Seite auswählen

Việt Nam không để Trung cộng muốn làm gì thì làm ở Biển Đông

南シナ海での巨大水中爆発と放射線量の上昇についてメディアが報道 ...

© CC0

Tối 14 tháng 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin cho biết, các diễn biến ở Biển Đông đang được theo dõi sát sao bởi cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là những thông tin liên quan tới hoạt động của tàu khảo sát Trung cộng Hải Dương địa chất 8.

Thực chất, hành động tổ chức tập trận bắn đạn thật rầm rộ ở Biển Đông để giễu oai, phô trương sức mạnh, cảnh báo Đài Loan hay vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, trong lúc cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 của Trung cộng bị dư luận thế giới lên án, chỉ trích. Nhiều chuyên gia coi chiến lược tấn công và gây căng thẳng ở Biển Đông của Bắc Kinh thời điểm này là rất sai lầm.

Việt Nam theo sát vụ tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung cộng đi vào vùng EEZ

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu quan sát Marine Traffic ngày 14/4 cho thấy, cùng với nhóm tàu hải cảnh hộ tống, tàu Hải Dương địa chất 8 đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Theo đó, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xuất hiện trở lại vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km (98 dặm) và được hộ tống bởi ít nhất một tàu Hải cảnh của Trung cộng. Đồng thời, cũng theo Marine Traffic, có 3 tàu Việt Nam được ghi nhận di chuyển gần khu vực tàu của Trung cộng.

Trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/4 cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Biển Đông.

“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, từ tháng 7/2019, Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung cộng.

Ngày 19/7/2019, Việt Nam lần đầu tiên xác nhận việc vi phạm của tàu Hải Dương địa chất 8 với ít nhất 3 lần xâm nhập vùng đặc quyền EEZ của Hà Nội. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:

“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung cộng đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung cộng đều là thành viên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Lần này, việc tàu Hải Dương 8 quay lại Biển Đông nằm trong một chuỗi những “hành động hung hăng” của Trung cộng vài tháng nay, giữa lúc cả thế giới đang dồn sự tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 23/3, Tân Hoa Xã cho biết Trung cộng xây dựng “hai trạm nghiên cứu” tại khu vực Đá Subi và Đá Chữ Thập, vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đến ngày 2/4, tàu Hải cảnh Trung cộng đã có hành vi đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi của Việt Nam gần khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, trong một động thái trước đó ngày 16/3, Tòa Đại sứ Trung cộng tại Ý cũng lợi dụng quảng bá việc ủng hộ Ý chống dịch coronavirus để “thừa cơ” đăng tải bức tranh vẽ bản đồ “đường lưỡi bò”, “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, mặc cho “đường lưỡi bò” này đã bị tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ hồi năm 2016 trong vụ kiện do Phi Luật Tân đệ trình.

Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương địa chất 8 quay lại EEZ Việt Nam, truyền thông Trung cộng cũng công bố thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Trung cộng Liêu Ninh tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận, tuy nhiên không cho biết rõ thời gian và địa điểm.

Trung cộng đang toan tính gì ở Biển Đông?

Sự quay trở lại của Hải Dương địa chất 8 ở Biển Đông diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới đang gồng mình đối phó dịch Covid-19 khiến nhiều chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, vấn đề hàng hải quốc tế và dư luận thế giới đặt ra dấu hỏi về động cơ thực sự của chính quyền Trung cộng tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Xét về yếu tố khoa học- kỹ thuật, việc đưa tàu Hải Dương địa chất 8 vào những khu vực này nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh thông qua hoạt động khảo sát.

TS Satoru Nagao (làm việc tại Viện Nghiên cứu Hudson) nhận định với Tuổi Trẻ cho rằng, việc khảo sát Biển Đông là một khâu rất quan trọng để Trung cộng tiến hành triển khai binh lính.

Trung cộng hiện thiết lập các cơ sở nghiên cứu trên đảo nhân tạo của họ, và họ biết rõ việc khảo sát này quan trọng như thế nào”, TS Nagao cho biết.

Còn nếu xét về mặt chiến lược, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Trung cộng đang lợi dụng thời cơ lúc các nước đangg phải tập trung mọi nguồn lực và sự chú ý để đối phó với đại dịch Covid-19 nhằm giành thế áp đảo trong vấn đề tranh chấp biển đảo.

Theo đó, CNN và nhiều phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đưa ra lập luận rằng, có khả năng Trung cộng biết rằng dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong thời điểm hiện tại và sắp tới Hải quân Mỹ khó có thể triển khai hoạt động hàng hải, nên chính quyền Bắc Kinh đã ngay lập tức chớp thời cơ nhằm giương oai, “phô trương cơ bắp” và khẳng định chủ quyền trên biển.

Nói về quan điểm này, TS Nagao nhận định rằng, đúng là có việc một số tàu sân bay Mỹ hiện nay không thể hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, và ý định của Trung cộng hiểu theo hướng này cũng hợp lý nếu xem vai trò của một tàu sân bay mang đậm tính biểu tượng.

Tuy nhiên, theo ông, kể cả có thực như vậy đi nữa, các tàu chiến khác của Mỹ, bao gồm tàu ngầm, vẫn có thể triển khai thực chiến tốt để phá hủy ý đồ của Trung cộng.

Trong khi đó, TS Collin Koh Swee Lean – nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ) – khẳng định, tất nhiên Trung cộng cũng muốn lợi dụng Covid-9 để hiện diện trở lại, tạo ra “mức bình thường mới”, tuy nhiên hiện vẫn còn khá sớm để nghĩ tới điều này.

Vị chuyên gia cũng cho rằng Trung cộng ắt hẳn chưa quên sự kiện Trân Châu cảng 1941, đại diện cho tâm lý coi thường nước Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng.

“Bắc Kinh đơn giản muốn chứng tỏ họ sẽ không buông lỏng các yêu sách ở Biển Đông. Các cuộc tập trận và những động thái khác như vận hành các trạm nghiên cứu mới trên đảo nhân tạo đều hoàn toàn được tính toán. Sự trở lại của Hải Dương địa chất 8 cũng là một phần trong kế hoạch đó, đặc biệt sau vụ việc ở Hoàng Sa gần đây (vụ đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi – Việt Nam)”, TS Collin Koh cho biết.

Trung cộng tăng hoạt động ở Biển Đông: Một mũi tên trúng hai đích?

Về nguyên cớ vì sao Bắc Kinh muốn gây căng thẳng ở Biển Đông, Thanh niên dẫn lời nhà phân tích Derek Grossman, Tổ chức Nghiên cứu Rand, Mỹ cho biết, có hai động cơ chính trong các hoạt động quân sự hiện nay của Trung cộng.

Thứ nhất, Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp mang tính đe dọa đến các bên, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam, rằng Trung cộng sẽ bảo vệ những gì mà nước này xem là lợi ích.

Ngoài Biển Đông thì thông điệp còn hàm chứa vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Theo vị chuyên gia, nhìn hành trình của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trước khi đến Biển Đông thì đã đi qua vùng biển Hoa Đông, vùng biển ngoài khơi Đài Loan.

“Đây là cách Bắc Kinh đe dọa Đài Loan, vốn đang được lãnh đạo bởi bà Thái Anh Văn có xu hướng cứng rắn trong quan hệ với đại lục. Thêm vào đó, thực tế là Đài Loan đã khá thành công trong việc kiểm soát bệnh dịch Covid-19, trong khi Trung cộng đại lục bị cho đã phản ứng kém hiệu quả. Điều đó càng khiến cho Bắc Kinh muốn dập tắt những gì có thể xem là “thành tựu” của Đài Bắc – vốn có thể tạo thành động lực lớn hơn trong việc đòi hỏi phân tách khỏi đại lục”, chuyên gia Derek Grossman cho biết.

Động cơ thứ hai, theo nhà phân tích Grossman, suốt nhiều năm qua, định hướng phát triển quân sự của Trung cộng đều tập trung hướng đến việc tấn công nhằm thống nhất Đài Loan. Định hướng đó lại chủ yếu liên quan đến phần tác chiến của lục quân.

“Từ cuộc chiến tranh xâm chiếm phía bắc Việt Nam vào năm 1979 đến nay, Trung cộng chưa hề tham gia một cuộc chiến tranh tổng lực nào. Và cuộc chiến này phần lớn chỉ gồm lực lượng bộ binh. Vì thế, Bắc Kinh đang muốn thực hiện nhiều cuộc tập trận trên biển lẫn trên không, với cường độ lớn để nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung cộng. Điều này cũng hỗ trợ cho những thông điệp răn đe mà Bắc Kinh đã truyền đi là sẵn sàng sử dụng quân sự trên biển”, chuyên gia Derek Grossman phân tích.

Chuyên gia Việt Nam nói Trung cộng đang đục nước béo cò

Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam TS. Vũ Thanh Ca cho rằng, Trung cộng, vốn đã có truyền thống lợi dụng lúc các quốc gia khác đang gặp khó khăn để tăng cường các hoạt động nhằm xâm chiếm lãnh thổ và khẳng định các yêu sách biển, đảo trái phép.

“Hành động tổ chức tập trận rầm rộ tại Biển Đông hiện nay, sau khi tập trận ở vùng biển Đài Loan cũng như các hành động đâm, bắt giữ tàu cá, cướp cá và ngư cụ của ngư dân Việt Nam gần đây, trong lúc cả thế giới, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ và EU đang oằn mình chống dịch, cũng là những hoạt động của Trung cộng theo truyền thống đó”, TS. Vũ Thanh Ca bày tỏ.

Với những động cơ gây căng thẳng trên Biển Đông này, Trung cộng muốn gửi ba thông điệp đến Việt Nam, Đài Loan và một số quốc gia khác ngoài khu vực (chẳng hạn như Mỹ).

Đó chính là, thứ nhất, Trung cộng đã kiểm soát, giải quyết xong dịch Covid-19 và sẵn sàng tiến hành những hoạt động khẳng định chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông. Thứ hai, Đài Loan và các quốc gia xung quanh Biển Đông đừng nên đánh giá thấp sức mạnh và quyết tâm của Trung cộng. Thứ ba, với sức mạnh quân sự hùng hậu, Trung cộng có thể bỏ qua các cường quốc để hiện thực hóa những yêu sách biển, đảo (trái phép) của mình.

Theo Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam, Chính quyền Bắc Kinh cần nhận ra đây là những tính toán rất sai lầm. TS. Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, bảo đảm việc duy trì “trật tự dựa trên luật lệ” và thực thi luật pháp quốc tế, an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là quyền lợi không chỉ của các quốc gia xung quanh Biển Đông mà còn là của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc trên thế giới.

Việt Nam chắc chắn sẽ không để Trung cộng “muốn làm gì thì làm” ở Biển Đông. Một động thái rắn đã được Việt Nam thực hiện nhằm khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của mình đối với khu vực các quần đảo có tranh chấp lãnh thổ. Ngày 30 tháng 3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ đã trình công hàm bác bỏ yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh phản hồi công văn của Phi Luật Tân và Mã Lai.

Cũng trong ngày 14/4, máy bay tuần tra chống ngầm P-3C của quân đội Mỹ đã bay vào Biển Đông được cho là để theo dõi hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trong 5 ngày liên tiếp.

Ngoài ra, tại căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam đã có hơn một chục máy bay quân sự xếp hàng trên đường băng, thực hiện hành động chiến thuật “Voi đi bộ” (Elephant walk) nhằm thể hiện sức mạnh quân sự đáp lại động thái trên biển của Trung cộng.

Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng chiến thuật tác chiến mang đặc trưng Không quân Mỹ đồng nghĩa với việc phô trương sức mạnh trước Trung cộng một cách mạnh mẽ. Washington muốn để Bắc Kinh thấy được rằng, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại những điểm nóng trên Biển Đông, đồng thời sức mạnh quân sự của Mỹ tại đảo Guam không hề suy giảm và “dư sức” để chuẩn bị đối phó với các cuộc xung đột ở khu vực Thái Bình Dương.

Sputnik (15.04.2020)

Tin về tàu Hải Dương Địa chất 8: Việt Nam ‘theo dõi sát diễn biến’

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionTàu Hải Dương Địa chất 8

Đối sách Biển Đông

Việt Nam đang theo dõi kỹ trước tin báo tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng một số tàu hải cảnh của Trung cộng có vẻ đang đi vào vùng biển Việt Nam, theo nhận định của các chuyên gia.

Ngày 14/4, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời báo Thanh Niên khi được hỏi về tin nhóm tàu Trung cộng.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.”

Phát biểu này dường như không chính thức xác nhận hoạt động của tàu Trung cộng.

Tuy nhiên, một số tin tức phát đi ngày 14/4 cho rằng có việc tàu Trung cộng đang ở Biển Đông.

“Có ba nguồn cho biết, thứ nhất là trên trang mạng của Dự án Đại Sử ký Biển Đông mà tôi cũng là một thành viên trong đó, cho biết là theo dõi trên ứng dụng khác là Marine Traffic thì không phát hiện được, nhưng dựa trên một ứng dụng khác thì phát hiện được tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một số tàu hải cảnh của Trung cộng và một số tàu cá đi theo và đang tiến vào phía Việt Nam,” luật gia Hoàng Việt từ Đại học Luật, Đại học Quốc gia Sài Gòn nói với BBC.

“Ngoài ra thì hai nhóm nghiên cứu độc lập khác của Việt Nam sử dụng một số ứng dụng khác cũng theo dõi và cùng cho biết những thông tin tương tự, theo đó đồng nghiệp của chúng tôi, nhà quan sát Đặng Xuân Duân cho rằng các tàu này đang tiến về phía đảo Chữ Thập.

“Chưa rõ động thái sắp tới của Trung cộng sẽ làm gì, nhưng rất có khả năng là Trung cộng sẽ lập lại tình trạng của năm 2019 tại khu vực biển của Việt Nam, tức là họ cho những đoàn tàu, trong đó có Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh đi xâm phạm vào khu vực biển của Việt Nam trong suốt thời gian kéo dài hơn một trăm ngày đó.”

Gây ra một khó khăn

Cùng ngày thứ Ba, một nhà nghiên cứu Biển Đông khác, ông Đinh Kim Phúc nói với BBC News Tiếng Việt:

“So với đợt khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng trong bốn tháng của năm 2019, đợt này tôi nghĩ rằng họ tiếp tục cái gọi là ‘khảo sát’ đại dương để phục cho điều mà họ tự tuyên bố là ‘nghiên cứu khoa học’, nhưng cái chính là để chiếm lĩnh khu vực Biển Đông.

Các hành động này gây ra một khó khăn Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì theo luật biển là nếu họ đi qua một cách ‘hòa bình’, họ không khiêu khích, không khiêu chiến, mặc dù có các lực lượng hải cảnh, hải giám đi theo mà là những đội tàu chiến trá hình, mang màu sắc của dân sự, do đó cũng rất khó đối phó với đội tàu này.

“Bởi vì theo luật biển quốc tế, nếu họ đi qua không phương hại, họ chỉ tiến hành ‘khảo sát khoa học, kỹ thuật’, thì cũng rất khó lên tiếng để tố cáo, để đánh động dư luận thế giới.

“Nhưng mà tôi nghĩ rằng các đội tàu hải cảnh của Việt Nam đã triển khai từ chiều hôm 13/4 trên biển, để cặp theo tàu Hải Dương Địa Chất 8 này, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn tiến hành chống lại như bốn tháng của năm 2019 mà thôi.”

Động thái và động cơ?

Về các động thái cụ thể của nhóm tàu Trung cộng, nhà nghiên cứu luật biển Hoàng Việt nói với BBC:

“Các thông tin cập nhật có thể tham khảo trên trang Dự án Đại Sử ký Biển Đông như một nguồn, nhưng các thông tin biết được tới nay là phía Trung cộng có tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một số số hiệu tàu hải cảnh mà Dự án Đại Sử ký Biển Đông dựa trên nhiều nguồn để có thể tìm ra.

“Trong đó có thấy những tàu hải cảnh quen thuộc mà đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2019 mà cùng đi theo tàu Hải Dương này và đang hướng về phía các vùng biển của Việt Nam.

“Thông tin trên Dự án cho biết có một tàu cũng đã đi vào khu vực của Nha Trang, còn tàu kia đi vào khu vực của Bình Định.

“Như trên đã nói, hiện nay chưa rõ Trung cộng sẽ làm gì, nhưng với khả năng cùng với tốc độ này, Trung cộng có thể sẽ đi vào, xâm nhập các khu vực vùng biển của Việt Nam và theo phán đoán cá nhân của tôi, rất có khả năng là Trung cộng đang muốn nhân cơ hội dịch bệnh Covid-19 này, mà tất cả các quốc gia đang tập trung vào chống dịch bệnh này và thứ hai là việc một cường quốc hải quân của thế giới là Hoa Kỳ cũng đang gặp những khó khăn nhất định.

“Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng Trung cộng, công thêm hai vấn đề, thứ nhất là quan hệ Việt Nam và Trung cộng càng ngày càng phát triển và đặc biệt là trong sự kiện vừa rồi, khi tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh của Trung cộng đâm chìm, thì phía Mỹ đã rất tích cực, trong đó Bộ Ngoại giao rồi Ngũ Giác Đài , tức là Bộ Quốc phòng Mỹ, rồi tiếp theo là năm Thượng Nghị sỹ của Hoa Kỳ cùng lên tiếng, trong việc lên án tàu Trung cộng đâm tàu cá của Việt Nam này.

“Và đó là điều mà Trung cộng không thích, bởi vì Trung cộng cũng không muốn là Việt Nam đi với Mỹ để mà chống lại Trung cộng, đấy là Trung cộng nghĩ như thế.

“Ngoài ra là Công hàm ngày 30/3/2020 mới đây, thì Việt Nam cũng đanh thép, cương quyết đưa ra lập trường phản đối, cho nên tôi nghĩ rằng với những điều trên thì Trung cộng không thích và cộng với cả bối cảnh này thì Trung cộng đang muốn là răn đe, cũng như cảnh cáo Việt Nam có lẽ bằng cách đó.

Phản ứng và đối phó?

Về phần mình, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bình luận với BBC về phản ứng, ứng phó của phía Việt Nam:

“Khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến vào khu vực Biển Đông, như tôi được biết, hồi 11 giờ đêm hôm 13/4, khi họ đi ngang khu vực của tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên – Huế thì các đội tàu chức năng của Việt Nam cũng đã ra để theo dõi hoạt động của đội tàu Hải Dương.

“Năm nay, 2020, thái độ của chính phủ Việt Nam đối với những hành động khiêu khích, gây hấn của Trung cộng là có mạnh hơn.

“Báo chí chính thống ở trong nước cũng được thoải mái đăng tin mà mô tả chi tiết.

“Ngày 30/3 vừa qua, Việt Nam đã gửi Công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp quốc để phản đối toàn bộ yêu sách của Trung cộng trên Biển Đông và cũng nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

“Việt Nam vẫn tuân thủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, nhưng Việt Nam bắt đầu sử dụng các chi tiết kỹ thuật trong Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp quốc – Unclos năm 1982, cho phù hợp với tình hình và khả năng của Việt Nam hiện nay.

Báo chí, truyền thông nói gì?

Hôm 14/4, hãng tin Reuters trong một bản tin liên quan thời sự châu Á và khu vực Biển Đông cho hay:

“Một tàu biển Trung cộng từng liên quan một vụ đối đầu với các tàu Việt Nam năm ngoái đã quay trở lại vùng biển gần Việt Nam khi Hoa Kỳ cáo buộc Trung cộng thúc đẩy sự hiện diện của họ ở Biển Đông, trong khi các nước yêu sách khác đang bận tâm bởi dịch bệnh do virus corona.

“Hôm thứ Ba, con tàu (Hải Dương 8) này, được sử dụng để khảo sát địa chấn ngoài khơi, xuất hiện một lần nữa ở khoảng cách 158 km ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), được đi kèm bởi ít nhất một tàu tuần duyên Trung cộng, theo số liệu từ Marine Traffic, một trang mạng theo dõi vận tải biển.

“Ít nhất ba tàu Việt Nam đã di chuyển theo tàu Trung cộng, vẫn theo theo dữ liệu từ trang mạng trên.

“Sự hiện diện của Hải Dương Địa Chất 8 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xảy ra vào thời điểm thời hạn 15 ngày giãn cách xã hội trên toàn quốc tại Việt Nam dự kiến kết thúc, nhằm mục đích kiềm chế sự lây lan của virus corona tại Việt Nam.

“Nó cũng diễn ra theo sau vụ tàu ​​đánh cá Việt Nam bị chìm gần các đảo trong vùng biển tranh chấp trong tháng này, một hành động đã thu hút sự phản đối từ Việt Nam và các cáo buộc rằng Trung cộng đã vi phạm chủ quyền và đe dọa cuộc sống của ngư dân.

“Hoa Kỳ, vào tháng trước đã gửi một tàu sân bay đến cảng trung tâm của Việt Nam, cho biết họ đã “quan ngại nghiêm trọng” về việc tàu Trung cộng được đưa tin đã đánh chìm tàu cá Việt Nam.”

BBC (15.04.2020)

Biển Đông : Tàu thăm dò địa chất Trung cộng trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

GP: South China Sea Spratly islands 181231 Asia

Trung cộng tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ các nguồn tài nguyên ở Biển Đông bất chấp các tranh chấp với Việt Nam, Brunei, Phi Luật Tân. AFP/File

Hãng tin Reuters hôm nay 14/04/2020, loan tin, tàu thăm dò địa chất Trung cộng, hồi cuối năm ngoái từng khuấy động căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nay đang tiến vào vùng biển của Việt Nam, giữa lúc Hà Nội đang phải tập trung đối phó với dịch Covid-19.

Đầu tháng 9 năm ngoái, tầu thăm dò địa chất biển của Trung cộng Hải Dương Địa Chất 8 đã nhiều lần xâm nhập hoạt động trong vùng biển bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ Việt –Trung cũng như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn các số liệu của Marine Traffic, một trang mạng chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải, cho biết hôm nay, 14/04 tàu  Hải Dương Địa Chất 8, được ít nhất một tầu hải cảnh hộ tống, đã xuất hiện ỏ cách bờ biển Việt Nam 98 hải lý (158km). Như vậy con tàu này đã ở trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam (ZEE). Vẫn theo thông tin của trang Marine Traffic, đã có ba chiếc tàu của Việt Nam di chuyển về hướng tàu Trung cộng.

Tàu thăm dò địa chất của Trung cộng xuất hiện trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang phải lo chống dịch virus corona và chính phủ đang đứng trước quyết định khó khăn kéo dài hay ngừng lệnh cách ly xã hội. Sự việc cũng diễn ra không lâu sau khi hôm 02/04 một tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung cộng đã chiếm và Việt Nam luôn đòi chủ quyền.

Hà Nội đã lên án hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng tố cáo Trung cộng lợi dụng tình hình dịch bệnh toàn cầu, các nước lơ là mất cảnh giác để tăng cường hiện diện, lấn chiếm Biển Đông. Phi Luật Tân cũng tỏ lo lắng về hành vi của Trung cộng trong vụ việc trên mà Bắc Kinh gọi là « sự cố nhỏ ».

Hôm thứ Bảy vừa qua, tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung cộng còn lớn tiếng chỉ trích Việt Nam đã lợi dụng sự cố trên để đánh lạc hướng sự thiếu năng lực trong quản lý khủng hoảng dịch virus corona.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện tại không đưa ra bình luận về thông tin tàu Hải Dương Địa Chất 8 trở lại vùng biển Việt Nam.

RFI (14.04.2020)

Leo thang căng thẳng: Trung cộng phân tích tại sao Việt Nam ‘xâm phạm’ Biển Đông lúc này

Binh sỹ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Hoàn cầu Thời báo của Bắc Kinh vừa lên tiếng cảnh báo căng thẳng sẽ leo thang ở Biển Đông.

Binh sỹ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) tuần tra đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung cộng gọi là Tây Sa. Hoàn cầu Thời báo của Bắc Kinh vừa lên tiếng cảnh báo căng thẳng sẽ leo thang ở Biển Đông.

Truyền thông chính thống của Trung cộng vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam “xâm phạm” lãnh hải của họ cũng như cảnh báo sự “ủng hộ” của Washington đối với Hà Nội sẽ làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông trong khi đưa tàu Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung cộng cho rằng tàu cá của Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Trung cộng gần đảo Tây Sa hồi đầu tháng này và gửi công hàm phản đối “với mục đích tìm kiếm bồi thường” trước áp lực kinh tế vì đại dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 3/4 cho biết đã “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung cộng và trao công hàm phản đối” cũng như yêu cầu Bắc Kinh “bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam” sau khi tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt bị tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm trước đó cùng ngày.

Tuy nhiên, Trung cộng nói rằng tàu cá Việt Nam “đã xâm phạm lãnh hải Trung cộng và làm hư hại tàu hải cảnh” của họ, theo bài xã luận ra ngày 11/4 của Hoàn cầu Thời báo – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo (People’s Daily). Tờ báo này cho biết “Trung cộng có đủ bằng chứng bằng video của những gì đã thực sự xảy ra trong vụ đụng độ để chứng minh sự vô tội của họ.”

Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales – người chuyên phân tích về các vấn đề Việt Nam và khu vực – cho rằng tuyên bố của Trung cộng rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của Trung cộng là một sự “tuyên truyền và hoàn toàn đánh lạc hướng” dư luận. Theo vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, cần phải có thêm chi tiết về vụ đụng độ mà Trung cộng lại “chưa cung cấp bằng chứng bằng video để hỗ trợ cho tuyên bố của họ.”

Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng Việt Nam “tìm kiếm bồi thường” trong vụ đụng độ trên biển Đông giữa lúc có những áp lực về kinh tế khi đưa ra số liệu cho thấy “hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đang tạm ngừng hoạt động và hơn 40.000 người có nguy cơ thất nghiệp” giữa lúc bùng phát dịch COVID-19. Tờ báo của Trung cộng nhận định Việt Nam dùng vụ đụng độ trên biển Đông lúc này để đánh lạc hướng sự “yếu kém” trong việc đối phó với đại dịch virus corona.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung cộng trong vụ đụng độ với tàu cá Việt Nam diễn ra hôm 3/4 gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và ít nhất 5 thượng nghị sỹ Mỹ đã đưa ra các thông cáo chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung cộng là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và các đối tác trong khu vực đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng trước, Mỹ đã đưa một tàu sân bay cập cảng Đà Nẵng.

‘Căng thẳng leo thang’

Trước sự chỉ trích của Mỹ, Hoàn cầu Thời báo cho rằng Washington đang “đứng về phe” với Hà Nội và “đổ trách nhiệm” cho Bắc Kinh.

“Sự ủng hộ ngay tức thì của Mỹ sẽ khích lệ chính phủ Việt Nam và ngư dân Việt Nam tham gia vào hoạt động khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định),” Hoàn cầu Thời báo nói và cho rằng điều này sẽ xâm phạm lợi ích và quyền lãnh hải của Trung cộng quanh các đảo ở Tây Sa “một cách trơ tráo”.

“Điều này có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Trung cộng và Việt Nam,” tờ báo của Bắc Kinh cảnh báo và kết luận rằng “dù gì thì cả Mỹ và Việt Nam đang thổi bùng thêm ngọn lửa nhằm đạt được các mục đích chính trị của họ.”

Chỉ vài ngày sau khi Hoàn cầu Thời báo cảnh báo sự leo thang, Trung cộng đã gửi ngay tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo dữ liệu hành trình hàng hải mà Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8 – từng tiến hành khảo sát địa chấn trong lãnh hải Việt Nam nhiều tháng trời vào năm ngoái – hôm 14/4 đã xuất hiện ở khu vực cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km và trong vùng đặc quyền kinh tế. Chiếc tàu này được ít nhất một tàu hải cảnh Trung cộng hộ tống. Cũng theo dữ liệu này, có ít nhất 3 tàu của Việt Nam đang đi theo hướng của tàu Trung cộng.

Nhận định về việc Trung cộng đưa tàu khảo sát trở lại Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với Reuters rằng đây “là hành động của Bắc Kinh nhằm một lần nữa đưa ra các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở trên biển Đông.”

“Trung cộng đang lợi dụng việc đánh lạc hướng vào đại dịch virus corona để tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giữa lúc Mỹ và châu Âu đang phải đối phó với loại virus mới,” theo TS Hợp.

Để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông, Việt Nam hôm 7/4 nói họ đã gửi công hàm lên LHQ, sau khi Phi Luật Tân và Mã Lai đã có động thái tương tự.

Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung cộng “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.

Nhưng ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng các quần đảo Tây Sa –mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – và Nam Sa – là Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam – thuộc lãnh thổ Trung cộng và rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam là “phi pháp và không có giá trị.”

Người phát ngôn của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên, nói các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam “vi phạm luật quốc tế bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật biển.”

VOA (14.04.2020)

Sự kiện mới ở biển Đông

Hôm nay 14 tháng 4, trang nhà của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ thấy đăng hai công hàm mới của VN. Cả hai cùng đề ngày 10 tháng tư 2020. Như vậy, VN gởi tất cả 3 công hàm trong vòng 10 ngày.

Công hàm số một là công hàm ký ngày 30/3/2020, mục đích: 1/ phản biện các yêu sách của TQ vì các yêu sách này vi phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, 2/ khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS và 3/ khẳng định Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung cộng.

Công hàm số 2 ký ngày 10/4/2020, mục đích “đáp lời” công hàm của Mã lai ngày 12/12/2019, liên quan đến “hồ sơ thềm lục địa mở rộng” của Mã lai nộp Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Lập trường của VN theo công hàm này là nhắc lại điều 76(10) của Luật Biển 1982. Theo đó, hoạt động của Ủy ban không làm “phương hại” (préjure) đến việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai quốc gia đối diện hay liền kề.

Điều quan trọng trong công hàm này là “lời bảo lưu” của VN: “Quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông“.

Tức là trong thời gian tới VN sẽ đệ trình “hồ sơ thềm lục địa mở rộng khu vực miền Trung”.

Nhắc lại Hồ sơ vùng thềm lục địa phía Bắc của VN nộp ngày 7 tháng năm 2009. Hồ sơ vùng phía Nam, cộng tác chung với Mã lai, nộp ngày 6 tháng năm 2009. Cả hai hồ sơ này của VN đều bị TQ phản đối.

Công hàm số 3 ký ngày 10/4/2020, mục đích “phản biện” lập trường của Phi qua công hàm 6/3/2020, tuyên bố Kalayaan (tức Trường Sa của VN) thuộc chủ quyền của nước này.

Nội dung công hàm: “Việt Nam khẳng định chủ quyền HS và TS có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982“.

Theo tôi, nhìn chung VN đang “tranh đấu” với TQ ở hai mặt:

Về pháp lý: Có lẽ VN đang thông qua Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, với hai dụng cụ: Luật Biển 1982 và Phán quyết PCA 14-7-2016. Mục đích “hóa giải” các yêu sách ngang ngược của TQ ở Biển Đông.

Sắp tới VN sẽ “bước thêm bước nữa” qua việc nộp hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” khu vực miền Trung.

Về “thực địa”: VN có những hành vi “táo bạo” so với trước đây, qua các việc tàu đánh cá của VN đánh bắt trong khu vực biển thuộc Hoàng Sa, gần đảo Phú Lâm, hay các khu vực khác cận bờ biển TQ (mà báo chí TQ tố cáo). Khu vực biển (An vĩnh – Amphitrite) thuộc Hoàng Sa, từ năm 1956, thuộc quyền kiểm soát của TQ. Hành vi này có lẽ VN muốn khẳng định vùng biển Hoàng Sa xưa nay là “ngư trường truyền thống” của VN. Chiếc tàu cá này bị hải cảnh TQ đâm chìm.

Điểm son là bộ Ngoại giao VN thành công vận động Mỹ và Phi ủng hộ lập trường của mình trong vụ phản đối TQ, ở hành vi “hải tặc” của nước này là đâm chìm tàu cá của VN.

Tuy nhiên, TQ đã có những hành vi đáp trả khác, leo thang nguy hiểm vào hôm qua. TQ cho giàn khoan tiếp cận bờ biển Qui Nhơn của VN, cũng như cho hạm đội Liêu Ninh vào Biển Đông.

Những ngày tới ta sẽ biết hành vi của TQ là có “uy hiếp” VN hay không. Dĩ nhiên ta cũng chờ thái độ của Mỹ phản ứng ra sao. Còn VN chắc chắn phải bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền các đảo ở TS. Mất các đảo này là VN “mất hết”.

Tình hình nói chung là “gay cấn”.

Trương Nhân Tuấn (14.04.2020)

Tiếng Dân

Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung cộng ở Biển Đông

Naval Open Source INTelligence: Sindhuvir celebrates silver jubilee

Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được giao cho Việt Nam. Ảnh minh họa. naval-technology.com

Biển Đông là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngày 18/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra cứng rắn với Trung cộng, khác với thái độ của một số nước ASEAN có tranh chấp.(Tạp chí phát lần đầu tiên ngày 18/11/2019)

Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung cộng, Việt Nam « kiên quyết » nhưng « khôn khéo » trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung cộng : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ đô la cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, tương quan lực lượng rõ ràng thiên về Trung cộng, với ngân sách quốc phòng lên đến 228 tỉ đô la.

Ngoài ra, số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung cộng có gần 2,3 triệu quân. Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung cộng ; 6 tầu ngầm so với 76 ; 64 tầu chiến các loại so với 714 tầu, trong đó Việt Nam không có tầu sân bay, tầu khu trục.

Vậy Việt Nam có chiến lược gì để có thể kiềm chế nước láng giềng khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon)

PV. Laurent Gédéon

RFI : Xét về thực lực quân sự, Việt Nam không thể đối đầu trực diện với quân đội Trung cộng. Vậy Việt Nam có thể làm được gì để hạn chế Trung cộng tung hoành ?

Laurent Gédéon : Trước tiên cần đặt câu hỏi là nếu trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên, thì sẽ là ở đâu ? Việc Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung cộng khiến người ta có thể hình dung đến khả năng xảy ra xung đột trên bộ. Nhưng trên thực tế, giả sử xảy ra xung đột, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung cộng và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.

Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tầu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung cộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.

Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.

Theo tôi, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung cộng, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung cộng và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung cộng trở nên kém hiệu quả hơn.

RFI : Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với nước ngoài, liệu chiến lược này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi không ?

Laurent Gédéon : Điều đáng lưu ý là Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay. Và rõ ràng là Hà Nội nhận thấy sự phát triển những mối quan hệ này như một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung cộng.

Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản. Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tầu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước châu Âu.

Về câu hỏi : Chiến lược này có phải là con dao hai lưỡi hay không ? Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung cộng diễn giải như là một mối đe dọa. Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.

Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung cộng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung cộng cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ đô la trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.

RFI : Việt Nam đề ra chính sách « Ba không » (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia), nhưng trước sự đe dọa của Trung cộng, liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách này không ?

Laurent Gédéon : Đây không phải là chính sách gần đây mà xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Dù mang tính mệnh lệnh « Ba không » nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ « đối tác ». Có ba kiểu « đối tác », đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung cộng ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên « liên minh quân sự ».

Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung cộng. Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung cộng thống trị toàn bộ Biển Đông.

Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên, trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Hòa Kỳ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa-chính trị riêng.

Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, mà cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là « dấu chấm hết » cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?

Có thể thấy chính sách « Ba không » không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền. Có nghĩa là để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, cho đến nay, những vấn đề này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.

RFI : Biển Đông là một vấn đề căng thẳng trong thời gian gần đây, với sự hiện diện của tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng trong vòng nhiều tháng. Giả sử trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ, khẩn cấp, Việt Nam có khả năng giải quyết như thế nào ?

Laurent Gédéon : Trường hợp trên giống trường hợp Bắc Kinh điều giàn khoan đến ngoài khơi đảo Tri Tôn vào tháng 05/2014, có nghĩa là Trung cộng dùng chính sách « sự đã rồi », nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. Lần trước Việt Nam cũng đưa tầu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Lần này, phía Việt Nam cũng kiên quyết về mặt chính trị, nhưng cũng không tìm cách dùng vũ lực đuổi tầu Trung cộng.

Theo quan điểm của tôi, chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh « kiềm chế, hợp pháp » trước hành động được coi là « xâm lược » của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung cộng đang bị xấu đi trên thế giới.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).

RFI (13.04.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen