Seite auswählen

 LHQ lên tiếng dồn dập về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam – BPSOS kiến nghị LHQ về cách theo dõi và báo cáo tình trạng đàn áp tôn giáo

 

Ngay sau khi Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 22 tháng 9, tuyên bố trước Đại Hội Đồng LHQ là Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền nhiệm kỳ 2023-2025, một số định chế của chính Hội Đồng này đã lên tiếng về các vi phạm bởi chính quyền Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nhân quyền.

 

Ngày 29 tháng 9, Tổng Thư Ký LHQ António Guterres công bố bản phúc trình hàng năm về tình trạng hăm doạ và trả thù đối với những người báo cáo vi phạm nhân quyền cho LHQ. Việt Nam, với 11 trường hợp được báo cáo, tiếp tục ở trong số các quốc gia bị báo cáo nhiều nhất về hành vi hăm doạ và trả thù.

 

“Kể từ năm 2019, BPSOS đã báo cáo cho văn phòng Tổng Thư Ký LHQ trên dưới 60 hồ sơ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Việt Nam đã đứng trong nhóm quốc gia hàng đầu thế giới về số hành vi hăm doạ và trả thù bị báo cáo.”

Hình 1. Báo cáo của ISHR, trang 30

 

Theo cuộc nghiên cứu của tổ chức International Services for Human Rights (Dịch Vụ Quốc Tế cho Nhân Quyền), tổng kết 10 năm phúc trình về hăm doạ và trả thù, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về số hồ sơ được báo cáo và đứng thừ 2 về số nạn nhân được nêu tên, trên cả Trung Quốc.

 

Trong bản phúc trình năm 2021, Việt Nam có tên trong số 5 quốc gia sử dụng một cách phổ biến biện pháp bắt giam để trả thù, một tình trạng được LHQ xem là mang tính “dạng mẫu”. Các quốc gia kia gồm có: Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Ả Rập Xê Út.

 

Ngày 5 tháng 10, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tình trạng các người bảo vệ nhân quyền công bố bản phúc trình hoàn tất ngày 19 tháng 7 về các tù nhân lương tâm với hạn tù lâu năm. Lâu năm được định nghĩa là từ 10 năm trở lên bao gồm cả thời gian quản chế và tính tổng cộng các lần đi tù.

 

Theo Ts. Thắng cho biết, Báo Cáo Viên Đặc Biệt ghi nhận 38 trường hợp tù nhân lương tâm lâu năm ở Việt Nam. Ông Trần Huỳnh Duy Thức được chọn để nêu tên trong bản phúc trình như một trường hợp điển hình.

 

“Tháng tới đây, vị Báo Cáo Viên Đặc Biệt này sẽ gửi công văn cho chính phủ Việt Nam về tất cả 38 trường hợp” Ts. Thắng giải thích. “Chúng tôi đã dành tháng 3 và 4 vừa qua để liên lạc với thân nhân của các tù nhân lương tâm lâu năm để lấy chữ ký chấp thuận cho LHQ lên tiếng.”

 

Ngày 23 tháng 9, đáp ứng lời kêu gọi góp ý của Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ, tổ chức BPSOS đóng góp ý kiến cho bản phúc trình đang được soạn thảo về tình trạng bất bao dung trên căn bản tôn giáo hay niềm tin. BPSOS đề xuất 8 kiến nghị xoay quanh 3 trọng tâm đối với Việt Nam: (1) theo dõi sát các khuynh hướng đàn đáp mới xuất hiện, (2) nhận diện các tác nhân đặc thù, và (3) theo dõi tình trạng của các nhóm nạn nhân cần đặc biệt quan tâm.

 

“Chúng tôi nhắc nhở LHQ là họ có đủ dữ liệu để theo dõi sâu và sát hơn với tình hình ở Việt Nam thay vì phúc trình tổng quát,” Ts. Thắng giải thích. “Có vậy, quốc tế sẽ có cơ sở để chú ý đặc biệt đến các đơn vị chính quyền vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và can thiệp hiệu quả cho các thành phần nạn nhân của họ.”

 

Trong 7 năm qua, riêng BPSOS đã nộp 225 bản báo cáo liên quan đến tổng cộng khoảng 300 vụ vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.

 

Thông tin liên quan:

Bản phúc trình về hăm doạ và trả thù: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/10/BPSOS-Combating-Intolerance-Based-on-Religion-or-Belief-09-23-2021.pdf

Bản phúc trình về tù nhân lương tâm lâu năm: https://undocs.org/A/76/143

Bản báo cáo của BPSOS về đàn áp tôn giáo: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/10/BPSOS-Combating-Intolerance-Based-on-Religion-or-Belief-09-23-2021.pdf

Phân tích của tổ chức ISHR về hăm doạ và trả thù: https://www.ishr.ch/sites/default/files/documents/reprisals_study_final_web.pdf

http://machsongmedia.org

BPSOS (09.10.2021)

 

 

Báo Nhà nước lên án báo cáo nhân quyền của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam

Hình minh hoạ: phiên toà hôm 5/1/2021 tại Toà án Nhân dân TPHCM kết án tù ba nhà báo của Hội Nhà báo độc lập gồm Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thuỵ (trái), và Lê Hữu Minh Tuấn.  AFP

Báo Dân Sinh, cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 7/10 có bài viết phản bác những cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền được đưa ra trong báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố hồi tháng 6 năm nay.

Báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam về tình hình nhân quyền trong nước năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021 có tám chương với 105 trang. Theo đó, chính quyền Việt Nam bị tố cáo đã vi phạm nhân quyền trong nhiều lĩnh vực bao gồm: tình trạng bạo hành của công an đối với người dân, các bản án bỏ túi trong các vụ án chính trị, tình trạng đối xử bất nhân trong hệ thống nhà tù. Báo cáo cũng cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ 288 tù nhân lương tâm.

Theo báo Dân Sinh, báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền VN (MLNQVN)  là “nhằm chống phá đất nước”, “tìm cách gán ghép các hành vi phạm tội, mọi hiện tượng tiêu cực, mọi rủi ro xảy ra trong xã hội đều là “cố ý” của chế độ chính trị hiện nay, là sự vi phạm nhân quyền của Nhà nước.”

Bài báo cũng cho rằng MLNQVN là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân, một đảng đối lập của người Việt ở nước ngoài bị Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.

Theo báo cáo: “Trong nhiều năm qua, những kẻ cầm đầu cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền dưới các loại chiêu trò như trao “giải thưởng nhân quyền” hay công bố “báo cáo nhân quyền” hằng năm để xuyên tạc thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam.”

Từ năm 2002 đến nay, MLNQVN đã trao giải thưởng nhân quyền hàng năm cho khoảng 47 cá nhân là các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền trong nước. Tuy nhiên, báo Nhà nước quy kết những người này đa phần là đối tượng chống đối pháp luật.

Việt Nam từ trước đến nay vẫn khẳng định không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị bỏ tù vì vi phạm pháp luật Việt Nam.

Việt Nam sử dụng một số điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự, phổ biến là các Điều 117 và 331 về tuyên truyền và lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kết án những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền. Đây là các điều luật đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ, dùng để đàn áp người dân và cần phải loại bỏ.

RFA (08.10.2021)

 

 

Dân biểu, xã hội dân sự tại Đan Mạch lên tiếng vì quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam

Đoàn người trên đường đến trụ sở Google tại Copenhagen, Đan Mạch để trao kiến nghị hôm 7/10/2021.  Courtesy of Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam

Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam tổ chức hôm 7 tháng 10 tại Đan Mạch, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Copenhagen đang triển khai một dự án với tên gọi là “Tech for Democracy” (công nghệ vì dân chủ), nhắm vào việc dùng công nghệ để hỗ trợ các phong trào đấu tranh cho dân chủ tại các nước độc tài.

Bà Helena Hương Nguyễn, Trưởng Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam, nói dự án Tech for Democracy do Bộ Ngoại giao Đan Mạch khởi xướng:

“Project (dự án) này của Đan Mạch khởi xướng nhưng nhắm vào toàn thế giới, nhiều quốc gia và những tech company (công ty công nghệ) quốc tế. Vì họ thấy được ví dụ như Facebook rất quan trọng đối với người dân ở các nước độc tài. Thành ra họ muốn liên kết với Facebook và Silicon Valley để không dập tắt những phong trào dân chủ”.

Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam, một tập hợp nhiều hội đoàn và cá nhân Việt Nam tại Đan Mạch, đồng tổ chức hội thảo cùng với tập hợp Globalt Fokus của 80 hội đoàn phi chính phủ tại Đan Mạch. Bà Helena cho rằng chính quyền Đan Mạch đã nhận rõ nhiều người dân Đan Mạch có khuynh hướng quan tâm đến nhân quyền và quyền trên mạng tại Việt Nam. Thời gian qua nhiều Facebooker và nhà báo tự do tại Việt Nam đã bị bắt vì lên tiếng về những điều sai trái trong xã hội nước này. 

“Chính quyền Đan Mạch và Bộ Ngoại giao Đan Mạch có khuynh hướng như vậy là một sự khởi đầu, một tin vui, một sự nâng đỡ, hỗ trợ tinh thần cho những phong trào đối kháng. Mọi chuyện, họ cũng nói phải từ từ để họ ra một chương trình hoạt động”.

Bà Helena cho biết Bộ Ngoại giao Đan Mạch đang nhắm đến một thỏa thuận với nhiều quốc gia, nhiều công ty công nghệ như Facebook và Google để có một số quy định về hoạt động mạng xã hội ở các nước độc tài như Việt Nam. Vì vậy, những buổi hội thảo như ngày hôm nay là một cơ hội để cộng đồng người Việt liên đới với các nhà lãnh đạo Đan Mạch cũng như Châu Âu và các tổ chức phi lợi nhuận để trao đổi và nâng cấp tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh quyền biểu đạt tại Việt Nam.

Đây là năm thứ nhì Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam và Globalt Fokus tổ chức Hội thảo về Quyền Tư Do Ngôn Luận và chủ đề xoay quanh quyền truy cập trên mạng trong lúc Facebook, công ty có trụ sở tại Silicon Valley, thung lũng điện tử của Hoa Kỳ, đang bị chỉ trích đặt lợi nhuận riêng trên lợi ích cộng đồng. 

Tại Việt Nam, cách điều hành của Facebook đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và nhà hoạt động lên án rằng đã hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân, thậm chí hỗ trợ chính sách dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến của Hà Nội.

Ông Trần Đức Tuấn Sơn, thành viên Đảng Việt Tân và là một trong các diễn giả của buổi hội thảo, chia sẻ:

“Facebook bây giờ cũng có một số hành vi ngăn chặn người trong nước xem một số bài vở đăng trên Facebook mà những người ngoài Việt Nam có thể truy cập được. Tôi lấy một vài ví dụ trên trang nhà của Facebook Việt Tân chúng tôi thường xuyên đăng một số bài hàng ngày. Có một số bài thì mọi người được xem. Nhưng có một số bài khác thì chỉ có những người ở ngoài nước Việt Nam truy cập được thôi. Ví dụ như là một bài gần đây nói lên sự lan tràn của COVID-19 trong nước, một bài rất vô thưởng vô phạt, nói về một đề tài rất thời sự cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi không hiểu tại sao mà Facebook lại ngăn chặn sự truy cập của bài đó cho tất cả những người ở trong nước Việt Nam qua sự yêu cầu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chứ không phải là tự Facebook làm. 

Mỗi lần Facebook làm vậy là theo yêu cầu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đây là vấn đề chúng tôi cần nêu lên trên dư luận quốc tế”.

Ông Sơn nói thêm, đây là cách điều hành của Facebook tại nhiều quốc gia độc tài trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam nên người Việt có thể góp tiếng nói cùng với các tổ chức đấu tranh các nước trong nỗ lực này. Vẫn theo lời ông Sơn, riêng Việt Tân có những cuộc đàm phán với Facebook, nhưng kết quả đạt được chỉ chừng mực mà thôi. Ngoài ra tổ chức đấu tranh này cũng vận động các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ có những quy định phù hợp đối với quyền hạn của Facebook.

Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam hôm 7/10/2021 tại Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Courtesy of Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam

Dân biểu Quốc hội Châu Âu của Đan Mạch, bà Marianne Vind trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do sau hội thảo, đã chia sẻ rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA), bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, là một công cụ tốt để các nhà ngoại giao Châu Âu thúc giục Việt Nam phải tôn trọng những cam kết về nhân quyền và dân quyền, đặc biệt quyền của người lao động. Bà nói:

“Chúng tôi đã có một số kết quả về quyền của người lao động, vì hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) hơn. Vì vậy, chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng các công nhân trên khắp đất nước Việt Nam hiện không cảm thấy như vậy.

Nhưng khi chính phủ đã ký một số công ước, thì đây là một công cụ để thúc giục họ tôn trọng các quyền. Trên nguyên tắc người dân Việt Nam bây giờ có nhiều quyền hơn. Tôi biết chỉ có trên văn bản không là chưa đủ, nhưng đây là hướng đi đúng đắn”.

Dân biểu Vind nhấn mạnh vấn đề nhân quyền liên tục được đưa lên bàn thảo luận giữa EU và Việt Nam. 

“Chúng tôi đang theo dõi những gì đang diễn ra ở Việt Nam, và nếu chúng tôi thấy những điều đi ngược lại với cam kết hoặc không đi đúng hướng, chúng tôi có thể liên hệ với Việt Nam và hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi có thể đưa ra những biện pháp. Và nếu vấn đề tồi tệ đến mức đạt ngưỡng, thì chúng tôi có thể chấm dứt các hiệp định thương mại”.

Trước và sau Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam, các tham dự viên đã đi bộ đến trụ sở của Facebook và Google tại Copenhagen để trao kiến nghị, yêu cầu hai công ty công nghệ khổng lồ này không tiếp tay cho chính quyền Hà Nội trong việc đàn áp tiếng nói của người dân Việt Nam.

Giang Nguyễn, RFA (08.10.2021)

 

Linh mục Đinh Hữu Thoại bác bỏ cáo buộc của truyền thông Việt Nam về các bài viết trên Facebook

Linh mục Đinh Hữu Thoại. Photo provided by Dinh Huu Thoai.

Truyền thông Việt Nam vừa qua đồng loạt công kích Linh mục Công giáo Đinh Hữu Thoại, cho rằng ông sử dụng các tài khoản trên Facebook để đăng bài “xuyên tạc”, “bôi nhọ” chủ trương chính sách, công tác phòng chống COVID-19 ở Việt Nam. Tuy nhiên, Linh mục Đinh Hữu Thoại đã phản bác cáo buộc này, ông nói với VOA: “Tất cả những gì mà họ cho rằng tôi viết trên Facebook là đã lấy từ các trang Facebook giả mạo tôi để đưa lên vu khống.”

Trang Công an Nhân dân Online (CAND) hôm 3/10 viết: “Trong giai đoạn cả nước đang “căng mình” phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì Đinh Hữu Thoại, linh mục phụ tá Giáo xứ Tiên Phước, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, lại có nhiều bài viết, bình luận trên các trang mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước”.

Truyền thông Việt Nam cho rằng những bài viết, bình luận “không có căn cứ, sai sự thật của linh mục Đinh Hữu Thoại là vi phạm pháp luật theo Luật An ninh mạng về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng,” đồng thời dọa rằng “cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của linh mục.”

Cổng thông tin tỉnh Quảng Nam cho biết Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Nam đã có giấy mời làm việc với linh mục Đinh Hữu Thoại. “Tuy nhiên, viện nhiều lý do, linh mục Đinh Hữu Thoại không hợp tác, phớt lờ giấy mời của Sở TT&TT,” các trang mạng của chính quyền cho biết.

VOA đã liên lạc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, báo Công an Nhân dân Online (CAND), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Quảng Nam (QRT) để tìm hiểu phản ứng của các cơ quan này trước phát biểu của Linh mục Thoại, nhưng chưa được phản hồi.

Từ giáo xứ Tiên Phước, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, Linh mục Công giáo Đinh Hữu Thoại dành cho VOA cuộc phỏng vấn sau đây:

VOA: Linh mục có ý kiến gì trước các cáo buộc của truyền thông nhà nước Việt Nam?

Linh mục Đinh Hữu Thoại: Từ tối ngày 2/10/2021 cho đến nay, đồng loạt nhiều trang báo điện tử, đài truyền hình và mạng xã hội, cụ thể là đài VOV, CAND, QRT… đưa tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, danh phẩm của tôi, một linh mục công giáo.

Tôi thật sự bất ngờ. Tôi sử dụng Facebook liên tục từ năm 2009, nhưng thời gian sau này Facebook của tôi liên tục bị tấn công, từ lúc đầu bị khóa 24 tiếng, đến 3 ngày, 7 ngày. Tiếp đó Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam gửi giấy mời làm việc, ngay sau ngày hôm đó Facebook của tôi bị khóa 30 ngày, và sau đó không thể truy cập được nữa.

Họ chuẩn bị các phóng sự này rất kỹ từ trước, cho nên vào ngày 18/9, ngày tôi đi chích vaccine ngừa cúm Vũ Hán, họ đã bố trí truyền thông quay phim. Tôi cứ nghĩ rằng họ quay làm tin về chích vaccine thôi, ai ngờ rằng những hình ảnh của tôi xuất hiện trong các clip…

Điều đáng nói là tất cả những gì mà họ cho rằng tôi viết trên Facebook là đã lấy từ các trang Facebook giả mạo tôi để đưa lên vu khống. Vậy thì ai đã sử dụng các Facebook giả mạo đó để đấu tố tôi trên truyền thông?

Cách mà họ xưa nay làm sử dụng truyền thông độc quyền để bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, và gây hiểu lầm, chia rẻ…

VOA: Hiện nay Linh mục còn sử dụng trang Facebook nào không Linh mục đã có phản hồi đối với các văn thư của chính quyền như thế nào?

Linh mục Đinh Hữu Thoại: Hiện nay tôi không còn trang Facebook nào để lên tiếng. Nếu có lên tiếng thì tôi cũng phải nhờ các trang mạng của những người quen biết có uy tín đăng dùm bởi vì bản thân tôi không còn trang Facebook.

Phản ứng của tôi trước các cáo buộc này là với sứ mệnh của một linh mục công giáo, chúng tôi không bao giờ khuất phục trước sự sai trái. Từ trước đến nay, cũng có nhiều linh mục dám nói thẳng mà không sợ bị đàn áp, bắt bớ.

Bản thân tôi, tôi hoàn toàn phản đối các cáo buộc của các cơ quan truyền thông nhà nước trong thời gian vừa qua.

Tôi yêu cầu họ thực hiện Điều 42 của Luật Báo chí 2016 – trong đó nói rằng nếu cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi, gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng…

Cả ba thư mời tôi đều đã phúc đáp rằng không có đủ căn cứ rằng để mời tôi làm việc, họ phải có tài liệu chứng minh rằng những tài liệu mà họ cho rằng tôi nói là thật sự rằng tôi nói. Cái Facebook mà họ nêu ra đó, phải chứng minh rằng tôi là chủ sở hữu. Vì thực tế là họ căn cứ trên các Facebook giả mạo. Họ lấy nội dung trên các trang giả mạo để tấn công mình. Cái này là họ cố tình, chứ không phải làm việc nghiêm túc.

VOA: Linh mục có thể cho nhận xét chung về cách chính quyền Việt Nam thực hiện phòng chống dịch COVID-19?

Linh mục Đinh Hữu Thoại: Quan sát trong thời gian vừa qua về ứng phó với đại dịch COVID-19, như đã thấy nhan nhản trên truyền thông và Facebook rằng các quan chức đã nhìn nhận sai lầm, và các chuyên gia trong và ngoài nước đã phân tích sự sai lầm đó.

Tôi có thể nói như thế này: sự sai lầm đã làm chết oan gần 2 vạn người, sự sai lầm đã đẩy hàng triệu người tháo chạy khỏi thành phố để về quê, gây nên cảnh hỗn loạn, tang thương; sự sai lầm đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, và sự sai lầm đã đánh gục nền kinh tế nước nhà, đồng thời gây tổn thương sức khỏe của dân tộc.

Tuy nhiên, sự thiệt hại đã được cứu một cách ngoạn mục, nhờ vào các nhóm tôn giáo, các cá nhân, và các nhóm xã hội dân sự…Nhờ những cá nhân và các tổ chức thiện nguyện này đã lấp vào và làm thay cho cả một hệ thống xã hội phức tạp đang vận hành bỗng dưng bị tê liệt, như ở Sài Gòn chẳng hạn.

Tất cả những điều đó, như nhà nước đã thấy, và vấn đề là nhà nước có biết ơn những cá nhân và những tổ chức thiện nguyện này hay không? Họ làm vì cái tâm và không cần trả ơn. Nhưng nhà nước phải thấy đâu là sức mạnh của dân tộc, nếu mà nhà nước không thấy thì họ sẽ tiếp tục sai lầm lớn hơn nữa.

VOA (08.10.2021)

 

Ông Đinh Văn Hải bị bắt theo điều 117

Ông Đinh Văn Hải- Nguồn hình FB Chua Phuoc Buu

Vào sáng 7 tháng 10 năm 2021, công an Cộng sản tỉnh Lâm Đồng kết hợp với công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xông vào chùa Phước Bửu ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Đinh Văn Hải theo điều 117.

Hoà thượng Thích Vĩnh Phước, Trụ trì chùa Phước Bửu cho biết, sau khi nghe công an đọc lệnh bắt tạm giam, ông Hải đã không chịu ký vào thông báo nên phía công an không để lại bất kỳ giấy tờ gì cho Hoà thượng. Sau khi đọc lệnh bắt ông Hải, thì công an tỉnh Lâm Đồng đã đưa ông về địa phương để giam giữ. Theo Hoà thượng Thích Vĩnh Phước, lúc xảy ra sự việc, phía công an Cộng sản đã huy động một lực lượng rất đông kéo đến chùa, và ngăn không cho bất kỳ một người nào trong chùa được cầm điện thoại đến gần để quay phim, chụp hình.

Được biết, ông Hải quê ở tỉnh Lâm Đồng, ông là một người tật nguyền về cơ thể, nhưng luôn quan tâm đến tình hình đất nước, và liên tục lên tiếng trước những bất công của xã hội. Ông Hải cũng đã nhiều lần xuống đường biểu tình, bày tỏ chính kiến. Vì vậy, ông thường xuyên bị công an, an ninh địa phương sách nhiễu, mời làm việc, thậm chí là đánh đập gây thương tật.

Trước khi bị bắt, ông Hải đã bị công an tỉnh Lâm Đồng gửi giấy triệu tập 3 lần nhưng do dịch bệnh ông không thể đi tới trình diện. Khoảng 5 tháng nay, ông Hải đã đến chùa Phước Bửu để tá túc. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có ít nhất 9 người bị công an Cộng sản bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Theo SBTN (08.10.2021)

 

 

 

Việt Nam bắt Facebooker khuyết tật Đinh Văn Hải

Ông Đinh Văn Hải. Photo by Thich Vinh Phuoc

Hôm 7/10, chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động, Facebooker Đinh Văn Hải, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, khi ông đang tá túc ở chùa Phước Bửu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu, người chứng kiến việc bắt giam và khám xét nơi ở của ông Hải, nói với VOA:

“Việc bắt giam này do Công an tỉnh Lâm Đồng kết hợp với Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện. Đầu tiên, họ đến cúp điện, sau đó tạo cớ đưa người vô chùa cúng gạo. Rồi họ nói có người tố giác trong chùa chứa chấp người lung tung.”

“Ông Hải không chấp nhận quyết định bắt tạm gian bốn tháng và ông không ký bất kỳ giấy tờ nào.”

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước cho biết sau khi công an đến khám xét và tịch thu hai điện thoại di động, họ đọc lệnh bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Nhà hoạt động Đinh Văn Hải, 47 tuổi, từ trước đến nay đã nhiều lần bị Công an tỉnh Lâm Đồng gửi giấy triệu tập vì nội dung các bài viết của ông trên Facebook cá nhân, theo các giấy triệu tập mà VOA nhìn thấy.

VOA đã liên lạc Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm hiểu thêm về việc bắt tạm giam ông Hải, nhưng chưa được phản hồi.

“Họ nói bắt giam Hải vì đăng bài lên Facebook,” trụ trì chùa Phước Bửu cho biết.

“Anh Hải lập trang Facebook để bày tỏ về cách chống dịch COVID-19. Anh viết vài bài thì bị khóa. Khoảng 1 tuần hay vài ngày thì mở lại, và mấy tháng nay thì bị khóa liên tục.”

 

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước bày tỏ sự quan ngại khi một người khuyết tật như ông Hải bị bắt giam trong thời gian cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội và chỉ vì ông bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

Sau khi ông Hải cùng bạn bè đến thăm nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh ở Lâm Đồng và bị người lạ mặt hành hung gây thương tích vào tháng 6/2018, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế đã lên tiếng báo động về sự trả thù nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền.

Kể từ đó, tổ chức nhân quyền The 88 Project có trụ sở ở Hoa Kỳ đã đưa ông Hải vào danh sách các nhà hoạt động có rủi ro cao.

VOA (07.10.2021)

 

 

Trường hợp tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đã được trình lên Liên Hiệp Quốc

Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TPHCM hôm 20/1/2010 AFP

Trường hợp tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức được Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những nhà bảo vệ nhân quyền, Mary Lawlor, nêu rõ trong báo cáo của bà gửi cho Liên Hiệp Quốc.

Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc vào ngày 5/10 cho biết như vừa nêu.

Theo đó, trong báo cáo có tên ‘State in denials: the long term detention of human rights defenders (tạm dịch Các Nhà nước bác bỏ thực tế giam cầm lâu dài những nhà bảo vệ nhân quyền), báo cáo viên đặc biệt Mary Lawlor phân tích tình hình của những nhà bảo vệ nhân quyền đang phải thụ án từ chục năm trở lên.

Báo cáo nhằm mục đích thu hút chú ý đến những yếu tố cơ bản cho hiện tượng giam cầm lâu dài những nhà bảo vệ nhân quyền chỉ vì các hoạt động hợp pháp của họ trong lĩnh vực này.

Đối với Việt Nam, báo cáo nêu trường hợp của tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Cụ thể, ông Thức, 55 tuổi, là một nhà bảo vệ nhân quyền cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng viết blog về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam với bút danh Trần Đông Chấn. Thông tin mà báo cáo viên đặc biệt Mary Lawlor nhận được là ông bị bắt vào ngày 24/5/2009. Có cáo buộc nói ông bị tra tấn trong thời gian trước khi ra tòa nhằm buộc ông phải nhận tội.

Ban đầu ông bị bắt với cáo buộc ‘trộm cước viễn thông’, nhưng sau đó bị khởi tố tội lật đổ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999. Ông bị ra tòa vào ngày 20/1/2010 với ba người khác và bị tuyên án 16 năm tù và năm năm quản chế.

Suốt thời gian ở tù, ông bị bạc đãi và thường nằm trong tầm ngắm của quản giáo do cổ xúy cho quyền của những tù nhân khác. Việc liên lạc với gia đình của ông bị giới hạn.

Hồi tháng 5/2016 ông bị chuyển đi đến một trại giam xa nhà mà lý do không được cho biết rõ.

Việt Nam là một trong 24 nhà nước mà báo cáo viên đặc biệt Mary Lawlor gửi văn bản liên quan vấn đề giam cầm lâu ngày 38 nhà bảo vệ nhân quyền; trong đó, trường hợp đặc biệt được nêu ra là Trần Huỳnh Duy Thức.

RFA (06.10.2021)

 

 

Việt Nam bắt Facebooker từng làm báo vì ‘nói xấu Đảng, Nhà nước’

Facebooker Võ Hoàng Sơn tại cơ quan công an.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, vừa khởi tố, bắt giam một Facebooker từng làm báo vì các bài đăng trên Facebook bị cho là chống phá Đảng, Nhà nước và xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ông Võ Hoàng Thơ, 36 tuổi, bị khởi tố và bắt giam vào ngày 6/10 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân” theo khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự, báo Công an TPHCM đưa tin.

Tờ báo dẫn thông tin từ cơ quan điều tra cho biết Võ Hoàng Thơ đã thừa nhận đăng 47 bài viết trên tài khoản Facebook có tên “Minh Long”. Các bài viết này bị Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ giám định và kết luận là “thể hệ tính tiêu cực, xuyên tạc, chống phá đảng, nhà nước; xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn các mặt trong đời sống xã hội”.

Theo cơ quan công an của Việt Nam, Võ Hoàng Thơ là một người “có trình độ”, từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực báo chí “nhưng có nhận thức sai lệch về tình hình xã hội, nhất là các chính sách trong tình hình dịch bệnh COVID-19”, Tiền Phong cho biết thêm.

Ông Thơ cũng bị cáo buộc truyền bá tư tưởng chống đối, phản động, kích động, kêu gọi các thành phần xấu, bất mãn, chống phá Đảng, Nhà nước… khi đăng lên mạng xã hội Facebook các bài viết có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Đảng, đến danh dự uy tín của các cá nhân là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đây là vụ bắt giữ mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ Facebooker, blogger và các nhà báo và người làm truyền thông độc lập kể từ thời điểm bắt đầu diễn ra đại dịch COVID-19. Trong số hàng chục nhà báo, blogger đã bị bắt bao gồm cả các nhà báo nổi tiếng như Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh và nhóm “Báo sạch”, nhà văn-nhà báo Phạm Chí Thành (blog “Bà Đầm Xoè”), nhà báo Lê Văn Dũng (kênh “Le Dung Vova”)… Hầu hết đều bị cáo buộc về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, tự do tại Việt Nam từng đưa ra nhận định với VOA rằng đại dịch COVID-19 là “cơ hội vàng” để chính quyền trấn áp và bắt giam những tiếng nói bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người thu hút được số lượng khán giả theo dõi lớn.

Bất chấp những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam cho tới nay vẫn không cho phép các hãng truyền thông độc lập được hoạt động trong nước.

Trong báo cáo về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới hàng năm của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm 2020, Việt Nam bị xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia.

VOA (06.10.2021)

 

 

 

Tuyên bố nhân một năm ngày nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt

Ảnh: Adam Bemma/Al Jazeera và Paul Mooney. Đồ họa: LIV.

Ngày 7/10/2021 đánh dấu tròn một năm kể từ khi nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt. Cô bị điều tra về “tội tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999 và “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015.

(Các thông tin trước đây cho biết cô bị bắt lúc gần nửa đêm ngày 6/10/2020.)

Kể từ đó tới nay, cô không được liên lạc với bên ngoài. Chính quyền không cho phép gia đình và luật sư gặp gỡ cô. Vào cuối tháng 8/2021, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội thông báo với luật sư của Đoan Trang rằng quá trình điều tra đã kết thúc và họ đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố cô theo Điều 88, đồng nghĩa với việc cáo buộc theo Điều 117 đã bị hủy. Cô hiện nay phải đối mặt với một bản án có thể lên tới 20 năm tù.

Là một nhà báo, Phạm Đoan Trang đã dành cả sự nghiệp của mình để ghi lại và phanh phui sự tàn ác và những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, bất chấp mối nguy hiểm thường trực tới tính mạng và sự an toàn của bản thân. Việc làm của cô đã được cộng đồng trong nước và thế giới tôn vinh cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với sự lạm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine khẳng định lập trường lên án hành động đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên của chúng tôi. Sự sách nhiễu mà cô phải chịu đựng, cộng với việc bị bắt giam, là những hành vi vi phạm rõ ràng và trắng trợn với quyền tự do ngôn luận của cô. Đó cũng là một sự đàn áp trực diện với tự do báo chí và báo chí độc lập. Trần Quỳnh Vi, Đồng giám đốc của LIV và Tổng biên tập của The Vietnamese Magazine, cho biết: “Ở mọi nơi trên thế giới, một nhà báo phải được làm báo và một người viết phải được ra sách. Làm báo không phải là tội phạm và nhà báo không phải tội nhân. Chính sự đàn áp những quyền con người căn bản này mới là tội phạm”.

Chúng tôi một lần nữa kêu gọi bạn bè và đồng nghiệp lên tiếng yêu cầu chính quyền trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang, cũng như hủy bỏ toàn bộ các cáo buộc hình sự vô lối đối với cô. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi cô được tự do.

Toàn văn tuyên bố bằng tiếng Anh

 LUẬT KHOA TẠP CHÍ  (06.10.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen