Seite auswählen

Bắc Kinh đánh tiếng: Mỹ – Nhật tập trận là ‘tín hiệu nguy hiểm’ đối với Trung cộng

Các máy bay của Lực lượng Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Phòng vệ trên Không của Nhật Bản tiến hành một cuộc tập trận chung và hội nhập song phương quy mô lớn hôm thứ Ba trên không phận gần Nhật Bản (ảnh: U.S. AIR FORCE / Japantimes).

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện cuộc tập trận quân sự chung “Thanh gươm sắc bén” vào ngày 26/10, với sự tham gia của 46.000 quân nhân diễn ra trên các đảo cách thành phố Kagoshima của Nhật Bản 200 km và kéo dài tới ngày 5/11.

Từ Trân Châu Cảng, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương PACOM phát đi thông báo rằng, các lực lượng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và các đơn vị từ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận Thanh gươm sắc bén (Keen Sword) vào ngày 26/10 trên các căn cứ quân sự trên khắp lục địa Nhật Bản, tỉnh Okinawa và vùng lãnh hải xung quanh các căn cứ này.

Tập trận Thanh gươm sắc bén diễn ra 2 năm một lần, được thiết kế để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời củng cố mối quan hệ song phương và thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ lợi ích an ninh của các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Thời báo Hoàn cầu của Trung cộng dẫn lời chuyên gia trong nước cho biết hôm 25/10 rằng, kế hoạch tập trận này cho thấy Mỹ và Nhật Bản đang tìm kiếm sự hợp tác mới trong bối cảnh cảnh giác cao độ với hoạt động hàng hải của Bắc Kinh.

Hoàn Cầu nói rằng, cuộc tập trận của Mỹ – Nhật gửi đến Bắc Kinh một “tín hiệu nguy hiểm”.

Tờ báo Trung cộng dẫn tin từ truyền thông Nhật Bản Kyodo News cho biết, địa lý của khu vực tập trận tương tự như trên quần đảo Điếu Ngư [phía Nhật Bản gọi đảo này là Senkaku].

Hoàn Cầu dẫn lời Li Haidong, giáo sư của Học viện Ngoại giao Trung cộng nhận định rằng: Hoa Kỳ và Nhật Bản cho thấy họ đang nhắm vào Trung cộng rõ ràng và công khai hơn trước.

Giáo sư Li nói: “Washington muốn sử dụng Tokyo như một quân cờ để kiềm chế Bắc Kinh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi Tokyo lại muốn mượn sức mạnh của Washington để dễ dàng đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề ở đảo Điếu Ngư”.

Hoàn Cầu trích bản tin của Kyodo dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật Bản giấu tên cho biết “cuộc tập trận sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nước xung quanh”.

Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Li cảnh báo rằng “nhận xét trên có vẻ rất nguy hiểm” khi Nhật Bản có ý định kêu gọi các nước xung quanh có tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng tiến hành các cuộc tập trận quân sự tương tự, đưa Trung cộng vào một tình trạng phải đối mặt với một liên minh các nước láng giềng.

Giáo sư Li cũng nhìn nhận rằng: “Với sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản có thể sẽ ngày càng cứng rắn hơn trong các tranh chấp biên giới với Trung cộng trên biển”.

Đại Kỷ Nguyên (27.10.2020)

Trung cộng phẫn nộ hình ảnh cuộc tập trận Mỹ – Nhật

Ảnh: News of Bahrain

Một sự kiện được tổ chức 2 năm một lần, quy tụ khoảng 46.000 binh sĩ, trong đó có 9.000 quân nhân Mỹ cùng hàng chục chiến hạm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật, bất chấp sự phản đối của Trung cộng khiến Mỹ và Nhật vừa bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn, kết hợp cả thao diễn trên bộ, trên không và trên biển nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng “chiến đấu và chiến thắng”.

Cuộc tập trận “Keen Sword” (Gươm sắc) đã khai mạc hôm 26/10 và dự kiến kéo dài tới ngày 5/11. Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần, quy tụ khoảng 46.000 binh sĩ, trong đó có 9.000 quân nhân Mỹ cùng hàng chục chiến hạm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật.

Báo RT dẫn thông cáo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho hay, cuộc tập trận bao gồm nhiều hoạt động trên đảo Okinawa, cũng như diễn tập đổ bộ lên nhiều hòn đảo nhỏ hơn của Nhật.

Dưới đây là một số hình ảnh đầu tiên về sự kiện này:



Ảnh: Hải quân Mỹ

Các thủy thủ trên tàu sân bay Kaga của Nhật tham gia tập trận. Ảnh: Asia Times

Cuộc tập trận diễn ra đúng vào lúc Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Tư lệnh quân đội hàng đầu Nhật, Tướng Koji Yamazaki tuyên bố “Keen Sword” nhằm ứng phó với tình hình an ninh “ngày càng nghiêm trọng” quanh đất nước mặt trời mọc.

Ảnh: Hải quân Mỹ

Trung tướng Kevin Schneider, Tư lệnh các lực lượng đồn trú Mỹ tại Nhật cho biết thêm, cuộc tập trận cũng nhằm cho thấy “sự gia tăng sức mạnh” của liên minh hai nước cũng như việc các lực lượng vũ trang của họ “vẫn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng” giữa đại dịch.

Theo ông Schneider, cả Washington và Tokyo đều lo ngại về các hoạt động gần đây của Trung cộng trong khu vực, kể cả việc thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông …

Ngược lại, Trung cộng cảnh báo Nhật “không nên làm điều gì phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định”, đồng thời lên án Mỹ đang kích động căng thẳng trong khu vực.

Hôm 25/10, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung cộng đăng một bài viết cáo buộc Nhật đang âm mưu đẩy nước này vào thế bị bao vây vì tranh chấp lãnh hải.

Tờ báo dẫn lời Li Haidong, giáo sư thuộc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung cộng nhận xét, cuộc tập trận cho thấy cách Tokyo và Washington “đang chuẩn bị binh lực cho các cuộc xung đột” với Bắc Kinh. Học giả này cũng tin Mỹ “muốn sử dụng Nhật như quân cờ kiểm sát Trung cộng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Theo VietBF (27.10.2020)

Tàu hải cảnh và dân quân biển Trung cộng “lảng vảng” trong vùng biển Việt Nam nhiều tháng qua

Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung cộng được theo dõi từ tàu cảnh sát biển Việt Nam cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 hải lý hôm 14/5/2014. Reuters

Tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung cộng đã liên tục xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và Union Banks ở Biển Đông nhiều tháng qua, theo dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển từ vệ tinh mà Đài Á Châu Tự Do có được.

Bãi Tư Chính

Tại Bãi Tư Chính thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, hải cảnh Trung cộng đã duy trì sự hiện diện liên tục suốt từ tháng 7 đến nay với tổng số ngày các tàu được ghi nhận có mặt ở khu vực này là 113 ngày, trừ một vài ngày gián đoạn.

Bãi Tư Chính là một thực thể nửa chìm nửa nổi nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Đây cũng là nơi Việt Nam có các tiền đồn và lô dầu khí được ký hợp đồng với các công ty nước ngoài để tìm kiếm và khai thác.

Trung cộng khẳng định Bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển dù Toà Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này trong một phán quyết vào năm 2016.

Theo các dữ liệu theo dõi tàu biển mà RFA có được, tàu hải cảnh Trung cộng CCG 5402 đã có mặt ở Bãi Tư Chính vào ngày 4/7, đi cách giàn khoan dầu khí của Việt Nam khoảng 30 hải lý và ở đây cho đến ngày 18/8. Một ngày trước đó, một tàu hải cảnh khác có ký hiệu CCG 5240 đã đến khu vực này để thay thế tàu CCG 5402 và ở lại đây từ đó đến nay, trừ khi tàu phải di chuyển tạm thời đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu.

Chính phủ Việt Nam hiện chưa lên tiếng công khai về sự hiện diện của các tàu Trung cộng ở Bãi Tư Chính.

Hồi giữa năm ngoái, Trung cộng cũng điều các tàu hải cảnh đến Bãi Tư Chính trong nhiều tháng, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí ở lô 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ.

Sự hiện diện của tàu 5204 lần này đã khiến Việt Nam phải điều tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đến theo dõi.

Tàu kiểm ngư 273 đã được điều ra Bãi Tư Chính hôm 13/10, theo dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển. Tàu này đã đi rất gần tàu 5204, chỉ cách khoảng 1 hải lý. Điều này cho thấy hai tàu đã đi gần như cạnh nhau trong các ngày 13 và 14 tháng 10. Điều này cũng khiến tàu kiểm ngư của Việt Nam chỉ đi cách quần đảo Natuna của Indonesia khoảng 200 hải lý.

Phía Indonesia vào ngày 7/10 đã điều tàu KN Tanjung Datu đến cách Bãi Tư Chính khoảng 35 hải lý. Nhưng tàu này không đi theo tàu hải cảnh mà hộ tống một tàu sửa chữa cáp biển đang hoạt động ở ngoài khơi Natuna từ ngày 13/10.

Bãi Union Banks

Bãi Union Banks là một bãi đá thuộc Trường Sa nơi cả Trung cộng và Việt Nam đều có những tiền đồn chỉ cách nhau chưa tới 2 hải lý.

Các tàu dân quân biển của Trung cộng đã xuất hiện liên tục tại khu vực bãi này từ tháng Ba, với khoảng từ 4 đến 12 tàu lảng vảng trong suốt 6 tháng qua.

Bên cạnh đó, còn có hàng chục tàu cá khác xuất hiện trong khu vực Union Banks. Có khoảng hơn 100 tàu cá và các tàu không xác định khác được phát hiện ở Union Banks trong ngày 26/9. Đây là số lượng tàu khá thường xuyên ở đây theo dữ liệu vệ tinh mà RFA có được từ tháng Tư tới nay.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu dân quân biển của Trung cộng đi cùng với hạm đội tàu cá lớn thường không phát tín hiệu định vị vệ tinh (AIS). Phần lớn các tàu này thường là tàu dân sự, một số tàu được phát hiện đã đi từ vùng nước của Việt Nam, Phi Luật Tân và Trung cộng.

Việt Nam đã duy trì sự hiện diện thường xuyên tại các tiền đồn của mình ở Union Banks.

Tàu cảnh sát biển CSB – 901 được thấy đi tuần ở Đảo Sinh Tồn Đông từ ngày 16/9. Trước đó các tàu của Việt Nam cũng xuất hiện định kỳ ở Sinh Tồn Đông trong 6 tháng qua. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy tàu CSB – 9001 đã ở lại Sinh Tồn Đông đến ngày 17/10, và vào ngày 21/10 tàu Hon Dau 11884 đậu ở cảng của Đảo Sinh Tồn, một tiền đồn của Việt Nam ở Union Banks. Hon Dau thường xuyên đi lại giữa các tiền đồn của Việt Nam ở Biển Đông nhưng hiện RFA vẫn chưa xác định được tàu này thuộc lực lượng nào.

Derek Long, RFA (27.10.2020)

Hoa Kỳ giải quyết nạn đánh bắt cá ‘bất hợp pháp’ của Trung cộng ở Biển Đông

Tàu USS Ronald Reagan, ngoài cùng bên trái, hoạt động với tàu sân bay trực thăng của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản JS Izumo ở Biển Đông vào tháng 6 năm 2019: tuần tra tự do hàng hải – không chỉ Mỹ mà các đồng minh khác cũng được yêu cầu. (Nguồn ảnh: Hải quân Hoa Kỳ). 

Ngày 23/10, Hoa Kỳ cho biết, cảnh sát biển Hoa Kỳ ở khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ triển khai các tàu tuần tra để chống lại các hoạt động “gây bất ổn ác ý” của Trung cộng tại các ngư trường tranh chấp ở Biển Đông.

Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien cáo buộc Trung cộng đánh bắt cá “bất hợp pháp” và “không được kiểm soát”, cũng như “quấy rối” tàu đánh cá từ các nước trong khu vực. Do đó, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ “đã được tăng cường đáng kể phản ứng về mặt chiến lược… ở khu vực tây Thái Bình Dương”, ông O’Brien cho biết trong một tuyên bố.

Cố vấn cũng khẳng định, các tàu tuần tra sẽ thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm hỗ trợ các tàu đánh cá “phối hợp với các đối tác khu vực có năng lực giám sát và thực hiện giới hạn xa bờ cũng như đảm bảo tự do hàng hải”.

Washington thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, khi chính quyền này cử tàu chiến để hộ tống cho tàu cá Trung cộng vào ngư trường của các nước khác.

Vào tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Mark Esper, đã đưa ra một “danh mục các hành vi xấu” đã diễn ra ở Biển Đông trong những tháng trước đó. Ông Esper đã cáo buộc quân đội Trung cộng đánh chìm một tàu đánh cá của Việt Nam, quấy nhiễu kế hoạch phát triển dầu khí của Malaysia và hộ tống các đội tàu cá Trung cộng vào Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Ông O’Brien cho biết thêm rằng, lực lượng Bảo vệ Bờ biển, trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), cũng đang xem xét việc đưa một số tàu tuần tra đóng lâu dài ở khu vực American Samoa ở Nam Thái Bình Dương.

Tháng Chín, Indonesia đã phản đối việc tàu tuần duyên Trung cộng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình, nằm giữa lãnh hải của Indonesia và vùng biển quốc tế. Đây là vùng biển mà Indonesia tuyên bố độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trung cộng đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền các khu vực ở vùng biển này, bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân, Indonesia, Brunei và Đài Loan.

Nguyễn Minh, NTDVN (26.10.2020)

Trung cộng sẽ cùng ai khai thác dầu khí ở Biển Đông?

© Ảnh : PXP Energy Corp

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã ra nghị định cho phép thăm dò và khai thác dầu trên thềm lục địa Biển Đông ngoài khơi bờ biển Phi Luật Tân. Và ngay lập tức, vấn đề đặt ra là liệu Bắc Kinh có hợp tác với Manila trong vấn đề này hay không, nhà phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik viết trong bài báo của mình.

Manila đề xuất điều gì

Chính phủ Phi Luật Tân đề xuất thăm dò và khai thác dầu mỏ tại ba địa điểm ở Biển Đông, bao gồm cả rạn san hô Reed. Các lô này được giao cho một số công ty Phi Luật Tân, nhưng họ không có đủ khả năng tài chính nên sự tham gia của Trung cộng vào các dự án này là điều được mong đợi. Trên thực tế, trước khi tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận hành 3 lô ngoài khơi, công ty PXP Energy Corp của Phi Luật Tân đã tổ chức thảo luận với công ty nổi tiếng CNOOC. của Trung cộng. Ở đây đang nói về việc cùng nhau khai thác dầu khí.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng cho biết: “Trung cộng và Phi Luật Tân đã đạt được đồng thuận về việc hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí ở Biển Đông”.

Và ông ta cho biết thêm là đã lập ra cơ chế thích hợp cho việc đàm phán.

Dầu mỏ quan trọng hơn tham vọng

Rõ ràng là quyết định cuối cùng phụ thuộc vào kết quả của cuộc đấu thầu, nhưng không chỉ có thế, vì ở đây còn có khía cạnh chính trị. Các lô này nằm trong khu vực mà tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng và một số nước Đông Nam Á đã diễn ra trong nhiều năm. Chính quyền Phi Luật Tân đã đệ đơn khiếu kiện các hành động của Trung cộng ở Biển Đông lên tòa án La Hay, và dù thắng kiện, nhưng họ không bắt đầu khai thác.

Có cảm tưởng là cả hai bên có thể quên đi tranh chấp lãnh thổ để hợp tác. Và điều này không có gì lạ. Bất chấp nhiên liệu đá phiến được nói đến khá nhiều, dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng chính được sử dụng cho phát triển công nghiệp và nhu cầu sinh hoạt. Trung cộng ngày nay là nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới. Trung cộng có dầu mỏ và đang tích cực khai thác nhưng không đủ dùng. Do đó, Trung cộng mua khối lượng lớn dầu từ Trung Đông. Lĩnh vực thứ hai trong việc thỏa mãn cơn đói dầu của nền kinh tế Trung cộng là khai thác dầu trên thềm lục địa các vùng biển ven bờ. Ở Biển Đông, nơi một số quốc gia trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền, các chuyên gia ước tính trữ lượng dầu tiềm năng ở đây là từ 10 đến 16 tỷ tấn. Hàng năm, các nước trong khu vực thềm lục địa này khai thác từ 150 đến 200 triệu tấn “vàng đen”. Trong số đó, Trung cộng chỉ chiếm hơn 16 triệu tấn.

Bắc Kinh muốn tăng tỷ trọng khai thác dầu khí ở Biển Đông, ít nhất là nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam Trung cộng. Cho đến nay, các công ty Trung cộng thực sự đang khai thác dầu trên thềm lục địa gần đảo Hải Nam, nhưng năm ngoái và năm nay, các giàn khoan dầu của Trung cộng đã hướng về phía Nam. Điều này gây ra phản ứng tiêu cực từ các nước láng giềng của Trung cộng vốn coi vùng biển này là của họ.

Sự hợp tác của Trung cộng với Phi Luật Tân về khai thác dầu chung có thể có tác động sâu rộng. Việc các nước tiếp cận bờ Biển Đông cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên có thể là giải pháp thoát khỏi tình trạng xung đột nói chung trong khu vực. Ví dụ về sự hợp tác như vậy đã tồn tại, trong đó có sự tham gia của CHND Trung Hoa. Chẳng hạn, được biết rằng phía Trung cộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với các nước trong khu vực như Indonesia và Malaysia. Tại sao không mở rộng thực tế này sang một không gian rộng hơn? Và thu hút các công ty năng lượng lớn từ các nước ngoài khu vực, như Nga và Mỹ?

Theo Piotr Tsvetov, Sputnik (26.10.2020)

Biển Đông : Nhiều nước không tranh chấp chủ quyền bác bỏ yêu sách của Trung cộng

Ảnh tự liệu của không quân Phi Luật Tân chụp ngày 21/04/2017 : Một đảo trong khu vực Trường Sa trong Biển Đông, đang có tranh chấp bị Trung cộng chiếm giữ và cải tạo thành cơ sở quân sự. AP – Francis Malasig

Hãng thông tấn Antara của Indonesia, ngày 24/10/2020 dẫn lời một quan chức bộ Ngoại Giao xác nhận rằng một số nước thành viên khối ASEAN không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách của Trung cộng.

Hãng thông tấn Antara cho biết các quốc gia thành viên ASEAN và một số nước lớn đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung cộng ở Biển Đông. Trong năm nay, Jakarta đã hai lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc là vào các ngày 26/5 và 12/6.

Ông Damos Dumoli Agusman, tổng cục trưởng Luật Quốc tế và Thỏa thuận, trực thuộc bộ Ngoại Giao Indonesia, trong buổi họp báo trực tuyến hôm thứ Sáu 22/10 tuyên bố : « Điều này có nghĩa là những quốc gia nói với Liên Hiệp Quốc rằng chúng tôi không muốn có bất kỳ một sự vi phạm nào đối với UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) và không muốn UNCLOS bị thu hẹp hay trở nên mập mờ ».

Vẫn theo vị quan chức ngoại giao Indonesia này, với các công hàm trên, yêu sách của Trung cộng đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông « vẫn sẽ bị xem là bất hợp pháp cho dù Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng bác bỏ. Hơn nữa, các công hàm này không phải là một lập luận chính trị nhưng có một lập luận pháp lý được chứng minh bằng luật pháp quốc tế. »

Theo nhận định của hãng tin Indonesia, cuộc chiến công hàm mà ông Agusman nhắc đến cho thấy rõ một cuộc xung đột về lập luận pháp lý giữa các nước có và không có đòi hỏi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông cũng như là các bên có tham gia UNCLOS.

Trong năm 2020, Trung cộng đã 6 lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc xác quyết yêu sách lãnh hải ở Biển Đông. Những công hàm còn nhằm đáp trả văn kiện của Malaysia đệ trình lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Giới hạn Thềm lục địa ngày 12/12/20219.

Nhiều nước lớn cũng tham gia vào làn sóng bác bỏ yêu sách này của Trung cộng. Ngày 16/09/2020, phái đoàn thường trực của Vương Quốc Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đại diện cho chính phủ Anh, Pháp và Đức đã gởi một công hàm ngoại giao ghi rõ :

« Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các bên có tham gia UNCLOS 1992, muốn nhấn mạnh đến lập trường pháp lý của mình, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động không bị cản trở ở những vùng biển, nhất là các quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như là quyền quá cảnh vô hại,  theo như quy định của UNCLOS, đặc biệt là ở vùng Biển Đông ».

 RFI (25.10.2020)

Mỹ đưa tàu tuần duyên đến Biển Đông, đối phó ‘trò bẩn’ của Trung cộng

Chính phủ Mỹ quyết định đưa tàu của lực lượng tuần duyên đến Biển Đông, đối phó với lực lượng bán quân sự của Trung cộng.

Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump loan báo hôm Thứ Sáu vừa qua như trên và được các hãng thông tấn đưa tin về kế hoạch đối phó với các “trò bẩn” của Bắc Kinh.

Mỹ từng đưa tàu tuần duyên USCG Bertholf đến tập trận với cảnh sát biển Phi Luật Tân ngày 14 Tháng Năm, 2019 gần bãi cạn Scarborough. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)

Ngoài lực lượng hải quân đông đảo và trang bị tối tân, Trung cộng còn một lực lượng bán quân sự đông gấp bội gồm các tàu hải cảnh và hàng ngàn chiếc tàu dân quân biển ngụy trang dưới vỏ bọc tàu đánh cá. Lực lượng này ức hiếp, cản trở các hoạt động hợp pháp của ngư dân các nước khu vực trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của họ nhưng Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền.

Theo bản tuyên bố của ông O’Brien, lực lượng tuần duyên Mỹ (US Coast Guard – USCG) sẽ đặt căn cứ trên một số cảng ở xa nhằm tăng cường đáng kể cho đội tàu tuần duyên phản ứng nhanh tại Tây Thái Bình Dương.

Ông lập lại lời tuyên bố trước đây của nhiều viên chức Washington rằng Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương trong khi “các hoạt động đánh cá, bừa bãi, bất hợp pháp” của Trung cộng song song với các trò dùng tàu đe dọa tàu của các nước khác hoạt động hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của người ta trong vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương “đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực và gây mất ổn định.”

Ông O’Brien cho hay tàu USCG sẽ thi hành các nhiệm vụ an ninh hàng hải, gồm cả bảo vệ các tàu đánh cá, cải thiện cảnh giác hải hành và nỗ lực hợp tác với lực lượng bảo vệ an ninh hàng hải của các nước vốn có khả năng rất giới hạn về mặt này.

Thời gian gần đây, Washington nhiều lần lên án Bắc Kinh cho tàu chiến hộ tống các tàu dân quân biển ngụy trang tàu đánh cá hoạt động trong các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước khác.

Bộ Trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi Tháng Bảy vừa qua từng đã kích một loạt những hành vi xấu xa của Trung cộng trên Biển Đông kể cả việc đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Tàu hải cảnh Trung cộng chận đường tàu cảnh sát biển CSVN khi hai nước kình chống nhau phía nam quần đảo Hoàng Sa hồi giữa năm 2014. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Các chuyến tự do hải hành của tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo ở Hoàng Sa và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa diễn ra nhiều lần trong năm.

Bắc Kinh phản ứng giận dữ, cáo buộc Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trong khi Washington không công nhận.

Trước khi cố vấn an ninh Robert O’Brien loan báo Mỹ chuẩn bị đưa cả lực lượng tuần duyên đến Biển Đông, truyền hình Trung cộng khoe đoạn phim máy bay chiến đấu của họ bắn hàng chục hỏa tiễn trong cuộc tập trận giữa tuần qua ở khu vực phía tây đảo Hải Nam liên tiếp hai ngày Thứ Ba, 20 và Thứ Tư, 21 Tháng Mười nhằm “cảnh cáo các nước khác.”

Cuộc tập trận vừa kể có vẻ như phản ứng lại cuộc tập trận tay ba giữa lực lượng Hải Quân Mỹ, Hải Quân Nhật và Hải Quân Úc phối hợp trên Biển Đông chỉ một ngày trước đó. 

Theo Người Việt 25.10.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen