Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,HRW Chụp lại hình ảnh,Các tù nhân chính trị VN (từ trái qua): Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thuy Thủy, Nguyễn Tường Thụy.

(New York, ngày 13 tháng Giêng năm 2021) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong bản Phúc trình Toàn cầu 2021 của mình rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng việc hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020.

Chủ trương xiết chặt thêm các hạn chế đối với quyền tự do biểu đạt dường như có liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 25 tháng Giêng đến ngày mồng 2 tháng Hai năm 2021. Trong năm 2020, chính quyền Việt Nam thường xuyên trừng phạt người dân vì lên tiếng phê phán chế độ hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ hay nhân quyền. Nhà cầm quyền tùy tiện bắt giữ hoặc truy tố ít nhất 28 người vì vi phạm các tội danh mơ hồ và quá rộng về an ninh quốc gia, như “tuyên truyền” chống nhà nước hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”

 

“Lại thêm một năm đen tối nữa cho nhân quyền ở Việt Nam,” ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Trong suốt năm 2020, ngoài một số nhà bất đồng chính kiến trực ngôn, công an cũng bắt giam nhiều người khác vì đã nói lên chính kiến của mình và thực hành các quyền tự do ngôn luận cơ bản.”

 

Trong Phúc trình Toàn cầu 2021 dài 761 trang, là ấn bản lần thứ 31, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth lập luận rằng chính quyền Hoa Kỳ sắp tới cần đưa việc tôn trọng nhân quyền vào các chính sách đối nội và đối ngoại của mình theo cách để các chính sách này có thể tồn tại được ngay cả khi các chính quyền Hoa Kỳ trong tương lai ít cam kết bảo vệ nhân quyền hơn. Ông Roth nhấn mạnh rằng trong khi chính quyền Trump hầu như bỏ rơi việc bảo vệ nhân quyền, nhiều chính phủ khác đã bước ra và ủng hộ nhân quyền. Chính quyền Biden nên tìm cách tham gia, chứ không phải thay thế, nỗ lực tập thể mới này.

 

Nhà cầm quyền cũng chặn đường kết nối tới các trang mạng độc lập về chính trị, và gây sức ép buộc các công ty truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các tài khoản, bài đăng hay đoạn clip ghi hình có nội dung phê phán chính quyền.

 

Tháng Tư, chính quyền chặn đường truy cập tới các máy chủ địa phương (local cache server) của Facebook và yêu cầu công ty này gỡ bỏ các trang do các nhà bất đồng chính kiến điều hành. Facebook, thỏa hiệp trước sức ép, đã đồng ý hạn chế đường truy cập tới các trang ở trong nước Việt Nam, tạo thành một tiền lệ đáng lo ngại. Đầu tháng Chín, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam khen ngợi Facebook và YouTube “đã có chuyển biến tích cực trong việc phối hợp với Bộ TT-TT để ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.”

 

Cũng trong tháng Tư, công an bắt cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch vì liên quan tới một nhóm ủng hộ dân chủ có tên là Hội Anh em Dân chủ. Ông bị cáo buộc tội lật đổ theo điều 109 của bộ luật hình sự. Vào tháng Mười hai, một tòa án đã kết án ông có tội và xử ông 12 năm tù giam.

 

Tháng Năm và tháng Sáu, công an bắt hai thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Vào tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh kết án và xử mỗi người 11 năm tù giam. Cũng trong phiên tòa này, người sáng lập hội, blogger Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù giam.

 

Tháng Sáu, công an bắt ba cộng tác viên của Nhà Xuất bản Tự do, là Cấn Thị Thêu, một cựu tù nhân chính trị và các con trai bà là Trịnh Bá Phươngvà Trịnh Bá Tư. Tháng Mười, công an bắt người sáng lập Nhà Xuất bản Tự do, blogger độc lập nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Tất cả những người nói trên đều bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

 

“Chính quyền Việt Nam sợ dân chủ, báo chí độc lập, và quyền tự do,” ông Sifton nói. “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ cần công khai nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép để Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình về nhân quyền.”

Nguồn: Human Rights Watch

 

 

Nhân quyền VN 2020: ‘Tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng 2020 là năm tình hình nhân quyền của VN ‘tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’, khi chính phủ VN bắt và xét xử những nhà hoạt động dân chủ ‘cuối cùng’.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 14/1 về ‘sự tổn thất nặng nề’ cho phong trào đấu tranh dân chủ khi những nhà hoạt động tiêu biểu ‘cuối cùng’ như Phạm Đoan TrangPhạm Chí Dũng bị bắt.

Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Việt Nam được dành trọn 5 trang.

Trong đó, HRW mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020”.

“Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra cuối tháng 1/2021,” HRW viết trong thông cáo báo chí.

Ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders bình luận rằng “Vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong năm 2021 ra sao liên quan chặt chẽ tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam mà Đại hội Đảng Toàn quốc 13 sắp tới mang tính quyết định.”

“Nếu công an và quân đội vẫn tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn,” ông Ngữ nói với BBC.

Vi phạm nhân quyền ‘có hệ thống’

Trong báo cáo thường niên, HRW nói Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020” thông qua việc bắt hàng loạt những nhà hoạt động, blogger có tiếng nói chỉ trích.

Đặc biệt, HRW chỉ ra rằng Việt Nam cho bắt những nhà hoạt động hàng đầu vào những thời điểm được cho là nhạy cảm ngoại giao, chẳng hạn như bắt Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ phiên họp về nhân quyền với Mỹ.

HRW thừa nhận Việt Nam đạt được một số thành tựu trong chống dịch Covid-1, nhưng với ‘cái giá’ là ‘vi phạm quyền riêng tư, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và sự thiếu công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ.’

Còn theo thống kê của Defend the Defenders, năm 2020, Việt Nam bắt nhiều nhà hoạt động hơn, 66 nhà hoạt động, blogger, so với khoảng 40 năm 2019. Trong đó nhiều blogger, Facebooker không tên tuổi cũng bị bắt và bị kết án nặng nề, như vụ Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú.

Các bản án cũng ngày càng nặng nề hơn. Cụ thể, mức án dành cho tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho nhà báo Phạm Chí Dũng là 15 năm tù hồi đầu năm 2021, so với mức kỷ lục năm 2020 của ông Nguyễn Trung Lĩnh 12 năm tù, và năm 2019 của ông Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù.

“Cũng với tội danh này, cách đây một thập kỷ, án tù thường chỉ 3 – 4 năm, như trong trường hợp của nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài,” ông Ngữ nói.

Ông Ngữ đề cập đến ‘vết nhơ’ trong lịch sử nhân quyền Việt Nam, với vụ đụng độ ở Đồng Tâm đầu năm 2020 khiến 4 người chết, trong đó có 3 công an. 29 dân làng sau đó bị xét xử với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ, trong đó 2 người bị án tử hình.

Sự kiện này cũng được nêu ra trong báo cáo của HRW.

Các vụ bắt giữ và các phiên tòa

Về quyền tự do ngôn luận

HRW nhắc lại phiên tòa xử Phan Công Hải, Nguyễn Văn Nghiêm, Đinh Văn Phú, Nguyễn Quốc Đức Vượng vào các tháng 4, 6, 7. Họ bị kết án từ năm đến tám năm tù vì chỉ trích đảng và nhà nước.

Tiếp đó, là các phiên tòa xử ông Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, và Phạm Chí Dũng vì liên quan đến Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) cũng như các phát ngôn phản đối Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU. Họ bị buộc tội họ tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

 

Danh sách dài thêm với việc bắt giữ 9 người khác gồm blogger độc lập Phạm Chí Thanh, nhà hoạt động vì quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm, và cựu tù nhân chính trị Cấn Thị Thêu cùng các con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tú.

Nổi bật nhất, vào tháng 10/2020, cảnh sát bắt giữ blogger Phạm Đoan Trang.

Cả 10 nhân vật nói trên đều bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

 

Về quyền tự do tiếp cận thông tin

Báo cáo của HRW chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục cấm báo chí tư nhân, trong khi kiểm soát chặt các đài phát thanh, truyền hình và báo in ‘nhà nước’.

Việt Nam cũng chặn quyền truy cập vào một số website, blog, và buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet xóa các nội dung hoặc các tài khoản được coi là chỉ trích chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát quyền truy cập vào các máy chủ lưu trữ bộ nhớ cục bộ của Facebook, yêu cầu công ty này xóa các trang do những người bất đồng chính kiến kiểm soát. Và Facebook đã phải ‘cúi đầu trước áp lực’, tạo ra ‘một tiền lệ đáng lo ngại’.

Sự việc tương tự cũng xảy ra với YouTube.

Báo cáo điểm lại các phiên tòa xử hai Facebooker là Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú, lần lượt 18 tháng và 9 tháng tù cho các bài đăng trên Facebook chỉ trích chính phủ theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự.

Công an cũng bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thường vì là người điều hành một nhóm Facebook, trong đó người dùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị.

Về quyền tự do hội họp và lập hội

Báo cáo nhắc đến phiên tòa dành cho nhà thơ Trần Đức Thạch, với cáo buộc ông liên kết với Hội Anh em vì Dân chủ. Các nhà chức trách buộc ông tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 109 của bộ luật hình sự.

Về quyền sở hữu đất đai

Như những năm trước, chính phủ Việt Nam đã tịch thu đất cho các dự án kinh tế khác nhau, thường là không có thủ tục hợp lý hoặc không được đền bù thỏa đáng.

Thuật ngữ “dan dân oan, “hay” những người bị oan sai “, vào năm 2020 đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong cách sử dụng của người Việt để mô tả những người bị chính quyền cưỡng chế đất đai, báo cáo của HRW viết.

Báo cáo của HRW nhắc lại vụ đụng độ ở Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 giữa dân làng và công an, khiến bốn người chết, trong đó ba người là công an.

Các luật sư bào chữa cho biết một số bị cáo bị cáo buộc đã bị tra tấn và buộc phải thừa nhận tội, báo cáo của HRW viết.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRINH BA KHIEM Chụp lại hình ảnh,Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu

EU, Hoa Kỳ, Úc ‘thờ ơ’ với nhân quyền ở VN?

Báo cáo của HRW chỉ ra rằng bất chấp vấn đề nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, nhiều tổ chức và quốc gia vẫn thúc đẩy các cam kết kinh tế với nước này.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders nói với BBC rằng “chỉ hai tháng sau vụ Đồng Tâm, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại VN-EU. Như vậy họ tảng lờ vấn đề nhân quyền Việt Nam mà coi trọng quan hệ kinh tế hơn.”

Còn HRW nhận định rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có hiệu lực vào tháng Tám, với các điều khoản về nhân quyền “mơ hồ, không thể thực thi”.

Trong bối cảnh gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, áp lực của EU lại chỉ tập trung vào quyền lao động, báo cáo của HRW viết.

Vào tháng 10/2020, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại nhân quyền trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, việc bắt giữ nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang xảy ra chưa đầy 24 giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại, nhấn mạnh sự thiếu hiệu quả của nó.

Mối quan hệ song phương của Úc với Việt Nam tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Úc, ông Châu Văn Khảm, vẫn ở tù tại Việt Nam vì tội “khủng bố” với cáo buộc tham gia vào một đảng chính trị ở nước ngoài mà chính phủ Việt Nam tuyên bố là bất hợp pháp.

Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất cho Việt Nam. Như những năm trước, Nhật Bản đã từ chối sử dụng đòn bẩy kinh tế để công khai thúc giục Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình, báo cáo của HRW viết.

BBC (14.01.2021)

 

 

HRW – Việt Nam Các sự kiện năm 2020

Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống.

Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xiết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Các công đoàn độc lập hay bất kỳ một tổ chức, hội nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản vẫn bị cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới một số trang mạng và tài khoản trên mạng xã hội, và gây sức ép, buộc các công ty viễn thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ hoặc hạn chế các nội dung phê phán chính quyền hoặc đảng cầm quyền.

Những người lên tiếng phê phán đảng hoặc chính quyền phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, hành hung thân thể, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bỏ tù. Công an giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.

Chính quyền Việt Nam có vẻ đã đạt được một số thành công trong việc chống dịch Covid-19. Sau khi áp dụng chính sách gắt gao về theo dõi tiếp xúc, xét nghiệm hàng loạt, tuyên truyền vệ sinh, đóng cửa biên giới sớm, giãn cách xã hội, bắt buộc cách ly tập trung, tính đến cuối năm 2020 Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng hơn 1.000 ca nhiễm và 35 người chết. Tuy nhiên, các thành tích đó của Việt Nam phải đổi bằng cái giá là gia tăng vi phạm nhân quyền: hạn chế tự do biểu đạt; không bảo vệ được quyền riêng tư; và bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ.

 

Tự do Biểu đạt, Tự do Chính kiến và Tự do Ngôn luận

Trong năm 2020, những người bất đồng chính kiến trên mạng thường xuyên phải đối mặt với sách nhiễu và đe dọa. Một số người bị bắt và bị cáo buộc theo bộ luật hình sự Việt Nam, có nội dung hình sự hóa các hành vi ngôn luận có tính phê phán chính quyền hay khuyến khích các tư tưởng “phản động.” Chính quyền truy tố nhiều nhà bất đồng chính kiến trong suốt năm 2020.

Trong tháng Tư, tháng Sáu và tháng Bảy, các toà án Việt Nam xử Phan Công Hải, Nguyễn Văn Nghiêm, Đinh Văn Phú và Nguyễn Quốc Đức Vượng và kết án mỗi người từ năm đến tám năm tù vì đã phê phán Đảng và Nhà nước.

Tháng Năm, công an bắt Nguyễn Tường Thụy và tháng Sáu bắt Lê Hữu Minh Tuấn vì tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) và cáo buộc họ tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam. Chủ tịch hội, Ts. Phạm Chí Dũng, đã bị bắt từ tháng Mười một năm 2019, dường như liên quan đến việc ông công khai bày tỏ ý kiến phản đối hiệp ước thương mại tự do EU-Việt Nam. Từ tháng Tư đến tháng Tám, công an bắt giữ chín người khác trong đó có blogger độc lập Phạm Chí Thành, nhà hoạt động quyền lợi đất đai Nguyễn Thị Tâm cựu tù nhân chính trị Cấn Thị Thêu và các con trai bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Tháng Mười, công an bắt blogger nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Cả 10 người này đều bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

 

Quyền Tự do Báo chí và Tiếp cận Thông tin

Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông tư nhân hoặc độc lập hoạt động và kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ sở in ấn. Nhà cầm quyền chặn đường kết nối tới một số trang mạng nhạy cảm về chính trị, thường xuyên đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý về chính trị.

Trong tháng Tư, chính quyền chặn đường truy cập tới các máy chủ bộ nhớ đệm địa phương (local cache server) của Facebook và yêu cầu công ty này gỡ bỏ các trang do các nhà bất đồng chính kiến điều hành. Facebook, thỏa hiệp trước sức ép, đã đồng ý hạn chế đường truy cập tới một số trang ở trong nước Việt Nam, tạo thành một tiền lệ đáng lo ngại. Tháng Chín, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam khen ngợi Facebook và YouTube “đã có chuyển biến tích cực trong việc phối hợp với Bộ TT-TT để ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.”

Trong tháng Tư và tháng Năm, một toà án Việt Nam đã kết án hai người sử dụng Facebook là Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú các mức án lần lượt là 18 tháng và 9 tháng tù vì các bài phê phán chính quyền đăng trên Facebook của họ theo điều 331 bộ luật hình sự. Tháng Sáu, nhà cầm quyền bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương vì làm điều hợp viên cho một nhóm của những người sử dụng Facebook thảo luận về kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, và cáo buộc họ cũng theo điều 331.

 

Quyền Tự do Lập hội và Nhóm họp

Công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền và đảng chính trị vẫn bị cấm. Những người vận động cố gắng thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ cả phía chính quyền lẫn những người sử dụng lao động. Nhà cầm quyền Việt Nam quy định các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng phải được phê duyệt, và từ chối cấp phép một cách hệ thống đối với bất kỳ một cuộc gặp mặt, tuần hành hay nhóm họp đông người nào bị coi là không vừa ý về chính trị.

Tháng 11 năm 2019, Quốc hội Việt Nam thông qua bộ luật lao động sửa đổi, có hiệu lực vào tháng Giêng năm 2021. Bộ luật mới, trên bề nổi sẽ cho phép thành lập “các tổ chức đại diện của người lao động,” nhưng các tổ chức đó chỉ có thể được thành lập nếu được chính quyền cho phép, và chắc sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Tháng Tư, công an bắt giữ cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch vì cho rằng ông có liên quan tới một nhóm nhân quyền, Hội Anh em Dân chủ. Chính quyền cáo buộc ông tội lật đổ theo điều 109 bộ luật hình sự.

Cũng như các năm trước, chính quyền trưng thu đất đai cho các dự án kinh tế, thường là không đền bù thỏa đáng hoặc theo một quy trình thích đáng. Đến năm 2020, khái niệm “dân oan” đã trở thành một thành ngữ quen thuộc được dùng để tả những người bị chính quyền ép buộc phải rời bỏ mảnh đất của mình.

Tháng Giêng, một vụ xung đột bạo lực xảy ra ở Đồng Tâm, một xã thuộc Hà Nội, giữa công an và các nhà hoạt động quyền lợi đất đai từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối trưng thu đất đai ở khu vực này. Các chi tiết vẫn chưa rõ ràng, nhưng được biết đã có vài người bị tử vong, trong đó có ba công an và một dân làng. Chính quyền bắt giữ 29 người dân trong làng và cáo buộc họ tội giết người và chống người thi hành công vụ. Tháng Chín, một tòa án ở Hà Nội xét xử và kết án hai người trong số đó mức án tử hình. Một người khác bị kết án tù chung thân. Những người còn lại nhận án treo hoặc mức án tù thấp hơn, người nhiều nhất là 16 năm. Các luật sư bào chữa nói rằng một số bị cáo cho biết họ đã bị tra tấn và ép nhận tội.

 

Tự do Tôn giáo

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, và bằng theo dõi. Các nhóm tôn giáo phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đại đoàn kết dân tộc,” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.

Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Cơ đốc giáo, và Phật giáo phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa. Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập có thể bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

 

Quyền Trẻ em

Bạo hành đối với trẻ em, bao gồm cả lạm dụng tình dục, lan tràn ở Việt Nam, kể cả ở học đường. Nhiều bài báo Việt Nam đưa tin về các trường hợp thầy cô giáo hay nhân viên ở các cơ sở nhà nước lạm dụng tình dục, đánh đập trẻ em bằng tay chân hoặc thậm chí bằng roi gậy.

Các thanh thiếu niên đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới phải đối mặt với nạn kỳ thị và bạo hành phổ biến ở nhà và ở trường. Các huyền thoại hoang đường tràn lan về xu hướng tính dục và bản dạng giới, trong đó có niềm tin sai lệch rằng hấp dẫn tính dục đồng giới là một triệu chứng tâm lý có thể chẩn đoán và chữa trị được, rất phổ biến trong ngành giáo dục nói riêng và dân chúng nói chung.

Các trường học thường không bảo vệ được sinh viên, học sinh trước nguy cơ bạo hành thể chất và giới chức nhà trường không nhất quán trong việc giải quyết các vụ việc xâm hại thể chất hoặc bằng lời nói, và các bài giảng thường có nội dung kỳ thị người đồng tính. Nhà cầm quyền chưa triển khai được cơ chế thích đáng để giải quyết các vụ việc bạo hành và kỳ thị.

 

Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt

Trung Quốc vẫn là nhân tố ngoại quốc có ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam. Các tranh chấp về lãnh hải tiếp tục làm phức tạp quan hệ giữa hai nước.

Tháng Hai, Liên minh Châu Âu và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 9, một thực hành vẫn tiếp tục không mang lại kết quả cụ thể nào. Tháng Tám, Hiệp ước Thương mại Tự do Việt Nam – EU bắt đầu có hiệu lực, tăng cường mối quan hệ của Việt Nam với khối liên minh Châu Âu. Hiệp ước có chứa đựng những điều khoản chung chung, bất khả chế tài về nhân quyền. Dù ở Việt Nam mọi hình thức bất đồng chính kiến đều đang bị xiết ngày càng chặt, Châu Âu chỉ tập trung gây sức ép về quyền của người lao động, dẫn tới một số cải cách và cam kết từ phía Hà Nội. Dù đã ghi nhận các mối quan ngại lớn về việc hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đang có xu hướng tệ đi, trong tháng Hai, số đông các thành viên Nghị viện châu Âu vẫn đồng ý thông qua hiệp ước nói trên.

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm nối lại quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Dù nội các đương nhiệm của Hoa Kỳ không mấy quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, một số chính trị gia Hoa Kỳ tiếp tục lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động ở Việt Nam.

Tháng Tư năm 2020, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ công bố bản phúc trình trong đó có khuyến nghị xếp hạng Việt Nam là một “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt.” Tháng Mười năm 2020, Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền qua màn hình, trong đó các quan chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã nêu quan ngại về nhiều vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, vụ bắt giữ nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang, đã nêu ở phần trên, xảy ra sau khi cuộc đối thoại kết thúc chưa đầy 24 giờ, như khẳng định rằng cuộc đối thoại chẳng mấy hiệu quả.

Quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Australia, Châu Văn Khảm, tiếp tục phải ngồi tù ở Việt Nam với tội danh “khủng bố” vì bị cho là đã tham gia một đảng chính trị hải ngoại bị chính quyền Việt Nam tuyên bố là bất hợp pháp.

Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ quốc tế song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Cũng như các năm trước, Nhật Bản từ chối sử dụng cán cân kinh tế để công khai thúc đẩy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Nguồn: HRW

VNTB (14.01.2021)

 

 

 

Bạn tù nói ông Châu Văn Khảm bị ép lao động khổ sai trong nhà tù Việt Nam

Anh Dennis Châu, con trai ông Châu Văn Khảm, ôm tấm ảnh của cha tại Thượng đỉnh Nhân quyền ở Geneve ngày 18/2/2020. Photo Facebook Geneve năm 2020, bên cạnh là ảnh tù chính trị Saudi Raif Badawi, và Ilham Tothi, tù chính trị Uighur.

Ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc, đang bị buộc phải lao động khổ sai trong một nhà tù ở Việt Nam, Hệ thống Truyền thông Úc châu-ABC dẫn lời một người từng là bạn tù của nhà hoạt động này cho biết.

Chi tiết này hé lộ vào thời điểm đánh dấu 2 năm từ khi ông Châu Văn Khảm bị giam cầm sau khi ông bị xét có tội và xử 12 năm tù về tội “hoạt động khủng bố” vào tháng 11 năm 2019.

Theo Hệ thống Truyền thông Úc Châu, ông Khảm, 71 tuổi, coi bản án 12 năm không khác nào là như một “bản án tử hình”.

Ông Châu Văn Khảm, thợ làm bánh đã nghỉ hưu, là thành viên của tổ chức Việt Tân, một nhóm đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi là một tổ chức khủng bố.

Hệ thống Truyền thông Úc–ABC tường thuật rằng họ đã được xem một lá thư của ông Michael Phương Minh Nguyễn, từng là bạn tù của ông Khảm, gửi cho Ngoại trưởng Úc Marise Payne, nói rằng các điều kiện trong nhà tù đang “ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần” của ông Khảm.

Trong thư, ông Nguyễn viết:

“Tôi lo ngại cho an sinh của ông, do ông phải lao động khổ nhọc dài giờ, lương thực thiếu thốn, và không được chăm sóc sức khỏe đúng mức.”

Bức thư không cho biết thêm chi tiết về các điều kiện trong nhà tù mà đài ABC nói họ không thể kiểm chứng, nhưng các tổ chức nhân quyền trước đó đã chỉ trích cách đối xử tàn tệ với tù nhân trong các nhà tù ở Việt Nam.

Ông Michael Phương Minh Nguyễn là một công dân Mỹ bị bắt giữ ở Việt Nam vào tháng Bảy năm 2018, ông cũng bị tuyên án tù 12 năm và bị cáo buộc về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông nói ông được trả tự do và trở về Mỹ vào tháng 10 năm 2020, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao và quốc hội Mỹ.

Ông Nguyễn viết: “Tôi tin rằng nếu chính phủ Úc có thể cung cấp sự hỗ trợ tương tự cho ông Châu Văn Khảm và can thiệp, thì tôi tin chắc chính quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho ông.”

Hệ thống Truyền thông Úc Châu nói theo họ biết thì ông Michael Nguyễn chưa được Ngoại trưởng Úc Marise Payne hồi âm, mặc dù bức thư đã được trao cho bà vào ngày 14/12/2020.

Ông Châu Văn Khảm, trước đây là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa, vượt biển đến Úc tị nạn vào năm 1982.

Tháng 1 năm 2019, ông bị bắt khi về Viêt Nam để gặp một nhà hoạt động thuộc nhóm Anh em Dân chủ để “tìm hiểu thực tế” về tình hình nhân quyền trong nước. Cùng bị bắt với ông có ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền, hai người được cho là đồng lõa của ông Khảm, bị tuyên án lần lượt 11 và 10 năm tù.

Ông Châu Văn Khảm và ông Trần Văn Quyền được dẫn đến tòa án ở Sài Gòn hôm 11/11/2019.

Ông Khảm còn bị cáo buộc đã dùng giấy tờ giả để lẻn vào Việt Nam từ Campuchia.

Năm nay, ông Khảm sẽ trải qua sinh nhật thứ 72 sau chấn song sắt của nhà tù ở Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York, nói rằng vợ và các con ông Khảm chưa từng được nói chuyện với ông kể từ khi ông bị bắt vào tháng 1 năm 2019.

Vợ ông, bà Châu Thị Quỳnh Trang đã khẩn khoản chính quyền Việt Nam hãy cho phép gia đình liên lạc trực tiếp với ông.

Tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo nhân dịp hai năm ông Châu Văn Khảm bị giam cầm, trích lời bà Quỳnh Trang nói:

“Chồng tôi sang Việt Nam để theo dõi tình hình nhân quyền tại hiện trường, vài giờ sau khi đến nơi, ông bị bắt và từ đó tôi không được nói chuyện với ông.”

Bà nói tiếp:

“Mẹ con tôi nhớ chồng, nhớ cha biết bao- chỉ mong được nghe giọng nói của ông, biết ông vẫn khỏe – thì quý hóa biết bao thay vì sự im lặng khủng khiếp này.”

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong gần hai năm bị giam cầm, ông Khảm chỉ được cho phép gặp gia đình người em ở Việt Nam một lần vào tháng 6 năm 2020, và từ tháng 8, mỗi tháng được nói chuyện qua điện thoại 10 phút với cháu trai.

Nhưng từ ngày ông Khảm bất ngờ bị chuyển tới một nhà tù xa hơn, cách tpHCM 3 giờ đồng hồ, thì ngay cả gia đình ở Việt Nam muốn gặp ông cũng khó khăn hơn trước.

Nhưng gia đình trực hệ, vợ con ở Úc, chưa được liên lạc từ khi ông bị bắt.

Nói chuyện với ABC, con ông, Dennis Châu, nói:

“Sự vắng mặt của cha tôi đã để lại một lỗ hổng lớn nơi gia đình tôi, và trong trái tim tôi.”

Luật sư của gia đình kêu gọi Ngoại trưởng Úc Marise Payne hãy làm nhiều hơn để giúp họ. Đại diện cho gia đình ông Khảm ở Úc, Luật sư Nguyễn Đan Phượng tại Sydney nói:

“Chúng tôi không biết gì nhiều về tình trạng ông Khảm và các giới chức Úc đã đi tới đâu trong nỗ lực vận động cho ông được trả tự do,”

“Ở tuổi ông, và với các vấn đề sức khỏe của ông, ông lẽ ra nên được đặt vào hàng ưu tiên, chúng tôi khẩn khoản ngoại trưởng Payne và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) hãy hành động gấp gáp hơn để bảo đảm ông Khảm được sớm trở về đoàn tụ với gia đình.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế -Úc Châu, Luật sư Nguyễn Đan Phượng và bà Quỳnh Trang đã gặp gỡ đại diện của Ngoại trưởng Úc Marise Payne, DFAT và các dân biểu quốc hội để hối thúc chính phủ Úc vận động đưa ông Châu Văn Khảm về nước.

Theo ABC, DFAT đã nêu lên trường hợp của ông Khảm và những quan tâm về nhân quyền 9 lần trong thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020, kể cả với Phó Thủ tướng/ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong mấy tháng gần đây, các cuộc thăm viếng của lãnh sự quán và của gia đình các tù nhân đã bị tạm ngưng vì những lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19.

VOA (14.01.2021)

 

 

 

Gia đình: Đại sứ quán Mỹ cho biết Trại 6 đưa TNLT Trần Huỳnh Duy Thức cấp cứu sau nhiều ngày tuyệt thực

Hình minh hoạ. TNLT Trần Huỳnh Duy Thức trong tù (không rõ thời gian nào) Photo: RFA

Hôm 13 tháng 1 năm 2021, gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho hay phía cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam thông tin cho gia đình biết việc cán bộ Trại giam số 6 – Thanh Chương đã chuyển ông Thức đi cấp cứu tại bệnh viện sau khoảng 50 ngày ông này tuyệt thực. Ông Thức đã tiến hành tuyệt thực từ ngày 24/11/2020 để yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao trả lời đơn kiến nghị của ông về việc giảm án theo Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Thức bị toà án năm 2010 kết án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Vào chiều ngày 14-1, em trai ông Thức là Trần Huỳnh Duy Tân nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

Về phía Đại sứ quán Mỹ họ có cho gia đình biết thông tin là anh Thức được chuyển qua bệnh viện ngoài Nghệ An đó, họ nói cái thông tin đó là đúng. 

Gia đình cũng biết như vậy nhưng ngoài ra thì gia đình cũng có một số thông tin của người quen, người ta có ở bên ngoài Bệnh viện đó người ta cũng xác nhận thông tin là anh Thức đang nằm ở bệnh viện Ba Lan ở ngoài Vinh đó.”

Người thân của ông Thức cũng cho hay, trước đó nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức cho biết, chính quyền Việt Nam phủ nhận tin người tù chính trị này phải chuyển đi bệnh viện nhưng không cung cấp thêm thông tin gì về tình hình sức khỏe của ông. 

Phóng viên của chúng tôi đã gửi email tới Đại sứ quán Đức và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để hỏi thêm về vụ việc. Phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói không có tin gì để chia sẻ. Khi nào nhận được phúc đáp từ Đại sứ quán Đức, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin liên quan.
Em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết, gia đình chưa có kế hoạch từ Sài Gòn ra Nghệ An thăm ông Thức do xuất thăm gặp trong tháng 1 này đã hết. Ông Tân nói: 

“Gia đình chưa có ý định đi ra ngoài Nghệ An để xin gặp anh Thức, thậm chí là bây giờ anh Thức đang ở Trại 6 mà mình đường đột xin đi ra gặp thì chắc chắn họ cũng không cho vào gặp. 

Thành ra gia đình cũng rất là trông thông tin ai đó có thể cập nhật được cái tình hình của anh Thức. 

Cũng đặc biệt là đang chờ cái thông tin từ trại giam họ trả lời cái đơn của gia đình đã gửi ra cho Giám thị cũng như trưởng Phân trại anh Thức đang ở đó thì đến ngày hôm nay ai đã là ngày 14 (tháng 1) rồi mà vẫn chưa thấy họ trả lời cái gì hết. Cũng trông cái việc hồi đáp của họ.” 

Cũng theo ông Tân, có nguồn tin cho biết ông Thức được cấp cứu và điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An (hay còn gọi là bệnh viện Ba Lan). 

Phóng viên gọi điện cho số của khoa Bệnh Nhiệt đới để hỏi về ông Trần Huỳnh Duy Thức thì lúc đầu người trực máy cho biết có bệnh nhân được chuyển từ Trại 6 Nghệ An đến điều trị. 

Anh ơi, anh ấy đi bên Lào về à? À, Trại 6 Nghệ An – thế thì ở chỗ tôi! 

Thế thì ở chỗ tôi vì anh gọi cái số điện thoại từ Lào về nên tôi cứ nghĩ bệnh nhân của tôi là bệnh nhân đi Lào về, không phải, thế thì ở đây!” 

Tuy nhiên khoảng 10 phút sau khi phóng viên gọi điện lại để hỏi thêm chi tiết thì người này phủ nhận ông Thức đang điều trị ở đây và nói ông ấy đang ở Trại 6 bằng giọng mỉa mai. 

Dạ, biết rồi bệnh nhân của anh là bệnh nhân Trí Thức, hiện đang nằm ở Trại 6. Ừ, Duy Thức chứ không phải là Duy Ngủ. 

Ông ấy đang nằm ở Trại 6 chứ không nằm ở Bệnh viện tôi, ông ấy đang nằm ở Trại 6. 

Không, ông ấy có bị bệnh gì đâu mà nằm bệnh viện? Ông ấy có ốm đau gì đâu mà đi bệnh viện?” 

Hôm 9-1-2021, gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức – tù nhân chính trị hiện đang thụ án 16 năm tù ở Trại giam số 6, Thanh Chương đến thăm gặp thì được ông này thông tin là đang tuyệt thực đến ngày thứ 47 để yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao phản hồi đơn yêu cầu giảm án và trả tự do theo Bộ luật hình sự mới. Gia đình cho biết vào lúc đó sức khoẻ của ông Thức đã rất yếu.

Đến ngày 11-1, một Facebooker ở Canada cho biết có nguồn tin nói ông Thức được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An để điều trị ở ngày tuyệt thực thứ 48, tuy nhiên khoa Cấp cứu bệnh viện này phủ nhận thông tin này.

RFA (14.01.2021)

 

Phúc trình Toàn cầu 2021: HRW lên án Việt Nam gia tăng vi phạm nhân quyền

Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Photo tập hợp từ Facebook. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

(HRW) hôm 13/1 công bố “Phúc trình Toàn cầu 2021” và lên án Việt Nam tiếp tục gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân trong năm 2020.  Theo tổ chức nhân quyền quốc tế này, chủ trương của Hà Nội trong việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân “dường như có liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội 13)”, dự kiến diễn ra từ ngày 25/1 – 2/2.

“Lại thêm một năm đen tối nữa cho nhân quyền ở Việt Nam”, Giám đốc vận động châu Á của HRW, ông John Sifton, nói trong thông cáo báo chí hôm 13/1.

Theo lời đại diện của HRW, “Trong suốt năm 2020, ngoài một số nhà bất đồng chính kiến trực ngôn, công an cũng bắt giam nhiều người khác vì đã nói lên chính kiến của mình và thực hành các quyền tự do ngôn luận cơ bản.”

Trong bản Phúc trình dài 761 trang, ấn bản hàng năm của HRW nhằm đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia, tổ chức nhân quyền nói Việt Nam trong năm 2020 “tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”, qua việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo, chặn truy cập nhiều trang mạng, gây sức ép buộc các công ty viễn thông phải gỡ bỏ các nội dung phê phán Đảng Cộng sản và chính quyền…

Dẫn chứng nhiều trường hợp bị bắt giam trong năm qua như nhà báo Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, các nhà hoạt động như Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu…, HRW cho rằng Việt Nam đã “hình sự hoá” các hành vi ngôn luận có tính phê phán chính quyền.

Đánh giá về cam kết của Việt Nam về vấn đề công đoàn độc lập trong các hiệp định tự do thương mại với quốc tế, Phúc trình của HRW cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực vào tháng 1/2021, trong đó cho phép thành lập “các tổ chức đại diện của người lao động”, chỉ là “bề nổi”, trên thực tế chắc chắn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ vì những người vận động để thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động hiện đang phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ cả phía chính quyền lẫn những người sử dụng lao động.

“Chính quyền Việt Nam sợ dân chủ, báo chí độc lập, và quyền tự do”, ông Sifton nói trong thông cáo báo chí.

Theo đại diện của HRW, “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ cần công khai nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép để Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình về nhân quyền”.

Trong phần giới thiệu phúc trình, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth của HRW cho rằng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump vừa qua “gần như bỏ rơi việc bảo vệ nhân quyền”. Vì vậy, ông kêu gọi chính quyền Biden sắp tới cần đưa việc tôn trọng nhân quyền vào các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố luôn “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Trong một phản ứng đối với Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 3 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói báo cáo của Mỹ có nhiều nội dung “thiếu khách quan”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong dịp này nói rằng “Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân”.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm ngoái nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trong một loạt lĩnh vực, trong đó có giam giữ người tuỳ tiện, tra tấn người bị bắt giam, đối xử bất công với tù nhân, hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo. 

https://youtu.be/VZNwKU_2k_M

VOA (13.01.2021)

 

 

Đại sứ quán Hoa Kỳ: ‘Chính phủ Việt Nam cần hành động nhất quán với các quy định trong Hiến pháp’

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 13/1 đã mô tả việc Việt Nam kết tội và tuyên án các thành viên của nhóm Hiến Pháp là việc làm đi ngược lại xã hội tự do và cởi mở. Một ngày trước đó, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng lên tiếng phản đối phán quyết can thiệp vào nhiều quyền tự do của con người của tòa án Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 31/7/2020. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Trong một bài đăng trên tài khoản Facebook vào sáng 13/1, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội bày tỏ quan điểm :

“Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam kết tội và tuyên án tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp tại Việt Nam hơn 40 năm tù. Các xã hội tự do và cởi mở trên thế giới được củng cố khi các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình nhất quán với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.”

 

Ngày 8/1, tại phiên xét xử phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP.HCM chủ trì, bốn người trong nhóm Hiến Pháp bị tuyên y án sơ thẩm. Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị tuyên 8 năm tù, hình phạt bổ sung 3 năm quản chế; ông Ngô Văn Dũng 5 năm tù; ông Lê Quý Lộc 5 năm tù và hình phạt bổ sung 2 năm quản chế; ông Hồ Đình Cương 4 năm 6 tháng tù.

 

Tất cả đều bị cáo buộc tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự, dù khẳng định “chỉ chống Trung Quốc” khi tổ chức biểu tình chống Luật Đặc khu hồi tháng 9/2018 (chưa diễn ra), với quyền công dân được ghi trong Hiến pháp.

 

Theo đó, 4 trong 8 thành viên kháng cáo đều thất bại. Tổng mức án đã tuyên trước đó tại phiên sơ thẩm ngày 31/7 đối với 8 thành viên lên tới hơn 40 năm tù, trong đó mức án từ thấp nhất 2 năm 6 tháng tù, cao nhất là 8 năm tù, về tội “Phá rối an ninh”.

 

Lên tiếng sau phiên sơ thẩm, Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định về xu hướng ngày càng gia tăng các vụ bắt giữ và các bản án khắc nghiệt của Việt Nam đối với các nhà hoạt động ôn hoà từ đầu năm 2016.

 

“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất tuân lý và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm của mình, không sợ bị trả thù.” – đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động cần phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp quốc gia cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

 

Trong thông điệp ngày 12/1, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định những thành viên của nhóm Hiến Pháp “chỉ là những nhà hoạt động ôn hòa thúc đẩy các quyền con người được ghi trong Hiến pháp Việt Nam”. Phán quyết ngày 8/1 cùng bản án ngày 5/1 đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam “khẳng định một xu hướng đáng lo ngại nhằm thu hẹp không gian cho tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội ở Việt Nam”.

 

Phái đoàn Liên minh Châu Âu mong muốn nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay cho 4 thành viên nhóm Hiến Pháp, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam và các bên liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trithucvn (13.01.2021)

 

 

Anh Quốc lên tiếng về vụ xử ông Phạm Chí Dũng và cộng sự

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa hôm 5/1/2021

Anh Quốc nêu quan ngại về án tù cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, đồng thời kêu gọi Việt Nam để người dân ‘tự do tranh luận’.

Phái đoàn Vương quốc Anh tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng về bản án gần đây đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.

Trong bản tiếng Việt mà Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward chia sẻ trên Facebook hôm 12/01/2020, có đoạn:

“Vương quốc Anh quan ngại về việc kết án ba nhà báo gần đây tại Việt Nam. Cả ba đã bị tuyên án tổng cộng 37 năm tù, trong đó ông Phạm Chí Dũng – Chủ tịch của IJAVN phải nhận 15 năm, và hai ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn chịu 11 năm.

Vương quốc Anh cam kết vận động mạnh mẽ cho tự do báo chí trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng hệ thống báo chí tự do và độc lập tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam. Khi tất cả mọi người đều được tự do tranh luận mà không sợ bị truy cứu thì cả xã hội sẽ cùng đi lên.”

Ông Ward đã giới thiệu bạn đọc Facebook của ông mà rất đông là người Việt Nam, vào đọc toàn bộ văn bản của Sứ bộ Anh Quốc tại Geneva với nội dung tương tự bằng tiếng Anh.

Chụp lại hình ảnh, Ông Gareth Ward và công dân Anh Quốc ở Việt Nam

Hôm 8/1/2021, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Ravina Shamdasani đã nói cơ quan này sẽ tiếp tục nêu vụ xử ba nhà báo độc lập với chính phủ Việt Nam.

Cao ủy Nhân quyền LHQ còn nhắc chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ nhân quyền và sửa đổi Luật Hình sự nhằm làm đúng với Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) liên quan đến tự do ngôn luận.

International Covenant on Civil and Political Rights tức Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ được thông qua năm 1966 và có hiệu lực từ 1976.

CHXHCN Việt Nam đã chính thức ký kết văn bản này ngày 24/09/1982.

Anh Quốc kêu gọi nhưng Việt Nam không hoan nghênh chỉ trích.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HUMAN RIGHTS WATCH Chụp lại hình ảnh,Nhiều nhà báo tự do và nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị bắt giữ thời gian gần đây, theo một số tổ chức quốc tế, trong đó có Human Rights Watch

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Dominic Raab sang Việt Nam (30/09/2020), quan chức hai nước đã ký kết các văn bản, trong đó có phần cam kết về bảo vệ nhân quyền.

Trang của Bộ Ngoại giao Anh viết về tuyên bố chung ông Raab ký với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, có đoạn như sau:

“Việt Nam và Anh Quốc sẽ hợp tác để cổ vũ và bảo vệ nhân quyền, gồm cả việc thực hiện các văn bản quốc tế về quyền con người mà các nước này đã ký kết.” (Viet Nam and the UK will co-operate in the promotion and protection of human rights, including with regard to the implementation of international human rights instruments to which they are party).

Tuy thế, rất khó tìm thấy các cụm từ “nhân quyền, tự do báo chí” trên truyền thông chính thống ở Việt Nam khi đề cập về chuyến thăm của ông Dominic Raab.

Một bài dài trên trang Tạp chí Thông tin Đối ngoại vào ngày 01/10/2020 có tựa đề “Tầm nhìn mới, xung lực mới cho quan hệ Việt Nam – Anh” đã nêu ra nhiều lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng hai bên, nhưng không nhắc đến cam kết hai bên Anh – Việt cùng “thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền” như bản tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Anh.

Văn bản chính thức của Anh, mang tên Báo cáo Nhân quyền và Dân chủ của Bộ Ngoại giao (FCO) hồi tháng 7/2020 xác nhận chính phủ Anh “ủng hộ quyền hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền trên thế giới”, và “bảo vệ quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận” (defending the right to freedom of the media and freedom of expression).

Chính phủ Anh cũng nói họ thúc đẩy sự phát triển của dân chủ qua Quỹ Westminster Foundation for Democracy.

Riêng về Việt Nam, Anh Quốc còn gắn vấn đề bảo vệ nhân quyền với công tác chống buôn người và nạn nô lệ thời hiện đại.

Vẫn báo cáo nói trên nêu rõ vụ 39 công dân Việt Nam tử nạn trên đường vào Anh bất hợp pháp bằng xe container hồi tháng 10/2019 như một ví dụ để giới chức hai bên hợp tác chống tệ nạn nguy hiểm này.

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHERS

Đây không phải là lần đầu tiên Anh Quốc nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trên các văn bản chính thức bằng tiếng Anh.

Ví dụ hồi 06/01/2018, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Harriett Baldwin đã phát biểu:

“Chính phủ Anh quan ngại sâu sắc về vụ xử sáu thành viên Hiệp hội Anh em Dân chủ (Brotherhood for Democracy) vì bị cho là tìm cách lật đổ chế độ, và về các bản án nặng nề, tổng cộng 66 năm tù cho họ.

Chúng tôi không tin rằng việc bày tỏ quan điểm hòa bình về hệ thống chính trị tại Việt Nam, hay việc thúc đẩy các quyền con người cơ bản, phổ quát, lại cấu thành tội hình sự. Tự do ngôn luận và tự do hội họp đã được ghi trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam và trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Vẫn Bộ Ngoại giao Anh, trong văn bản năm 2015 nêu ra các tiêu chí về nhân quyền của nước này với Việt Nam, gồm: ủng hộ tự do ngôn luận, tăng ý thức về vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ một nhà nước có trách nhiệm giải trình, hỗ trợ phát triển xã hội dân sự để giải quyết các vấn đề dân quyền như quyền đất đai…

Với công dân của mình, chính phủ Anh có hướng dẫn riêng với thông tin khá cụ thể về nước Việt Nam.

Chẳng hạn trên trang dành cho các doanh nghiệp Anh sang Việt Nam làm ăn (Guidance: Overseas Business Risks, Vietnam 26/08/2019) chính phủ Anh trình bày ra toàn cảnh kinh tế, xã hội, truyền thông, y tế, nhân quyền, nạn tham nhũng…tại Việt Nam.

Riêng về bức tranh chính trị, văn bản này viết:

“Việt Nam là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất Đông Nam Á. Lãnh đạo của họ không hoan nghênh bất đồng chính kiến (Its leadership does not welcome dissent)…

Các kênh truyền thông chính hoàn toàn chịu sự kiểm soát và chỉ đạo của Đảng CSVN nên rất nhiều người đã bám theo các blogger độc lập để nắm tin tức cập nhật. Nhiều blogger này bị trấn áp, bị bắt và bỏ tù vì phê phán ĐCSVN và các chính sách của chính phủ.”

BBC (13.01.2021)

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen