Seite auswählen

15.7.2020

Mỹ có thể sử dụng biện pháp hòa bình hoặc trực tiếp thách thức quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhưng phương án nào cũng tiềm ẩn rủi ro.

Nguồn: The four China strategies Trump or Biden will need to consider

Getty Images

Căng thẳng Mỹ – Trung gần đây liên tục leo thang xoay quanh nhiều vấn đề như Covid-19, Hong Kong, chiến tranh thương mại hay Biển Đông. Do đó, dù người lãnh đạo nước Mỹ tiếp theo là Donald Trump hay Joe Biden, Washington vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức được cho là lớn chưa từng thấy từ phía Bắc Kinh.

Theo bình luận viên Joseph Bosco của Hill, nước Mỹ trong thời gian tới có thể tính tới 4 chiến lược ứng phó với Trung Quốc. 

Chiến lược A là quay về với chính sách can dự toàn diện và ngăn chặn bị động như những chính quyền trước đây.

Chiến lược B là trực tiếp thách thức Bắc Kinh về mặt quân sự bằng cách phá hủy những căn cứ nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông, giúp Philippines phục hồi các địa điểm đất đai bị chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa, hoặc thậm chí sử dụng vũ lực để đẩy lùi nếu Trung Quốc tiến vào vùng trời Đài Loan hay xâm phạm không phận, hải phận Nhật Bản. 

Chiến lược C mà Bosco đưa ra là duy trì chính sách kiềm chế Trung Quốc một cách chủ động như chính quyền Trump đang thực hiện, có nghĩa là không phản ứng bằng hành động đối đầu trực tiếp, nhưng cứng rắn hơn so với các chính quyền tiền nhiệm trước những động thái của Bắc Kinh bị coi là vi phạm về thương mại, nhân quyền, tự do hàng hải và Đài Loan. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 14/7. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 14/7. Ảnh: Reuters.

Tất cả lựa chọn trên đều ẩn chứa nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong số đó, chiến lược A còn có khả năng khiến phương Tây thất bại về mặt hệ tư tưởng và đạo đức thông qua các biện pháp hòa bình, có thể giúp Trung Quốc “bất chiến tự nhiên thành” theo binh pháp Tôn Tử với các kỹ thuật chiến tranh chính trị, lừa dối và thông tin sai lệch..

Tuy nhiên, hầu hết người chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Trump đều cho rằng nên quay về với phương án này. Quan điểm đó được thể hiện qua một bài báo của Michael Green và Evan Medeiros (Is Taiwan the Next Hong Kong?), các cựu quan chức trong chính quyền George W. Bush và Barack Obama. Hai tác giả bày tỏ tiếc nuối cho số phận của Hong Kong, đồng thời thất vọng trước sự bất lực của phương Tây.

“Luật an ninh mới của Trung Quốc là thảm họa to lớn đối với người dân Hong Kong, nhưng không may, cộng đồng quốc tế cũng không thể làm được gì nhiều để ngăn chặn việc thực thi. Chính quyền Trump cho biết họ sẽ tăng áp lực lên chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, điều đó có nguy cơ gây tổn hại cho kinh tế Hong Kong hơn cả động thái của Bắc Kinh”, bài viết có đoạn.

Theo bình luận viên Bosco, khi điều dường như không thể chấp nhận cuối cùng trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ càng có động lực để tiếp tục thách thức các giới hạn. Green và Medeiros cũng nhận thức được mối nguy hiểm, khi nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đánh giá thấp rủi ro và cái giá phải trả cho hành động quân sự đối với Đài Loan, nếu Mỹ không thể hiện quyết tâm, cũng như khả năng chống lại sự chèn ép và hung hăng của Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi thừa nhận phải ngăn chặn sự leo thang của Bắc Kinh, các cựu quan chức vẫn cho rằng cần “nằm im chờ thời” để đưa ra phản ứng thích hợp hơn. “Những đòn trừng phạt sẽ gây tổn hại thêm cho quan hệ Mỹ – Trung, hoặc với người dân Hong Kong. Tuy nhiên, Washington có thể giới hạn sự tổn hại bằng cách tăng dần mức độ một cách tương ứng, kết hợp với những quyền lực khác”, Green và Medeiros nêu ý kiến.

Trong khi đó, bình luận viên Bosco chỉ ra rằng xu hướng của Trung Quốc những thập kỷ qua thực sự không thể chấp nhận đối với chính quyền Trump và gần như toàn bộ quốc hội Mỹ. Thêm vào đó, việc hạn chế gây tổn hại Hong Kong cũng đồng nghĩa với giảm thiểu thiệt hại trực tiếp lên những mục tiêu chính, bao gồm các quan chức bị coi là xâm phạm quyền tự trị của đặc khu.

Nếu trì hoãn áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện, Bắc Kinh cũng sẽ có thêm thời gian để điều chỉnh, tìm kẽ hở, xem xét mức độ tổn hại và chuẩn bị ứng phó. Mặc dù thừa nhận các lệnh trừng phạt sẽ để lại hậu quả, Bosco cho rằng cái giá phải trả vẫn thấp hơn rất nhiều so với xung đột quân sự, nguy cơ ẩn chứa trong hai chiến lược đối phó khác.

Phương án thứ hai, trực tiếp thách thức Trung Quốc về mặt quân sự, được cho là tương tự quan điểm của Rex Tillerson, ngoại trưởng đầu tiên trong chính quyền Trump. Tại buổi điều trần xác nhận chức vụ, khi được hỏi về chính sách của Mỹ tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Tillerson cho biết hoạt động của Trung Quốc trong khu vực này “vô cùng đáng lo ngại”, nói thêm rằng “sự phản ứng thất bại đã tạo điều kiện cho họ tiếp tục lấn tới”.

“Chúng ta phải gửi tới Trung Quốc thông điệp rõ ràng rằng trước hết họ phải ngừng cải tạo đảo, sau đó là không được phép xâm nhập những thực thể đó”, cựu ngoại trưởng Mỹ trả lời khi được hỏi liệu ông có ủng hộ “lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông” hay không.

Một ngày sau, NY Times đăng bài với tiêu đề “Phát ngôn của Rex Tillerson về Biển Đông báo trước nguy cơ khủng hoảng chính sách ngoại giao”. “Bình luận của Tillerson, dường như ám chỉ Washington có thể sử dụng lực lượng vũ trang để ngăn cản Bắc Kinh, đã khiến các nhà phân tích tại Trung Quốc bối rối, mất lòng tin và nghĩ tới mối đe dọa chiến tranh”, bài báo có đoạn.

Tuy nhiên, thay vào đó, Trump cùng đội ngũ an ninh quốc gia của ông dường như theo đuổi phương án thứ ba mà bình luận viên Bosco đưa ra. Đó là kiềm chế một cách tích cực nhằm ngăn chặn sự lấn lướt của Trung Quốc. Chiến lược này được áp dụng cho Hong Kong, Đài Loan, trong lĩnh vực hàng hải, cùng các khu vực thuộc Trung Quốc bị chính quyền tăng cường kiểm soát.

Cách tiếp cận này thể hiện rõ qua tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông hôm 13/7, trong đó Washington bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh về Biển Đông. Đây được coi là bước ngoặt chính sách lớn của Mỹ, đặt nền móng cho những hành động cứng rắn hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, bình luận viên Bosco cho rằng ba chiến lược đầu tiên đều tiềm ẩn những rủi ro lớn trong cách phản ứng của Bắc Kinh. Do đó, chính phủ nên nghiêm túc cân nhắc theo đuổi phương án cuối cùng. Đó là làm suy yếu Trung Quốc bằng công cụ kinh tế.

Bosco liệt kê những lựa chọn mà Mỹ có thể cân nhắc, bao gồm tăng thuế với lý do Trung Quốc không hoàn thành cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trừng phạt vì vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng, tăng cường trừng phạt vì vấn đề Triều Tiên, hoặc loại các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ.

Bình luận viên của Hill cho rằng những biện pháp này sẽ làm giảm khả năng kiểm soát trong nước của Trung Quốc, cũng như “sự hung hăng trên trường quốc tế”, đồng thời mở đường cho chiến dịch lan truyền thông tin gây bất lợi cho Bắc Kinh, tạo lợi thế cho phương Tây.

Joseph Bosco từng là giám đốc về vấn đề Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2005 đến 2006 và là giám đốc hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa cho châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2009 đến năm 2010. Ông thành viên Viện Nghiên cứu Hàn Quốc – Hoa Kỳ và là thành viên của ban cố vấn của Viện Đài Loan toàn cầu.

Ánh Ngọc được hiệu đính bởi VNC (Theo Hill)

Nguồn: vnExpress

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen