Seite auswählen

Chuyên gia Bill Hayton đăng chân dung bà Phạm Đoan Trang và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà hôm 18/11/2021. Photo by Bill Hayton.

Tại một hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Bill Hayton, một chuyên gia người Anh, đã kêu gọi Bộ Công an Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Ông Hayton cho rằng việc chấp nhận các tiếng nói độc lập trong nước sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.

Ông Hayton cho VOA biết rằng khi ông phát biểu trực tuyến hôm 18/11 tại Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 13, ông đã đăng chân dung của bà Phạm Đoan Trang sau phần trình bày của mình và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Bill Hayton phát biểu trực tuyến tại hội thảo 18/11/2021. YouTube South China Seas Studies.

Viết cho VOA qua email, ông Bill Hayton, chuyên gia cao cấp, Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Chatham House có trụ sở tại London, thuật lại lời kêu gọi của ông tại hội thảo:

“Tại thời điểm này, tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc nghiên cứu độc lập và lý do tại sao các chính phủ nên bảo vệ quyền của người dân về các ý kiến khác biệt.

Tôi muốn Bộ Công an hiểu rằng Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiều hơn nếu nước này ngừng bắt giam những người dũng cảm như Phạm Đoan Trang.

Ông Bill Hayton: “Vào thời điểm này năm ngoái, tôi đã được mời tham gia hội nghị này, nhưng tôi từ chối tham dự vì Bộ Công an Việt Nam vừa bắt nhà báo dũng cảm của Việt Nam Phạm Đoan Trang. Một năm sau, bà Trang vẫn còn ở trong tù, đối mặt với những cáo buộc vô lý.

“Hôm nay tôi trình bày về vấn đề lịch sử, nhưng tôi muốn Bộ Công an hiểu rằng Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiều hơn nếu nước này ngừng bắt giam những người dũng cảm như Phạm Đoan Trang.”

Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề: “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn” được Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) tổ chức vào hai ngày ngày 18 và 19/11 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, cả trực tiếp và trực tuyến.

DAV trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, nơi đào tạo, nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ ngoại giao Việt Nam.

VOA đã liên lạc DAV và Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến của hai cơ quan này về phát biểu của ông Hayton, nhưng chưa được phản hồi.

Kênh YouTube South China Sea Studies của DAV hôm 21/11 có đăng lại phần trình bày của chuyên gia Hayton ngày 18/11 với tựa đề “1899: Khi Trung Quốc từ chối trách nhiệm đối với Hoàng Sa”, trong đó ông nêu bằng chứng mới cho thấy triều đình nhà Thanh của Trung Quốc phủ nhận việc họ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trước thế kỷ XX. Tuy nhiên, phần ông nói về Phạm Đoan Trang đã bị kênh này cắt đi.

Trang South China Sea News, một tổ chức phi chính phủ ở Đức, viết trên Twitter cảm ơn ông Hayton vì “đã lên tiếng các nghiên cứu và tiếng nói độc lập”. Tổ chức này bày tỏ sự đồng tình với ông Hayton rằng “việc chấp nhận các ý kiến độc lập sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam”.

Bà Phạm Đoan Trang, tác giả của sách “Chính trị Bình dân”, bị bắt hồi tháng 10/2020 ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện bị tạm giam ở Hà Nội với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 trong Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Hayton, cựu phóng viên của BBC, từng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà báo độc lập khác.

Ngay sau khi bà Đoan Trang vừa bị bắt, ông Hayton quyết định không tham dự Hội thảo khoa học về Biển Đông của DAV lần thứ XII diễn ra vào tháng 11/2020, nhưng ông kêu gọi Đại sứ châu EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nêu vấn đề Phạm Đoan Trang tại sự kiện này. Ông viết trên Twitter: “Xin Đại sứ trình bày với hội nghị rằng có mối liên hệ giữa cách đối xử của Việt Nam với những người như Phạm Đoan Trang và sự sẵn lòng của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam.”

Tương tự, ông David Hutt, một ký giả tự do người Anh, cũng đề cập đến nhà báo Phạm Chí Dũng và Phạm Đoan Trang tại phiên thảo luận về vai trò của truyền thông và tranh chấp Biển Đông tại Hội thảo Biển Đông vào năm ngoái của DAV, theo trang Twitter của ông Hayton và ông Hutt.

Vào cuối tháng 10/2021, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền ra thông cáo nói rằng Điều 88 trong Bộ luật Hình sự 1999 mà Việt Nam áp dụng để truy tố bà Phạm Đoan Trang là điều luật “được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền”.

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền rút bỏ những điều luật vi phạm quyền tự do về bày tỏ ý kiến và biểu đạt như vậy”, các chuyên gia LHQ cho biết.

VOA (22.11.2021)

 

 

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố Giải Nhân quyền Việt Nam 2021

Ba người cùng một gia đình đấu tranh cho dân oan gồm bà Cấn Thị Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, và hai người hoạt động nhân quyền khác là cô Đinh Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Văn Túc đã được bầu chọn để nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2021. Cả 5 vị hiện đang bị giam giữ trong nhà tù cộng sản Việt Nam.

Cũng như năm ngoái, năm nay vì tình hình dịch Covid chưa chấm dứt, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã công bố kết quả GNQVN năm 2021 qua một buổi sinh hoạt trên Internet vào hồi 9 giờ sáng (ET) ngày 20 tháng 11 năm 2021. Tham dự sinh hoạt nầy có một số thành viên của MLNQVN gồm TS Nguyễn Bá Tùng, Bà Tâm An, Bà Lê Thị Kim Thu, Bà Quản Mỹ Lan, và GS Nguyễn Chính Kết. Ngoài ra buổi sinh hoạt cũng có sự tham dự của ba vị khách từ giới truyền thông là Ông Nguyễn văn Khanh, nguyên Giám đốc Chương trình Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, nhà hoạt động truyền thông Ca Dao, và nhà báo truyền thanh Hải Sơn, Phó Giám đốc Đài Phát thanh Đáp Lời Sông Núi.

Giải NQVN do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thành lập vào năm 2002, và cho đến nay đã có 54 cá nhân và 5 tổ chức nhận giải vì những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải Nhân quyền VN còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những kẻ dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam.

Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại Nhà Sinh hoạt Cộng đồng TP Westminster, Bang California, Hoa Kỳ vào ngày 12-12-2021, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 73.

Sau đây là đôi dòng tóm lược về những người nhận giải năm 2021.

Gia Đình Bà Cấn Thị Thêu

Là nạn nhân của chính sách cướp đất của nhà cầm quyền CSVN, gia đình bà Cấn Thị Thêu đã trở thành những nhà hoạt động đấu tranh cho quyền con người.

Vào năm 2007 – 2008 chính quyền tỉnh Hà Tây bắt đầu kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất của nông dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thi mới. Nông dân bị cướp mất đất đai là phương tiện sinh sống duy nhất mà không được đền bù thỏa đáng. Là một cư dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, bà Cấn Thị Thêu đã đứng lên tập hợp những nạn nhân của quyết định thu hồi đất trái phép nầy để đòi hỏi quyền lợi chính đáng và yêu cầu chính quyền phải đối thoại với người dân. Nhưng chính quyền đã bất chấp công lý và luật pháp từ chối những đòi hỏi chính đáng của họ

Trong những năm 2010 và 2014, chính quyền tiến hành việc cướp đất phường Dương Nội với hàng nghìn công an, binh lính và côn đồ. Nhiều dân oan bị đánh đập dã man và bắt giam, trong đó có Bà Cấn Thị Thêu và chồng là Ông Trịnh Bá Khiêm.

Tháng 9, 2014, bà Thêu bị kết án 15 tháng tù giam và ông Trịnh Bá Khiêm bị 18 tháng với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” (điều 330 luật Hình Sự)

Ra tù vào tháng 7, 2015, bà Thêu vẫn không từ bỏ con đường đấu tranh cho dân oan trước áp bức của cường quyền. Cùng với đồng bào dân oan và những người đấu tranh cho nhân quyền, bà tham gia các vụ khiếu kiện và biểu tình chống cướp đất, chống các phiên tòa bất công, và chống việc chính quyền dung dưỡng nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân các tỉnh Miền Trung. Vì thế bà luôn bị công an truy lùng, hành hung và bắt giữ nhiều lần.

Ngày 10-6-2016, bà Cấn Thị Thêu bị bắt giam lần nữa và bị truy tố với cáo buộc “gây rối an ninh trật tự.” (điều 318 luật Hình Sự) và bị kết án 20 tháng tù giam.

Ngày 10-2-2018, ra khỏi tù lần thứ hai, Bà Cấn Thị Thêu, lại tiếp tục lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội, đặc biệt bà và hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, đã năng nổ trong việc vận động cho người dân Đồng Tâm sau cuộc đột kích chết người của lực lượng an ninh vào tháng 1 năm 2019.

Bà Thêu cùng hai con trai bị bắt ngày 24-6-2020. Ngày 5-5-2021 tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên xử Bà Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”. Trước phiên tòa nầy, cả hai mẹ con đều tỏ thái độ kiên cường bất khuất và khẳng khái ứng đối, bác bỏ những cáo buộc phi lý của tòa. Để xác định lý lịch của mình trước tòa án, cả hai đều tuyên bố: “Tên tôi là “nạn nhân cộng sản.”

Ngày 15-6-2021, chính quyền CSVN cho hay họ đã kết thúc hồ sơ điều tra Ông Trịnh Bá Phương và cô Nguyễn Thị Tâm, một người đấu tranh cho dân oan khác, và sẽ truy tố họ với cáo buộc ”tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 luật Hình Sự 2015, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.

Trong thời gian bị giam cầm, bà Thêu cũng như hai con trai của bà bị hăm dọa, ngược đãi và tra tấn để ép họ phải nhận tội. Các điều tra viên công an Hà Nội còn đe dọa bắt người thân trong gia đình để buộc ông Trịnh Bá Phương phải nhận tội.

Ngoài bản thân bà và 2 người con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, các thành viên khác trong gia đình gồm chồng của bà là ông Trịnh Bá Khiêm, cô con dâu Đỗ Thị Thu, con gái Trịnh Thị Thảo cũng đều là những chiến sĩ nhân quyền dũng cảm và là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho ba mẹ con bà Thêu đang ở trong tù.

Chính tình yêu thương người đồng cảnh ngộ, căm phẫn trước những bất công xã hội và ý thức về những quyền căn bản mà mọi người phải được hưởng đã khiến cả gia đình bà Cấn Thị Thêu sẵn sàng hy sinh và can đảm đứng lên thách thức với bạo lực và chuốc lấy những án phạt bất công và khắc nghiệt.

Người Hoạt Động Môi Trường Đinh Thị Thu Thủy

Cô Đinh Thị Thu Thủy sinh năm 1982 tại Sóc Trăng, cư ngụ tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Là một thạc sĩ chuyên ngành bệnh học thuỷ sản, cô đã từng cộng tác với các tổ chức phi chính phủ, khởi xướng nhiều hoạt động bảo vệ và nâng cấp môi trường sống cho bà con nông dân trong một số địa phương thuộc đồng bằng song Cửu Long. Cô tham gia nhóm facebook Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh, là những nhóm bảo vệ môi trường, để kêu gọi hạn chế sử dụng túi nhựa nilon, hạn chế thuốc trừ sâu phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hưởng ứng trồng rau, chăn nuôi gia súc sạch tự cung cấp. Bên cạnh đó cô còn lên tiếng phản đối những vi phạm y tế công cộng của chính quyền địa phương như việc hàng trăm học sinh tiểu học tại thị xã Ngã Bảy ngộ độc sữa MILO năm 2017, và việc học sinh đến trường khi chưa có biện pháp bảo vệ an toàn trong đại dịch Covid-19 năm 2019.

Ngoài những hoạt động bảo vệ môi trường sống, Đinh Thị Thu Thủy còn dấn thân trong lý tưởng đấu tranh cho những quyền căn bản trong lãnh vực chính trị và chủ quyền quốc gia trước hiểm họa xâm lăng của Trung cộng. Cô đã biểu đạt quan điểm đó qua trang Facebook cá nhân và tham gia các buổi biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn vào tháng 6 năm 2018 nhằm phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, và phản đối hành động đàn áp và đối xử tàn nhẫn với các tù nhân. Ngày 17 tháng 6, trong cuộc biểu tình tại công viên Tao Đàn cô bị đánh đập, giam giữ, thẩm vấn và xử phạt hành chính bởi Công an Phường Bến Nghé, quận 1.

Cô Thủy đã bị chính quyền địa phương đến nhà riêng sách nhiễu liên tục, thường triệu tập đến cơ quan địa phương để thẩm vấn về các bài viết, và các bình luận trên trang facebook cá nhân. Ngày 18-4-2020, hơn 50 công an tỉnh Hậu Giang vây quanh nhà riêng của cô và bắt cô đi trước sự hoảng sợ của đứa con trai chưa đầy 10 tuổi và cả gia đình. Sau 9 tháng bị giam giữ, trong phiên tòa ngày 20-1- 2021, cô bị xử 7 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng của công an tỉnh Hậu Giang, cô Thủy đã có nhiều bài viết trên Facebook được nhiều bình luận và lượt chia sẻ, mang nội dung “chế nhạo, châm biếm, xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, phỉ báng đất nước…”

Trước tòa, cô Thủy khẳng định hoạt động của cô chỉ mình nhằm mục đích chia sẻ để mọi người cùng nhận thức về các vấn đề môi trường, xã hội. Cô nói: “Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ. Tôi yêu quê hương, đất nước, từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình. Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn…”

Ngày 3-2-2021 gia đình nhận được tin cô Thủy ngất xỉu trong trại giam, sau đó phải đem đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện tỉnh Hậu Giang. Vì hoàn cảnh khắc nghiệt của trại giam, và vì gia đình không được thăm nuôi kể từ ngày có đại dịch Covid 19, tình trạng sức khỏe của cô càng ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, qua cuộc điện đàm với gia đình từ trại giam vào tháng 11 năm nay, cô tỏ ra vẫn lạc quan và cho rằng hoàn cảnh hiện tại chỉ là một thử thách trong cuộc đời.

Ngườ​i Đấu Tranh Nhân Quyền Nguyễn văn Túc

Ông Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1964, quê quán tại thôn Cổ Dũng, Đông La, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 18 tuổi ông đi nghĩa vụ quân sự 3 năm, và sau đó về lại quê nhà sinh sống bằng nghề tự do.

Từ năm 2003, ông bắt đầu tiếp xúc với nhiều người có quan điểm bất đồng chính kiến, và nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách trưng thu đất đai của chính quyền.

Trong năm 2017 và 2018, cùng với những người trong nhóm, ông tổ chức nhiều hình thức vận động quần chúng ôn hòa tại Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương để chống tham vọng bành trướng của Trung cộng và thái độ nhu nhược của chính quyền Việt Nam, chống quan chức tham nhũng, và yêu cầu đa nguyên đa đảng.

Ngày 10-9-2008, ông bị Công an Việt Nam bị bắt khẩn cấp và khởi tố với cáo buộc đã treo khẩu hiệu, rải truyền đơn, làm, tàng trữ và tán phát nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ông bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Tháng 9 năm 2012, sau khi ra khỏi tù, ông trở về địa phương và tiếp tục các hoạt động đấu tranh nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ qua Internet và tham gia biểu tình ở Hà Nội. Tháng 2 năm 2014, ông tham gia Hội Anh Em Dân Chủ. Ít lâu sau ông được đề cử làm phó ban đại diện Hội Anh Em Dân Chủ Miền Bắc, nhiệm kỳ 2017-2019, rồi phó chủ tịch thứ nhất của Hội Anh Em Dân Chủ.

Ngày 01-09-2017, Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Túc với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự.

Ngày 10-4-2018, Tòa án tỉnh Thái Bình xử sơ thẩm và tuyên án ông 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tòa phúc thẩm Hà Nội sau đó giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm.

Trong cả hai phiên tòa, dù bị áp lực và hù dọa, ông vẫn khẳng khái không nhận tội, và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không giải quyết được…”

“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm.”

Mặc dù có một số tình tiết có thể giúp làm nhẹ bản án như việc ông từng đi bộ đội, thân nhân, và bệnh tật, nhưng ông Túc đã dặn luật sư “không xin xỏ hay nhắc đến gia cảnh.”

Hiện ông Nguyễn Văn Túc đang bị giam tại trại giam số 6, Tỉnh Ngệ An. Trong tù ông đã nhiều lần cùng một số TNLT khác tổ chức tuyệt thực để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của cai tù đối với TNLT. Hiện nay sức khỏe của Nguyễn Văn Túc suy yếu do biến chứng bệnh tim mach cố hữu và các bệnh khác do tình trạng giam cầm như bệnh trĩ, bệnh biến thoái cột sống.

Vietnam Human Rights Network

8971 Colchester Ave.

Westminster, CA 92683 – USA

(714) 657-948

VNTB (22.11.2021)

 

 

Ba người trong một gia đình nhận giải thưởng của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam năm 2021

Những người nhận giải NQVN 2021: (từ trái qua) Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Túc, Đinh Thị Thu Thuỷ  Photo: RFA

Ba nhà hoạt động vì quyền đất đai trong cùng gia đình, một nhà hoạt động môi trường và một nhà hoạt động nhân quyền khác vừa được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam(MLNQVN) công bố nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam 2021. MLNQVN cho biết thông tin này trong một thông cáo báo chí hôm 20/11/2021.

Cả ba người nhận giải năm nay đều đang bị giam giữ trong tù vì các cáo buộc tội về an ninh quốc gia theo Bộ Luật Hình sự.

Ba nhà hoạt động vì quyền đất đai gồm bà Cấn Thị Thêu (sinh năm 1962) và hai con trai là Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) và Trịnh Bá Tư (sinh năm 1989). Cả ba người bị bắt vào ngày 23/6/2020 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngày 5-5-2021 tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên xử Bà Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người tám năm tù giam và ba năm quản chế.

Riêng ông Trịnh Bá Phương hiện vẫn đang chờ ra toà. Theo MLNQVN, với tội danh theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự, ông có thể phải đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm.

Là nạn nhân của chính sách cướp đất của nhà cầm quyền CSVN, gia đình bà Cấn Thị Thêu đã trở thành những nhà hoạt động đấu tranh cho quyền con người”, thông cáo báo chí của MLNQVN viết.

Bản thân bà Cấn Thị Thêu đã ba lần bị bắt giam. Lần đầu tiên là vào năm 2014. Bà bị kết án 15 tháng tù giam với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” vì đã tham gia bảo vệ đất của người dân địa phương, chống cưỡng chế thu hồi đất.

Tháng 6 năm 2016, bà Cấn Thị Thêu bị bắt giam lần thứ hai với cáo buộc “gây rối an ninh trật tự”. Bà bị kết án 20 tháng tù giam.

Thông cáo báo chí của MLNQVN viết: “Chính tình yêu thương người đồng cảnh ngộ, căm phẫn trước những bất công xã hội và ý thức về những quyền căn bản mà mọi người phải được hưởng đã khiến cả gia đình bà Cấn Thị Thêu sẵn sàng hy sinh và can đảm đứng lên thách thức với bạo lực và chuốc lấy những án phạt bất công và khắc nghiệt.”

Nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ (sinh năm 1982) cũng nằm trong danh sách nhận giải thưởng năm nay của MLNQVN.

Theo MLNQVN, bà Thuỷ là một thạc sĩ chuyên ngành bệnh học thuỷ sản, “từng cộng tác với các tổ chức phi chính phủ, khởi xướng nhiều hoạt động bảo vệ và nâng cấp môi trường sống cho  bà con nông dân trong một số địa phương thuộc đồng bằng song Cửu Long”. Bà Thuỷ tham gia nhóm Facebook Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh, là những nhóm bảo vệ môi trường, để kêu gọi hạn chế sử dụng túi nhựa nilon, hạn chế thuốc trừ sâu phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hưởng ứng trồng rau, chăn nuôi gia súc sạch tự cung cấp.

Bà Thuỷ còn lên tiếng phản đối những vi phạm y tế công cộng của chính quyền địa phương như việc hàng trăm học sinh tiểu học tại thị xã Ngã Bảy ngộ độc sữa MILO năm 2017, và việc học sinh đến trường khi chưa có biện pháp bảo vệ an toàn trong đại dịch COVID-19 năm 2019.

Bà Thuỷ đã tham gia các buổi biểu tình ôn hoà tại TPHCM vào tháng 6/2018 khi hàng ngàn người dân Việt Nam đổ ra đường để phản đối Dự luật Đặc Khu vì lo ngại Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất 99 năm.

Bà Thuỷ đã bị công an phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM đánh đập, giam giữ, thẩm vấn và phạt hành chính hôm 17/6/2018.

Bà Thuỷ bị Công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ hôm 18/4/2020. Tại phiên toà ngày 20/1/2021, bà Thuỷ bị xử bảy năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc (sinh năm 1964) là người thứ năm được nhận Giải Nhân Quyền 2021 của MLNQVN.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Túc đã từng bị tù bốn năm vào năm 2008 vì treo khẩu hiệu, rải truyền đơn chống Nhà nước.

Tháng 9 năm 2017, ông bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ.

Toà án tỉnh Thái Bình vào tháng 4 năm 2018 đã tuyên án ông 13 năm tù giam và năm năm quản chế.

Theo MLNQVN: “Hiện ông Nguyễn Văn Túc đang bị giam tại trại giam số 6, Tỉnh Ngệ An. Trong tù ông đã nhiều lần cùng một số TNLT khác tổ chức tuyệt thực để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của cai tù đối với TNLT. Hiện nay sức khỏe của Nguyễn Văn Túc suy yếu do biến chứng bệnh tim mạch cố hữu và các bệnh khác do tình trạng giam cầm như bệnh trĩ, bệnh biến thoái cột sống.”

Giải NQVN do MLNQVN thành lập vào năm 2002. Tính cho đến nay đã có 54 cá nhân và tổ chức nhận giải vì các đóng góp cho các phong trào đấu tranh nhân quyền và công lý ở Việt Nam.

RFA (20.11.2021)

 

 

Ngày 20/11 của những Nhà giáo lên tiếng vì hiện trạng đất nước

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019 Báo Nghệ An

Từ xa xưa  nghề giáo là một trong những công việc được coi trọng nhất ở Việt Nam. Với văn hoá “tôn sư trọng đạo”, đã có rất nhiều tác phẩm ra đời nhằm ca ngợi công ơn của thầy cô giáo vì đã truyền đạt cho học trò không chỉ kiến thức mà còn đạo làm người.

Tuy nhiên, nhà giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam lâu nay chỉ được phép giảng dạy theo giáo trình, việc lên tiếng, bình luận về những mặt trái của xã hội là điều cấm kỵ.

Nhân ngày mà Việt Nam dành riêng để tôn vinh những người thầy, RFA phỏng vấn một số nhà giáo, họ đã dành hàng chục năm trời trong sự nghiệp “trồng người”, nhưng đồng thời, họ cũng là một người dân quan tâm và lên tiếng trước những bất công của xã hội hay chủ quyền đất nước. Vì vậy, họ gặp không ít khó khăn, chèn ép và thậm chí bị cô lập trong chính môi trường sư phạm.

Nhà giáo bị bỏ tù vì lên tiếng trước bất công xã hội

Thầy giáo, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh trước đây từng dạy nhạc và là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Ông người được biết đến qua các video dạy học sinh những bài hát bị cấm tại Việt Nam như “Trả lại cho dân” hay “Việt Nam Tôi đâu”…

Còn vợ là chị Nguyễn Thị Tình, hiện đang là giảng viên bộ môn Sinh tại trường Đại học Đồng Tháp.

Từ năm 2012, thầy giáo Tĩnh vẫn thường lên tiếng về nhiều vấn đề xã hội. Do đó, ông luôn bị Chính quyền theo dõi, sách nhiễu hay thậm chí là tấn công nhiều lần. Đến năm 2019, ông Tĩnh bị bắt và kết án 11 năm tù giam và năm năm quản chế về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Chị Tình chia sẻ với RFA rằng, khi chồng mình bị quy cho là phản động rồi bị bắt, tất cả mọi động thái, điện thoại hay các tài khoản cá nhân của chị đều bị kiểm soát chặt chẽ. Dù vẫn được đi dạy bình thường nhưng chị cảm thấy như bị cô lập, bạn bè đồng nghiệp không ai dám trò chuyện nhiều:

Trong cái xứ miền Tây này chị cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì tư tưởng không giống ai.

Nói chung là bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, nhà trường người ta đều sợ. Tại vì chị lên tiếng viết bài cho chồng, người ta sợ dính dáng. Có giáo viên, sinh viên hủy kết bạn. Chung quy lại là người ta thương mình nhưng mà người ta sợ.”

Chị nói từ ngày anh bị bắt, đồng lương giảng viên của chị không thể đủ để trang trải vừa nuôi hai con nhỏ ăn học, vừa gửi đồ thăm nuôi chồng, may nhờ có ông bà hai bên giúp đỡ và phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu qua ngày.

Không chỉ áp lực về tài chính, chị Tình chia sẻ thêm rằng chị rất khổ tâm khi phải nói dối các con rằng ba không bị bắt, ba chỉ đang đi làm việc ở một nơi xa chưa về, mỗi tháng ba được gọi điện về thăm nhà 10 phút. Con trai lớn của chị tận mắt chứng kiến cảnh ba của nó bị còng tay bắt đưa đi, từ đó con bị kích động mỗi khi nhìn thấy công an. Chị sợ con mang trong lòng nỗi thù hận, nên đành phải nói dối. Mỗi dịp lễ tết, chị mua quà gởi về nhà cho con và nói đó là quà do ba gởi tặng.

Dù cuộc sống khó khăn, dù bị đồng nghiệp xa lánh, nhưng với chị Tình, nghề giáo cũng như ngày 20/11 có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với một người thầy như chị:

“Nhưng mà đối với chị ngày 20/11 là một ngày rất là thiêng liêng, vì đó là ngày mà tôn vinh người giáo viên. Dù không quan trọng về vật chất, quà cáp nhưng mà cái tình cảm của học trò đối với giáo viên cũng rất là thiêng liêng.”

Hình minh hoạ: Biểu tình phản đối Trung Quốc Hà Nội hôm 17/7/2016. Reuters

Nhà giáo đấu tranh cho chủ quyền Quốc gia

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người đã mạnh mẽ lên tiếng cho chủ quyền đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ Sài Gòn nói với RFA rằng ông luôn tự hào được là một người thầy, với sự nghiệp 35 năm giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Mở TPHCM. Ông cũng từng vấp phải nhiều khó khăn, xung đột khi lên tiếng trước những vấn đề xã hội, đất nước. Tuy nhiên, ông coi đó như là một bài học cho bản thân mình:

Quá trình mà đi dạy của tôi cũng có nhiều xung đột rất nhiều về kiến thức và các phương pháp trong giảng dạy. Nhưng đối với tôi, tôi không cho đó là một cái khó khăn, một thất bại hay là một vấp ngã hoặc là thua cuộc trong một cuộc đấu tranh, mà tôi cho đó là một kinh nghiệm cho mình đứng lên.

Tôi không coi khó khăn đó cản trở con đường tiến của mình, cái khó khăn đó là để cho mình biết mình đúng hay sai, và cái khó khăn đó dạy cho mình một bài học để giờ này, khi bước ra khỏi giảng đường đại học, khi đã đến tuổi về hưu, mình có thể tự hào mà nói “Tôi là một ông thầy”.

Một trong những kỷ niệm mà nhà giáo Đinh Kim Phúc không thể quên trong sự nghiệp giáo dục của mình là ông đã khơi dậy lòng yêu nước trong lòng sinh viên. Chính ông đã “gợi ý” cho các học trò của mình xuống đường tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa hồi năm 2007:

Trong lần biểu tình đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề Tam Sa vào năm 2007, thì tôi có “bỏ nhỏ” với một số sinh viên là đệ tử ruột, tôi nói rằng “ngày mai lúc chín giờ sáng, ra trước Tòa Lãnh sự quán Trung Quốc ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tao sẽ đứng bên kia đường, tụi bây cứ coi cánh tay của tao và tất cả mọi người, ai đưa lên chừng nào thì chủ quyền của Việt Nam đến gần với đất nước chừng đó”. Đó là cuộc biểu tình mà không bao giờ quên được trong cuộc đời của tôi.

Nhà nước Việt Nam không khuyến khích vì sợ những cuộc biểu tình đó sẽ dẫn đến những cuộc bạo loạn lật đổ, nhưng bảo vệ chủ quyền là nghĩa vụ của tất cả người dân yêu nước xuất phát từ trái tim, từ khối óc, nói mà không làm gì cả thì tất cả chỉ là những lời sáo rỗng.”

Giờ đây, khi đã về hưu, ông vẫn còn nhiều trăn trở về những vấn nạn đang hiện hữu trong nền giáo dục Việt Nam và khẳng định giáo dục Việt Nam phải thay đồi thì mới mong Đất nước này phát triển được:

Nền giáo dục Việt Nam phải thay đổi thì mới mong có được những con người sáng tạo, xây dựng trong tương lai. Xây dựng theo chiều hướng nào, xây dựng theo mô hình nào,  vấn đề đó xã hội sẽ trao đổi, vấn đề đó thế hệ trẻ sẽ quyết định.

Thế hệ trẻ hiện nay phải có kiến thức, phải có quyết tâm, có tấm lòng, nhưng chỉ có tấm lòng không mà không có kiến thức thì cũng không làm gì được cho sự phát triển của đất nước hiện nay.”

RFA (19.11.2021)

 

 

Nạn nhân tôn giáo kêu gọi Quốc hội Mỹ chế tài Việt Nam

Chùa Liên Trì, một cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị chính quyền, tịch thu

Các nạn nhân bị đàn áp về tôn giáo ở Việt Nam kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam để gây áp lực buộc Hà Nội cải thiện tự do tôn giáo trong một buổi trình bày tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hôm 17/11 qua hình thức trực tuyến.

Buổi trình bày do Tổ chức Gia đình Phật tử trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Mỹ tổ chức đã nghe câu chuyện của các nhân chứng bị đàn áp tôn giáo, từ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành cho đến Cao Đài và phát biểu của một số vị dân biểu cũng như Thượng nghị sỹ Mỹ.

Mục đích của buổi trình bày là kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam, tức dự luật HR 3001, do dân biểu Chris Smith thuộc tiểu bang New Jersey đưa ra hồi tháng 5/2021 nhằm trừng phát các quan chức Việt Nam góp phần vào việc vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế thừa nhận, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Thống nhất

Tại buổi trình bày, các vị chức sắc ở cả trong và ngoài nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức bị cấm đoán ở Việt Nam, đã mô tả tình trạng Giáo hội bị sách nhiễu và ngăn cấm.

Từ Houston, Texas, Hòa thượng Thích Huyền Việt, chủ tịch Văn phòng 2 Viện Hóa đạo đồng thời là chủ tịch văn phòng điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, cho biết vào ngày 27/5 năm nay, Hòa thượng Thích Nhật Ban, Viện trưởng Viện Hóa đạo đồng thời là trụ trì chùa Ba La Mật, tỉnh Đồng Nai, đã bị công an đến làm việc yêu cầu rút lại thông điệp Năm Mới mà chính quyền cho là ‘phản động’. Trước đó, vào cuối năm 2020, Hòa thượng Viện trưởng cũng đã bị chính quyền Đồng Nai không cho ra Huế chủ trì Đại lễ Trai đàn Chẩn tế.

“Chùa Ba La Mật bị hạn chế khách đến viếng thăm và không được phép tu sửa trong nhiều năm,” Hòa thượng Thích Huyền Việt nói và cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị ngăn cấm làm từ thiện ở trong nước.

Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ ‘làm tất cả để ủng hộ Dự luật HR 3001’ và ‘đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo’.

Hòa thượng Thích Thiện Minh, một trong những tù nhân tôn giáo bị cầm tù lâu nhất ở Việt Nam trong suốt 26 năm, khẳng định ‘tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có dấu hiệu tiến bộ’ và chỉ ra việc Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ bị cô lập suốt mấy mươi năm cho đến ngày viên tịch, thậm chí lễ tang và lễ trà tỳ (tức hỏa thiêu) còn bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phá rối và làm khó dễ.

Từ chùa Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Phước, thành viên Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, cho biết các tổ chức tôn giáo độc lập không chịu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ‘bị đàn áp khốc liệt’

Ông chỉ ra việc chùa Phước Bửu bị công an đặt camera theo dõi người ra vào, không cho tiến hành xây dựng cổng Tam Quan. Ngoài ra Nhà nước còn lợi dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức giáo hội quốc doanh) để tranh chấp đất đai với các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông nói thêm.

Huynh trưởng Gia đình Phật tử Trần Văn Thường, cũng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ngôi chùa Pháp Biên mà ông cùng khoảng 50 cư sỹ cùng nhau xây dựng vào năm 1999 đã bị chính quyền buộc phải bàn giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Do chống đối, nên chính quyền đã ‘điều động công an, quân đội và xe cơ giới đến phá chùa thành đống gạch vụn’.

“Con trai tôi còn bị công an bắt cóc, tùy tiện giam giữ và còn bị gây áp lực lên Sở làm phải sa thải,” ông Thường cho biết.

Công giáo và Tin Lành

Làm chứng tại buổi trình bày thông qua một người đại diện, Linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân tôn giáo nổi bật nhất ở Việt Nam, đã dẫn chứng các sự vụ mà ông cho rằng Công giáo bị chính quyền đàn áp.

Chẳng hạn như Đan viện Thiên An ở Huế bị ‘côn đồ do công an sai khiến giật sập tượng Chúa ba lần’, bị đốt đồi thông, bị ngăn không cho khách khứa đến thăm. Các tu sỹ của đan viện còn ‘bị côn đồ đánh đến bất tỉnh’ trong khi Viện trưởng là Linh mục Anton Nguyễn Văn Đức sau khi sang Pháp đã bị chính quyền cấm không cho về nước.

Ngoài Đan viện Thiên An, Công giáo trong nước còn bị dính vào một số vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, Linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết. Trong đó có Giáo xứ Tam Tòa ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảnh Bình, đã bị chính quyền sở tại phá nhà thờ tạm, tịch thu tháp chuông và phân chia lô đất 10.000 mét vuông của Giáo xứ cho các quan chức chính quyền.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh có vụ tranh chấp đất của Công giáo nổi bật là vụ Nhà thờ và Tu viện dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất để làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm mặc dù đất của tu viện không nằm trong phạm vi quy hoạch, ông Lý nói qua người đại diện.

Linh mục Lý cũng nhắc lại vụ chính quyền Quận Tân Bình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng hồi đầu năm 2019, ‘phá hủy bàn thờ Chúa, san phẳng 200 căn nhà của 150 gia đình ngay trước thềm Tết Nguyên đán’.

Làm chứng cho sự đàn áp của chính quyền đối với đạo Tin Lành, Mục sư Vàng Chí Minh, dân tộc Hmong, từng bị bỏ tù nhiều lần và hiện đang cùng gia đình tị nạn ở bang Minnesota, Mỹ, nói người dân sắc tộc Hmong ở các tỉnh miền núi phía Bắc ‘đã bị đàn áp từ năm 1990 cho đến nay vì theo đạo Tin Lành’.

Ông dẫn chứng về biến cố Mường Nhé, Điện Biên hồi năm 2011 mà khi đó ‘chính quyền bôi nhọ tôn giáo chúng tôi, lên án Tin Lành là tà đạo và bỏ tù 100 người theo đạo Tin Lành’.

“Khoảng 13.000 người Hmong đã rời bỏ làng mạc để trốn vào các tỉnh phía nam hay chạy sang các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan. Tất cả các nhà nguyện đều bị phá hủy,” ông Vàng nói.

Về đạo Cao Đài, ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài Chân truyền đồng thời là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, cũng thuật lại việc nhà cầm quyền cộng sản đã tịch thu tất cả cơ sở của Đạo Cao Đài để bàn giao cho Hội đồng Quản hạt Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, một tổ chức bình phong do Nhà nước chỉ đạo.

“Khi các đạo hữu Cao Đài chân truyền ở một số địa phương lập bàn thờ thờ phượng Đấng Chí Tôn tại tư gia, họ đã bị công an và chính quyền tấn công công khai, gia đình họ bị cô lập và bị tước quyền,” ông Hứa Phi nói.

Sẽ thúc đẩy thông qua HR 3001

Phát biểu qua đoạn băng thâu sẵn, dân biểu Alan Lowenthal của địa hạt 47 tiểu bang California vốn cũng là người đồng bảo trợ cho dự luật HR 3001 cho biết dự luật này đã ‘có được sự ủng hộ lưỡng Đảng tại Hạ viện’.

“Tôi hy vọng sẽ thấy được sự ủng hộ này ở Thượng viện để Quốc hội Mỹ có thể gửi đi một thông điệp rõ ràng và đoàn kết đến chính phủ Việt Nam rằng chúng ta đứng lên bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo,” ông nói.

Dân biểu Lowenthal lên án Bộ trưởng Công an Tô Lâm là ‘một trong những người vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Việt Nam’ và kêu gọi ông Lâm ‘cần phải bị Mỹ trừng phạt trong khuôn khổ Dự luật Magnitsky Toàn cầu.

“Mặc dù Hoa Kỳ muốn có quan hệ thân cận với Việt Nam để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng chúng ta không thể nào làm ngơ trước tình trạng nhân quyền đang xấu đi tại Việt Nam,” ông nói thêm. “Đã đến lúc chúng ta phải buộc chính quyền Việt Nam chịu trách nhiệm cho hành động của mình.”

Đồng quan điểm với đồng nghiệp Lowenthal, nữ dân biểu Cathy McMorris Rodgers thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, nói: “Là người Mỹ, chúng ta không thể nào ngồi yên và ngó lơ những con người đang đấu tranh cho những quyền mà chúng ta trân trọng.”

Bà kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải làm sao để chế độ Hà Nội ‘không có năng lực tài chính để đàn áp người dân’.

Về phần mình, dân biểu Tom Tiffany của địa hạt số 7, bang Wisconsin, khẳng định rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nên tuân theo nguyên tắc ‘quyền tự do tôn giáo là quyền bất khả xâm phạm được Tạo hóa ban cho chứ không phải đặc ân do chính quyền ban phát’.

Buổi trình bày còn có sự tham dự và phát biểu của các Thượng nghị sỹ Chuck Grassley và John Cornyn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của văn phòng các thượng nghị sỹ khác như Raphael Warnock, Tom Carper, Pat Toomey, Mark Kelly, Rick Scott và Mark Warner.

VOA (18.11.2021)

 

 

Hoa Kỳ: Vận động Dự luật Nhân Quyền cho Việt Nam

Hình minh hoạ: Biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tại Washington DC hồi năm 2005 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải  Reuters

Vận động Dự luật Nhân Quyền cho Việt Nam

Việc vận động cho Nhân Quyền là công tác chính và liên tục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đã vận động không ngừng từ khi dân biểu Chris Smith giới thiệu Dự Luật HR3001 này vào ngày 4/5 năm nay”.

Đó là lời bác sĩ Trần Quốc Hưng, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại, tổ chức trực thuộc Văn phòng II Viện Hóa Đạo, cũng là một huynh trưởng Gia dình Phật tử ở Hoa Kỳ:

“Lý do gần hơn là vì chỉ còn hơn một năm nữa thì sẽ có cuộc bầu cử lại của Quốc Hội khóa 117 này, thành thử có nhu cầu để Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua bởi Hạ viện.”

“Một trong những mục đích của cuộc tường trình này là vận động Thượng viện và các Thượng nghị sĩ chấp nhận Dự luật này và sẵn sàng giới thiệu một Dự luật tương tự, như vậy sẽ không mất thời giờ chuẩn bị. Chúng ta biết một khóa trong quốc hội chỉ có hai năm thôi, nếu mất hơn năm trời để vận động Hạ viện thì đến khi lên Thượng viện không còn đủ thời giờ nữa”.

Thư mời từ Văn phòng II Viện Hóa Đạo cho thấy hơn 130 tổ chức dân sự và tôn giáo trong và ngoài nước gửi văn thư  bày tỏ sự ủng hội đối với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam HR-3001:

Cuộc tường trình hôm nay có hai Thượng nghị sĩ và ba Dân biểu làm diễn giả. Bên cạnh đó còn có bảy văn phòng Thượng nghị sĩ và 14 văn phòng Dân biểu kể cả văn phòng Chủ tịch Hạ viện”

Ngoài ra còn có 36 tổ chức ghi tên tham dự, trong đó có Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự do Tôn giáo Thế giới, đại diện Liên Hiệp Quốc, BPSOS, Hội Cử tri Mỹ gốc Việt vân vân… ,

Trao đổi với RFA qua điện thư trước khi buổi hội thảo bắt đầu, tác giả Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, Dân biểu Chris Smith, cho biết ông rất hài lòng về sự vận động dẫn tới buổi thảo luận ngày 17/11 này: 

Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mà tôi là tác giả đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ quí  đồng viện lưỡng đảng cũng như từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt hải ngoại.

“Dự  thảo đề nghị áp đặt sự trừng phạt đối với quan chức Đảng Cộng sản, đã và đang  đồng lõa với chính phủ Việt Nam vi  phạm quyền con người, hạn chế sự tài trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Tôi kêu gọi lãnh đạo Hạ viện đưa Dự Luật  này lên sàn biểu quyết càng sớm càng tốt”.

Buổi hội luận bắt đầu lúc 10:30 phút sáng với tuyên bố khai mạc và chào mừng quan khách của vị Chủ tịch Văn phòng Viện Hóa Đạo II, Hoà thượng Thích Huyền Việt.

Kế tiếp là phần phát biểu của Hoà thượng Thích Thiện Minh, tù nhân tôn giáo lâu năm nhất vì bị giam giữ từ năm 1979 cho đến năm 2005.

Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, từng bị tù nhiều lần và nhiều năm chỉ vì đòi hỏi tự do tôn giáo một cách ôn hòa, được Ân Xá Quốc Tế công nhận là tù nhân lương tâm năm 1983, gửi thư nói về hoàn cảnh Thiên Chúa giáo bị bách hại, được đại diện ban tổ chức đọc lên tại buổi hội luận.

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại phiên toà ở Huế hôm 30/3/2007. Reuters

Cũng từ trong nước, Trưởng ban Đại diện Khối Nhân Sanh đạo Cao Đài, lên tiếng qua một video clip:. 

Tôi, Chánh Trị sự Hứa Phi, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội và Hải ngoại, sẽ nói ở Việt Nam có tự do tôn giáo không, nhân quyền có được thực thi hay không”

“Xin thưa với quí vị là không có mà còn bị đàn áp một cách tinh vi, chỉ người trong cuộc mới biết. Dẫn chứng cụ thể là trong năm 2021, sau khi nhà cầm quyền Việt Nam lấy hết những cơ sở của Cao Đài Chơn Truyền ở địa phương, đưa cho Hội đồng Chưởng quản Cao  Đài Tây Ninh do ĐCSVN lập nên năm 1979. Tổ chức này thực hiện theo chỉ thị của ĐCSVN chứ không đại diện cho Cao Đài Chơn Truyền. Sau 1975, cộng sản cải tạo các tôn giáo theo hướng cộng sản quốc tế. Tôi xin nêu lên một số vấn đề…”.

RFA ghi nhận có sự góp tiếng của một huynh trưởng Gia Đình Phật tử trong nước, và cả mục sư Vàng Chí Mình người H’mong. Đây là một trong những nhóm Tin Lành ở miền Bắc Việt Nam, bị nhà cầm quyền cấm đạo, phá hủy nhà thờ phượng của họ. 

Tại buổi hội luận, bà Anurima Bhargarve, Ủy viên USCIRF Ủy Hội Quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới, nói rằng nhiệm vụ của USCIRF là giám sát tôn giáo, tự do tôn giáo trên toàn thế giới bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế,  đưa ra các khuyến nghị chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng và quốc hội Hoa Kỳ.

USCIRF  đã liên tục đề xuất việc chỉ định Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã loại Việt Nam khỏi danh sách CPC 15 năm trước. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa ra khuyến nghị này, bởi vì chúng tôi vẫn lo ngại về các vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền đang diễn ra có hệ thống và nghiêm trọng ở Việt Nam. Chúng tôi lo ngại Việt Nam đàn áp tôn giáo đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bắt giữ, tra tấn nhiều thành viên thuộc các nhóm dễ bị tổn thương này

“Trước lúc có dịch COVID chúng tôi đã đến Việt Nam, gặp gỡ các cộng đồng tín ngưỡng của các tổ chức phi chính phủ, gặp  các quan chức chính phủ để thảo luận và nêu quan ngại về các điều kiện tự do tôn giáo ở đất nước này. Chuyến thăm vào thời điểm đó củng cố thêm đề xuất của chúng tôi về  CPC đối với Việt Nam. Cảm ơn những vị dân cử Quốc hội đã bày tỏ mối quan tâm tương tự đối với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt  Nam mà dân biểu Chris Smith tái đệ trình tháng Năm năm nay”.

Tiếp lời bà Ủy viên Anurima Bhargarva của USCIRF, Dân biểu Alan Lowenthal:

Nhân quyền và tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi ở Việt Nam. Với tư cách đồng chủ tịch Vietnam’s Caucus Nhóm Dân biểu quan tâm các vấn đề Việt Nam, tôi cũng hân  hạnh là nhà đồng tài trợ từ đầu của  HR-3001 Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam, được giới thiệu bởi đồng viện Chris Smith. Chủ tịch Vietnam’s Caucus. HR-3001 cho phép Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Việt Nam và những người đồng lõa với các vi phạm có hệ thống đó.

“Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với tất cả các tổ chức và các đồng viện của tôi trong Quốc hội, để vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những quan chức nào của Việt Nam, đã vi phạm trắng trợn các quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, các blogger, nhà báo và các nhà lãnh đạo tôn giáo độc lập, phải bị trừng phạt bởi Dự Luật đang được vận động thông qua này. Đó là quyết tâm của chúng tôi”. 

Xuất hiện trên một video clip, Thượng nghị sĩ John Cornyn phát biểu:

“Là vị dân cử nhiều năm quan tâm đến công cuộc đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam, tôi tiếp tục phản đối chính sách hà khắc vô lối nhằm tiêu diệt đạo giáo ở Việt Nam, Tôi hãnh diện giới thiệu và cổ vũ Dự Luật Nhân Quyền ra trước quốc hội mới đây. Tôi cũng từng thảo một thư gởi cho ngoại trưởng Blinken, kêu gọi ông tìm cách chấm dứt sự tàn ác của chính phủ Việt Nam. Hy vọng với  sự trợ giúp đỡ từ các bạn, chúng ta có thể chận đứng tội ác này. Cảm ơn đã cho phép tôi lên tiếng với các bạn hôm nay”.  

RFA (18.11.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen