Seite auswählen

Từ người rơm bơm thổi thành Thánh Gióng: Bốn câu hỏi cần được giải đáp về vụ Việt Á

 

 

Không chỉ là chuyện nâng khống giá sản phẩm.

 

 

 

Ảnh: Người Lao Động, Vietnamnet.

Tháng 3/2020, truyền thông trong nước loan tin về sự ra đời của một sản phẩm hoàn toàn “made in Vietnam”: bộ xét nghiệm (test kit) phát hiện virus SARS-CoV-2 do “Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện”. [1]

 được giới thiệu là có hiệu suất, công suất gấp 4 lần, trong khi giá thành dự kiến chỉ bằng 1/4 so với bộ xét nghiệm tương tự của nước ngoài. [2]

Một năm sau, tháng 3/2021, Công ty Việt Á được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 do có “thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2”. [3]

Từ một cái tên gần như vô danh, Việt Á lột xác trở thành “Thánh Gióng” không chỉ trong ngành y tế mà còn đại diện cho niềm tự hào dân tộc. Thông tin trên báo Nhân Dân đưa ra vào thời điểm tháng 3/2020 cho biết với thành quả này, Việt Nam là một trong năm quốc gia hiếm hoi có thể tự sản xuất bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 (bên cạnh Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ). [4]

Tuy nhiên, vào ngày 18/12/2021 vừa qua, mọi thứ sụp đổ khi ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bị bắt để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm dùng để chống dịch COVID-19. [5]

Kể từ đó, hàng loạt thông tin về hoạt động của công ty này được báo chí phanh phui khiến nhiều người ngỡ ngàng và để lại không ít câu hỏi cần được giải đáp.

Nguồn gốc những bộ xét nghiệm của Việt Á là từ đâu?

Ngày 5/3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo giới thiệu bộ xét nghiệm. [6] Bộ cho biết đây là sản phẩm hợp tác giữa các chuyên gia của Học viện Quân y và Công ty Việt Á, và là bộ xét nghiệm dùng cho COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà tại Việt Nam.

Trong bài viết đề ngày 17/3/2020 đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ, quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm này được tường thuật chi tiết. [7] Những người được nhắc tên trong đó đều là các chuyên gia thuộc Học viện Quân y. Công ty Việt Á được đề cập với tư cách là đơn vị “phối hợp phát triển, sản xuất” nhưng không có nhân vật cụ thể nào của công ty này xuất hiện trong bài. Cuối bài viết, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc được trích lời ghi nhận “công sức rất lớn của tập thể các nhà khoa học và cán bộ Công ty Việt Á”.

Kể từ khi được công bố và cấp phép sản xuất, Việt Á đã bán hàng triệu bộ xét nghiệm cho 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. [8]

Tuy vậy, các thông tin về “nhà xưởng” của công ty này được báo Tuổi Trẻ đăng tải mới đây khiến người khác phải nghi ngờ việc họ có đủ năng lực sản xuất hàng triệu sản phẩm như đã công bố. [9]

 

 

Hình ảnh nhà xưởng và phòng xét nghiệm của công ty Việt Á tại Bình Dương. Ảnh: Bá Sơn/ Tuổi Trẻ.

Như vậy, các sản phẩm mà Việt Á đã bán trong thời gian qua rốt cuộc có nguồn gốc từ đâu?

Chất lượng những bộ xét nghiệm của Việt Á như thế nào?

Cuối tháng 4/2020, trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải thông tin bộ xét nghiệm của Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã “được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận”. [10] Ngoài ra, bài viết còn khẳng định sản phẩm được Bộ Y tế của Vương quốc Anh “cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu”.

Sau khi báo chí trong nước đưa tin xác nhận rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chấp nhận sản phẩm này, bài viết trên trang của Bộ Khoa học và Công nghệ đã bị gỡ xuống.

Trao đổi với phóng viên VOV, một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định “việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế”. [11] Theo đó, sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, đã được nghiệm thu và thông qua, “đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch”.

Một bài viết đăng ngày 21/12/2021 trên báo Công an Nhân dân cũng dẫn lời một “chuyên gia về test kit phân tử ở TP. Hồ Chí Minh” (không nêu tên) khẳng định “không nhất thiết phải được WHO cấp phép mới được đưa ra sử dụng” mà chỉ cần “đạt các tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Y tế là có thể được cấp phép sử dụng trong nước”. [12]

Tuy nhiên, người dân có cơ sở để nghi ngờ chất lượng các bộ xét nghiệm này. Thứ nhất, chưa ai biết được các sản phẩm của Việt Á bán ra có nguồn gốc thật sự từ đâu. Thứ hai, một khi Việt Á đã khai gian về các chứng nhận chất lượng thì có gì đảm bảo họ không gian dối về những điều khác? Và điều thứ ba, nếu không chấp nhận tiêu chuẩn chất lượng từ Tổ chức Y tế Thế giới đối với sản phẩm này – vẫn sử dụng khi họ đã loại bỏ – liệu chúng ta có chấp nhận những tiêu chuẩn chất lượng khác của WHO không, đơn cử như đối với vaccine?

Ai là người đứng sau bơm thổi cho “Thánh Gióng” Việt Á?

Công ty Việt Á được thành lập vào năm 2007 với số vốn ít ỏi 80 triệu đồng. [13] Mười năm sau, công ty này thay đổi thông tin doanh nghiệp với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, nhưng thông tin về nguồn vốn không rõ ràng khi ba cổ đông sáng lập chỉ nắm giữ 20% cổ phần. [14] Năm 2019, công ty còn báo lỗ 3,9 tỷ đồng. “Trụ sở” của công ty này là một biển hiệu đặt nhờ suốt 10 năm qua tại một ngôi nhà ở TP. Hồ Chí Minh mà không có nhân viên nào. [15]

 

 

Nơi Công ty Việt Á đặt nhờ biển hiệu. Ảnh: Quang Định/ Tuổi Trẻ.

Những thông tin trên khiến người dân phải đặt câu hỏi vì sao Việt Á lại được chọn làm đối tác để “phối hợp phát triển, sản xuất” bộ xét nghiệm dành cho COVID-19 đầu tiên của Việt Nam?

Ngoài bộ sản phẩm xét nghiệm, tính từ tháng 1/2020 đến nay, công ty này còn trúng hơn 200 gói thầu cung cấp nhiều sản phẩm y tế khác nhau ở các bệnh viện lớn và các trung tâm kiểm soát bệnh tật trên khắp nước. [16]

Từ một công ty người rơm, chỉ trong hơn một năm dịch bệnh, Việt Á được thổi bùng thành “Thánh Gióng” với doanh thu ngàn tỷ, được Bộ Khoa học và Công nghệ quảng bá, được Bộ Y tế đưa vào đứng đầu danh sách các sản phẩm giới thiệu cho các địa phương, và còn được chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. [17]

Những ai và quy trình nào đã tiếp tay bơm thổi cho người rơm Việt Á?

Vì sao phải gỡ bỏ các thông tin?

Các tờ báo trong nước đã chỉ ra việc Bộ Khoa học và Công nghệ âm thầm gỡ thông tin sai về việc WHO chứng nhận cho sản phẩm của Việt Á. [18]

Tuy nhiên, Bộ không chỉ gỡ thông tin đó, và không chỉ có trang của Bộ mới xóa thông tin.

Bài viết kể chi tiết về quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất ra bộ xét nghiệm đầu tiên “made in Vietnam” đăng trên trang của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 17/3/2020 đã biến mất, chỉ còn lại bản lưu trữ. [19]

Thông tin về việc trao Huân chương Lao động hạng 3 cho Việt Á cũng không còn xuất hiện trên các trang báo. Tờ Zing News đã chỉnh sửa thông tin bài viết ban đầu, bỏ đi nội dung liên quan đến Việt Á. [20] [21] Quyết định số 264/QĐ-CTN được ký vào ngày 10/03/2021 về việc tặng thưởng huân chương không thể được tìm thấy trên trang thông tin điện tử của Văn phòng Chủ tịch nước (cùng với toàn bộ các quyết định trong tháng 3/2021). [22] [23]

 

 

Toàn bộ thông tin về việc tặng thưởng huân chương trong tháng 3 đã không còn tồn tại. Ảnh chụp màn hình ngày 21/12/2021.

Đây tất nhiên không phải là lần đầu những bài viết trên các trang báo nhà nước và cơ quan chính quyền bị gỡ bỏ.

Việc âm thầm xóa bỏ thông tin mà không có một lời giải thích vừa gây khó khăn cho công luận trong việc giám sát các hoạt động của chính quyền, vừa khiến người dân nghi ngờ những khuất tất đằng sau./.

Thẩm định, đánh giá chất lượng dựa theo căn cứ nào?

21-12-2021

Theo điều tra của nhà báo Mai Bá Kiếm:

“Ngày 3/3/2020, Chu Ngọc Anh – nguyên là bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, ký quyết định công nhận kết quả nghiên cứu chế tạo bộ KIT real-time RT-PCR của Việt Á.

Ngày 4/3/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho bộ KIT nói trên.

Nhưng, tính đến ngày 3/3/2020, Việt Nam chỉ có 16 người dương tính với COVID-19 ở: Vĩnh Phúc (11), TP.HCM (3) Khánh Hòa (1), Thanh Hóa (1). Trong đó, có hai cha con người Trung Quốc, bốn người VN trở về từ Vũ Hán và một người VN ở trong nước đã khỏi bệnh và xuất viện. Nghĩa là, đến ngày 3/3/2020, VN chỉ còn 9 người đang dương tính.

Như vậy Việt Á đã thử KIT này trên mấy người VN dương tính, hay Việt Á thử KIT bên Vũ Hán, mà Chu Ngọc Anh và Nguyễn Trường Sơn ký QĐ chứng nhận KIT đạt tiêu chuẩn chất lượng?” (Hết trích).

Dễ hình dung đó là một sự thẩm định, đánh giá và cấp phép vô căn cứ. Không cần đặt ra có tiêu cực hay không (vì nếu có thì trời biết, đất biết, và kẻ tiêu cực biết, công an rất khó xác định), chỉ cần biết rằng đó là sự thẩm định, đánh giá và cấp phép ẩu tả, vô trách nhiệm. Bộ Y tế cho đến giờ này vẫn cãi chày cãi cối rằng, họ hoàn toàn dựa vào kết quả thẩm định, đánh giá và cấp phép này mà không cần chờ WHO công nhận.

Họ không thấy rằng, vì sao WHO bác bỏ KIT Việt Á, mặc dù Việt Á có đủ hồ sơ đệ trình. WHO ở bên kia nửa vòng trái đất mà còn thận trọng đến mức phải thử nghiệm lâm sàng với đầy đủ bằng chứng mới công nhận, trong khi các loại hội đồng ở Việt Nam thì không cần biết sự thực thế nào. Đến mức không bước chân xuống công xưởng để xem Việt Á sản xuất Kit hay Sh*t mà chỉ ngồi trên cao tưởng tượng nó có cả một dây chuyền công nghệ sản xuất nên đảm bảo chất lượng! Lại còn tự cho đó là “chuẩn Việt Nam”? Chuẩn 10m2 với vài ba cái tủ thịt đông trước khi đưa người đi cách ly và hoả táng hàng loạt sao? Sao nghe giống cái chuẩn của Trường Đại học Phan Thiết với mấy cái lu nướng chim vậy?

Thẩm định, đánh giá và cấp phép một sản phẩm khoa học, ảnh hưởng đến sinh mệnh hàng chục triệu người, đến tài sản của nhà nước và nhân dân mà ẩu tả như vậy thì là khoa học hay phản khoa học?

Bây giờ tôi hình dung các loại hội đồng khác ở nhiều lĩnh vực khác, từ Hội đồng khoa học, Hội đồng đào tạo… và cả Hội đồng thi đua khen thưởng. Hội đồng nào cũng toàn giáo sư tiến sỹ, nhưng xin lỗi, tệ hơn anh dân quê vô học. Anh dân quê vô học còn thẩm định, đánh giá chất lượng qua thực tế đường cày và sản phẩm làm ra, trong khi giáo sư tiến sỹ thì nhắm mắt bỏ phiếu thông qua tuồn tuột các loại dự án, công trình, bằng cấp, học hàm học vị, danh hiệu, huân chương… Có thấy đau và nhục không?

Qua lời biện bạch về chất lượng sản phẩm của các ngài, tôi chỉ hỏi một câu đơn giản thế này: Nếu Kit Việt Á đảm bảo chất lượng thật thì tại sao phải bịa ra và đăng thông tin dối trá, rằng Kit Việt Á đã được WHO công nhận, được Vương quốc Anh chứng nhận tiêu chuẩn Châu Âu, được hơn 20 quốc gia đặt hàng? Có gian thì mới dối chứ chân thật thì dối như vậy để làm gì?

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen