Seite auswählen
BBC

Website của nhiều tờ báo nhà nước tại Việt Nam nhanh chóng đưa tin buồn về việc ông Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga, qua đời, nhưng ngay sau đó đã xóa tin trên trang web của họ mà không giải thích lý do.

Tin tức về sự ra đi ngày 19/7 của ông Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga nổi tiếng với chương trình ca nhạc Paris By Night, đã bị gỡ bỏ khỏi các trang Thanh Niên, Pháp Luật, Dân Trí, Tiền Phong… ngay trong ngày đăng 20/7.

Ông Tô Văn Lai vừa qua đời ngày 19/7 ở Mỹ sau thời gian đau yếu, hưởng thọ 85 tuổi.

Trưa 20/7, hàng loạt tờ báo lớn ở Việt Nam đã đưa tin về sự việc này, nhưng tới chiều tối cùng ngày, những bài viết này đã không còn truy cập được nữa.

Trên công cụ tìm kiếm Google vẫn hiển thị những kết quả bài đăng của các trang Thanh Niên, Pháp Luật, Dân Trí, Tiền Phong…

Tuy nhiên khi bấm vào thì bài viết đã hoàn toàn biến mất và về trang chủ, hoặc xuất hiện lỗi 404 khi nội dung không còn tồn tại.

Có trường hợp như, sáng 21/7 trên trang Facebook của báo Pháp Luật vẫn còn nội dung về sự qua đời của ông Tô Văn Lai, tuy đường dẫn về trang web không còn khả dụng.

‘Lệnh cá nhân’?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 21/7, nhạc sĩ Tuấn Khanh, một công dân ở Việt Nam, cho rằng đây là “ý kiến của một cá nhân mà đủ sức tác động tới toàn bộ một hệ thống”.

Theo nhạc sĩ, trên đà dần dần cởi mở của Việt Nam đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, gần đây đã có nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại, tuy từng bị Đảng Cộng sản xem là ‘chống Cộng’, cũng đã được báo đài đưa tin và giới thiệu.

“Về tin tức ông Tô Văn Lai qua đời, tôi nghĩ rằng có một người nào đó muốn giới thiệu sự thông minh của mình, mang tính là “tôi là người phát hiện được điều này”, chứ không phải là xu hướng chung của nhà nước Việt Nam trong công cuộc cố gắng hòa hợp – hòa giải với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tôi nghĩ đây là quyết định của một cá nhân nhưng gây ảnh hưởng đến bộ mặt toàn bộ nhà nước Việt Nam.”

“Nhà nước Việt Nam đã trải qua sự kiện 1975 thống nhất đất nước, và họ có toàn bộ quyền lực tuyệt đối để thể hiện. Nhưng hành động đối với một sự việc nhỏ này không xứng với vị thế của họ. Sau ông Tô Văn Lai có thể là những người khác nữa, làm như vậy có thể tạo ra những khoảng cách rất rõ và hằn sâu trong ký ức người Việt rằng chúng ta không thống nhất gì cả”, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định.

Trong khi đó, từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện cho rằng một nguyên nhân có thể các bài viết về ông Tô Văn Lai bị gỡ hàng loạt là do ông Tô Văn Lai là một nhân vật “có ảnh hưởng nhưng ngoài luồng”.

“Tôi nghĩ dù thế nào ông Tô Văn Lai hay các chương trình của Thúy Nga Paris đối với các nhà cầm quyền trong nước thì vẫn là một thứ ngoài luồng. Mặc dù theo tôi thì những chương trình này cũng vô hại thôi, nhưng có lẽ người ta không muốn nhìn nhận một sức ảnh hưởng thực sự như vậy mà không nằm trong ý muốn của nhà nước”, nhà văn Nguyễn Viện nói.

“Khi báo chí đưa tin về sự qua đời của ông Tô Văn Lai không khác gì là tuyên dương một người không nằm trong hệ thống nhà nước.”

Hàng loạt tờ báo đưa tin ông Tô Văn Lai qua đời nhưng đã gỡ bỏ ngay trong ngày 20/7

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH Hàng loạt tờ báo đưa tin ông Tô Văn Lai qua đời nhưng đã gỡ bỏ ngay trong ngày 20/7

Bài viết của trang Dân Trí đã bị gỡ và hiển thị lỗi 404

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH Bài viết của trang Dân Trí đã bị gỡ và hiển thị lỗi 404

Facebook báo Pháp Luật TP.HCM

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH Nội dung trên Facebook báo Pháp Luật TP.HCM

Sức ảnh hưởng của ông Tô Văn Lai và trung tâm Thúy Nga

Cả nhà văn Nguyễn Viện và nhạc sĩ Tuấn Khanh đều đánh giá cao những đóng góp của ông Tô Văn Lai đối với đời sống văn hóa của giới văn nghệ sĩ cũng như nhiều người dân Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng những việc ông Tô Văn Lai đã làm là rất đáng kể và rất đáng được tuyên dương cho những người Việt xa xứ và ngay cả những người ở trong nước.

“Ông đã thành lập trung tâm Thúy Nga và những chương trình của ông đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt với giới làm nghệ thuật biểu diễn và sân khấu ca nhạc thì những sáng tạo của ông Tô Văn Lai đã làm thay đổi hẳn bộ dạng sân khấu ca nhạc ở Việt Nam, trở nên hoành tráng hơn, công phu hơn và nghệ thuật hơn.”

“Mấy chục năm trước, Thúy Nga Paris đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí người Việt khi họ muốn nghe, muốn thưởng thức một cái gì đó khác thay vĩ một thứ âm nhạc quá quen thuộc, không gần gũi với đời sống thực của con người lắm. Và tôi nghĩ rằng cho đến tận bây giờ những chương trình của Thúy Nga Paris vẫn còn có một sức ảnh hưởng lớn.”

“Những chương trình của Thúy Nga Paris đã giúp giải tỏa và giải trí, bổ sung đời sống tinh thần cho nhiều người nhất là trong một xã hội gò bó như Việt Nam vài chục năm trước. Tất nhiên là hiện nay tình hình đã dễ chịu hơn nhiều, nhưng vài chục năm về trước thì chương trình Thúy Nga Paris như là một món quà tặng rất quý, rất đặc biệt ở trên trời rơi xuống vậy.”

“Tôi nghĩ ông Tô Văn Lai ra đi, sẽ gây ra sự tiếc thương cho rất nhiều người không chỉ là giới văn nghệ sĩ mà còn là đại đa số người dân đã từng lắng nghe chương trình Paris By Night”, ông Viện nói với BBC.

Nhiều nghệ sĩ trong và ngoài Việt Nam đã tham gia vào chương trình của Thúy Nga

TRUNG TÂM THÚY NGA Nhiều nghệ sĩ trong và ngoài Việt Nam đã tham gia vào chương trình của Thúy Nga

Còn nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ rằng những chương trình của trung tâm Thúy Nga đã đóng góp vô kể cho nền âm nhạc và văn hóa Việt Nam.

“Thực sự mà nói thì cũng có những người đã tạo dựng sự nghiệp của mình bên ngoài Việt Nam, rất nhiều nhân vật đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, kinh tế…”

“Nhưng ông Tô Văn Lai có một sức ảnh hưởng đặc biệt vì ông đã chọn một ngành chạm vào đa số công chúng Việt Nam, đặc biệt là những người ở miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 đổ vào. Trong một thời gian dài sau năm 1975, họ không có chỗ để tìm lại văn hóa của họ, và bản thân cái văn hóa đó cũng bị cấm đoán, định kiến, kì thị. Khi đó, những chương trình của Thúy Nga trở thành một nguồn nuôi sống tinh thần của hai thời văn hóa Việt Nam cộng hòa và miền nam Việt Nam.”

Với cương vị là một nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, nhạc sĩ Tuấn Khanh đánh giá ở một vị trí nào đó thì ông Tô Văn Lai giống như một bầu sô lớn đối với giới văn nghệ sĩ.

Ông nói với BBC: “Trong một bối cảnh mà ông đã dựng lại những chương trình hết sức đầy đủ và tráng lệ ở bên ngoài Việt Nam, khiến cho những nghệ sĩ ở trong tình thế lưu vong cảm thấy tự hào và hãnh diện khi tham gia những chương trình đó. Bên cạnh đó, những chương trình của Thúy Nga cũng nuôi sống được một thế hệ văn nghệ sĩ lỡ làng trong sự nghiệp của họ, và khiến cho khán giả Việt Nam tìm kiếm và yêu mến họ nhiều hơn.”

“Ông Tô Văn Lai là một người bạn của tất cả những văn nghệ sĩ của một nền văn hóa tưởng chừng như đã mất. Đồng thời còn là một người tạo dựng ra một khung trời mới đầy hứa hẹn nuôi sống các nghệ sĩ như vậy”, nhạc sĩ nhấn mạnh.

Theo thông tin trừ trang web của trung tâm Thúy Nga, sau 35 năm thành lập, ước tính có khoảng 80 triệu người Việt đã xem các chương trình Paris By Night trên toàn thế giới.

Trong bài viết Bước chân về phương Đông của Thúy Nga Paris của tác giả Cẩm Hà đăng trên BBC năm 2019, tác giả này nhận định Trung tâm Thúy Nga từ lâu chú trọng sử dụng nghệ thuật để truyền tải các bài học lịch sử và giá trị dân tộc, đồng thời đảm bảo sự đa dạng tuyệt đối về gu thưởng lãm nghệ thuật.

Bài viết nói rằng:

“Thúy Nga chiếm được cảm tình của nhiều giới, nhiều lứa tuổi, lấy lòng người hâm mộ từ Bắc chí Nam, từ đồng bào hải ngoại tới người trong nước chính là nhờ duy trì rất xuất sắc sự đa dạng ấy.”

“Các băng video của Thúy Nga trở thành món ăn tinh thần chung của nhiều gia đình. Người lớn tuổi được nghe Hương Lan, Khánh Ly, Chế Linh… Lớp trung niên nghe Bằng Kiều, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… Các bạn trẻ nhún nhảy với Tóc Tiên, Mai Tiến Dũng và Hoàng Mỹ An… Trẻ con thậm chí cười được với những mẩu chuyện hài của MC Nguyễn Ngọc Ngạn.”

Báo Nhà nước đồng loạt rút bài về ông Tô Văn Lai

 

2022.07.20
RFA

Báo Nhà nước đồng loạt rút bài về ông Tô Văn LaiÔng Tô Văn Lai

 Facebook Thuy Nga – Paris By Night

Những bài viết về ông Tô Văn Lai, người sáng lập hai trung tâm Thúy Nga và Thúy Nga Paris By Night ở nước ngoài, đã không còn có thể truy cập được trên các mạng báo Việt Nam vào chiều tối ngày 20/7.

Tin tức về sự ra đi hôm 19/7 của ông Tô Văn Lai, người đồng sáng lập Trung tâm Thúy Nga trước đây ở Sài Gòn và Thúy Nga Paris By Night tại hải ngoại, được truyền thông các nơi loan đi.

Tin cho biết ông Tô Văn Lai qua đời vào lúc 11 giờ 5 phút sáng ngày 19/7 tại nhà riêng sau một thời gian bị bệnh ở tuổi 85.

Vào chiều tối ngày 20/7, khi người đọc bấm vào các links bài về ông Tô Văn Lai trên các báo Nhà nước thì đều được dẫn đến trang chính và không có bài hoặc báo lỗi.

Hiện không rõ nguyên nhân vì sao các bài viết về ông Tô Văn Lai bị đồng loạt gỡ khỏi các báo này.

Theo trang web Thúy Nga, ông Tô Văn Lai và vợ là bà Thúy đã sáng lập ra thương hiệu Thúy Nga tại Sài Gòn vào năm 1972.

Sau năm 1975, hai người đến Paris mang theo tấc cả các băng, đĩa mà họ có.

Chương trình video âm nhạc “Paris By Night” đầu tiên được sản xuất tại Paris vào năm 1983.

Những sản phẩm ca nhạc của Trung Tâm Thúy Nga và Thúy Nga Paris By Night được đón nhận nồng nhiệt bởi cả người Việt trong và ngoài nước.

Báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, hồi năm 2008 có bài viết chỉ trích Trung tâm Thúy Nga Paris và ông Tô Văn Lai là “thường thực hiện các chiến dịch tâm lý chiến chống phá quê hương đất nước, qua việc sản xuất và đưa lậu vào Việt Nam những bộ DVD ca nhạc có nội dụng sặc mùi chống Cộng ở những thời điểm trong nước đang diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng.”

 

Tại sao Đảng Cộng sản lại sợ ông Tô Văn Lai đến thế?

 

Jackhammer Nguyễn

29-7-2022

Tiếng Dân

Người cộng sản tự xưng là vô thần, không trời phật thánh thần chi cả, nên chúng ta cứ nghĩ họ ngon lành lắm, không sợ chi hết. Trời phật thánh thần còn không sợ, thì nói như đương kim thủ tướng… sợ “mẹ” gì!

Thế mà họ sợ đấy. Họ sợ một ông cụ trói gà không chặt vừa mới qua đời, là cụ Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga Paris ở hải ngoại. Sau khi cụ Lai qua đời, báo chí Việt Nam trong nước cữ ngỡ đây là dịp để … hòa hợp hòa giải, thúc đẩy nghị quyết 36, bèn hăng hái đưa tin về con người và sự nghiệp phát triển văn hóa của cụ Lai, ai dè đâu vài giờ đồng hồ sau đó, tuyên giáo Đảng bắt xóa hết.

Có thể nói rằng, cụ Tô Văn Lai là người có công lớn nhất trong việc gìn giữ và phát triển âm nhạc Việt Nam trong thời hiện đại, nhất là phần âm nhạc miền Nam Việt Nam, đứng trước nguy cơ bị chế độ cộng sản trong nước chủ trương xóa bỏ. Có thể thấy, có đủ loại âm nhạc trong chương trình Thúy Nga Paris, từ thể loại bolero Việt Nam buồn bã của những người lính trong chiến tranh, cho đến những tác giả tiền chiến có khuynh hướng siêu thực, từ cải lương bình dân Nam bộ, đến các tác giả lớn như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Đó không chỉ là âm nhạc và văn hóa, mà còn là lịch sử Việt Nam nữa, lịch sử rất phức tạp, đau đớn của cả thế kỷ. Cả hai điều đó, văn hóa và lịch sử đều là hai điều mà người cộng sản rất sợ.

Đối với văn hóa, người cộng cộng sản chủ trương chỉ có một loại văn hóa, mà họ gọi là văn hóa vô sản, phản ánh đúng quan điểm lập trường của Đảng Cộng sản cầm quyền. Họ nói như thế, nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng chẳng biết họ nói gì.

Ta thấy có ba loại nhạc mà họ cổ súy, thứ nhất là loại sắt máu chiến tranh cách mạng, kiểu như … “súng anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ”, loại thứ hai là xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, kiểu như là… ‘xây cho nhà cao cao mãi’. Và loại thứ ba là loại ca ngợi lãnh tụ và đảng ca. Cả ba loại nhạc này thật ra đều là những bài tuyên truyền kèm trong giai điệu cho người ta dễ nhớ, một kiểu tả pí lù, trộn lẫn giữa Goebel và Mao Trạch Đông.

Đã vài thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trọn vẹn dưới chế độ cộng sản, có thể nói hành xử của họ cũng chính là nền … văn hóa vô sản mà Đảng cầm quyền mong muốn xây dựng mấy mươi năm nay. Kể ra thì rất nhiều, nhưng ta có thể điểm lại ba sự kiện gần đây để nói về bộ mặt văn hóa của những người này.

Hai “nghệ sĩ nổi tiếng” Việt Nam bị tình nghi hiếp dâm tại Tây Ban Nha bị bắt giữ. Một “nghệ sĩ ưu tú” trong nước lên tiếng bênh vực, cho rằng đó là chuyện bình thường.

Một “luật sư” bênh vực cho “bị hại” trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, vô cớ thóa mạ đạo Công giáo.

Một “đạo diễn” nổi tiếng đăng đàn nói rằng, người vợ phải hành xử như gái mãi dâm thì mới mong giữ được hạnh phúc gia đình.

Diện mạo sơ lược của văn hóa vô sản Việt Nam, do Đảng Cộng sản chủ trương kiến tạo lên, là như thế.

Đối với lịch sử, không ai lạ gì người cộng sản luôn chủ trương xóa bỏ lịch sử, nhất là những sự kiện liên quan đến sự bạo tàn của họ.

Nếu bạn đọc có dịp đến Bắc Kinh, mà hỏi những người trẻ tuổi ở đó về sự kiện Thiên An Môn, thì gần như toàn bộ tin rằng không có gì xảy ra ở đó vào năm 1989 cả. Rất nhiều thanh niên Trung Quốc hoàn toàn không biết về sự kiện đẫm máu đó, vì nó không có trong bất cứ tài liệu nào bên trong Trung Quốc.

Tương tự như vậy, đại đa số người Việt Nam lớn lên trong nước cũng không biết gì về vượt biên, tù cải tạo,… chứ đừng nói chi đến thảm sát Mậu Thân cho xa xôi. Nhưng họ có thể biết đến thảm sát Mỹ Lai. Có thể vì rằng nó có ghi trong sách sử của Đảng, nhưng học sinh có đọc hay không lại là chuyện khác.

Vấn đề học sinh có đọc sách lịch sử của Đảng hay không, lại là một điểm thú vị khác, cho thấy hệ thống văn hóa vô sản, mà tôi gọi là tả pí lù Goebel Mao Trạch Đông, có giới hạn của nó.

Nó có giới hạn vì nó bất bình thường, nó không liên quan đến cuộc đời thật xung quanh, có chăng là chỉ phù hợp với những tâm trí cuồng tín, đang sống đâu đó xung quanh các chiếc loa phường, loa xã của Đảng.

Kết quả của nền văn hóa vô sản này là gì, là những người trống rỗng về văn hóa, cư xử với bản năng sinh học trong xã hội.

Nhưng chỗ trống đó lại là chỗ mà Đảng Cộng sản không lo lắng, vì họ có thể thao túng được đám quần chúng trống rỗng về văn hóa. Họ không phải lo lắng về những hành vi văn hóa xã hội mà họ không thể kiểm soát được.

Đó là lý do mà họ sợ ông Tô Văn Lai, sợ công việc gìn giữ văn hóa của ông, một hệ thống ý thức và hành xử mà người cộng sản không kiểm soát được.

Điểm quan trọng nhất của chế độ toàn trị cộng sản là: kiểm soát, kiểm soát, và kiểm soát.

Họ đã rất sợ hãi khi thấy đám đông đổ ra đường đưa đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2001, hay đám đông theo thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ông lần đầu về nước vào năm 2005.

Nếu đó là nỗi sợ hãi về sự mất kiểm soát, thì có những nỗi sợ hãi khác, mơ hồ hơn nhưng đời hơn.

Đó là nếu như cả trăm triệu người Việt không bị trống rỗng về văn hóa, thì còn đâu chỗ đứng cho “hai nghệ sĩ nổi tiếng tình nghi hiếp dâm”, còn đâu chỗ đứng cho ông đạo diễn mãi dâm hóa phụ nữ Việt Nam? Có cả trăm ngàn người như các vị này được các trường Đảng, các khoa “triết Mác-Lê”, nơi mà ông Võ Văn Thưởng, người đứng đầu cơ quan tuyên giáo và các đồng môn được nhào nặn!

Một tác giả đã trích dẫn một cây bút bên Pháp vào năm 2001, sau đám tang Trịnh Công Sơn, rằng số người Việt Nam yêu mến cái đẹp vẫn còn đông, đất nước này vẫn còn có thể chữa trị được. Có nghĩa là người Việt chưa đến nỗi trống rỗng về văn hóa.

20 năm sau, ta cũng thấy dân xứ Huế đổ ra đường tiễn biệt thiền sư Thích Nhất Hạnh rất đông. Có nghĩa là người Việt chưa đến nỗi trống rỗng về tinh thần.

Để kết thúc, tôi nhớ lại một dịp cách đây đã lâu, vào thời các băng đĩa Thúy Nga Paris rất nổi tiếng, tôi thấy các nhân viên ngoại giao Việt Nam xem những cuốn băng đó ở chỗ riêng tư.

Có thể có những người sẽ lên tiếng chì chiết rằng người cộng sản đạo đức giả, ngoài mặt thì thóa mạ Thúy Nga Paris (những năm ấy hồng hồng chuyên chuyên hãy còn kinh khủng lắm), nhưng tôi thấy, có lẽ những người cộng sản vẫn còn có thể chữa trị được.

Tôi lúc nào cũng là người lạc quan.

 

Ông Tô Văn LaiFACEBOOK MARIE TO Ông Tô Văn Lai cùng phu nhân sáng lập Trung tâm Thúy Nga năm 1972

Khán giả thương tiếc trước tin ông Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga, qua đời

 

BBC

Ông Tô Văn Lai, người sáng lập Trung tâm Thúy Nga, vừa qua đời ngày 19/7 sau thời gian đau yếu. 

Nhiều nghệ sĩ và khán giả đã bày tỏ lòng thương tiếc sau khi bà Tô Ngọc Thủy, con gái của ông Tô Văn Lai, thông báo tin buồn trên Facebook cá nhân. 

Ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ: “Bác Tô Văn Lai đã ra đi rất thanh thản. Bác không còn phải chịu đau đớn nữa.” 

Nữ ca sĩ viết trên Facebook của mình: “Con thương bác quá khi cả mấy tháng nay bác phải chịu đau nhiều lắm rồi. Thương các anh chị con cháu và gia đình bác luôn luôn bên bác mỗi ngày nhìn bác đau mà không biết phải làm sao. Con xin tạm biệt bác.” 

Nhạc sĩ Lê Xuân Trường nói: “Ông – Người sáng lập ra trung tâm Thúy Nga nói chung trong việc đưa lịch sử vào trong âm nhạc, điều này sẽ giúp cho lớp trẻ tại hải ngoại có thêm nhiều cơ hội để hiểu biết về lịch sử nước nhà.” 

“Ông – Với hơn 40 năm qua với tâm huyết nhằm gìn giữ nét đẹp nghệ thuật của văn nghệ Việt Nam. Một thời gian hầu như cả trái tim và bộ óc của ông lúc nào cũng chỉ là nhạc, là sân khấu, là niềm đam mê bất tận. Ước nguyện trong tim của ông là đóng góp cho nền âm nhạc của người Việt Nam tha hương không bị mai một nơi xứ người.”  

Vợ chồng ông Tô Văn Lai

FACEBOOK MARIE TO Vợ chồng ông Tô Văn Lai, hình năm 1966

Sinh năm 1937, ông Tô Văn Lai cùng phu nhân, bà Thúy, sáng lập thương hiệu Thúy Nga tại Sài Gòn năm 1972. 

Trang web của Thúy Nga cho biết: “Sau năm 1975 ông Lai và bà Thúy may mắn đến được Paris, mang theo tất cả băng đĩa mà họ có, cùng với đó là kí ức về mảnh đất quê hương.” 

Chương trình video âm nhạc “Paris By Night” số đầu tiên được sản xuất tại Paris năm 1983.  

Các chương trình Paris By Night trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cộng đồng người Việt trong và ngoài Việt Nam. 

Cho tới nay, Thúy Nga vẫn được điều hành bởi chính gia đình sáng lập, khi bà Tô Ngọc Thủy cùng chồng tiếp tục dẫn dắt trung tâm.

 

Ông Tô Văn Lai và di sản Thúy Nga Paris By Night

Sài Gòn Nhỏ

 

Bà Marie Tô (Tô Ngọc Thủy) – con gái của Giáo Sư Tô Văn Lai, người sáng lập Trung Tâm Thúy Nga và chương trình ca nhạc nổi tiếng hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night” cho biết ông Tô Văn Lai vừa qua đời lúc 11 giờ 5 phút sáng Thứ Ba, 19 Tháng Bảy.
“Ba ơi! Ba đi gặp Tonton Lam Phương nhé. Con THƯƠNG Ba… Con rất hãnh diện con là con gái của Giáo Sư Tô Văn Lai. Tạ Ơn Chúa đã rước Ba đi thật bình yên. Amen.” (Facebook Marie To)

Nhắc đến Thuý Nga – Paris By Night (PBN) là nhắc đến những đại nhạc hội mang tầm vóc quốc tế với dàn nghệ sĩ tham dự không dưới 100 người cho mỗi chương trình. Đó là 132 chương trình (tính đến Tháng Giêng 2022) được lên kịch bản kỹ lưỡng, chọn lọc ý nghĩa từng chủ đề. Mỗi một chương trình của Thuý Nga – PBN là một trang kiến thức đời sống, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Phía sau tất những điều đó là một chặng đường dài đầy tâm huyết, rực lửa đam mê nghệ thuật, thấm sâu tình và nghĩa dành cho “người ra đi và người ở lại” của một gia đình họ Tô, từ Sài Gòn đến Paris, rồi đến thủ phủ của người Việt tỵ nạn – Little Saigon, California.

50 năm trước

Năm 1972, có một cửa hàng nhỏ bán băng nhạc được mở bên trong thương xá Tam Đa (Crystal Palace) ở khu Nguyễn Trung Trực – Công Lý và Lê Lợi. Người vợ phụ trách việc giao tiếp với khách, trông coi gian hàng, quản lý số lượng sản phẩm băng đĩa. Người chồng đảm nhiệm đối ngoại, làm việc với các nghệ sĩ, phòng thu. Ngoài những vở tuồng cải lương, Thúy Nga – tên của cửa hiệu – cũng sản xuất một số băng cassette với các danh ca Sài Gòn thời đó, như Thái Thanh Selection, Tiếng Hát Thanh Tuyền, Ngô Thụy Miên, Tiếng Hát Khánh Ly 5, Tiếu Vương Hội 1,2,3, Tuồng Cải Lương Má Hồng Phận Bạc… Cuốn băng đầu tiên do Thuý Nga sản xuất và phát hành là Thanh Tuyền 1 – Tiếng Hát Thanh Tuyền thu dưới dạng băng cối.

Chủ cửa hàng là vợ chồng ông Tô Văn Lai và bà Nguyễn Thị Thuý. Cửa hàng băng nhạc Thuý Nga đó chính là tiền thân của Trung Tâm Thuý Nga – Paris By Night hiện tại  – một di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp thế giới. Đây cũng là lý do bà Nguyễn Thị Thuý được mọi người biết đến với cái tên bà Thuý Nga.

Ông bà Tô Văn Lai và Nguyễn Thị Thuý. Ảnh: Tô Ngọc Thuỷ

“Ai ở Sài Gòn thời đó đều biết cửa hàng của ba má tôi trong thương xá Tam Đa, cạnh nước mía Viễn Đông, gần cửa hàng của chú Ngọc Chánh. Gian hàng của chú Phạm Mạnh Cương thì ở trên lầu. Trong thương xá đó còn có nhiều cửa hàng băng nhạc khác,” bà Tô Ngọc Thuỷ (Marie Tô), con gái ông bà Tô Văn Lai nhớ lại vào một buổi trưa mùa Hè từ California.

Một trong những băng cassette do ông Tô Văn Lai sản xuất khi còn tiệm Thuý Nga ở thương xá Tam Đa. Ảnh: Tô Ngọc Thuỷ.

Sau biến cố 1975, hàng loạt văn nhân nghệ sĩ của miền Nam bị ngược đãi bằng những năm tháng tù đày. Tác phẩm văn học, âm nhạc, những tinh thoa thời đó bị từ chối bằng cách đốt bỏ. Tất cả những gì liên quan đến “chế độ cũ” đều bị khai tử. Cửa hàng băng nhạc Thuý Nga cũng không tránh khỏi.

Tháng Mười năm 1976, do bà Nguyễn Thuý Nga mang quốc tịch Pháp nên gia đình ông bà cùng hai người con là trưởng nữ Tô Ngọc Thuỷ, trưởng nam Tô Ngọc Kim sang Pháp theo diện công dân hồi hương. Gia tài ông Lai mang về Pháp lúc đó khoảng $2,000 và toàn bộ tài liệu liên quan đến văn hóa, nghệ thuật từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Cả gia đình ông sống trong một chung cư dành cho người Pháp hồi hương tại Oissel – một thành phố nhỏ gần Rouen, cách thủ đô Paris 200 km.

Ông Tô Văn Lai và hai người con là Tô Ngọc Thuỷ và Tô Ngọc Kim
Gia đình ông Tô Văn Lai tại phi trường Bangkok Thailand vào Tháng Mười 1976 trong chuyến về Pháp theo diện hồi tịch của bà Thuý Nga. Ảnh: Tô Ngọc Thuỷ.

Hai năm sau, Tháng Hai năm 1979, ông bà Tô Văn Lai quản lý một cây xăng ở thành phố Bondy, ngoại ô Paris theo hình thức nhượng quyền (franchise). Cả gia đình ông bà chủ cửa hàng băng nhạc Thuý Nga bắt đầu xây dựng sự nghiệp ở Pháp từ đó. Nhờ cây xăng này mà gia đình ông có nguồn tài chánh để về sau lập nên trung tâm Thúy Nga trên đất Paris.

Ông Tô Văn Lai rất giỏi tiếng Pháp. Bà Tô Ngọc Thuỷ cho biết, ông thi đỗ bằng Thành Chung (Diplôme, tức là bằng tốt nghiệp Trung học Pháp). Sau đó ông theo ngành Sư phạm, dạy về Triết ở trường trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho. Với vốn kiến thức và khả năng Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ, cộng thêm tình yêu dành cho âm nhạc, nghệ thuật chưa bao giờ ngừng chảy trong huyết mạch, ông Lai và vợ quyết định tái hiện cửa hàng băng nhạc Thuý Nga của Sài Gòn trên đất Pháp.

Ông Tô Văn Lai thời trẻ

Nói là làm. Năm 1981, tiệm băng nhạc Thúy Nga ra đời ở số 45, Boulevard Saint-Germain-des-Prés thuộc Quận 5 trong thành phố Paris. Vẫn nếp nhà ngày xưa, hằng ngày bà Thuý Nga trông coi tiệm. Ông Lai lo “đối ngoại” và phát triển nội dung. Cửa hàng bán các băng cassette sang lại từ các băng nhạc đã phát hành trước năm 1975. Đây là cửa hàng băng đĩa nhạc đầu tiên của người Việt, do người Việt quản lý trên xứ Pháp, tại con đường văn hoá danh tiếng của nước Pháp. Đại lộ Boulevard Saint-Germain-des-Prés chính là nơi danh hoạ Picasso bày bán tranh vẽ thời chưa được nhiều người biết đến.

Gian hàng TN tại hội chợ Tết tại Houston cuối thập niên 80. Ảnh: Tô Ngọc Thuỷ

Ông Tô Văn Lai rất hài lòng về quyết định chọn Boulevard Saint-Germain-des-Prés làm “nguyên quán” cho Thuý Nga Paris. Ông cho rằng mở được cửa hiệu này là một “phép lạ của Thiên Chúa”, một vinh dự cho người Việt tỵ nạn. Rất nhiều tên tuổi ca sĩ nhạc sĩ lừng lẫy của Sài Gòn trước 1975 như nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Hương Lan, ca sĩ Ngọc Hải, nhà tổ chức ca nhạc Hà Phong, ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Thanh Mai… đến chung vui ngày khai trương tiệm Thúy Nga Paris.

Một góc nhỏ của Thương xá Tam Đa nói riêng và văn hoá nghệ thuật của miền Nam nói chung đã hồi sinh ở Paris từ lúc đó.

Cuốn băng Paris By Night số 1

Năm 1983, ông Tô Văn Lai gom góp tất cả tiền dành dụm từ cửa hàng Thuý Nga Paris để thực hiện một “cú hit” cho làng văn nghệ hải ngoại. Ông bà Tô Văn Lai vốn chỉ quen thuộc với audio từ trong nước, về video thì thật sự họ chưa có kinh nghiệm gì. Do đó, ông tìm đến công ty sản xuất Euromedia nhờ giúp đỡ. Khả năng nói tiếng Pháp lưu loát đã giúp ông thuyết phục được chủ của công ty Euromedia.

Bà Tô Ngọc Thuỷ không bao giờ quên lịch sử ra đời của cuốn băng ca nhạc Paris By Night 1 (tên thật là Paris By Night). Bà kể:

“Chúng tôi may mắn lúc đó gặp được những người có tấm lòng như ông bà chủ của Euromedia. Ông bà theo đạo Tin Lành. Ba tôi cầm một số tiền đến gặp ông bà chủ, nói rằng ông muốn làm một cuốn băng video ca nhạc để lưu giữ văn hoá nghệ thuật nước Việt, mà ông chỉ có bấy nhiêu thôi, có thể giúp ông không… Ông bà chủ thấy ba tôi là một dân tộc thiểu số ở nước Pháp, có lòng với nguồn gốc dân tộc nên ông bà nhận lời giúp đỡ.”

Paris By Night #1 có 11 ca khúc, không có người dẫn chương trình, do ông John Pierre Barry đạo diễn, ông Tô Văn Lai là Giám đốc sản xuất, được thực hiện bằng cách thu hình ngoại cảnh rồi biên tập và phát hành dưới dạng băng VHS.

Paris By Night #1

Từ khi cửa hàng Thuý Nga Paris ra đời ở Pháp, gia đình ông Tô Văn Lai bắt đầu sản xuất nhiều băng video cải lương, chẳng hạn tuồng Tuyệt Tình Ca (Thúy Nga Video #1), Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài, Khi Hoa Anh Đào Nở, Cho Trọn Cuộc Tình… Những sản phẩm đó có sự góp mặt của nhiều tài tử cải lương như Hữu Phước, Hương Lan, Hoàng Long, Phượng Mai… Thêm nữa, vốn đã nổi tiếng với cửa hàng Thuý Nga ở Sài Gòn, ông Tô Văn Lai không gặp khó khăn gì trong việc qui tụ ca sĩ cho Paris By Night 1.

Cuốn băng hoàn thành và được gửi sang Mỹ thì “như một chuyện chấn động vì nó là video ca nhạc đầu tiên của người Việt hải ngoại.” Như đã nói, sản phẩm này là tất cả gia tài gom góp lại của gia đình ông Tô Văn Lai, nên khi phát hành, việc thu lại vốn là một khó khăn không nhỏ. Mãi cho đến ba năm sau, năm 1986, trung tâm Thúy Nga mới có đủ khả năng để cho ra đời Paris By Night 2. Bắt đầu năm 1987 thì đều đặn mỗi năm, trung tâm cho ra đời một sản phẩm nghệ thuật Thuý Nga Paris By Night.

Đến năm 1985, thời điểm bắt đầu có nhiều người Việt đến Pháp tỵ nạn, ông Tô Văn Lai quyết định dời Thuý Nga Paris về địa chỉ 44 Avenue d’Ivry thuộc Quận 13, nơi đang hình thành một cộng đồng người Việt hải ngoại. Đây là thời điểm đánh dấu con đường sáng tạo không ngừng nghỉ của Trung Tâm Thuý Nga Paris By Night với các chương trình đại nhạc hội bao gồm ca múa, nhạc kịch.

Năm 1989, cả gia đình ông bà Tô Văn Lai rời nước Pháp để đến Mỹ, mở trung tâm Thúy Nga ở Bolsa Ave, Westminster, đánh dấu một chặng đường mới ở một nơi được mệnh danh là “cái nôi của người Việt tỵ nạn.” Cuốn băng video ca nhạc Paris By Night số 24 (10th Anniversary) ra mắt năm 1993, là cuốn băng đại nhạc hội đầu tiên của Trung Tâm Thuý Nga thực hiện ở Hoa Kỳ, kỷ niệm 10 năm thành lập Trung Tâm Thuý Nga – PBN.

Người tạo ra ảnh hưởng lớn

Không thể phủ nhận ông Tô Văn Lai là người có ảnh hưởng lớn đến tất cả chương trình đại nhạc hội Thuý Nga – PBN. Được làm việc bên cạnh ông từ cuốn băng Paris By Night đầu tiên, bà Tô Ngọc Thuỷ nói chính ông là người lựa chọn các ca khúc: “Má của tôi thì lo về vấn đề thương mại. Ba tôi làm việc với các ca sĩ, nhạc sĩ. Dù lúc đó tôi còn trẻ nhưng đã được ngồi cạnh ông để cùng làm việc với đạo diễn, phòng thu.”

Ông Tô Văn Lai không chỉ là người yêu âm nhạc thuần tuý mà ông còn là một người yêu nước. Tình yêu của ông dành cho Sài Gòn và quê hương Việt Nam luôn cháy bỏng trong những năm tháng ở Pháp. Ông ấm ủ hoài bão về một ngày Mẹ Việt Nam yêu dấu được tự do. Tình yêu đó ông vo tròn gửi vào những tác phẩm Paris By Night. Chủ đề của các chương trình Thuý Nga Paris By Night là những tên gọi vang lên từ trong sâu thẳm tâm tư của ông.

Đó là Giã Biệt Sài Gòn (Thúy Nga Video #10); Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam (Thúy Nga Video #13); Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (Thúy Nga Video #16); Mùa Xuân Nào Ta Về (Thúy Nga Video #32); Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương (Paris By Night 49); Cây Đa Bến Cũ (Paris By Night 59); Huế – Sài Gòn – Hà Nội (Paris By Night 91)…

Tình yêu to lớn với quê hương cùng với nỗi khao khát gìn giữ không cho văn hoá Việt Nam bị tước đoạt lần thứ hai của ông Tô Văn Lai thuyết phục được nhiều nhân sĩ của miền Nam Việt Nam cùng góp sức. Bà Tô Ngọc Thuỷ kể, từ khi kịch bản của Thuý Nga PBN có MC, thì ông có chủ ý mời những người không chỉ đã nổi tiếng mà quan trọng là chọn những người có kiến thức về văn học, nghệ thuật và cả những vấn đề thời sự diễn ra xung quanh.

Với mục đích đó, ông đã mời những người như ca sĩ Joe Marcel, MC Ngọc Phu, Trần Quang Trạch, nhà báo Lê Văn (VOA), nhà báo Đỗ Văn (BBC), nghệ sĩ La Thoại Tân làm người điều hợp chương trình.

Đầu thập niên 1990, ông gửi một số cuốn băng VHS các chương trình Paris By Night cho nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn lúc đó đang định cư tại Toronto, Canada. Ông kèm theo một lá thư ngỏ ý muốn nhà văn cộng tác với Trung Tâm Thúy Nga làm MC trong các chương trình Paris By Night. Vì lý do cá nhân, mãi đến vài năm sau, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn mới nhận lời xuất hiện trong chương trình Paris By Night 17, thu hình tại Paris. Từ năm 1992, Nguyễn Ngọc Ngạn trở thành MC độc quyền cho các chương trình Paris By Night, cùng với Nguyễn Cao Kỳ Duyên trở thành một “signature” của Thuý Nga – PBN.

Bà Tô Ngọc Thuỷ (Marie Tô) và phu quân là ông Huỳnh Thi (Paul Huỳnh). Ảnh: Tô Ngọc Thuỷ

Ngay cả khi chính thức lùi về hậu trường (năm 1990), trao lại Trung Tâm Thuý Nga cho vợ chồng bà Tô Ngọc Thuỷ và ông Huỳnh Thi, ông Tô Văn Lai vẫn dõi theo sát sao, đóng góp, sửa chữa những nội dung chưa đúng về ý nghĩa.

Bà Thuỷ nói “ông muốn tất cả, dù là một chi tiết nhỏ cũng không thể làm qua loa, phải đúng và ý nghĩa.”

Một người trọn vẹn ân tình

Bà Marie Tô nói dù ông là giáo sư Triết nhưng trong con người ông là một dòng chảy không ngừng của âm nhạc. Yêu âm nhạc, nên ông yêu và quí trọng cả người viết nhạc. Chính ông là người gửi lời mời đến các nhạc sĩ hoặc chủ động tìm đến họ, dù họ sống tại hải ngoại hay đang ở Việt Nam, để mời họ cộng tác những chương trình Paris By Night với chủ đề vinh danh dòng nhạc của các nhạc sĩ đó. Loạt chương trình “Tác giả và Tác phẩm” của Thuý Nga PBN là một chứng minh cho tấm lòng của ông Tô Văn Lai. Có thể kể như Phạm Duy (PBN 19 và 30); Ngô Thuỵ Miên (PBN 21 và 66); Lam Phương (PBN 22, 28, 88 và 66)… và rất nhiều nữa.

Ông Tô Văn Lai và nhạc sĩ Phạm Duy

Đáng quí hơn là ông Tô Văn Lai không bao giờ quên những nhạc sĩ còn kẹt lại trong nước sau biến cố 1975. Bà Tô Ngọc Thuỷ kể, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và nhạc sĩ Thanh Sơn sang Mỹ để cùng thực hiện PBN 83, bà và cha của mình đã tổ chức những chương trình ca nhạc để giúp hai nhạc sĩ về nước có cuộc sống tốt hơn.

Một câu chuyện khác được kể lại, năm 2006, ông Tô Văn Lai về Việt Nam tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Khi đó nhạc sĩ đang mở tiệm tạp hoá để sinh nhai. Ông Lai mong muốn thực hiện một chương trình PBN vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – cựu Đại tá Quân lực VNCH. Tuy nhiên, vì vài lý do, kịch bản đã không thể thực hiện với sự hiện diện của nhạc sĩ. Cho đến khi nhạc sĩ qua đời năm 2018, ông Lai đã hoãn lại dự án kỷ niệm Hành Trình 35 năm của Thuý Nga PBN để thực hiện Paris By Night 125 – Chiều Mưa Biên Giới với kịch bản của 12 năm trước, tưởng niệm và tri ân nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Ông Tô Văn Lai thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trong một lần về nước.

Sống trọn vẹn ân tình với nhân thế bao nhiêu thì ông Tô Văn Lai cũng sống trọn vẹn với đức tin vào Thiên Chúa bấy nhiêu. Ông là người rất ngoan đạo và có đức tin rất mạnh. Chính đức tin đó đã giúp ông một lần vượt qua cơn bạo bệnh. Ông hay nói “một sợi tóc rơi xuống cũng là thánh ý.” Vì vậy khi bệnh trở nặng lần hai và phải vào ICU, ông điềm nhiên đón nhận, tâm niệm rằng “dù có chuyện gì xảy ra cũng xin phó thác vào Thiên Chúa.”

Mong muốn cuối đời

Hành trình 50 năm của Thuý Nga – Paris By Night là nhiệt huyết chưa bao giờ cạn, là sáng tạo không ngừng của ekip nhiều thế hệ, nhiều màu da. Từ cuốn băng VHS đầu tiên cho đến những DVD, đĩa Blu-ray, các chương trình Thuý Nga PBN là nơi hội tụ hầu như tất cả điểm son của miền Nam một thời, là nơi lưu giữ và kết nối văn hoá nghệ thuật đời trước với đời sau, là nơi tưởng nhớ – tri ân tác giả và tác phẩm, là nơi giữ gìn tiếng Việt, như lời ông Tô Văn Lai từng nói.

Những ngày tháng cuối cùng trong hành trình cuộc đời của mình, dẫu vẫn mong muốn Thuý Nga Paris By Night mãi trường tồn, nhưng “ba tôi rất thực tế” – đó là lời bà Tô Ngọc Thuỷ nói khi được hỏi về lời nhắn nhủ của ông Tô Văn Lai.

Bà Thuỷ thuật lại chia sẻ của ông: “Làm văn nghệ ở xứ người, thêm nữa là một dân tộc thiểu số, thị trường rất nhỏ. Ông nói mình làm văn nghệ nhưng mình vẫn phải có một nghề khác. Ông nói, để duy trì Thuý Nga, ông muốn gia đình mở một cửa hiệu bánh. Đợt ngã bệnh lần trước vào ICU, ông viết ngoằn ngoèo lên một tờ giấy cho con gái út của tôi là ‘Ông ngoại muốn con mở bakery’ để nuôi ba mẹ là chúng tôi đây.”

Sau 50 năm, từ cửa hiệu bán băng nhạc Thuý Nga trong Thương xá Tam Đa cho đến Trung Tâm Thuý Nga Paris By Night, Thuý Nga – PBN từ lâu không còn là tên gọi riêng nữa mà đã trở thành một danh từ chung để nói về một di sản văn hoá của cộng đồng người Việt hải ngoại khắp thế giới cũng như giá trị của việc giữ gìn di sản ấy.

_______

Tô Văn Lai – một cuộc đời và một sự nghiệp

-Ông Tô Văn Lai chào đời ngày 11 Tháng Năm 1937 tại Bình Hòa, Gia Định; tên Thánh là Peter.

-Năm 18 tuổi, ông thi đỗ bằng Thành Chung (Diplôme, tức bằng tốt nghiệp Trung học Pháp). Sau đó dạy Triết ở trường Trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.

-Năm 1972, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thuý mở gian hàng Thúy Nga bán băng nhạc, bên trong thương xá Tam Đa (Crystal Palace).

-Tháng Mười 1976, gia đình sang Pháp.

-Tháng Hai 1979, ông mở một cây xăng ở thành phố Bondy, ngoại ô Paris.

-Năm 1981, ông mở tiệm băng nhạc Thúy Nga ở số 45, Boulevard Saint-Germain-des-Prés thuộc Quận 5, Paris.

-Năm 1985, tiệm dời về 44 Avenue d’Ivry, Quận 13, Paris.

-Năm 1983, cuốn Thuý Nga Paris By Night đầu tiên (Paris By Night #1) ra đời.

-Năm 1986, cuốn Paris By Night #2.

-Năm 1987, cuốn Paris By Night #3.

-Năm 1989, gia đình rời Pháp sang Mỹ định cư.

-Năm 1990, ông lui vào hậu trường, trao lại Trung Tâm Thuý Nga cho vợ chồng con gái là bà Tô Ngọc Thủy (Marie Tô) và phu quân là ông Huỳnh Thi (Paul Huỳnh).

-Năm 1993, cuốn video ca nhạc Paris By Night số 24 (10th Anniversary) là số đầu tiên thực hiện ở Hoa Kỳ.

-Năm 2000, ông Tô Văn Lai cho ra đời Tạp chí Văn nghệ. Số báo 46 năm 2015 là số cuối cùng.

-Ngày 19 Tháng Bảy 2022, ông Tô Văn Lai được Chúa gọi về, hưởng thọ 85 tuổi.

Tưởng nhớ Tô Văn Lai. Một người bạn cùng lớp Đại Học Sư Phạm Triết Đà Lạt

 

28 Tháng Bảy 2022

Hưng Việt

Tôi viết với tư cách một trong những người bạn lâu năm của Tô Văn Lai về những gì còn nhớ trong tình trạng hiện nay bạn bè cùng lớp rơi rụng gần hết. Và chỉ còn dăm người còn liên lạc với nhau: Trương Đình Tấn, Phạm Phú Minh, còn có bút hiệu Phạm Xuân Đài, Nguyễn Văn Lục, Minh Pat Boon, Vĩnh Phiếu, Hồ Công Danh (ở trong nước). Tôi cũng xin nói thật là tôi e ngại viết về một người bạn đã thành đạt ở một tầm kích vượt trội từ trong nước ra hải ngoại. Sự e ngại ấy có cái lý của nó. Hễ một người có danh vọng, khi nằm xuống thì sẽ có nhiều người lên tiếng ca ngợi như một thứ ‘’Văn chương phúng điiếu”. Ca ngợi người mà chính là gián tiếp cho mình. Tôi cũng chẳng muốn làm công việc mà bạn mình không cần. Nhiều khi người chết cũng chẳng cần thứ gia tài đó. Vì thế, tôi ráng giữ giữ nguyên tắc cho riêng mình là: Bài học ngữ pháp về tang chế (Grammaire du Deuil). Như thế rồi thì tôi có thể thong dong viết về bạn mình.

Trước hết, xin nói qua về việc thành lập Đại học Đà Lạt nơi chúng tôi đã thành đạt. Nó chỉ bắt đầu từ niên khóa 1957-1958 với hai ban Đại học Sư phạm quốc gia: Triết Học và Pháp Văn. Cơ sở trường Đại Học Đà Lạt vốn là Trung tâm an dưỡng của Sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Camp Robert có hai khu. Một ở phía trường Yersin, một phía trong rừng, xa thành phố, rộng 40 mẫu, nơi có 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Nơi đây được gọi là Thụ Nhân (trồng người) đã đào tạo tất cả chúng tôi thành những trí thức miền Nam, đi gieo trồng môn triết học lan tỏa khắp các tỉnh thành miền Nam (Xem thêm đầy đủ bài của Đỗ Hữu Nghiêm (Kỷ niệm 10 năm Viện Đại Học Đà Lạt).

Từ cơ sở ấy, linh mục Nguyễn Văn Lập đã nhiều năm xây dựng và phát triển nên cơ ngơi ngày hôm nay. Nhất là khi mở thêm phân khoa chính trị, Kinh Doanh mà sỉ số sinh viên lên cả ngàn.

· Số giáo sư giảng dạy về môn Triết còn nhớ được

 

– Thật ra, việc học ra trường với thứ bậc cao thấp chẳng có gì để đáng nói. Chỉ cần chăm một chút là có thể đạt được. Sự thành công sau này chủ yếu là lúc ra đời. Việc học chỉ là giai đoạn chuẩn bị như bước nhảy vào đời. Nó giống như cái ván nhún trong hồ bơi (tremplin). Cái vấn đề không phải là cái ván nhún, mà là sự thao luyện giày công trong nhiều tư thế nhào lộn đúng chuẩn mực, để ngụp sâu và ngoi dậy. Sự thành công bao giờ cũng có giá phải trả bằng nhiều cách khác nhau.

Khởi đầu, tôi nhớ lại lớp Triết Đà Lạt có các vị giảng dạy sau đây. Về phía giáo sư người Việt: Ông Lý Chánh Trung, ông Trần Văn Toàn, ông Bửu Lịch, bs Đào Huy Hách, giám mục Hoàng Văn Đoàn (OP), các linh mục Bửu Dưỡng, Lê Tôn Nghiêm, Sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm Lasan.

Cung cách giảng dạy của giáo sư người Việt mỗi người một kiểu. Như Lý Chánh Trung, tiếng là dạy môn Đạo Đức học lại cố tình chệch hướng với: Bạo động và lịch sử. Ông vận dụng triết học cho một xu hướng chủ nghĩa xã hội không cộng sản. Trần Văn Toàn thì cố nhồi nhét triết học Karl Marx với ba tác phẩm: Hành Trình đi vào triết học, Xã hội và con người và Tìm hiểu Triết học Karl Marx. Bửu Lịch mới ở ngoại quốc về nói tiếng Tây như gió. Bs Đào Huy Hách thì vừa giảng bằng tiếng Tây, vừa dậm chân trên bục giảng nên chẳng nghe rõ được gì. Giám mục Hoàng Văn Đoàn để bộ râu như người ngoại quốc luôn có nụ cười hiền từ. Lm Bửu Dưỡng thận trọng và nghiêm chỉnh. Lm Lê Tôn Nghiêm dạy triết học Heidegger trước sự phá sản của Tây Phương như người mở đường, như kẻ gieo trồng mà không được mùa. Ngoài hai linh mục dòng Đa Minh (OP) là linh mục Alexis Gras cũng di cư từ Bắc vào Nam, ông là người xây dựng lên Câu Lạc Bộ Phục Hưng, trong đó sau này nhiều trí thức miền Nam từ đó xuất thân. Còn có linh mục Marie-Bernard Pineau, đẹp trai và ăn nói có duyên. Còn lại là phần lớn các linh mục Dòng tên, chạy trốn khỏi Bắc Kinh, khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền vào năm 1949. Họ là hai người gốc Trung Hoa như Joseph Tchen, SJ và Mathias Tchen, SJ, C.Larre, SJ, Palacios , SJ, Raguin, SJ, Gaultier, SJ, người Pháp.

– Đây cũng là nỗi nhọc nhằn của chúng tôi khi nghe người Trung Hoa nói tiếng Pháp. Họ nói mà y như họ đang nói tiếng Tàu lổn nhổn, với giọng điệu lên xuống. Nỗi khốn khổ ít hơn khi nghe giáo sư Palacios, dạy luận lý, gốc Tây Ban Nha. Chữ o, chữ e, ông phát âm như tiếng Việt thật buồn cười. Raguin, SJ, người gốc Đức dạy môn triết học Ấn Độ- như một tỳ kheo thứ thiệt- một cách hồn nhiên và say mê. Gaultier, SJ dạy lịch sử triết học- một loại ông già gân kiểu cụ Trần Văn Hương- dạy một cách bài bản và nghiêm nghị, ít khi cười.

– Một vài kỷ niệm không quên về cha Đỗ Minh Vọng. Ông ngồi xe Lambretta, từ Sài gòn lên Đà Lạt trong bộ áo dòng màu trắng và có mặt vào buổi chiều chủ nhật để sáng thứ hai dạy học. Rồi cũng một cách như thế, quay về Sài gòn. Ông có thể đi máy bay như phần đông các giáo sư khác, nhưng ông đã từ chối để tiết kiệm cho Đại Học. Vậy mà buồn thay, giờ của cha Alexis Gras (tên Việt Đỗ Minh Vọng) sinh viên trốn hết, chỉ còn lại vài mống trong đó có tôi vì nể hơn là vì học. Ngài viết đầy bảng các chữ nho nào ai hiểu. Có lần, ngài khôi hài nói: ‘’Các anh mới đúng là những triết gia chân chính”. Nói chung, cái mà chúng tôi học được chưa hẳn là kiến thức, chính là sự say mê truyền dạy, thái độ sống và ứng xử khiêm tốn trí thức đáng kính nể, sự quảng bác về triết học.

– Nhắc lại như một hồi ức không quên mà anh em nhiều người cũng không còn nhớ.

– Có thể chính những đức tính đó, những gương mẫu đó của mỗi vị giáo sư đã làm hành trang cho chúng tôi- tất cả không trừ- để vào đời.

– Phần lớn thì giờ của tôi còn lại lên thư viện đọc và ở nơi đây có 5000 cuốn sách đủ loại. Đọc lõm bõm được chút gì hay chút ấy.

· Đời sống thường ngày của nam nữ sinh viên

 

– Có lẽ cũng nên dành đôi dòng về đời sống sinh viên như học hành, ăn ở, bạn bè trai gái vốn dĩ là lẽ thường. Nó biểu hiện nhiều cá tính ngay từ thời sinh viên. Nhà trường lo ăn ở nên có đại học xá dành cho nữ sinh viên và đại học xá dành cho khoảng 100 nam sinh viên. Học xá cho nữ sinh viên nằm trong khu phố xá của Đà Lạt. Nam sinh viên thì được ở trong các phòng rộng rãi, ngay trong khuôn viên Đại học bốn người một phòng, mỗi người có một bàn để học, một giường gỗ và một ngăn tủ áo. Mỗi tháng tiền thuê phòng là 200. Tiền ăn ở ngoài Học xá tại Lữ Quán Thanh Niên rất rẻ, chỉ 5 đồng một bữa. Tổng cộng chi phí là khoảng 350 đồng một tháng trong khi học bổng là 1500 đồng một tháng. Hoang phí một tý cuối tuần có thể ra phố ngồi cà phê Tùng. Đời sống sinh viên khá là thoải mái. Những sinh viên ở chung trong học xá dễ thân nhau hơn là với các sinh viên ngoại trú. Tôi còn nhớ các buổi học khuya đói bụng có các chú bé mang bánh mì còn nóng hổi vào bán trong học xá, 2 đồng một ổ. Tôi mua một ổ, trét ‘’bơ”, gọi là bơ cho sang chứ thật ra mỡ Shortening, mỡ còn sót lại từ cuộc di cư năm 1955 của viện trợ Mỹ. Tôi có một cái nhất hơn mọi người là ăn mặc tuềnh toàng, chân đi dép dù trời lạnh. Bên ngoài khoác một áo bốn túi nhà binh, rộng chùm xuống gần đầu gối. Cả năm tứ thời bát tiết chỉ có một cái áo choàng nhà binh không giống ai. Nó như cái style của sự bất cần trong cách ăn mặc. Sau này, tôi vẫn giữ cái phong cách đó khi đi dạy. Nó cũng gây phiền lụy không ít.

– Phần các sinh viên khá giả hơn ở ngoài, tự do hơn. Họ ăn mặc cũng chỉnh tề hơn. Tối thiểu cũng áo len, hoặc blouson. Con nhà giàu như Hồ Mạnh Trinh thì áo blouson da, kính đen như điệp viên 009. Riêng Tô Văn Lai là một trong những sinh viên ăn mặc chỉnh tề hơn cả dưới mắt tôi. Có thể có một tự trọng trong cách thức ăn mặc. Có thể biểu lộ một cá tính nào đó.

– Phần nữ sinh viên, nhất là ban Pháp văn, phần đông con nhà khán giả, học Yersin, hoặc bên Couvent, hoặc JJ. Rousseau hay Marie-Curie, Sài gòn. Những người đẹp này, tôi gọi chung là “diễn hành phái tính”, họ đi từng nhóm một như một cuộc rước đèn, bên cạnh một số sinh viên lẽo đẽo đi kèm.

– Phi Loan, người đẹp duy nhất trong lớp chúng tôi, như hoa lạc giữa rừng con trai, nghe nói đã có chủ nên lúc nào cô cũng tỏ ra nghiêm nghị mà không một anh nào dám sàm sỡ. Được biết sau khi ra trường Phi Loan qua đời rất sớm vì bạo bệnh.

– Ôi, cả một thời tuổi trẻ quá khứ vàng son. Sau này tứ tán khắp nơi. Có rất nhiều bạn cùng lớp, cùng thời, tôi đã chưa bao giờ gặp lại họ, dù chỉ một lần. Một lần thôi cũng không có, dù biết họ vẫn hiện diện tại các trường trung học khắp nước.

– Hôm nay ngồi nhắc lại truyện này không khỏi bùi ngùi, nuối tiếc dĩ vãng tàn phai.

* Những ngả rẽ trong cuộc đời

 

– Hành trang vào đời muôn ngả như kẻ gieo trồng. Kẻ gieo trồng chọn được mảnh đất tốt thì sinh hoa kết trái. Kẻ chọn mảnh đất xấu, đầy bụi gai, cỏ dại thì thân nghiệp bị đọa đầy.

– Tôi nhắc lại hai bạn Nguyễn Trọng Văn và Dương Văn Ba, chỉ vì họ nổi tiếng, kể cả trên chốn máu tanh mưa máu sau này khi thời cuộc thay đổi.

Nguyễn Trọng Văn chọn đứng vào thành phần thứ ba, viết trên tờ Đất Nước, viết trước 1975: Phạm Duy đã chết như thế nào, vào năm 1971. Chọn lựa Phạm Duy là chọn lựa có chủ đích, đánh vào thành phần tiêu biểu của trí thức miền Nam. Sau này theo hẳn phía bên kia trở thành kiêu binh, phản vợ và phản thầy. Rất tiếc, tôi lại là một trong những người bạn thân tình nhất của NTV. Những lúc ngồi trên bãi cỏ đồi thông với những cao vọng ngút trời. Khi đi dạy, đến nhà, NTV chia sẻ lý do gì anh theo cộng sản. Tôi biết từ đầu mà chẳng nói. Cũng con người ấy, sau này gặp lại tôi, tôi xỉ vả hết lời, đăng đàn trên diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài, hoặc trên dcvon line.net.. Gần như một mặt trận ý thức hệ giữa chúng tôi, bạn thành thù địch. Gặp lại NTV trong một bữa ăn do tôi khoản đãi. Một anh bạn khóa đàn em, chỉ thẳng mặt NTV hài tội. Anh chỉ cúi đầu, rồi ấm ức cười rồi khóc. Tiếng khóc ấy muộn màng không thay đổi được cuộc đời oan nghiệt mà anh phải gánh chịu dưới ách cộng sản. Anh đã chết vì tai biến mạch máu. Chỉ có một điều an ủi, anh lấy được người vợ thứ hai hiền thục, hết lòng chăm sóc chồng. Thôi cũng xong một cuộc đời chọn lầm bên.

– Dương Văn Ba, người vô địch thời sinh viên Đà Lạt mà đã đùm đề vợ con. Đây là con người hay gõ cửa phòng cha Viện Trưởng để mượn tiền nhất, vì lúc nào cũng thiếu tiền. Hình như đến khi ra trường vẫn chưa trả hết nợ. Sau này khi rời chức vụ, cha Nguyễn Văn Lập đã nói văn phòng quản lý đốt hết hồ sơ sinh viên nợ.

– Sau 1975, Dương Văn Ba nổi lên như cồn. Tôi đi xe đạp, anh đi xe díp Land Rover gặp nhau. Nhất là từ khi làm phó Giám đốc công ty Minh Hải, khai thác gỗ bên Vientiane, Lào. Câu truyện dài lắm, cả một cuốn sách, sau này trở thành Vụ án Cimexcol đưa đến bản án tù sai oan cho DVB. (Xin đọc cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận, một người gắn bó với DVB cho đến cuối đời)

– Thoạt khởi đầu thời gian mới ra trường , DVB chạy theo nhóm Liên trường, kết bè với Lý Chánh Trung, cũng ăn nói táo tợn, cũng viết báo hung hăng trên tờ Đại Dân Tộc. Là một dân biểu đối lập ở Hạ Viện VNCH, kết thân với Ngô Công Đức, nhất là Hồ Ngọc Nhuận. Sau 1975, chạy theo Võ Văn Kiệt, rồi sau cùng bị Nguyễn Văn Linh (Bắc Kỳ) trù dập đến thân tàn ma dại. Đến không chỗ dung thân, đến tù tội, đến của cải tiền bạc sạch nhẵn. Những kẻ chọn lầm bên thì số phận họ đã được định sẵn. Như lời bà Christiane d’Anival đã than: Cruauté Asiatique (Sự đôc ác của người Á Đông).

– Cả hai anh đều có tài ăn nói và cầm bút. Nhất là Dương Văn Ba, còn có tài kết nối, xoay sở, tính toán. Trước 1975, anh phải trú ẩn ở Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh, nơi trú ẩn an toàn nhất, vì bị lùng bắt bởi TT. Nguyễn Văn Thiệu.

– Phần còn lại, may mắn thay và hạnh phúc thay, đa số chúng tôi vẫn chọn mình là dân miền Nam như Tô Văn Lai, Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Lục, Hồ Công Danh và nhiều bạn bè khác.

· Trường hợp Tô Văn Lai.

 

Tô Văn Lai

– Anh là một trong số sinh viên xuất sắc trong lớp chúng tôi về nhiều mặt. Nhuần nhuyễn tiếng Pháp, tiếng Anh, giỏi toán. Tính tình điềm đạm, ăn nói chuẩn mực, ảnh hưởng văn hóa Pháp một cách rõ nét. Sự say mê âm nhạc khởi đầu từ việc mở một quán bán băng nhạc khi về dạy học trường nữ trung học ở Mỹ Tho. Cộng thêm có người vợ cùng chí hướng. Sang Pháp năm 1976, khởi đầu sự nghiệp bằng tiệm bán xăng, rồi cứ thế mà lên.

– Những cái duyên gọi là may mắn, anh đổ cho Chúa sắp đặt, tôi nghe mà ngỡ ngàng. Cái gì cũng Chúa lo liệu, sắp đặt hết. Anh có niềm tin tôn giáo vượt xa nhiều người trong đó có tôi.

– Sự thành công trong Paris by Night của anh do lòng say mê nghệ thuật và âm nhạc mà chủ yếu anh đã chọn lựa được mảnh đất lành là đất Cali, nơi có đông cộng đồng người Viêt. Anh đã bắt mạch được thời đại. Anh đã đáp ứng nhu cầu của người nghe nhạc, vun trồng giới ca sĩ từ nhiều phía. Có lần anh đã lặn lội về Việt Nam mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như nhiều người đã biết . Nhưng anh còn nói với tôi là anh muốn dựng lại những nhạc sĩ “cổ thụ” như nhạc sĩ Hùng Lân, tiếp xúc với gia đình nhạc sĩ quá cố để vinh danh ông.

– Lòng say mê ấy còn tiến xa hơn nhiều trung tâm băng nhạc khác bằng cách đầu tư vào kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu, y phục thời trang cách tân đổi mới chiếc áo dài . Tô Văn Lai sẵn sàng chịu tốn kém mà phần lớn thuê mướn nhân công ngoại quốc có tay nghề. Anh đã chọn đúng người, đúng việc mà trong đó góp mặt cộng sinh với Nguyễn Ngọc Ngan-Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

– Anh đã có lần nhờ tôi viết bài về chương trình Paris By Night. Anh đã cẩn thận trao cho tôi đầy đủ băng nhạc, cất công đến nhà, giải thích mỗi chủ đề. Nhưng bài viết của tôi đã không đạt được tiêu chuẩn của anh. Thật lấy làm tiếc. Tôi cũng đã cất công đi tìm lại bài viết, nhưng thất lạc chưa tìm được. Khi tôi ra mắt sách: Hai mươi năm miền Nam 1955-1975. Anh đã cho một cô nhân viên đến phỏng vấn tôi và nhà báo Trần Phong Vũ. Tôi vẫn ghi nhớ.

– Tôi cũng tự mình đặt một câu hỏi, hình như anh đã không có lần nào đề cập đến trường hợp Trịnh Công Sơn vốn âm nhạc cũng nổi tiếng một thời. Phải chăng anh có thể mời các ca sĩ trong nước như Bằng Kiều và nhiều người khác mà không bao giờ đả động đến Trịnh Công Sơn?

– Sự thành công của anh không chỉ thuộc về anh và gia đình, nay nó trở thành di sản chung của người Việt hải ngoại và cả trong nước. Nó vượt biên giới chính trị mà cái còn lại chỉ là tình người muôn thuở. Nó chẳng những đem lại một sưởi ấm quê hương với hương vị ngọt ngào mà còn là niềm tự hào của di sản người Việt.

– Trong những buổi họp mặt anh em, anh thường có mặt. Tôi nhớ có lần ở khu mobile của Phạm Phú Minh. Bữa đó thật vui và khó quên. Nhớ lại, có hai người để lại di sản văn hóa đáng nói ở đây. Ngoài Tô Văn Lai, Phạm Phú Minh bị cộng sảm giam tù mút mùa, sau khi đến Hoa Kỳ đã lo chăm sóc tạp chí Thế Kỷ 21, và nay đang điều hành tờ Diễn Đàn Thế Kỷ thu góp gió bốn phương từ nhiều nguồn, từ nhiều phía để lại một di sản văn hóa đúng nghĩa.

– Nhưng hơn tất cả, vượt tất cả là Tô Văn Lai có viễn kiến, có tầm nhìn cao. Một niềm hy vọng trước cả nỗi tuyệt vọng và khó khăn trước mặt. Không có cao vọng đó, anh không thể đạt được những thành tích trên người và vượt người. Tham vọng lớn, chiều kích lớn đưa đến thành công lớn như một quy trình logic.

– Một chi tiết nhỏ là anh muốn mở một tiệm bánh kiểu Tây với loại bánh mì baguette, ruột mỏng và và vỏ cứng dòn. Và những chiến bánh croissant thơm ngậy mùi bơ. Anh nghĩ đến để cho cậu con trai trông coi tiệm bánh Tây này. Sở nguyện này chắc anh chưa thực hiện được như lòng mong muốn, đem văn hóa ẩm thực Paris vào cộng đồng người Việt hải ngoại.

– Tôi cũng chẳng muốn đi vào nhiều chi tiết mà khán giả ái mộ đã dành cho anh. Tôi nghĩ như thế đã là đủ.

· Đôi dòng kết luận

 

– Miền Nam và hải ngoại thấm nhuần tinh thần tự do tư tưởng, nhân bản đã dẫn đường cho những người như Tô Văn Lai như ngọn đuốc soi sáng. Di sản văn hóa và âm nhạc như một chúc thư để lại cho đời. Anh đúng là người mở đường cho dòng âm nhạc đa dạng của người Việt Nam.

– Tôi là dân Triết – như anh, như bạn bè cùng khóa -, xin gửi lại người bạn Tô Văn Lai mà chắn chắn anh và bạn bè anh cũng cũng biết triết gia E. Mounier – một triết gia hữu thần chủ trương tâp san Esprit chống lại J.P.Sartre – trong tinh thần triết học, tôi nghĩ anh Tô Văn Lai thật xứng đáng lãnh nhận câu nhận xét sau đây. “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông”(Emmanuel Mounier). Anh là một hòn đá cương nghị, tin tưởng vào việc mình làm, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.

 

 Có lẽ, đây là lời lẽ chân thành và đúng nghĩa nhất mà anh mong đợi như lời tiễn biệt anh.

 

 Giờ phút tiễn biệt này, cùng các bạn khóa Triết Đà Lạt còn ở lại dương thế này, cầu chúc anh Phêrô Tô Văn Lai lên đường bình an và hưởng nhan thánh Chúa. Và mong con cái dâu rể của anh nối nghiệp cha trong một sự nghiệp hiển hách để lại cho đời. Anh như một vì sao vừa mới rụng. Amen

 

– Các bạn anh: Trương Đình Tấn, Nguyễn Văn Lục, Phạm Phú Minh, Vĩnh Phiếu, Minh Pat Boon và Hồ Công Danh.

Nguyễn Văn Lục
Nguồn : Đàn Chim Việt

***

 

Tưởng nhớ bạn TÔ VĂN LAI

 

Chúng tôi một số anh em cựu sinh viên khóa thứ ba Đại Học Sư Phạm ban Triết Học tại Đại học Đà Lạt (1961-1964), đau buồn được tin bạn đồng khóa của chúng tôi :

Anh Phêrô TÔ VĂN LAI

Giáo sư Triết học tại Việt Nam trước 1975

Là người sáng lập Trung Tâm Thúy Nga tại Hoa Kỳ và chương trình ca nhạc nổi tiếng hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night”

Đã qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 2022

Tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ

Thọ 85 tuổi.

Chúng tôi thành kính chia buồn cùng gia đình anh Tô Văn Lai và xin nguyện cầu Linh Hồn Phêrô Tô Văn Lai sớm về Nước Chúa.

Để tưởng nhớ đến thời kỳ đèn sách xa xưa, chúng tôi xin đăng lại dưới đây tấm hình ngày ra trường của lớp Đại Học Sư Phạm ban Triết học chúng tôi tại Đại Học Đà Lạt, vào mùa hè năm 1964 (không hoàn toàn đầy đủ tất cả anh em trong lớp).

ngày ra trường của lớp Đại Học Sư Phạm ban Triết  Đại Học Đà Lạt, vào mùa hè năm 1964

Xin điểm danh theo trí nhớ, từ trái qua phải : người thứ 2 Tô Văn Lai; thứ 4 Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài); thứ 5 Trương Đình Tấn; thứ 7 Nguyễn Văn Lục; thứ 9 Hồ Công Danh; thứ 10 Nguyễn Thị Loan (nữ sinh viên duy nhất của lớp); Giáo sư Linh Mục Pineau (áo trắng); kế tiếp là Dương Văn Ba; người thứ tư từ DVBa là Huỳnh Thanh Tâm (nhà văn Huỳnh Phan Anh); kế tiếp là Huỳnh Đạt Bửu.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen