Seite auswählen
  • 28 tháng 2 2020
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ Ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và nhiều bậc tu hành trong giáo hội Phật giáo Việt Nam cận hiện đại qua lịch sử đã để lại di sản “chấn hưng Phật giáo” hết sức quan trọng và đáng để các thế hệ sau tiếp nối, các ý kiến từ giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và tôn giáo Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Hôm 27/02/2020, nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Xuân Kiên từ London nói với một Hội luận chuyên đề đặc biệt bàn về di sản của cố Đệ Ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người viên tịch ngày 22/2 tại Sài Gòn, trụ thế 93 năm:

“Tôi rất quan tâm đến vấn đề di sản của Thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ những Thiền sư Việt Nam ở miền Nam đã tiếp nối sự nghiệp chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930-1940 trước đây – thế hệ các nhà sư rất thông tuệ của Việt Nam, cụ thể là từ miền Trung vào miền Nam đã dẫn đến những phương hướng hoạt động rất là khởi sắc của Phật giáo Việt Nam suốt từ năm 1963.

“Đã có rất nhiều sự hiểu lầm về con đường Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, nhưng tôi nghĩ đọng lại điều lớn nhất mà các thầy suốt từ thời kỳ đấu tranh 1963 trở về sau.

“Thì các thầy của thế hệ Thiền sư Việt Nam sau năm 1963 đã xây dựng được nền tảng trong sự phát triển Phật giáo rất là tốt.

“Rồi thì bị cuộc chiến làm cho trở ngại, các thầy phải nhảy vào cuộc đấu tranh cho hòa bình mà chúng ta có thể xem lại điều mà thầy Nhất Hạnh viết trong “Hoa sen trong biển lửa”, để thấy sự gian khổ của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong thời chiến tranh như thế nào.

Hòa thượng Thích Không Tánh bình luận về tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

“Đến sau khi hòa bình lập lại, thì tưởng rằng có thể xây dựng lại đất nước trong hòa bình, có một đời sống tâm linh sâu sắc, thì người Cộng sản đã có một hành động hơi duy ý trí, đã thúc ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải quy phục tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

“Thì điều đó có nhiều uẩn khúc mà sau này lịch sử sẽ phải giải mã, nhưng mà tôi muốn để ‎ý một chuyện là nó trái ngược với tinh thần thoáng đạt, nó trái ngược với tinh thần đa nguyên của các thầy lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX.

“Vì thế cho nên nó xảy ra những xung đột, những mâu thuẫn, mà rồi nhà nước đã dùng quyền lực toàn trị của mình đem lại cho quần chúng Việt Nam những ấn tượng rất tiêu cực về hình ảnh một số nhà lãnh đạo Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

“Cụ thể là những bài báo vớ vẩn, những bài báo rất hỗn láo về thầy Quảng Độ trong suốt thời gian mấy chục năm thầy tù đầy, tù tội, một cách rất là oan khốc.

“Thì mặc dù chúng ta trân trọng sự vô úy của thầy, nhưng mà chúng ta cũng thấy như Tiến sỹ, Giáo sư Thái Kim Lan nói – nó không có công bằng đối với một nhà tu chân chính như thầy Quảng Độ.

“Vì vậy tôi mới nghĩ rằng di sản của thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ của những Thiền sư Việt Nam là làm sao chấn hưng lại được đời sống tâm linh mà người Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị phải nói là tha hóa.

“Phải chấn hưng lại đời sống tâm linh đúng theo tinh thần của Phật giáo mà các thầy muốn xiển dương.

Câu hỏi lớn và con đường sắp tới?

Cho rằng vấn đề trên vừa là di sản, đồng thời là câu hỏi lớn cho Phật giáo Việt Nam các thế hệ tiếp nối tương lai phải tìm câu trả lời, tìm đường, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ London nói tiếp:

“Thì đây là một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các thế hệ Phật tử, thế hệ trí thức sắp tới và cũng là vấn đề đặt ra cho các thầy của hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Nó là một câu hỏi rất lớn mà tôi cũng xin trình bày ý kiến của tôi ở đây về vấn đề đường hướng sắp tới cho Phật Giáo Việt Nam.

“Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói rất chính xác là “con đường nào cũng là con đường Như Lai”, nhưng mà con đường Như Lai phải là một con đường tự tại, chứ không phải là một con đường do sự sai khiến, sự ép buộc, sự ép uổng.

“Cho nên tôi nghĩ là trong thời gian sắp tới, các thầy trong hai Giáo hội nên có điều kiện để ngồi lại, có cái tinh tấn để nhìn lại hành trình của Phật giáo Việt Nam để mà khôi phục con đường Phật giáo.

“Chú trọng đến con đường tâm linh sâu sắc, chứ không phải là một thứ phẩm tôn giáo rất nặng phần mê tín mà chúng ta thấy nhan nhản từ Nam ra Bắc hiện nay,” ông Đoàn Xuân Kiên nêu quan điểm.

Bình luận về ý kiến trên, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với cuộc Hội luận.

“Tôi nhất trí ý này với ông Đoàn Xuân Kiên. Tức là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch trong một bối cảnh mà Phật giáo Việt Nam và giới tu hành Việt Nam, cũng như là chùa chiền Việt Nam đang có những điều rất đáng buồn và đáng xấu hổ nữa.

“Chúng tôi nghĩ rằng sự viên tịch của ngài Thích Quảng Độ để lại một di sản như vậy, đồng thời cũng sẽ là một lời nhắc đối với những người nào còn nghĩ tới Phật pháp, còn nghĩ tới Đạo pháp, đến dân tộc và đến đất nước, thì cũng sẽ có những giây phút và sẽ suy ngẫm.

“Để rồi có thể cùng nhau gây dựng lại Phật giáo Việt Nam và chấn hưng nó theo con đường thời Lý – Trần của tổ tiên chúng ta.”

Từ Huế, nhà nghiên cứu triết học và Phật giáo, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan, đưa ra bình luận của mình sau khi các ý kiến trước đó, bà nói:

“Những ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Diện và nhà nghiên cứu Đoàn Xuân Kiên, tôi nghĩ là rất quý báu. Có lẽ tôi chỉ thêm một chút về tính cách thống nhất Phật giáo, mà có lẽ qua thầy Thích Quảng Độ, đối với chúng tôi, sự xuất hiện của thầy Thích Quảng Độ trong thời gian những thập nhiên ở thế kỷ XX hay và đẹp lắm.

“Ở chỗ đây là một vị tu sỹ người Bắc vào trong Nam và tinh thần Phật Giáo Việt Nam ở Bắc, đó là nguồn, là cái gốc và chính các vị đại lão ở miền Trung, cũng như ở trong Nam đều nhìn hình ảnh Phật giáo ngoài Bắc giống như là cái gốc của mình.

“Thì tôi nghĩ sự có mặt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong không gian Việt Nam này là một tiêu biểu để cho sự thống nhất việc Phật giáo Nam – Trung – Bắc có đầy sức sống và mãnh lực.

“Bởi vì chúng ta phải nhớ là đời Trần, đời Lý, Phật giáo là biểu tượng và sức mạnh giành lại độc lập, giữ lại độc lập cho Việt Nam, bởi vậy thành thử hình ảnh của thầy rất đẹp ở trong tâm tưởng của chúng tôi.

“Và tôi nghĩ rằng việc này, Phật tử cũng như mọi người nếu khác ý kiến cũng nên suy nghĩ lại để chúng ta thấy là Phật giáo Việt Nam nên là một, để nó có sức mạnh hơn,” bà Thái Kim Lan nói với BBC.

 

 

‘Thầy Quảng Độ là bậc tu hành bất khuất vì đạo pháp’

  • 26 tháng 2 2020
Thích Quảng Độ là tiếng nói bất khuất phản kháng lại các chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước.Bản GETTY IMAGES Thích Quảng Độ là tiếng nói bất khuất phản kháng lại các chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước.

Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng thống và là lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viên tịch tối ngày 22/2/2020 tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi.

Ngài sinh ngày 27/11/1928 tại xã Nam Thanh, huyện Từ Hải, Thái Bình với tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ.

Cái chết của Thầy Quảng Độ sẽ để lại một khoảng trống lớn cho hàng giáo phẩm giáo hội phật giáo độc lập, giữa lúc đang có những bất hoà nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong những năm gần đây, sau các Giáo chỉ số 9 và số 10 được lãnh đạo giáo hội ban hành.

Quyết định của Thầy Quảng Độ năm 2013 qua Giáo chỉ Số 10 trong việc chấn chỉnh sinh hoạt của giáo hội trong nước cũng như tại hải ngoại khiến một số thượng toạ không đồng ý và đã lập ra một cơ cấu tổ chức khác hoạt động độc lập với giáo hội, là Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đã chọn Hoà thượng Thích Thiện Hạnh từ Huế làm người đứng đầu.

Phật giáo sử Việt Nam đã ghi nhận thời Lý Trần là giai đoạn hưng thịnh của đạo Phật. Ngược lại từ thập niên 1950 cho đến nay Phật giáo tại Việt Nam đã trải qua nhiều cơn sóng gió.

Sau năm 1954, khi đất nước chia đôi thì sinh hoạt của các tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng bị nhiều giới hạn ở miền Bắc và gần như im lặng dưới chế độ cộng sản.

Tại miền Nam, Phật giáo đã gặp những thử thách vào thập niên 1960, nhiều thượng toạ đã lên tiếng đòi tự do, bình đẳng trong sinh hoạt tôn giáo qua các chế độ Việt Nam Cộng hoà. Những biến động tại miền Trung, với sự nổi dậy của Phong trào tranh đấu Phật giáo và nhiều nhà sư tự thiêu đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963.

Lịch sử của đạo Phật khi vào đến Việt Nam có bắc tông đại thừa và nam tông tiểu thừa nên tuy cùng một tôn giáo nhưng có sinh hoạt riêng biệt. Với mục đích thống nhất các hoạt động, đầu năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức ra đời. Trong hơn mười năm sau đó Phật giáo tại miền Nam đã được sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và các thầy Thiện Hoa, Trí Quang, Tâm Châu, Tâm Giác, Huyền Quang.

Tuy nhiên vì thời cuộc lúc bấy giờ, khi các lãnh đạo tôn giáo quan tâm đến tình hình chính trị, đến phát triển tôn giáo, xã hội và có những đường lối khác biệt nên sinh hoạt của Phật giáo tại miền Nam chia làm hai hệ phái là Viện Hoá đạo do thầy Tâm Châu đứng đầu và Ấn Quang với thầy Trí Quang lãnh đạo. Thầy Quảng Độ khi đó làm Tổng Thư ký Viện Hoá đạo.

Sau ngày 30/4/1975 Việt Nam được thống nhất dưới chế độ cộng sản thì Phật giáo, cũng như các tôn giáo khác, bị đàn áp và ngăn cấm hoạt động. Nhiều chùa không còn được tự do sinh hoạt đạo pháp, các cơ sở giáo dục và xã hội bị nhà nước thu hồi hoặc đóng cửa.

Cuối năm 1975 đã có vụ tự thiêu của 12 tăng ni và Phật tử tại chùa Dược Sư ở Cần Thơ để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước cộng sản.

Giáo hội lên tiếng đòi tự do tôn giáo thì lãnh đạo như các Thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Minh bị bắt giam, bị kết án tù. Thầy Thiện Minh chết trong tù năm 1978.

Năm 1981 nhà nước cho ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thường được biết đến là “giáo hội quốc doanh” vì đứng trong Mặt trận Tổ quốc, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Nhà nước cũng đặt sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật.

Các tu sĩ gia nhập giáo hội nhà nước thì được hưởng những quyền lợi, chùa chiền các ngài trụ trì được phép sinh hoạt. Các ngôi chùa này đã phải đục bỏ hai chữ “Thống Nhất” có từ nhiều năm trên cổng chùa, để chỉ còn tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Những ai không gia nhập giáo hội nhà nước và phản đối thì bị đàn áp hoặc ngăn cấm sinh hoạt phật sự. Năm 1982 Thầy Huyền Quang bị đưa về tại giam lỏng ở Quảng Ngãi, thầy Quảng Độ bị đưa về nguyên quán ở thôn Đoài, Thái Bình.

Hai thầy là tiếng nói bất khuất tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy bị cấm hoạt động, nhưng vẫn thường xuyên lên tiếng tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam. Tháng 5/1993 đã có một cuộc biểu tình tại chùa Linh Mụ, Huế với hàng vạn phật tử tham gia đòi tự do tôn giáo.

Giáo hội lên tiếng kêu gọi giúp đỡ nạn nhân thiên tai, tổ chức đi cứu trợ lũ lụt thì bị ngăn cấm, thầy Quảng Độ tiếp tục bị kết án tù.

Trước quan tâm của quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam, dịp Quốc Khánh 1998 Hà Nội đã ban hành lệnh đặc xá để thầy Quảng Độ rời Thái Bình ra nước ngoài sinh sống nhưng ngài không muốn đi.

Về lại Sài Gòn, ngài trụ trì tại Thanh Minh thiền viện ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên đó cũng là hình thức tiếp tục giam lỏng vì ngài bị hạn chế đi lại, công an canh gác không cho ngài được tự do gặp gỡ chư tăng, tín hữu.

Năm Phật lịch 2544, tức năm 2001, thầy Quảng Độ lại lên tiếng đòi nhà nước cải cách chính trị để đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam. Bản lên tiếng viết:

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhận định rằng: Để đối trị xu thế độc đảng và chuyên quyền, cần hình thành một liên minh dân tộc bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo làm nền tảng cho một chính quyền dân chủ đa nguyên.”

“Cụ thể là bỏ điều 4 trên Hiến pháp hầu xác định vị trí tối thượng của văn hóa và tư tưởng Việt khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, đồng lúc tạo cơ sở cho sự hình thành và ra đời của liên minh dân tộc này.”

“Để đối trị chế độ độc tài toàn trị, cần thực thi toàn vẹn những công ước quốc tế liên hệ đến nhân quyền, đến các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết, tham gia…”

Luôn lên tiếng tranh đấu cho sự độc lập giữa giáo hội và nhà nước, cho tự do tôn giáo trong tinh thần ôn hoà nên tiếng nói của thầy Quảng Độ gây chú ý quốc tế. Năm 2006 thầy được trao giải Thorolf Rafto của Na-Uy và từ chối đi nhận vì e ngại nhà nước không cho trở về. Nhiều lần ngài cũng được đề cử cho Giải Nobel Hoà bình.

Năm 2013, sau khi tách khỏi sự lãnh đạo của thầy Quảng Độ, Tăng đoàn Giáo hội dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Thiện Hạnh cũng chủ trương bảo vệ quyền sinh hoạt tôn giáo độc lập với nhà nước. Dịp tết vừa qua Tăng đoàn có tâm thư, do Hoà thượng Thích Viên Định ký, lên tiếng cảnh tỉnh người dân Việt về hiểm hoạ từ Trung Quốc qua những hoạt động trên Biển Đông và những đặc khu kinh tế.

Thư Xuân 2020 của Tăng đoàn nêu lên những ý nguyện sau:

“Trước thềm năm mới, Tăng Đoàn GHPGVNTN thiết tha kêu gọi Phật tử và Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước thức tỉnh và ưu tư về hiện tình lâm nguy của đất nước.”

“Kêu gọi các nước dân chủ, tự do tích cực vận động và áp lực mạnh mẽ buộc Nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền giúp người dân Việt có cuộc sống văn minh an ổn.”

“Rất mong Nhà cầm quyền Việt Nam sớm thức tỉnh, từ bỏ chế độ độc tài độc đảng, chuyển sang thể chế tự do, dân chủ, đa nguyên, thả các tù nhân lương tâm, các nhà báo độc lập, các bloggers, các nhà hoạt động vì môi trường…, để đoàn kết toàn dân cùng nhau bảo vệ và phát triển đất nước.”

Trước khi viên tịch, thầy Quảng Độ để lại di chúc chuyển quyền lãnh đạo tạm thời cho Hoà thượng Thích Tâm Liên xử lý thường vụ Viện Tăng thống cho đến khi có đại hội bầu chọn Đệ Lục Tăng thống để lãnh đạo giáo hội.

Giới quan sát biết rằng thầy Quảng Độ không chấp nhận sinh hoạt tôn giáo theo cách “xin, cho” và không đồng ý với những ai thoả hiệp với nhà cầm quyền để nhận những ưu đãi, đặc quyền từ phía nhà nước.

Năm 2018 nhà nước tìm cách ép buộc ngài rời Sài Gòn về lại thôn Đoài, tỉnh Thái Bình. Thầy Quảng Độ phải rời Thanh Minh Thiền viện trở lại miền Bắc, nhưng chỉ vài tuần thì tự chuyển nơi cư trú vào Sài Gòn, sống trong chùa Từ Hiếu ở Quận 8 cho đến ngày viên tịch.

Qua cuộc đời, thầy Quảng Độ không chỉ là tiếng nói phản kháng lại các chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước, ngài còn là một học giả uyên thâm về đạo Phật với nhiều tác phẩm nghiên cứu và biên soạn để lại.

Không còn tiếng nói bất khuất của Hoà thượng Thích Quảng Độ, nội tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có sẽ còn mạnh để lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo cho Việt Nam và bảo vệ được sự độc lập với nhà nước trong các sinh hoạt tôn giáo, khi mà đạo pháp ngày một suy đồi giữa những ngôi chùa được dựng lên, tuy nguy nga hoành tráng nhưng thực ra chỉ là những tụ điểm du lịch hơn là nơi tín đồ đến để thờ phượng, cầu nguyện hay tu tập theo Phật pháp.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen