bị giam ở Thụy Sĩ vì tội cướp máy bay. Patrick Arguello là người Cộng sản Nicaragua sang đánh thuê cho PLO, còn Leila Khaled là nữ không tặc đầu tiên trên thế giới.

Sau một loạt nỗ lực đàm phán và trả tiền chuộc, các con tin được thả ra, nhưng máy bay bị cho nổ tung trước mặt phóng viên quốc tế. Đến nay, vụ không tặc Dawson vẫn là một trong những vụ cướp may bay táo tợn nhất thế giới. Còn vua Hussein gọi đây là ”cọng rơm cuối cùng trên lưng lừa” (một câu ngạn ngữ Arab – gần giống như ”giọt nước tràn ly”).

*Jordan quyết định nổ súng.

Ngày 15 tháng 9, vua Hussein triệu tập một cuộc họp với các cố vấn. Tại đây, những người ôn hòa nhất của Hussein cũng đã hết kiên nhẫn với PLO. Họ đều khuyên vua hãy tấn công quân của Arafat. Họ tính toán rằng sẽ cần 3 ngày để chiếm lại các thành phố bị PLO bủa vây.

Ngày 17 tháng 9, quân đội Jordan chính thức nổ súng – mở đầu cho sự kiện tháng 9 đen.
Ban đầu quân Jordan vẫn khá yếu, do họ không được nước ngoài hỗ trợ như PLO. Đến ngày 20, 3 ngày sau sự kiện các nước Arab yêu cầu ngừng bắn. Nhưng vua Hussein biết rõ ông không còn đường lùi, tuyên bố ”không bán rẻ đất nước thêm nữa”.

*Quân Syria can thiệp, Mỹ-Israel ra tay cứu JordanLo ngại số phận của PLO, Syria đã đi tiên phong gửi quân vào Jordan hỗ trợ Arafat. Ngày 18/9/1970, một đoàn quân hơn 300 xe tăng Trung Quốc của Syria tiến về thành phố Irbid của Jordan, nơi PLO tuyên bố ”giải phóng”. Lực lượng này thuộc Sư đoàn 5 bộ binh quân đội Arab Syria.

17.000 quân thuộc Sư đoàn thiết giáp số 3 quân đội Iraq đến biên giới Jordan, khiến lữ đoàn 99 quân đội Jordan phải ở lại để đề phòng người Iraq. Nhưng cuối cùng không có cuộc đối đầu Jordan-Iraq nào diễn ra.

Đêm 19 rạng sáng 20 tháng 9 năm 1970, vua Hussein đích thân gọi điện cho ngoại trưởng Mỹ Kissinger, nói rằng ”tình hình xấu đi nghiêm trọng sau sự xâm lược của Syria”.

Kissinger hiểu ý Hussein. Ngay trong ngày hôm đó Hạm đội 6 Hải quân Hoa Kỳ ồ ạt tiến về phía Đông Đại Trung Hải áp sát bờ biển Syria. Đến chiều cùng ngày, máy bay của Israel quần thảo quanh thủ đô Damascus trong sự bất lực của phòng không Syria. Đó là lời cảnh báo đanh thép: Syria đừng manh động!!.

Bị bối rối bởi sự có mặt của Hoa Kỳ sát bờ biển, quân đội Syria hoàn toàn chịu trận trong cuộc không kích của Jordan chiều muộn ngày 22 tháng 9. Tại đây sau khi 70 lính chết trận, sư đoàn 5 của Syria đã vội vã rút lui về biên giới.

Bị bỏ rơi, quân PLO chịu trận. Hơn 2000 tay súng bị quân đội Jordan tiêu diệt, hàng nghìn tay súng khác bị bắt. Arafat không còn cách nào khác phải ngừng bắn chịu đàm phán, điều mà ông đã bác bỏ một cách kiêu ngạo trước kia.

*Cuộc hòa giải ở Ai Cập và cái chết của Tổng thống Nasser.

Các nước Arab họp tại Cairo, Ai Cập ngày 26/9/1970, bàn về vấn đề Jordan. Tại đây, Arafat đọc một diễn văn lên án quân Jordan tàn sát người Palestine. Tuy nhiên, những gì ông nhận lại, là sự cười khẩy của các lãnh đạo trước kia từng ủng hộ mình. Lẽ ra Arafat nên đồng ý ký thỏa thuận hòa bình từ trước kia.

Ngày 27 tháng 9 năm 1970, thỏa thuận ngừng bắn hòa bình giữa Jordan và Palestine được ký kết do Tổng thống Ai Cập Nasser làm trung gian. Nhưng ngày hôm sau, tổng thống Ai Cập bất ngờ qua đời vì đau tim, kết thúc cuộc đời của người anh hùng hiện đại của đất nước Ai Cập.

4/ Kết quả sau Tháng 9 đen

*Thương vong

Arafat tố cáo Jordan đã giết 25.000 người Palestine, nhưng con số thực tế khoảng 3.000 người. Jordan có 537 lính chết. Syria có 600 người thương vong.

*Ảnh hưởng-Jordan:

sau tháng 9 đen Jordan tiến hành chiến dịch thanh lọc trong chính quyền. Toàn bộ các nhân vật thân Palestine bị loại bỏ, thay bằng những người cứng rắn hơn. Mặt khác, điều này khiến Mỹ và phương Tây ấn tượng với nhà vua, nên gửi cho Jordan 40 triệu USD viện trợ.
-Các vụ trả thù của Du kích Palestine

+ Ngày 28/11/1971, một nhóm du kích PLO ám sát thủ tướng Jordan Wasfi Tal tại Cairo, Ai Cập.+Năm 1972, một nhóm du kích lấy tên ”Tháng 9 đen” đã gây ra vụ thảm sát tại Olympic Munich, Tây Đức, giết 11 người Israel và 1 cảnh sát Đức.+Năm 1982, tổng thống Ai Cập kế nhiệm Nasser là Al-Sadad bị những kẻ khủng bố ám sát. Kẻ chủ mưu xác định là Khālid al-Islāmbūlī, một kẻ cực đoan Hồi giáo. Nhưng có thuyết âm mưu cho tên này nhận lệnh hoặc từ Gaddafi của Libya, hoặc từ Arafat của Palestine để trả thù cho sự ủng hộ của Ai Cập với Jordan.

 – Ảnh hưởng lên Lebanon:

Sau tháng 9 đen, PLO bị Jordan trục xuất. Khối Arab quyết định cho PLO đến Lebanon lập căn cứ. Tuy nhiên lại ”ngựa quen đường cũ”, PLO tiếp tục làm loạn Lebanon dẫn đến nội chiến ở nước này năm 1975. Sau nhiều năm nội chiến, với sự can thiệp từ vô số nước, Lebanon bị Syria chiếm đóng, còn PLO lại bị trục xuất đến Tunisia. Nhưng bắt đầu từ đây, các lãnh đạo của PLO đã tuyên bố từ bỏ con đường đấu tranh bạo động, theo đuổi con đường ôn hòa. Từ đó, PLO mới bắt đầu có lại sự ủng hộ của các nước Arab và thế giới.

Cuối cùng, trả lời cho câu hỏi : Tại sao Israel không hẳn là bị bao vây?

Câu trả lời là dù trên mặt địa lý, Israel vây quanh bởi các nước Arab. Nhưng về địa chính trị, hai nước có biên giới dài nhất với họ là Jordan và Ai Cập lại không phải là hai nước thù địch họ, thậm chí còn công nhận họ. Ngoài ra, một gã khổng lồ khác trong khu vực cũng công nhận Israel là Thổ Nhĩ Kì. Vậy nên khi nhìn vào bản đồ ngoại giao Israel, có thể thấy xuất hiện một ”vùng đệm” gồm Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ cho Israel khỏi vòng vây các nước thù địch bên ngoài. Những mối quan hệ trên đảm bảo cho Israel một vị thế không quá hiểm nghèo. Nếu biên giới của Israel thay vì Ai Cập là Libya, thay vì Jordan là Arab Saudi, mọi chuyện có thể đã rất khác.

4

Bản đồ các mũi tấn công của Syria vào Jordan tháng 9 năm 1970

5

Vua Hussein của Jordan tuyên chiến trên truyền hình

6

Hiện trường vụ thảm sát vận động viên Israel tại Munich, Đức do tổ chức khủng bố ”Tháng 9 đen” thực hiện.

7

Bản đồ các mũi tấn công của Syria vào Jordan tháng 9 năm 1970

8

 Máy bay bị không tặc cho nổ tung tại cánh đồng Dawson, Jordan tháng 9 năm 1970.

33

Quân Jordan khám xét xe tăng Syria bị phá hủy

 


Tham khảo sách:Lion of Jordan: The Life of King Hussein in War and Peace (Avi Shlaim)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen