Seite auswählen

Tâm lý nô lệ

Thái Hạo

9-8-2021

Chuyện nữ giảng viên đại học Duy Tân (Đà Nẵng) bị điều tra vì… nói thật và nói thật lòng, ngoài sự “im lặng là vàng” của giới giảng viên đại học trước bất công trên đầu đồng nghiệp và sự phi lý từ phía cơ quan nhà nước ra thì còn một điều nữa khiến tôi thấy thật khó hiểu: Có nhiều người trách cậu sinh viên đã post đoạn đối thoại ấy lên mạng, vì theo họ như thế là gài bẫy, là âm mưu, là xấu xa v.v.

Nếu một khi các bạn đã nghe/đọc mà thấy đó là những phát ngôn bình thường, lành mạnh thì tại sao các bạn còn chê trách cậu sinh viên kia và cho rằng cậu ta “gài bẫy”? Hay ý các bạn là dù nói sự thật và không vi phạm pháp luật nhưng cần phải giữ bí mật? Tại sao lại thế?

Các bạn cho rằng vụ ấy là một “âm mưu”, vậy đó chẳng phải là một âm ưu thất bại hay sao khi mà những lời cô giáo nói ra là hoàn toàn chính đáng? Post những lời ấy ra chốn công khai thì lý do gì mà cô lại có thể trở thành nạn nhân? Rõ ràng, ở đây việc trở thành nạn nhân hay không đâu phải do hành vi của cô mà là từ một ý chí vô pháp nào đó bên ngoài đấy chứ!

Rốt cuộc thì, các bạn đồng nghiệp và đồng bào của tôi, các bạn đang sợ điều gì? Sợ sự thật, sợ cường quyền hay sợ những điều tốt đẹp?

Từ câu chuyện của cô giáo Đà Nẵng, nhiều bạn còn tự nhắc nhở rằng phải cảnh giác, hết sức cảnh giác. Cảnh giác cái gì vậy? Cảnh giác rằng chớ nên nói thật nghĩ suy, xúc cảm của mình ư? Vậy các bạn đang trù tính là sẽ nói cái gì cho học trò nếu không phải là chân – thiện – mỹ? Tôi sợ cái sự “rút kinh nghiệm” này của các bạn.

Thực ra thì tôi hiểu, rằng các bạn đã tự chối bỏ quyền làm người của mình từ trước đó lâu rồi chứ không phải đợi đến khi sự việc này xảy ra. Cái phản ứng “bất mãn” tức thời của các bạn về cậu sinh viên kia cho tôi biết điều đó. Từ trong sâu thẳm, các bạn đã coi việc sống thẳng thắn, sống thật lòng là điều không chính đáng.

Khi các bạn nói đúng và nói thật các bạn phải tự hào và tự tin chứ! Theo tôi, đáng ra các bạn phải cầu mong rằng sẽ có thật nhiều người lan tỏa tiếng nói ấy cho mình chứ nhỉ? Khi các bạn chê trách người học trò kia, thì có phải đồng nghĩa với việc các bạn đang quay lưng lại với lương tâm của chính mình?

Tâm lý sợ hãi hình như đã ăn quá sâu vào tâm thức của một cộng đồng; nó khiến nhiều người không sao còn cảm nhận và phân biệt được cái gì là lẽ thường tình, là đúng sai phải trái, là được – mất, lấy – bỏ nữa thì phải…

So với sự thô bạo của phía bên kia, thì cái tâm lý của phía bên này còn đáng sợ hơn ngàn lần: Tâm lý nô lệ./.

Một nữ giảng viên bị điều tra vì chê ‘an sinh xã hội Việt Nam quá kém’

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Một nữ giảng viên không rõ danh tánh của Đại Học Duy Tân bị Công An thành phố Đà Nẵng điều tra vì “có những phát ngôn phiến diện về cách chống dịch của nước nhà, phân biệt văn hóa.”

Trường Duy Tân được biết đến là đại học tư thục đầu tiên tại miền Trung Việt Nam, được thành lập năm 1994.

 

 

Nữ giảng viên không rõ danh tánh của Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng được cho là có phát ngôn gây tranh cãi trong một buổi học trực tuyến. (Hình: Giao Thông)

Hôm 7 Tháng Tám, báo Giao Thông cho hay, trong một buổi học trực tuyến, bà này bị cho là có phát ngôn chỉ trích “hệ thống an sinh xã hội Việt Nam quá kém” khi tranh luận về chuyện phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo Giao Thông, trong đoạn video clip gần 4 phút được lan truyền qua mạng xã hội, nữ giảng viên đặt câu hỏi với sinh viên: “Từ đầu dịch tới giờ, chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa?”

“Có dân nước nào chạy 1,500 cây số về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã,” nữ giảng viên nói thêm.

Báo Giao Thông cho biết thêm, Đại Học Duy Tân đã yêu cầu giảng viên và sinh viên viết tường trình sự việc. Hiện, video clip đã bị gỡ khỏi trang cá nhân của sinh viên liên quan.

Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên hôm 7 Tháng Tám cho hay ông Vũ Xuân Viên, giám đốc Công An thành phố Đà Nẵng, vừa chỉ đạo công an các quận, huyện “quyết liệt đấu tranh trước hiện tượng mạng xã hội gia tăng tin giả, tin sai sự thật về công tác chống dịch COVID-19.”

Theo ông Viên những ngày gần đây, lượng tin giả, bài viết sai sự thật về dịch COVID-19 “có dấu hiệu ngày càng dày.”

 

 

Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng. (Hình: Doanh Nghiệp)

Báo này cho biết thêm rằng công an và an ninh tại Đà Nẵng được lệnh “đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, chủ động xử lý nghiêm đối với những người vi phạm để răn đe, giáo dục.”

Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của trang Webometrics hồi đầu Tháng Tám, Đại Học Duy Tân xếp vị trí thứ ba Việt Nam và vị trí 1,470 thế giới. Còn theo báo Tuổi Trẻ, Đại Học Duy Tân “là một lựa chọn tốt giữa dịch.” (N.H.K) [qd]

Người Việt

Quyền con người và tương lai của giáo dục

 

 

Thái Hạo

8-8-2021

Theo VietNamnet, đoạn hội thoại trong hình là lời của nữ giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Tờ báo cho biết đây là những “phát ngôn sai lệch, gây bức xúc” và công an Đà Nẵng đang điều tra.

Điều làm tôi khó hiểu đến mức như thấy một sự quái gở là tại sao lại “điều tra” một phát ngôn bình thường như thế?

Nữ giảng viên hỏi: “Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vắc-xin chưa?”, SV trả lời “Em không nằm trong diện hỗ trợ”. Câu hỏi trên có gì sai chăng? Nó chỉ là việc muốn biết một thông tin rất thông thường, không có gì là “nhạy cảm, bí mật” hay sai trái, vi phạm gì cả.

Hay là chỗ cần điều tra nằm ở đoạn dưới nhỉ? “Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?” Câu hỏi này vi phạm gì ư? Tất nhiên đây là một câu hỏi tu từ, nhằm ý khẳng định rằng rất hiếm có “dân nước nào chạy 1.500km về quê” như nước ta. Điều này là sự thật và cái sự thật ấy ai cũng thấy, và điều đó chứng tỏ “hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém” – điều này lại cũng đúng nữa, không hề có một chút sai lệch nào. Nếu cô giáo nói “hệ thống an sinh xã hội của chúng ta không có hoặc vô hiệu thì mới là nói sai chứ!

Vậy rốt cuộc thì cô giáo đáng bị “điều tra” vì lý do gì? Hay là tại Cô nói “cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó”? Chuyện tâm trạng vui, buồn, tự hào, nhục nhã là tình cảm cá nhân lành mạnh của con người, tại sao việc “thấy nhục” khi chứng kiến cảnh đồng bào vất vả gian lao mà bản thân không làm gì được để giúp đỡ lại đáng bị “điều tra xử lý”?

Một con người, với những quyền sơ đẳng của nó là nói ra suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm của mình, đó phải là một điều hiển nhiên như hít thở không khí từng giây từng phút. Nhưng nhất là ở đây, một giảng viên đại học, thì càng cần chính kiến và lòng trắc ẩn với đồng bào đồng loại, vì thế việc nói ra lại càng phải được khuyến khích chứ? Hay là Đà Nẵng và ngành giáo dục nói chung muốn tất cả giảng viên và giáo viên trong hệ thống giáo dục phải là những kẻ vô cảm, vô trí, luôn bưng tai bịt mắt với nỗi đau và sự gian nguy của nhân dân?

Tôi đã nói cái điều này hàng chục lần trong mấy năm nay: khi nào trong giáo dục còn kiểm soát suy nghĩ và tình cảm của con người thì khi đó mọi “cải cách đổi mới” chỉ là việc làm vô ích, hoàn toàn lãng phí tiền bạc và hao tốn sức lực của xã hội.

Sau sự kiện này, có lẽ sẽ không còn một tiếng nói trung thực thật thà nào trong ngành giáo dục ở Đà Nẵng (và VN) cất lên nữa cả. Và chúng ta chỉ còn thấy những giảng viên và giáo viên an phận, hèn nhát, vô cảm. Đà nẵng và ngành giáo dục chỉ muốn dùng loại người ấy để dạy dỗ con người ư, hòng đưa đất nước tiến lên?

Cô giáo không vi phạm Hiến pháp và Pháp luật, càng không vi phạm đạo đức nhà giáo. Cô cần được khen ngợi vì đã nói tiếng nói của một công dân có trách nhiệm với đất nước, đã nói tiếng nói hiểu biết và nặng tình cho học trò để chúng biết và yêu thương đồng bào.

Giáo dục và giáo dục đại học Việt Nam nói chung sẽ vĩnh viễn không thể “đối mới” được nếu những hành xử kiểu khủng bố này còn được duy trì. Vì con người, vì quốc gia dân tộc hãy tôn trọng người thầy, cổ xúy họ nói thẳng nói thật, nói chân thành và tha thiết về hiện tình đất nước. Chỉ có như thế thì nền giáo dục và xã hội mới có tương lai./.

Đáng hổ thẹn thay, Đại học Duy Tân

Nguyễn Vi Yên

10-8-2021

Trong khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục vừa tuyên bố thế này: “hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng”;

Thì trường Đại học Duy Tân hành xử thế này: THỐNG NHẤT SA THẢI một giảng viên mà họ cho là “có phát ngôn phiến diện, sai lệch về công tác chống dịch”.

Lối hành xử đáng hổ thẹn đến mức không xứng với hai chữ Đại học. Lại càng không xứng với cái tên Duy Tân mà họ dám mạo xưng.

Trong Tạp chí Đại học, ngay số đầu tiên, Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết những lời rất đáng tâm đắc, rằng: “Đại học có một đời sống biệt lập, là nơi suy tưởng và khảo cứu vô vị lợi. Đồng thời Đại học phải gắn liền với đoàn thể dân tộc, gây dựng và duy trì những tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với mọi nhóm xã hội và với mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Do đó, Đại học không thể là một tháp ngà, một nơi khép kín đối với thế giới bên ngoài, trong đó những người có phận sự chỉ việc trao cho sinh viên những kiến thức chuyên môn không dính líu gì đến cuộc đời chung quanh.”

Chính vậy. Một khi ta công nhận rằng đại học là ngôi đền của tri thức, đồng nghĩa với việc đại học phải có cả thẩm quyền, lẫn nghĩa vụ, bảo vệ một cách toàn vẹn tinh thần tự do học thuật, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng – những điều kiện thiết yếu nhất để tri thức không bị mục rữa, biến dạng, bốc mùi.

Và một khi ta đồng ý rằng đại học không thể chỉ là tháp ngà học thuật, đồng nghĩa với việc nó phải cởi mở trước những luồng quan điểm, ý kiến, tư tưởng đa chiều về các vấn đề đời sống thực tiễn, bất kể quan điểm đó, ý kiến đó, tư tưởng đó có chối tai đến đâu. Cởi mở, tức là không chỉ không ngăn cấm, không bác bỏ, không tránh né, mà còn là tạo điều kiện, khuyến khích, xiển dương những thảo luận nằm ngoài khuôn khổ kiến thức chuyên môn.

Đó mới là lối hành xử đúng đắn cần có của đại học. Và chỉ có như thế, đại học mới có thể đào tạo nên những con người biết bàn chuyện duy tân.

Thêm nữa, giảng viên hay sinh viên của đại học, nếu như có một lúc nào đó, bị đàn áp bởi những lực lượng đầy quyền lực, thì đó chính là lúc mà đại học phải đứng ra thể hiện nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ tinh thần tự do của mình.

Chứ không phải, vừa thấy giảng viên của mình phát ngôn dường như trái ý quan trên, bèn sa thải ngay lập tức./.

Không phải chỉ Duy Tân

Thái Hạo

11-8-2021

Vụ “xử” cô giáo Thơ ở đại học Duy Tân không nên làm chúng ta quá bất ngờ vì thực ra như tôi đã nêu lên trong bài “Đâu mới là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam” trên báo Văn Nghệ, tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng vốn đã tồn tại một cách phổ biến từ lâu trong môi trường giáo dục và ngày càng trầm trọng.

Vì thiếu một cơ chế quyền lực cân đối và có tính kiểm soát nên các quan giáo dục, lãnh chúa giáo dục đang dùng quyền uy và ý chí cá nhân để đàn áp không những suy nghĩ mà cả tình cảm lành mạnh của con người. Một nam giáo viên đi tập gym, cởi trần và post hình lên facebook cá nhân cũng bị đưa ra hội đồng chỉ trích, công khai cấm giáo viên nói chuyện vui buồn trên mạng, nếu đăng thì “viết đơn đi”. Phê bình, đấu tố, hăm dọa, sỉ nhục công khai cả một tập thể và bắt tất cả phải cúi đầu. Đó mới chỉ là những “chuyện vặt”, còn các vấn đề giáo dục hay xã hội thì gần như trở thành cấm kỵ tuyệt đối.

Bản thân tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự: Khi tôi viết nhiều bài về văn học, về giáo dục đăng tải trên trang cá nhân thì lập tức bị theo dõi và nhắc nhở; tôi nói rằng, hầu hết các bài ấy được báo chí chính thống “xin” và đã xuất bản, thậm chí còn trao giải thưởng cho tôi; nhưng họ vẫn không thể nào chịu được vì tôi nói đến những “vấn nạn” về khai giảng, về nạn cửa quyền, về lối dạy học nhồi nhét, về lạm thu và tận thu… Đều là những thứ “chạm nọc” những kẻ “có tật giật mình”. Khi không có cơ sở để buộc tôi im miệng thì họ mang công việc ra buộc tôi phải lựa chọn. Tất nhiên là tôi chọn “mở mồm” chứ không cúi xuống cái đĩa thức ăn (thực ra tôi muốn dùng từ khác hơn).

Nói thế nhưng tôi vẫn không có lý do để tự mình chối bỏ nghề nghiệp của mình dù tôi không phải bám lấy nó để mưu sinh. Tôi không tự nguyện nghỉ việc như cô Thơ mà yêu cầu họ phải ra quyết định đuổi việc tôi. Và tất nhiên là họ cũng không có cớ gì để làm việc ấy cả, và đành đợi cho đến hết hợp đồng.

Bóng gió xa xôi, dằn mặt nắn gân, đe dọa và phao tin bôi nhọ, bịa đặt đủ điều; kéo cả hệ thống vào để để trù dập, thậm chí cả học sinh cũng bị lợi dụng cho những mục đích xấu xa ấy. Đó là cùng kiệt của sự tán tận lương tâm.

Các bạn hãy hiểu tại sao họ làm vậy. Thực ra không/chưa có áp lực nào từ trên cả, là do họ tự “mẫn cán” đấy thôi, cái này y như Duy Tân; khi mà người ta leo lên bằng con đường bất minh, và gây ra sai quấy rẫy đầy trong chính cơ sở giáo dục do họ cai quản thì điều mà họ sợ nhất chính là sự thật, là những cá nhân có chính kiến. “Kẻ nào không đi với ta chính là kẻ thù ta”. Thêm nữa, với tâm thế của những ông vua và lãnh chúa, họ chỉ muốn thấy sự cúi đầu, bất cứ một ai đứng thẳng thì đều trở thành cái gai phải nhổ bỏ.

Những sự đàn áp trong giáo dục và trong những ngành khác cũng cùng một “cơ chế” như vậy: bắt đầu từ dưới chứ không phải từ trên.

Chừng nào mà quản lý hành chính về giáo dục chưa thay đổi, chừng nào mà tất cả quyền lực còn tập trung vào tay một người, chừng nào cả quyền và tiền đều còn do một người nắm chừng nào mà…, thì khi đó mọi cải cách, đổi mới đều không thể đưa đến kết quả.

Bộ Giáo dục cần bắt đầu từ đây, ngay chỗ này, phải gỡ bằng được nút thắt quyền lực trong trường học, ở những cấp cao hơn thì cũng phải như thế, chỉ khi đó mọi sự thay đổi khác mới có thể mang màu hi vọng./.

Những vết cắt không tuôn máu

    Tuấn Khanh

    12-8-2021

    Bạn có biết rằng một vết cắt từ cạnh của một tờ giấy mỏng, sẽ gây đau đớn và dai dẳng hơn khi bị đứt tay bằng dao không? Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên về điều đó và bỏ công ra tìm hiểu. Rốt cuộc, người ta tìm thấy lý do là dù vết thương do giấy cắt nhìn đơn giản, nhưng thật ra giấy lại có độ linh hoạt, mềm mỏng hơn, nên vết thương nhỏ nhưng trải rộng hơn. Nhìn dưới kính hiển vi, cạnh răng cưa của tờ giấy vết thương từ giấy sẽ làm vết thương rách nát. Nó hành hạ các đầu dây thần kinh ở tay, ngón tay nhiều hơn, lâu và khó lành.

    Câu chuyện của một người tìm cách trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thơ, khi còn dạy ở trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, rồi tìm cách ghi âm gài bẫy để chuyển cho ban giám hiệu, cũng không khác nào như vết cứa của tờ giấy vậy. Nghe qua lời kể, dường như đó là học trò của cô Thơ. Mọi thứ nhầy nhụa và thật đau đớn.

    Trong một tiết học, khi cô Thơ bộc lộ sự bất bình của mình về việc những người nghèo phải vất vả chạy về quê tránh dịch, tức giận việc nhà nước không chăm lo đầy đủ cho con người trong đại dịch, thì ngay trong lớp học, đã có kẻ chú ý và dàn xếp một cuộc trò chuyện qua mạng internet, tạo cớ để trường đại học Duy Tân đuổi việc cô Thơ. Thậm chí là công an sẽ triệu tập làm việc với cô.

    Nhìn qua bản video đang lan tràn trên mạng, người ta nhìn thấy rõ chủ ý của người gài bẫy, khi đặt câu hỏi có tính quyết định, vội lia camera điện thoại vào hình cô giáo Thơ đang nói. Trên khung hình, người ta cũng nhìn thấy rõ sự hèn hạ của kẻ gài bẫy khi chỉ trình bày phần trò chuyện đó không có mặt của mình. Dĩ nhiên, ném đá thì phải giấu tay, tiện nhân thì phải luôn giấu mặt.

    “Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?” và “Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”. Cô Thơ nói như vậy trong video được đem đi trình báo. Sau đó tổ đấu tố cấp đại học của trường đại học Duy Tân vội vã chính trị hóa sự việc, và đi báo công.

    Thật ra, có thể cô Thơ biết rõ âm mưu nhắm với cô, qua cuộc đối thoại ấy. Nhưng vì những điều cô nói là sự thật, cũng là điều mà chính báo chí nhà nước cũng đăng tải, cũng đặt vấn đề, nên cô không từ chối nhắc lại. Đó là cách của một người Việt Nam sống không hổ thẹn với bản thân mình, sống không ngại đối diện thẳng thắn với mọi loại chim chuột đang rình rập quanh mình. Cô đã sống và chấp nhận cho bọn tiểu nhân đắc chí, nhưng đồng thời từ sự lựa chọn của chúng, để phân biệt rõ đâu là súc sinh, và đâu là con người.

    Lúc này, mọi dư luận tức giận đều dồn vào ban giám hiệu, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng điều cũng đáng nói không kém, là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó, thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy, mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung.

    Ai đã dựng nên những con người như vậy? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy?

    Câu chuyện của kẻ từ trường đại học Duy Tân hành động như một loại mật vụ rẻ tiền, nó không thể làm sự thật khuất lấp. Nhưng vết thương đó như bị cắt từ mảnh giấy nhỏ, vẫn chảy máu chậm chạp và dai dẳng nhức nhối trong đạo đức và giá trị ngàn đời của người Việt: bán thầy, bán bạn chưa bao giờ lại được hân hoan xiển dương như một thành tựu vào lúc này. Đó là chưa nói cả một hệ thống có học vị đại học, tiến sĩ ngồi lại đồng thuận cho một quyết định ô nhục đến bất ngờ là trơ trẽn phủ nhận sự thật, và từ chối cả người nói sự thật.

    Vậy mà hôm nay, điều đó đang xảy ra, gây kinh ngạc đến khó tả cho mọi người dân Việt Nam bình thường.

    Xã hội hôm nay vẫn đang hủy hoại sự mọi lên tiếng khác biệt cùng với dàn đồng ca quen thuộc lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Đoàn diễu hành huyên náo làm vui cho ông vua cởi truồng của Andersen ở thế kỷ 19, hôm nay cũng không ngại cùng tự trần truồng cho đồng bộ.

    Thầy giáo Thái Hạo ở Huế viết trên trang facebook của mình “Duy Tân là sự sỉ nhục đất Quảng, là sự phản bội cụ Phan, là sự khinh bỉ giáo giới và là sự xúc phạm con người”. Còn Giáo sư Hoàng Dũng thì viết “tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân”. Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh có cả những câu thơ đau nhói “Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo. Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người?”

    Nhiều lắm, không đếm xuể. Những người Việt Nam từ bần hèn đến trí thức, còn biết nghĩ đến dân tộc mình, nghĩ đến đất nước mình đều có những nhận định cùng chiều như vậy. Tôi đọc không hết, nhớ không hết. Nhưng tôi biết đó không là giận dữ hay cay đắng. Mà thật ra, mọi lời viết ra như thay cho nước mắt khóc vì giống nòi, đau đớn khôn cùng về vết cắt không tuôn máu mỗi ngày, nhưng đang hủy hoại nguyên khí của nước Việt, đang làm đau cả linh hồn của tổ tiên người Việt đã sống và chết cho sự thật.

    Những vết cắt tầm thường ghê sợ ấy, tiếc thay đang được nuôi dưỡng, và lại có cả những tập thể ôm giữ sự nhục nhã như một di sản làm vui cho chính bản thân, và cả gia đình mình./.

     

    Sa thải cô giáo vì phát ngôn, một tiền lệ nguy hiểm, đi ngược sự tiến bộ xã hội

    Nguyễn Thanh Huy

    12-8-2021

    Sự việc cô giáo phát ngôn trong giờ dạy trực tuyến, nói về công tác chống dịch, dẫn đến kết quả là công an đã mời cô lên làm việc và sau đó là trường Đại học Duy Tân đã sa thải cô với lý do “có phát ngôn phiến diện, sai lệch về công tác chống dịch”.

    Cần thấy rằng, mỗi một phát ngôn trước hết là quan điểm mang tính cá nhân về nhân sinh quan và thế giới quan. Cho nên nó luôn tồn tại tính khách quan và chủ quan.

    Thứ nhất, nếu nói cô giáo sai, phiến diện thì chẳng qua là cô so sánh giữa nước ta với những nước khác. Rõ ràng điều kiện đất nước ta không thể bằng.

    Nhưng ai có thể vỗ ngực khoe khoang rằng trong đợt chống dịch này chúng ta không lúng túng, không có những hạn chế? Nếu cho rằng chúng ta đã làm rất tốt, làm hoàn hảo thì chỉ có vô tri hoặc là giả ngu, giả mù mà nịnh hót.

    Thứ hai, nếu chỉ vì phát ngôn của cô trong giờ dạy một môn không liên quan, tức sai chỗ, không đúng không gian. Vậy thì bổn phận của người làm thầy, làm cô chỉ như một con robot được lập trình thôi hay sao? Hay tệ hơn chỉ là một cái máy biết thu và biết phát.

    Nếu chỉ như vậy thì cái tiếng “thầy” trong xã hội Việt Nam thật rẻ rúng. Và như thế chúng ta đừng bao giờ ngợi ca những người thầy trong quá khứ đã từng dám lên tiếng trước bất công, trước cường quyền và những vấn nạn khác bởi chính quyền đương thời. Mà ở đó là hàng loạt tấm gương như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành…

    Suy cho cùng những phát ngôn ấy nếu không phù hợp trong tình cảnh đất nước chịu dịch dã và chính phủ đã nhiều cố gắng thì cũng chỉ nên dừng lại ở việc nhắc nhở sao cho có tình có lý.

    Lẽ ra, Đại học Duy Tân – nơi có không ít đồng nghiệp với cái danh là “trí thức” phải đứng ra bảo vệ cô, cho dù có chịu nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý khác.

    Việc bảo vệ cô giáo không phải là sự bảo vệ một cá nhân hay là sự bao che bởi mối quan hệ riêng tư, hay do cách ứng xử trọng tình của người Việt, mà hơn hết, đó là bảo vệ nhân cách, giá trị của giảng viên đứng trên bục giảng khi mà họ có quyền nói lên suy nghĩ và bộc lộ những cảm xúc chân thật.

    Việc sa thải này sẽ tạo nên những tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với sự tiến bộ của đất nước. Đó là sự bóp nghẹt các tiếng nói phản biện xã hội; hạ thấp giá trị, vị trí của những người làm thầy; giết chết cảm xúc và lòng trắc ẩn của những tiếng nói lương tri (khi họ còn sợ hãi hoặc vì miếng cơm manh áo).

    Đồng thời tạo ra cho các cấp quản lý quyền lực vô hạn, vượt qua các thiết định của luật pháp. Khi đó ranh giới giữa quyền hạn và quyền lực sẽ không còn.

    Nhưng tôi dám chắc, hành động đơn phương của Đại học Duy Tân chỉ có thể khiến cô giáo mất việc – mà không việc này thì cô cũng sẽ có việc khác – chứ không thể dập tắt được ý chí cá nhân cũng như suy nghĩ và sự phản ứng của công luận. Mà không chừng nó sẽ phản tác dụng, như một đốm lửa được thổi bùng lên.

    Lại nhớ đến lời cảnh tỉnh của Lê Quý Đôn:

    1. Trẻ không kính già (vì già không đáng kính)

    2. Trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy)

    3. Binh kiêu tướng thoái (vì chẳng bao giờ đánh trận)

    4. Tham nhũng tràn lan (vì không ăn cũng uổng)

    5. Sĩ phu ngoảnh mặt (vì nói chẳng ai nghe)

    Là lúc đất nước lâm nguy!

    Tiếng Dân

    ______

    Một số hình ảnh:

    Gửi cô giáo Trần Thị Thơ

    Mạc Văn Trang

    12-8-2021

    Cô Thơ thân mến,

    Là nhà giáo, đồng nghiệp với Cô, thấy Cô bị sa thải chỉ vì một sự cố nghề nghiệp nhỏ nhoi, tôi rất buồn và xin được chia sẻ nỗi bức xúc với Cô.

    Tuy nhiên đọc lời chia tay của Cô với các sinh viên, các giảng viên của trường, tôi thấy yên tâm, vì Cô có một tâm thế bình tĩnh, hiểu nhân tình thế thái và giữ vững bản chất nhân cách của mình. Với trình độ và bản tính ngay thẳng của Cô, tôi tin Cô sẽ tìm được công việc và môi trường làm việc xứng đáng với mình. Trong cái rủi có khi lại có cái may đó Cô!

    Bây giờ trên tình đồng nghiệp, chúng ta chia sẻ với nhau đôi điều để giải tỏa những bức xúc cho nhẹ lòng.

    1. “Tội” của Cô là nói đúng SỰ THẬT và KHÔNG VÔ CẢM!

    Xem đoạn video cô tranh luận với một sinh viên, thấy điều Cô nói là đúng SỰ THẬT. Tôi ở TP HCM, chứng kiến những dòng người lao động nghèo khó hoảng sợ dịch covid-19 chạy tán loạn khỏi thành phố, mà thấy bàng hoàng. Vợ tôi nhìn cảnh sản phụ ôm con chín ngày tuổi, ngồi trên xe máy cùng toàn bộ đồ đạc, trốn chạy; nhìn cảnh cả gia đình 5 người trên chiếc xe máy cùng đồ đạc lỉnh kỉnh rời thành phố; cảnh từng đoàn người nằm vật vã ngủ trên đường… cũng đã rơi nước mắt. Những người Việt Nam ở trong hay ngoài nước và cả người nước khác, có tình thương đồng loại đều cảm thấy đau đớn, xót xa.

    Cô cũng nói đúng sự thật, là nhiều nước châu Âu, Mỹ bị dịch covid chết rất nhiều người, nhưng chính phủ của họ lo an sinh xã hội rất tốt, không có cảnh mạnh ai nấy chạy đi tìm sự sống, như cảnh diễn ra trên đèo Hải Vân mà Cô thấy… Nhìn cảnh đồng bào cơ cực mà mình bất lực, không làm gì cứu giúp được, cảm thấy nỗi nhục nhã. Đó là tình cảm tự nhiên của một người có lương tri.

    Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện thời, Cô đã mắc hai “sai lầm” là NÓI THẬT và bức xúc, hổ thẹn, NHỤC NHÃ khi bất lực trước nỗi đau của đồng bào mình. Hai thứ đó ở thể chế này từ lâu đã là thứ xa xỉ! Phải như cậu sinh viên đối thoại với Cô, mới là “hạt giống đỏ” của chế độ!

    2. Cô là một giáo viên chân thành, nhiệt huyết

    Cô dạy tiếng Anh và giảng về Văn hoá phương Tây cho sinh viên. Những điều Cô so sánh hai nền văn hoá và chỉ ra những khiếm khuyết của văn hoá châu Á nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng là rất cần thiết để khai trí cho học trò. Những điều này Cụ Nguyễn Trường Tộ, Phạn Chu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đã nói hàng trăm năm trước rồi; nhiều người sau này vẫn nói, Cô cũng nói… Nhưng não trạng của nhiều người Việt đã bị lập trình, chỉ biết phản ứng trước những kích thích quen thuộc, không có khả năng tiếp nhận cái mới, nhất là những giá trị tinh thần cao đẹp.

    Cô là một giảng viên muốn thực thi đúng sứ mệnh của một nhà giáo là cố gắng khai mở, truyền đạt những điều mới mẻ cho sinh viên; muốn sinh viên biết độc lập tư duy bằng những sự kiện thực tế do mình tự tìm kiếm và biết so sánh quốc tế; biết tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự trải nghiệm để rút ra kết luận cho mình… Sứ mệnh của người giáo viên nói chung, nhất là giảng viên Đại học phải như vậy.

    Nhưng nền giáo dục XHCN từ lâu đã giết chết những điều đó. Giáo viên phải trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục”, là người của Tuyên – Giáo! Giáo viên phải tuyên truyền như đài, báo nhà nước; giáo viên không cần độc lập, sáng tạo, cứ nói đúng giáo trình, học sinh, sinh viên đọc, chép đúng giáo trình. Vậy là Tiên tiến, xuất sắc. Nhiều lớp 100% tiên tiến cơ mà! Nhờ đó nền Giáo dục XHCN mới đào tạo ra những lớp người ngu trung, chỉ biết tư duy rập khuôn, phục tùng máy móc; chỉ biết căm ghét những gì khác với họ và tự hào về những gì Đảng CS đã làm, dù đó là tội ác…

    Cô hãy xem vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải… bất chấp sự thật và công lý mà chính quyền vẫn làm nhiều người dân “tin tưởng tuyệt đối” kia mà! Nếu giáo viên nêu vấn đề sinh viên hãy thu thập tư liệu, phân tích trên cơ sở cơ sở pháp lý, đạo lý của vụ án, để tìm sự thật, công lý, thì lập tức giảng viên bị quy kết là “kích động học sinh chống phá nhà nước”… Thân phận người giáo viên khốn nạn thế đó!

    3. Nỗi nhục nhã ê chề không thuộc về Cô

    Cô đã cố thuyết phục một sinh viên hãy nhìn thẳng vào sự thật, biết tư duy độc lập trên những sự kiện thật… Nhưng đã thất bại. Chuyện này cũng bình thường trong nghề dạy học. Tôi nhớ một lần nghe một vị lão thành kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời là sinh viên trường Đại học Đông Dương, đã tranh luận với giáo sư người Pháp rằng: Những giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái ông truyền giảng chỉ là lý thuyết suông; người Pháp ở Đông Dương đang chà đạp lên những giá trị đó…

    Sinh viên Giáp chứng minh hùng hồn bằng những sự kiện thực tế… Thầy người Pháp gật gù, bảo, anh khá lắm. Nhưng ở đây thì anh có quyền tự do biểu đạt, còn ra ngoài kia, anh nói vậy, cảnh sát họ làm phiền đấy… Nhờ trường Đại học của thực dân Pháp có TỰ DO học thuật, tự do tư tưởng, nên mới có được lớp người gây dựng nên nền văn minh hiện đại của châu Âu cho Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhất là văn minh tinh thần.

    Nay mà sinh viên Võ Nguyên Giáp sống lại, nói, hãy nhìn người dân khổ cực trên đèo Hải Vân kia, khẩu hiệu “không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để người dân nào tụt lại phía sau” chỉ là loè bip, chắc hẳn bị Ban giám hiệu trường Đại học Duy Tân giao nộp ngay cho công an!

    Cô chỉ có “Phát ngôn phiến diện về công cuộc phòng chống dịch covid-19” như báo chí đưa tin, vậy mà nhà trường sa thải Cô ngay và làm việc với công an để xử lý! Cái Hội đồng của Đại học Duy Tân không hiểu nó là cái gì? Nó không biết bảo vệ giảng viên của mình; nó sợ hãi trước dư luận vớ vẩn; nó như cái tay nối dài của công an; nó không coi người giáo viên ra gì cả! Rồi cái Công đoàn và các tổ chức mà Cô tham gia của nhà trường này đâu, các đồng nghiệp đâu, sao không lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp của mình? Tất cả thật nhục nhã ê chề! Cái trường như vậy mà mang tên “Duy Tân”?

    Việc Đại học Duy Tân sa thải Cô, cho thấy thêm một tín hiệu về nền giáo dục ngày càng tha hoá, không hy vọng gì vào công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện”…

    Cô Thơ thân mến,

    Nỗi đau buồn của Cô cũng là nỗi đau buồn của tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đến tương lai của đất nước.

    Chúc Cô bình tĩnh vượt qua nghịch cảnh này trong sự đồng cảm của rất nhiều người.

    Thân mến!

    Tiếng Dân

     

     

    Nhân sự kiện một cô giáo ở Đại Học Duy Tân bị đuổi việc, tản mạn về phần tử trí thức đại học

     

    Trần Văn Chánh

     

    Trong những ngày chống dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội (đợt IV từ 27.4.2021) tại TP. HCM, tôi cũng đã tham gia vừa tiêu cực vừa tích cực vào chiến dịch “chống dịch như chống giặc” đại quy mô này bằng cách… ở yên tại nhà, nhờ vậy có thì giờ theo dõi kỹ hơn các thông tin về dịch bệnh, thấy được chỗ hay chỗ dở trong hành động của chính quyền, sự tích cực của đội ngũ y tế, công an, tình cảnh khốn đốn của người dân, kể cả những chuyện thế thái nhân tình trong thời đại loạn, và những thông tin khác nữa rất đa tạp liên quan các vấn đề chính trị, xã hội mà các loại hình truyền thông đưa tin đôi khi trái ngược nhau, chưa kể một số tin giả giật gân lừa đảo gây xôn xao dư luận…

    Trong mớ bề bộn kể trên, một trong những sự kiện nổi bật gây chú ý dư luận mấy ngày gần đây là việc một cô giáo ở trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa bị đuổi việc và sau đó phải ra chầu hầu công an vì trên lớp học trực tuyến cô đã dám bày tỏ cảm xúc bất bình về sự thiếu trách nhiệm của nhà cầm quyền trước tình cảnh khó khăn của hàng ngàn người dân phải tự đàn đúm tháo chạy đến hàng ngàn cây số để trốn khỏi vùng dịch hiểm nguy về quê với hi vọng tìm được một chỗ trú ẩn an toàn hơn trong vòng tay bảo bọc của người thân hoặc bè bạn. Lời phê phán của cô giáo trung thực và đầy lương tri kia, dù có thể còn vướng vài sơ suất trong cách diễn đạt trong khi nóng nảy, đã bị một sinh viên ghi âm ghi hình lại rồi báo cáo. Không phải nói, ai cũng có thể đoán ra được anh sinh viên kia là thuộc thành phần nào rồi. Xem đoạn video clip tranh luận giữa cô và trò, người nghe có cảm tưởng anh sinh viên như một bậc bề trên đang gằn giọng chầm chậm vặn hỏi một kẻ cấp dưới bằng một thái độ cố ý trầm tĩnh, còn khoe mình đã từng được đi du học nhiều nước trên thế giới! Phía cô giáo cũng chẳng chịu nhường, thẳng thắn lớn tiếng bảo vệ ý kiến, biến thành một cuộc tranh luận được ghi âm mà hồi kết là cô bị đuổi việc!

    Nghe qua câu chuyện, nhiều người trước hết tỏ nỗi bất bình vì thái độ hỗn xược của trò đối với thầy, từ đó nói qua tình trạng xuống cấp văn hóa-giáo dục-đạo đức của xã hội Việt Nam, lên án gay gắt thái độ của trường đại học Duy Tân. Nhưng theo tôi, trong câu chuyện cụ thể này, yếu tố anh sinh viên nêu trên có lẽ ít quan trọng, vì anh này chắc chắn không phải sinh viên thuần túy cầu học, hoặc ít ra cũng là một thứ tương đối cá biệt, đầu óc vô minh, hay một loại đoàn viên đặc biệt tích cực nào đó. Thoạt đầu tôi cũng giống mọi người, giận như muốn sôi gan, nhưng chỉ vài phút sau thì cơn giận biến thành nỗi vui mừng: mừng cho cô giáo có được cơ hội quá tốt để thoát khỏi một môi trường giáo dục tệ hại, và ban giám hiệu qua việc này đã bộc lộ nguyên hình cho mọi người thấy rõ hơn bản chất xấu xa. Nếu họ không phải nhóm người bất hảo thì cũng là một tập thể mang danh trí thức đại học nhưng hèn kém, cô giáo được tách ra khỏi họ chẳng khác gì được giải phóng khỏi nơi lầy lụa, vì trường đại học Duy Tân cũng chẳng phải nơi tử tế, trái lại nó còn là một cơ sở kinh doanh giáo dục đáng đào đất đổ đi, đã từng phạm nhiều chuyện bê bối mà bẩn nhất là vụ trường này hồi tháng 9.2020 đã từng bị Công an Đà Nẵng kết luận về thủ đoạn đã dùng 900 lá thư nặc danh bôi nhọ các đồng nghiệp đại học khác trên địa bàn Đà Nẵng trong mùa tuyển sinh đại học, cốt để thu hút sinh viên về cho trường mình!

    Trong xã hội Việt Nam vài chục năm nay, văn hóa-giáo dục xuống cấp thê thảm là điều trông thấy rõ đến mức không cần phải mất công tranh cãi chứng minh, để được thay thế bằng một loại tân văn hóa (văn hóa mới) của nước CHXHCNVN. Theo đó, trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động, người trung thực có nhiều ý kiến phản biện bị trù dập trong các cơ quan, trường học từ lâu đã trở thành một lẽ tự nhiên, tương tự trường hợp cô giáo trẻ tài năng Nhã Thuyên 5-6 năm về trước ở Đại học Quốc dân Hà Nội cũng bị đuổi việc vì đã làm được một bản luận văn thạc sĩ đầy sáng tạo về đề tài “thơ mở miệng”. Nền tân văn hóa này được biểu thị qua thành ngữ “đấu tranh tránh đâu” hay câu ca dao bình dân “trung thực thực thà thì thiếu thốn/ lọc lừa lèo lá lại lên lương”…, mà ai cũng thuộc nằm lòng, thậm chí đã trở thành triết lý sống dân gian được coi là khôn ngoan đem ra áp dụng một cách phổ biến, lâu ngày trở thành một thứ văn hóa Việt mới tạm gọi là văn hóa vô sản, có sức áp đảo tràn lấn từ giới bình dân qua tới cả các thành phần có học vấn cao trong xã hội. Loại văn hóa mới này vốn có gốc nguồn sâu xa từ trong lịch sử lâu dài của người Việt, với những thói xấu đặc trưng cố hữu, tương tự nước láng giềng Trung Quốc, nhưng nó đặc biệt phát triển nổi bật kể từ dấu mốc lịch sử năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, thiết lập chế độ toàn trị ở miền Bắc XHCN với những bước đi tiêu biểu cụ thể như cải cách ruộng đất, tập thể hóa nông nghiệp, quốc hữu hóa công thương nghiệp… dưới sự hướng dẫn của chủ nghĩa Mác-Lênin đã được giáo điều hóa trước khi du nhập và thông qua tư tưởng của Stalin ở Nga và của Mao Chủ tịch ở Trung Quốc, mà phương tiện phổ biến để biện minh cho nó là một nền văn học nghệ thuật minh họa giả dối, bao gồm cả báo chí cách mạng, với bộ máy tuyên truyền đồ sộ đến nay vẫn tồn tại dưới hình thức sự chỉ đạo thống nhất của cái gọi là Ban tuyên giáo trung ương. Từ đây, lối sống giả dối hai mặt đã bắt đầu phát triển, đức tính trung thực thực thà trong con người Việt Nam truyền thống tuy chưa mất hẳn nhưng đã trở thành thiểu số, để qua giai đoạn chuyển hình lịch sử 1975, dẫn tới 1986 “đổi mới” chấp nhận một phần kinh tế thị trường, thì bao nhiêu những tính cách tệ hại và điều kiện tha hóa con người lại có thêm cơ hội được chắp cánh, xã hội coi lợi quyền là tiên là phật, diễn biến nhanh thành quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, tội ác và tệ nạn xã hội gia tăng, bất công xã hội/ hố ngăn cách giàu nghèo ngày một thêm sâu sắc, đạo đức truyền thống xuống cấp, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng…, trên cái nền của một thứ chủ nghĩa xã hội (CNXH) dị dạng (socialisme perverti), mà cách diễn đạt lịch sự gọi là CNXH thân hữu, hay khác nữa thì gọi CNTB cuồng nhiệt, đẻ ra các nhóm lợi ích, được bảo bọc bởi một nền luật pháp mị dân chỉ có trên giấy, kể cả trên tất cả những bản hiến pháp cũ và mới, tính từ năm 1946 trở đi.

    Xin lỗi, phải nhắc lại dài dòng một số điều cũ rích nghe muốn nhàm tai như trên thì mới ra được vấn đề.

    Khi vụ việc cô giáo vừa xảy ra, đã có vài vị nhân sĩ trí thức kịp thời lên tiếng phê phán nặng nề trường đại học Duy Tân với lời lẽ và cách nhìn vấn đề vô cùng xác đáng, chắc chắn sẽ đem lại cho cô giáo một chút niềm an ủi, tương tự như trường hợp cô giáo trẻ Nhã Thuyên trước đây cũng được không ít người công tâm bênh vực để vặc lại một số đông quan chức hèn kém trong Bộ Giáo dục-Đào tạo và trong cái gọi là Hội đồng lý luận trung ương. Nhưng ở đây, tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện cô giáo, anh sinh viên và cái tập thể BGH đáng đào đất đổ đi kia, vì anh em đã nói khá đủ rồi, mà muốn đề cập trách nhiệm/ vai trò của phần tử trí thức nói chung và đặc biệt của giới trí thức đại học nói riêng, đối với cuộc hưng suy của xã hội.

    Không kể các trí thức nhà văn nhà báo nhà khoa học, nếu đã thầy giáo đại học thì đương nhiên phải được xã hội coi là trí thức rồi, thậm chí còn là nơi tập trung của phần tử trí thức tinh hoa nữa là khác. Đó là nơi đại diện cao nhất nền học thuật của một quốc gia, cũng là cái nôi sản sinh ra những tư tưởng cải cách thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhưng xét kỹ suốt khoảng gần nửa thế kỷ nay trong giới trí thức đại học Việt Nam, họ đã nói, đã viết và đã làm được những gì đáng kể, để giúp cải thiện cho các tình trạng hiện hữu, nhất là về phương diện chính trị-tư tưởng… để không còn có những cô giáo như Nhã Thuyên, Trần Thị Thơ… bị đuổi việc vì những lý do như đã được biết? Cũng như các hội nghề nghiệp khác, chưa từng thấy Hội nhà giáo Việt Nam, giới giáo chức đại học có một lời tuyên bố hay kiến nghị tập thể gì liên quan những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng; thậm chí nhiều lần Trung Quốc lấn hiếp Việt Nam ở Biển Đông trong khoảng chục năm gần đây cũng thấy họ im phăng phắc, thủ khẩu như bình… Trái lại, cãi nhau thậm chí đấm vào mặt nhau giữa các ông tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư trong hội đồng quản trị để tranh giành quyền lợi ngay trong văn phòng một số trường đại học dân lập là hiện tượng kỳ quặc khá phổ biến đã từng được báo chí đưa tin rộng rãi. Ở các đại học công lập thì có phần đỡ hơn, nhưng giáo chức nói chung cũng im như thóc trước các vấn đề lớn về cải cách chính trị-xã hội. Thảng hoặc, nếu có ai thẳng thắn phát biểu trung thực điều gì đó trong cuộc họp hay khi đứng lớp thì trước sau cũng được hiệu trưởng mời lên làm việc, vì BGH các trường vốn đã được tính toán cơ cấu sẵn, bầu lên là để đóng vai trò kiểm soát đề phòng sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa… về mặt tư tưởng, hành vi của các nhân viên cấp dưới. Cứ như vậy, kéo dần lên trên thành một dây hệ thống cho tới ông bộ trưởng giáo dục và cả đến cấp lớn hơn ông ta nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ trách riêng ông bộ trưởng thì xem ra cũng không được công bằng, vì trong thể chế chính trị, mọi ông bộ trưởng đều không có quyền tự ý quyết định như nhau. Các trường đại học cũng vậy, nếu không được tự trị và tự do học thuật trên thực tế thì cũng chẳng làm gì được ngoài việc truyền thụ đơn thuần kiến thức mà một số bộ môn đã bị làm méo mó đi vì chủ nghĩa giáo điều.

    Đến đây, vấn đề đang xét đã tỏ ra dễ hiểu. Rằng tính cách hèn kém hiểu như tội đồng lõa bằng thái độ thờ ơ với các hiện tượng tiêu cực xã hội của giới trí thức đại học là một thực tế khó lòng phủ nhận, nhưng nói cho công bằng chính xác thì hẳn không phải do bản chất của giới trí thức đại học Việt Nam tự nhiên nó trở thành như vậy. Vẫn có không ít người trung thực khí khái, ưu tư thời cuộc, nhưng nếu biểu hiện công khai sẽ bị loại trừ dẫn tới bản thân, gia đình phải chịu đời khốn khổ. Bởi vì họ đã từng trông thấy tấm gương tày liếp của một số bậc tiền bối như các GS Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… thời Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1956), và của các cô giáo Nhã Thuyên, Trần Thị Thơ… thời hiện tại, mà ít có ai đang còn làm việc lại dám đứng ra công khai bênh vực đồng nghiệp của mình, do cũng sợ bị vạ lây mất việc theo.

    Giả định, qua vụ cô giáo trường Duy Tân, nếu tập thể giáo chức đại học trên toàn quốc có thư kiến nghị can thiệp, hoặc thậm chí bãi khóa để phản đối cách ứng xử của đám BGH tồi tệ kia, thì tình hình chắc chắn phải hoàn toàn chuyển khác. Nhưng giả định trước sau cũng chỉ là giả định, vì trong điều kiện chính trị-luật pháp như hiện tại, nếu có ai phát động làm kiến nghị tập thể chẳng hạn, chắc chắn sẽ bị quy chụp có thế lực thù địch nào đó đứng sau lưng xúi giục, nên chẳng ai còn dám ho he. Suy ra không chỉ giới giáo chức đại học rụt rè gà phải cáo, mà các giới nhà văn, nhà báo, nhà khoa học cũng tương tự vậy thôi, vì trong chế độ độc tài toàn trị không có tự do dân chủ cũng như không có một nền pháp luật minh bạch để con người và công lý được bảo vệ. Sở dĩ có tình trạng đáng bi quan như vậy vì giới trí thức trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ đã bị tẩy não bằng những tư tưởng sai lạc từ khi ngồi học ở bậc tiểu học mà còn bị tiêm nhiễm thói xấu của các bậc cha mẹ dân trong một nền chính trị thối nát, đi cùng với một nền dân khí bệ rạc đã được cố ý tạo ra để dễ bề cai trị, khiến con dân ai ai cũng chỉ bo bo tranh đấu cho phần quyền lợi ích kỷ riêng của mình. Điều này có thể hiểu là nhà cầm quyền đã rất thành công trong chính sách ngu dân và hèn hạ hóa các phần tử trí thức trong nước, bằng cách thông qua kỹ thuật tuyên truyền và ràng buộc kinh tế, đã điều kiện hóa tư tưởng hành vi con người dựa theo nguyên lý phản ứng có điều kiện của nhà bác học Nga Pavlov (1849-1936/ giải Nobel năm 1904).

    Rốt cuộc chỉ có hạng trí thức nô dịch mới được trọng dụng cất nhắc lên cao, cho hưởng nhiều quyền lợi; trong số họ cũng có không ít người tài năng và thiện chí, nhưng tài năng và thiện chí đó đã bị tha hóa sang một hướng khác, không phải để phục vụ cho quyền lợi của nhân dân lao động, và ngay cả điều này đôi khi chính họ cũng không tự nhận ra do luôn bị bao vây bởi những vòng hào quang danh dự thông qua những danh hiệu mỹ miều, những tấm bằng khen, huân chương lao động này khác. Trong khi người ta được biết, trong giai đoạn những năm 45-60 của thế kỷ trước, giới trí thức tinh hoa không đi theo đường lối của chính quyền cách mạng phần lớn đều bị tiêu diệt hoặc bị vô hiệu hóa bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khôn khéo. Người trung kiên thiện chí vì thế ngại phát biểu thẳng thắn, nếu không xu phụ quyền lực cũng không dám treo ấn từ quan chỉ còn cách cố giữ cho tư cách mình được tương đối trong sạch, giả dại qua ải, không xu phụ quyền lực cũng không dám dũng cảm ăn ngay xổ thẳng, chỉ lo làm tròn bổn phận nghề nghiệp, hi vọng có chút đóng góp, chờ tới tuổi về hưu lãnh lương hưu để sống cho hết tuổi đời còn lại. Hạng trí thức này chiếm số khá đông, nhận ra được hết thảy các hiện trạng chính trị-xã hội nhưng tính tình cẩn trọng. Triết lý sống bình nhật của họ là nếu tiến được thì lo cho cả thiên hạ, không thì chỉ lo hoàn thiện bản thân mình (đạt tắc kiêm thiện thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân), giữ cho được lòng tốt trong quan hệ xử kỷ tiếp vật. Họ thường thường hiền lành dễ thương, có thể gần được. Để được yên tâm, người trí thức trong sạch thường tự biện hộ, “ngụy tín” (tin giả) rằng trong bối cảnh lịch sử khó khăn, lực bất tòng tâm, không thể làm theo lý tưởng được thì phải khôn khéo biết ẩn nhẫn để có thể phục vụ cho đồng bào mình được lâu hơn nhiều hơn thay vì nói năng ngay thẳng để bị đuổi việc sớm (nếu là nhà báo thì bị rút thẻ nhà báo…), cho nên vì chiếm số đông, vô tình họ cũng trở thành một loại đồng lõa bất đắc dĩ cho chính sách đi ngược lòng dân của các nhà đương cuộc. Hạng trí thức thứ ba còn lại, từ lúc trẻ thường bị thu hút bởi những chủ thuyết hứa hẹn cứu đời, họ khó hòa hợp với số đông, về già thường trở nên thất vọng, buồn bã, trước hiện thực nghiệt ngã của chính trị vốn đầy tính thủ đoạn và giả trá.

    Thông thường, chỉ những người trí thức hưu trí về già rồi hoặc đã thoát được ra nước ngoài rồi mới dám cất lên tiếng nói trung thực phản biện chính sách bênh vực quyền lợi của nhân dân, bằng cách vạch ra những điều sai trái trong đường lối căn bản của chính quyền; một số khác, mãi đến khi sắp nhắm mắt xuôi tay mới dám trối lại vợ con, bạn bè, học trò… mình những điều cần nói, như có thể dẫn chứng khá nhiều vị trí thức khả kính tên tuổi, mà kẻ bài viết này cảm thấy bất tiện hoặc không cần phải kể tên ra vì ai quan tâm thời cuộc cũng có thể tự biết đến họ. Nhưng rất tiếc số này tính ra vẫn còn quá ít, không trở thành lực lượng đối trọng đáng kể. Giả định (lại giả định!) những người trí thức trẻ còn đầy nhiệt huyết chưa nghỉ hưu mà biết nêu gương đám già kể trên để đồng loạt có thái độ phản biện trước những hiện tượng bất công, chẳng hạn như việc bắt bớ cầm tù một số nhà hoạt động dân chủ đấu tranh trong hòa bình và hợp hiến, hay như các vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải… thì tình hình đã có thể chuyển khác, như thế sẽ góp phần xây dựng, vừa thúc đẩy tái lập sự công bằng xã hội vừa giúp cho các nhà đương cuộc điều chỉnh chính sách để họ trị dân được tốt hơn mà không bị mặc cảm tội lỗi mình là thế lực tà ác, mang lại niềm yên vui cho tất cả mọi gia đình người dân Việt, đồng thời tạo được sức mạnh đoàn kết nhất trí cao trong nước để đối phó hữu hiệu với bất kỳ ngoại bang nào đang đe dọa chủ quyền dân tộc…

    Đến đây, chắc có người sẽ có người bảo: Những điều phân tích nhận định như trên đây xưa quá rồi, chẳng có gì mới, lại còn chứng tỏ chỉ là nói suông, kiểu hoạt ngôn không thức thời vụ. Tôi nhất trí phần lớn với loại ý kiến này, tuy nhiên vẫn bảo lưu một niềm xác tín cho rằng lớp trẻ nhiệt huyết vẫn còn có nhiều chỗ đáng tin, không loại trừ trong số những “hạt giống đỏ” ưu tú là con cháu các ông lớn, có học vấn và tư tưởng tiến bộ hơn các lớp cha anh. Nếu phần lớn trí thức trẻ Việt Nam hiện nay ý thức đầy đủ sứ mệnh lịch sử của mình dám dắt tay nhau đi cùng một hướng đấu tranh cho lý tưởng tốt đẹp họ đã cưu mang, thì chắc chắn sẽ không có những chuyện xảy ra ở các trường đại học dân lập như Duy Tân (Đà Nẵng), Đông Đô (Hà Nội, bán bằng giả), Tôn Đức Thắng (TP. HCM, hiệu trưởng bị ép từ chức)…, bởi vì một số kẻ cường quyền dù thủ đoạn cao sâu đến đâu cũng không thể tự ý tung hoành nếu không có xung quanh họ một lực lượng trí thức đồng lõa vô tình hoặc hữu ý. Vì thế tôi chia sẻ được ý này với nhân vật trí thức khả kính Lưu Hiểu Ba (1955-2017), một nhà đấu tranh cho hoạt động nhân quyền chống độc tài ở Trung Quốc được giải Nobel Hòa Bình rồi cuối cùng cũng lâm nạn, vì thể chế chính trị của Việt Nam và Trung Quốc là rập khuôn nhau kể từ những năm 50 của thế kỷ trước dưới sự lãnh đạo độc tài trái với thiên lý nhân tình của họ Mao gian độc: “Tôi tuyệt đối không tin rằng sự lạc hậu của Trung Quốc là do một số vị hôn quân nào đó gây nên, mà trước hết do tất cả mọi người, vì hệ thống do con người tạo ra. Mọi tấn bi kịch Trung Quốc đều do chính người Trung Quốc tự biên, tự diễn, tự dàn dựng và tự hân hoan thưởng thức. Vì vậy đừng đổ lỗi cho ai khác. Trí thức không nên đóng vai nạn nhân, một mình Mao Trạch Đông thì không thể làm nên cuộc Cách mạng Văn hóa…”.

    Người ta nói, dân nào thì chính phủ đó, điều này có ứng hợp với ý kiến phát biểu trên đây của Lưu Hiểu Ba hay không?

    TVC

    12.8.2021

     

    Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-8-2021

     

     

    Cô giáo Trần Thị Thơ, đảng bộ Duy Tân và “học phí trả bằng máu”…

     

     

    Trần Kỳ Khôi

    15-8-2021

    Báo Tiếng Dân đã đăng rất nhiều bài viết, mổ xẻ, phản ảnh rõ nét về chuyện cô giáo Trần Thị Thơ, bị Đại học Duy Tân buộc nghỉ việc vì cái gọi là có “quan điểm sai trái”.

    Chúng tôi đặt lại vấn đề này trong góc nhìn khác, về “ông chủ” của Trường ĐH Duy Tân và bức màn nhầy nhụa phía sau một môi trường giáo dục. Người mà chúng tôi muốn nói là Lê Công Cơ, một cựu quan chức Cộng sản 55 năm tuổi đảng, cũng là nhân vật chính Nguyễn Phi trong tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, cuốn tiểu thuyết từng bị sinh viên Huế biểu tình phản đối, tẩy chay và đốt sách tại Đại học Sư phạm Huế năm 1984.

     

     

     

     

     

    Chân dung Lê Công Cơ, hồi ký của ông và tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục

     

    Lê Công Cơ còn có tên khác là Lê Phương Thảo, sinh năm 1941, tại Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình bần cố nông. Lê Công Cơ từng kể với mọi người rằng, mẹ ông chết vì đói khi ông mới 6 tuổi. Tuổi thơ của ông là những năm tháng chăn bò và ở đợ, sau đó nhảy núi theo Việt Minh. Lý lịch ông khai rất nhập nhằng, không rõ học tiểu học, trung học ở đâu nhưng lại vừa học Đại học Sài Gòn, vừa học Đại học Huế, lại vừa tham gia Cộng sản, vào Đảng cộng sản năm 1965.

    Bản lý lịch cũng cho hay, Lê Công Cơ từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp sinh viên-học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965), Bí thư Ban Thanh vận, kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế (1969-1972), Ủy viên Thành ủy Huế (1972-1976) …

    Có một mốc thời gian từ năm 1967 đến 1968, Lê Công Cơ giấu nhẹm, không cho biết mình đã ở đâu, làm gì. Lê Công Cơ nói lan man là đi theo Tiểu đoàn 810, quân chủ lực Bắc Việt. Thế nhưng, nhiều nhân chứng cho hay, Lê Công Cơ có mặt cùng những tên “đao phủ” khát máu trong Tết Mậu Thân 1968, những hung thần Việt Cộng nằm vùng tại Đại học Huế từ 1963-1968 mà lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ, đó là: Lê Văn Hảo, Tôn Thất Dương Tiềm (thầy giáo), Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy Việt văn), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên Y khoa năm 2), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên Sư phạm), Nguyễn Thị Đoan Trinh (sinh viên Dược), Trần Quang Long (sinh viên Sư phạm), Phan Chánh Dinh (tức Phan Duy Nhân), Hoàng Văn Giàu (phụ khảo Văn khoa), Nguyễn Thiết (sinh viên Luật), Nguyễn Hữu Vấn (sinh viên Quốc gia Âm nhạc), Bửu Chỉ (họa sĩ), Trần Vàng Sao (sinh viên), Ngô Yên Thy (sinh viên Văn khoa), Trương Quang Ân (học sinh), Nguyễn Văn Mễ (học sinh)…

    Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, nạn nhân đa số là dân thường vô tội, các giáo dân và nhân sĩ trí thức… Họ bị “đồ tể” Việt Cộng nằm vùng và từ chiến khu tràn về đồng bằng để tàn sát, giết hại thảm khốc trong thời gian Cộng sản tạm chiếm cố đô Huế.

     

     

     

     

     

    Dân Huế tang thương trong Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

    Tháng 2/2018, một “đồng chí” thân cận của Lê Công Cơ là Nguyễn Hữu Vấn, cho BBC biết rằng, “chúng tôi đã cố tránh tổn thất cho dân”. Nhưng thật ra, Nguyễn Hữu Vấn xảo trá. Trước đó, Nguyễn Hữu Vấn là Phó chủ tịch Liên minh các lực lượng dân chủ, do Bắc Việt dựng lên tại Huế. Tết Mậu Thân, Nguyễn Hữu Vấn giữ chức Quận trưởng quận 1, Huế của chính quyền Cách mạng.

    Nhiều công chức, nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu, được Nguyễn Hữu Vấn đến tận nhà đảm bảo an toàn, động viên họ ra trình diện. Nhưng sau khi nắm danh sách đầy đủ, Nguyễn Hữu Vấn đã nuốt lời, cho chặt đầu, giết chết, vứt xác tất cả họ vào các hố chôn tập thể hoặc áp giải lên núi hành quyết.

    Sau khi quân lực VNCH tái chiếm Huế, Lê Công Cơ cùng những tên giết người máu lạnh, bỏ chạy khỏi Huế, trốn lên chiến khu.

     

     

     

     

     

    Hàng đầu (từ trái sang): Lê Công Cơ, Xuân Thiều, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hàng sau: Nguyễn Hữu Vấn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh chụp tại chiến khu năm 1969.

     

    Sau năm 1975, Cộng sản Bắc Việt bắt đầu thanh lọc, không dùng và loại bỏ dần những kẻ “nửa mùa”, “trí thức hai mang”.

    Những cái tên như ông bạn Trần Vàng Sao bị đấu tố, Phan Duy Nhân bị thất sũng sau khi nhận “giải an ủi” Quyền Trưởng ban tôn giáo Chính phủ, anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan tàn phế theo các chức vụ văn nghệ tượng trưng, Tôn Thất Dương Tiềm làm Trưởng phòng Giáo dục, Nguyễn Đắc Xuân đi làm báo và suốt cuộc đời cứ biện hộ mình không phải là…”đao phủ” Tết Mậu Thân.

    Lê Công Cơ cũng chịu chung số phận. Không được Trung ương sũng ái đã đành, chính quyền tỉnh nhà cũng lơ đẹp, Lê Công Cơ lại bị quy chụp là “điệp viên nhị trùng”. Cuối cùng, nhờ nhiều đồng hương Quảng Nam ra tay cứu giúp, Lê Công Cơ thoát nạn và “dưỡng lão” với chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

    Buồn chán, Lê Công Cơ xin nghỉ việc, ngồi nhà viết hồi ký, nghiền ngẫm về một thời… tắm máu của mình suốt những năm tháng đi theo Đảng.

    Thập niên 1990, Việt Nam học bài mở cửa của ĐCS Trung Quốc, kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành.

    Năm 1993, Trung ương khoá VII Đảng Cộng sản ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, cho phép mở trường tư thục ở giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học.

    Suy tới, tính lui, thấy không có nghề buôn nào giàu nhanh bằng “buôn chữ”, nên Lê Công Cơ cùng một vài người quen xin lập đề án Đại học Tư thục Miền Trung vào năm 1993.

    Vì không thông thuộc đường dây hối lộ, “bôi trơn”, để xin các quyết định hành chính, thủ tục cấp phép, nên Lê Công Cơ bó tay. Cuối cùng, Lê Công Cơ nhờ vả một số đàn anh đồng hương Quảng Nam sắp xếp để “gõ cửa” nhà bà Nguyễn Thị Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, một cái tên lẫy lừng thời bấy giờ.

    Để lấy lòng bà Bình, Lê Công Cơ đồng ý đặt tên trường là Đại học Duy Tân. Duy Tân là tên một phong trào do cụ Phan Châu Trinh, ông ngoại của bà Nguyễn Thị Bình sáng lập nên. Bà Bình trao đổi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề đại học tư thục Duy Tân, ông Kiệt chỉ đạo Phó thủ tướng Nguyễn Khánh giúp, vậy là hồ sơ lập trường của Lê Công Cơ được đầu xuôi, đuôi lọt.

     

     

     

     

     

    Cha con Lê Công Cơ, Lê Nguyên Bảo và đại hội đảng bộ Duy Tân

     

    Trường Đại học dân lập Duy Tân (ĐH Duy Tân) ra đời, cơ sở học tập phải thuê, đội ngũ giảng viên vay mượn từ các trường công lập hoặc các vị hưu trí. Học sinh khu vực miền Trung, con nhà khá giả và con quan chức học kém, lêu lỏng, trượt đại học chính quy, chỉ mong có tấm bằng cử nhân lận lưng để xin việc làm hoặc vào cơ quan nhà nước, đổ xô tìm về Duy Tân để ghi danh học. Thậm chí những quan chức các ban ngành, vốn hợp thức hoá trình độ để tiến thân, đến Duy Tân sẽ có ngay “cử nhân liên thông”, “cử nhân tại chức”, văn bằng hai… Cứ thế, vợ chồng Lê Công Cơ tha hồ mà đếm tiền.

    Năm 2015, Lê Công Cơ móc nối, “lót tay” để Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký cấp phép ĐH Duy Tân đào tạo hai ngành cực kỳ “hot” mà trước đây chỉ trường công độc quyền: Đào tạo Dược sĩ và Y đa khoa.

    Thanh tra từng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc kê khống đội ngũ giảng viên, nguỵ tạo hồ sơ học hàm học vị… để loè bịp sinh viên theo học và đánh bóng thương hiệu. Nhưng gì thì gì, gia đình Lê Công Cơ cũng “gặt” được cả ngàn tỷ.

    Năm 2020, ĐH Duy Tân bị nhiều trường đại học khác tố cáo dùng “truyền thông bẩn” bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh trong mùa tuyển sinh. Nhiều giảng viên tại ĐH Duy Tân tố cáo, khiếu kiện, khi gia đình Lê Công Cơ “giam lỏng” bằng cấp của họ và đòi khoản tiền “bồi thường” phi lý lên đến cả trăm triệu khi họ xin nghỉ việc.

    Lê Công Cơ rất siêu trong việc thiết lập các mối quan hệ với quan chức, các bộ ban ngành, chính quyền sở tại, công an và cả báo chí. Từ việc nịnh hót “lãnh chúa” Nguyễn Bá Thanh, Lê Công Cơ đưa được con gái Lê Nguyễn Tuệ Hằng, sinh năm 1976, du học Úc theo đề án xài tiền ngân sách của Đà Nẵng. Chưa hết, trụ sở chính trên đại lộ Nguyễn Văn Linh và nhiều cơ sở khác của ĐH Duy Tân, toạ lạc trên “đất vàng” trung tâm thành phố Đà Nẵng… đều nhờ tài “ngoại giao” của Lê Công Cơ mà được “lãnh chúa” cấp cho.

    Nịnh trên, lừa dưới, “bóp cổ” đội ngũ giảng viên và “móc túi” sinh viên, để rồi Lê Công Cơ có được cái mình cần, danh hiệu Anh hùng Lao động (thời kỳ đổi mới) tại Quyết định số 296/QĐ-CTN, ngày 4/2/2016.

    Thâu tóm, loại bỏ dần cổ đông, giờ đây ĐH Duy Tân là “đế chế” gia đình Lê Công Cơ, với các thành viên trong gia đình, nắm giữnhững chức vụ như sau:

    – Lê Công Cơ là Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT

    – Con trai Lê Nguyên Bảo, Phó Bí thư đảng uỷ Đảng bộ Duy Tân, Hiệu trưởng

    – Con gái Lê Nguyễn Tuệ Hằng, đảng uỷ viên, Phó hiệu trưởng

    – Vợ Lê Công Cơ, dâu phụ trách Tài chính, Kế toán, Hậu cần…

    Quay trở lại câu chuyện trường ĐH Duy Tân xác nhận, đã sa thải nữ giảng viên Trần Thị Thơ, đồng thời có công văn gửi đến Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83) Công an TP – Đà Nẵng, tố cáo cô giáo để an ninh điều tra, đã gây bất bình trong dư luận xã hội.

    Cô giáo Thơ có tri thức, có nỗi niềm, giàu lòng trắc ẩn và nhất là có chính kiến. Cô tranh luận và phân tích cho sinh viên thấy quan điểm thương xót đồng bào mình khi hàng trăm ngàn người bị buộc rời khỏi Sài Gòn hồi cuối tháng 7/2021 vì dịch Covid-19 và cô cảm thấy nhục nhã khi chính quyền đã không hỗ trợ, lại còn đuổi không cho họ về quê. Cô cũng cảm thấy phẫn nộ và “nhục nhã” khi so sánh sự bất lực của chính phủ và an sinh xã hội Việt Nam quá kém…

     

     

     

     

     

    Giảng viên Trần Thị Thơ

     

    Những gì cô Thơ nói quả không sai, chỉ sai là cô bị gài bẫy tranh luận nhằm đúng một sinh viên là đảng viên trẻ của đảng bộ Lê Công Cơ và bị ghi hình. Sinh viên kia là thành quả nhào nặn từ nền giáo dục tư tưởng – Mác Lê để trở thành công cụ của Đảng cộng sản.

    Giảng đường XHCN ươm ra những “hạt giống đỏ” sống thờ ơ,vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và quê hương đất nước… nhưng lại nguỵ biện, bảo thủ, bất kính đến nguy hiểm.

    Nếu nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn sống, có lẽ ông sẽ viết phần hai của tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”, mà ở đó người trả “học phí” không phải là Nguyễn Phi (Lê Công Cơ), mà là cô giáo Trần Thị Thơ. Giảng đường nơi cô Thơ phụng sự, hoá ra là một đảng bộ trung thành, thế nên thầy cô giáo ở đây, hay hàng chục ngàn sinh viên theo học, đang trả “học phí bằng máu” cho những người Cộng sản./.

    Tiếng Dân

     

    Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

    Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

    Schließen