Seite auswählen

Thiện Lê/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – Cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp Hoa Kỳ phải trải qua 46 năm đầy khó khăn để gầy dựng cuộc sống tại một đất nước mới, và đạt được nhiều thành tựu. Để nhìn lại hành trình của cộng đồng gốc Việt, tổ chức Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt (VVA) mời nhiều đại diện của cộng đồng phát biểu dự cuộc hội thảo trực tuyến qua Zoom hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Năm.

 

 

 

 

 

 Poster của buổi hội thảo. (Hình: Voice of Vietnamese Americans)

Nhờ nghị quyết của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) và Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh (Cộng Hòa-Louisiana), Quốc Hội Hoa Kỳ công nhận ngày 2 Tháng Năm là “Ngày Người Việt Tị Nạn.” Chính vì vậy, VVA tổ chức buổi hội thảo vào ngày đầy ý nghĩa với cộng đồng gốc Việt.

Cả hai thế hệ sau đó sẽ cùng nhau đưa ra những giải pháp để giúp cộng đồng dùng những kinh nghiệm trong quá khứ để thăng tiến trong tương lai, và tìm cách hỗ trợ thế hệ trẻ trong giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình.

Mở đầu cuộc hội thảo là Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) với đôi lời về cộng đồng gốc Việt ở Virginia và khắp Hoa Kỳ.

 

 

 

 

 

 TNS Tim Kaine phát biểu tại buổi hội thảo. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

“Người Mỹ gốc Việt là một phần vô giá của tiểu bang Virginia và Hoa Kỳ. Quý vị là chủ doanh nghiệp, là nhân viên ‘tuyến đầu’ ở Arlington, là nhân viên xã hội và lãnh đạo cộng đồng ở Richmond, là cựu quân nhân và giáo viên ở Hampton Roads. Quý vị làm mọi nơi của tiểu bang Virginia tốt đẹp hơn,” Thượng Nghị Sĩ Kaine nói.

Ông còn cho biết sẽ luôn ủng hộ các cộng đồng gốc Á trong thời gian đầy nguy hiểm này vì tình trạng thù ghét người gốc Á đang gia tăng.

Cuối cùng, ông cám ơn cộng đồng gốc Việt đã góp phần lớn cho sự đa văn hóa của tiểu bang Virginia sau 240 năm, và cho rằng đó là một trong những ưu điểm của tiểu bang này.

“Tôi thành thật cám ơn những việc làm của quý vị, và đã cho tôi cơ hội được trò chuyện với mọi người hôm nay. Tôi chúc quý vị nhiều năm thành đạt, có nhiều tiềm năng để cùng nhau xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn,” ông nói.

Diễn giả đầu tiên của buổi hội thảo Dân Biểu Liên Bang Stephanie Murphy (Dân Chủ-Florida). Bà là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử dân biểu liên bang vào năm 2016.

 

 

 

Bà Genie Giao Nguyễn, tổng giám đốc của Voice of Vietnamese Americans. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Dân Biểu Murphy phát biểu: “Tôi rất cảm kích vì hôm nay có nhiều người tham dự buổi hội thảo để nhìn lại lịch sử của cộng đồng gốc Việt hôm nay. Gia đình tôi chạy khỏi Việt Nam khi tôi còn rất nhỏ, và chiếc thuyền lênh đênh giữa biển. Chúng tôi may mắn được Hải Quân Hoa Kỳ giải cứu và được tị nạn ở Mỹ.”

Bà cho hay cha mẹ mình và nhiều người tị nạn cùng thế hệ không biết tiếng Anh, nhưng bà may mắn học Anh ngữ trong trường. Nhờ sự nuôi nấng của cha mẹ và các cơ hội của xứ sở tự do Hoa Kỳ, bà trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử dân biểu liên bang.

Tuy cộng đồng gốc Việt tìm được may mắn ở Hoa Kỳ, họ phải vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng kỳ thị người gốc Á gia tăng trong năm 2020 và năm 2021. Vì vậy, bà cho rằng các dân cử phải có biện pháp bảo vệ cộng đồng gốc Á.

Một trong những biện pháp đó là dự luật chống thù ghét người gốc Á, mới được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua. Dân Biểu Stephanie Murphy cho biết bà sẽ ủng hộ dự luật này, và sẽ tìm cách kêu gọi Hạ Viện thông qua.

Sau Dân Biểu Murphy là nhóm dân cử gốc Việt ở nhiều tiểu bang trình bày suy nghĩ và những nỗ lực của họ để giúp đỡ đồng hương khắp nước Mỹ.

Người đầu tiên là ông Dean Trần, cựu thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts. Ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang đưa ra nhiều đạo luật có ảnh hưởng không hay đối với cộng đồng gốc Á và người gốc Việt.

 

 

 

Từ trái, Dân Biểu Stephanie Murphy, Dân Biểu Trâm Nguyễn, Dân Biểu Bee Nguyễn, và Dân Biểu Kathy Trần. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Một trong những đạo luật đó có “hệ thống chỉ tiêu” của các đại học, giới hạn số sinh viên gốc Á được nhận vào, làm nhiều người mất cơ hội, và gây nhiều trở ngại cho người gốc Việt.

Theo ông, người Việt Nam bỏ quê nhà để tìm đến Hoa Kỳ, để có được tự do, bình đẳng và cơ hội, nên phải đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi đó tại quê nhà thứ hai là nước Mỹ.

Một dân cử khác của tiểu bang Massachusetts là Dân Biểu Trâm Nguyễn, đắc cử vào Tháng Mười Một, 2018.

Bà cho biết mục đích theo đuổi chính trị là để kêu gọi cải tiến giáo dục cùng nhiều chính sách giúp đỡ cộng đồng gốc Việt.

Không chỉ vậy, bà còn nói bà muốn thành một tấm gương cho nhiều người trẻ tuổi gốc Á để họ có dũng khí vào chính trường.

Một nữ dân cử gốc Việt khác tham dự buổi hội thảo là Dân Biểu Bee Nguyễn của tiểu bang Georgia, đắc cử năm 2017.

Bà kể lại nhiều khó khăn trong lần đầu tranh cử, ví dụ như tiểu bang Georgia không có nhiều người gốc Á, nên không có nhiều người ủng hộ bà. Sau đó, nhóm vận động của bà phải đi gõ cửa 35,700 căn nhà để trò chuyện với cử tri, và đó là một nỗ lực giúp bà đắc cử.

Theo bà, tiểu bang Georgia chưa có những đạo luật để người gốc Việt và gốc Á có thể dễ dàng bỏ phiếu, nên bà muốn tìm cách giúp đỡ các cộng đồng đó.

Tuy đang lái xe, nhưng Dân Biểu Kathy Trần của tiểu bang Virginia rất sốt sắng tham dự buổi hội thảo của VVA để chia sẻ những thành tựu đã đạt được.

 

 

Từ trái, cô Cookie Dương, anh Long Nguyễn, và cô Crysta Trần. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà cho biết rất vui mừng vì đã giúp tiểu bang mở rộng các dịch vụ bảo hiểm y tế, nhất là trong đại dịch COVID-19 này.

Ngoài ra, bà còn chia sẻ một mục tiêu là có tiếng Việt trong các dịch vụ của tiểu bang.

“Nhiều người gọi điện thoại sẽ nghe ‘Bấm số 1 cho tiếng Anh, số 2 cho tiếng Tây Ban Nha, và số 3 cho ngôn ngữ khác,’ nhưng khi bấm số 3 thì bị cúp máy. Tôi muốn các dịch vụ của tiểu bang có thêm tiếng Việt,” vị dân biểu nói.

Nhiều người gốc Việt trẻ tuổi cũng tham gia buổi hội thảo của VVA để chia sẻ cảm nghĩ về lịch sử của cộng đồng trong 46 năm vừa qua, và nói lên những nỗ lực để hàn gắn cộng đồng, cũng như giúp thế hệ sau thăng tiến.

Những người đó gồm có cô Cookie Dương, sáng lập viên của trang web Người Thông Dịch (The Interpreter), chuyên dịch tin tức tiếng Anh từ các nguồn đáng tin cậy qua tiếng Việt; anh Long Nguyễn, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Trung Đại Tây Dương (MAUVSA) năm 2006 đến 2007; và cô Crysta Trần, cựu chủ tịch MAUVSA năm 2016 đến 2017.

Anh Long và cô Crysta chia sẻ nhiều khó khăn để gầy dựng được MAUVSA trong nhiều năm, và cho biết sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ các sinh viên gốc Việt.

Cô Cookie cho biết trang web Người Thông Dịch có mục đích giúp đồng hương vượt qua rào cản ngôn ngữ, và điều đó sẽ giúp thế hệ lớn tuổi với thế hệ trẻ có những cuộc đối thoại tích cực.

 

Từ trái, cựu Thượng Nghị Sĩ Dean Trần, Luật Sư Steven Điểu, ông Công Xuân Tùng, và ông Vinh Nguyễn. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo cô, trang web này được thành lập vào Tháng Sáu, 2020, trong lúc cao trào nhất của phong trào biểu tình “Black Lives Matter.” Lúc đó, cô nói chuyện với cha mình về các cuộc biểu tình đó, nhưng gặp trở ngại về ngôn ngữ nên không thể trình bày rõ các suy nghĩ cho ông nghe.

Vì vậy, cô nghĩ “nếu không thuyết phục được cha mình, tôi sẽ thuyết phục người khác,” và cô sáng lập trang web Người Thông Dịch với nhóm thông dịch viên hoàn toàn tự nguyện để đưa tiếng nói của người trẻ tuổi đến với thế hệ cha chú.

Các diễn giả trẻ tuổi đều cho rằng chính trị gây chia rẽ trong các gia đình gốc Việt, và thế hệ trẻ không được phản bác quan điểm của cha mẹ vì truyền thống “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.”

Sau đó, các diễn giả thuộc thế hệ trước chia sẻ cảm nghĩ của mình về tình hình chính trị trong cộng đồng gốc Việt, và các nỗ lực của thế hệ trẻ.

Nhóm diễn giả này gồm có ông Vũ Bão Kỳ, đại cử tri của tiểu bang Georgia; Luật Sư Steven Điểu, chủ tịch Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt Houston và Vùng Phụ Cận; ông Công Xuân Tùng, tổng giám đốc Congero Technology Group; ông Thọ Võ, kỹ sư âm thanh; ông Vinh Nguyễn, chủ tịch West Gate Realty Group; ông Trần Quốc Sĩ; và Tiến Sĩ Nguyễn Quỳnh Tài.

 

 

 

 

 

 

Từ trái, ông Trần Quốc Sĩ, ông Vũ Bão Kỳ, và Tiến Sĩ Nguyễn Quỳnh Tài. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Ai trong nhóm diễn giả này cũng công nhận cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ có sự chia rẽ vì quan điểm chính trị, và còn cho rằng nhiều người quá mù quáng trong quan điểm của họ vì chỉ bỏ phiếu theo đảng, không cần biết đảng đó có các dự luật và các chính sách mới ra sao.

Không chỉ vậy, họ còn nhấn mạnh đây là Hoa Kỳ, nên thế hệ trẻ có quyền mạnh dạn nói lên quan điểm với cha mẹ, và suy nghĩ “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” đã lỗi thời.

Cuối cùng, bà Genie Giao Nguyễn, tổng giám đốc VVA và điều hợp viên buổi hội thảo, cho biết bà rất cảm kích vì có nhiều diễn giả thuộc hai thế hệ tham dự, và hy vọng cả hai thế hệ sẽ tiếp tục cố gắng để hàn gắn cộng đồng, cũng như giúp đỡ nhau trong nhiều năm tới.

Bà Genie cũng hy vọng lịch sử của cộng đồng trong 46 năm vừa qua là một bài học bổ ích cho những thế hệ mai sau./.

 

Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt


Chủ tịch Sharon Bulova và các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, 6/8/2011

Ngày 6 tháng 8 vừa qua, Hội “Tiếng nói của Người Mỹ gốc Việt” đã tổ chức “Ngày Tiếng nói Người Mỹ gốc Á châu” trình bày về các vấn đề thiết thực, cộng đồng thiểu số vùng Washington D.C, Virginia và Maryland thường quan tâm, tại Trung tâm Hành chánh Quận Fairfax, Virginia. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị tổ chức bất vụ lợi “Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt” qua phần trao đổi với cô Ngọc Giao, Chủ tịch tổ chức này.

Được thành lập vào đầu năm 2009, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt là một tổ chức bất vụ lợi với chủ trương giúp tăng sức mạnh của người Mỹ gốc Việt bằng cách khuyến khích thi hành nghĩa vụ công dân như ghi danh cử tri và đi bầu các chức vụ dân cử tại địa phương, tiểu bang và liên bang, xây dựng cộng đồng và phát triển tiềm năng của người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra Tiếng nói người Mỹ gốc Việt còn nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền, dân quyền, tự do, dân chủ, và công bằng xã hội.

Cô Genie Ngọc Giao Nguyễn, Chủ tịch của Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nói về nguyên nhân thành lập hội:

“Tôi và một số bạn trẻ, đa số là những thanh niên, sinh viên và những chuyên gia trẻ nhìn thấy rằng người Việt Nam chúng ta chưa có tiếng nói thực sự trong giòng chính, trong mạch sống chính của Hoa Kỳ. Khi đi nói chuyện với những cơ quan dân cử, những người dân cử hay là những cơ quan của chính phủ chúng ta thấy rằng người Việt Nam mình chưa có tiếng nói mạnh mẽ cũng như chưa có được đại diện mạnh mẽ và chúng ta có nhu cầu đó để giúp mở con đường cho giới trẻ đi sau có thể thăng tiến hơn, vào trong những lãnh vực của Hoa Kỳ, để giúp cho tiếng nói người Mỹ gốc Việt mạnh mẽ hơn và bảo đảm quyền lợi của chúng ta tại đây cũng như tại quê nhà.”

Tuy mới được thành lập gần 3 năm nay nhưng Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã tích cực hoạt động trong nhiều lãnh vực có liên hệ đến cộng đồng người Việt tị nạn trong vùng. Từ năm 2009, khi mới thành lập, Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã phối hợp với một số tổ chức và hội đoàn của người Việt tị nạn… thực hiện chương trình có tên “Hành trình tìm tự do: Hồi tưởng câu chuyện thuyền nhân” (Journey to Freedom: The Boat People Restropective) tổ chức vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Cô Ngọc Giao cho biết:

“Chúng tôi đã ngay lập tức vào tháng 5 năm 2009, vận động được 3 nghị quyết tại Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ và tại tiểu bang Virginia. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Tại Hạ viện, dân biểu Cao Quang Ánh đã đưa ra nghị quyết công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Mỹ. Và tại Virginia, dân biểu Bob Hull cũng đã công nhận tháng 5 là ngày của thuyền nhân Việt Nam. Ngay lập tức, vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 chúng tôi đã mang vào trong Quốc hội Hoa Kỳ thế đứng của người Việt tại Mỹ. Đó là thế đứng của những người đi tìm tự do và sẽ tranh đấu cho tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền.”

Vào năm 2010 Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã đóng góp vào việc kiểm tra dân số trên toàn nước Mỹ. Đến năm 2011, hội góp phần vào việc giúp tái phân phối các địa hạt bầu cử tại Virginia. Cô Ngọc Giao nói:

“Chúng tôi lên tiếng và có mặt tại các buổi điều trần tại Virginia để người ta biết tiếng nói của khối người Mỹ gốc Việt tại đây từ trước tới giờ hay bị lãng quên. Con số người Mỹ gốc Á châu tăng lên 68%, tức là trong những cuộc bầu cử từ bây giờ về sau, tiếng nói người Mỹ gốc Á châu rất là quan trọng. Nhất là năm 2011 tại Virginia có cuộc bầu cử tất cả các ghế. Người ta nói là các cuộc bầu cử năm nay sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cuộc bầu cử năm 2012 và nếu chúng ta biết rõ vị trí của Hoa Kỳ trên trường thế giới thì những người đại diện của chúng ta tại mọi tầng lớp ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự an nguy và thể chế chính trị tại Việt Nam. ”

Khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng người Việt Nam trong vùng đi bầu là nỗ lực không ngừng của hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt. Bất cứ lúc nào thuận tiện hội đều tổ chức những bàn ghi danh cử tri tại các dạ tiệc dạ vũ, tại các buổi hội thảo của cộng đồng hay tại các chùa hay nhà thờ. Cô Ngọc Giao nói về hoạt động này trong những ngày vừa qua.

“Liên tiếp trong nhiều tuần qua, chúng tôi có đi đến chùa Hoa Nghiêm, chùa Vạn Hạnh, nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, ghi danh cho các vị đồng hương nào mới có quốc tịch mà chưa có ghi danh cử tri hoặc là đã có thẻ cử tri rồi nhưng muốn đi bầu khiếm diện.”

Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt tổ chức “Ngày tiếng nói của người Mỹ gốc Á châu Virginia” tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, với sự tham dự của các hội đoàn người Mỹ gốc Á châu và sự hiện diện của các viên chức chính quyền địa phương, tiểu bang và trung ương để giải thích hoặc thảo luận về một số vấn đề bao gồm quốc tịch, y tế, việc làm, an ninh địa phương, an ninh toàn cầu trong đó có vấn đề biển Đông và bảo vệ môi trường với những vấn đề liên quan đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cô Ngọc Giao nói:

“Hôm đó có bà quận trưởng Sharon Bulova quận Fairfax, cũng như nhiều nghị sĩ và dân biểu của bang Virginia đến lắng nghe trình bày của nhiều hội đoàn người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương trong đó có văn phòng thương mại của người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương. Mục đích của chúng tôi là để các giới chức chính quyền Mỹ thấy người Mỹ gốc Việt chúng ta sinh hoạt với rất nhiều hội đoàn khác và chúng ta sẵn sàng đóng góp trở lại cho xã hội này. Có một điểm đặc biệt là chúng tôi có đưa ra một lập trường chung của cộng đồng người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương do anh Takahiro Nakamura người Mỹ gốc Nhật đệ trình.”

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, hàng năm hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đều có trao một học bổng về lãnh đạo chỉ huy cho những bạn trẻ có khả năng trong lãnh vực này. Cô Ngọc Giao giải thích:

“Mỗi năm tôi có trao một học bổng nhỏ cho các em tập sự đi tham dự một khóa 3 ngày gọi là ‘khóa huấn luyện những người lãnh đạo trẻ’. Khóa 3 ngày đó cho họ những căn bản về lãnh đạo nhưng đồng thời mang họ tiếp xúc với chính quyền địa phương, Quốc hội Mỹ và có năm vào Tòa Bạch Ốc để nghe thuyết trình nữa.”

Để phổ biến chủ trương của Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, hàng tuần vào ngày thứ Hai từ 4 đến 5 giờ chiều hội có một chương trình phát thanh trên đài Việt Nam Hải ngoại và vào lúc 9 giờ tối ngày thứ Tư, hội cũng có một giờ phát thanh trên đài Việt Nam Washington D.C. Cô Ngọc Giao nói về nội dung của hai chương trình phát thanh này.

“Mỗi giờ phát thanh, chúng tôi chia làm hai phần, nửa phần đầu nói về tin tức, chú trọng đến những tin tức xảy ra ở Quốc hội, ở mức lập pháp và hành pháp tại liên bang và tiểu bang. Còn nửa tiếng sau là phỏng vấn. Trong phỏng vấn, chúng tôi phỏng vấn rất nhiều người, kể cả những người làm nails. Lúc trước chúng tôi có phỏng vấn cô Tiến sĩ Thu Quách, chuyên nghiên cứu những độc hại trong ngành nails. Cuộc phỏng vấn rất cảm động vì mẹ cô Thu Quách làm nghề nails và nuôi cô học lấy bằng Tiến sĩ và mẹ cô bị chết vì ung thư. Do đó cô Thu Quách tìm hiểu và đang viết về những chất độc trong ngành nails.”

Qua kinh nghiệm của việc tổ chức những diễn đàn, những buổi hội thảo trong những năm qua, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nhận thấy cần thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của cộng đồng Việt Nam thuộc mọi tầng lớp, tuổi tác và tôn giáo vào các hoạt động dân sự để tiếng nói của người Việt tại Washington D.C và vùng phụ cận không thua kém những cộng đồng thiểu số khác./.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen