Seite auswählen

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bắt tay tại Hà Nội hôm 27/2/2019.  Reuters

Một báo cáo trước Quốc hội Mỹ đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có nhiều thăng tiến trong thời gian qua nhưng đồng thời vẫn còn bị hạn chế do Việt Nam còn nghi ngại Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sợ Mỹ sẽ can thiệp để chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, và quan ngại về vấn đề đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo về quan hệ Việt – Mỹ của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) – một cơ quan lưỡng đảng phục vụ quốc hội Mỹ – được cập nhật hôm 16/2/2021, nhận định quan hệ hai nước kể từ khi xác lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay đã phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Kể từ năm 2010 đến nay, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác trên nhiều vẫn đề về kinh tế và an ninh khu vực, một phần là do ảnh hưởng của Trung cộng.

Báo cáo dành một phần nói về quan hệ Việt Trung, nhận định quan hệ về an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam trải qua hai thời kỳ Tổng thống Obama và Trump đã được tăng cường do việc Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông.

Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Obama và Trump đã cung cấp cho Việt Nam 24 tầu tuần duyên mới, máy bay không người lái, radar bờ biển và hai tàu tuần duyên lớn lớp Hamilton đã qua sử dụng của Mỹ. Đây là hai tàu tuân duyên lớn nhất hiện có của Việt Nam.

Theo báo cáo: “Hợp tác song phương đã được tăng cường trên các lĩnh vực khác từ năm 2017 đến 2021 như một phần trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump giúp quân đội Việt Nam phát triển khả năng thách thức khả năng phô trương sức mạnh của Trung Quốc”.

Báo cáo trước Quốc hội Mỹ cũng xác nhận tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam đã gia tăng trong thời gian vừa qua.

Báo cáo có đoạn viết: “Chính phủ (Việt Nam) ngày càng gia tăng (đàn áp) nhắm vào các blogger và luật sư, những người đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người mà giới chức quy kết là có liên quan đến các mạng lưới dân chủ hoặc phê phán chính sách của chính quyền đối với Trung cộng”

Theo đánh giá trong báo cáo, mặc dù Mỹ và Việt Nam vẫn tổ chức các đối thoại về nhân quyền hàng năm nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.

Theo báo cáo, viện trợ mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng tăng trong các năm. Trong năm tài khóa 2021, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn viện trợ cho Việt Nam  là 170 triệu đô la, tăng hơn 20% so với đề nghị được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là 141 triệu đô la. Con số này vào năm 2020 là gần 165 triệu đô la. Những con số này chưa kể khoản tiền hơn 380 triệu đô la mà Quốc hội Mỹ đồng ý chi cho việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã rải ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

RFA (18.02.2021)

 

RSF thúc Việt Nam thả nhà báo bị bắt vì ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’

Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy bị bắt giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì những đăng tải chống tham nhũng được cho là “nói xấu lãnh đạo.”

Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, người đang bị giam giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 10/2 vì bị cho là đã lập ra các tài khoản Facebook không chính danh để “nói xấu lãnh đạo”. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị quyết định tạm giữ hình sự nhà báo này trong hai tháng để điều tra hành vi mà họ cho là vi phạm điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Năm ngày trước khi bị bắt, nhà báo Bảo Thy đã bị công an Quảng Trị thẩm vấn. Với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, nhà báo 50 tuổi này đang đối diện với mức án lên tới 7 năm tù giam.

“RSF kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Phan Bùi Bảo Thy”, tổ chức bảo vệ nhà báo có trụ sở chính ở Paris nói trong một thông cáo đưa ra hôm 16/2 và cho rằng nhà báo này chỉ “hành động vì lợi ích chung” khi đăng tải các thông tin cáo buộc những lãnh đạo địa phương tham nhũng trên mạng xã hội Facebook.

 

Nhà báo Bảo Thy bị cáo buộc lập ra và điều hành một số tài khoản Facebook, bao gồm trang Quảng Trị 357, trong đó có nhiều bài viết cáo buộc các vụ tham nhũng liên quan đến Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Du lịch và Thể thao Nguyễn Văn Hùng, người từng là lãnh đạo ở Quảng Trị, và Chủ tịch tỉnh Võ Văn Hùng.

Theo truyền thông trong nước, các tài khoản Facebook mà nhà báo Bảo Thy bị cáo buộc đứng sau đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh và video có nội dung “nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự của các cá nhân, trong đó có lãnh đạo tỉnh, Bộ ngành Trung ương”. Công an Quảng Trị đã khám xét chỗ ở và nơi làm việc của nhà báo này, và thu giữ nhiều tài liệu mà họ cho là liên quan đến hành vi nói trên.

“Số phận (của ông Phan Bùi Bảo Thy) nêu bật (sự kìm hãm) đối với các nhà báo truyền thông đại chúng của Việt Nam, những người bị bức hại ngay khi họ đi chệch ra khỏi đường lối chính thống do ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản áp đặt”, Daniel Bastard, trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo, và cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã “vi phạm điều 25 trong hiến pháp của chính họ” khi làm như vậy.

Nhà báo Bảo Thy bị bắt 5 tuần sau khi một toà án ở TP.HCM tuyên án tù đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn với mức tù giam từ 11 đến 15 năm về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người được RSF trao Giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục tầm ảnh hưởng năm 2019, cũng bị bắt với các buộc tương tự hồi tháng 10 năm ngoái. Nữ nhà báo này cũng bắt đầu sự nghiệp của mình khi làm việc cho truyền thông của nhà nước trước khi chuyển sang hoạt động báo chí độc lập để có quyền tự do biên tập vốn không tồn tại trong báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam.

Việt Nam bị coi là ít có tự do báo chí khi xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của RSF.

https://youtu.be/49qoLRbGe9M

VOA (17.02.2021)

 

 

Bạn blogger Lê Anh Hùng đi thăm, nói ông bị biệt giam ở Viện Tâm thần Trung ương 1

Nhà hoạt động, Blogger Lê Anh Hùng, vào ngày 16 tháng 7 năm 2020, do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nên ông đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man, bị trói vào giường bệnh và tiêm thuốc tâm thần. FB Nguyễn Vũ Bình

Một số nhà hoạt động ở Việt Nam mới đây cho biết blogger Lê Anh Hùng đang bị biệt giam tại một bệnh viện tâm thần.

Nhà hoạt động Vũ Hùng hôm 17-2-2021 và một số người bạn đi thăm blogger Lê Anh Hùng tại Viện Tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội nhưng bị một cán bộ ở đây không cho thăm gặp. Họ được cán bộ ở đây cho biết blogger Lê Anh Hùng đang bị giữ riêng ở một nơi do dính líu tới chính trị. 

Ông Vũ Hùng vào chiều 18-2 thuật lại vụ việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

Đi đến đấy thì chúng tôi có đem một ít quà Tết và cũng lần đầu tiên Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương họ có mở cửa sau Tết, thì chúng tôi đến đấy chúng tôi yêu cầu là được gặp anh Hùng.

Thế nhưng mà ở bệnh viện có nói với chúng tôi là, trường hợp Lê Anh Hùng là trường hợp liên quan đến chính trị và không cho chúng tôi gặp. 

Họ cũng có nhắn lại với chúng tôi rằng sức khỏe (của Lê Anh Hùng) cũng được, được giam giữ trong điều kiện hết sức là nghiêm ngặt và sau đó chúng tôi có gửi quà cho Lê Anh Hùng và đi về.”

Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng vào chiều 18-2 cũng cho hay, Lê Anh Hùng vừa gọi điện thoại về nhà vào hôm qua và thông báo vẫn khỏe. 

Họ giao là chỉ có người nhà đi thăm họ mới cho gặp, nhưng mà lâu rồi cũng không được gặp. 

Nó (Lê Anh Hùng-PV) vẫn mượn được điện thoại trong phòng và gọi về cho mẹ, nói chung là nó vẫn khỏe, nó tỉnh táo bình thường, mọi thứ của nó vẫn ổn. 

Mọi bữa thì nó đánh, nó đập nhiều nhưng mà bây giờ thì nó không chống đối bằng hình thức là chịu khổ, chịu khó với lại mẹ cũng gửi tiền lên cho nó nên nó đỡ, chứ mọi bữa nó (cán bộ Viện Tâm thần) đánh nó đập kinh lắm, nó hành hạ khiếp lắm.”

Blogger Lê Anh Hùng sinh năm 1978, bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm 2018 với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’. 

Chưa đầy một năm sau đó, ông đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.

Trước khi bị bắt ông là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, đồng thời là thành viên của 2 tổ chức dân sự không được chính phủ Việt Nam công nhận là hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ.

Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Lê Anh Hùng cũng tìm cách báo tin từ bệnh viện ra ngoài cho biết, do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nên ông đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man, bị trói vào giường bệnh và tiêm thuốc tâm thần.

Hình ảnh ông bị trói cả người vào giường bệnh cũng được loan tải cùng thời điểm. 

RFA (18.02.2021)

 

 

RSF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy

Công an Quảng Trị đọc lệnh khám xét nơi ở của ông Phan Bùi Bảo Thy. (Hình: VOV)

Phóng viên tạp chí Việt Nam bị giam giữ vì “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”

Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện tạp chí quốc doanh ở tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam, người đang bị tạm giữ với cáo buộc “lạm dụng quyền tự do dân chủ” vì cáo buộc địa phương lãnh đạo tham nhũng trong những bài đăng trên Facebook. Ông ấy chỉ hành động vì lợi ích chung, RSF nói

Trưởng văn phòng đại diện tạp chí Giao Dục và Thời Đại Phan Bùi Bảo Thy đang đối mặt với mức án 7 năm tù sau khi bị chính thức cáo buộc vi phạm điều 331 của bộ luật hình sự vào ngày 10 tháng 2 , trừng phạt các nhà báo “lạm dụng quyền tự do báo chí của họ”. Trước đó ông Thy đã bị thẩm vấn vào ngày 5 tháng 2 và sau đó được thả ra. 

Ông Thy bị cáo buộc điều hành một số tài khoản Facebook, trong đó có một tài khoản có tên Quảng Trị 357, trong đó ông ấy đã đăng báo cáo về các trường hợp tham nhũng liên quan đến thứ trưởng bộ văn hóa, du lịch và thể thao, Nguyễn Văn Hùng, quê ở Quảng Trị và chủ tịch tỉnh Võ Văn Hùng. 

Theo báo chí chính phủ ông Thy sẽ bị tạm giam để thẩm vấn trong hai tháng tới. Công an đã tiến hành khám xét nhà của ông Thy, tuyên bố đã tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động phóng viên trực tuyến của ông.

 

Cái áo buộc chặt 

Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Phan Bùi Bảo Thy, ông chỉ đang cố gắng phục vụ lợi ích chung trong công việc nhà báo của mình, ”Daniel Bastard, trưởng bộ phận châu Á – Thái Bình Dương của RSF cho biết. “Số phận của ông ấy làm nổi bật chiếc áo khoác bó chặt tay các nhà báo truyền thông công cộng ở Việt Nam, những người bị đàn áp ngay khi họ đi chệch khỏi đường lối chính thức của bộ phận tuyên huấn của Đảng Cộng sản cầm quyền. Khi làm như vậy, chính quyền Việt Nam đã vi phạm điều 25 trong hiến pháp của chính họ ”. 

Ông Thy bị bắt năm tuần sau khi tòa án thành phố Hồ Chí Minh xử ba nhà báo độc lập, Phạm Chí DũngNguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mức án từ 11 đến 15 năm tùvề tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

 

Phạm Đoan Trang, một nhà báo đã được trao Giải Tự do Báo chí cho Tác động của RSF vào năm 2019, đã bị bắt cùng tội danhtháng 10 năm ngoái. Cô cũng bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình khi làm việc cho các phương tiện truyền thông chính phủ trước khi chuyển sang hoạt động báo chí độc lập để có quyền tự do biên tập vốn không tồn tại trên các phương tiện truyền thông nhà nước. RSF có đưa ra một bản kiến nghị và vận động cho trả tự do cho cô theo hashtag #FreePhamDoanTrang. 

Việt Nam xếp thứ 175/180 quốc gia trong năm 2020 của RSF Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.

Nguồn: RSF

Theo VNTB (17.02.2021) 

 

 

Lo ngại về vấn đề Nhân quyền trong Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an vừa hoàn thành và công bố dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân với mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực Nhân quyền cho rằng một số điều khoản trong bản dự thảo này trái với Hiến pháp và Công ước Quốc tế về Nhân quyền. Từ đó, Nghị định mới có thể trở thành công cụ để Chính quyền công khai khai thác dữ liệu cá nhân của người dân.

Trong phần giải thích từ ngữ, Nghị định này phân chia dữ liệu cá nhân thành 2 loại là dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm các thông tin như họ tên khai sinh, bí danh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu, giới tính; nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán; trình độ học vấn; dân tộc; quốc tịch; số điện thoại; số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; tình trạng hôn nhân; dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng…

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm các dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; tình trạng sức khỏe; di truyền; sinh trắc học; tình trạng giới tính; tài chính; vị trí địa lý thực tế của cá nhân ở quá khứ và hiện tại; các mối quan hệ xã hội dữ liệu cá nhân về đời sống, xu hướng tình dục; dữ liệu cá nhân về tội phạm, hành vi phạm tội và các dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết…

Điều 6 của Nghị định này nghiêm cấm tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác trong 2 trường hợp là “Dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm” và “Làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu”.

Hình minh hoạ. Một người dùng mạng xã hội ở Việt Nam cầm điện thoại di động cho thấy không thể kết nối với mạng xã hội Gapo của Việt Nam hôm 24/7/2019 ở Hà Nội. AFP

Tuy nhiên, cũng điều 6 quy định rằng các cơ quan, tổ chức có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể trong một số trường hợp, bao gồm cả “vì lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.

Trái với Hiến pháp và Luật Nhân quyền Quốc tế

Một thạc sỹ chuyên ngành Nhân quyền không muốn nêu tên vì lý do an toàn trả lời RFA qua email, cho biết Điều 6 của Nghị định này đi ngược lại tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013 cũng như Luật Nhân quyền Quốc tế. Bà lý giải:

“Điều 12, Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát 1948 (UDHR) quy định về quyền riêng tư như sau: Không ai phải chịu sự can thiệp tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, hay bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.

Tương tự, Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là quốc gia thành viên cũng quy định về quyền riêng tư trong Điều 17, khoản 1: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

Hay ngay chính trong Hiến Pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định rất rõ về quyền riêng tư của công dân tại Điều 21, khoản 1: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”

Căn cứ vào ba quy định trên, từ quốc tế đến trong nước, thì Điều 6 của dự thảo này là đi ngược lại tinh thần tôn trọng Quyền con người của Hiến pháp 2013 cũng như Luật Nhân quyền Quốc tế.”

Ngoài ra, bà cho rằng việc chỉ sử dụng các thuật ngữ mơ hồ và có phạm vi rộng như “an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội…” để làm điều kiện yêu cầu các bên phải tiết lộ dữ liệu cá nhân có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng luật một cách tùy tiện và lạm quyền, gây tổn hại đến quyền riêng tư của công dân.

Căn cứ vào ba quy định trên, từ quốc tế đến trong nước, thì Điều 6 của dự thảo này là đi ngược lại tinh thần tôn trọng Quyền con người của Hiến pháp 2013 cũng như Luật Nhân quyền Quốc tế. – Thạc sĩ chuyên ngành Nhân quyền

Luật Nhân quyền Quốc tế có các hướng dẫn về việc một chính phủ có thể hạn chế/ can thiệp vào một phần quyền tự do của công dân nhằm đảm bảo an toàn và lợi ích của cá nhân đó và những người xung quanh. Tuy nhiên, khi nhà nước ban hành các quy định này phải được đặt ra trong một bối cảnh cụ thể, theo đúng quy trình pháp lý, và được giải thích hợp lý trong từng trường hợp cụ thể, và chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

Người hoạt động bị lấy dữ liệu cá nhân một cách thô bạo

Ông Nguyễn Văn Tráng, một người bất đồng chính kiến hiện đang ở Thái Lan chia sẻ mối lo ngại rằng nếu Nghị định này được thông qua thì nó sẽ là công cụ để Chính quyền Việt Nam công khai lấy dữ liệu cá nhân của bất kì ai một cách hợp pháp:

“Lý do an ninh quốc gia để họ đưa ra những chế tài đối với giới hoạt động bất đồng chính kiến khá là phổ biến. Thành ra với một điều khoản như vậy trong dự thảo luật này thì tôi cũng không  ngạc nhiên là họ sẽ sử dụng điều luật này để khai thác một cách công khai dữ liệu cá chân của những người mà họ xếp vào dạng là đe doạ an ninh quốc gia.”

Hình minh hoạ. Tại một quán games ở Hà Nội hôm 4/1/2018. AFP

Theo ông Tráng, Chính quyền luôn thu thập một cách thô bạo và nhiều nhất có thể tất cả thông tin liên quan đến những người mà họ cho là có nguy hại cho “an ninh quốc gia”, bản thân ông là một ví dụ:

“Họ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu khá là đầy đủ về nơi ăn ở, thói quen cho đến những thông tin cá nhân như trường học hay những nơi tôi thường lui tới, dường như là tất cả, không gì có thể che giấu được.

Bằng chứng là khi họ làm việc với tôi, họ đưa ra một bản danh sách sao lưu tài khoản ngân hàng về các khoản giao dịch. Trong đó, họ chất vấn tôi từng giao dịch một. Thành ra tôi biết chắc chắn là họ có làm điều đó (thu thập dữ liệu cá nhân – PV), ít nhất là tài khoản ngân hàng.

Những anh em của tôi trong Hội Anh em dân chủ đều gặp phải những sự giám sát, kiểm soát y như tôi. Mặc dù ở nhiều tỉnh thành khác nhưng sự việc như vậy liên tục được lặp lại, cho nên tôi tin rằng lực lượng công an ở Việt Nam thu thập tin tức của những người bất đồng chính kiến một cách có hệ thống và có thể nói đó là một nghiệp vụ của họ.”

Một sự việc tương tự cho thấy Bộ Công an đã thu thập, theo dõi dữ liệu của người hoạt động trong nước là việc tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Thuý Hạnh với hơn 500 triệu đồng bị phong toả từ tháng 1/2020 cho đến nay. Số tiền đó là các khoản phúng viếng cụ Lê Đình Kình từ khắp nơi gởi về cho người dân làng Đồng Tâm sau vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm hôm 9/1/2020.

Sau đó, Bộ Công an chính thức ra thông báo “Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan”.

Cách nào hạn chế rò rỉ thông tin cá nhân

Với câu hỏi làm sao để tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình trước nguy cơ bị rò rỉ, lấy cắp, ông Nguyễn Văn Tráng nói rằng với những hoạt động trên mạng thì còn có thể dùng các phương pháp công nghệ để ngăn chặn rò rỉ thông tin. Nhưng ở trong một xã hội mà Chính quyền có quyền kiểm soát tất cả mọi thứ, từ mạng điện thoại, internet, tài khoản ngân hàng, mạng lưới camera… thì rất khó để thông tin cá nhân không bị lấy cắp:

“Khi mà họ làm việc thì rất là trắng trợn. Từ những thông tin và họ thu thập được một cách bất hợp tác mà họ gây áp lực cho tôi thì đầu tiên là tôi phản đối điều đó. Việc họ đưa ra dữ liệu sao lưu tài khoản ngân hàng là điều vi phạm quyền riêng tư cá nhân của tôi. Tôi phản đối và từ chối hợp tác.

Tôi sẽ không trả lời các yêu cầu đòi hỏi giải trình cũng như một số lời chất vấn mang tính thu thập tin tức. Và cái nữa là tôi học một số phương pháp mang tính công nghệ để hạn chế đến mức tối đa việc thông tin bị rò rỉ ra.”

Còn về cuộc sống ngoài xã hội thì thực sự rất là khó. Bởi vì vì lực lượng công an họ có nhiều quyền lực, họ kiểm soát toàn xã hội. Thành ra việc ngăn chặn dữ liệu bị rò rỉ là khó.”

Thạc sỹ về Nhân quyền giấu tên cũng gợi ý một số công cụ, phương pháp dành cho những nhà hoạt động để họ có thể tự bảo vệ thông tin của mình trên không gian mạng như: Luôn sử dụng riêng từng email cho việc đăng ký từng tài khoản mạng xã hội, tài khoản giải trí, mua sắm; Không dùng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản online; Dùng ứng dụng quản lý mật khẩu để tạo mật khẩu mạnh và an toàn; Dùng xác minh 2 bước cho tất cả các tài khoản online; Cố gắng sử dụng VPN khi dùng Internet nhiều nhất có thể; Luôn cẩn trọng trước các tin nhắn, email có nội dung giật gân, hay từ những liên hệ lạ để tránh bị hack và đánh cắp thông tin; Cài phần mềm diệt virus cho máy tính và điện thoại…

Với dự thảo Nghị định này, Bộ Công an tiếp tục sẽ lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày công bố là ngày 9/2/2021.

Theo RFA (16.02.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen