Seite auswählen
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ © gettyimage

Đại dịch Covid-19 – khiến nhân loại điêu đứng từ hơn một năm nay và chưa biết đến khi nào thực sự kết thúc – có phần che lấp một hiểm họa nhãn tiền còn đáng sợ hơn gấp bội phần : Biến đổi khí hậu.

Một dự thảo báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC) vừa được AFP tiết lộ hôm qua, 23/06/2021, chỉ ra viễn cảnh đen tối với nhân loại ngay trong những thập niên tới, nếu để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5°C đến 2°C. RFI tổng hợp báo chí Pháp về chủ đề này và trình bày dưới dạng hỏi đáp.

***

1/ Điểm gì đặc biệt đáng chú ý trong dự thảo báo cáo của GIEC vừa được AFP tiết lộ ?

Báo cáo lần thứ 6 của Nhóm chuyên gia về khí hậu của LHQ, dài khoảng 4.000 trang, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2/2022. Theo một số trích đoạn của dự thảo tóm tắt 137 trang, mà AFP có được, GIEC sẽ đưa ra các nhận định có tính báo động khẩn cấp hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều so với bản báo cáo lần thứ 5 (năm 2014). Năm 2014 tức một năm trước khi cộng đồng quốc tế đạt được đồng thuận về mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với “thời tiền công nghiệp”, tại Thượng đỉnh Khí hậu Paris COP 21.

Vào thời điểm đó, mục tiêu của thế giới là cam kết giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, và nếu có thể không được tăng quá 1,5°C. Kể từ giờ, theo dự thảo báo cáo của GIEC, chỉ để nhiệt độ tăng quá 1,5°C cũng đã dẫn đến những “hậu quả nghiêm trọng, trong nhiều thế kỷ và đôi khi không đảo ngược được”.  Cùng lúc đó, nếu nhiệt độ tăng quá 2°C, hàng loạt hậu quả đe dọa sự sống còn của nhân loại, không thể vãn hồi.

Nước biển dâng cao, hạn hán, nóng cực độ là các hệ quả thấy rõ. Nếu quá 2°C, băng ở vùng Groenland Bắc Cực và vùng miền tây Nam Cực sẽ tan chảy, không thể cứu vãn : lượng băng ở các khu vực này có thể khiến mực nước biển dâng cao đến 13 mét.

Nước biển dâng cao, nguồn nước ngọt trên đất liền cạn kiệt. Khoảng gần 75% dự trữ nước ngầm, nguồn nước của 2,5 tỉ dân cư trên hành tinh, bị khí hậu hâm nóng đe dọa nghiêm trọng. Chỉ cần nhiệt độ tăng từ 1,5°C đến 2°C, chưa nói đến hơn 2°C, sẽ có thêm 1,7 tỉ người phải sống thường xuyên trong cảnh nóng bức cùng cực (chưa kể đến các đợt nóng chết người diễn ra dồn dập, với nạn nhân là khoảng nửa tỉ dân cư trên hành tinh).

Nhiệt độ nóng hơn, đi liền với độ ẩm cao hơn, đe dọa mạng sống con người. Theo các nhà khoa học, nếu độ ẩm vượt quá 35 độ TW, tức vượt quá độ ẩm của cơ thể con người, thì mồ hôi không cho phép giúp hạ được nhiệt lượng bên trong. Nóng bức và độ ẩm không khí ở mức này nếu kéo dài sẽ vượt quá giới hạn sinh học chịu đựng được của con người. Các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, vịnh Persic, vịnh Mêhicô, hay nhiều vùng tại châu Phi là những khu vực bị đe dọa hàng đầu. Chỉ riêng nhiệt độ cao và mức độ ẩm tương đối cao, dù dưới xa so với mức 35 độ TW này, đã là nguyên nhân khiến hơn 50.000 người chết tại xứ châu Âu ôn đới, vào mùa hè năm 2003.

Nhiệt độ tăng cao hơn 2°C khiến băng giá bao phủ khoảng 15% vùng đất thường gọi là “đóng băng vĩnh cửu”, ở gần Bắc Cực, tan chảy, khiến khí methane trong lòng đất thoát ra ngoài, làm Trái đất vốn đã nóng lại càng tiếp tục nóng lên nhanh chóng hơn, nhiều loài vi sinh vật nguy hiểm trong lòng đất cũng nhân cơ hội này thoát ra ngoài. Methane là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều lần so với CO2 (nhiều nhà khoa học gọi đây là “những quả bom nổ chậm” trên Trái đất). Theo một kịch bản tồi tệ hơn, rừng Amazon (thường được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh”) có thể biến thành đồng cỏ.

Chưa kể các hiện tượng khí hậu bất thường khác như bão lũ gia tăng, chỉ riêng khô hạn đi liền với sản xuất lương thực sụt giảm về số lượng và chất lượng, khiến thêm hàng trăm triệu người lâm vào cảnh đói ăn, suy dinh dưỡng. Thiếu lương thực, thiếu nước, thiếu chỗ ở để chống chọi với khí hậu nóng bức cực độ, nhân loại sẽ lâm nguy. Cư dân các nước nghèo, và đang phát triển sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất. AFP dẫn lại một nghiên cứu về cư dân thu nhập thấp ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam, cho thấy trong những giai đoạn nóng tương đối nghiêm trọng hiện nay, tỉ lệ tử vong không giảm bớt tại các gia đình dù được trang bị điều hòa nhiệt độ. Nhiều người thậm chí không có khả năng trả được tiền điện cho máy điều hòa.

Tóm lại, theo dự thảo báo cáo GIEC, “sự sống trên Trái đất thì có thể phục hồi sau một biến đổi khí hậu lớn, với việc hướng tới sự hình thành các giống loài mới và tạo ra các hệ sinh thái mới”, nhưng “nhân loại thì không thể”. Nạn nhân trước hết và chủ yếu của những biến đổi khủng khiếp này là thế hệ ra đời đầu thiên niên kỷ 21.

2 / Truyền thông tại Pháp phản ứng ra sao trước việc một số nội dung của bản dự thảo của GIEC được tiết lộ ?

Có ít nhất hai luồng phản ứng. Báo chí Pháp trích lại nhiều nội dung của bản dự thảo báo cáo  vừa được AFP công bố. Nhật báo kinh tế Les Échos có bài “Khí hậu rối loạn : 5 con số gây sốc trong bản báo cáo mới nhất của GIEC”. Nhật báo thiên hữu Le Figaro dẫn lại một nhận định của GIEC: “Điều tồi tệ nhất sẽ đến”. Nhật báo thiên tả Libération: “Khí hậu : Báo cáo rò rỉ gây lạnh xương sống”. Đài France Info dẫn lời một nhà hoạt động môi trường, khẳng định cần phải coi dự thảo báo cáo này như “một mệnh lệnh hành động ngay lập tức”. Tuy nhiên, cũng có một số ít báo như tuần san Marianne, đã chỉ trích việc AFP tung ra một số nội dung của báo cáo GIEC khi chưa được chính thức công nhận.

Trang mạng chuyên về tài chính cho phát triển bền vững novethic.fr cũng tỏ ra thận trọng khi dẫn lại nhận định của GIEC, về việc văn bản này chỉ là một tài liệu làm việc, được lưu hành trong khoảng thời gian “giữa tháng 12/2020 và tháng 1/2021”. Novethic.fr cũng trích lại quan điểm của đồng chủ tịch GIEC, bà Valérie Masson Delmotte, nhắc lại rằng báo cáo của GIEC là kết quả của một khối lượng công việc khổng lồ với sự tham gia của “280 tác giả và 1168 người kiểm tra”. Báo cáo sẽ còn nhiều thay đổi, và hiện tại còn có đến hơn 40.000 nhận định chưa được bổ sung. Phần đầu của báo cáo (về những cơ sở vật chất của biến đổi khí hậu) sẽ được công bố chính thức ngày 09/08.

3 / Việc một phần dự thảo báo cáo của GIEC được tung ra vào lúc này có ý nghĩa gì ?

Trang mạng nhật báo kinh tế Les Échos hôm qua 23/06 có bài nhận định đáng chú ý, khẳng định việc AFP tung ra một số thông tin trong báo cáo GIEC vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trước hết đối với nhiều quốc gia là nạn nhân chủ yếu của biến đổi khí hậu. Les Échos nhấn mạnh là “vụ rò rỉ” này đã làm thay đổi tương quan lực lượng 5 tháng trước thượng đỉnh Khí hậu COP 26, tổ chức tại Anh quốc vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch bình thường, báo cáo thứ 6 về biến đổi khí hậu của GIEC sẽ chỉ được công bố bốn tháng sau thượng đỉnh Khí hậu, như vậy là quá trễ để các kết luận của báo cáo này có thể ảnh hưởng đến quá trình thương lượng trước COP 26, và trong thời gian diễn ra COP 26 (từ ngày 1/11 đến 12/11/2021). Chưa kể đến việc nhiều kết luận mang tính báo động chắc chắn sẽ được giảm nhẹ, khi đưa ra bàn thảo, để có được đồng thuận trong giới lãnh đạo chính trị quốc tế, với 197 quốc gia thành viên của Công ước khung về Biến đổi Khí hậu của LHQ (CNUCC).

Việc thông tin rò rỉ, với các báo động mạnh mẽ và rõ ràng như trên, sẽ giúp cho các nước nghèo nhất, các nước bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất, có khả năng bảo vệ dễ dàng hơn lập trường của mình, ngay từ bây giờ và tại thượng đỉnh COP 26. Việc thông tin rò rỉ cũng là một cảnh báo, giúp hãm lại các nỗ lực của một số quốc gia, thế lực, cố tình bằng cách này, hay cách khác giảm nhẹ mức độ của các hậu quả hủy diệt của biến đổi khí hậu.

Một điểm đáng chú khác là việc AFP công bố một số nội dung của dự thảo báo cáo khí hậu của GIEC diễn ra chỉ ít ngày sau vòng thương lượng về khí hậu giữa chính phủ các nước, kéo dài 3 tuần lễ, khép lại hôm 17/06. Đây là vòng thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh COP 26. COP 26 được coi là cái mốc quan trọng nhất của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ Thượng đỉnh Paris 2015. Tại thượng đỉnh COP 26, cộng đồng quốc tế sẽ phải đưa ra các biện pháp cụ thể đủ cho phép thực thi các mục tiêu đã đề ra tại Paris năm 2015. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho thấy đàm phán tại vòng thương lượng này đã dậm chân tại chỗ, đặc biệt trong vấn đề thành lập thị trường các-bon, và vấn đề tài trợ trong lĩnh vực khí hậu.

Với lộ trình phát triển kinh tế, sử dụng rộng rãi các năng lượng hóa thạch như hiện nay, Trái đất sẽ tăng ít nhất 3°C, thậm chí hơn nhiều. Theo Cơ quan Khí tượng Thế giới, không phải chờ đến vài thập niên tới, mà ngay từ năm 2025, có xác suất đến 40% là bắt đầu sẽ có những năm nhiệt độ Trái đất vượt quá ngưỡng tăng hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp.

Các thông tin liên quan đến báo cáo GIEC, mà AFP vừa công bố, phải chăng giúp rung thêm một tiếng chuông cảnh báo quan trọng, góp phần buộc các thế lực chịu trách nhiệm hàng đầu về việc Trái đất bị hâm nóng phải đối mặt với sự thật ?

 

 

Cảnh tượng trận hỏa hoạn Dixie Fire bên đường cao tốc bắc thị trấn Greenville, Calofornia, ngày 03/08/2021.
Cảnh tượng trận hỏa hoạn Dixie Fire bên đường cao tốc bắc thị trấn Greenville, Calofornia, ngày 03/08/2021. AP – Noah Berger

Cháy rừng hoành hành tại phía bắc bang California, miền tây Hoa Kỳ. « Dixie Fire » được ghi nhận là trận cháy lớn thứ ba trong lịch sử bang. Theo các nhà khoa học, khô hạn kéo dài do Trái đất bị hâm nóng khiến cháy rừng trở nên nghiêm trọng gấp bội.

Theo AFP, trong tuần qua, Dixie Fire đã tiêu hủy hoàn toàn thị trấn Greenville, nơi cư trú của 800 cư dân. Tính đến ngày hôm qua, 06/08/2021, Dixi Fire tiêu hủy tổng cộng 175.000 hectare rừng và khu dân cư. Trận cháy rừng Dixi Fire bùng lên từ giữa tháng 7/2021 chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hơn 5.000 lính cứu hỏa đang chống chọi với trận cháy kinh hoàng này.

Hôm qua, chính quyền địa phương cho biết là đám cháy có thể sẽ còn tiếp tục lan rộng do gió lớn thổi bùng tàn lửa. Rừng tại California với nhiều cây cối đang trong kỳ khô hạn, sẵn sàng bốc cháy khi gặp lửa, khiến hoạt động cứu hỏa trở nên khó khăn gấp bội.

Theo các nhà quan sát, trận cháy rừng khổng lồ Dixie Fire dữ dội đến mức tạo ra một vùng « tiểu khí hậu » riêng trong những ngày gần đây. Cháy rừng tạo thành các đám mây « pyrocumulus » hình nấm, còn gọi là « mây lửa », thường hình thành khi có cháy rừng, núi lửa phun trào, hay sau một đợt nóng dữ dội. Các đám « mây lửa » có thể gây sấm sét, gió lớn, khiến rừng cháy càng mạnh hơn.

Đợt cháy rừng đang diễn ra khiến người ta nhớ đến đợt cháy lớn nhất trong lịch sử California, xảy ra năm 2018. Đợt cháy Camp Fire phá hủy hoàn toàn thị xã Pardise, với 27.000 cư dân. Sau trận cháy, chỉ có 6.000 người trở lại nơi này.

Hỏa hoạn kinh hoàng tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ 

Ở bên này Đại Tây Dương, tại nhiều vùng du lịch ven Địa Trung Hải, cháy lớn tiếp tục hoành hành đặc biệt tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhiệt độ dao động trong khoảng 40 đến 45°C. Đây là ngày thứ 11 thần lửa hoành hành tại Hy Lạp. Hôm qua, hỏa hoạn lan đến một ngôi làng cách thủ đô Athens khoảng 30 km. Ít nhất hai người chết cho đến nay. Miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với đợt cháy chưa từng có từ vài thập niên. Ít nhất 11 người chết do lửa.

Theo một dự thảo báo cáo của GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), vùng Địa Trung Hải với 500 triệu dân được coi là một trong các nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu. Ít nhất 93 triệu dân tại khu vực này sẽ là nạn nhân trực tiếp của nạn nhiệt độ tăng cao.

Báo cáo GIEC : Biến đổi khí hậu đe dọa 500 triệu dân Địa Trung Hải  

Nóng hạn là hệ quả lớn nhất của biến đổi khí hậu tại khu vực này. Nhiệt độ vùng Địa Trung Hải sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất. Cháy rừng sẽ tăng gấp hai, gấp ba lần so với hiện nay, tùy theo mức độ Trái đất bị hâm nóng đến đâu. Sản lượng nông nghiệp tại nhiều khu vực sẽ sụt giảm đến hai phần ba.

Báo cáo nói trên của GIEC – đã được 195 thành viên thông qua hôm thứ Sáu 06/08 – sẽ được chính thức công bố ngày thứ Hai 09/08. Báo cáo này được coi là cơ sở cho các đàm phán về cam kết khí hậu tại thượng đỉnh Khí hậu COP 26, tại Glasgow, Anh Quốc, tháng 11/2021. Theo các nhà khoa học, chỉ giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp mới giúp nhân loại tránh được các thảm họa vượt quá khả năng khắc phục. Mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 là giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C. Điều chỉnh theo hướng gia tăng cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế hiện nay.

Theo một báo cáo đầu năm nay của Liên Hiệp Quốc, tổng cộng các cam kết cắt giảm khí thải mới cho đến nay mới chỉ góp phần giảm 1% khí thải vào năm 2030 (so với mức khí thải năm 2010), còn rất xa với mức 45% cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen