Seite auswählen

Càng về cuối năm, nhiều tài xế xe ôm công nghệ càng phải làm việc vất vả hơn để lo cho cái Tết Nguyên Đán sắp tới.

Tuấn Dũng

Tài xế xe ôm công nghệ đứng đợi khách ở gần một trung tâm thương mại – Ảnh: H.Đ 

 

Tài xế công nghệ dù làm việc 14 – 15 tiếng/ ngày, nhiều người chia sẻ thu nhập vẫn giảm 1/3 so với trước. Tết với họ vẫn đang ở rất xa…

“Lẽ nào phải đành đón Tết nơi đất khách quê người…” – ông Nguyễn Đức, một tài xế ‘xe ôm công nghệ’ tại Sài Gòn, cười buồn.

Quê của ông Đức ở Châu Đốc. Sau khi rời quân ngũ, không nghề nghiệp, ông lên Sài Gòn để tìm việc, và hơn một năm trước, ông gia nhập vào đội ngũ ‘xe ôm công nghệ’ nhờ vào bên vợ của ông ‘bán đất’; rồi vợ chồng ông được số tiền gọi là ‘chia chác hương hỏa’, ông sắm ngay chiếc xe gắn máy ‘đời mới’ và một sì-mắc-phôn để làm cần câu cơm. Thời gian ngắn sau, vợ ông cũng theo nghề này.

Có ngày tôi chỉ giao được mười mấy đơn hàng, vì còn phải về chăm cho con nhỏ, còn chồng tôi chạy chính. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ nuôi con và trang trải chi phí sinh hoạt trên này, nên năm nay chúng tôi chắc sẽ không về quê đón Tết như mọi năm. Đây có lẽ là cái Tết xa quê đầu tiên của tôi” – bà Hồng, vợ của ông Nguyễn Đức, tiếp lời chồng.

 

Diệp Linh, một ‘cô tài’ khác cũng quê Châu Đốc, tham gia làng ‘xe ôm công nghệ’ để lây lất mưu sinh trong tháng ngày trụ ở Sài Gòn, góp chuyện bằng tự sự đầy bãng lãng của một cựu sinh viên khoa Văn học của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Chẳng còn bao lâu nữa thôi là thời gian cuối cùng của năm sẽ đổ về, năm cũ đang dần cạn ngày cạn tháng. Một cái tết ấm áp sẽ lại về trên khắp phố phường, thôn xóm quê hương.

Dù thời gian có đáng sợ đến đâu, có bào mòn tuổi thanh xuân đến đâu thì vẫn có những cái tết làm tôi không bao giờ quên được. Những cái tết đoàn viên bên gia đình thân thương của mình…”.

Diệp Linh cho biết năm ngoái những ngày gần Tết đơn đặt hàng nhiều, tiền thưởng của hãng cao hơn nhưng năm nay cắt giảm hết, do vậy cô quyết định không về quê ăn Tết, mà ráng tiếp tục ‘cày’ trong mấy ngày thiên hạ vui xuân để mong “kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy”.

Cùng trong bàn cà phê buổi sớm với tiết trời Sài Gòn trở lạnh giữa những người bạn ‘xe ôm công nghệ’ toàn là ‘lao động nhập cư’, một đồng nghiệp và cũng từng là đồng môn của Diệp Linh, trải lòng với ý tứ cứ như một đoạn văn hồi ức: “…Giờ ngồi nhớ lại chợt thoáng vui, thoáng buồn vì đã có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tràn đầy yêu thương về ngày tết, nhưng theo thời gian cũng chẳng còn cái tết nào được như vậy nữa.

Từ ngày dời nhà ra gần chợ sống, tất cả lặng lẽ chìm vào quên lãng, Tết đến nhà tôi cũng không còn gói bánh như xưa, nhà cửa san sát nhau, diện tích sân vườn hẹp lại. Chiếc nồi nấu bánh tét cũng không còn dùng đến, bị lớp bụi phủ mờ.

Sáng nay, chở khách lòng vòng ngoài chợ trong tiết trời lành lạnh, ngang qua cổng chợ chợt thấy những cuốn lịch Tân Sửu ế ẩm, và bánh mứt đủ loại, đủ mùi vị khác nhau chuẩn bị bày bán… Vậy là một năm mới sắp về rồi, nhanh thật!”.

Tết đúng nghĩa là lúc quay về, lúc gặp nhau ôn lại kỷ niệm vui buồn, xí xóa chuyện cũ để bước sang một năm mới nhiều kỳ vọng hơn. Ông Nguyễn Đức nói rằng biết đâu chừng ông sẽ cùng vợ chạy xe máy chở hai đứa con về Châu Đốc ăn Tết.

Ba trăm cây số chứ mấy. Chừng 8 tiếng đồng hồ là về đến nhà thôi mà. Nhà tôi ở bên kia bến phà Châu Giang, Tết này chạy xe máy về dưới nên cũng không lo tiền xe cộ gì, ăn Tết ở miền Tây thì vô tư lự rồi, vì dưới quê có gì ăn đó.

Tầm này năm ngoái một ngày tôi có thể kiếm gần cả triệu nên ăn Tết lớn, còn năm nay chắc giảm một nửa. Nói chung không dư dả bao nhiêu, nhưng năm nay mà như vậy thì đã may mắn hơn nhiều người lắm rồi…” – ông Nguyễn Đức, như tự nhắc nhở mình về giấc mơ cho những ngày Tết đoàn viên, bên mâm cơm cúng ông bà ở nơi chôn nhau cắt rốn.

 

Ừ, thì về, cố gắng mà về – bởi có nỗi buồn nào sánh kịp nỗi buồn xuân tha hương. Về mà hội ngộ, đoàn viên, chúc tụng đầu năm cùng bà con lối xóm, bè bạn, người thân, để tháng Chạp lại thêm một lần sẻ chia nỗi rưng rưng những đứa con ngày về với mẹ. Nước mắt hạnh phúc, sẽ tưới tắm cho tình người, tình quê thêm thắm thiết, cho tình xuân thêm nồng nàn…

Tôi nhớ hồi mấy năm trước, khi hỏi Tết này anh có về quê không? Anh nói mấy ngày cận Tết, anh có đưa mấy đứa con về thăm bên ngoại ở Long An, còn quê anh miệt Đồng Tháp, anh ít về hơn…” – một người bạn của anh Phạm Chí Dũng, góp câu chuyện bên lề cà phê, về phận lữ thứ ngay trên chính quê hương mình.

 

VNTB (21.01.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen