Seite auswählen

Thư từ Mỹ : Cô Vi làm người Việt lên cơn sốt rét

 

Một người trên đường phố San Francisco hôm 26/3/2020BUI VAN PHU Một người trên đường phố San Francisco hôm 26/3/2020

Hai tuần qua ở nhà suốt, vì trường tôi đóng cửa sớm nhất trong vùng, từ ngày 11/3. Những ngày qua chỉ ra sân khi trời nắng và một lần đi chợ mua thực phẩm.

Hôm đó trước cửa siêu thị có người xếp hàng dài ra đến bãi đậu xe, đúng tiêu chuẩn Cô Vi, mỗi người cách nhau 2 mét. Rồi loa phát thanh thông báo ai trên 60 tuổi không phải xếp hàng, được vào chợ ngay. Tôi không còn ở tuổi U60, nên mau lẹ vào mua bánh mì, patê, phô-ma, ít cây trái và rau.

Hôm qua 26/3, sau mấy hôm trời âm u và mưa, có nắng lên nên tôi quyết định lái xe một vòng qua San Francisco xem tình hình thế nào với lệnh cấm ra khỏi nhà.

Trên xa lộ xe chạy với vận tốc tối đa vì lưu lượng rất thưa. Nhiều bảng điện tử trước đây ghi số phút từ nơi này đến nơi kia, hôm nay chạy hàng chữ nhắc nhở rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm Covid-19.

Trạm thu phí qua cầu không còn người làm việc. Lệ phí thanh toán bằng máy có trong xe, còn không giấy tính tiền sẽ được gửi về nhà. Cơ quan thu phí muốn tránh giao tiếp với người lái xe, tránh chạm vào những đồng tiền có thể làm lây lan bệnh dịch.

Lưu thông vắng hơn cả chiều Chủ Nhật hôm đầu tháng trước, khi có trận Super Bowl. Chạy trên xa lộ đoạn đường 20 dặm mà không phải dừng chỗ nào, cho đến khi vào thành phố có đèn xanh đỏ.

Xa lộ Interstate 280 dẫn vào thành phố San Francisco vắng tanh hôm 26/3 JUSTIN SULLIVAN/GETTY IMAGES Xa lộ Interstate 280 dẫn vào thành phố San Francisco vắng tanh hôm 26/3

Chưa bao giờ San Francisco vắng vẻ như hôm nay, kể cả sau trận động đất tháng 10/1989 hay trong thời gian khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Trưa thứ Năm, trước toà thị chính có vài người tản bộ như đang tập thể dục, dăm bảy người không nhà nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh.

Đường Larkin nơi khu Little Saigon vắng lặng. Hầu hết cửa hàng dịch vụ và thức ăn Việt đóng cửa. Chỉ có bánh mì Lee’s bán cho khách mang về. Trong tiệm quầy hàng cũng hết chỉ còn ít thức ăn nhanh. Giá cả, như ruốc cũng tăng lên.

Phố Tầu San Francisco không một bóng người BUI VAN PHU Phố Tầu San Francisco không một bóng người

Con đường Embarcadero dọc theo bờ vịnh từ bến phà tới Pier 39 lác đác vài khách bộ hành và xe chạy. Có cặp tình nhân vẫn nắm tay nhau dung dăng dưới bầu trời nắng đẹp.

Phố Tầu vắng lặng, không một bóng người. Như Vũ Hán hôm tết vừa qua. Lồng đèn đong đưa cùng cờ Trung Quốc phất phơ theo gió.

Khu tài chính thương mại yên lặng như chưa bao giờ thấy, dù thị trường chứng khoán vẫn mở cửa giao dịch.

Trung tâm mua sắm Union Square lác đác vài người đứng ngồi nơi quảng trường. Mấy cửa hàng bị trộm đập cửa kính đã có ván ép bao bọc.

Tiệm bánh mì Lee's mở cửa bán thức ăn cho khách đem về BUI VAN PHU Tiệm bánh mì Lee’s mở cửa bán thức ăn cho khách đem về

San Francisco yên lặng. Cùng nước Mỹ và cả thế giới âm thầm chiến đấu với một kẻ thù vô hình.

Từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng lên tại thành phố Vũ Hán bên Trung Quốc vào cuối tháng 11 năm ngoái, đến nay nó đã làm cho thế giới đảo điên vì chưa biết cách ngăn ngừa hay chữa trị.

Cô Vi đã lan đến gần như mọi quốc gia. Vào nước Mỹ từ đầu năm nay, nhưng trong ba tuần qua cô mới bùng phát khiến cả trăm nghìn người Mỹ bị nhiễm, gần hai nghìn tử vong. Mà con số vẫn chưa dừng ở đó, ngày càng tăng lên.

Nhiều nơi có lệnh cấm ra đường khi không cần thiết. Các đại học đóng cửa, sinh viên chuyển qua học trực tuyến. Hơn 30 triệu học sinh phổ thông hiện nghỉ học dài hạn trong những ngày qua, nhiều nơi như California sẽ kéo dài cho đến đầu tháng 5 và có thể đến hết niên học.

Khu phố thương mại Little Saigon, San Francisco BUI VAN PHU Khu phố thương mại Little Saigon, San Francisco

Tình hình diễn biến liên tục từ ngày 13/3, khi Tổng thống Donald Trump thừa nhận đó là đại dịch. Từ đó, ông và ban tham mưu lo phòng chống bệnh dịch đã có họp báo mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để trình bày hiện tình với quốc dân.

Tổng thống Trump lúc nào cũng tỏ vẻ lạc quan. Ông nói sẽ vượt qua khó khăn này và kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mau chóng. Có thể đến Lễ Phục Sinh 12/4 nhiều nơi sẽ sinh hoạt bình thường trở lại.

Giới chức y tế không tin thế. Các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC thường chỉ trích tổng thống trong ba năm qua thì dự đoán tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, nếu chính quyền không cấm đi lại trên toàn quốc để tránh lây lan.

Người xếp hàng trước siêu thị Berkeley BowlBUI VAN PHU Người xếp hàng trước siêu thị Berkeley Bowl

Nhiều hãng xưởng, dịch vụ đóng cửa. Mọi thứ đình trệ. Chứng khoán đã rớt vài nghìn điểm trong hai tuần qua.

Quốc hội gấp rút soạn thảo ba luật phòng chống Cô Vi, giúp dân và cứu nguy kinh tế Mỹ.

Chiều 27/3 Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, tổng chi 2 nghìn 200 tỉ đôla.

Giới tiểu thương, các hãng hàng không, chủ khách sạn và người thất nghiệp sẽ được trợ giúp tài chánh.

Fisherman's WharfJUSTIN SULLIVAN/GETTY IMAGES Quang cảnh từ trên cao khu Fisherman’s Wharf, nơi thường thu hút nhiều du khách, ở San Francisco. Hình chụp ngày 26/3

Dân cũng được giúp. Một gia đình với vợ chồng và hai con nhỏ, nếu tổng số lương năm ngoái hay năm trước nữa là dưới 150 nghìn đô, sẽ nhận được 3400 đô trợ cấp. Những gia đình có thu nhập cao hơn 198 nghìn đô không được nhận trợ cấp.

Với ba luật vừa ban hành, phục hồi kinh tế lâu hay mau thời gian sẽ trả lời. Về y tế thì khẩn cấp nhất là tìm ra thuốc chữa bệnh. Cùng lúc đi tìm thuốc chủng ngừa cho tương lai.

Tổng thống Trump đã nhắc đến liều thuốc Chloroquine chung với thuốc kháng sinh Azithromycin có thể chữa được bệnh là “một món quà Trời cho” sẽ làm thay đổi cuộc chơi – game changer. Ông Trump lạc quan tin tưởng nếu dùng chung hai loại thuốc này sẽ chữa khỏi bệnh, nên không mất gì nếu thử dùng nó lúc này.

Nhiều người phản đối, chỉ trích ông đóng vai thày thuốc kiểu sơn đông mãi võ.

Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch hôm 27/3GETTY IMAGES Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch hôm 27/3

Chloroquine là thuốc trị bệnh sốt rét đã được dùng từ nhiều năm qua, nhưng phải theo toa bác sĩ.

Bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền nhất về phòng chống bệnh dịch tại Hoa Kỳ và thường xuất hiện bên cạnh tổng thống và phó tổng thống trong những ngày qua thì lại cẩn trọng hơn. Ông nói là chưa có đủ số liệu để đưa tới kết luận là thuốc trị sốt rét có hiệu quả trong việc trị cúm Cô Vi.

Cho đến nay nhiều nơi trên thế giới đang thử nghiệm có đến trên 50 loại thuốc khác nhau. Phương pháp trị liệu mà ông Trump đề cập tới và đang được thử nghiệm cho nhiều bệnh nhân ở New York chỉ là một trong số đó.

Phát biểu của Tổng thống Trump đã làm sôi nổi lên những chỉ trích cho rằng ông ăn nói cẩu thả trong lĩnh vực không phải chuyên môn của mình. Những chỉ trích đó hoàn toàn đúng, ông nên để giới chức chuyên môn trả lời những câu hỏi liên quan đến phương pháp trị liệu.

PlaquenilGETTY IMAGES Chloroquine là thuốc trị bệnh sốt rét đã được dùng từ nhiều năm qua, nhưng phải theo toa bác sĩ

Nhưng Trump vẫn là Trump từ khi tranh cử cho đến nay, với những phát biểu bạt mạng trong nhiều vấn đề chứ không riêng gì y tế, sức khoẻ của toàn dân.

Ngay cả việc ông gọi tên “Chinese Virus” cũng là điều không nên vì sẽ gây ra những sự kì thị với người châu Á.

Tôi không đồng ý với Tổng thống Trump trong cách gọi đó, vì ra đường mấy ai phân biệt được người Hoa hay Việt, Hàn, Phi, Thái, Miên, Lào, Nhật.

Bạn nào ủng hộ Tổng thống Trump trong cách gọi tên như thế, hãy tìm xem phim “Who killed Vincent Chen?” về một kỹ sư người Hoa bị giết chết hồi thập niên 1980, vì kẻ giết người lầm tưởng nạn nhân là người Nhật, trong thời điểm có khuynh hướng bài chống Nhật, khi xe Nhật được nhập cảng ào ạt vào Mỹ làm cho nhiều công nhân hãng xưởng ô tô Mỹ mất việc.

Trở lại với việc tìm thuốc trị, bên Pháp có bác sĩ Didier Raoult, một nhà chuyên môn danh tiếng về các bệnh nhiễm trùng, đã thử dùng chloroquine với kháng sinh và có kết quả khả quan cho bệnh nhân. Nhưng vì số liệu chỉ dựa trên một mẫu tập hợp nhỏ, với 36 bệnh nhân nên chưa thể đưa đến kết luận đúng với chuẩn mực khoa học.

Tiểu bang Florida có bệnh nhân Giardinieri, 52 tuổi, được chữa khỏi nhờ thuốc sốt rét, tuy nhiên ông cảnh giác mọi người không nên dùng thuốc đó một cách bừa bãi mà phải tham khảo với bác sĩ.

Một y tá gốc Việt làm việc tại bệnh viện ở thành phố Dallas tiểu bang Texas cho phóng viên Nửa Vòng Trái Đất TV (Nhật báo Người Việt 25/3/2020) biết nhiều trường hợp bác sĩ cho dùng thuốc sốt rét cùng với thuốc kháng sinh để chữa trị và có nhiều người hồi phục hơn.

Bên Trung Quốc cũng đã cho dùng thuốc chống sốt rét để chữa bệnh Cô Vi, nhưng số liệu và kết quả chưa được công bố.

Nhắc đến thuốc Chloroquine, khi bà Đồ U U của Trung Quốc đạt giải Nobel Y học năm 2015 do những nghiên cứu chiết xuất để sản xuất thuốc này thì đã có tranh cãi với Việt Nam.

Trung Quốc nói đã dùng thuốc để chữa bệnh sốt rét cho nhiều bộ đội cộng sản miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ qua Dự án 523 do Mao đề xướng.

Việt Nam phản bác lại. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng chính bố ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã khởi động nghiên cứu tìm thuốc chữa sốt rét cho bộ đội, không phải từ những cố vấn Trung Quốc.

Trên cầu Bay Brigde dẫn vào thành phố San FranciscoBUI VAN PHU Trên cầu Bay Brigde dẫn vào thành phố San Francisco

Bệnh dịch Cô Vi đang lây lan ngày một nhiều với số người chết ngày một tăng, hiện tại là hơn nửa triệu ca nhiễm và 22 nghìn tử vong. Mỹ có số người bị nhiễm cao nhất, hơn 100 nghìn với 1600 tử vong và New York hiện là tâm điểm bùng phát.

Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên tại Mỹ áp dụng các biện pháp giới hạn ra đường và giao tiếp xã hội sau khi có một ca tử vong ở San Jose trong ngày 9/3, là một phụ nữ 68 tuổi, khoẻ mạnh, vui vẻ, không du lịch nhưng vẫn bị lây và qua đời một tuần sau khi có triệu chứng bệnh.

Hai ngày sau, 11/3 nhiều trường học trong khu vực đóng cửa. Ngày 16/3 có lệnh cấm cư dân vùng vịnh ra đường và đến ngày 19/3 Thống đốc ra lệnh cho toàn tiểu bang California cấm túc.

Các biện pháp mạnh mẽ và cấp thời của California giúp cho số ca nhiễm và tử vong không tăng nhanh như New York.

Như tiếng sét tử thần nên mọi người lo sợ khi cô đến. Giới nghiên cứu lúc đầu cho rằng cô thích các bạn già, nhưng không hẳn như thế. Già hay trẻ, nam hay nữ, dân thường hay người quyền cao chức trọng, giòng dõi vua chúa đều đã có cơ hội gặp cô.

Phó đại sứ Anh tại Hungary mới 37 tuổi bị cô cướp đi mạng sống. Một nữ sinh Pháp 17 tuổi đã qua đời vì cô.

Cô Vi đã lây lan đến Thái tử Charles, Thủ tướng Boris Johnson của nước Anh; đến Thượng Nghị sĩ Rand Paul, Tổng Giám mục Gregory Aymond thuộc Giáo phận New Orleans của Hoa Kỳ.

Chính phủ các cấp đang làm nhiều việc để giúp dân Mỹ bớt lo, giúp kinh tế khỏi suy sụp. Chính sách của Tổng thống Trump đưa ra có người đồng ý, có người mạnh mẽ lên tiếng phản bác.

Khu phố thương mại Little Saigon, San FranciscoBUI VAN PHU Khu phố thương mại Little Saigon, San Francisco

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phát biểu ý kiến chê lãnh đạo Mỹ, chê nước Mỹ cũng là quyền tự do biểu đạt của cô. Đó là điều rất bình thường trong một đất nước tự do dân chủ.

Vậy mà nhiều người Việt vẫn nhất định chỉ có quan điểm, tầm nhìn của mình là đúng, là chân lý. Ai không đồng ý là ném đá, qui chụp, còn đòi đuổi Mẹ Nấm về nước. Như thế có khác gì những phát biểu của Tổng thống Trump trước đây với những người bất đồng quan điểm với ông.

Chỉ trích lãnh đạo Mỹ không có nghĩa là không yêu nước Mỹ. Có yêu nước, quan tâm tới hưng thịnh của quốc gia người dân mới lên tiếng phê bình những việc làm của chính phủ.

* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Tháng 3, trong tâm bão

Trinh Trang Yarett

28-3-2020

Bữa giờ rất nhiều người hỏi thăm tình hình ở New York City thế nào. Và thật tình là, với một đứa từng viết báo như mình, cũng không thể nào giải thích hay diễn tả bằng lời được hết những gì đang diễn ra trong bệnh viện bây giờ.

Những ngày qua muốn viết cũng không viết nổi vì cảm xúc như đã chai sạn đi. Chỉ trong vòng 1 tháng, NYC của mình đã thay đổi đến chóng mặt, và hiện tại, ngay trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm trong bệnh viện là lại cảm thấy như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực.

Đầu tháng 3, hai vợ chồng được nghỉ và vẫn còn kéo nhau road trip xuyên bang. NYC và nước Mỹ lúc này vẫn còn hoạt động bình thường. Dịch bệnh lúc này hầu hết chỉ ở Seattle. Ngay trong bệnh viện mọi người cũng chỉ nói về Covid-19 như thể nó ở tận đâu xa lắm và không liên quan đến mình, chỉ là những ai đi du lịch từ những nước vùng dịch về thì phải cách ly 14 ngày.

Hai đứa mình may mắn không lên kế hoạch đi chơi xa như mọi lần, vì cần ở lại đi ăn đám cưới bạn thân. Ngày xuất hành đi chơi, cả hai còn đùa với nhau là nếu có ai đi dự đám cưới này mà bị nhiễm bệnh cũng chả sao, vì hết phân nửa khách mời là bác sĩ. Vậy mà chỉ trong vòng 10 ngày đi chơi mà mọi sự đã thay đổi đến chóng mặt.

Ngày thứ nhất, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York. Bệnh viện của hai đứa đều gửi email nhắc nhở mọi người cẩn thận, chú ý rửa tay thường xuyên.

Ngày thứ hai, email từ bệnh viện nhắc lại từng bước mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) trong trường hợp có bệnh nhân nghi mắc Covid-19.

Ngày thứ ba, ca bệnh thứ hai xuất hiện, dù không phải ở trong NYC mà là ở vùng ngoại ô New Rochelle, đây lại là ca siêu lây nhiễm khi bệnh nhân này đã nhập viện từ cách đó mấy ngày với chẩn đoán viêm phổi và hoàn toàn không được cách ly. Khi đọc tin này, mình đã bắt đầu thấy rùng mình khi nghĩ đến những người thân và nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này và hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ, và nghi là trong vài ngày tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca lây nhiễm từ bệnh nhân này.

Ngày thứ tư, có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Bệnh viện bọn mình tiếp tục gửi email nhắc nhở nên hạn chế đi du lịch đến các quốc gia có dịch, và nếu không có gì cần thiết thì đừng nên đi đâu cả. Lúc này dịch đã bùng phát mạnh mẽ tại Ý.

Ngày thứ năm, bệnh viện email nhắc lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong email họ cũng cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Lúc đọc email này mình thấy buồn cười, vì nước rửa tay khô bình thường để đầy trong kho, còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, cớ gì phải cấm như vậy. Nhắn tin hỏi bạn thì mới biết là do mọi người bắt đầu mua sạch sản phẩm này trong siêu thị, và bệnh nhân và người đi thăm bệnh bữa giờ đã “chôm” hết trong bệnh viện, nên bây giờ nó lại là hàng hiếm, và không được dùng thoải mái như xưa nữa.

Ngày thứ sáu, NY có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Email từ bệnh viện thông báo tất cả những buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 bác sĩ đều phải bị huỷ bỏ. Họ bắt đầu lo sợ nếu nhiều bác sĩ bị bệnh cùng lúc thì sẽ không có ai chăm bệnh nhân.

Ngày thứ bảy, New York có 89 ca. Bệnh viện thông báo tất cả những bác sĩ và nhân viên đang làm việc ở nước ngoài đều phải quay về ngay lập tức. Bạn bè nội trú của mình đang thực tập 1 tháng ở châu Phi cũng bị bắt quay về. Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ đang được nghỉ phép phải khai báo là đã đi đâu và định đi đâu. Cả hai đứa mình đều phải đưa ra lịch trình đi chơi, lúc này chỉ mong về nhà ngay vì cảm thấy tình hình khá căng thẳng.

Ngày thứ tám, số ca tăng lên 106. Bệnh viên yêu cầu nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm, để tránh lây nhiễm.

Ngày thứ chín, 142 ca. Nước Ý thông báo giới nghiêm toàn quốc. Bệnh viện NY nhìn bệnh viện Ý bị quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Bệnh viện của mình thông báo PPE bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.

Ngày thứ mười, 173 ca. Hai đứa mình về lại NYC, chuẩn bị đi làm lại, và bước thẳng vào tâm bão.

Từ ngày thứ 10 đến hôm nay, mọi thứ hoàn toàn bị mất kiểm soát, và đây cũng là hiện thực cuộc sống trong tâm dịch:

Là tất cả bệnh viện ở NYC hiện giờ đang hoàn toàn quá tải. Số ca bệnh cứ tăng lên gấp đôi mỗi 3 ngày. Số lượng bệnh nhân bị nặng và cần đặt nội khí quản khá cao, và số máy thở đang vơi dần. Khi mình viết những dòng này, thì bệnh viện của mình và của Ian chỉ còn khoảng 100 máy thở mỗi nơi. Và vấn đề không phải chỉ ở số máy thở, mà còn là thiếu hụt số phòng và số nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân. Hiện giờ cả khoa nhi của bệnh viện mình đã phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến đang được dựng lên khắp nơi, và chính phủ đang kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc vì không đủ bác sĩ.

Là số đồ bảo hộ (PPE) cứ vơi dần đều. Ban đầu quy định là tất cả mọi người phải mang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm, và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân. Khi số lượng N95 giảm mạnh, thì quy định mới là được phép dùng lại N95 trong một ngày, rồi lại đổi thành chỉ được dùng N95 khi đặt nội khí quản, còn lại phải đeo khẩu trang thường. Và hiện tại bây giờ, khi số lượng khan hiếm cùng cực, thì mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng 1 lần) và phải dùng đúng cái khẩu trang đó đến khi nào có hàng mới về, ngày này qua ngày khác.

Bình thường, chuyện dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng, và nếu bị bắt gặp thì sẽ bị phạt ngay, nhưng thời điểm này thì bao nhiêu quy định đều không còn tác dụng gì nữa hết.

Là hiện thực đau lòng là hầu hết bệnh nhân Covid-19 khi mất đều ra đi một mình. Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không còn được vào thăm nữa. Rất nhiều gia đình đã phải nhìn người thân của mình ra đi qua facetime, và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không liên lạc với họ được. Và mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất.

Là hầu hết nhà xác đều đã quá tải, không còn chỗ để thêm, nên bây giờ thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác. Và vì lệnh cấm tập trung đông người, nên người mất cũng không được có đám tang. Người nhà tới giờ vẫn không thể gặp họ lần cuối.

Là sản phụ bây giờ phải đi sinh một mình, không được có chồng hay người nhà vào thăm để tránh lây nhiễm. Là bao nhiêu ông bố lỡ dịp không được nhìn thấy con mình ra đời.

Là các nội trú sinh các ngành khác nhau đều được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu, khi họ hoàn toàn kiệt quệ về sức lực và quá nhiều bác sĩ đã mắc bệnh và phải ở nhà. Là quyết định cho sinh viên năm cuối trường Y tốt nghiệp sớm để có thêm một lượng bác sĩ mới để giúp bệnh viện trong cơn đại dịch này.

Là khi mình và bạn bè trong ngành đều không dám về nhà hay gặp người nhà, vì bọn mình đã mặc định là chắc chắn đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không đứa nào muốn để lây cho ba mẹ và ông bà. Cả tuần nay mẹ chồng mình đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn và nói chuyện với hai đứa mình qua cửa sổ.

Hôm qua bà lại đòi vào nhà, và Ian phải nói, “Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được”. Thế là bà lại phải quay ra.

Là khi bọn mình phải sống trong nỗi sợ là sẽ lây bệnh cho chồng/vợ/người yêu, những người đang sống ngay trong nhà. Bạn bè mình có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người phải ra thuê khách sạn hoặc Airbnb ở, đứa nào có con thì phải gửi con về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp con. Hay đứa mình vì cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát, và cứ mặc định là đứa nào bị trước cũng sẽ lây cho đứa kia thôi.

Là khi dịch bệnh khiến người ta phải lường trước tình huống xấu nhất. Các bác sĩ đều đang hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Vợ chồng phải dặn nhau trước là nếu đến lúc hoàn toàn hôn mê thì có nên đặt nội khí quản không, hay là cứ để cho ra đi thanh thản. Lời nói đùa mọi khi “Nếu em có chuyện gì thì anh cứ đi lấy vợ mới đi” trong thời điểm này lại thành ra nói thật.

Là các ông bố bà mẹ có con đi làm trong bệnh viện là cứ như đang ngồi trên đống lửa. Mẹ chồng mình thì mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau, bắt hai đứa uống, và mỗi ngày đều tiếp tế lương thực, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được vào nhà gặp mặt. Mẹ đứa bạn mình, mỗi khi nó trực đêm là bà thức nguyên đêm nói chuyện cùng nó vì bà lo đến không ngủ được. Ba đứa khác thì năn nỉ nó xin nghỉ làm đến khi nào hết dịch rồi quay lại. Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ, vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa.

Nhưng trong thời điểm khó khăn này, lại làm mình thêm trân quý những gì mà gia đình, bạn bè, và cộng đồng đang chung tay góp sức giúp bọn mình chống dịch:

Là khi nhận được tin từ bệnh viện là chỉ còn đủ 1 khẩu trang cho mỗi bác sĩ, mình đã gửi tin nhắn cầu cứu đến một loạt bạn bè, hỏi xin nếu đứa nào còn khẩu trang thì cho mình mua lại. Vậy mà chỉ trong vòng mấy ngày, bọn bạn mình đã hỏi dò người quen và bằng cách nào đó mỗi đứa đều kiếm ra được vài chục khẩu trang gửi về cho mình. Ba mẹ cũng chạy khắp thành phố kiếm chỗ bán khẩu trang để gửi lên. Giờ vậy mà mình đã có đủ khẩu trang ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.

Là khi hàng loạt các nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn đều quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để bọn mình tập trung làm việc. Từ UberEats, Sweet Greens, rồi bao nhiêu tiệm bánh nổi tiếng, chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện ra là sẽ được ăn miễn phí, mà còn được giao tới tận bệnh viện nữa. Rồi thì nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế. Cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hi vọng về các bệnh viện.

Là khi cả thành phố hẹn nhau chiều nay đúng 7h cùng nhau vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện. Tới đúng giờ, ngồi trong bệnh viện nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, và vẫn giữ đúng luật không đi ra đường và không đứng gần nhau, lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Và vì tất cả những điều đó, mình tin là NYC sẽ qua được đại dịch này. Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa thì không ai biết được, nhưng Covid-19 sẽ qua đi, và thành phố này sẽ trở lại như xưa, vì ở đây có những con người luôn hết mình vì nó và luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ.

Bài viết cho một tháng 3 đầy bão táp.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen