Seite auswählen

Tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Việt Nam

 

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Nghiên Cứu Quốc Tế

22.4.2022

Ngày 18 tháng 4 năm 2022, năm tướng lĩnh và hai sĩ quan cấp cao khác của Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) đã bị Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng bắt tạm giam để điều tra về một loạt các tội danh tham nhũng, trong đó có tội tham ô tài sản. Những người bị bắt gồm có Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (nguyên Tư lệnh CSBVN), Trung tướng Hoàng Văn Đồng (nguyên Chính ủy CSBVN), Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (nguyên Phó Chính ủy CSBVN), Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (nguyên Phó Tư lệnh và Tham mưu trưởng CSBVN), và Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (nguyên Phó Tư lệnh CSBVN).

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bê bối tham nhũng gần đây, dẫn đến việc hàng chục sĩ quan cấp cao trong lực lượng quân đội và công an Việt Nam bị xử lý. Riêng trong quân đội, ít nhất 20 tướng lĩnh đã bị kỷ luật hoặc truy tố kể từ năm 2016. Sĩ quan cấp cao nhất bị truy tố là ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Hải quân và Thứ trưởng Quốc phòng. Ông Hiến đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vào cuối năm 2020 vì phê duyệt chuyển nhượng trái phép ba lô đất quốc phòng tại TP.HCM cho các nhà đầu tư tư nhân, gây thiệt hại cho nhà nước 939 tỉ đồng.

Vụ bắt giữ năm tướng CSBVN và kỷ luật ba tướng lĩnh tại Học viện Quân y liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại công ty Việt Á cách đây vài tuần giúp tăng cường uy tín chính trị cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn từ năm 2016 đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng cấp cao gây nhiều tiếng vang. Tuy nhiên, những gì được xử lý cho đến nay có thể chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, vì tham nhũng trong quân đội, được cho là phổ biến và cắm rễ sâu, nhìn chung rất khó phát hiện và loại bỏ.

Quân đội Việt Nam tham gia vào một loạt các hoạt động kinh tế, được tạo điều kiện thuận lợi nhờ ảnh hưởng lớn của quân đội trong nền chính trị Việt Nam. Điều này đôi khi khiến các cơ quan dân sự phải chiều theo yêu cầu của các quan chức quốc phòng, bao gồm cả việc cung cấp nguồn lực và các chế độ ưu đãi, qua đó làm nảy sinh cơ hội cho tham nhũng phát triển. Sự tồn tại của các doanh nghiệp thuộc sở hữu quân đội, cả các doanh nghiệp thực sự lẫn các công ty bình phong được thành lập để phục vụ mục đích thu thập thông tin tình báo và các hoạt động nghiệp vụ khác, cũng khiến việc trục lợi của các cá nhân tham nhũng khó bị phát hiện hơn do khó phân biệt rạch ròi giữa các hoạt động liên quan đến thương mại và quốc phòng.

Vì thông tin về các hoạt động của quân đội thường được coi là nhạy cảm hoặc bí mật, điều này cũng cung cấp một lớp bảo vệ khác cho các quan chức quân đội tham nhũng. Ví dụ, mặc dù một số thương vụ mua bán vũ khí của Việt Nam được cho là có liên quan đến tiền lại quả từ các nhà cung cấp quốc phòng, nhưng vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào về những cáo buộc như vậy.

Nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ tổ quốc chống lại xâm lược của ngoại bang, nhưng quân đội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ. Điều này khiến cho việc xử lý tham nhũng trong quân đội trở thành một vấn đề nhạy cảm đối với ĐCSVN, vì đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế giữa một bên là việc duy trì kỷ luật và liêm chính trong các lực lượng vũ trang, một bên là duy trì lòng trung thành của các lãnh đạo quân đội hàng đầu đối với Đảng. Mặc dù Đảng tuyên bố rằng không có ‘vùng cấm’ trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng mong muốn duy trì lòng trung thành của các tướng lĩnh cũng có thể đã khiến Đảng không muốn giải quyết triệt để nạn tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan tới các sĩ quan cấp cao.

Tham nhũng làm chuyển hướng nhiều nguồn lực cần thiết khỏi việc đầu tư vào các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, vốn đã chậm lại kể từ năm 2016. Tham nhũng cũng làm suy thoái tinh thần của các sĩ quan và binh sĩ, làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của họ. Một số hành vi tham nhũng bị cáo buộc, chẳng hạn như ăn cắp xăng dầu từ các tàu quân sự và báo cáo sai hành trình tuần tra, thậm chí khiến đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng và Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển Việt Nam.

Tham nhũng cũng là kẻ thù vô hình có thể tiêu diệt ngay cả những nhà lãnh đạo quân sự có kinh nghiệm và năng lực nhất, đe dọa làm suy yếu năng lực chỉ huy tổng thể của quân đội. Bình luận về vụ bắt giữ năm tướng CSBVN, một người dùng Facebook đã cay đắng nhận xét: “Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt tám tướng Nga, và Việt Nam cũng có năm tướng bị loại khỏi vòng chiến đấu, ngay cả khi không có giao tranh nào.”

Việc truy tố năm tướng CSBVN cho thấy chiến dịch chống tham nhũng có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới, và người dân có thể mong đợi các vụ án tham nhũng cấp cao khác liên quan đến quan chức quân đội được phơi bày. Tuy nhiên, nếu không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thì tình trạng tham nhũng trong quân đội sẽ khó có khả năng thuyên giảm.

Ngoài việc cần cải thiện giám sát của chính quyền dân sự đối với chi tiêu quốc phòng, chấm dứt việc quân đội tham gia vào các hoạt động thương mại mang tính chất tìm kiếm lợi nhuận, và nâng cao thu nhập cho các quân nhân, Việt Nam cần cấp thiết phải xóa bỏ nạn ‘mua bán quyền lực’ trong quân đội. Mặc dù chưa có điều tra chính thức nào, nhưng hành vi đưa hối lộ để được thăng chức được cho là phổ biến ở cả các cơ quan dân sự lẫn các lực lượng vũ trang. Một khi đã được thăng chức, quan chức đưa hối lộ sẽ phải tìm cách “thu hồi vốn đầu tư”, do đó làm cho tình trạng tham nhũng ban đầu càng lan rộng và ăn sâu hơn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tham nhũng trong quân đội dường như gia tăng kể từ năm 2006, khi số lượng các tướng lĩnh quân đội bắt đầu tăng mạnh. Năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội Việt Nam chỉ có 36 tướng, nhưng đến năm 2018, một Việt Nam thời bình lại có tới 415 sĩ quan quân đội mang quân hàm cấp tướng.

Quân đội Việt Nam tự hào vì đã đánh bại được ba cường quốc lớn. Những kỳ công này đạt được là khi nạn tham nhũng hầu như không tồn tại trong hàng ngũ của quân đội Việt Nam. Hiện nay, đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan, khả năng của Việt Nam trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh và quốc phòng tiềm tàng có thể bị thách thức nghiêm trọng. Tham nhũng giờ đây đã nổi lên trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Việt Nam, và một chiến thắng rõ ràng trước kẻ thù đó vẫn còn khó khăn, xa vời.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg.

Cấp tướng và tá bị kỷ luật sắp lên ‘3 con số’


Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, trong số tướng lãnh bị “tước bỏ các chức vụ trong đảng” .

Theo UBKT BCH TƯ đảng thì sai phạm của 12 sĩ quan tại HVQY, trong đó có ba viên tướng là lãnh đạo cao nhất của HVQY thuộc loại nghiêm trọng, không chỉ xảy ra từ lâu mà còn…

Cho dù cả trên văn bản lẫn trong tuyên truyền về chính mình của đảng CSVN, “xem xét – truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền” đã được xác định rồi tái khẳng định nhiều lần là một trong những chủ trương và nỗ lực chính yếu để “xây dựng, chỉnh đốn đảng” (1) nhưng Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN chỉ quyết định “tước bỏ các chức vụ trong đảng” của ông Đỗ Quyết (Trung tướng, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Quân y – HVQY) và ông Hoàng Văn Lương (Thiếu tướng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ – BTV ĐU – HVQY, Phó Giám đốc HVQY), đồng thời “cảnh cáo BTV ĐU HVQY các nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025” (2).

Nếu BTV ĐU HVQY phải chịu trách nhiệm về sai phạm của các ông Đỗ Quyết, Hoàng Văn Lượng – những người vừa bị Ban Bí thư của BCH TƯ đảng CSVN quyết định “tước bỏ các chức vụ trong đảng”, đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc các ông: Hồ Anh Sơn (Thượng tá, Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự thuộc HVQY), Nguyễn Văn Hiệu (Đại tá, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị – Vật tư) bị “khai trừ khỏi đảng”. Các ông: Nguyễn Viết Lượng (Trung tướng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy HVQY), ông Nguyễn Tùng Linh (Đại tá , Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Khoa học quân sự), ông Ngô Anh Tuấn (Thiếu tá, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài chính) ông Lê Trường Minh (Thiếu tá. Chi ủy viên, Trưởng ban Hóa dược của Phòng Trang bị – Vật tư) cùng bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng “cảnh cáo”. Các ông: Phạm Nhật Quang (Đại tá, Bí thư Chi bộ Tổng hợp – Kế hoạch – Thanh tra, Chánh thanh tra HVQY), Chu Đức Thành (Đại tá, Phó Bí thư Đảng ủy HVQY, Chánh văn phòng HVQY), Nguyễn Văn Tâm (Trung úy) và Nguyễn Thành Trung (Trung úy, Chi bộ Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự) cùng bị UBKT BCH TƯ đảng “khiển trách” (3)… thì tại sao lại bỏ qua, không xem xét trách nhiệm của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) – tập thể lãnh đạo và giám sát BTV ĐU HVQY?

Theo UBKT BCH TƯ đảng thì sai phạm của 12 sĩ quan tại HVQY, trong đó có ba viên tướng là lãnh đạo cao nhất của HVQY thuộc loại nghiêm trọng, không chỉ xảy ra từ lâu mà còn kéo dài trong nhiều năm. Đó là lý do BTV ĐU HVQY nhiệm kỳ trước (2015 – 2020) và nhiệm kỳ này (2020 – 2025) cùng phải chịu trách nhiệm, cùng bị “cảnh cáo”. Vì sao QUTƯ – tập thể nắm giữ quyền lãnh đạo, giám sát toàn diện đối với tất cả các tổ chức đảng trong QĐND Việt Nam – tiếp tục sắp đặt những người như ông Đỗ Quyết làm Phó Bí thư BTV ĐU HVQY để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Giám đốc HVQY, nâng ông Quyết từ Thiếu tướng lên Trung tướng?

Chẳng lẽ lãnh đạo – giám sát mà không biết thì không cần phải chịu trách nhiệm? Mà có thật là QUTƯ… không biết? Vì sao sau khi bộ xét nghiệm COVID-19 do HVQY phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh bùng lên thành scandal, ngày 28/12/2021, đích thân ông Lương Cường (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Đại tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị) đến tham dự Hội nghị Đảng ủy HVQY, thay mặt QUTƯ long trọng,… “ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tập thể Đảng uỷ, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc” (4).

Thậm chí chỉ một tuần trước khi UBKT BCH TƯ đảng công bố kết quả kiểm tra, xác định, cần xem xét kỷ luật BTV Đảng ủy HVQY hai nhiệm kỳ liên tục – vốn mới được ông Lương Cường khen nức nở, hôm 23/2/2022, Trung tướng Ngô Minh Tiến (Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) đã dẫn… “Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đến thăm, chúc mừng HVQY nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam”, qua đó biểu dương, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên trong năm vừa qua (5)... Khen tặng như thế rồi kết luận như UBKT BCH TƯ đảng đã công bố và Ban Bí thư vừa quyết định về BTV ĐU HVQY có khác gì tự “bôi tro, trát trấu” vào mặt đảng?

***

Số tướng và đại tá bị đảng xử lý kỷ luật trong vài năm gần đây có lẽ sắp đạt mức ba con số. Nếu chỉ liệt kê những viên tướng đã bị kỷ luật cũng đủ mệt mỏi: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình (Chính uỷ Quân chủng Hải quân), Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Thượng tướng Phương Minh Hòa (Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân), Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân), Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy (Tư lệnh Quân khu 9), Thiếu tướng Phan Tấn Tài (Phó Tư lệnh Quân khu 7), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế), chín viên tướng trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Thiếu tướng Lê Văn Minh), ba viên tướng ở HVQY (Trung tướng Đỗ Quyết, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Thiếu tướng Hoàng Văn Lượng)… Kèm theo đó là vài chục BTV ĐU của đủ loại quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn, bộ chỉ huy sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ chỉ huy biên phòng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh…

Lẽ nào ngoài quyền chọn lựa, sắp đặt nhân sự cho tất cả các tổ chức đảng trong QĐND Việt Nam, QUTƯ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi nhiều tổ chức đảng trong QĐND mà không ít là các tổ chức đảng trên thượng tầng của quân đội đã không… “trong sạch” lại còn… chẳng “vững mạnh”? Lẽ nào QUTƯ vô can chỉ vì tập thể này có Tổng Bí thư đảng CSVN là Bí thư, có Bộ trưởng Quốc phòng là Phó Bí thư, có Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng là hai trong số 21 Ủy viên, những Ủy viên còn lại đều là các viên tướng đang lãnh đạo quân đội? Khi rõ ràng vẫn có… “vùng cấm”, vẫn có… “ngoại lệ” trong “xem xét – truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền” thì “xây dựng, chỉnh đốn đảng” có khác gì cố tình… lừa bịp cả đồng chí, đồng đội lẫn đồng bào?

Chú thích

(1) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825093/nang-cao-vai-trò-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-cap-ủy-chinh-quyen-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx

(2) https://vietnamnet.vn/tuong-do-quyet-va-hoang-van-luong-bi-cach-tat-ca-chuc-vu-trong-dang-828063.html

(3) https://vnexpress.net/giam-doc-hoc-vien-quan-y-bi-de-nghi-ky-luat-4445955.html

(4) https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/dai-tuong-luong-cuong-du-chi-dao-hoi-nghi-dang-uy-hoc-vien-quan-y-681775

(5) https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/trung-tuong-ngo-minh-tien-tham-chuc-mung-hoc-vien-quan-y-686730

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen