Seite auswählen

Lực lượng an ninh liên bang giải tán những người biểu tình Black Lives Matter phía ngoài tòa án liên bang Mark O. Hatfield ở Portland

Chính quyền địa phương nên tổ chức đối thoại với người biểu tình để chấm dứt cuộc biểu tình ròng rã ở Portland, bang Oregon, một cư dân gốc Việt ở thành phố này nói với VOA và nhận định rằng phản ứng của cảnh sát ‘là thỏa đáng’ trước những ‘hành vi quá đáng’ của người biểu tình.

Nằm trong phong trào ‘Black Lives Matter’ đòi công lý cho người da màu và các sắc dân thiểu số sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis cuối tháng 5, thế nhưng trong khi các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ giờ đã lắng dịu thì cuộc biểu tình ở Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, đến nay tiếp diễn sang ngày thứ 54 mà vẫn chưa thấy lối ra.

Trong lúc này, chính quyền liên bang và chính quyền địa phương ở Oregon và Portland đang tranh cãi về cách đối phó với cuộc biểu tình. Tổng thống Donald Trump kêu gọi thực thi pháp luật và trật tự, đồng thời lên án thái độ mà ông cho là ‘dung túng người biểu tình’ trong khi chính quyền địa phương chỉ trích việc ông Trump triển khai lực lượng liên bang đến trấn áp bạo loạn là ‘làm cho tình hình tồi tệ hơn’.

Portland, một thành phố có đông người da trắng, được biết đến là một trong những thành phố cấp tiến nhất nước Mỹ. Nơi đây từng diễn ra phong trào phản chiến mạnh mẽ trong chiến tranh Việt Nam.

‘Ba thành phần’

Trao đổi với VOA, ông Từ Đức Tháo, người đã sống ở Portland từ năm 1991 và hiện là chủ tịch cộng đồng người Việt ở đây, nhận định về ‘ba thành phần’ của cuộc biểu tình.

“Thành phần ôn hòa thì người ta chỉ muốn nói lên tiếng nói của họ. Người ta dựa theo luật pháp biểu tình đàng hoàng, đưa khẩu hiệu đàng hoàng. Những người đó mình rất trân trọng và muốn tham gia với họ,” ông trình bày.

Thành phần thứ hai được ông Tháo mô tả là ‘vô chính phủ’ muốn đối chọi với chính quyền, với cảnh sát. “Thử hỏi có một đất nước nào trên thế giới mà không có chính quyền, không có cảnh sát thì xã hội sẽ đi về đâu,” ông bức xúc.

Thành phần sau cùng, vẫn theo lời ông Tháo, là những người chủ trương ‘chống phát xít’, tức Antifa, nhưng lại ‘làm điều không thể ngờ được’ là lợi dụng cảnh sát đang đối phó người biểu tình để ‘nhào vô các cửa tiệm hôi của rồi bước ra hớn hở lắm’.

“Hành động này cho thấy lẽ ra Mỹ là một xã hội tiến bộ, gương mẫu cho cả thế giới mà còn tệ hơn xã hội nào hết. Đó là điều mà tôi bất bình lắm,” ông nói về thành phần thứ ba.

Tuy nhiên, ông cho biết hành động hôi của, cướp bóc ‘chỉ xảy ra vào những ngày đầu cuộc biểu tình’ còn giờ đây ‘nhờ cảnh sát canh chừng dữ lắm’ nên không xảy ra.

Ông Tháo cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính nghĩa của phong trào ‘Black Lives Matter’, tức ‘Mạng sống của người da đen là quan trọng’.

“Tôi nghĩ rằng nếu họ không liên tiếng thì những chuyện đó xảy ra với cộng đồng của họ nữa,” ông giải thích về lập trường của mình. “Họ có thành quả của họ thì những sắc dân khác cũng được hưởng. Nếu không nhờ họ thì người Á châu sống ở Mỹ lên xe buýt phải ngồi ở hàng chót nhất – mình thấy có đau lòng không?”

“Người da đen đi trước dọn đường cho những sự bình đẳng mà mình được hưởng thì mình không có duyên cớ gì mà ngoảnh mặt làm ngơ, không ủng hộ họ,” ông giãi bày.

Ông Tháo lập luận rằng không thể lên án biểu tình vì ‘quyền biểu tình được luật pháp Mỹ bảo vệ’ và ‘cảnh sát đứng ra bảo vệ để biểu tình diễn ra trong trật tự và chống lại các hành động sai trái’.

Tuy nhiên, ông cho rằng những yêu cầu sửa đổi mà người biểu tình đưa ra ‘không thể nào sửa

đổi trong một sớm một chiều với tất cả sự thông cảm cho nước Mỹ đang trong mùa dịch’.

“Tôi ủng hộ họ, nhưng không phải vì thế mà ủng hộ cho những kẻ vô chính phủ, chống phát xít, lợi dụng biểu tình để làm những việc không mang lại lợi ích gì cho Portland,” ông nói rõ.

‘Hậu quả’ của biểu tình

Người lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Portland này cũng chỉ ra những hành động của một số người trong đoàn biểu tình mà ông cho là ‘quá đáng’.

Trước hết, ông phẫn nộ với việc người biểu tình giật đổ tượng của những vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ như George Washington và Thomas Jefferson. “Mình qua đây tị nạn, mình ngưỡng mộ hết sức những vị Tổng thống đầu tiên mà giờ đây tượng các ông đó không còn nữa,” ông tiếc nuối.

Kế đến, ông chỉ ra thành phần vô chính phủ ‘đi sau lưng những người ôn hòa và liệng đủ thứ vào cảnh sát, trong đó những bọc nylon đựng nước tiểu, đựng phân người thì làm sao cảnh sát người ta chịu nổi’.

“Cảnh sát tức giận lên thì họ phải bắn lựu đạn cay thôi,” ông nói và cho biết cách nay mấy hôm, nhóm vô chính phủ còn ‘tấn công đồn cảnh sát nữa’. “Nếu bữa rày không có cảnh sát thì tất cả công sở đã bị chiếm và nhà tù đã bị thả tù nhân ra hết trơn,” ông nói thêm.

Theo lời ông thì khu vực công viên xung quanh Tòa án ở Portland, nơi tập trung của cuộc biểu tình, những người biểu tình đã biến một khu vực giống như ‘khu tự trị mặc dù chính quyền đã rào lại không cho họ vào’.

“Nói đúng ra họ lợi dụng biểu tình ôn hòa để làm những chuyện kỳ quá. Ở đây mọi người đều phẫn nộ,” ông Tháo chia sẻ.

Điều mà ông Tháo cảm thấy khó hiểu là những người biểu tình mặc dù nói là ‘đấu tranh đòi công lý’ nhưng ‘chẳng bao giờ nghe họ đòi hỏi điều 1, điều 2, điều 3 là gì để chính phủ làm, chẳng hạn như phải cải tiến lực lượng cảnh sát ra sao’.

“Tại sao không nói ra những đề nghị của mình mà ngày nào cũng đi xuống đường đòi công lý nhưng lại không nói ra công lý là gì?” ông đặt vấn đề.

Ông cho biết do phải tập trung đối phó biểu tình mà lực lượng an ninh ở Portland bị lơ là trong việc đảm bảo các yêu cầu an ninh của người dân.

“Cảnh sát tập trung quân số xuống phố nên bây giờ ngoài đường hiếm thấy cảnh sát lắm. Cỡ 50 ngày nay không thấy cảnh sát xung quanh đây,” ông dẫn chứng.

Vì thế, ông cho biết người dân có việc gì khẩn cấp gọi vào số 911 thì họ cũng chỉ được hỏi cho qua ‘rồi cũng không có cảnh sát nào đi xuống hết’.

Về phần mình, ông cho biết ‘chỉ khi nào có việc cần thiết tôi mới đi xuống phố thôi và cũng không còn muốn đi dạo hay ngắm cảnh này kia trong mùa hè nữa’.

“Xuống đó lỡ có chuyện gì xảy ra, mấy anh cảnh sát tưởng mình trong đoàn biểu tình họ bắt nhầm thì cũng kẹt lắm,” ông nói lý do.

Chính quyền mềm yếu?

Về cách phản ứng của chính quyền Portland trước thành phần quá khích trong cuộc biểu tình, ông Tháo cho là mềm yếu.

“Ông thị trưởng, bà thống đốc không đứng ra nói rằng các vị biểu tình chúng tôi đồng ý theo Hiến pháp nhưng quý vị làm ơn đừng phá tượng vì đó là biểu tượng của đất nước. Không ai nói một tiếng gì cả.”

Ông cũng không đồng tình với việc chính quyền yêu cầu cảnh sát ‘không được mặc đồ bảo hộ và dùng hơi cay để đối phó người biểu tình’. “Đó là nói chuyện với những người ôn hòa thôi, còn với đám đông lộn xộn thì không được,” ông nói.

Cư dân này ủng hộ việc cảnh sát có hành động cương quyết hơn với các hành động quá đáng của người biểu tình. “Tôi nghĩ trấn áp không mang lại lợi ích cho cả hai phía, nhưng chẳng đặng đừng cảnh sát mới dùng đến hành động mạnh mẽ hơn,” ông lập luận.

“Người biểu tình làm quá chẳng lẽ cảnh sát đứng đó làm ngơ hay sao? Họ phải bảo vệ tính mạng của họ chớ và họ phải bảo vệ người lương thiện,” ông nói thêm.

Theo lời ông, hiện giờ cảnh sát tại chỗ ‘không làm mạnh tay mà chỉ bắt những người nào vi phạm lệnh giới nghiêm’ trong khi lực lượng thực thi pháp luật do chính quyền liên bang đưa vào ‘đối đầu với người biểu tình’.

Về việc lực lượng liên bang có phản ứng quá tay không, ông Tháo cho biết đã xảy ra việc một thành viên thuộc lực lượng liên bang bắn vào mặt một người biểu tình làm nứt sọ người này nhưng ‘nạn nhân không muốn làm lớn chuyện’.

Để phá vỡ thế bế tắc hiện nay ở Portland, ông Tháo đề nghị ‘tổ chức đối thoại’ giữa chính quyền Portland và người biểu tình mà khi đó nhóm biểu tình phải nói rõ yêu sách cụ thể của họ là gì.

Ngoài ra, ông cho rằng chính quyền địa phương nên hợp tác với chính quyền liên bang trong việc giải quyết cuộc biểu tình – điều mà hiện nay theo ông không xảy ra.

“Cứ xuống đường như thế không đối thoại thì không bao giờ chấm dứt biểu tình,” ông nói. “Theo tôi thấy biểu tình có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9, làm hao mòn bao nhiêu tiền của của chính phủ. Chính phủ phải trả tiền cho lực lượng cảnh sát các thành phố khác để họ dồn vào trung tâm Portland.”

Trong những ngày qua, những hình ảnh lực lượng an ninh liên bang mặc áo giáp đánh đập và bắn hơi cay vào những người biểu tình không có vũ trang, trong đó có một cựu quân nhân, và tin tức về việc người biểu tình bị kéo lên những chiếc thùng xe không có đánh dấu đã lan truyền trên mạng, khiến người dân Mỹ tranh cãi về việc dùng lực lượng liên bang đối phó người biểu tình.

“Đây là đất nước dân chủ, không phải là chế độ độc tài,” Thống đốc Oregon Kate Brown nói trong một tuyên bố hôm 21/7. “Chúng ta không thể để cảnh sát chìm bắt cóc người dân lên những chiếc xe không có dấu hiệu.”

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Portland cho rằng sự hiện diện của lực lượng liên bang càng làm cho bạo lực thêm leo thang. Thị trưởng Portland Ted Wheeler ra thông cáo nói rằng ‘ông Trump lạm dụng quyền hành’ với việc đưa lực lượng đến thành phố. Ông Wheeler đã cùng thị trưởng của năm thành phố lớn khác ở Mỹ kêu gọi giới chức liên bang rút lực lượng khỏi Portland viện dẫn lý do là cuộc biểu tình ở Portland phần lớn là ôn hòa.

Nguồn: VOA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen