Seite auswählen

„Bao giờ thì có thay đổi, bao giờ thì không còn Cộng Sản? Đây chính là những nỗi trăn trở của cả dân tộc, nhưng là những chuyện khó khăn bắt đầu chứ không phải là những điều kết thúc tốt đẹp mà chúng ta vẫn thường mơ ước! „

 

Huy Phương

 


Tôi thường nghe những câu hỏi trăn trở của những người tị nạn Cộng Sản bỏ nước ra đi: 

– Liệu năm nay Việt Nam có gì thay đổi không?

– Bao giờ thì Việt Nam không còn Cộng Sản?

Hầu hết những người Việt bỏ đất nước từ những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn, đã nói với tôi rằng, họ chỉ trở lại Việt Nam khi không còn chế độ Cộng Sản trên quê hương nữa. Một vài vị lớn tuổi “gần đất xa trời” an ủi với nhau rằng, “có lẽ ta đâu mãi thế này” và mong được sống thêm vài năm nữa, để nhìn ngày tàn của chế độ Cộng Sản.

 

Nhưng bao giờ thì chế độ Cộng Sản sụp đổ?

 

Năm năm? Mười năm? Mười lăm năm? Và bây giờ 40 năm đã trôi qua!

 

Mà khi Việt Nam không còn Cộng Sản nữa thì đất nước này sẽ ra sao?

 

Cũng khó tưởng tượng ra có một cuộc thay đổi êm ái, đảng cầm quyền ra đi, tổ chức bầu cử tự do, các cơ chế hoàn toàn thay đổi, Hiến Pháp được viết lại, Việt Nam có đa đảng. Nhiều người còn mang ảo tưởng lạ lùng là “hải ngoại” sẽ được Bộ Chính Trị Đảng CSVN mời về “bàn giao” trong êm thấm trong khi họ lặng lẽ cuốn gói ra đi, và những “chủ tịch,” “thủ tướng,” và “quốc trưởng” ở đây sẽ về nhậm chức mà không cần đổ một giọt máu, kiểu nói “bất chiến tự nhiên thành” và dưới cái quan niệm sẽ được cường quốc này, đất nước nọ “bật đèn xanh…”

 

Nếu có một cuộc cách mạng thật sự đúng nghĩa bùng nổ, thì cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam phải là một cuộc cách mạng đổ máu tàn khốc nhất trong lịch sử. Bốn mươi năm qua, chế độ Cộng Sản này đã gây bao nhiêu thảm họa, tai ương cho miền Nam và đối với miền Bắc là 70 năm. Chẳng ai là không có mối thù với Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Bao nhiêu thủ đoạn tù đày, kỳ thị, đánh tư sản, đổi tiền, đày đọa người dân rời bỏ thành phố hay đuổi họ xuống tàu ra biển.

 

Chẳng có gia đình nào tránh khỏi đau khổ, tù đày, chia lìa, chết chóc hay bần cùng. Ngay trong thời đại “tự do,” “hạnh phúc,” liệu những gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế chiếm đất, những mẹ con như gia đình bà Phạm Thị Lài trần truồng bị kéo lê trên nền đất, những phụ nữ như bà Lê Thị Trâm bị xe xúc chèn lên thân, cũng như gia đình có thân nhân chết mờ ám trong đồn công an, hàng triệu nạn nhân của chế độ công an trị, có bằng lòng một cuộc chuyển quyền êm ái không?

 

Cho thuận lẽ nhân quả ở đời sẽ có một cách mạng “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu?”

 

Nhưng thành phần nào sẽ cầm đầu cuộc cách mạng này, và đừng có ảo tưởng là sẽ có một lực lượng ngoại nhập phát xuất từ Mỹ, từ Úc hay từ… Tàu.

 

Tuy vậy cũng sẽ không có chuyện biển máu với 3 triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam bị đem ra bắn bỏ, bị tịch thu tài sản, bị lùa vào các trại tù, hoặc đẩy chạy sang Tàu. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có một cuộc thay đổi, Cộng Sản không còn là đảng cầm quyền và Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có chế độ đa đảng. Nhưng vào thời điểm đảng Cộng Sản không còn nữa, Việt Nam sẽ ra sao?

 

Cũng như sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ở Việt Nam cũng sẽ có rất đông đảo, hàng triệu người đã vứt thẻ đảng và ra khỏi đảng. Trừ một số đảng viên đã chuẩn bị “hạ cánh” với bất động sản, tiền ngân hàng hay cơ sở kinh doanh ở Mỹ, Úc, Canada… nhưng 3 triệu đảng viên Cộng Sản với châm ngôn “đảng còn ta còn” và tổng cộng các lực lượng an ninh đủ loại với ít nhất là 6.9 triệu người (theo Giáo Sư Carl Thayer) với khẩu hiệu “công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình” sẽ là một vấn nạn khó xử cho xã hội mới, một khi “mất đảng,” nhưng chúng nhất quyết chưa chịu “mất mình.”

 

Người viết không có khả năng phân tích tình hình chính trị Việt Nam sau khi không còn đảng Cộng Sản cầm quyền hay chuyện kinh tế của Việt Nam thời hậu Cộng Sản, nhưng cứ nghĩ đến cái đất nước tan hoang, sau 40 năm cai trị của đảng này, thì cái giấc mơ nghĩ đến một ngày nào đất nước hết Cộng Sản, cũng chẳng phải là một giấc mơ tốt đẹp.

 

Có thể Cộng Sản sẽ để lại cho đất nước những cái cầu tráng lệ, những xa lộ tối tân, những con tàu “siêu tốc,” những cái tháp truyền hình đi vào kỷ lục, những lâu đài kiến trúc đẹp đẽ, những sân bay “hiện đại” và dai dẳng những món nợ con cháu trả mấy đời không hết. Và những vạn dặm rừng, nghìn vuông đất cho thuê chưa lấy lại được, nhưng cũng không đau xót bằng hằng triệu con người mất cả niềm tin vào tương lai, lòng người ly tán, đạo lý suy đồi.

 

Muốn xây dựng lại xã hội phải xây dựng con người, mà xây dựng một con người phải mất bao nhiêu năm?

 

Hồ Chí Minh sao chép câu “Bách niên thụ nhân” của Quản Trọng bên Tàu, nhưng với hạt giống vốn bể nát, thối tha của người khác đã vứt đi lượm đem về, gieo trồng trên đám đất đai chai lỳ toàn trị, bón bằng những thứ phân bón tha hóa, xấu xa, dối trá; tưới bằng thứ nước dơ bẩn của bạo lực, cường quyền, thì cây không có trái, hoa không dám nở, mà chỉ sinh sản ra một loài cỏ dại. (*)

 

Một xã hội mà chủ động mãi dâm còn tuổi vị thành niên, khi bị công an bắt còn “xin về đi thi trung học phổ thông”. Một xã hội mà một thanh niên chỉ mới 22 tuổi cắt cổ sáu người mà vẫn có giấc ngủ yên lành. Một xã hội có những đứa trẻ 14 tuổi đi bán dâm trong khi đã mang thai bốn tháng. Một xã hội mà thanh niên lớn lên không có nhà máy, chỉ toan tính chạy vạy tìm cách ra nước ngoài làm thuê, ở mướn. Một xã hội mà thiếu nữ nông thôn lớn lên không có một thời yêu đương, thơ mộng, bỏ ruộng vườn, lăm le đi khỏi nước kiếm một tấm chồng, hay kể cả chuyện bán thân, miễn có một đời sống no đủ. Một xã hội mà sinh viên, người mẫu sẵn sàng lên giường vì đồng đô la. Một xã hội mà người ác, kẻ tham được bảo vệ, người làm điều xấu không biết nhục, kẻ trung trực, ngay thẳng thì bị đọa đày.

 

Liệu có một vị cứu tinh dân tộc nào xuất hiện trong giai đoạn này để cứu nước, độ dân không? Nước Nhật sau hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki, và cả trận sóng thần xảy ra năm 2011, đã đứng dậy tái thiết, hồi phục tất cả sau hậu quả của những thảm họa chiến tranh và thiên tai, nhờ tinh thần và phẩm chất truyền thống của dân tộc Nhật. Nhưng với “thảm họa dân trí, đạo đức” mà chế độ Cộng Sản để lại cho Việt Nam, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà chúng ta thường gọi là một trận hồng thủy, mà những điều tốt đẹp, đạo đức của dân tộc đã bị băng hoại, cuốn trôi, chúng ta làm cách nào để xây dựng lại đất nước này?

 

Bao giờ thì có thay đổi, bao giờ thì không còn Cộng Sản? Đây chính là những nỗi trăn trở của cả dân tộc, nhưng là những chuyện khó khăn bắt đầu chứ không phải là những điều kết thúc tốt đẹp mà chúng ta vẫn thường mơ ước! Đó chính là nỗi thống khổ của Việt Nam, và còn khổ đến bao giờ. 

 

Huy Phương (2015)

(*) “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là trùng độc, sinh sôi, nảy nở, trên rác rưởi cuộc đời.” (Dalai Latma)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen