Seite auswählen

Hình ảnh từ Simularity. Ảnh vệ tinh cho thấy chính quyền Trung cộng tiếp tục hành vi thay đổi hiện trạng trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Theo News, Công ty Simularity có trụ sở tại Florida, Hoa Kỳ, cùng đối tác Allsource Analysis đã công bố một báo cáo có có tiêu đề “Công trình mới trên đá Vành Khăn”, chỉ ra những thay đổi đáng kể tại 7 khu vực của hòn đảo này.

Hình ảnh do Simularity cung cấp tại một địa điểm được đặt tên là Khu 1 trên đá Vành Khăn cho thấy nó là một bãi trống cho đến ngày 7/5/2020. Ở một bức ảnh khác chụp khu vực này vào ngày 4/2/2021 thì đã thấy xuất hiện “một cấu trúc hình trụ kiên cố đường kính 16 m”. Simularity đánh giá đây có thể là một tháp ăng ten.

Trong khi đó, ở Khu 2 vào ngày 7/5/2020 xuất hiện nhiều cấu trúc hình chữ nhật lớn giống như container hoặc nhà ở. Tuy nhiên, vào ngày 4/2/2021, những cấu trúc này không còn. Thay vào đó, một cấu trúc bê tông với mái vòm xuất hiện, giống như một radar.

Khu 4 và 7 cũng từng có nhiều cấu trúc hình chữ nhật, nhưng chúng đã không còn vào đầu tháng hai. Bên cạnh đó, ở Khu 5 và Khu 6 xuất hiện những cấu trúc mới “có thể được xây dựng từ ngày 22/10 đến ngày 23/11/2020”.

Đá Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị chính quyền Trung cộng chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Bắc Kinh đã ngang nhiên xây dựng đường băng, cảng và khai triển radar tại đây.

Theo ĐKN (18.02.2021)

 

 

Tướng Hoa Kỳ: Cần bảo đảm Biển Đông luôn là vùng biển chung quốc tế

Ngày 9/2, hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đã tập trận chung ở biển Đông. Chỉ huy Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố, hoạt động này nhằm tăng cường bảo vệ các quyền và lợi ích quốc tế tại vùng biển này, trước tình trạng gần đây Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) tăng cường triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu ở Biển Đông.

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68), (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/ Wikipedia)

Trong một cuộc họp báo, Thiếu tướng Doug Verissimo nói với các phóng viên rằng tàu USS Roosevelt và tàu USS Nimitz đã tiến hành một cuộc tập trận chung vào tuần trước với mục đích tăng cường sức mạnh của các đồng minh trong khu vực và đảm bảo rằng kênh biển chiến lược này luôn là vùng biển chung của quốc tế “tự do và rộng mở đối với tất cả mọi người”.

 

Đồng thời, ông nói thêm rằng những năm gần đây việc triển khai lực lượng hải quân và không quân của ĐCSTH đã gia tăng đáng kể. Chỉ huy Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Roosevelt cho biết, “Chúng tôi thấy nhiều máy bay của ĐCSTH, tàu chiến càng nhiều hơn, đang diễn tập hàng ngày.”

 

Ông chỉ ra đây là lần thứ ba kể từ năm 2017 Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm kép được tập hợp trên biển, “Lực lượng mà chúng tôi tập hợp đã được tăng cường đáng kể về mọi mặt”.

 

Ngày 9/2, hai hàng không mẫu hạm và tàu chiến đi cùng gồm 10.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực nhằm biểu dương quy mô lực lượng. Tại vùng Biển Đông, Hải quân ĐCSTH thường xuyên đối đầu với tàu chiến Hoa Kỳ và yêu cầu tàu chiến Hoa Kỳ rời khỏi vùng biển này. Còn phía Hải quân Hoa Kỳ phớt lờ cảnh báo của Hải quân ĐCSTH, phản bác rằng vùng biển này là vung biển quốc tế. 

 

ĐCSTH đã khai triển quân ở Biển Đông như thế nào?

Theo Epoch Times, năm 2012 sau khi ĐCSTH chiếm bãi cạn Scarborough mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền, họ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự ở đó với quy mô đáng kể. Chính quyền Hoa Kỳ thời Obama khi đó đã phớt lờ yêu cầu hỗ trợ của Chính phủ Phi Luật Tân theo Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau, chính điều đó đã kích hoạt kế hoạch xây dựng đảo quy mô lớn của ĐCSTH, dẫn đến việc trong vòng 5 năm, ĐCSTH đã xây dựng một hòn đảo mới rộng khoảng 3.200 mẫu Anh ở đó.

 

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về quân sự ĐCSTH, Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm YJ-12B trên một số tiền đồn ở Biển Đông. Ngoài ra ĐCSTH cũng đang triển khai thêm tàu ​​chiến tại hai căn cứ ở Biển Đông, bao gồm nhiều tàu chống hạm Type 056 và tàu tên lửa kiểu 022 (Type 22 missile boat) được trang bị tên lửa dẫn đường.

 

Tháng 8/2020, ĐCSTH đã thử nghiệm đưa vào Biển Đông hai tên lửa đạn đạo chống hạm là Dongfeng 21D và Dongfeng 26. ĐCSTH cũng đang lắp đặt hệ thống giám sát đáy biển để cải thiện độ chính xác của tên lửa.

 

Epoch Times dẫn lời Thiếu tướng James Kirk, chỉ huy Nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến Nimitz cho biết hạm đội của ông nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng mà tên lửa đạn đạo chống hạm gây ra cho hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Ông nói: “Cách tiếp cận của chúng tôi trong hoạt động tập trận có tính đến những mối đe dọa này từ Hải quân ĐCSTH. Nếu chúng tôi quyết định cần có hành động quân sự như vậy, điều đó cho thấy chúng tôi có khả năng bảo vệ hạm đội của mình.”

 

Ngoài ra, ĐCSTH còn điều động hàng chục tàu chở một số dân quân vũ trang. Epoch Times dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết:

“Ở Biển Đông, lực lượng dân quân vũ trang (PAFMM) của ĐCSTH đóng vai trò then chốt trong chiến lược đạt được các mục tiêu chính trị mà không gây chiến, chiến lược này là một phần trong các mục tiêu quân sự tổng thể. ĐCSTH cho rằng đối đầu không có chiến tranh là phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu chính trị.”

“Việc xây dựng một sân bay mới và nhà kho máy bay trên tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng khu vực tác chiến trên không của quân đội ĐCSTH.”

 

Liên quan các cơ sở quân sự này của ĐCSTH, Thiếu tướng Verissimo nhận định: “Điều này cho thấy các hoạt động của họ (quân đội ĐCSTH) đã tăng lên đáng kể… và đang tăng đều đặn theo thời gian.”

 

Những nguồn tin cũng chỉ ra lực lượng dân quân vũ trang của ĐCSTH còn tham gia vào các vụ việc khác, bao gồm vụ quấy rối các tàu trinh sát của hải quân vào năm 2009 và vụ đối đầu tại bãi đá ngầm Scarborough năm 2012. 

 

Thể hiện quyết tâm hỗ trợ an ninh Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ngày 9/2 tuyên bố rằng các nhóm tấn công hàng không mẫu hạm Roosevelt và Nimitz đã tiến hành một số cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày hôm đó, nhằm cải thiện sự phối hợp hoạt động và khả năng chỉ huy và kiểm soát giữa các nguồn lực hải quân Hoa Kỳ.

 

Thiếu tướng Kirk cho rằng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm kép thể hiện quyết tâm hỗ trợ an ninh cho khu vực và cũng thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ. Cả hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đều thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ. “Hoa Kỳ luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải trên các vùng biển cả quốc tế, điều này cũng đảm bảo sự an toàn của tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương,” Thiếu tướng Kirk nói.

 

Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết các tàu và máy bay của hai nhóm tác chiến phối hợp hoạt động trong khu vực có giao thông đông đúc, nhằm thể hiện khả năng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong môi trường đầy thử thách.

 

Trong diễn biến liên quan, tối ngày 8/2 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly chia sẻ trên Twitter rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp SNA Emeraude cùng với tàu hỗ trợ BSAM Seine đang đi qua khu vực Biển Đông, ông cũng đính kèm hình ảnh hai con tàu trên.

Theo  Epoch Times (18.02.2021)

 

 

 

Tàu khảo sát Trung cộng vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để lấy mẫu và thử tàu lặn

Tàu Thám Tác 2 (Tan Suo 2) của Trung cộng. Tàu vừa tiến hành chuyến khảo sát vào vùng biển của Việt Nam  Tân Hoa Xã

Tàu khảo sát của Trung cộng mang tên Thám Tác 2 (Tan Suo 2) vừa hoàn tất chuyến nghiên cứu trong khu vực mà cả Việt Nam và Trung cộng đều đòi chủ quyền ở Biển Đông, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung cộng và dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển mà RFA thu thập được.

Tàu khảo sát Thám Tác 2 rời cảng Tam Á  (Hải Nam) hôm 2/2 và đi về vùng nước phía tây quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 140 hải lý, với mục đích được truyền thông nhà nước Trung cộng thông báo là thu thập các mẫu sinh học, thử các tàu lặn và tiến hành các nghiên cứu khác cho đến ngày 9/2.

Chuyến đi của tàu này vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là chuyến đi nghiên cứu mới nhất ở Biển Đông của Trung cộng, nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bất chấp những yêu sách về chủ quyền của 5 nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân và Đài Loan.

Hôm 17/2, Hải quân Hoa Kỳ đã điều tàu chiến đi qua khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung cộng và các nước khác ở Biển Đông trong hoạt động tự do hàng hải (FONOP), theo thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ.

Bất chấp những tranh chấp hiện hữu về chủ quyền trên biển, các tàu khảo sát của Trung cộng liên tục thực hiện các chuyến khảo sát ở Biển Đông và hơn thế, còn nghiên cứu các nguồn tài nguyên, vẽ bản đồ lòng biển, thử nghiệm các công nghệ mới và tiến hành các loại nghiên cứu khoa học khác. Các hoạt động nghiên cứu này đã khiến các nước láng giềng tức giận.

Ví dụ, vào tháng 1 vừa qua, một tàu có tên Jia Geng (Gia Canh) của Đại học Hạ Môn (Xiamen), Trung cộng, đã hoạt động trong vùng nước của Phi Luật Tân mà không được phép của chính phủ Phi Luật Tân, theo thông tin từ trang Inquirer.

Vào tháng 12/2020, Indonesia phát hiện một thiết bị lặn không người lái nghi ngờ là của Trung cộng gần đảo Selayar. Thiết bị này có thể đã thu thập các dữ liệu cho các tàu ngầm của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Các thông tin về chuyến khảo sát của tàu Thám Tác 2 được đăng tải trên truyền thông Trung cộng cho thấy tàu này thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển Sâu Trung cộng, một cơ quan nghiên cứu thuộc nhà nước. Các dữ liệu mà RFA xem xét xác nhận viện này là chủ sở hữu và quản lý tàu Thám Tác 2.

Dữ liệu từ hệ thống định vị tự động (AIS) cho thấy tàu Thám tác 2 hoạt động ở vùng nước mà cả Việt Nam và Trung cộng đều đòi chủ quyền, thời gian từ ngày 2/2 đến 9/2. Credit: Data from MarineTraffic; analysis and annotation by RFA.

Tàu Thám Tác 2 mang theo một đội ngũ gồm 60 người thuộc Học Viện Khoa học Trung cộng, tàu lặn có người  điều khiển có tên “Chiến binh Biển Sâu”.

Theo Tân Hoa Xã, trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã hoàn tất 9 lần lặn, thu thập các mẫu nước, trầm tích và sinh học biển sâu được dùng để xây dựng một “ngân hàng tài nguyên sinh học biển sâu Biển Đông” và nghiên cứu tìm hiểu bằng cách nào các sinh vật hữu cơ thích ứng với môi trường biển sâu.

Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành hoạt động chung đầu tiên với sự tham gia của “Chiến binh Biển Sâu” và tàu lặn di động Luling, theo Tân Hoa Xã.

Chính phủ Việt Nam hiện vẫn chưa công khai đưa ra bình luận gì về chuyến đi của tàu Thám Tác 2 ở vùng nước mà cả Việt Nam và Trung cộng đều đòi là vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), các quốc gia ven biển có quyền quản lý, cho phép, và thực hiện các nghiên cứu khoa học trong vùng EEZ của mình. Đây là vùng nước nằm trong vòng 200 hải lý tính đến đường cơ sở của quốc gia đó.

Trong 2 năm qua, tàu Thám Tác 2 đã nhiều lần hoạt động ở Biển Đông và đi vào vùng nước thuộc Thái Bình Dương.

Ví dụ, tàu này đã đi vào vùng nước phía đông nam quần đảo Hoàng Sa vào tháng 7 năm 2020. Tàu đã hoàn tất ít nhất 4 chuyến vào khu vực Biển Đông từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái. Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 12/2020, Thám Tác 2 đã hoàn tất chuyến khảo sát kéo dài 57 ngày tới Rãnh Mariana. Trong chuyến đi này, tàu đã triển khai “Chiến binh Biển Sâu” cho 32 lần lặn, thu thập một loạt các mẫu sinh học và trầm tích và thực hiện các nghiên cứu khác.

Dữ liệu AIS cho thấy hoạt động của tàu Thám Tác 2 từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2021. Credit: MarineTraffic.

Zachary Haver
RFA (17.02.2021)

 

 

Biển Đông: Chiến hạm Hoa Kỳ đi ngang Trường Sa trong một chiến dịch tự do hàng hải mới

Khu trục hạm Hoa Kỳ USS Wayne E. Meyer, có trang bị tên lửa dẫn đường, trên đường tới Hàn Quốc để tham gia tập trận. Ảnh do Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp, ngày 25/04/2017. AP – Mass Communication Specialist 3rd Class Kelsey L. Adams

Ngày 17/02/2021, Hải Quân Hoa Kỳ phái một khu trục hạm lớp Arleigh Burke đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung cộng trong khu vực.

Trong một thông cáo được Reuter trích dẫn, Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ cho biết là khu trục hạm USS Russel đã thực hiện nhiệm vụ “khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật quốc tế”.

Khu trục hạm Hoa Kỳ đã đi ngang qua quần đảo Trường Sa sau một cuộc tập trận chung của hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Ngày 05/02, một chiến hạm khác của Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở vùng quần đảo Hoàng Sa do Trung cộng kiểm soát.

Các động thái của Hoa Kỳ là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden sẽ không thu hẹp quy mô các hoạt động thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh mà Washington coi là phi pháp. Dưới thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh rõ nét các hoạt động này tại Biển Đông.

Bắc Kinh tự nhận chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan cũng có những các yêu sách trên toàn bộ hay một phần của quần đảo.

Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng khắp của Trung cộng ỏ Biển Đông đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trong quan hệ ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.

Washington đã lên án các hành vi của Bắc Kinh nhằm bắt nạt các nước láng giềng, còn Bắc Kinh thì nhiều lần tố cáo những gì họ gọi là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây bất ổn trong khu vực và can thiệp vào “công việc nội bộ” của Trung cộng.

RFI (17.02.2021)

 

 

Trung cộng vẫn tiếp tục xây dựng trái phép tại Trường Sa

Công ty công nghệ Simularity có trụ sở tại Hoa Kỳ ngày 16/2 đã công bố những hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó cho thấy các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung cộng kể từ cuối năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo trang tin Inquirer (Phi Luật Tân), ảnh vệ tinh của Simularity đã phát hiện những thay đổi tại 7 vị trí trên đá Vành Khăn.

Hình ảnh chụp vị trí được đánh dấu là Khu 1 cho thấy khu vực này vẫn còn là bãi trống tính đến ngày 7/5/2020. Tuy nhiên, vào ngày 4/2/2021, hình ảnh vệ tinh cho thấy “một cấu trúc hình trụ kiên cố có đường kính 16 mét”. Hoạt động xây dựng cấu trúc này được cho là diễn ra từ đầu tháng 12/2020 và đây có thể là một tháp ăng ten.

Các hình ảnh vệ tinh chụp Khu 2 cho thấy một cấu trúc vòm lớn mới và một cấu trúc radar cố định, trong khi các cấu trúc này không xuất hiện một năm trước đó.

Cho đến ngày 4/2/2021, Khu 4 và Khu 7 đã được dọn sạch, dù trước đó ở các khu vực này xuất hiện các cấu trúc hình chữ nhật.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy các hoạt động xây dựng mới tại Khu 5 và Khu 6.

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cho rằng các cơ sở radar mới có thể đang trong giai đoạn hoàn thiện, các trang thiết bị xây dựng và các doanh trại đã được chuyển đi, trong khi một số khu vực có thể đang được dọn dẹp để xây dựng những công trình mới hơn.

Đá Vành Khăn, cùng với đá Chữ Thập và đá Xubi, là 3 đá lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 2018, Trung cộng ngang nhiên triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đất đối không lên 3 đá này.

Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Hoa Kỳ năm 2017 cho biết các hoạt động xây dựng trái phép của Trung cộng trên các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi dường như đã hoàn tất, bao gồm các cơ sở phòng vệ, không quân, hải quân và radar.

Theo Dân Trí (17.02.2021)

 

 

 

Tàu chiến Hoa Kỳ di chuyển qua đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông

USS Russell trên Biển Đông hôm 17/2.

Một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ hôm 17/2 di chuyển gần các đảo mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải.

Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.

Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết rằng tàu khu trục USS Russell “đã khẳng định các quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Các tuyên bố chủ quyền lãnh hải rộng rộng khắp của Trung cộng tại Biển Đông đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.

Hai nước có mâu thuẫn về thương mại, nguồn gốc của đại dịch COVID-19, Hong Kong, Đài Loan và các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Washington đã lên án những việc mà họ xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt nạt các nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung cộng đã nhiều lần lên án điều nước này nói là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây bất ổn trong khu vực và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung cộng, theo góc nhìn của Bắc Kinh.

Tàu Hoa Kỳ di chuyển qua quần đảo Trường Sa sau cuộc tập trận chung của hai đội hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ở Biển Đông và sau khi một tàu chiến khác di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa do Trung cộng kiểm soát vào đầu tháng này.

Những hành động đó cho thấy rằng chính quyền Biden sẽ không giảm bớt hoạt động thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh sau sự gia tăng hoạt động tương tự thời chính quyền Trump.

Reuters

VOA (17.02.2021)

 

 

 

Hai nhóm hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vờn nhau trên Biển Đông

Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz hoạt động ở biển Đông hôm 9-2-2021. Ảnh Hải quân Hoa Kỳ

 

Hải quân Hoa Kỳ vừa công bố những bức ảnh ấn tượng về sự phối hợp của 2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt gần các đảo do Trung cộng kiểm soát trái phép ở biển Đông

Theo trang tin quân đội Hoa Kỳ American Military News, 2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm nói trên đã tiến vào biển Đông ngày 9-2-2021 “nhằm hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải và nỗ lực hợp tác an ninh tại khu vực”.

Theo thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ, nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell và USS John Finn.

Trong khi đó, thành phần nhóm tác chiến được dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm USS Nimitz có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett.

Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

 

“Chúng tôi cam kết đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp vùng biển mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế” – chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Nimitz, cho biết.

Các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thường xuyên hoạt động ở biển Đông kể từ khi Trung cộng mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, xây dựng căn cứ và đảo nhân tạo phi pháp ở đó.

Washington đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với biển Đông.

Một chiếc F/A-18E Super Hornet phóng từ hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ở biển Đông. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Tàu hải cảnh Trung cộng trang bị vũ khí giống pháo cỡ lớn

Không lâu sau khi Bắc Kinh thông qua luật mới cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, 4 tàu hải cảnh Trung cộng đã hiện diện trong vùng biển gần quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hôm 16-2.

Một tàu trong số này được cho là trang bị vũ khí giống pháo cỡ lớn. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã liên tục thúc giục các tàu Trung cộng rời khỏi khu vực.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp tàu Trung cộng đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Tokyo đang kiểm soát quần đảo Senkaku nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền nơi này và gọi nó là Điếu Ngư.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản gọi các vụ xâm nhập mới nhất là “đáng tiếc” và việc tàu hải cảnh Trung cộng đến gần tàu cá Nhật Bản là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Theo Soha (17.02.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen