Seite auswählen

Theo nghĩa hẹp, khi nói về chiêm niệm, có nhiều định nghĩa và nhiều cách hiểu gắn với một lối sống cụ thể nào đó. Có người cho chiêm niệm là nhìn ngắm Thiên Chúa trong thinh lặng. Có người cho chiêm niệm là nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hoạt động tông đồ. Có người nói về chiêm niệm giống như một phương pháp để đạt đến đỉnh cao của cầu nguyện. Nhưng hình như không có một định nghĩa nào có thể gói trọn sự phong phú và thâm sâu của chiêm niệm. Một cách chung chung, có lẽ chiêm niệm là kinh nghiệm về Thiên Chúa, mà kinh nghiệm về Thiên Chúa căn bản nhất là kinh nghiệm được yêu thương, được ấp ủ trong một mối tình vô biên không điều kiện. Dù chiêm niệm được hiểu như một lối sống hay như một phương pháp cầu nguyện, mục tiêu tối hậu của chiêm niệm là sự biến đổi trong Thiên Chúa qua cảm nghiệm về tình yêu của Người.

Joseph Chalmers, Tổng quyền của Dòng Cát Minh, đưa ra một tiêu chuẩn hay có thể tạm gọi là định nghĩa về chiêm niệm: chiêm niệm là [đi vào hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa đến độ có thể] nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa và yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa. Con người chúng ta được hay bị bao bọc bởi rất nhiều môi trường. Chúng ta rất dễ bị điều kiện hóa. Khi bị điều kiện hoá, chúng ta vô hình chung bị ràng buộc, bị giới hạn hoặc thậm chí bị giam hãm trong một não trạng và một lối hành xử nào đó. Điều kiện hóa là một thực tại không hề xa lạ trong đời sống con người. Bởi thế, bất cứ chuyện gì cũng có thể can thiệp vào cách nhìn nhận của ta và trở thành rào cản đối với việc chiêm niệm. Thử lấy một vài thí dụ như sau. Định kiến che mắt ta làm cho ta không tin rằng người khác có thể thay đổi, có thể trở nên tốt hơn, và như thế là không thực sự dám nhìn nhận ơn Chúa đang liên lỉ tác động một cách mạnh mẽ và hiệu quả trong cuộc đời họ. Óc xét đoán người khác dựa trên hình thức hoặc một vài dữ kiện nào đó. Joseph Chalmers, trích dẫn lệnh truyền của chính Chúa Giêsu, đã nói rất mạnh về điểm này trong thư gửi cho Gia Đình Cát Minh năm 2004. Ai xét đoán người khác là đang tự cho mình quyền “làm Chúa”, mà kẻ cho mình “làm Chúa” thường sẽ kết thúc bằng những hành động của ma quỷ. Thái độ vô tâm, thờ ơ lãnh đạm đối với hoàn cảnh của người khác, trái ngược với thái độ của Thiên Chúa chúng ta thờ phượng, Đấng đã đến với con người và tận hiến cho con người. Đây là một căn bệnh  trầm kha của thời hiện đại biểu hiện rõ nơi chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, chỉ quan tâm đến tư lợi. Khuynh hướng chiều theo bạo lực dưới nhiều hình thức, không chỉ trên bình diện vĩ mô (tập thể) mà ngay cả bình diện vi mô (cá nhân). Dĩ nhiên, điều này trái ngược với đường lối hoà giải và bất bạo động của Thiên Chúa mà Thập Giá của Đức Giêsu Kitô đã minh chứng một cách rất rõ ràng. Sử dụng người khác cho lợi ích của mình trong bất kỳ hình thức nào là một cản trở cho việc chiêm niệm. Lý do rất đơn giản: tất cả mọi người bình đẳng về phẩm giá vì đều là hình ảnh Thiên Chúa và con cái Thiên Chúa, và như thế không ai có quyền sử dụng người khác. Đi theo ý thức hệ xã hội tiêu cực nhân danh một cái gì đó, thậm chí là Danh Thánh Chúa, mà chà đạp con người. Điều này dĩ nhiên hoàn toàn mâu thuẫn với một Thiên Chúa tha thiết muốn nâng cao con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa…

Tóm lại, để có khả năng chiêm niệm, nghĩa là có thể nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa và yêu thương bằng trái tim của Người, xin được gợi ý một số điểm căn bản sau đây. Thứ nhất, lời Chúa nói trong I-sa-i-a nhắc nhở ta: “Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”. Thiên Chúa của chúng ta vượt lên trên tất cả mọi giới hạn, mọi tiêu chuẩn đánh giá thông thường của con người. Như thế, để có thể chiêm niệm chúng ta bắt buộc phải đi ra khỏi cách đánh giá hạn hẹp, nhất là phải cố gắng ý thức khử trừ óc xét đoán người khác. Thứ hai, Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa của bất ngờ. Vì thế, chúng ta phải để dành chỗ cho Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời của mình. Dòng Cát Minh vẫn nhấn mạnh đến Vacare Deo, nghĩa là dốc cạn khỏi mình mọi sự để mình được đổ đầy Thiên Chúa. Khi được đổ đầy Thiên Chúa, chúng ta mới có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân. Cuối cùng, chúng ta đừng bao giờ cho phép mình quên đi chân lý nền tảng được đúc kết trong thư của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu.” Thiên Chúa của chúng ta là vị Thiên Chúa ôm trọn mọi mảnh đời, mọi thân phận, và không loại trừ một ai nhưng tự hiến tất cả cho họ. Chúng ta chỉ có thể nhìn và yêu như Thiên Chúa khi ta ở trong Thiên Chúa tình yêu. Và chỉ khi đó ta mới thực sự có khả năng và điều kiện để chiêm niệm.

Xin Chúa là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con chiêm niệm trong lối nhìn và cách yêu thương của Chúa. Amen

Dòng Cát Minh

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen