Seite auswählen

Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách ‘bất hợp pháp’ của Trung cộng trên Biển Đông

Bản quyền hình ảnhMARK WILSON/GETTY IMAGESImage captionNgoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm 2/6 rằng Hoa Kỳ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung cộng.

“Chúng tôi phản đối những tuyên bố bất hợp pháp và nguy hiểm này. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải,” ông Mike Pompeo tweet cùng hagtag #FreeAndOpenIndoPacific (Ấn Độ Thái Binh Dương Tự do và Cởi mở).

Trong tweet, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đính kèm bức công hàm mà Mỹ gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 1/6/2020.

Nội dung bức công hàm có gì?

Nội dung bức công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft ký tên có đoạn:

“Phản đối các yêu sách hàng hàng bất hợp pháp của Trung cộng tại Liên Hiệp Quốc.”

“Kính gửi ngài António Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc”

“Tôi rất vinh dự được gửi tới ngài một bức thư liên quan tới Công hàm số CML / 14/2019 do Phái bộ thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi cho ngài vào ngày 12/12/2019 để phản hồi đệ trình của Mã Lai lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) ngày 12/12/2019. Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách hàng hải này vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982.”

Trong công hàm, Mỹ cũng nhắc lại kết quả phán quyết của tòa trọng tài thường trực tại Hague năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung cộng trên Biển Đông.

Image captionMỹ gửi công hàm lên LQH phản đối yêu sách ‘bất hợp pháp’ của TC trên Biển Đông ngày 1/6/2020

Công hàm của Trung cộng mà Mỹ đề cập, là công hàm Trung cộng gửi lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) ngày 12/12/2019, nhằm phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Mã Lai gửi lên CLCS cùng ngày. Đồng thời, Trung cộng cho rằng họ “có chủ quyền” với quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa (cách Trung cộng gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (cách Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa)”. Trung cộng cũng đề cập “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Mỹ phản đối “quyền lịch sử” này vì cho rằng chúng vượt quá các quyền lợi hàng hải mà Trung cộng được hưởng như phản ánh trong Công ước Luật biển 1982.

Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn trên Biển Đông của Trung cộng “là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác”. Và lưu ý rằng các nước như Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương đã lần lượt lên tiếng chính thức phản đối các yêu sách này. Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung cộng tuân thủ luật quốc tế, phán quyết của tòa quốc tế ở Hague, và chấm dứt các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.

Trong thư đính kèm công hàm, bà Kelly Craft yêu cầu gửi công hàm phản đối này đến tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc và đăng tải công khai trên website của văn phòng pháp chế Liên Hiệp Quốc.

Trước Mỹ, ngày 26/5, Nam Dương đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối các yêu sách đề ra trong 3 công hàm của Trung cộng, trong đó có công hàm nói trên.

Trước Nam Dương, 30/3, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối công hàm nói trên của Trung cộng, khẳng định yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

“Mỹ khẳng định ‘là một bên liên quan’ trên Biển Đông”

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 3/6, thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, bình luận rằng công hàm mới nhất của Mỹ gửi Liên Hiệp Quốc phản đối Trung cộng cho thấy Mỹ khẳng định rõ lập trường rằng họ ‘là một bên liên quan’ trên Biển Đông.

“Những lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông đã được trình bày nhiều trong giới chức và Quốc hội Hoa Kỳ cùng nhiều tài liệ liên quan. Tuy nhiên với công hàm này, Mỹ một lần nữa thể hiện rõ rằng mình là một bên liên quan, dù không trực tiếp, trên Biển Đông, do các vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại trên khu vực này của Mỹ.”

“Đặc biệt, Mỹ ra công hàm vào thời điểm một loạt các quốc gia ASEAN khác cùng lên tiếng phản đối Trung cộng, gồm, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam và mới đây nhất là Nam Dương. Như vậy, việc này giống như thông điệp Hoa Kỳ muốn truyền tải tới Trung cộng, rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để phản đối các yêu sách phi lý của Trung cộng.”

“Hai nội dung quan trọng mà Mỹ nêu trong công hàm, đều đồng quan điểm với lập trường mà các quốc gia ASEAN đã nêu ra: Phản đối yêu sách trái luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982; và Hoa kỳ yêu cầu Trung cộng tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài thường trực Hague năm 2016.”

Ông Hoàng Việt dự đoán rằng một cuộc chiến tranh trên Biển Đông trong thời gian tới ít có khả năng xảy ra do các quốc gia đều phải kiềm chế tối đa. Tuy nhiên, tần suất và cường độ các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông sẽ tăng lên.

“Các quốc gia ASEAN hiện cũng đang xem xét hình thành một hiệp ước Ấn Độ-Thái Bình Dương, dựa trên sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Vừa rồi Việt Nam cũng được Hoa Kỳ mời tham gia Bộ tứ Mở rộng. Như vậy Hoa Kỳ đang mở rộng đối tác và liên minh để tạo thế kiềm chế với Trung cộng trên khu vực này.”

Về phía Việt Nam, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để tăng cường thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm trên Biển Đông. Đặc biệt, cần tranh thủ phát huy vai trò chủ tịch ASEAN để thuyết phục các quốc ra cùng lập trường trong việc đưa ra một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về pháp lý để kiềm chế Trung cộng.”

Theo BBC (03.06.2020)

Trung cộng đòi chủ quyền ở Biển Đông: Mỹ, Việt Nam phản đối, Phi Luật Tân đổi thái độ

Lợi dụng “khoảng trống” của quân đội Mỹ, Trung Quốc lộng hành tại ...

© AFP 2020 / STR

Trong khi Mỹ vừa đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách chủ quyền phi lý và bất hợp pháp của Trung cộng ở Biển Đông thì chính quyền Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cũng tạm hoãn hủy bỏ thỏa thuận quân sự VFA quan trọng với Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh Trung cộng đang gia tăng hoạt động ở Biển Đông, tiếp tục khẳng định các quyền lịch sử của mình ở vùng biển Việt Nam và Mã Lai từ năm ngoái, cuối cùng, Manila cũng hiểu rằng mối quan hệ (tưởng là rất tốt đẹp) trước đây với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ lợi ích của Phi Luật Tân.

Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông

Ngày 2/6, tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong thông báo đăng trên Twitter cho biết, Mỹ đã có công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối và bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông.

Washington khẳng định, những đòi hỏi của Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông là bất hợp pháp.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đăng tải kèm theo Công hàm ngày 1/6 do Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đệ trình lên Tổng Thư ký Antonio Guterres, trong đề nói về công hàm số CML/14/2019 Trung cộng gửi cho Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 để phản đối yêu cầu của Mã Lai xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm Lục địa CLCS cùng ngày.

Trong Công hàm trình LHQ, Đại sứ Hoa Kỳ Kelly Craft đã thẳng thắn bác bỏ các yêu sách hàng hải mà Trung cộng tuyên bố trong công hàm ngày 12/12/2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Theo Công hàm, Hoa Kỳ cho rằng, những yêu sách mà Trung cộng đang thực thi có mục đích can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

“Mỹ đặc biệt phản đối quyền lịch sử vốn vượt quá quyền được có trên biển theo luật quốc tế, của Trung cộng trên Biển Đông”, công hàm nhấn mạnh.

Đồng thời, Washington cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Phi Luật Tân năm 2016 và tuyên bố đây mới là “phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý”.

Cuối cùng, Đại sứ Hoa Kỳ cũng đề nghị Tổng Thư ký Guterres cho lưu hành bức thư này tới tất cả các nước thành viên như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời đăng tải trên trang web của văn phòng pháp chế.

Trước đó, ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung cộng đưa ra ngày 23/3 và ngày 12/12/2019.

Trước đó, hôm 23 tháng 3, Trung cộng cũng đã gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu đệ trình của phía Phi Luật Tân. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định: Có chủ quyền vào quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề, có chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất. Trung cộng cũng nhấn mạnh, mình có “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông và có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bấy lâu nay.

Ngoài ra, trong công hàm phản hồi tài liệu của Mã Lai ngày 12/12/2019, Trung cộng cho biết nước này “có chủ quyền” với các quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, (trong đó, quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam)”. Cũng giống như phản hồi tài liệu của Phi Luật Tân, chính quyền Trung cộng tiếp tục nhắc đến cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Trong Công hàm mà Phái đoàn Thường trực của Việt Nam gửi lên LHQ, Hà Nội khẳng định những lập trường đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tuyên bố nhiều lần trước đây về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung cộng tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”, Công hàm của Việt Nam nhấn mạnh.

“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại LHQ khẳng định.

Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung cộng.

“Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan”, Công hàm khẳng định.

Với những cơ sở này, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đề nghị Tổng Thư ký Antonio Guterres lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.

Vì sao Phi Luật Tân hoãn huỷ thoả thuận quân sự với Mỹ?

Trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin xác nhận Tổng thống Rodrigo Duterte vừa quyết định đình chỉ tiến trình hủy thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ. Cụ thể, chính quyền Manila bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục Hiệp định thăm viếng (VFA) lẫn nhau ký với Mỹ, thay đổi hoàn toàn lập trường “cứng rắn” trước đó.

Thông báo được gửi đến Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 1/6 và nhận được sự hoan nghênh từ Washington. Trong dòng tweet của mình, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cũng đăng kèm bức Công hàm chính thức đã được Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân gửi đến Đại sứ quán Mỹ một ngày trước.

Bản Công hàm ngoại giao đề ngày 1/6 này viết Phi Luật Tân đã quyết định đình chỉ việc chấm dứt Hiệp định về quân đội thăm viếng lẫn nhau Mỹ – Phi Luật Tân kể từ thời điểm này (tức 1/6/2020). Thời hạn đình chỉ là 6 tháng và có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa vào 6 tháng sau.

Lý do chính thức được chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra là xuất phát từ “tình hình chính trị khu vực và những thay đổi khác”, nhưng không đề cập chi tiết.

Phản hồi về động thái này của chính quyền Manila, Đại sứ quán Mỹ tại Phi Luật Tân cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ – Phi Luật Tân trong thời gian tới.

“Hiệp định về quân đội thăm viếng lẫn nhau Mỹ – Phi Luật Tân đã được ký kết nhiều năm trước và đóng góp quan trọng cho lợi ích quốc gia của hai nước. Hy vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”, thông báo của ĐSQ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân nhấn mạnh.

Theo tờ NHK của Nhật Bản, có ý kiến cho rằng, nếu Phi Luật Tân muốn tiến hành các cuộc tập trận trung với quân đội Mỹ thì không thể thiếu Hiệp định về viếng thăm lẫn nhau giữa hai lực lượng quân sự Hoa Kỳ- Phi Luật Tân. Nếu bãi bỏ Hiệp định này, sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế của Trung cộng.

Đặc biệt, với việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động ở Biển Đông, Phi Luật Tân buộc phải thay đổi quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ đã đưa ra trước đây.

Trước đó, hôm 11/2/2020, Tổng thống Phi Luật Tân Duterte đã tuyên bố quyết định chấm dứt Hiệp định các lực lượng viếng thăm lẫn nhau Mỹ – Phi Luật Tân (VFA).  Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (Visiting Forces Agreement – VFA), được ký vào năm 1998, đã quy định địa vị pháp lý cho quân đội Hoa Kỳ, cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Phi Luật Tân, tham gia các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

“Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác”, phát ngôn viên Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte- Salvador Panelo tuyên bố khi đó.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần ám chỉ đến việc cắt đứt quan hệ với Mỹ trong khi theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh phi truyền thống như Nga và Trung cộng.

Tờ The New York Times ngày 2/6 dẫn lời một số chuyên gia nhận định quyết định tạm hoãn huỷ VFA là “một lợi thế chiến lược quan trọng cho Mỹ”, vì tính trong khu vực Biển Đông chỉ có Phi Luật Tân là đồng minh quân sự của Washington.

“Nhiều khả năng sau khi chứng kiến Trung cộng liên tục hành xử hung hãn và gây hấn với các nước như Việt Nam hay Mã Lai, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhận ra có thể chiến lược hoà hoãn với Trung cộng sẽ không bảo vệ được lợi ích Phi Luật Tân” – Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung cộng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bonnie Glaser nhận định với NYT

Cũng theo vị chuyên gia, quyết định này của Manila trái ngược mong muốn và lợi ích của Trung cộng.

“Trong bối cảnh Trung cộng tiếp tục khẳng định các quyền lịch sử của mình ở vùng biển Việt Nam và Mã Lai từ năm ngoái, có thể, Manila đã hiểu rằng mối quan hệ (tưởng là rất tốt đẹp) trước đây với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ lợi ích của Phi Luật Tân”, Giáo sư khoa học chính trị M. Taylor Fravel, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà sử gia quân sự Jose Antonio Custodio thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược và Phát triển (Phi Luật Tân) chỉ ra nhiều ý kiến trong chính quyền của ông Duterte cũng không ủng hộ việc với việc chấm dứt VFA do lo ngại đổ vỡ liên minh quân sự Mỹ – Phi Luật Tân vốn được xây dựng và phát triển hơn 60 năm qua, đặc biệt là giúp Manila về nhiều mặt trong việc phải đối trọng với Trung cộng ở Biển Đông.

Sputnik (03.06.2020)

Cảnh giác với Trung cộng nên Phi Luật Tân muốn ‘giữ chân’ quân đội Mỹ

Cảnh giác với Trung Quốc nên Philippines muốn 'giữ chân' quân đội Mỹ

Hàng không mẫu hạmUSS Carl Vinson (CVN 70) dẫn đầu hạm đội hải quân Mỹ ghé qua biển Phi Luật Tân (Ảnh: U.S. Navy)

Phi Luật Tân tiếp tục ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, trước “các diễn biến chính trị mới” trong khu vực, ám chỉ các động thái của Trung cộng.

Ngày 2/6 vừa qua, Phi Luật Tân bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục “Hiệp định về thăm viếng” (VFA) ký với Mỹ, thay đổi hẳn lập trường trước đó. Lý do chính thức được Phi Luật Tân đưa ra là “do tình hình chính trị khu vực”, nhưng giới quan sát cho rằng yếu tố Trung cộng mới là lý do thực sự khiến Phi Luật Tân thay đổi.

Viết trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin xác nhận Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định đình chỉ tiến trình hủy thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ. Thông báo được gởi đến Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 1/6 đã nhận được sự hoan nghênh từ Washington.

Chúng tôi hoan nghênh quyết định của chính phủ Phi Luật Tân. Quan hệ đồng minh lâu dài giữa hai nước đem lại lợi ích cho cả hai. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và an ninh với Phi Luật Tân“, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo ngày 2/6.

Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) được Mỹ ký với Phi Luật Tân năm 1998, cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại Phi Luật Tân, tham gia huấn luyện và các cuộc tập trận chung ở Phi Luật Tân, trong đó có các hoạt động trên Biển Đông.

Tạp chí Asia Nikkei Review nhận định các diễn biến gần đây trên Biển Đông đã khiến Manila suy nghĩ lại và quyết định tiếp tục giữ chân lính Mỹ.

Đài NHK cũng cho rằng với việc Trung cộng gia tăng các hoạt động ở Biển Đông, Phi Luật Tân buộc phải thay đổi quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ đã đưa ra trước đây.

“Nhiều khả năng sau khi chứng kiến Trung cộng liên tục hành xử hung hãn và gây hấn với các nước như Việt Nam hay Mã Lai, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhận ra có thể chiến lược hoà hoãn với Trung cộng sẽ không bảo vệ được lợi ích Phi Luật Tân” – Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung cộng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser, nhận định.

Trong diễn biến liên quan, ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông. Mỹ khẳng định yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

NTDVN (03.06.2020)

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam yêu cầu ‘đề cao cảnh giác’ trên Biển Đông, ‘sẵn sàng chiến đấu’

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị giao ban tháng 5 của Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 1/6. Đại tướng yêu cầu quân đội "đề cao cảnh giác" trước các "diễn biến phức tạp" trên Biển Đông.(Screenshot of VTV)

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị giao ban tháng 5 của Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 1/6. Đại tướng yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” trước các “diễn biến phức tạp” trên Biển Đông.(Screenshot of VTV)

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vừa lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.

Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trưởng Lịch được VTV và Quân đội Nhân dân trích lời nói rằng “trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị để “kiến nghị đối sách của ta trong tình hình hiện nay”.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung cộng đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao. Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung cộng.

“Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị đề cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” Bộ trưởng Lịch nói tại hội nghị hôm 1/6, và yêu cầu “các đơn vị quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.” và “thực hiện điều chỉnh bổ sung một số kế hoạch, mệnh lệnh, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.”

Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”

Lời cảnh báo của Bộ trưởng Lịch được đưa ra trong bối cảnh Trung cộng bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc đang thực hiện nhiều hoạt động để tăng cường sự hiện diện của họ trên vùng biển có nhiều tranh chấp trong lúc Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền phải bận rộn đối phó với đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink hồi cuối tháng 4, khi trả lời phỏng vấn VTC, đã kịch liệt phản đối việc Trung cộng lợi dụng đại dịch virus corona để tiến hành các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.

VOA (02.06.2020)

5 dấu hiệu về tham vọng ADIZ của Trung cộng ở Biển Đông

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/06/3-4984-1590980582-5747-1591030673.jpg

Giới quan sát cho rằng Trung cộng đã tập hợp đủ nguồn lực để lập ADIZ ở Biển Đông, tuy nhiên các nước khác khó có thể chấp nhận.

Ngày 31/5, SCMP dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung cộng cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ 2010 và “chỉ chờ cơ hội tuyên bố”. ADIZ dự kiến bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Trung cộng hồi năm 2013 đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Trung cộng đã bị Nhật, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chỉ trích quyết liệt.

“Trung cộng thể hiện ngày một rõ ý định công bố ADIZ ở Biển Đông, sau nhiều năm thảo luận”, Tiến sĩ Peter Layton, Đại học Griffith, Australia, nói với VnExpress.

Layton nêu lên 5 lý do Bắc Kinh xúc tiến kế hoạch. 

Thứ nhất, Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLAAF) và Hải quân Trung cộng (PLAN) đã có hoặc sẵn sàng triển khai thiết bị và nhân lực để kiểm soát ADIZ, dù chỉ ở mức độ giới hạn.

Trang China Military vào tháng 11/2019 đăng bài viết cho hay PLAAF đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các nhiệm vụ, từ bảo vệ không phận thuộc lãnh thổ sang các hoạt động tấn công và phòng thủ. Lực lượng này cũng liên tiếp tăng cường năng lực cảnh báo sớm chiến lược, không kích và lập kế hoạch chiến lược. Một loạt trang thiết bị hiện đại được liệt kê gồm oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ J-20, J-10, J-16, phi cơ Y-20, máy bay cảnh báo KJ-500…

Với PLAN, nguồn ngân sách khổng lồ giúp lực lượng này dần từ bỏ chiến lược phòng thủ ven bờ và hướng tới xây dựng lực lượng biển xanh có phạm vi hoạt động ngày càng lớnSau khi biên chế Hàng không mẫu hạmLiêu Ninh, Trung cộng đã đưa Sơn Đông, Hàng không mẫu hạmnội địa đầu tiên vào diễn tập vào tháng 5/2020. PLAN có kế hoạch sở hữu 4 – 6 tàu sân bay. Đây được coi là hạt nhân trong các nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạmtương lai của PLAN nhằm cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Layton lưu ý Bắc Kinh có đủ nguồn lực lập ADIZ do nước này đã quân sự hoá các đảo nhân tạo ở quy mô lớn, một số được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không và các tổ hợp sân bay lớn. PLAAF cũng triển khai ngắn hạn chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức Rand, Mỹ, cũng cho rằng điều kiện đầu tiên để Trung cộng tuyên bố ADIZ là có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết ở các đảo nhân tạo. Bắc Kinh có thể tuyên bố ADIZ nếu thấy cần thể hiện rằng Trung cộng “không hài lòng về cách hành xử của các nước cùng có tranh chấp”. Ông dự báo Bắc Kinh sẽ tăng cường điều chiến đấu cơ đến Trường Sa trong tương lai gần để triển khai ADIZ.

Thứ hai, theo Layton, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, không chỉ ở Biển Đông, mà còn trong vấn đề với Đài Loan, Hong Kong và biên giới với Ấn Độ. Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình có thể cảm thấy đây là lúc dùng sức mạnh quân sự để thúc đẩy các yêu sách của Bắc Kinh.

Trung cộng gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Bên cạnh các tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo, Trung cộng còn tiến hành các cuộc diễn tập không quân, hải quân quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và Hàng không mẫu hạmLiêu Ninh.

Trung cộng cuối tháng 5 đã thông qua luật an ninh Hong Kong, tuyên bố nhằm giúp “duy trì vững chắc chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong”. Luật cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung cộng thiết lập cơ sở trong thành phố. 

Cuộc đối đầu giữa lực lượng biên phòng Trung cộng và Ấn Độ ở vùng Ladakh từ đầu tháng 5 đến nay vẫn căng thẳng, dù hai bên đều tuyên bố quyết tâm giải quyết bất đồng thông qua kênh đối thoại quân sự và ngoại giao. Quân đội Trung cộng ngày 1/6 tăng cường lực lượng dự bị tại các căn cứ gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giáp vùng Ladakh ở miền bắc Ấn Độ. Bắc Kinh triển khai nhiều hệ thống pháo binh, xe chiến đấu bộ binh và trang thiết bị quân sự hạng nặng. Để đối phó, quân đội Ấn Độ cũng điều thêm binh sĩ và pháo binh đến gần LAC, trong khi không quân liên tục triển khai máy bay giám sát khu vực. 

Thứ ba, Trung cộng lợi dụng tình hình ở Mỹ. Khi bị phân tâm và chia rẽ do Covid-19 và biểu tình, Washington ít có khả năng thực hiện hành động phản đối đáng kể nào. Bắc Kinh có thể cho rằng Washington sẽ phàn nàn về ADIZ ở Biển Đông nhưng quan hệ hai bên sẽ không xấu hơn được mức hiện nay.

Mỹ đang phải đối phó “khủng hoảng kép” khi tình hình dịch bệnh chưa được cải thiện (trên 1,7 triệu ca nhiễm hơn 100.000 người chết), người dân ở khắp nước Mỹ xuống đường biểu tìnhđể phản đối vụ một người da màu bị cảnh sát ghì chết. Với những bất đồng về Covid-19, vấn đề Hong Kong, Đài Loan, quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi. Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị cáo buộc “các thế lực chính trị ở Washington đẩy quan hệ với Bắc Kinh đến bờ vực Chiến tranh Lạnh”, cảnh báo Mỹ không nên tìm cách thay đổi Trung cộng.

Thứ tư, việc lập ADIZ “ăn nhập” với tuyên bố của các quan chức thuộc Hạm đội Nam Hải công bố trên tạp chí của PLAN năm 2017. Theo đó, họ cho rằng “PLAN nên tiếp cận các cuộc chiến theo hướng bền bỉ, kiên nhẫn; dùng mặt trận dân sự làm tiền tuyến và kiềm chế không nổ súng trước”. Theo cách gọi của Mỹ, đây là kiểu chiến tranh vùng xám Trung cộng đã áp dụng ở Biển Đông một thập kỷ nay.

Thứ năm, có một số dự báo rằng Trung cộng muốn chiếm quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát vào tháng 10 năm nay, do đó việc lập ADIZ sẽ hỗ trợ kế hoạch này. Bắc Kinh có thể không cho các nước đi vào ADIZ vì lý do an toàn và chặn đường tiếp cận Đông Sa từ phía nam.

Giữa tháng 5, Kyodo News đưa tin Trung cộng dự kiến tập trận đổ bộ vào tháng 8 ngoài khơi đảo Hải Nam, mục tiêu giả định của cuộc tập trận là quần đảo Đông Sa, nằm ở phía đông bắc Biển Đông, hiện do lực lượng phòng vệ Đài Loan kiểm soát. Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách tác chiến trên Biển Đông, được cho là sẽ triển khai lực lượng với quy mô lớn chưa từng có, bao gồm tàu đổ bộ, trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí và hải quân đánh bộ. Đông Sa là địa điểm có vai trò quan trọng chiến lược với tham vọng mở rộng hoạt động của Bắc Kinh, do quần đảo Đông Sa nằm trên tuyến di chuyển của lực lượng hải quân Trung cộng đóng tại đảo Hải Nam ra Thái Bình Dương.

Tỏ ra thận trọng hơn trong dự báo, Drew Thompson, nhà nghiên cứu tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, cho rằng thời điểm Trung cộng công bố ADIZ ở Biển Đông có thể phụ thuộc vào tranh luận trong nội bộ của nước này, tính toán của Bắc Kinh về lộ trình, năng lực quân sự, các yếu tố chính trị. Trung cộng cũng có thể lợi dụng hành động nào đó của nước khác làm cái cớ để tuyên bố ADIZ.

Trung cộng từng biến tính toán sai của nước khác thành lợi thế của mình”, Thompson nói.

Nêu lên các hệ quả khi Trung cộng lập ADIZ, Tiến sĩ Layton cho rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi được máy bay, kể cả dân sự và quân sự, của các nước đi qua Biển Đông, với hệ thống radar có tầm quan trắc lớn và các chiến đấu cơ ở các đảo nhân tạo. Dù ADIZ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của một số nước ASEAN cùng có tranh chấp với Trung cộng, Bắc Kinh âm mưu buộc các nước này dần chấp nhận Bắc Kinh sở hữu không phận trên thực tế.

“Tuyên bố ADIZ là động thái khiêu khích của Trung cộng khi yêu sách của họ không được công nhận ở khu vực này”, Layton nói.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, cảnh báo Trung cộng muốn “có căn cứ pháp lý cho các yêu sách, khi yêu cầu các nước báo cáo về các máy bay đi qua Biển Đông. Ông khẳng định ADIZ của Trung cộng không chỉ đi ngược lại phán quyết năm 2016 do Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra, về vụ kiện của Phi Luật Tân với Trung cộng, mà còn xâm phạm chủ quyền của các nước khác ở Biển Đông. Nagy lo ngại ADIZ sẽ gây ra nguy cơ xung đột khi các nước không chấp nhận phải “báo cáo” với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, xu hướng quân sự hoá ở Biển Đông cũng có thể gia tăng, khi các nước trong và ngoài khu vực tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác nâng cao năng lực trên biển.

Grossman quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Trung cộng và các nước. Trung cộng có thể trở nên quyết đoán hơn trong yêu sách ở Biển Đông. So sánh với ADIZ ở Hoa Đông, Grossman cho biết vùng nhận dạng ở Biển Đông sẽ khó kiểm soát hơn nhiều lần vì quy mô vùng này lớn hơn Hoa Đông. Trên thực tế, Trung cộng ít có hành động áp dụng ADIZ ở Hoa Đông, dù tuyên bố từ 2013.

Thompson cũng cho rằng nếu Trung cộng công bố ADIZ, quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN sẽ xấu đi. Người Trung cộng ở các nước có thể bị phản ứng bất lợi.

Jeffrey Ordaniel, chuyên gia của Diễn đàn Thái Bình Dương, tổ chức chuyên nghiên cứu về an ninh, kinh tế khu vực của Mỹ, nhận định Trung cộng có thể công bố ADIZ bất cứ lúc nào.“ADIZ sẽ được thiết lập, và chúng ta sẽ nói về nó như cách chúng ta đề cập đến các đảo nhân tạo, một việc đã rồi”, Ordaniel lo ngại.

Ông cho rằng Mỹ và các nước ASEAN nên thảo luận về việc trừng phạt các hành động vi phạm pháp luật của Trung cộng ở Biển Đông. Ordaniel nhắc đến dự luật của một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đưa ra quốc hội hồi giữa 2019. Trong đó, các nghị sĩ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu tài sản, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho cá nhân, công ty của Trung cộng liên quan đến hoạt động cải tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Nếu Trung cộng tuyên bố ADIZ, các nước không nên bàn về giảm căng thẳng. Các quốc gia cần chuẩn bị phương án đối phó và cho Bắc Kinh thấy hậu quả”, Ordaniel nói.

Theo vnexpress (03.06.2020)

Biển Đông: Mỹ dùng oanh tạc cơ B-1 để trị Trung cộng?

Misunderstanding plus a bloody stick: US/DPRK impasse - Asia Times

Một chiến đấu cơ B1-B tại căn cứ Andersen, đảo Guam, Mỹ. Ảnh chụp ngày 17/08/2017.  REUTERS/Joseph Campbell

Hoa Kỳ hiện đang sử dụng oanh tạc cơ B-1 trong các cuộc tập trận với mục tiêu chế ngự Nga và Trung cộng, trong đó có nhắm tới các đảo nhân tạo, mà Bắc Kinh đã xây dựng thành các tiền đồn quân sự ở Biển Đông.

Theo tờ Asia Times, trong 3 chiến dịch quân sự lớn, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng máy bay B-1 trong các phi vụ thao dượt nhắm vào các đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông, nhắm vào Nga tại vùng biển Okhotsk (nằm giữa Nga và Nhật Bản) và phối hợp với không quân Ukraina tại vùng Hắc Hải. Cả ba phi vụ này nằm trong khuôn khổ một mô hình mà Không lực Mỹ gọi là « Sử dụng Lực lượng Năng động », có nghĩa là Hoa Kỳ có thể chọn khi nào và bằng cách nào họ sẽ sử dụng lực lượng chiến lược để ổn định lại cán cân chiến lược ở châu Âu, Trung Đông, châu Á và những nơi khác trên thế giới.

Hoa Kỳ hiện có 11 không đoàn B-1B đóng tại 7 bang và có thể triển khai oanh tạc cơ này từ căn cứ không quân Ellsworth trên đảo Guam và căn cứ không quân Fairford ở Anh Quốc. Không lực Mỹ cũng có thể sử dụng các căn cứ khác cho việc triển khai B-1, như căn cứ Diego Garcia trên vùng Ấn Độ Dương.

Asia Times cho biết, khác với oanh tạc cơ B-2, B-1B không phải là máy bay tàng hình, nhưng có thể mang theo các vũ khí tầm xa. B-1B cũng dự trù được sử dụng để chở theo một tên lửa siêu thanh của Mỹ hiện đang được phát triển, mang tên Air-Launched Rapid Response Weapon ( ARRW ). Trong hai phi vụ gần đây ở vùng Thái Bình Dương, oanh tạc cơ B-1B còn được trang bị tên lửa không đối địa tầm xa Joint Air to Surface Standoff Missiles ( JASSM-ER ). Có tầm bắn 925km, tên lửa này có thể phá hủy các mục tiêu kiên cố trên bộ và tấn công các chiến hạm, và như vậy có thể thách thức các hạm đội của Nga và Trung cộng, kể cả các hàng không mẫu hạm của Trung cộng.

Hai chiếc B-1B Lancer thuộc Đội Oanh tạc Viễn chinh tại Căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas đã được triển khai từ đảo Guam trong một phi vụ ngày 26/05 vừa qua trên Biển Đông. Đây là phi vụ thứ hai của oanh tạc cơ này sau phi vụ đầu tiên ngày 29/04, xuất phát từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở bang South Carolina. Trước khi thực hiện phi vụ đó, 2 chiếc B-1 Lancer đã tiến hành một cuộc thao dượt với hải quân Mỹ ở vùng biển Hawai.

Trên mạng Twitter, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương hôm ấy đã nhấn mạnh : việc triển khai 2 chiếc B-1 này nhằm chứng tỏ khả năng của Không lực Hoa Kỳ hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, « với nhịp độ và thời điểm do chúng tôi chọn ».

Bắc Kinh đã lên án các phi vụ của oanh tạc cơ B-1 trên vùng Biển Đông là mang tính « khiêu khích » và cáo buộc Hoa Kỳ đang gây thêm căng thẳng giữa 2 quốc gia.

Không chỉ có B-1, mà 2 oanh tạc cơ chiến lược khác của Mỹ là B-2 và B-52 cũng được sử dụng luân phiên cho các phi vụ trên Biển Đông. Một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông tin rằng các phi vụ của những oanh tạc cơ đó trên vùng Biển Đông, cũng như trên vùng eo biển Đài Loan không chỉ nhằm phô trương lực lượng, khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ, mà còn nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra các xung đột vũ trang trong tương lai.

RFI (02.06.2020)

Trung cộng chờ thời điểm thích hợp để công bố vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông

Hình minh hoạ. Hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần đảo Hải Nam

Hình minh hoạ. Hai máy bay chiến đấu của Trung cộng tập trận ở Biển Đông gần đảo Hải Nam  AFP

Mạng South China Morning Post vào ngày 31 tháng 5 loan tin vừa nêu dẫn nguồn nội bộ quân sự Trung cộng. Theo đó kể từ năm 2010 Bắc Kinh đã lên kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại khu vực Biển Đông. Đó là thời điểm Bắc Kinh cũng cho biết xem xét công bố vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông. Một động thái bị thế giới phê phán.

Vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông mà Trung cộng muốn công bố bao gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa và Nam Sa. Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Tây Sa là tên gọi mà Trung cộng đặt cho quần đảo Hoàng Sa và Nam Sa là Trường Sa.

Mặc dù Bắc Kinh kín tiếng về kế hoạch công bố ADIZ tại Biển Đông; nhưng vào ngày 4 tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rõ họ biết kế hoạch đó của Trung cộng.

Giới quan sát quân sự đưa ra nhận định rằng việc công bố vùng nhận dạng phòng không thứ hai của Trung cộng như thế sẽ gây thêm căng thẳng với Hoa Kỳ và có thể dẫn đến những sứt mẻ không thể hàn gắn trong quan hệ với các quốc gia láng giềng của Trung cộng trong khu vực Biển Đông.

Hồi tháng 11 năm 2013, Trung cộng tuyên bố vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông. Lúc bấy giờ Bắc Kinh cho rằng vì nhu cầu cần khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư nên phải cho công bố ADIZ tại Biển Hoa Đông sớm hơn dự kiến.

Vùng nhận dạng phòng không ADIZ được các quốc gia tuyên bố lập tại các vùng trời không có tranh chấp nhằm theo dõi, giám sát mọi máy bay nước ngoài. Mục tiêu để bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Máy bay khi vào vùng nhận dạng phòng không phải phát tín hiệu nhận dạng và thông báo kế hoạch bay. Dù nhiều nước công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không; nhưng khái niệm nay chưa được xác định hay qui định bới bất cứ hiệp ước hay cơ quan quốc tế nào.

RFA (01.06.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen