Seite auswählen

Đầu tháng Ba chứng kiến cuộc phỏng vấn truyền hình của cô dâu Mỹ Meghan Markle và Hoàng tử Harry. Một số điều nữ công tước Meghan nói ra được truyền thông Anh coi là những “quả bom B52” giáng xuống hoàng gia Anh.

Hai vợ chồng hoàng tử, giờ đã bị hoàng gia cho ra rìa, ám chỉ rằng có thành viên trong gia đình hoàng gia phân biệt chủng tộc khi họ thắc mắc liệu màu da của Archie, con trai của cặp vợ chồng Meghan và Harry sẽ “tối màu tới đâu”. Meghan là người thuật lại chuyện này đầu tiên trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey và Harry xác nhận anh là người trực tiếp nghe thấy điều đó.

Mặc dù vậy Harry nói anh sẽ “không bao giờ” tiết lộ nhân vật đó là ai. Điều này gây tranh cãi đối với những người cho rằng nó có thể làm cho một số người bị nghi oan. Nhưng Harry cũng nói thêm người đó không phải là Nữ hoàng hay phu quân của bà.

Có hai cách diễn giải khác nhau về tiết lộ này. Những người ủng hộ hoàng gia Anh nói rằng sự tò mò về màu da không nhất thiết là biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc. Nhưng không ít người nói rằng chỉ cần để ý tới khác biệt màu da của một đứa bé mới ra đời đã là không thể chấp nhận được.

Những thăm dò dư luận đầu tiên ở Anh cho thấy uy tín của Meghan và Harry giảm tương đối ở Anh và lần đầu tiên số người phản đối họ, 48%, nhiều hơn số người ủng hộ, 45%. Người duy nhất trong gia đình hoàng gia bị giảm uy tín sau cuộc phỏng vấn là Thái tử Charles, cha của Harry.

Harry nói vị thái tử đã không nhấc máy khi anh gọi nhiều lần hồi năm 2020, thời điểm hoàng gia quyết định không chi tiền trang trải chi phí bảo vệ an ninh cho gia đình Harry sau khi họ rời Anh tới Canada. Quyết định của hoàng gia đã khiến cặp vợ chồng Mỹ – Anh phải rời Canada tới Hoa Kỳ lập nghiệp với hy vọng kiếm đủ tiền để đảm bảo an ninh, vốn có thể tốn nhiều triệu đô la mỗi năm.

Gia đình hoàng gia ra thông cáo ngắn ngủi nói họ sẽ xem xét cáo buộc phân biệt chủng tộc trong nội bộ gia đình cho dù họ nói cách mỗi người nhớ lại về cùng một sự kiện có thể khác nhau. Hoàng tử William trong khi đó nói gia đình anh “không hề phân biệt chủng tộc”. Hoàng tử cũng nói hôm 11/3 rằng anh chưa nói chuyện với Harry từ sau khi cuộc phỏng vấn được công bố.

Một tiết lộ chấn động khác của Meghan là chuyện cô toan tự tử do bế tắc và đã không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của những người quản lý nhân sự trong hoàng gia. Trong khi hàng loạt ngôi sao của Hoa Kỳ tỏ ra thương cảm với Meghan, một người dẫn chương trình truyền hình có tiếng của Anh, Piers Morgan, tuyên bố ông không tin vào bất cứ điều gì cô Meghan nói. Tuyên bố này cùng với chuyện ông cãi cọ trong trương trình truyền hình trực tiếp của ITV với người cùng dẫn chương trình khiến hàng chục ngàn người khiếu nại. Thay vì xin lỗi công chúng theo đề nghị của những người quản lý ở ITV, Piers Morgan, người từng thay thế Larry King tại CNN trong ba năm, đã quyết định nghỉ việc.

Cặp vợ chồng Meghan và Harry, hiện đang sống tại Santa Barbara ở California, Hoa Kỳ cũng tố cáo báo chí Anh có cách tiếp cận “mù quáng” và đưa tin sai sự thật về họ. Meghan đơn cử một trường hợp trong đó phu nhân của Hoàng tử William, Kate Middleton, từng khiến cô bật khóc ngay trước đám cưới với Harry hồi năm 2018 nhưng báo chí lại vu cho cô làm cho Kate Middleton khóc. Cô Meghan rất phẫn uất vì hoàng gia đã không cho ai lên tiếng bác bỏ những tin sai trái mà báo chí đưa về cô.

Một số người ủng hộ cô dâu Mỹ thậm chí cáo buộc hoàng gia làm vậy để dư luận đỡ chú ý tới chuyện Hoàng tử Andrew, con thứ của Nữ hoàng, bị cáo buộc quan hệ tình dục với một thiếu nữ chưa tới tuổi thành niên. Thiếu nữ này có liên quan tới vụ Jeffrey Epstein, nhà tài phiệt bị cáo buộc ép hàng chục trẻ vị thành niên quan hệ tình dục với nhiều nhân vật khác nhau. Ông Epstein tự tử trong khi bị giam giữ hồi tháng Tám năm 2019 ở New York. Các nhà điều tra Hoa Kỳ hồi năm 2020 nói họ muốn phỏng vấn vị hoàng tử về mối quan hệ của ông với Jeffrey Epstein.

Một ngôi sao điện ảnh và diễn viên hài của Anh, Russell Brand, trong khi đó chú ý tới khía cạnh toàn bộ gia đình hoàng gia chỉ là những người bình thường nhưng lại có đặc ân bất thường. Họ sinh ra trong giàu có và dùng những tập tục, nghi lễ và thậm chí huyền thoại để duy trì sự tồn tại. Đối với những người không ủng hộ hoàng gia, chủ yếu là giới trẻ và hiện vẫn đang là thiểu số tại Anh, bản thân sự tồn tại của hoàng gia trong thế kỷ 21 đã là một vấn đề./.

Blog VOA

 

Chế độ quân chủ nước Anh: Nó tồn tại vì lý do gì?

 

VNC dịch từ The monarchy: so what are they for?

Khi Harry và Meghan “tấn công” „công ty“ trước 50 triệu người xem, điều này gây sự chú ý tới tương lai của hoàng gia. Nó sẽ thay đổi theo thời gian hay tàn lụi dưới thời Charles III trong tương lai?

Gia đình hoàng gia trên ban công Cung điện Buckingham ngắm dàn máy bay duyệt binh trên không kỷ niệm 100 năm Không quân Hoàng gia Anh, tháng 7 năm 2018. Ảnh: Chris Radburn / Reuters

 

Andrew Anthony

Sun 14 Mar

 

Cuộc phỏng vấn „bom tấn“ của Oprah Winfrey vào tuần trước với Công tước và Nữ công tước xứ Sussex là lần xuất hiện hoàng gia tiết lộ nhiều điều nhất kể từ cuộc phỏng vấn Panorama khét tiếng của thái tử phi Diana cách đây 25 năm. Nếu nó mang tới một sự gián đoạn đáng hoan nghênh cuộc phong tỏa covid-19 tẻ nhạt cho công chúng nói chung, nó cũng đã làm rung chuyển Cung điện Buckingham và đưa ra các vấn đề về chế độ quân chủ, có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho hoàng gia.

Đứng đầu trong số này là vấn đề cấp tiến hóa các giá trị. Ngay cả những người gièm pha liến thoắng nhất của cô cũng thừa nhận rằng Meghan Markle đã mang đến hương vị rất cần thiết của thế kỷ 21 cho nhà Windsors. Cô ấy nói về sự hòa đồng (inclusivity*) và đa dạng, mặc dù cô ấy có thể không phải là một thợ làm móng từ một khu nhà xã hội ở Bradford, nhưng cô ấy hẳn không có ngoại hình một cô gái tóc vàng sang trọng từ các hạt ở đất nước này.

Nhưng làm thế nào để một thể chế dựa vào và vận hành trên nguyên tắc cha truyền con nối, một thể chế hưởng thụ nhiều đặc quyền và giữ được khoảng cách xã hội, có thể đáp ứng các khái niệm, chứ chưa nói đến các thực hành, về tính hòa đồng và đa dạng?

Công tước và Nữ công tước xứ Sussex trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Oprah Winfrey. Ảnh: Joe Pugliese / AP

 

Đây là câu hỏi, mà tất cả những ai kêu gọi cải cách nó, phải đối mặt. Câu trả lời là, trong thời đại của chúng ta về vấn đề cải tiến cảm nhận của công chúng, dường như không ai thực sự mong đợi chế độ quân chủ sẽ bình đẳng hơn. Họ chỉ muốn nó trông như vậy. Meghan thích hợp với vai trò này. Là một nữ diễn viên Hollywood hai chủng tộc, cô ấy tượng trưng cho một cái gì đó mới mẻ và ít được đại diện, và gia đình hoàng gia trước hết và trên hết là một thực thể mang tính biểu tượng.

Sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa gia đình Sussexes và “công ty” có thể liên quan nhiều hơn đến oán ghét cá nhân và sự xung đột của các nền văn hóa – câu nệ của giới hoàng gia đối nghịch với người nổi tiếng muốn gìn giữ biểu tượng, đạo đức đội nhóm cứng nhắc chống lại chủ nghĩa cá nhân gây chú ý – hơn là sự khác biệt về hệ tư tưởng. Tuy nhiên, nó đã giáng một đòn mạnh vào nhà Windsors mà sự hấp dẫn đối với giới trẻ vốn đã hạn chế.

Nhà phê bình văn học Leo Robson cho là: “Nếu bạn nghĩ về việc này từ góc độ của thế hệ trẻ, thì người mà họ có cảm tình, người mà họ cho rằng có cùng những ý tưởng như của chính họ là Meghan Markle. Và cô ấy bị đày ải khỏi hoàng gia và bây giờ về cơ bản là kẻ thù số một. “

Chế độ quân chủ hoạt động như một loại tiểu thuyết – điều kiêu ngạo là theo một cách nào đó, một gia đình duy nhất đại diện cho một quốc gia bằng cách đứng trên nó – trong chừng mực nó yêu cầu chúng ta ngừng hoài nghi. Vì vậy, thật hợp lý khi muốn biết ý kiến của nhà phê bình tiểu thuyết chính của  tờ báo New Statesman. Robson, 35 tuổi bác bỏ ý tưởng về sự phân chia thế hệ rõ ràng, lưu ý sự khác biệt về người thế hệ thiên niên kỷ yêu thích , “chỉ có một thành viên yêu quý của hoàng gia và bà ấy đã 94 tuổi”.

Robson nhấn mạnh sự kiện là cả Meghan và Harry đều cẩn thận loại trừ Nữ hoàng khỏi bất kỳ gợi ý nào về hành vi sai trái, ít phân biệt chủng tộc hơn nhiều, khi họ cùng lên án những quy định hoàng gia. Nữ hoàng hiện đã trị vì 69 năm, lâu hơn bất kỳ vị vua nào khác trong lịch sử nước Anh. Và bà ấy được cho là nổi tiếng hơn bao giờ hết, liên tục tước bỏ vũ khí của những nhà phê bình có tư tưởng cộng hòa nhất. Một cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy 2/3 người Anh muốn duy trì hoàng gia.

Có lẽ sức mạnh lớn nhất của Nữ hoàng là cảm giác bền vững mà bà ấy mang lại cho công việc, thích ứng vừa đủ để có vẻ như không thay đổi. Bà ấy có thể vượt thời gian; tuy nhiên bà ấy không bất tử. Vì vậy, bất kỳ sự bất bình nào về thể chế mà bà đứng đầu nhất định sẽ nổi lên khi bà qua đời.

Nhà sử học Estelle Paranque từ Đại học Nhân văn New College cho biết: “Chế độ quân chủ sẽ phải tự đổi mới theo một cách nào đó. “Đó là thách thức lớn nhất của họ. Nếu họ không làm như vậy, nó sẽ dẫn đến sự kết thúc của chế độ quân chủ vì mọi người sẽ chỉ tôn trọng các thể chế mang tính hòa đồng ”.

Nữ hoàng Elizabeth II: “Chỉ có một thành viên yêu quý của hoàng gia và bà ấy đã 94 tuổi”. Ảnh: Toby Melville / Reuters

 

Không thể tránh khỏi, bất kỳ mối đe dọa nào sẽ xảy ra với người kế vị của bà, con trai cả của bà, Charles. Giờ đây, 72 tuổi, ông đã là Hoàng tử xứ Wales trong hơn 50 năm, một người đã phải chờ đợi rất lâu. Thật không may, sự chờ đợi đã không khiến ông ta được thần dân tương lai của mình yêu mến. Một sự pha trộn kỳ lạ giữa thói quen được nuông chiều và niềm tin thời đại mới, ông ấy chưa bao giờ chiếm được tâm trí tưởng tượng của công chúng. Từ cuộc hôn nhân tồi tệ, khá cay đắng của ông với Diana Spencer cho đến sự can thiệp vụng về của ông trong cuộc tranh luận trước công chúng, ông thường trông không thoải mái trong vai trò của mình: trách nhiệm lớn hơn khả năng, tư cách tầm thường.

Một cuộc khảo sát gần đây của YouGov cho thấy rằng nhiều người Anh muốn con trai của Charles kế vị Nữ hoàng hơn là muốn chính Charles đóng vai trò này – Thiếu niềm tin của công chúng, rõ ràng rõ rệt hơn ở những người trẻ tuổi. Chứng nhận về thời  trẻ tuổi của Hoàng tử xứ Wales bị giáng một đòn mạnh hơn khi con trai Harry của ông tố ông ta không nhận cú gọi của hắn – kiểu thất bại của cha mẹ ngày nay được coi là vi phạm nhân quyền hơn là một hành động bực tức vì mệt mỏi.

Trong mọi trường hợp, không rõ làm thế nào một người đàn ông được cho là đã cho ủi dây giày và cho người phục vụ bóp nặn kem đánh răng của mình, một người đi du lịch luôn mang theo bồn cầu riêng và là người đòi hỏi phép tắc, có thể hy vọng hiện đại hóa một thể chế mà ông ta theo nhiều cách khác nhau thể hiện sự lỗi thời.

Người viết tiểu sử hoàng gia Robert Lacey lập luận rằng công việc của quốc vương là đại diện cho các giá trị chung và ông tin rằng Nữ hoàng đã đi trước thời đại trong việc bênh vực sự bình đẳng và đa dạng xung quanh Khối thịnh vượng chung. Ông ấy cũng nghĩ rằng Charles cũng sẽ làm như vậy.

“Đó không phải là uy tín trước công chúng của ông ấy,” ông thừa nhận, “nhưng tôi nghĩ điều đó không công bằng với Charles vì ông ấy đại diện cho tất cả những điều đúng đắn – những điều thuộc cánh tả và cấp tiến.”

 

* Inclusivity: the quality of trying to include many different types of people and treat them all fairly and equally (cambridge dictionary)

 

Cuộc phỏng vấn Meghan-Harry : Một màn kịch tái dàn dựng ?

 

Cuộc trả lời phỏng vấn của Meghan và Harry dành cho ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey đã làm rúng động hoàng gia Anh.
Cuộc trả lời phỏng vấn của Meghan và Harry dành cho ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey đã làm rúng động hoàng gia Anh. VIA REUTERS – HARPO 
Minh Anh

Phải chăng lịch sử đang lặp lại ? Cuộc trả lời phỏng vấn mà Meghan Markle và hoàng tử Harry dành cho Oprah Winfrey khơi lại những vết thương cũ : Bi kịch với công nương Diana trong những năm 1990, hay như cuộc khủng hoảng vương triều năm 1936 khi quân vương Edouard VIII thoái vị vì tình.

Hoàng gia Anh một lần nữa trong cơn lốc xoáy. Đôi vợ chồng trẻ cáo buộc hoàng gia kỳ thị sắc tộc và thiếu sự cảm thông. Đâu là những hệ quả cho hoàng gia Anh ?

Trên đài Franceinfo, sử gia Philippe Chassaigne, chuyên gia về lịch sử Vương Quốc Anh đương đại, trường đại học Bordeaux – Montaigne lần lượt phân tích những tiết lộ chấn động từ đôi vợ chồng trẻ đối với hoàng gia Anh. RFI Tiếng Việt xin trích dịch giới thiệu.

**********

Franceinfo : Cuộc phỏng vấn của Meghan và Harry làm nhiều nhà quan sát nhớ lại cuộc trả lời của công nương Diana năm 1995 sau khi ly dị với hoàng tử Charles. Sự so sánh này theo ông không biết là có chính xác ?

Philippe Chassaigne : Cuộc phỏng vấn mà Meghan và Harry dành cho Oprah Winfrey cho thấy rõ Meghan là một diễn viên rất tài tình. Theo tôi, cô ấy đã xem rất kỹ cuộc phỏng vấn của công nương Diana năm 1995 dành cho Martin Bashir và đã dùng chúng như là một dạng bản sao.

Có nhiều yếu tố đáng để so sánh. Giống như công nương Diana, cô ấy nói rằng nhiều lần nghĩ đến tự tử. Giống như Diana, cô ấy nói không được hoàng gia ủng hộ hay cảm thông. Người ta có cảm giác như là một bản sao được cập nhật với khía cạnh phân biệt chủng tộc theo đó, một số người trong hoàng tộc dường như đã tự hỏi về mầu da khi Archie mới được sinh ra. Cũng giống như Diana, đó là những điều được nêu ra một cách khơi khơi.

Chúng ta không biết thành viên nào trong hoàng gia dường như đã có những cảm xúc lá mặt lá trái này. Chúng ta chỉ biết là không phải nữ hoàng. Về cái vị thế nạn nhân của Meghan, đây chắc chắn là một sự sao chép từ cuộc phỏng vấn của Diana năm 1995.

Hẳn ông không tin vào sự thành thật của Meghan và Harry ?

Bao giờ cũng có một phần dàn dựng trong kiểu phỏng vấn này. Nếu như năm 1995, sự việc đã được thực hiện một cách kín đáo bao nhiêu khi nhóm quay phim của BBC đã bí mật lẻn vào điện Kensington, thì ngược lại, cuộc phỏng vấn lần này lại được thông báo rộng rãi bấy nhiêu.

Ở đây, đôi vợ chồng trẻ được phỏng vấn bởi Oprah Winfrey, một người bạn thân của họ. Nói gì thì nói, họ cũng trong một lĩnh vực « giữa mình với nhau », nếu không muốn nói là có một sự thông đồng. Thế nên, chúng ta khó có thể tìm thấy có một sự tự nhiên 100% trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ở tầm cỡ này cả. Không, không thể có được.

Liệu những cáo buộc phân biệt chủng tộc này có thể làm sứt mẻ đến hình ảnh của hoàng gia ?

Nếu nữ hoàng không muốn Harry kết hôn với Meghan, bà có lẽ đã bác rồi. Kể từ đạo luật năm 1772 liên quan đến các cuộc hôn nhân hoàng tộc, mọi sự hôn phối đều phải có sự chấp thuận của quốc vương. Khi nữ hoàng Elizabeth II phải cho ý kiến về cuộc hôn nhân của Meghan và Harry, bà thừa biết Meghan Markle có dòng máu lai nhưng với bà điều đó không quan trọng.

Ở đây có một trò đánh đố nhỏ. Công tước xứ York, Andrew không thuộc những người cấp tiến nhưng điều này ít được công khai nhắc đến nếu so với công nương Anne, người thông thường ăn nói không kiêng nể. Nhưng những quan điểm cực kỳ bảo thủ của bà về một số chủ đề cũng không ngăn cản bà ấy ly dị và tái hôn. Vậy liệu có phải là bà ấy không ? Chưa ai biết cả. Do vậy, lời cáo buộc nữ hoàng kỳ thị sắc tộc là không thể tin được.

Meghan và Harry còn khẳng định rằng điện Buckingham từ chối cho bảo vệ đứa trẻ và nhiều thành viên trong hoàng gia cho rằng Archie sẽ không được phong tước, dù rằng đây là truyền thống. Một lần nữa, lời cáo buộc này liệu có nguy cơ gây xáo trộn hoàng gia ?

Ở đây, hoặc là có sự thiếu hiểu biết, hoặc là có ý đồ xấu xa. Quy định phong tước hoàng tử đã được vua George V ấn định năm 1917, vào lúc ông quyết định thay đổi tên chính thức của hoàng gia từ Saxe-Cobourg và Gotha thành Windsor, đồng thời soạn lại các danh hiệu quý tộc Anh nhằm loại trừ mọi tầm ảnh hưởng của Đức (trong bối cảnh tâm trạng bài Đức lên cao tại Vương Quốc Anh do cuộc Đệ Nhất Thế Chiến).

Trước đây, việc phong danh hiệu hoàng tử, công chúa được dựa theo các quy định của quý tộc Đức. Họ phong tước đông đảo đến mức điều đó mang lại cảm giác bị mất giá trị. Thế nên, trong các ngự chỉ năm 1917, nhằm mục đích làm cho việc phong tước hoàng tử và công chúa trở nên hiếm hơn, George V quyết định rằng các danh hiệu hoàng tử chỉ được trao cho các con và cháu của người trị vì.

Có một ngoại lệ đã được áp dụng cho cháu đích tôn của hoàng tử xứ Wales (cháu trai đầu lòng của con trai cả), trong trường hợp này là hoàng tử George, con trai đầu lòng của William và là cháu nội đầu lòng của thái tử Charles. Nữ hoàng Elizabeth II còn phong tước quý tộc cho Charlotte và Louis, hai đứa con khác của William và Kate, bởi vì những đứa trẻ này nằm trong trình tự nối ngôi trực tiếp. Thế nên, Archie – con trai của Meghan và Harry – chỉ được phong tước hoàng tử khi nào thái tử Charles lên ngôi kế vị nữ hoàng Elizabeth II.

Cứ cho là Meghan không ý thức được những sự tinh tế đó, tại sao không. Nhưng Harry tại sao lại không giải thích, điều này thật sự gây ngạc nhiên. Trừ phi là anh ta cũng không quan tâm những khía cạnh đó đến mức cũng không đào sâu kỹ vấn đề này… Nhưng với công chúng nói chung, sự cáo buộc này rất dễ chấp nhận. Đây chính là kiểu lập luận mà ai nghe cũng thuận tai mà không thấy có vấn đề gì. Và có lẽ cần phải giảng giải nhiều thì người dân Anh mới hiểu được điều này.

Đôi vợ chồng còn giải thích về việc phải sống kín đáo và rời đất nước sang Hoa Kỳ là do thiếu sự ủng hộ của hoàng gia, thêm vào đó là những áp lực truyền thông không thể nào chịu nổi. Liệu mối quan hệ giữa cặp Meghan-Harry với giới truyền thông có giống như những gì mà công nương Diana từng trải qua ?

Sự việc được nêu ra theo hướng như vậy. Khi hoàng tử Harry nói là anh ta từng muốn ra đi để tránh tái diễn những gì từng xảy ra với mẹ anh, bị các những tay thợ săn ảnh truy đuổi và chết vì điều đó, nhưng Harry đã quên mất một nửa câu chuyện. Diana biết cách sử dụng một cách hoàn hảo báo chí lá cải. Bà ấy cần họ trong cuộc chiến mà bà ấy tiến hành để chống lại thái tử Charles.

Những tấm ảnh chụp hồi mùa hè năm 1997, khi Diana trên chiếc du thuyền của Dodo Al-Fayed, trên thực tế được chụp khá gần. Vào thời điểm đó, các ống kính tiêu cự dài chưa mạnh như bây giờ để mà cho phép các tay chuyên săn ảnh ẩn núp có thể chụp những tấm ảnh rõ nét đến như thế. Giờ người ta đã biết rõ điều đó. Người ta còn có những tấm ảnh cho thấy công nương trên một xuồng máy thảo luận với các tay săn ảnh.

Về phần Meghan, sự việc khác hẳn. Cô ấy đúng là nạn nhân của những lời đả kích từ giới truyền thông, và trong một số bài viết, ít nhiều gì cũng có chút xu hướng kỳ thị sắc tộc vì cô ấy có máu lai. Khi còn là thành viên hoàng tộc, Meghan sử dụng các phương tiện truyền thông kém thành thạo hơn so với công nương Diana.

Theo ý ông, cuộc phỏng vấn này sẽ gây tổn hại cho ai nhiều nhất ? Cho hoàng gia hay là cho Meghan – Harry ?

Khi mà Harry và Meghan quyết định trở thành những người thứ cấp trong « hoàng gia », thoái lui các hoạt động mang tính đại diện, và khi, hoàng gia, để đáp trả, đã quyết định gạt họ sang một bên, người ta đã rút ra những điểm tương đồng giữa Meghan-Harry và đôi vợ chồng công tước xứ Windsor, là Edouard VIII và Wallis Simpson. Tuy nhiên, lý do loại trừ là không giống nhau. Lần này, không có chuyện thoái vị vì tình. Nhưng Harry và Meghan đang đi theo cùng một quỹ đạo với Edouard VIII và Wallis Simpson.

Hoàng tử Harry phàn nàn rằng cha của anh, thái tử Charles, không còn nghe điện thoại của anh nữa. George VI cũng đã quá ngán ngẩm khi anh trai Edouard VIII gọi ông liên tục để xin tiền và nữ công tước phải có được danh hiệu công chúa, và vì thế đã ra lệnh không chuyển máy cho ông những cuộc gọi từ người anh.

Tương tự, mối quan hệ giữa hai anh em hoàng tử không mấy gì tốt đẹp, nhất là khi Harry nói rằng cha và anh trai của anh là tù nhân của một định chế mà họ không thể nào tự giải thoát, trong khi mà anh đã chọn cho mình con đường tự do. Ở đây,người ta lại thấy có một cuộc tranh luận : Liệu Edouard VIII nên đặt nghĩa vụ của mình đối với vương quốc và đế chế của mình lên hàng đầu hay là tình yêu của ông dành cho Wallis Simpson ?

Nếu chúng ta muốn có những so sánh hơi vội vàng thì Harry đang ở vị thế của Edouard VIII và William thì trong vai của George VI, cụ cố của anh, với một điểm khác biệt duy nhất là Harry ở vị thế ngày càng xa trong trình tự nối ngôi. Điều đó cho thấy là đòi hỏi tự do này ít gây tổn thương cho hoàng gia hơn là quyết định của vua Edouard VIII hồi năm 1936.

Đôi vợ chồng công tước xứ Windsor trải qua những ngày cuối đời nhàn nhã giữa rừng Boulogne, Côte d’Azur của Pháp và Hoa Kỳ. Còn Harry và Meghan thì định cư tại bờ tây nước Mỹ. Họ có một chuỗi các dự án từ thiện, truyền thông và nghệ thuật, khác với vợ chồng công tước xứ Windsor.

Vì cuộc sống lưu vong hoàng kim đó của Edouard VIII đã không làm tổn hại đến vương triều Anh, thì tôi không chắc rằng cặp đôi Harry Meghan hiện nay gây sứt mẻ nhiều hơn cho hoàng gia. Cho dù công tước xứ Windsor, cho đến lúc qua đời năm 1972, vẫn được người dân Anh Quốc mến mộ, ông ấy chưa bao giờ được xem như là người có thể trông cậy, thay thế khi cần cho George VI hay Elizabeth II. Và tôi chẳng thấy có lý do gì mà Harry không duy trì được một chút thiện cảm nào đó./.

 

Vì sao phe Bảo thủ tại Mỹ lại đứng về phía Hoàng gia Anh?

Translated from Politico’s article Why Are American Conservatives Siding With the Royal Family?

 

Những trở ngại của Harry và Meghan chính là bài trắc nghiệm Rorschach cho thấy bạn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của chủ nghĩa tự do hay bảo thủ.

By Joanna Weiss, on 02-03-2021

Những trở ngại của Harry và Meghan chính là bài trắc nghiệm Rorschach cho thấy bạn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của chủ nghĩa tự do hay bảo thủ.
Khi Meghan và Harry trải lòng về bi kịch hoàng gia với Oprah Winfrey đêm Chủ nhật vừa rồi – từ những bình luận ẩn ý về chủng tộc, thái độ lạnh lùng của người cha, tới những chú gà cứu hộ – một hiện tượng kỳ lạ đã xuất hiện trên Twitter của tôi: mọi thứ chia thành hai, theo khuynh hướng chính trị một cách rõ rệt. Phe Tự do đều ủng hộ Công tước và Công nương xứ Sussex; nhiều người khen ngợi Meghan Markle vì sự thành thật của cô về những vấn đề tâm lý, cùng Winfrey phẫn nộ trước sự độc ác của cánh báo chí Anh, và tuyên bố rằng hai người phụ nữ da màu đã một tay đánh đổ một thể chế lâu đời.
Nhưng phe Bảo thủ rõ ràng không hề tồn tại sự cảm thông – thậm chí còn có đôi chút lo lắng dành cho áp lực mà các thành viên đáng thương của Hoàng gia đang hứng chịu. “Quá nhiều lời phàn nàn dành cho một tuần căng thẳng và những chiếc váy xúng xính,” biên tập viên Dana Perino của Fox News viết, kèm theo những lời như “cô ta trả lời như thể mình chẳng biết trước chuyện gì sẽ tới” và “tôi thấy tệ thay cho Nữ hoàng.”
Thoạt tiên, sự tương phản này thật bất ngờ. Nếu có một điểm chung giữa những người công dân của một nước từng là thuộc địa của Anh Quốc – một mưu cầu tối thượng của cả hai phía – thì đó là mong muốn được vùi dập chế độ quân chủ. Chẳng phải đây là nguyên do dẫn tới cuộc chiến giành độc lập hay sao?

Nhưng thật ra có một lý do chính đáng tại sao việc mâu thuẫn trong hoàng gia Anh lại gây ra sự chia rẽ giữa hai xu hướng chính trị ở quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương. Những quan điểm trái ngược về Meghan và Harry phản chiếu hai thế giới quan khác nhau đã tồn tại từ lâu: giữa cánh tả, chú trọng vào sự thay đổi mang tính hệ thống, và cánh hữu, nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân.

Với phe Tự do, Meghan Markle là nạn nhân của một vấn đề to lớn hơn nhiều. Cuộc hôn nhân của cô và Hoàng tử Harry diễn ra có thể với sự thiếu hiểu biết về cách thức hoàng gia hoạt động – vì thật khó để nhìn ra thực tế phũ phàng đằng sau câu chuyện cổ tích lãng mạn, hay vì bên thông gia ngay từ đầu luôn mang vẻ thân thiện – hoặc một niềm hi vọng rằng thể chế cổ xưa này đã sẵn sàng cho một sự thay đổi thực sự mà cô đại diện. Thảm họa xảy tới, theo cách nhìn này, là lỗi của Vương thất – và những kẻ nắm chuôi cứng nhắc mà Markle gọi là “Tập đoàn” (the Firm). Chế độ quân chủ chưa bao giờ sẵn sàng để thay đổi. Một cá nhân như Markle, lý tưởng và đầy thiện chí, nào có thể khuất phục được thế lực kiên cố đó.

Trước tiên, cô là người ngoài, một công dân Mỹ ngây thơ bước vào một hệ thống phức tạp và cực kỳ phân tầng, không hay biết lý do mình cần phải cúi chào Nữ hoàng, nếu không phải vì ánh mắt soi mói của công chúng, chứ chưa nói tới biết cách cúi chào như thế nào cho đúng. Thêm nữa cô còn là một phụ nữ da màu, có lẽ là người đầu tiên được giới thiệu vào gia đình Windsors. (Dù phim nhiều tập Bridgerton của Netflix đã khơi gợi giả thiết rằng Hoàng phi Charlotte, vợ của Vua George III, có dòng máu Châu Phi.) Đôi mắt của Oprah tưởng như sắp rớt ra khi Markle tiết lộ rằng một vài thành viên giấu tên trong hoàng tộc đã băn khoăn về màu da của con trai họ. Thực tế cũng không khác xa: nhiều người Mỹ da trắng vẫn phải rùng mình trước sự kỳ thị vô thức của họ hàng, hay lôi kéo một người chú bác ngoan cố tiếp nhận luồng tư tưởng mới.

Nhưng nhiều người Mỹ bảo thủ lại nghĩ khác: Meghan đáng ra phải biết đích xác mình đang dấn thân vào điều gì – và, thật lòng thì, nên biết ơn vì những đặc quyền to lớn mà mình được ban cho. Tuyên bố của cô rằng mình không hề biết gì về hoàn cảnh của Harry trước khi bắt đầu mối quan hệ không có tính xác thực: Ai lại không điều tra đối phương thật kĩ trên Google trước khi nhận lời tới buổi hẹn đầu tiên hay thứ hai chứ? Những than thở của cặp đôi Sussexes về tài chính – việc Hoàng gia từ chối chi trả cho chi phí bảo vệ bé Archie – có vẻ thiếu tế nhị, nhất là từ những người sống trong cung điện và luôn xuất hiện trong trang phục dạ hội được thiết kế riêng. Kể cả việc họ đang sống trong biệt thự tại Los Angeles của Tyler Perry, hành động mà cánh tả coi là sự giải cứu của một người bạn da màu, đối với cách hữu đây cũng chỉ là một ví dụ về văn hóa bốc đồng của những người nổi tiếng. Làm sao những nhân vật này – hoàng gia Hollywood và hoàng gia theo nghĩa đen lại có thể mù mờ trước sự tệ hại của chế độ quân chủ cơ chứ?

Trong thực tế, cả Harry và Meghan chưa chắc đã nhẫn tâm như những lời công kích, nhưng cũng không cao thượng ngây thơ như cách họ miêu tả về mình khi phỏng vấn với Oprah. Cuộc sống của họ tại Anh Quốc đúng là khá khổ sở, giống như tất cả những người khác trong hoàng tộc; giới báo chí lá cải Anh giống hệt những tên săn ảnh Hollywood, luôn trong trạng thái kích động. Nhưng cặp đôi này cũng khá khôn khéo, hay gian xảo, trên con đường thoái lui của mình, và luôn có sự tính toán chiến lược trong việc sử dụng sự nổi tiếng của mình để kinh doanh. Khi mới thông báo việc sẽ rời khỏi hoàng gia, những ngày trước đại dịch trong tháng Một năm 2020, họ đã đăng kí bản quyền cho thương hiệu “Hoàng gia Sussex” để in trên sách và quần áo. (Họ đã bị buộc phải bỏ tên này, và đã lập một doanh nghiệp mới, Archewell). Mặc dù Markle đã so sánh trải nghiệm của bản thân với tất cả mọi người sống trong cảnh giãn cách xã hội thời đại dịch, hầu hết chúng ta đều chưa được ẩn náu trong những biệt thự chín phòng ngủ và mười sáu phòng tắm.

Nhưng những góc độ trái chiều về Meghan và Harry giúp chúng ta lý giải được tại sao nền chính trị của chúng ta lại có sự chia rẽ sâu sắc như vậy, cũng như vì sao rất nhiều người – trước, trong và sau thời kì của Trump – lại bất đồng ý kiến như vậy. Ta có thể quan sát sự căng thẳng trong sự chia rẽ bộ máy đối đầu với cá thể trong các tranh luận về nhập cư: Phe Tự do thấy đó là những gia đình chạy trốn khỏi tình cảnh thực sự khốn cùng, thường là do những chính sách kinh tế và chính trị mà Hoa Kỳ cổ súy hay thậm chí tạo ra. Phe Bảo thủ xem đây là một chuỗi lựa chọn do cá nhân đưa ra và thay đổi theo tình hình hiện tại: Nếu bạn không muốn bị chia cắt với con cái của mình ở biên giới nước Mỹ thì từ đầu hãy đừng đưa chúng vào theo con đường bất hợp pháp. Cuộc tranh luận tương tự cũng xuất hiện trong những chính sách về giáo dục – liệu chúng ta nên đầu tư để nâng cấp hệ thống giáo dục công hay cung cấp nguồn tiền cho các gia đình để họ tự lựa chọn hình thức giáo dục tốt nhất? Đây chính là tiền đề cho mọi tranh luận liên quan tới tư pháp hình sự, chính sách phúc lợi và hàng loạt những vấn đề khác.

Đây đúng là một động thái chính trị Mỹ điển hình, theo Dannagal Young, một giáo sư tại University of Delaware đã viết về sự khác nhau giữa góc nhìn của cánh tả và cánh hữu trong truyền thông và văn hóa trong cuốn sách Irony and Outrage. “Vì họ muốn giữ nguyên hiện trạng, trật tự xã hội, chính trị và văn hóa vốn có” cô viết trong email gửi cho tôi, “khi kết quả không tốt phe bảo thủ sẽ thường dồn trách nhiệm cho cá nhân thay vì quy kết cho hệ thống.” Nhưng phe Tự do, cô đánh giá, “ít gắn bó với các tryền thống, chuẩn mực xã hội và văn hóa.” Vậy nên họ sẽ ủng hộ những thay đổi mang tính vĩ mô hơn, phá vỡ toàn bộ hệ thống, “để bớt số lượng cá nhân gặp phải những rủi ro đó.”

Hầu hết những vấn đề mà người Mỹ tranh luận đều lớn lao hơn nhiều so với cuộc sống đầm ấm của một cặp vợ chồng nổi tiếng. Kể cả ở phân đoạn xúc động nhất trong cuộc đối thoại với Oprah – khi Meghan kể lại việc chia sẻ những suy nghĩ về việc tự tử, rồi tham dự một sự kiện tại Royal Albert Hall như không có chuyện gì xảy ra – gợi lên một nghịch cảnh tinh tế trong cuộc sống hoàng gia của Meghan và Harry. (Ít nhất một người trên giao diện Twitter của tôi thắc mắc vì sao, với khối tài sản khổng lồ, họ lại không thể lấy một chiếc xe sang trọng và lái tới văn phòng của một bác sĩ tâm lý.) Giờ đây, khi họ khoe chiếc chuồng gà tự đóng và quay cảnh cả gia đình thả bộ dọc bờ biển – Meghan trong chiếc váy hiệu Armani giá $4700 – nhu cầu cần nhận được sự cảm thông dường như đã giảm xuống mức thấp không tưởng tượng được . Sức mạnh của sự nổi tiếng xem ra là một mạng lưới an sinh tuyệt vời.

Và kể cả vậy, những cạm bậy vượt bậc ngoài sức tưởng tượng trong câu chuyện của Meghan và Harry, với nhiều thăng trầm bất thường, chính là thứ khiến cho câu chuyện của họ cuốn hút, bất kể bạn đứng về phe nào. Nhiều người Mỹ đã tự hỏi, qua nhiều năm, vì sao chúng ta lại quan tâm tới tình hình bên kia bờ Đại Tây Dương như vậy. Câu trả lời của tôi luôn là vì hoàng gia là phép ẩn dụ – cho những căng thẳng bất đồng trong gia đình, những tranh cãi và khát khao lãng mạn, truyền thống đối đầu với hiện đại. Oprah cho chúng ta thấy rằng họ cũng là ẩn dụ cho chính trị nữa./.

 

Người dịch: Phuong Dang

Biên tập: Le Tran

The Interpreter

 

So sánh hai cuộc phỏng vấn ‘bom tấn’ của Meghan và Diana

 

 9/3/2021

Một phần tư thế kỷ sau khi Công nương Diana phá vỡ im lặng về cuộc sống hoàng gia Anh, Meghan, con dâu của bà cũng làm điều tương tự.

Trong đám tang Diana năm 1997, người ta bị ám ảnh bởi cảnh hai con trai nhỏ của bà là Hoàng tử William và Harry bước chậm sau quan tài mẹ trên đường đến Tu viện Westminster. Hai tay chắp phía trước, đầu cúi gằm. Harry trông thật nhỏ bé trong bộ tang phục.

Hình ảnh đó gây ám ảnh suốt nhiều năm như một lời nhắc nhở đau lòng về tuổi thơ của hai hoàng tử. Nó lại xuất hiện lần nữa khi Harry và vợ, Meghan, trả lời phỏng vấn Oprah Winfrey trong chương trình phát sóng tối 7/3.

Hoàng tử Harry (thứ hai từ phải sang), 12 tuổi,  trong đám tang của mẹ năm 1997. Ảnh: Reuters

Hoàng tử Harry (thứ hai từ phải sang), 12 tuổi, trong đám tang của mẹ năm 1997. Ảnh: Reuters

Trong khi các tờ báo lá cải của Anh thích chọn Meghan vào vai phản diện giống Nữ bá tước xứ Windsor, người phụ nữ Mỹ hai đời chồng bị gắn mác “dụ dỗ” vua Edward VIII của Anh từ bỏ ngai vàng năm 1936 để tới Mỹ sống và gây ra rạn nứt không thể hàn gắn với gia đình, thì Harry và Megan dường như quyết tâm định vị cô giống như một Diana khác, người phụ nữ bị chồng phản bội và đáng thương hơn đáng tội.

Harry thường nhắc tới mẹ với tâm trạng đau khổ và cay đắng, khi nói tới những gì đã xảy ra với Diana suốt những năm bà phải rời khỏi hoàng gia sau khi ly hôn với Thái tử Charles và chết trong vụ lật xe ở Paris vì paparazi truy đuổi. Hoàng tử nhắc lại chủ đề này trong buổi phỏng vấn, vẽ ra điểm tương đồng giữa trải nghiệm của vợ và mẹ, nói rằng anh “cảm nhận được bà hiện diện suốt quá trình này”.

Câu chuyện như một vở kịch của Shakespear, đem lại cảm giác lịch sử lặp lại thông qua cấu trúc bất biến về dòng dõi hoàng gia và các quy tắc cổ xưa, khi một hoàng tử nói về thoát khỏi khuôn mẫu cũ và tìm con đường mới.

Harry đưa ra bằng chứng so sánh rõ ràng khi nhắc tới “làn sóng dồn dập” chỉ trích và tấn công phân biệt chủng tộc với vợ mình.

“Những gì tôi chứng kiến là lịch sử đang lặp lại”, anh nói, dù mô tả cách Meghan bị đối xử “nguy hiểm hơn” do truyền thông xã hội ngày nay phổ biến hơn.

Meghan cũng nói về cuộc đấu tranh nội tâm khi làm nàng dâu hoàng gia, về sự cô đơn, lạnh nhạt và ý nghĩ tự tử, gợi nhớ tới chứng cuồng ăn và trầm cảm mà Diana mắc phải khi chật vật trong đời sống hôn nhân. Cả hai người phục nữ đều nói họ đã tuyệt vọng mong hoàng gia giúp đỡ nhưng đều bị phớt lờ và từ chối.

“Khi tôi nói về lịch sử lặp lại, nghĩa là tôi đang nói về mẹ mình”, Harry bày tỏ. “Khi nhìn thấy chuyện xảy ra theo đúng cách cũ, ai cũng sẽ xin giúp đỡ”.

Nhưng cũng giống như với Diana, khi Meghan cầu xin giúp đỡ, Harry nói, không ai hành động. Thay vào đó, gia đình gạt đi và bảo cô hãy cúi đầu xuống.

“Đó là cách giải quyết vấn đề. Đó chính là cách giải quyết vấn đề”, Harry lặp lại.

Buổi phỏng vấn củ vợ chồng hoàng tử Harry với Oprah Winfrey phát sóng trên CBS hôm 7/3. Ảnh: Reuters

Buổi phỏng vấn củ vợ chồng hoàng tử Harry với Oprah Winfrey phát sóng trên CBS hôm 7/3. Ảnh: Reuters

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Meghan và Diana. Giống Diana, Meghan kết hôn với một gia đình không thấu hiểu cô và cho rằng cô sẽ phải tuân thủ mọi nghi lễ và truyền thống của hoàng gia mà không phàn nàn.

Giống Diana, khi Meghan tỏ ra không thể hoặc không muốn làm theo truyền thống, thì Cung điện đã không làm gì để xóa đi những lời chỉ trích của công chúng rằng cô là người đòi hỏi, nhỏ nhen. Cũng giống Diana, Meghan cảm thấy bị báo lá cải săn đuổi, những tờ báo buộc tội cô thích chơi trội trong lúc vui vẻ dàn kín mặt trang những câu chuyện về Meghan.

Nhưng Meghan khác Diana ở chỗ, ngoài chuyện Diana là người da trắng còn Meghan là con lai da màu, thì thực tế là hôn nhân của Diana đã đổ vỡ, còn hôn nhân của Meghan lại bền chặt và được Harry bảo vệ.

Diana mới 20 tuổi, còn ngây thơ và sống trong vòng bao bọc khi kết hôn với Charles. Còn Meghan đã 36 tuổi, là diễn viên, từng ly hôn và tự kiếm sống suốt nhiều năm trước khi cưới Harry.

Một điều khác biệt nữa về Meghan là cô mang quốc tịch Mỹ, sinh ra ở Mỹ và có sự nhạy cảm của người Mỹ. Còn Diana xuất thân trong một nền văn hóa thận trọng, đề cao tính trầm lặng. Meghan đến từ một nơi mà yêu cầu giúp đỡ là chuyện bình thường, một nơi cởi mở khi thảo luận về cảm xúc và gợi ý cách giải quyết tốt hơn, mới hơn.

Bóng dáng Diana gợi lên suốt màn phỏng vấn từ chiếc lắc tay kim cương mà Meghan đeo, cho tới chính cuộc phỏng vấn. Với tư cách là một nàng dâu hoàng gia, Meghan đã ra quyết định táo bạo khi công khai chỉ trích gia đình chồng trong một chương trình truyền hình, gợi nhớ tới cuộc phỏng vấn đặc biệt năm 1995 của Diana với BBC. Trong đó, bà tiết lộ hôn nhân bị hủy hoại bởi “có ba người bên trong”, gồm bản thân, Charles và Camilla Parker Bowles, người tình lâu năm của Thái tử và sau này thành vợ ông.

Công nương Diana trả lời phỏng vấn BBC về cuộc sống hoàng gia (trái) năm 1995. Con dâu bà, Meghan, trả lời phỏng vấn tương tự với đài CBS hôm 7/3. Ảnh: BBC/Reuters

Công nương Diana trả lời phỏng vấn BBC về cuộc sống hoàng gia (trái) năm 1995. Con dâu bà, Meghan, trả lời phỏng vấn tương tự với đài CBS hôm 7/3. Ảnh: BBC/Reuters

Meghan không nói nhiều tới Diana mà chính Harry mới là người nhắc nhiều tới mẹ trong buổi phỏng vấn. Anh tin rằng Diana sẽ giận dữ và đau buồn khi nhìn thấy cách hai con bị đối xử. Harry tin rằng mẹ sẽ ủng hộ hai vợ chồng anh rời nước Anh và tìm kiếm một cuộc sống mới đối lập với hoàng gia.

“Bà đã hỏi mẹ tôi sẽ nghĩ gì về điều này, tôi nghĩ rằng bà ấy nhìn thấy trước chuyện này rồi sẽ đến”, Harry trả lời Oprah. “Nhưng xét cho cùng, tất cả những gì bà muốn là chúng tôi sống hạnh phúc”.

Với Harry, một yếu tố nữa khiến anh quyết định ra đi là bố, người đã gây ra đau khổ cho mẹ anh. Charles thừa hiểu nỗi bất hạnh của việc làm dâu hoàng gia. Nhưng bây giờ, Harry và bố mâu thuẫn vì Meghan và có thời điểm, Charles từ chối nghe điện thoại của con trai.

“Có rất nhiều việc đã xảy ra”, Harry nói. “Tôi thực sự thất vọng vì ông từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Ông hiểu nỗi đau đớn ấy mà Archie lại là cháu nội ông. Tất nhiên là tôi luôn yêu bố. Nhưng đã có quá nhiều tổn thương xảy ra”.

Cuối buổi phỏng vấn, Harry nói về con trai Archie và cuộc sống mới ở California. Trong một phút bần thần, anh dường như nhớ lại cảm giác mất mẹ năm 12 tuổi.

“Tôi cảm thấy thật mới mẻ khi đặt con ngồi lên ghế sau xe đạp và đạp xe đưa con đi khắp nơi”, Harry nói. “Đó là điều mà tôi không thể có được khi còn nhỏ”.

Hồng Hạnh (Theo New York Times)

VnExpress

 

Cuộc phỏng vấn ‘sốc’ của Harry – Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng?

 

09/03/2021

TTO – Trong cuộc phỏng vấn hơn 17 triệu người xem trên Đài CBS, Meghan nói về cuộc sống trong nhung lụa nhưng lắm nỗi buồn của cô, gồm cáo buộc chuyện phân biệt chủng tộc, còn hoàng tử Harry có quan hệ rạn nứt với người nhà.

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 1.
Nhiều tờ báo Anh đưa tin về cuộc phỏng vấn “bom tấn” của cặp Harry – Meghan – Ảnh: The Tribune-Democrat

 

Cuộc phỏng vấn kéo dài 2 tiếng đồng hồ của nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey với hoàng tử Harry và nữ công tước Xứ Sussex Meghan được Đài CNN ngày 8-3 ví như một “cơn địa chấn văn hóa”. Cuộc phỏng vấn được phát trên Đài CBS của Mỹ vào chủ nhật 7-3 (giờ địa phương).

Theo Hãng tin AP, cuộc phỏng vấn chứa nhiều tiết lộ và cáo buộc khiến Hoàng gia Anh “choáng váng”.

Báo New York Times đánh giá cuộc phỏng vấn này đã gây “chia rẽ” nước Anh, với nhiều tờ báo lớn tung ra những bài bình luận chua cay. Trên mạng xã hội, một số người lên án sự không trung thành của cặp đôi với gia đình, trong khi nhiều người khác bênh vực họ.

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 2.

Harry và Meghan trong lễ đính hôn

Sau đây là 5 nội dung đáng chú ý từ cuộc phỏng vấn “bom tấn” này:

1. Meghan cho biết cô đối diện với sự phân biệt chủng tộc

Meghan cho biết trước khi cô và hoàng tử Harry có với nhau bé trai Archie, đã xuất hiện nhiều “quan ngại và cuộc trò chuyện” giữa Harry cùng gia đình về việc “làn da của cậu bé có thể sẽ đen ra sao khi chào đời”.

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 3.

Vợ chồng hoàng tử Harry và công nương Meghan – Ảnh: REUTERS

Hoàng tử Harry xác nhận đã có một cuộc nói chuyện về việc “những đứa bé sẽ trông ra sao”. Harry cho biết anh sẽ không bao giờ tiết lộ ai tham gia cuộc trò chuyện. Nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey cho biết Harry đã nói với bà rằng đó không phải là Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip.

Nữ công tước Xứ Sussex Meghan cũng nói rằng cô bị truyền thông Anh đối xử khác biệt so với Catherine, vợ hoàng tử William.

2. Meghan tiết lộ từng nghĩ tới chuyện tự tử

Meghan tâm sự rằng sự cô lập và không hạnh phúc của cô bên trong Hoàng gia Anh đã lớn tới mức “tôi từng không muốn sống nữa”.

“Đó là một ý nghĩ rất rõ ràng, có thật, kinh khủng và liên tục” – Meghan, cựu diễn viên 39 tuổi, chia sẻ.

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 4.

Harry và Meghan trong cuộc phỏng vấn phát trên Đài CBS – Ảnh: CBS

3. Hoàng tử Harry nói anh bị “mắc kẹt”

Hoàng tử Harry cho biết thông qua mối quan hệ với Meghan, anh đã nhận ra rằng anh cùng những người thân trong Hoàng gia Anh đều bị “mắc kẹt” bên trong một hệ thống ngột ngạt.

“Tôi bị mắc kẹt mà không biết là mình bị mắc kẹt. Cha tôi và anh trai tôi cũng bị mắc kẹt như vậy. Nhưng họ không rời đi” – Harry nói.

Anh nói rằng giữa các thành viên trong hoàng tộc và truyền thông Anh có một mối quan hệ “độc hại”. Hoàng gia Anh thường e ngại về việc báo chí “công kích họ”.

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 5.

Khoảnh khắc được gọi là nụ hôn hoàng gia của hoàng tử Harry và vợ

4. Mối quan hệ rạn nứt giữa Harry với cha và anh

Harry đã tiết lộ sự “sứt mẻ” trong mối quan hệ của anh với cha, thái tử Charles, người sẽ trở thành người kế vị của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Còn hoàng tử William đang đứng thứ 2 trong danh sách những người kế vị.

Công tước Xứ Sussex cho biết có lúc thái tử Charles dừng nhận cuộc gọi của anh và vẫn còn nhiều thứ cần giải quyết trong mối quan hệ của họ.

“Tôi sẽ luôn thương yêu ông ấy. Đã có nhiều tổn thương xảy ra và tôi sẽ tiếp tục cố gắng vá lành mối quan hệ đó, xem đây là một trong những ưu tiên của tôi” – Harry tâm sư.

Còn về người anh, Harry cho biết anh và hoàng tử William “đã trải qua địa ngục cùng nhau, có trải nghiệm chung, nhưng chúng tôi đã đi trên những con đường khác nhau”.

5. Harry và Meghan có 2 hôn lễ

Hôn lễ tại lâu đài Windsor hồi tháng 5-2018 của cặp đôi này đã được hàng triệu người khắp thế giới theo dõi. Nhưng Meghan tiết lộ cô và hoàng tử Harry đã trao lời thề hẹn riêng tư trước đó 3 ngày, với sự có mặt của tổng giám mục Justin Welby ở Canterbury.

“Chúng tôi gọi điện cho tổng giám mục và nói rằng sự kiện hoành tráng kia là dành cho thế giới, nhưng chúng tôi muốn hôn lễ này chỉ dành cho hai chúng tôi” – Meghan nói.

Nữ công tước Xứ Sussex cũng tiết lộ rằng con thứ hai của họ – dự kiến chào đời vào mùa hè năm nay – sẽ là một bé gái. Bé trai Archie của họ sinh hồi tháng 5-2019.

 

Cuộc phỏng vấn sốc của Harry - Meghan: Tại sao Hoàng gia Anh choáng váng? - Ảnh 7.

Cặp đôi Harry – Meghan xuất hiện trong cuộc phỏng vấn cùng Oprah Winfrey – Ảnh: REUTERS

Những con số biết nói

– Cuộc phỏng vấn dài 2 giờ.

– Dữ liệu từ Nielsen cho thấy khoảng 17,1 triệu người đã xem cuộc phỏng vấn Harry – Meghan trên Đài CBS hôm 7-3, theo kênh CNBC.

– Theo báo Wall Street Journal, Đài CBS đã trả tiền bản quyền “7 – 9 triệu USD” để phát sóng cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey.

– Đài BBC cho biết hơn 17 nước đã ký các thỏa thuận mua lại bản quyền chiếu cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey với cặp Harry – Meghan. Đài ITV (Anh) trả 1 triệu bảng Anh (1,4 triệu USD) để phát sóng cuộc phỏng vấn này.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen