Seite auswählen

Tiêm kích J-11B của Trung cộng. Courtesy of Reuters

Chưa rõ thời điểm và khu vực diễn ra hoạt động tập trận, trong khi South China Morning Post đưa tin cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển “tranh chấp”, nhiều khả năng là ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

Hơn 10 chiếc tiêm kích J-11B của Hải quân Trung cộng được ghi nhận tham gia cuộc tập trận với cường độ cao tại Biển Đông.

Theo South China Morning Post ngày 23/3, Hải quân Trung cộng tập trận cường độ cao với mẫu tiêm kích được nâng cấp J-11B tại Biển Đông, sau khi mẫu tiêm kích này được bàn giao hàng loạt.

Hơn 10 chiếc tiêm kích thuộc chiến khu nam bộ của Quân Giải phóng nhân dân Trung cộng đã tham gia tập trận suốt ngày đêm và diễn tập chiến đấu 4 chống 2 và 2 chống 2, theo Đài CCTV.

Chưa rõ thời điểm và khu vực diễn ra hoạt động tập trận, trong khi South China Morning Post đưa tin cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển “tranh chấp”.

Hình ảnh từ cuộc tập trận cho thấy một chiếc J-11B trở về và vào nhà chứa, với máy bay có một vòm radar xám, không giống như màu đen trên phiên bản gốc.

Việc đổi màu làm dấy lên nghi vấn rằng đó là dấu hiệu nâng cấp radar lên hệ thống mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), theo tờ Hoàn Cầu thời báo. Hệ thống AESA được điều khiển bằng máy vi tính cho phép các tiêm kích liên lạc tốt hơn, cũng như phát hiện các mục tiêu sớm hơn và ở cự ly xa hơn.

J-11B là phiên bản được Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) điều chỉnh đáng kể từ mẫu Su-27 của Liên Xô thiết kế. Đây là mẫu tiêm kích hiện đại nhất của lực lượng không quân trên đất liền thuộc Hải quân Trung cộng, bên cạnh một số máy bay Su-30MKK nhập từ Nga vào thập niên 2000.

Tiêm kích đa nhiệm 2 động cơ J-11B có tầm hoạt động 1.500 km và có thể gia tăng nhờ các bồn nhiên liệu bổ sung. Nó có thể mang theo các vũ khí hiện đại như tên lửa tầm ngắn PL-10 và tên lửa không đối không PL-15.

SAC đã cung cấp số lượng lớn tiêm kích J-11B nhưng chủ yếu cho Không quân Trung cộng. Hãng còn phát triển mẫu J-16 dựa trên mẫu J-11B.

Trước đó, Cục Hải sự Trung cộng loan báo một cuộc tập trận của nước này diễn ra ở Biển Đông từ ngày 19/3 đến ngày 9/4.

RFA (24.03.2022)

 

 

Tàu đổ bộ USS Miguel Keith vào Biển Đông

Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith

Đây là lần đầu tiên USS Miguel Keith tiến vào Biển Đông kể từ lần tàu được triển khai tới Tây Thái Bình Dương hồi tháng 10/2021.

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ USS Miguel Keith, căn cứ viễn chinh di động của quân đội Mỹ, lần đầu tiên tiến vào Biển Đông hôm 21/3.

Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông, tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, ra thông báo về phân tích ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith cùng tàu khu trục lớp Arleigh Burke đi qua eo biển Bashi để tiến vào vùng biển phía Tây Nam Biển Đông hôm 21/3.

Với lượng giãn nước hơn 90.000 tấn, USS Miguel Keith là một trong những tàu chiến lớn nhất, chỉ đứng sau các siêu hàng không mẫu hạmMỹ. USS Miguel Keith là con tàu thứ ba thuộc lớp Lewis B. Puller, có thể thực hiện một số nhiệm vụ của căn cứ viễn chinh di động như làm nơi cất hạ cánh của trực thăng hạng nặng, hỗ trợ hậu cần hay hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát.

Một chuyên gia quân sự Trung cộng cho biết nước này nên chú ý theo dõi hoạt động của tàu USS Miguel Keith và tìm cách ứng phó, vì sự hiện diện của con tàu trong Biển Đông có thể “nâng cao đáng kể khả năng hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực”.

Tàu USS Miguel Keith từng đóng vai trò chủ lực trong cuộc diễn tập chung Mỹ – Nhật Bản Noble Fusion hồi tháng 2/2022. USS Miguel Keith có thể sẽ tham gia nhiều cuộc tập trận và sự kiện quân sự ở Biển Đông cùng các khu vực lân cận do tính đa nhiệm của nó.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Courtesy of AP

Mỹ, Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung cộng mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo.

Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, mới đây cáo buộc Trung cộng dường như đã hoàn tất hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, nhưng chưa rõ họ có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không.

Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung cộng chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.

Đất Việt (23.03.2022)

 

 

Việt Nam làm gì khi 3 đảo đá của mình bị Trung cộng quân sự hóa?

  “3 đảo” bị Bắc Kinh quân sự hóa là Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 20-3, Hãng tin AP dẫn lời Đô đốc John C Aquilino, tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ, nói Trung cộng đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ‘3 đảo’ (thực tế là 3 đá) trên Biển Đông và cho rằng đây là động thái đe dọa các nước láng giềng.

Điều 13 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 giãi thích: “Các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước”.

Chế độ pháp lý của các bãi cạn, đá: khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi, nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể dùng làm đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; khi chúng hoàn toàn ở cách lục địa hoặc ở cách một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có các công trình thiết bị nhân tạo thường xuyên nhô trên mặt nước.

Theo tài liệu của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thì Đá Vành Khăn là mỏm đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Trung cộng chiếm hữu thực thể này đầu tiên vào năm 1995.

Đô đốc John C. Aquilino, trái, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM), xem video về các công trình và tòa nhà của Trung cộng trên máy bay phản công P-8A Poseidon của Mỹ bay tại nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông vào Chủ nhật ngày 20-3-2022. Một máy bay của Hải quân Hoa Kỳ chở một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ đã bị liên tục đe dọa rời khỏi vùng trời trên các đảo do Trung cộng chiếm đóng ở Biển Đông đang tranh chấp trên sóng vô tuyến điện, dưới sự chứng kiến của hai nhà báo của Associated Press được mời lên tàu. (Ảnh AP/ Aaron Favila).

Cuối tháng 6-2017, AMTI ghi nhận hình ảnh cập nhật cho thấy rằng một mặt Trung cộng tập trung đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về những nguyên tắc cơ bản nhằm quản lý tranh chấp Biển Đông, mặt khác, Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng trên quần đảo Trường Sa.

AMTI cho rằng Trung cộng xây kho chứa tên lửa mới, hệ thống rađa/ liên lạc và các cơ sở hạ tầng khác đang được xây dựng trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi gợi ý rằng mặc dù khu vực đang cố gắng giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình, thì Trung cộng vẫn quyết tâm bành trướng thế lực và sức mạnh của mình.

Vẫn theo AMTI, Đá Chữ Thập tiếp tục là căn cứ hiện đại nhất của Trung cộng. Trung cộng cũng đang xây dựng bốn kết cấu ngầm rất lớn ở mỗi đá có thể được dùng chứa đạn dược và nhiều nhu yếu phẩm khác.

“Họ đã thúc đẩy tất cả năng lực và việc tăng cường vũ khí hóa đang gây bất ổn cho khu vực”, ông Aquilino  trả lời Hãng tin AP từ trên máy bay do thám P-8A Poseidon của hải quân Mỹ bay gần các tiền đồn do Trung cộng kiểm soát trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong suốt chặng bay, chiếc máy bay của Mỹ liên tục nhận cảnh báo xâm phạm từ phía Trung cộng. “Hãy tránh xa ngay lập tức để tránh đánh giá sai lầm” là một trong các cảnh báo như vậy.

Tuy nhiên, máy bay của hải quân Mỹ đã bất chấp những cảnh báo này và tiếp tục hành trình. “Đây là một máy bay hải quân Mỹ có quyền miễn trừ quốc gia. Máy bay chúng tôi đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào”, phi công Mỹ đáp lại cảnh báo của Trung cộng.

Đô đốc John C Aquilino cho rằng động thái của Trung cộng đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trên Biển Đông thành căn cứ quân sự.

Phía Trung cộng và Việt Nam chưa đưa ra phản ứng nào về các tuyên bố của đô đốc John C Aquilino và phía Mỹ.

Một đường băng do Trung cộng xây bên cạnh các công trình và tòa nhà tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn thuộc nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông, hôm Chủ nhật 20-3-2022. (Ảnh AP/ Aaron Favila).

 Các cấu trúc của Trung cộng được chụp vào ngày 8-2-1999( ảnh trên) và ngày 20-3-2022, tại Đá Vành Khăn ở Biển Đông đang tranh chấp. Trái ngược hoàn toàn với những cam đoan trước đây của Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự, Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Adm John C. Aquilino cho biết Trung cộng đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số một số đảo mà nước này xây dựng. (Ảnh AP/ Aaron Favila). 

Các công trình và tòa nhà của Trung cộng tại đảo nhân tạo trên bãi đá ngầm Johnson thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm Chủ nhật, 20-3-2022. Trung cộng đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số một số đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. 3 hòn đảo được trang bị  các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, thiết bị gây nhiễu và laser và máy bay chiến đấu. Trung cộng ngày càng hung hăng đe dọa tất cả các quốc gia hoạt động gần đó, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ cho biết hôm Chủ nhật. (Ảnh AP/ Aaron Favila).

Đô đốc John C. Aquilino, trái, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (INDOPACOM), đến Căn cứ Không quân Clark, tỉnh Pampanga, miền bắc Philippines vào Chủ nhật 20-3-2022. (Ảnh AP/ Aaron Favila).

VNTB  (22.03.2022)

 

 

Trung cộng đã hoàn tất quân sự hóa đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập

Công trình quân sự do Trung cộng xây dựng trên đá Vành Khăn. Courtesy of AP

Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Trung cộng đã hoàn tất việc quân sự hóa đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập tại Trường Sa.

Trung cộng trang bị các đảo trên với những hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm, thiết bị laser, gây nhiễm và các tiêm kích trong động thái hung hăng ngày càng gia tăng, đe dọa mọi quốc gia hoạt động gần đó, AP dẫn lời Đô đốc John C. Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ ngày 20/3.

“Tôi nghĩ rằng trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc gia tăng về quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến 2 bởi Trung cộng. Họ đã phát triển mọi năng lực và sự gia tăng vũ khí hóa đó đang gây bất ổn trong khu vực”, ông nhận định.

Giới chức Trung cộng chưa đưa ra bình luận liên quan. Trung cộng khẳng định năng lực quân sự chỉ để phòng vệ nhưng sau nhiều năm tăng ngân sách quốc phòng, nước này giờ đây có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 sau Mỹ. Trung cộng đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng với các hệ thống vũ khí như tiêm kích tàng hình J-20, tên lửa bội siêu thanh và các tàu sân bay.

Đô đốc John C. Aquilino

Trong một chuyến bay, chiếc máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ P-8A Poseidon liên tiếp nhận được cảnh báo từ phía Trung cộng kêu gọi máy bay tránh xa, đồng thời ngang ngược nói quần đảo này “thuộc chủ quyền của Trung cộng”.

Chiếc máy bay của Hải quân Mỹ bác bỏ cảnh báo của phía Trung cộng đồng thời khẳng định đang tiến hành “hoạt động được đảm bảo bởi luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và trách nhiệm của mọi quốc gia”.

Đô đốc Aquilino cho rằng Trung cộng đã xây dựng những nhà chứa máy bay, hệ thống radar, tên lửa và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập dường như đã hoàn tất.

“Chức năng của những đảo này là giúp mở rộng năng lực tấn công của Trung cộng ra xa hơn bờ lục địa. Chúng có thể giúp các tiêm kích, oanh tạc cơ cất cánh cùng năng lực tấn công của hệ thống tên lửa”, ông nhận định.

Theo ông, bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay trên vùng biển tranh chấp đều có thể dễ dàng nằm trong tầm hệ thống tên lửa của Trung cộng trên đảo.

“Đó là mối đe dọa đang tồn tại, đó là lý do vì sao việc quân sự hóa các đảo này rất đáng quan ngại. Chúng đe dọa mọi quốc gia hoạt động ở khu vực lân cận và vùng biển, không phận quốc tế”, ông Aquilino nhấn mạnh.

(21.03.2022)

 

Biển Đông: Trung cộng đã “quân sự hóa hoàn toàn” ba đảo ở Trường Sa

Ảnh Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa Biển Đông, do Trung cộng kiểm soát, Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Ảnh chụp ngày 3/5/2020. © Wikimedia

Đô đốc Mỹ John C Aquilino, tư lệnh lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày 20/03/2022 cho biết: Trung cộng đã “quân sự hóa hoàn toàn” ít nhất ba trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở vùng quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông, bố trí trên đó nhiều hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và bắn laser, cùng máy bay chiến đấu. 

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, đô đốc Aquilino nhắc lại rằng các hành vi hiếu chiến đó hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, theo đó Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.  

Ông Aquilino đã nói chuyện với AP trên một chiếc máy bay trinh sát của Hải Quân Hoa Kỳ, bay gần các tiền đồn do Trung cộng trấn giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất trên thế giới. Trong quá trình tuần tra, chiếc máy bay P-8A Poseidon liên tục nhận được những lời cảnh cáo qua vô tuyến điện từ phía Trung cộng, nói rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép, vào nơi mà họ nói là lãnh thổ của Trung cộng, và ra lệnh cho máy bay di chuyển đi nơi khác. 

Khi chiếc P-8A Poseidon bay gần các rạn san hô do Trung cộng chiếm đóng, ở một số nơi, có thể thấy các tòa nhà nhiều tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và radar. Gần Đá Chữ Thập chẳng hạn, có hơn 40 tàu đang neo đậu. 

Ông Aquilino cho biết việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn thành, nhưng vẫn còn phải xem liệu Trung cộng có theo đuổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các khu vực khác hay không. 

Đô đốc Mỹ xác định: “Chức năng của những hòn đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của CHND Trung Hoa ngoài các bờ lục địa của họ. Họ có thể tung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng với tất cả các khả năng tấn công của hệ thống tên lửa.” 

Ông cho biết bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay qua tuyến hàng hải đang tranh chấp đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa trên các đảo của Trung cộng. 

Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức Trung cộng. Bắc Kinh luôn cho rằng các cơ sở quân sự của họ hoàn toàn mang tính chất  phòng thủ, được bố trí để bảo vệ những gì họ nói là thuộc chủ quyền của mình.  

RFI (21.03.2022)

 

 Đô đốc Hải Quân Mỹ thị sát Biển Đông trên phi cơ tuần thám

 

Đô Đốc Hải Quân Mỹ John C. Aquilino, tư lệnh bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), mới đây đã có chuyến thị sát vùng Biển Đông trên chiếc phi cơ tuần thám, trong hoàn cảnh có nhiều lo ngại là Trung cộng sẽ có hành động hiếu chiến ở khu vực này, giữa khi thế giới đang chú ý vào cuộc chiến Ukraine.

Bản tin của AP hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Ba, nói rằng Đô Đốc Aquilino cho biết Trung cộng nay hoàn toàn “quân sự hóa” ít nhất ba trong số các hòn đảo họ xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, bố trí các hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm và chống phi cơ, súng laser và hệ thống gây nhiễu điện tử, cùng là các chiến đấu cơ, đe dọa tất cả mọi quốc gia hiện diện quanh đó.

Đô Đốc John C. Aquilino (trái) và Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida. (Hình: Issei Kato/POOL/AFP via Getty Images)

Đô Đốc Aquilino cho hay, các hành động có tính cách đe dọa của Trung cộng hiện nay ngược hẳn lại những lời hứa hẹn mà chủ tịch Trung cộng, ông Tập Cận Bình, đưa ra trước đây là Trung cộng sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành các căn cứ quân sự.

Đô Đốc Aquilino nhận định rằng các nỗ lực bố trí hỏa tiễn và phi cơ trên các đảo này nằm trong kế hoạch biểu dương sức mạnh quân sự của Trung cộng.

Trong chuyến bay trên chiếc phi cơ tuần thám của Hải Quân Mỹ, loại P-8A Poseidon, Đô Đốc Aquilino nói với phái viên AP rằng ông nghĩ trong 20 năm qua thế giới đã chứng kiến một cuộc gia tăng sức mạnh quân sự lớn lao “chưa từng thấy kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay.”

Theo ông Aquilino, Trung cộng nay có sức mạnh quân sự lớn lao và đang sử dụng sức mạnh này để tạo sự bất ổn trong khu vực.

Trong chuyến bay tuần thám, chiếc P-8A bay qua một số đảo trong vùng quần đảo Trường Sa, khiến phía Trung cộng liên lạc, đòi họ phải ra khỏi khu vực vì đây là nơi “thuộc chủ quyền Trung cộng.”

Phi công Mỹ điều khiển phi cơ điềm đạm trả lời rằng đây là một phi cơ của Hải Quân Mỹ, hoạt động hợp pháp trong vùng biển quốc tế, “bên ngoài mọi không phận của bất cứ quốc gia nào.”

Trinh sát cơ P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ. (Hình: US Navy)

Theo Đô Đốc Aquilino thì các phi cơ dân sự và quân sự bay trong vùng Biển Đông có thể nằm trong tầm đe dọa của hệ thống hỏa tiễn phòng không Trung cộng đặt trên các đảo nhân tạo.

“Họ đe dọa tất cả các quốc gia hoạt động nơi này cũng như tất cả các không phận và hải phận quốc tế trong vùng,” theo lời Đô Đốc Aquilino.

Ông cho biết mục tiêu chính của Mỹ ở nơi này là ngăn ngừa chiến tranh, qua các biện pháp răn đe và khuyến khích hòa bình cùng duy trì ổn định.

Tuy nhiên, Đô Đốc Aquilino nói rằng: “Nếu việc răn đe không thành công thì nhiệm vụ thứ nhì của tôi là sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.” 

Người Việt (21.03.2022)

 

 

Trung cộng tập trận ba tuần tại Biển Đông

Hình minh hoạ. Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung cộng tập trận ở Biển Đông hôm 12/4/2018  Reuters

Trung cộng tiếp tục thêm một cuộc trận tại Biển Đông kéo dài từ ngày 19/3 đến 9/4 tới đây.

Thông tin vừa nêu do Cục Hải sự Trung cộng loan đi vào ngày 19/3 trên trang web chính thức của cơ quan này sau hơn bảy giờ cuộc tập trận được tiến hành.

Cụ thể, cuộc tập trận sẽ diễn ra tại năm điểm có tọa độ 17°32’0 vĩ bắc – 108°16’0 kinh đông; 17°32’0 vĩ bắc – 109°22’0 kinh đông; 17°02’0 vĩ bắc – 109°22’0 kinh đông; 17°02’0 vĩ bắc – 108°30’0 kinh đông; và 17°22’0 vĩ bắc – 108°16’0 kinh đông.

Vào ngày 4/3, Cục Hải sự Trung cộng (MSA) đăng thông tin cho biết quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận từ 6 giờ chiều cùng ngày đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung cộng. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km.

Thông báo tập trận không cho biết thông tin cụ thể về quy mô của cuộc tập trận này nhưng yêu cầu các tàu thuyền tránh đi vào khu vực liên quan.

Vào tối ngày 1/3, MSA cũng thông báo một cuộc tập trận vào ban đêm từ 23 giờ ngày 1/3 đến 0 giờ ngày 2/3. Khu vực tập trận nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo cũng không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Trong tháng hai vừa qua, Trung cộng đã tiến hành ít nhất hai cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo thông báo của MSA.

Vào ngày 7/3 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối Trung cộng cho tập trận tại khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về cuộc tập trận từ ngày 14/3 của Trung cộng, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đề nghị Trung cộng tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.”

Bà Hằng cũng cho biết thêm: “Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung cộng về vấn đề này”.

Nói về khu vực tập trận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận: “Một phần khu vực thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung cộng liên quan đến hoạt động diễn tập quân sự của Trung cộng ở khu vực Biển Đông nói trên, thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982″.

RFA (21.03.2022)

 

 

Việt Nam khoan tìm dầu khí gần khu vực Trung cộng tập trận

Việt Nam khoan tìm dầu khí ở lô dầu khí gần khu vực Trung cộng đang tập trận nhiều ngày liên tiếp trên Biển Đông.

ENI Vietnam BV, một bộ phận thuộc tập đoàn Dầu Khí ENI của nước Ý, dự trù bắt đầu khoan tìm tại mỏ Đàn Tranh-1X thuộc lô dầu khí 115/09 vào nửa sau của Tháng Ba, theo tin từ tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) được hãng thông tấn Reuters thuật lại.

Giàn khoan giếng Kèn Bầu tại lô dầu khí 114. (Hình: Petrotimes)

Reuters cho hay PVN sẽ mời công ty Essar tham gia đấu thầu thăm dò những lô dầu khí khác của Việt Nam trong những năm tới sau một cuộc họp ở Hà Nội giữa lãnh đạo đôi bên.

ENI là tập đoàn năng lượng hàng đầu của nước Ý hoạt động tại 85 quốc gia trên thế giới. ENI mua lại 100% quyền khai thác lô 115 từ công ty Krisenergy hồi Tháng Tư, 2021. Lô 115 có diện tích 7,382 km2, nằm ở độ sâu từ 90 mét đến 1,000 mét, tiếp giáp với lô 116, cũng do ENI Vietnam BV điều hành với 100% lợi ích tham gia.

Lô 115/09 nằm trong bồn trũng sông Hồng, liền kề và phía Nam của lô 114. Năm 2020, ENI Vietnam BV cùng với đối tác Essar Exploration & Production Ltd. đã phát hiện được mỏ khí đốt và khí ngưng tụ tại mỏ Kèn Bầu thuộc lô 114, từng được mô tả là thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Họ ước tính trữ lượng của mỏ Kèn Bầu khoảng 255 tỷ m3 khí và khoảng 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ.

Đầu Tháng Ba vừa qua, tạp chí Năng Lượng Việt Nam cho hay sau cuộc họp ba bên giữa PVN với hai đối tác ENI và Essar về vấn đề khoan tìm dầu khí tại các lô 114 và 115/9, mỏ Đàn Tranh -1X khoan tìm trong Tháng Ba và mỏ 114 Đàn Đáy – 1X dự trù từ Tháng Tư.

Lô Dầu khí 114 ở ngoài khơi trên thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền điểm gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Lô 115/09 nằm bên cạnh ở phía Nam.

Đồ họa khu vực Việt Nam chuẩn bị khai thác dầu khí tại mỏ Kèn Bầu, gần với khu vực Trung cộng đang tập trận. (Hình: Twitter Duan Dang)

Hiện Trung cộng đang mở cuộc tập trận quy mô ở vùng biển một phần lấn vào biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có lô dầu khí đánh số 113.

Tin tức hồi tuần trước đặt nghi vấn là Trung cộng tập trận tại đây để che đậy việc họ đưa mấy tàu khảo sát đáy biển đến để tìm kiếm một máy bay quân sự bị rơi, theo tin tình báo Đài Loan. Dường như họ đã trục vớt xong nhưng vẫn kéo dài cuộc tập trận tới gần giữa Tháng Tư để làm gì? Đe dọa hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam?

Hai năm trước, sau khi có tin đã tìm thấy mỏ khí lớn ở lô 114, đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Lê Minh, chuyên gia tư vấn chiến lược và thị trường, thành viên Hội Đồng Biên Tập và Phản Biện tạp chí Năng Lượng Việt Nam, về những lo ngại “yếu tố Trung cộng” sẽ ảnh hưởng tới hoạt động dầu khí của Việt Nam ở khu vực.

Ông Minh cho rằng mỏ Kèn Bầu “gần bờ nhất so với các mỏ dầu khí khác của Việt Nam, nên khai thác sẽ thuận lợi, giá thành sẽ thấp hơn do giảm được chi phí đường ống và công nghệ tách và xử lý khí. Ngoài ra, về mặt pháp lý, Mỏ Kèn Bầu cũng không lo ngại có sự tranh chấp chủ quyền đối với các nước khác.”

Theo ông Minh thì “Về mặt chủ quyền, vị trí địa lý của mỏ nằm gần bờ, sâu trong thềm lục địa Việt Nam nên không ngại yếu tố Trung cộng và cũng không có yếu tố Trung cộng nào ở đây cả.”

Vị trí mỏ Kèn Bầu trong lô dầu khí 114 trên Bản Đồ Dầu Khí Việt Nam. (Hình: PVN)

Tương tự như vậy, khu vực mà ENI Vietnam BV dự trù khoan tìm tại lô 115/09 cũng không có cái vạch “lưỡi bò” cán ngang. Tuy nhiên cả các lô 113  và 115 đều có một phần năm bên trong cái “lưỡi bò” nên người ta đang theo dõi xem Bắc Kinh có trò gì.

Trung cộng đã rất nhiều lần cản trở Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trên những vùng biển tuy nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền dựa vào những cái vạch nối lại giống hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% tới 90% Biển Đông.

Ông Fan Changlong (Phạm Trường Long), phó Quân Ủy Trung Ương Trung cộng, từng đến Hà Nội năm 2017 đe dọa đánh chiếm các vị trí Việt Nam đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng tìm kiếm dầu khí ở các vùng biển trong phạm vi “lưỡi bò.” 

Người Việt (20.03.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen