Seite auswählen

LTS: Lâu lâu cũng nên đọc báo “Vẹm”.

8.6.2020

Ca khúc kinh điển của nhạc sĩ Trần Quang Lộc – “Có phải em mùa thu Hà Nội” – mất hàng chục năm mới nổi tiếng.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc qua đời hôm 7/6 tại nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu, sau nhiều năm điều trị ung thư. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ để lại dấu ấn đậm nét với hơn 600 ca khúc. Các nhạc phẩm của ông đa phần mang giai điệu êm dịu, ca từ gợi nhiều suy tư. Có phải em mùa thu Hà Nội  Về đây nghe em – hai ca khúc được biết đến nhiều nhất – ra đời khá sớm, khi tác giả còn ở độ tuổi đôi mươi. Trong đó, tình khúc nổi tiếng nhất của ông về Hà Nội có số phận lận đận.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949 - 2020). Ảnh: Facebook.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949 – 2020). Ảnh: Facebook.

Đầu thập niên 1970, tại Đà Nẵng, ông được bạn thân – thi sĩ Tô Như Châu – trao cho một bài thơ về Hà Nội. Khi đó, cả hai chưa từng đặt chân đến Thủ đô. Những vần thơ giàu chất trữ tình, phong lưu, khiến nhạc sĩ xao xuyến: “Ngày sang thu anh lót lá em nằm/ Bên trời xa sương tóc bay…”. Ngay đêm đó, ông bắt tay hoàn thành ca khúc. Người đầu tiên thu âm là danh ca Thái Thanh. Sau khi lên sóng phát thanh khoảng hai tháng, nhạc phẩm bị thu hồi vì chính quyền Sài Gòn cũ cho rằng ca khúc có xu hướng “thân miền Bắc”. Năm 2016, chia sẻ với báo chí, ông cho biết vì ca từ bài hát, ông từng bị nhà chức trách ở chế độ cũ gọi lên “chỉnh đốn”. Nhạc phẩm từ đó cũng bị ông cất tủ suốt hơn 20 năm. (LTS: Có phải bị cấm vì cho là “nhạc đồi trụy”?)

  

Năm 1994, ông giúp ca sĩ Hồng Nhung thực hiện album Chợt nghe em hát – 10 tình khúc Lã Văn Cường, Trần Quang Lộc. Ông quên bẵng ca khúc một thời và không định đưa vào CD. Nhạc sĩ Đức Trí – người phối khí cho album – đã chọn bài hát cho Hồng Nhung thu âm. Đĩa nhạc tạo nên hiện tượng với 30.000 bản phát hành trong tuần đầu. Thành công của nhạc phẩm chưa dừng lại ở đó. Ba năm sau, ca sĩ Thu Phương vào Sài Gòn lập nghiệp. Cô chọn ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội trong một chương trình ở Nhà hát Hòa Bình. Ca khúc đưa Thu Phương từ ca sĩ vô danh thành tên tuổi được so sánh với Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam…

Với Trần Quang Lộc, mỗi ca khúc của ông đều mang dáng dấp một bóng hồng. Bài Về đây nghe em ra đời vào năm 1969, khi tác giả đánh đàn thuê ở các phòng trà, quán bar Sài Gòn. Một lần đi làm về, ông thấy những cô gái mặc váy ngắn, đứng chào gọi khách giữa đêm vắng. Bâng khuâng trước đổi thay về nếp sống, sinh hoạt của một lớp trẻ, ông chọn những vần thơ của A Khuê để ca ngợi nét đẹp của các giai nhân xưa, với hình ảnh áo the, guốc mộc, lời ca dao, hạt lúa mới, nồi ngô khoai… Sau khi Elvis Phương thu âm, nhạc phẩm được yêu thích với giai điệu slow rock mới lạ, khác với phần lớn bản bolero lúc bấy giờ. Ca khúc vẫn giữ sức sống đến nay qua nhiều bản thu của các thế hệ ca sĩ.

  

Một thời phong lưu với những bản nhạc, Trần Quang Lộc trải qua cảnh bệnh tật cuối đời. Ông từng có tiền sử ung thư nhưng chỉ nằm nhà uống thuốc, không vào bệnh viện vì sợ tốn kém. Đến khoảng năm 2014, ông phải nhập viện cấp cứu vì ung thư bàng quang. Căn bệnh không thuyên giảm mà còn di căn, khiến một bên mắt của ông bị hỏng hoàn toàn. Ông còn chịu chứng ung thư phổi do nhiều năm hút thuốc thời còn khỏe mạnh. Năm 2017, nghe tin nhạc sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, Thu Phương nhờ người thân tới thăm, giúp ông 100 triệu đồng.

Gia cảnh chật vật, vợ chồng ông sống ở một căn nhà cấp bốn tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông mở thêm lớp dạy nhạc để có đồng ra đồng vào. Nhà nhỏ, chỉ đủ để vài cái bàn nhỏ, khi hết giờ dạy, ông phải đem cất để có chỗ sinh hoạt. Lớp học ông đủ độ tuổi, từ các em nhỏ trong xóm đến các bà xơ tóc điểm bạc. Mỗi buổi, ông chỉ thu học phí vài chục nghìn đồng. Sau này, sức khỏe suy kiệt, ông đành đóng lớp, sống nhờ vào tiền tác quyền. Vợ ông thế chấp sổ đỏ căn nhà đang ở để có số tiền 200 triệu đồng đóng viện phí.

Hạnh phúc của Trần Quang Lộc khi về già là người vợ tảo tần làm bạn tâm giao. Ngày ấy, bà là hoa khôi ở Huế. Họ thường đàn hát cho nhau nghe trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), đôi khi xưng “mày – tao” vì cùng tuổi. Sau này, bà vào Sài Gòn học Văn khoa và gặp lại ông. Ra trường, họ nên duyên dù bố mẹ bà phản đối vì không thích con gái yêu một nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc bên vợ - bà Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Facebook.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc bên vợ – bà Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Facebook.

Về già, bà làm “phụ tá” cho chồng, lau từng cây đàn, xếp từng bản nhạc khi ông dạy. Lúc ông lâm bệnh, bà túc trực ở bệnh viện, động viên ông uống thuốc vì các con đã định cư nước ngoài. Ông từng kể: “Đời tôi sáng tác nhiều bài hát, có nhiều bóng hồng, nhưng ngoài đời, bóng hồng của tôi chỉ có duy nhất”. Khi đó, ông đưa mắt sang nhìn bà, móm mém cười. Ông qua đời khi ước mơ được ra Hà Nội, nắm tay vợ và thưởng thức một đêm nhạc về ông, do các ca sĩ thân thiết biểu diễn, vẫn còn dang dở.

Tang lễ của nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ ngày 8/6 theo nghi thức Công giáo tại nhà riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông sẽ được hỏa táng ngày 10/6 tại quê nhà.

Nguồn: vnExpress

Nhớ Trần Quang Lộc, Người Nhạc Sĩ Lãng Du

08/06/2020
tran quang loc
Ảnh: Youtube

 

Sáng nay, vừa thức dậy, nghe tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh trong nước: “Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ trần. Được biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả nhiều bài hát quen thuộc với khán giả Việt Nam, đã ra đi vào lúc 5g40 chiều, ngày 7-6-2020, tại bệnh viện, bên cạnh người thân. Con trai của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, là anh Trần Quang Phương Nam, trước đó cho biết rằng nhạc sĩ bị ung thư bàng quang và ung thư phổi, bệnh đã ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn…”.

Thằng bạn văn nghệ còn ở trong nước của tôi viết như để tưởng niệm: “…Lại thêm người “tái ngộ” cùng tiền nhân. ‘Nghìn năm sau ta níu bóng quay về’…”. Đây là một câu hát trong ca khúc Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội.

Vào trước năm 1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc được xếp vào nhóm nhạc sĩ trong phong trào sinh viên, du ca. Ông là nhạc sĩ mà chỉ với một ca khúc “Về Đây Nghe Em” cũng đủ để trở thành bất tử:

Về đây nghe em về đây nghe em

Về đây mặc áo the đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe gọi tiếng xưa Để nhớ trong tiếng vỡ bờ…

 

Cả giai điệu và lời đều đẹp, lãng mạng như một bài thơ… Không thấy dấu ấn của một ca sĩ du tử…

Sau 1975, đến khoảng thập niên 1990s, nhạc của Trần Quang Lộc mới được phổ biến lại. Hầu hết là những tình khúc mà ông sáng tác sau 1975. Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông trong giai đoạn này là Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội. Cùng với “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” là hai nhạc phẩm viết về Hà Nội được yêu thích vào bậc nhất trong nước, cho dù cả hai  tác giả đều là những nhạc sĩ của Miền Nam…

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…

 

Một lần nữa, giai điệu và lời lại đẹp như một bài thơ. Hẳn là Trần Quang Lộc phải là nhạc sĩ của những tình ca lãng mạn?…

Cũng theo thông tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trần Quang Lộc đã để lại cho đời khoảng 600 ca khúc. Nhiều người hâm mộ sẽ ngạc nhiên: người nhạc sĩ này sáng tác nhiều đến thế sao?

Riêng chúng tôi- những người trong nhóm thân hữu “Hội Ca Cầm”- thì  không bất ngờ trước sự sung mãn trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984, anh Lộc (nhóm chúng tôi vẫn gọi như thế) hay đến “hát chui” tại những buổi văn nghệ bỏ túi tại tư gia  của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, của ca sĩ Duy Trác, của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Chúng tôi đã nghe rất nhiều sáng tác của anh Lộc sau 1975 trong khoảng thời gian này, mà không phải tất cả đều được phổ biến chính thức tại Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm đặc trưng nhất của nhạc Trần Quang Lộc là giai điệu của một kẻ lãng du, như bài hát Lãng Du Ca mà anh đã sáng tác từ trước 1975:

Về ngồi lại hát hát cho quên đời
Về tìm lại kiếp kiếp lãng du này
Đàn tình tang cho ta lòa xòa mộng dối ha …
Về làm người rong chơi chín cõi đời
Về chào mừng cuộc đời mới

Bởi vì người cũng biết xót thương người
Và vì lòng vẫn cứ vấn vương lòng
Thì làm sao hay biết cuộc đời như mơ …ha …
Về nực cười vung gươm giết hết sầu
Về tìm lại chút duyên đầu…

 

Lãng du có lẽ cũng là nét đặc trưng của cuộc đời Trần Quang Lộc. Từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để học hành từ trước 1975. Sau ngày Miền Nam mất, anh xuống sinh sống tại Rạch Giá, rồi trở lên lại Sài Gòn, và rồi sống những ngày cuối đời tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Những ca khúc theo thể loại giang hồ lãng tử, Trần Quang Lộc viết nhiều đến độ chính anh có khi cũng không nhớ hết. Hồi năm 2010, anh Lộc có dịp sang Hoa Kỳ, có buổi hát hò hội ngộ với nhóm Hội Ca Cầm. Chúng tôi chào đón anh bằng bài hát “Có Phải Xuân Về Không Em”, ca khúc mà ở Việt Nam, mỗi lần họp mặt hát hò trong dịp tết, chúng tôi đều hát ngay sau bài mở màn Ly Rượu Mừng:

Em ơi mai nở, có tiếng nói cười, mùa xuân đã về rồi sao
Đi qua phố chợ, mua dăm ly rượu, mừng xuân uống cho say đời…
Lô nhô bóng người, thấp thóang giữa đời, chào nhau chén rượu đầu môi
Quen thân lưu lạc, hát giữa phố người, bài ca ấm êm cho đời…

 

Nghe lại ca khúc “lãng tử” này, anh Lộc nói rằng anh quên mất, đã từ lâu không hát lại. Việt Báo đã từng đăng một bài viết nói về dòng nhạc lãng du của Trần Quang Lộc cũng trong dịp này. Mới đó mà đã 10 năm… https://vietbao.com/a161765/chieu-nhac-tran-quang-loc

Hầu hết mọi người đều biết đến anh Trần Quang Lộc như một nhạc sĩ. Nhưng không phải ai cũng biết anh Lộc là một người có giọng hát độc đáo không kém gì nhạc của anh. Bác sĩ Bích Liên của Ca Đoàn Ngàn Khơi còn nhớ giọng hát của anh Lộc trước 1975: “…Nhớ năm 1974 thì phải, lần đầu tiên gặp anh Lộc từ trường Nông Lâm Súc sang hát ở Dược Khoa. Anh hát Lá Đổ Muôn Chiều thật hay, giọng thật ấm và truyền cảm. Rồi anh hát Về Đây Nghe Em anh vừa sáng tác. Sau đó theo anh tham dự những buổi văn nghệ Thanh Sinh Công.  Mấy chục năm rồi không được gặp anh…”

Tôi còn nhớ trong những buổi văn nghệ bỏ túi “chui” sau 1975 ở tư gia nhà văn Doãn Quốc Sỹ, mỗi khi có anh Lộc, tụi tôi đều phải kéo nhau xuống nhà bếp để hát, chứ không ngồi ở phòng khách như thường lệ. Bởi vì giọng của anh rền vang, có khi cả cái xóm lao động trong con hẻm đều nghe, chắc chắn sẽ phiền hà với anh công an khu vực! Anh Lộc tự đàn guitar cho mình hát, theo phong cách đàn rất du ca. Tụi tôi vẫn ví giọng hát của anh với tiếng kèn saxophone. Anh có đặc điểm là càng uống rượu, anh hát càng hay. Tiếng hát của anh có khi sang sảng, phóng khoáng khi hát những ca khúc lãng du. Có khi mượt mà, nỉ non khi hát những tình khúc. Khi rền rỉ, kể lể, thống thiết lên bổng xuống trầm trong những ca khúc của anh kể về cuộc đời thăng trầm của chính mình, như bài hát Chỉ Còn Bóng Đổ Dài:

Làm sao em hiểu thấu, trong lòng anh điêu tàn,

Trong lòng anh mới đổ, một bóng dài lẻ loi…

 

Anh hát bằng con tim, với tất cả hơi thở.  Một giọng hát cũng đầy cá tính như nhạc của Trần Quang Lộc.

Nói về nhạc của Trần Quang Lộc, ca sĩ Duy Trác đã từng nói rằng: “… Trần Quang Lộc là một hiện tượng, một quái kiệt. Nhạc của Lộc qua giọng hát của chính Lộc là độc nhất vô nhị, nghe hay không chịu được!”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Toàn- người cũng hay có mặt trong những buổi văn nghệ “chui” của Hội Ca Cầm- nhận xét: “… Nếu có một nhạc sĩ thuộc thế hệ sau mà tài năng đến gần với Phạm Duy nhất, thì đó sẽ là Trần Quang Lộc…”. Có lẽ một cái giống trong cuộc đời của anh Lộc với nhạc sĩ Phạm Duy là anh sống hết mình, sống trọn vẹn với tất cả vui buồn của một kiếp người.

Cách đây vài năm, tôi đã từng hứa là sẽ tập cho nhóm văn nghệ thân hữu Việt Báo hợp ca bài “Có Phải Xuân Về Không Em” trong mỗi dịp cùng đón năm mới tại vùng Little Saigon. Vậy mà tới nay vẫn chưa làm được. Thôi thì năm nay nhất định phải làm. Cũng là một cách để tưởng nhớ anh Trần Quang Lộc, người nhạc sĩ lãng tử của nền tân nhạc Việt Nam…

Cung Mi

Nguồn: Việt Báo

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen