Seite auswählen

Mục lục

Vụ khám nhà ông Trump: Từ nguồn tin mật của FBI

Bài tường thuật độc quyền của báo Newsweek đăng Thứ Tư 10 Tháng Tám đưa ra nhiều chi tiết
Sài Gòn Nhỏ 
Dân New York đổ ra xem đoàn xe chở ông cựu Tổng thống Donald Trump tới Văn phòng Bộ Tư pháp tiêu bang New York sáng nay thứ Tư 10 Tháng Tám để ông trả lời thẩm vấn của Bộ trưởng Letitia James về những khuất tất của công ty Trump Organization. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images.

Vụ khám xét dinh thự riêng của cựu Tổng thống Donald Trump đang làm chia rẽ nước Mỹ và gây bão trên truyền thông. Sự việc bắt đầu như thế nào, một bài tường thuật độc quyền của báo Newsweek đăng Thứ Tư 10 Tháng Tám đưa ra nhiều chi tiết

Newsweek dẫn nguồn từ hai quan chức cấp cao của chính phủ cho biết cuộc đột kích vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump dựa trên thông tin từ một nguồn tin mật của Cục Điều tra Liên bang (FBI), một người có khả năng xác định ông cựu tổng thống đang cất giấu những tài liệu mật nào và biết cả vị trí cất giấu chúng. 

Cuộc đột kích được cố tình sắp xếp vào thời điểm mà ông Trump đi vắng để không thu hút sự chú ý của công luận. Những người có thẩm quyền quyết định của FBI tại trụ sở ở Washington và chi nhánh Miami – nơi có khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago – không muốn cho ông cựu tổng thống có một cơ hội chụp ảnh hoặc ngăn cản cuộc đột kích. Nỗ lực đó đã thất bại: nó đã dẫn đến phản ứng giận dữ của các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa (GOP) và những người ủng hộ ông Trump. 

Cả hai quan chức chính phủ cấp cao đều nói rằng cuộc đột kích không có động cơ chính trị, FBI chỉ nhằm mục đích thu hồi các tài liệu tuyệt mật đã bị đưa ra khỏi Tòa Bạch Ốc một cách bất hợp pháp. Việc chuẩn bị một hoạt động như vậy đã bắt đầu từ nhiều tuần trước, nhưng về ngày giờ, văn phòng thực địa của FBI tại Miami và trụ sở chính ở Washington đều tập trung vào việc tránh “màn xiếc” của giới truyền thông và lo ngại rằng tài liệu có thể bị tiêu hủy.

 

Những người ủng hộ trước cổng tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump tại Mar-A-Lago ngày 8 Tháng Tám 2022 để phản đối vụ khám xét (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Vào khoảng 10 giờ sáng thứ Hai 8 Tháng Tám theo giờ miền Đông, khoảng hai chục nhân viên và kỹ thuật viên FBI đã có mặt tại nhà riêng của Donald Trump ở Florida để thực hiện lệnh khám xét nhằm thu giữ bất kỳ tài liệu nào thuộc sở hữu của chính phủ hoặc có thể thuộc quyền sở hữu của Trump nhưng phải giao cho Nha Lưu trữ Quốc gia theo quy định của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978 (Presidential Records Act of 1978 – PRA). (Để đối phó với vụ bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton, năm 2018 chính ông Trump đã ký một đạo luật quy định việc xóa và giữ lại các tài liệu mật trở thành một trọng tội).

Đạo luật PRA quy định hồ sơ tổng thống là tài sản của chính phủ liên bang Hoa Kỳ chứ không phải là tài sản riêng của tổng thống và đặt các hình phạt nghiêm khắc cho những ai không tuân thủ. “Bất cứ ai lưu giữ bất kỳ hồ sơ, biên bản, bản đồ, sách, tài liệu, giấy tờ hoặc những thứ khác, cố ý và bất hợp pháp che giấu, xóa, cắt xén, loại bỏ, làm sai lệch hoặc phá hủy những thứ đó, sẽ bị phạt $2,000, lên đến ba năm tù giam hoặc sẽ bị tước bỏ chức vụ và không đủ tư cách đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào của Hoa Kỳ.”

Theo nguồn tin của hai quan chức cấp cao, chính mối lo ngại về việc sở hữu bất hợp pháp “thông tin quốc phòng” bí mật là cơ sở cho lệnh khám xét và không liên quan đến cuộc điều tra của Ủy ban Hạ Viện ngày 6 Tháng Giêng hoặc bất kỳ hành vi sai trái nào khác bị cáo buộc của ông cựu tổng thống.

***

Con đường dẫn đến cuộc đột kích bắt đầu cách đây một năm rưỡi. Ngay trong quá trình chuyển giao từ chính quyền Trump sang chính quyền Tổng thống Joe Biden, Nha Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (National Archives and Records Administration – NARA) đã đặt câu hỏi liệu hồ sơ tổng thống có được chuyển giao đầy đủ cho cơ quan liên bang để lưu giữ lịch sử hay chưa.

Vào Tháng Hai, chuyên gia lưu trữ David Ferriero ra làm chứng trước Quốc Hội rằng cơ quan NARA đã bắt đầu nói chuyện với người của ông Trump ngay sau khi họ rời nhiệm sở và nhóm ông Trump đã trả lại 15 hộp tài liệu. Ông Ferriero nói rằng trong những tài liệu đó, NARA phát hiện ra các tài liệu “được đánh dấu là thông tin an ninh quốc gia đã được phân loại”; từ đó đặt thêm nghi vấn liệu ông Trump có tiếp tục sở hữu tài liệu mật hay không.

Bản thân ông Trump cũng nói rằng, ông đã trả lại các hồ sơ chính thức cho cơ quan Lưu trữ, và nói việc mang các hồ sơ đó về dinh thự Mar-a-Lago là “một quy trình bình thường và thường xuyên để bảo đảm việc bảo tồn di sản của tôi và phù hợp với Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.” Ông cũng tuyên bố cơ quan lưu trữ “không tìm thấy” bất cứ thứ gì trong những thứ đã được ông trả lại, chứng tỏ không có gì nhạy cảm. Ông cũng nói các tài liệu đã vô tình được chuyển đến Florida trong khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài sáu giờ khi đồ đạc của ông được chuyển ra khỏi Tòa Bạch Ốc.

Theo nguồn tin của Bộ Tư pháp, cơ quan Lưu trữ nhìn nhận vấn đề rất khác; họ tin rằng Tòa Bạch Ốc thời ông Trump đang cản trở họ và tiếp tục sở hữu tài liệu trái phép. Đầu năm nay, NARA đã yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra.

 

Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Trump, viết tweet rằng khi đã bị FBI sờ gáy thì nên chuẩn bị vô tù.

Vào cuối Tháng Tư, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã bắt đầu xem xét liệu ông Trump có vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống hay liệu Tổng thống Trump có sở hữu bất hợp pháp thông tin an ninh quốc gia hay không. Thông qua quy trình đại bồi thẩm đoàn, cơ quan lưu trữ quốc gia đã cung cấp cho các công tố viên liên bang bản sao các tài liệu nhận mà ông Trump nộp lại vào Tháng Giêng năm 2022 và đại bồi thẩm đoàn kết luận rằng đã có hành vi vi phạm pháp luật, theo nguồn tin của Bộ Tư pháp.

 

***

Vào tuần trước, các công tố viên của vụ án và Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ tại địa phương đã đến gặp thẩm phán liên bang Bruce Reinhart của Florida ở West Palm Beach để yêu cầu phê duyệt việc khám xét nhà riêng của Donald Trump. Nguồn tin tình báo cho biết để có được lệnh khám xét, các công tố viên đã trình bày các bản khai hữu thệ chứa đựng nhiều chi tiết thuyết phục rằng ông Trump tiếp tục sở hữu các hồ sơ mật, vi phạm luật liên bang và các nhà điều tra có đủ thông tin để chứng minh rằng những hồ sơ đó được cất giữ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a- Lago — kể cả chi tiết chúng được cất trong một két sắt cụ thể trong một căn phòng cụ thể.

Nguồn tin tình báo cho biết: “Để có thể thuyết phục thẩm phán liên bang ở Florida chấp thuận một cuộc đột kích chưa từng có như vậy, các nhà điều tra phải có bằng chứng rất chắc chắn.” Thẩm phán Reinhart đã xem xét các bằng chứng và đặt ra nhiều câu hỏi về các nguồn tin và mức độ khẩn cấp, sau đó ông thẩm phán đã ký lệnh khám xét cho phép FBI tìm kiếm tài liệu liên quan trong khu dinh thự của ông Trump.

Có được lệnh khám nhà, FBI sau đó lên kế hoạch đột kích Mar-a-Lago trong thời gian ông Trump đi chơi golf ở Bedminster, New Jersey. Một nguồn tin mật vụ cho biết giám đốc Sở Mật Vụ – cơ quan bảo vệ an ninh cho tổng thống, cựu tổng thống và gia đình họ – đã được báo trước về các chi tiết cụ thể của cuộc đột kích. Và FBI cũng đã phối hợp với Cơ quan Mật vụ để tiếp cận khu nghỉ dưỡng.

 

Lực lương Mật Vụ trước tư dinh ông Trump tại Mar-A-Lago ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Vào giờ đã định, một đoàn xe gồm nhiều chiếc SUV màu đen không mang phù hiệu và một chiếc xe tải cho thuê Ryder chở khoảng hai chục đặc nhiệm và kỹ thuật viên FBI tiến vào cổng khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Các nhân viên Sở Mật vụ trang bị vũ khí dày đặc túc trực ở cổng nhà. Sở cảnh sát Palm Beach cũng có mặt tại hiện trường.

Toàn bộ hoạt động được tiến hành tương đối lặng lẽ. Không có nhân viên nào của FBI mặc những chiếc áo gió màu xanh sẫm mang biểu tượng của họ, không cho thấy sự hiện diện của FBI. Và mặc dù cơ quan thực thi pháp luật địa phương có mặt chứng kiến cuộc khám xét, Sở Cảnh sát Palm Beach đã cẩn thận đăng tweet vào hôm thứ Ba rằng họ “không biết về sự tồn tại của lệnh khám xét cũng như không hỗ trợ FBI thực hiện lệnh khám xét.”

Theo báo cáo, có khoảng 10-15 hộp tài liệu đã được chuyển khỏi khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau cuộc khám xét. Ông Donald Trump nói trong một tuyên bố rằng FBI đã mở két sắt cá nhân của ông như một phần trong cuộc tìm kiếm. Luật sư của Trump, Lindsey Halligan, người có mặt trong cuộc khám xét kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, nói rằng FBI đã nhắm mục tiêu vào ba phòng – một phòng ngủ, một văn phòng và một nhà kho. Điều đó cho thấy FBI đã biết cụ thể cần phải xem xét chỗ nào trong khu dinh thự rộng lớn, có tới 124  phòng của ông Trump.

Nhã Duy: Tính độc lập của tòa án Hoa Kỳ

 

Nhã Duy

10-8-2022

Sau vụ khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Donald Trump bị FBI khám xét có trát tòa, truyền thông cánh hữu và người ủng hộ Trump đưa tin hay dẫn lại những mẩu tin với hàng tít rằng, thẩm phán ký trát xét nhà là một người từng ủng hộ tài chánh cho cựu tổng thống Obama.

Những mẩu tin một nửa sự thật này rõ ràng muốn hướng vụ xét nhà thành một hành động chính trị và do người của phía đảng Dân Chủ thực hiện. Nhưng như các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ thường minh định, họ là những thẩm phán độc lập và phán quyết dựa trên hiến pháp và pháp luật, bất kể được ai bổ nhiệm.

Thẩm phán Bruce Reinhart ký trát xét nhà là một thẩm phán tòa hành chánh (magistrate court). Các thẩm phán này không được tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm mà do các thẩm phán liên bang phỏng vấn và chọn lựa. Đây là những tòa hành chánh và dân sự địa phương, ký lệnh xét nhà, đóng tiền tại ngoại, hỗ trợ pháp lý cho các thẩm phán liên bang. Trong một số trường hợp đặc biệt, các tòa này cũng có thể giải quyết một vài vấn đề hình sự không nghiêm trọng.

Thẩm phán Bruce Reinhart từng là một công tố viên và luật sư pháp đình, được tín nhiệm và nổi tiếng là một thẩm phán rất thận trọng và uy tín tại khu vực Palm Beach, Florida, nơi có khu nghỉ mát Mar-a-Lago.

Ông từng đóng góp vào quỹ tranh cử cho ứng viên cả hai đảng, không chỉ góp riêng cho tổng thống Obama mà cả cho Jeff Bush thuộc đảng Cộng Hòa khi ra tranh cử tổng thống với số tiền nhỏ, từ vài trăm đến một ngàn đô la. Việc ký trát tòa trong khu vực hành chánh của ông không chỉ là trách nhiệm mà còn dựa vào những bằng chứng khả tín do FBI đưa ra, đúng theo thủ tục pháp lý và hành chánh.

Nếu xét thêm các phán quyết của tòa liên bang trong việc buộc Donald Trump giao nộp hồ sơ thuế cho Quốc Hội sẽ hiểu hơn về tính độc lập của tòa án Mỹ.

Sau các tranh luận giữa đôi bên, Thẩm phán Trevor McFadden do chính Donald Trump bổ nhiệm đã phán quyết Quốc Hội có quyền xem hồ sơ thuế của Trump tại tòa sơ thẩm liên bang hồi tháng 12 năm trước.

Phía luật sư của Donald Trump kháng án, hồ sơ được chuyển lên tòa phúc thẩm D.C để hai bên tiếp tục tranh cãi. Sau 8 tháng xem xét, tòa phúc thẩm D.C vừa tuyên bố giữ nguyên quyết định tòa sơ thẩm, với sự đồng thuận tuyệt đối của cả ba thẩm phán.

Tòa phúc thẩm D.C được xem là uy tín và quyền lực bậc nhất trong các tòa liên bang, chỉ theo sau Tối Cao Pháp Viện (TVPV), do vị trí địa lý và khu vực hành chánh nằm ngay tại trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ. Tòa án này thường phúc thẩm các vụ án liên quan đến chính phủ cùng các cơ quan hành pháp để bảo đảm luật hành pháp và hiến pháp đã được phán quyết công minh và đúng luật. Họ không chịu áp lực từ bất cứ cá nhân hay đảng cầm quyền nào.

Hai trong ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm quan trọng này là Thẩm phán David Sentelle và Karen Henderson được Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng Hòa bổ nhiệm và Thẩm phán Robert Wilkins do TT Barack Obama bổ nhiệm.

Có thể nhiều phần phía Donald Trump sẽ tiếp tục kháng án lên Tối Cao Pháp Viện (TVPV) nhưng điều này có xảy ra thì cũng là cách kéo dài thời gian. Bởi sau hai phán quyết của tòa liên bang, có lẽ sẽ không có nhiều cơ hội để TCPV tái xét.

Tòa liên bang là nơi cuối cùng xem xét tính hợp pháp của các vụ án dựa theo hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, bất chấp chúng do ai đưa ra, có mang mục tiêu chính trị hay đảng phái hay không. Bộ Tư Pháp hay FBI cũng chỉ là các cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm và phán quyết cuối cùng của nhánh tư pháp, tức các tòa án liên bang Hoa Kỳ.

Một số người Việt, trong lẫn ngoài nước vốn chịu một hệ thống pháp luật mà tòa án chỉ là nơi thừa hành và hợp pháp hóa các bản án do nhà cầm quyền đưa ra nên suy diễn hệ thống pháp luật Hoa Kỳ theo hiểu biết và kinh nghiệm như vậy.

Nếu đây là vụ án chính trị và lạm quyền để tấn công vào phía đối lập, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã không bị người dân cùng không ít chính khách chỉ trích là đã quá chậm chạp trong việc đưa những kẻ phạm tội ra trước ánh sáng công lý trong gần hai năm qua. Họ đã có thể vội vàng truy tố trước rồi đợi tòa phân xử sau.

Các dấu hiệu và diễn biến thời cuộc sau những cuộc điều tra phức tạp và thận trọng đã cho thấy nền tảng dân chủ và pháp luật nước Mỹ tưởng như chao đảo hay dẫu chưa hoàn hảo thì cuối cùng vẫn đang tiếp tục thực hiện vai trò cùng trách nhiệm của nó một cách độc lập.

Đó là sự khác biệt.

Tiếng Dân

Bằng Phong: TÍNH MẠNG TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

 

Báo động:

FBI là cơ quan diệt trừ khủng bố, bảo vệ người dân lương thiện. Ngày nay, FBI trở thành công cụ của đảng Dân Chủ, biến thành quân khủng bố, khi đột nhập vào tư gia của một nhân vật từng lãnh đạo nước Mỹ, thì mạng sống của Tổng thống Donald Trump rất nguy. Bởi vì còn biết lấy ai để bảo vệ mạng sống của người lương thiện? Nước Mỹ rồi đây sẽ loạn to. 

Nếu nước Mỹ bị bọn phản bội đánh sập. giống như Việt Nam Cộng Hòa đã bị bọn phản bội đánh sập, thì coi như nền văn minh nhân loại sẽ không còn. Lúc bấy giờ chỉ còn bọn man rợ thống trị loài người. Những cái đứa Việt Nam mang danh nghĩa tỵ nạn Cộng Sản mà lâu nay ủng hộ đảng Dân Chủ sẽ reo hò vì được sống dưới chế độ man rợ! Quỷ sứ từ chín tầng địa ngục đã trồi đầu lên trên Miền Đất Hứa (Promised Land)

Tùy theo tôn giáo của mỗi người, xin dốc lòng cầu nguyện cho bổn mạng của Tổng thống Donald Trump tai qua nạn khỏi để ông còn có thể cứu nước Mỹ, để nền văn minh nhân loại không bị hủy diệt.

Còn nơi nào trên thế giới để tị nạn nữa không?

Bằng Phong Đặng văn Âu

Trump có thể bị ‘gậy ông đập lưng ông’ trong vụ FBI khám nhà

 

Người Việt

PALM BEACH, Florida (NV) – Vụ cựu Tổng Thống Donald Trump bị FBI và Bộ Tư Pháp Mỹ khám nhà với trát tòa ở Mar-a-Lago tại Palm Beach, Florida, hôm Thứ Hai vừa qua có thể đẩy ông vào tình trạng “gậy ông đập lưng ông,” nếu ông bị kết tội.

Theo báo mạng Huffington Post hôm Thứ Tư, 10 Tháng Tám, hồi Tháng Giêng, 2018, khi đang là tổng thống, ông Trump có ký ban hành một đạo luật, trong đó có một điều khoản “gia tăng hình phạt lên tội hình đối với những ai cố tình lấy tài liệu mật đem để ở một nơi ‘không được phép để.’”

 

Những người ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump tập hợp bên ngoài Mar-a-Lago sau khi biết nhà ông bị FBI khám xét. (Hình minh họa: Giorgio Viera/AFP via Getty Images)

 

Theo Điều Khoản “18 U.S.C. 1924,” người vi phạm có thể bị tù đến năm năm.

Trước đó, khi chưa có điều khoản này, người phạm tội chỉ bị tù một năm.

Cho tới nay, chưa có nhiều thông tin tại sao ông Trump bị FBI và Bộ Tư Pháp khám nhà một cách khẩn cấp như vậy.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS hôm Thứ Tư, bà Lindsey Halligan, một luật sư đại diện cho ông Trump ở Florida, kể bà nhận được cú điện thoại vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai, cho biết nhân viên FBI đang ở Mar-a-Lago và có trát khám nhà.

Khi bà đến nơi, lúc 11 giờ, thì vụ khám nhà đã bắt đầu, và Luật Sư Christina Bobb đã có mặt ở đó. Bà Bobb cũng là người đại diện ông Trump và từng là người dẫn chương trình của đài truyền cánh hữu OAN, một đài ủng hộ ông Trump.

Trong vòng tám tiếng đồng hồ sau đó, theo Luật Sư Halligan, có khoảng từ 30 đến 40 nhân viên FBI thực hiện khám nhà.

Bà kể một số mặc áo có chữ “FBI,” nhưng hầu hết mặc áo thun, quần khaki có túi, đeo khẩu trang và găng tay.

Luật Sư Halligan ước tính có từ 10 đến 15 chiếc xe của FBI lái ra vào biệt thự Mar-a-Lago, trong đó có một chiếc xe tải nhẹ của hãng Ryder.

Bà nói bà không thấy các thùng hồ sơ hoặc hồ sơ để lên xe tải nhẹ, mặc dù không phủ nhận là các nhà điều tra có tịch thu một số vật dụng tại Mar-a-Lago. Có nghĩa là bà biết sự việc có xảy ra, chỉ là bà không chính mắt thấy, bà nói với CBS.

Các nguồn tin của CBS nói rằng, trên thực tế, FBI có mang đi một số thùng hồ sơ, nhưng không có máy móc điện tử. Hai nguồn khác nói với CBS là một số hồ sơ, nếu không phải là tất cả, có thể liên quan hồ sơ mật.

Hồi giữa Tháng Giêng, Cơ Quan Lưu Trữ Liên Bang có nhận 15 thùng hồ sơ, trong đó có một số hồ sơ mật, tại Mar-a-Lago. Vụ khám nhà hôm Thứ Hai có vẻ là một phần cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp.

Bà Halligan cũng nói bà và bà Bobb không được cho vào bên trong tòa nhà trong lúc khám xét xảy ra, mà chỉ đứng trong sân Mar-a-Lago.

Vẫn theo Luật Sư Halligan, nhân viên FBI chia ra làm ba nhóm khám xét phòng ngủ, kho chứa hồ sơ, và văn phòng làm việc.

Như vậy, cho tới nay, về nguyên tắc, chỉ có ba phía biết lý do nhà của vị cựu tổng thống bị khám, đó là phía Hành Pháp (FBI và Bộ Tư Pháp), phía Tư Pháp (chánh án chuẩn thuận trát khám nhà), và phía bị tố cáo (ông Trump và các luật sư của ông).

Điều trớ trêu là đạo luật ông Trump ký trong Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc hồi năm 2018 được tu chính qua đề nghị của ông, theo Huffington Post.

Hồi năm 2016, trong lúc vận động tranh cử tổng thống, ông Trump từng đòi bỏ tù đối thủ của ông, cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, với khẩu hiệu “Lock Her Up,” vì bà bị tố cáo hủy bỏ 33,000 email liên quan đến công việc.

Liệu ông Trump có khi nào nghĩ đến việc ông ban hành đạo luật năm 2018 để bây giờ có thể áp dụng với chính ông? (Đ.D.)

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland giải trình về việc khám xét nhà cựu tổng thống

 

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ

Nhã Duy, chuyển ngữ

12-8-2022

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Ảnh trên mạng

Xin chào!

Từ khi trở thành Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, tôi đã xác định rõ ràng rằng Bộ Tư Pháp sẽ giải thích về các thủ tục tòa án và công việc của mình.

Bộ Tư Pháp vừa mới trình kiến nghị lên tòa quận hạt Southern District tại Florida để xin mở niêm phong lệnh khám xét và biên nhận tài sản liên quan đến cuộc khám xét được tòa án chuẩn thuận mà FBI thực hiện hồi đầu tuần. Nơi bị khám xét tại Florida thuộc về cựu Tổng thống.

 

Bộ Tư Pháp đã không công bố điều gì trong ngày khám xét. Cựu Tổng thống cũng đã công khai xác nhận cuộc khám xét trong tối cùng ngày, như là quyền của ông.

Bản sao của cả trát tòa và biên bản (tịch biên) tài sản của FBI đã được trao cho cố vấn pháp lý của cựu Tổng thống, người đã có mặt trong suốt quá trình khám xét. Lệnh khám xét đã được một tòa án liên bang cho phép, dựa vào các phát hiện cần có về lý do thích đáng.

“Biên bản tài sản” là một chứng từ mà theo luật liên bang, buộc các nhân viên công lực phải để lại cho chủ nhà. Bộ Tư Pháp đã đệ trình kiến nghị cho bạch hóa trát tòa và biên bản dựa trên sự công khai xác nhận của cựu Tổng thống về việc xét nhà, hoàn cảnh xung quanh và mối quan tâm to lớn của công chúng trong vấn đề này.

 

Sự gắn kết trung thành vào pháp quyền là nguyên tắc căn bản của Bộ Tư Pháp và nền dân chủ của chúng ta. Duy trì pháp quyền có nghĩa là áp dụng luật pháp một cách công bằng, không sợ hãi hay thiên vị. Dưới sự điều hành của tôi, đó là chính xác những gì Bộ Tư Pháp đang làm.

Tất cả người dân đều được quyền áp dụng luật lệ một cách công bằng, theo đúng trình tự pháp luật và được giả định là vô tội.

Phần lớn công việc của chúng tôi cần được lặng lẽ tiến hành. Chúng tôi làm như vậy nhằm bảo vệ các quyền hiến định của tất cả người dân và bảo vệ sự toàn vẹn của các cuộc điều tra của chúng tôi.

Luật liên bang, các nguyên tắc lâu đời của Bộ Tư Pháp cùng các bổn phận đạo đức không cho phép tôi cung cấp thêm các thông tin chi tiết về việc khám xét vào lúc này. Tuy nhiên, có một số điểm tôi muốn quý vị biết đến.

Thứ nhất, cá nhân tôi đã chấp thuận quyết định xin lệnh khám nhà trong vấn đề này.

Thứ nhì, Bộ Tư Pháp không hề xem nhẹ một quyết định như vậy. Khi mà có thể, thì thủ tục tiêu chuẩn là tìm kiếm giải pháp ít gây phiền toái hơn thay cho chuyện xét nhà và thu hẹp phạm vi bất kỳ cuộc khám xét nào được thực hiện.

Thứ ba, cho tôi nói đến các cuộc tấn công vô căn cứ mới đây vào chức nghiệp của FBI và các nhân viên cùng công tố viên của Bộ Tư pháp. Tôi sẽ không im lặng nhìn sự chính trực của họ bị tấn công một cách thiếu công bằng.

Các nhân viên nam nữ của FBI và Bộ Tư pháp là những công chức tận tụy, ái quốc.

Mỗi một ngày, họ đang bảo vệ người dân trước các tội phạm, khủng bố và các mối đe dọa vào sự an toàn của người dân, đồng thời bảo vệ các quyền công dân của chúng ta. Họ làm như vậy trong sự hy sinh và rủi ro cá nhân to lớn của bản thân. Tôi rất vinh dự khi được làm việc chung với họ.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói lúc này. Thông tin thêm sẽ được cung cấp theo cách thích hợp và vào thời điểm thích hợp.

Cảm ơn quý vị!

Việc FBI khám xét nhà cựu TT Trump là bất hợp pháp, là ngụy tạo hồ sơ?

11/08/2022

Việt Báo

daovan 

Sau cuộc FBI  khám xét tư gia cựu TT Trump có nhiều cáo buộc cho rằng đó là hành động bất hợp pháp, là ngụy tạo hồ sơ… Phải chăng cuộc khám xét  này bất hợp pháp? Để trả lời câu hỏi này phần trình bày sau dựa vào các  tài liệu, luật lệ, bài viết trên các cơ quan truyền thông về nguyên nhân dẫn  đến cuộc khám xét  của FBI tại Mar-a-Lago nơi cư trú của  cựu TT Trump.

 

 Eric Trump tiết lộ mục đích của cuộc khám xét.

 

Theo The  Hill – Eric Trump, một trong những con trai của cựu Tổng thống Trump, cho biết trong cuộc phỏng vấn vào cuối ngày thứ Hai (8.8.2022) rằng cuộc khám xét của FBI tại Mar-a-Lago nhằm tìm kiếm các tài liệu thuộc Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (National Archives).

 

Eric Trump nói với người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News: “Sean, mục đích của cuộc đột kích theo những gì họ nói là vì Cơ quan Lưu trữ Quốc gia muốn, bạn biết đấy, tìm kiếm xem  liệu Donald Trump có giữ bất kỳ tài liệu nào thuộc sở hữu của họ hay không” – “Và cha tôi đã làm việc rất hợp tác với họ trong nhiều tháng qua. Trên thực tế, luật sư của cha tôi đang làm việc này đã hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc khám xét. Anh ta nói, “Tôi đã có một mối quan hệ tuyệt vời với những người này và đột nhiên, không cần thông báo, họ đến đây bạn biết đấy, 20 chiếc xe hơi và 30 nhân viên?” Anh ta nói thêm. (Theo NBC News, 30 nhân viên FBI  lục soát thời gian kéo dài 9 1/2 giờ và mang đi 12 thùng hồ sơ).

 

 Hồ sơ thuộc văn phòng tổng thống chuyển về Mar-a-Lago

 

Theo bản văn của đài TV công Public Broadcast System (PBS) ngày 10.2.2022 –  Một Ủy ban của Hạ viện đang điều tra xem liệu cựu Tổng thống Donald Trump có vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (the Presidential Records Act, PRA) hay không, sau khi các thùng hồ sơ Tòa Bạch Ốc được biết hiện lưu tại bất động sản ở Florida của ông, và một bản tin khác cho biết ông đã hủy một số tài liệu khi còn đương chức. Chủ tịch Ủy ban giám sát Carolyn Maloney cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm,  bà “quan ngại sâu sắc rằng những hồ sơ này không được chuyển giao kịp thời cho Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (National Archives and Records Administration, NARA)  vào cuối nhiệm kỳ thời  chính quyền Trump, và các tài liệu này dường như đã bị đem đi  khỏi Tòa Bạch Ốc.” Maloney, D-N.Y., đã gửi thư cho viên chức thuộc NARA, David Ferriero, để tìm hiểu thông tin về 15 thùng hồ sơ mà Cơ quan Lưu trữ Quốc gia thu hồi lại  từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump, ở Palm Beach, Florida. (2.2022)

 

Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA) quy định rằng các hồ sơ do tổng thống đương nhiệm và nhân viên của ông ta thiết lập phải được bảo quản trong kho lưu trữ và  nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm có trách nhiệm chuyển giao tài liệu cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia vào cuối nhiệm kỳ (an outgoing leader is responsible for turning over documents to the National Archives at the end of the term).  Ủy ban giám sát đang tìm kiếm thông tin liên lạc giữa Cơ quan Lưu trữ Quốc gia NARA  và các phụ tá của Trump về nhiều chiếc thùng hồ sơ bị mất tích.

 

Các hồ sơ  này được coi là tài sản của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào, nhưng với ông Trump trở nên đặc biệt , vì các hồ sơ này liên quan đến cuộc điều tra bởi một Ủy ban Hạ viện khác đang điều tra vụ bạo động vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, những người tham gia cuộc bạo động đã tìm cách ngăn chặn việc chứng nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, mà người chiến thắng thuộc đảng Dân chủ Joe Biden. Trump, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã cố tình không trao ra  các tài liệu của Tòa Bạch Ốc dẫn đến  các vụ thưa kiện, cuối cùng lên đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. (Kèm link phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đã buộc cựu  TT Trump phải trao hồ sơ  TBÔ cho Ủy Ban Hạ Viện điều tra vụ  bạo động ngày 6.1.2021, theo phán quyết số No. 21A272, ngày 19.1.2022.pdf –  do phán quyết này cựu TT Trump đã phải trao ra 15 thùng hồ sơ cho NARA hồi tháng 2.2022).

 

Cựu tổng thống cho biết trong một tuyên bố rằng sau “các cuộc thảo luận hợp tác và tôn trọng”, với viên chức thuộc Cơ quan Lưu trữ Quốc gia trong  việc vận chuyển từ Mar-a-Lago ” các thùng  chứa Hồ sơ Tổng thống tuân theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.”- “Các giấy tờ được trao ra dễ dàng, không có xung đột và dựa trên cơ sở rất thân thiện,” Trump nói trong tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng một ngày nào đó hồ sơ sẽ trở thành một phần của Thư viện Tổng thống Donald J. Trump.

 

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng Trump đã  hủy bỏ một số hồ sơ trước khi ông rời nhiệm sở, và Ủy ban giám sát Hạ viện đã viết thư cho NARA vào tháng 12 năm 2020,  chia sẻ về những lo ngại này.

 

Theo tờ Washington Post đã đưa tin gần đây rằng Trump đã “xé” dữ liệu “nhạy cảm” và nhân viên NARA  đã báo cáo vấn đề này lên Bộ Tư pháp để yêu cầu điều tra xem Trump có vi phạm Đạo luật PRA hay không. Bộ Tư pháp không bình luận về vụ này. Việc NARA yêu cầu Bộ Tư Pháp,  có khả năng sẽ bị truy tố hình sự bởi cơ quan liên bang hoặc từ Quốc hội.

 

Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, trong tuyên bố của mình vào đầu tuần này, cho biết các đại diện của Trump đã xác nhận rằng nhiều hồ sơ “chưa được chuyển đến Cơ quan Lưu trữ Quốc gia vào cuối thời chính quyền Trump”. Cơ quan văn khố quốc gia (NARA) cho biết, đại diện của cựu tổng thống đang tiếp tục tìm kiếm các hồ sơ còn thiếu sót để bổ sung các tài liệu  thuộc về kho lưu trữ thuộc NARA.[1]

 

 The Presidential Records Act: tiêu hủy các tài liệu liên bang trong quá trình chuyển giao tổng thống là một trọng tội

 

Tóm lược trích đoạn đạo luật Presidential Records Act (PRA) do  Just Security Org đúc kết – Hồ sơ tổng thống và hồ sơ liên bang thuộc về chính phủ Hoa Kỳ. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA), (1) tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử của chính Tổng thống và cuộc bầu cử  văn phòng liên bang, tiểu , các nhiệm vụ theo hiến pháp, luật định, hoặc các nhiệm vụ chính thức hoặc nghi lễ của Tổng thống;   Và (2) tài liệu liên quan đến các tổ chức chính trị tư nhân. (44 Hoa Kỳ §2201). Hồ sơ liên quan đến lịch trình về các cuộc gặp gỡ chính thức và các hồ sơ chứa  tài liệu hành chánh và chính trị là tài sản của chính phủ và phải được lưu giữ bởi NARA. Điều quan trọng là phải thực thi các quy tắc đặc biệt áp dụng theo PRA đối với hầu hết các Văn phòng điều hành của Tổng thống (EOP:Executive Office of the President ), bao gồm Văn phòng Nhà Trắng, Văn phòng Phó Tổng thống, toàn bộ nhân viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và các thành phần EOP khác…  Mọi tài liệu liên quan đến việc điều hành công việc của tổng thống, theo luật định thuộc về chính phủ, bất kể nó ở định dạng nào hoặc được lưu trữ như thế nào.

 

Trong quá khứ, về trường hợp của một nhân viên (giấu tên) thời Clinton đã tự ý lấy đi khóa “W” từ máy tính của Nhà Trắng vào năm 2001 lại trở thành  một tội phạm liên bang. Báo cáo của Văn phòng Kế toán  phi đảng phái nêu rõ sau một cuộc điều tra bao gồm phỏng vấn hơn 100 nhân viên chính phủ: “Việc trộm cắp hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của chính phủ sẽ cấu thành hành vi phạm tội”.

 

Tài sản bị lấy đi  hoặc bị phá hủy thuộc về chính phủ, không thuộc về tổng thống khi rời nhiệm sở. Cố ý lấy đi hoặc phá hủy tài sản đó, bao gồm tài sản dưới dạng thông tin kỹ thuật số, là tội phạm liên bang (Intentionally taking or destroying that property, including property in the form of digital information, is a federal crime). 

 

• Điều khoản 18 USC §641, tài sản hoặc hồ sơ

 

Bất cứ ai biển thủ, lấy đi, hoặc cố ý chuyển đổi sang việc sử dụng của mình hoặc chuyển tải  bất kỳ hồ sơ, chứng từ,  hoặc những thứ có giá trị của Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ bộ hoặc cơ quan nào, hoặc bất kỳ tài sản nào được thực hiện hoặc đang được thực hiện hoặc bất cứ ai nhận, che giấu hoặc giữ lại tài  liệu  với ý định chuyển đổi nó với mục đích sử dụng hoặc thu lợi cho cá nhân – sẽ bị phạt về tội trạng này, hoặc bị phạt tù không quá mười năm, hoặc cả hai (intent to convert it to his use or gain-shall be fined under this title or imprisoned not more than ten years, or both). “…”

 

• Điều khoản 18 USC §2071, Che giấu, loại bỏ hoặc cắt xén tài liệu :

 

(a) Bất kỳ ai cố tình che giấu, xóa bỏ, cắt xén, hoặc với ý định lấy và mang đi bất kỳ hồ sơ,  bản đồ, sách, giấy, tài liệu  sẽ bị phạt theo điều khoản này hoặc bị phạt tù không quá ba năm, hoặc cả hai.

(b) Bất kỳ ai,  lưu giữ bất kỳ hồ sơ, thủ tục, bản đồ, sách, tài liệu, giấy tờ, hoặc những thứ khác, cố ý che giấu, xóa bỏ, cắt xén,  làm sai lệch hoặc phá hủy những thứ đó, sẽ bị phạt theo luật định này hoặc bị phạt tù không quá ba năm, hoặc cả hai; và sẽ bị tước bỏ chức vụ  và không đủ tư cách đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào của chính phủ).(shall forfeit his office and be disqualified from holding any office under the United States).

 

Cuối cùng, nếu tài liệu bị thiếu thuộc văn phòng của viên chức rời đi, các cơ quan liên bang, cơ quan thực thi pháp luật liên bang hoặc ủy ban quốc hội đang điều tra vụ việc liên quan, có quyền đòi hỏi về các hồ sơ loại này.

 

• Điều khoản 18 U.S.C. §1001

 

 (a) Trừ khi có quy định khác trong phần này, bất kỳ ai, trong bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp, lập pháp hoặc tư pháp của Chính phủ Hoa Kỳ, cố ý:  (1) làm sai lệch, hoặc che đậy bằng bất kỳ thủ đoạn, hay kế hoạch  là một sự kiện quan trọng; (2) đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc trình bày sai sự thật, hư cấu hoặc gian lận nào; hoặc (3) tạo ra hoặc sử dụng bất kỳ văn bản hoặc tài liệu sai lệch nào  chứa bất kỳ tuyên bố  hư cấu hoặc gian lận nào; sẽ bị phạt theo tội danh này, bị phạt tù không quá 5 năm. “…”

 

Các thành viên của Quốc hội – bao gồm Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện và Ủy ban Tư pháp – được khuyến cáo nên cảnh báo các quan chức chính quyền về nhiệm vụ của họ trong việc lưu giữ hồ sơ, theo luật hình sự liên bang hiện hành. Phá hủy hoặc đánh cắp tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ là một trọng tội (Destroying or stealing documents belonging to the United States government is a crime). Phá hủy hoặc đánh cắp tài liệu để che đậy một tội ác khác, cũng là trọng tội. Nói dối về những gì đã xảy ra với các tài liệu bị mất  là một trọng tội khác (Lying about what happened to missing documents is yet another crime). [2]

 

 Nguyên nhân dẫn đến cuộc khám xét

 

Theo Việt Báo ngày 9.8.2022 dựa theo tin của CNN: “Vào đầu tháng 6, một số nhà điều tra đã thực hiện một chuyến thăm hiếm hoi tới khu nhà [khu biệt thự Mar-a-Lago] để tìm thêm thông tin về khả năng còn lưu giữ  tài liệu mật từ thời gian của Trump tại Tòa Bạch Ốc mà đã được mang về Florida. 4 nhà điều tra, gồm Jay Bratt, Trưởng ban phản gián và bộ phận kiểm soát xuất cảng tại Bộ Tư Pháp, đã nói chuyện với 2 luật sư của Trump, Bobb và Evan Corcoran, theo nguồn tin có mặt trong cuộc gặp này cho biết.”

 

Đoạn văn viết trên:” Về khả năng còn lưu giữ  tài liệu mật từ thời gian của Trump tại Bạch Ốc mà đã được mang về Florida”, theo Raw Story – Vài giờ sau khi Donald Trump nói rằng FBI đã “đột kích” nhà ông ở Mar-a-Lago vào thứ Hai, con trai giữa của ông, Eric Trump nói với người dẫn chương trình Fox News Sean Hannity rằng cựu tổng thống đã làm việc với chính quyền liên bang trong nhiều tháng. Hôm thứ Ba, các chuyên gia CNN đã giải thích tầm quan trọng về nhận xét của ông. “Phần cuối cùng từ Eric Trump, anh ấy nói cha anh ấy đã cộng tác với họ trong nhiều tháng”, người dẫn chương trình CNN John King cho biết. “Tranh chấp này được bàn cãi  từ nhiều tháng qua, hơn một tháng trước (6.2022),  các đặc vụ trở lại Mar-a-Lago, đã cố gắng thuyết phục nhằm lấy lại các tài liệu còn lại chưa được chuyển giao.  Nhưng sau nhiều tháng cố gắng đàm phán về việc này không có kết quả, FBI đã xác định rằng chúng tôi đang ở trong tình trạng bế tắc, chúng tôi cần một lệnh khám xét. [3]

 

 Lệnh khám xét nhà

 

Theo Law and Crime – Cựu công tố viên liên bang Mitchell Epner, hiện là đối tác của Rottenberg Lipman Rich PC, nhấn mạnh rằng  việc ban hành lệnh khám xét nhà đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ – và báo hiệu một số điều, “những người ở cấp cao nhất của Bộ Tư pháp đã ủy quyền cho các công tố viên tìm kiếm lệnh khám xét nhà cựu tổng thống,” Epner lưu ý. “Đây không phải là điều gì đó  được thực hiện bởi một trợ lý hoặc được thực hiện bởi Thẩm phán Liên Bang tại một quận hạt. Lệnh này  đòi hỏi có sự chấp thuận của Phó Tổng chưởng lý, Phụ tá  Bộ trưởng Tư pháp thuộc Bộ phận Hình sự hoặc chính Tổng Chưởng lý. ”

 

Nếu FBI muốn  có một lệnh khám xét, họ phải chứng minh với các  bằng chứng cụ thể hầu thuyết phục vị thẩm phán liên bang, Epner tiếp tục nói. “Khi tìm kiếm một lệnh khám xét, có một số nơi – trong văn kiện trình tòa cần nêu rõ những tội mà DOJ tin rằng đã phạm, và nêu  lý do để  Thẩm phán tin rằng, bằng chứng về việc phạm tội sẽ được tìm thấy tại Mar-a-Lago, ” ông ta  nói. “Và văn kiện trình tòa đó phải có sức thuyết phục đối với thẩm phán Liên Bang hoặc thẩm phán quận Hoa Kỳ, người đã ban hành trát khám xét dựa trên cơ sở của văn kiện trình tòa đó.”

 

Xin mở ngoặc để nói về chứng cớ để  Thẩm phán tin rằng, bằng chứng về việc phạm tội sẽ được tìm thấy tại Mar-a-Lago”- Theo người viết “bằng chứng” thuyết phục nhất là dựa vào nhật ký vãng lai tại 3 cổng TBÔ. Thí dụ, trên  nhật ký vãng lai ghi tên họ, ngày giờ của người đến và rời TBÔ. Nhưng trong 15 thùng hồ sơ ông Trump trả lại cho NARA (2.2022) lại không tìm thấy hồ sơ liên hệ về các cuộc gặp gỡ  mà  nhật ký vãng lai ghi lại. Vì vậy, khi khám phá ra có sự khác biệt về vụ  này, thời liệu các hồ sơ này đã bị hủy bỏ, hay  là “sẽ được tìm thấy tại Mar-a-Lago”.

 

 Cựu TT Trump phản đối việc tiết lộ danh sách các khách vãng lai Tòa  Bạch Ốc

 

Cựu  TT Trump phản đối việc tiết lộ nhật ký danh sách các khách vãng lai ghi lại tên họ khách đến thăm và tên người làm việc tại Tòa  Bạch Ốc sẽ gặp (nhật ký tại các cổng Cánh Tây, Cánh Đông và Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower). Dựa vào nhật ký  khách vãng lai Tòa  Bạch Ốc này sẽ biết bất cứ ai ra, vào khu phức hợp này ngoài họ và tên, còn biết thêm ngày giờ đến và rời Tòa  Bạch Ốc.

 

Tổng thống Joe Biden không tán thành việc cựu tổng thống Donald Trump tuyên bố dùng đặc quyền hành pháp phản đối  việc công khai nhật ký của khách vào Tòa  Bạch Ốc .  Có nghĩa là Ủy ban  Hạ Viện đang điều tra cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 sẽ sớm biết ai đã đến  Tòa  Bạch Ốc  trước và trong ngày cuộc tấn công vào Điện Capitol diễn ra. Tháng trước, ông Trump đã thông báo cho David Ferriero (NARA) rằng ông sẽ áp dụng đặc quyền hành pháp – nhằm bảo vệ thông tin liên lạc giữa một tổng thống và các cố vấn của ông – muốn giữ kín   danh tính  những cá nhân đi qua các trạm kiểm tra an ninh để vào Tòa Bạch Ốc  (to keep the records, which show biographical information for individuals who pass through White House security checkpoints),  không thể giao nhật ký này cho Ủy Ban  Hạ Viện. Nhưng trong một bức thư hôm thứ Ba, Cố vấn Tòa  Bạch Ốc  Dana Remus thông báo với ông Ferriero [NARA] rằng ông Biden khẳng định việc sử dụng đặc quyền hành pháp để giữ kín  danh sách khách vãng lai Tòa  Bạch Ốc thời ông Trump xét thấy “không có lợi cho nước Mỹ, và lý do nêu ra không chính đáng”.

 

 “Về mặt chính sách, và tùy thuộc vào các trường hợp ngoại lệ hạn chế,  Biden tự nguyện hàng tháng tiết lộ nhật ký của những khách vãng lai Tòa  Bạch Ốc. Chính quyền Obama trước đây cũng làm theo thông lệ tương tự. Phần lớn các mục mà cựu Tổng thống đã khẳng định thuộc  đặc quyền hành pháp sẽ được phổ biến công khai theo chính sách hiện hành, ”cô Remus viết. “Như thực tế theo chính sách đó cho thấy, việc bảo vệ tính bí mật của loại hồ sơ này nói chung là không cần thiết ” (preserving the confidentiality of this type of record generally is not necessary). [4]

 

 Lý do chính của cuộc khám xét là về cuộc bạo động ở Capitol.

 

Cũng theo Raw Story – Trong một bài viết cho National Review, nhà bình luận bảo thủ Andrew McCarthy viết rằng trong lời biện minh cho việc FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Donald Trump được cho là có liên quan đến  việc cựu tổng thống lưu giữ hồ sơ chính phủ và xử lý sai thông tin mật, nhưng “lý do thực sự là cuộc bạo động ở Capitol.”

 

Trump cho biết hôm thứ Hai rằng dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida đang bị các đặc vụ FBI “đột kích” trong cái mà ông ta gọi là một  “hành vi sai trái”. FBI từ chối bình luận về mục đích của  cuộc khám xét , trong khi đó, ông  Trump cũng không cho biết  lý do tại sao các đặc vụ liên bang lại  đến khám xét tư gia của ông ta. Nhưng nhiều hãng truyền thông trích dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra nói rằng các đặc vụ đang tiến hành một cuộc khám xét do tòa án cho phép liên quan đến khả năng xử lý sai các tài liệu mật đã được mang đến Mar-a-Lago.

 

Theo McCarthy, cựu Phụ tá Thẩm phán Liên  bang thuộc  Quận phía Nam của New York, các cáo buộc ôngTrump vi phạm luật  hồ sơ chính phủ PRA đã tạo cho DOJ  cái cớ cần phải khám xét khu nghỉ dưỡng của ông Trump để tìm bằng chứng liên quan đến cuộc bạo động ở Capitol.[5]

 

Theo tin tức từ giới truyền thông, cựu Phó TT Mice Pence và Trưởng khối đảng Cộng Hòa tại Thượng viện yêu cầu Bộ Tư Pháp sớm giải trình về cuộc khám xét tại Mar-a-Lago, theo đó một số chuyên gia cho rằng để trả lời cho các đòi hỏi từ phía đảng Cộng Hòa, phía Bô Tư Pháp cần sớm trình tòa liên bang Đặc khu Columbia với  chứng cớ  để  tòa này triệu ông Trump ra khai trước tòa thời may ra sẽ làm dịu làn sóng chống đối. (Tòa này đã kết án 788 bị cáo  phạm tội gây bạo động khi xông vào tòa  nhà quốc hội ngày 6.1.2021, trong số đó có bị cáo bồi thẩm đoàn Đặc khu Columbia kết án 7 năm tù).

 

Ngoài ra, qua cuộc  khám xét  của FBI có phải  vì “lý do thực sự là cuộc bạo động ở Capitol”  hay không, nhất là «Phải chăng RNC đã ” bật đèn xanh” trao cho Bộ Tư Pháp  cái cớ để “theo đuổi công lý mà không e ngại”»,«Việt Báo ngày 3.8.2022» đã dẫn đến cuộc khám xét hay không? Người viết trình bày sự kiện, còn phần nhận xét hay phê bình xin nhường độc giả.

 

 Bổ túc thông tin…

 

Trên Việt Báo ngày 3.8.2002 có đoạn văn: « Liên quan đến vụ “tìm” 11.870 phiếu bầu nêu trên,  theo Yahoo News, Thẩm phán tại NY ra lệnh cho Rudy Giuliani phải ra điều trần trước đại bồi thẩm đoàn  quận hạt Fulton,GA vào ngày 9.8.2022 về cuộc điều tra hình sự liên quan đến bầu cử Trump,  sau khi tòa  này bác bỏ yêu cầu của đương sự xin miễn ra trình diện tại đại bồi thẩm đoàn Fulton, GA».

   Theo CBS News ngày 9.8.2022 – Ông Rudy Giuliani viện cớ giải phẫu không thể di chuyển bằng máy bay, nên xin tòa miễn cho trình diện Đại bồi thẩm đoàn quận Fulton vào ngày 9.8.2022 – Bà thẩm phán quận Fulton, GA phản bác rằng ông Giuliani sau khi giải phẫu đã di chuyển nhiều lần, đến nhiều tiểu bang tại Mỹ và hai lần đến Châu Âu.  Cuối cùng Thẩm phán Liên Bang khu vực Atlanta buộc ông Giuliani phải trình diện Đại Bồi thẩm đoàn vào ngày 17.8.2002 – Thẩm phán Liên bang nói thêm, nếu không đến được bằng máy bay thi đi xe buýt hoặc xe lửa, hành trình “chỉ mất 13 giờ” mà thôi.

 Đào Văn

Nguồn:

[1] PBS Org.:House panel investigates Trump presidential records found in Mar-a-Lago

[2] Just Security Org.Destroying Federal Documents During a Presidential Transition Is a Federal Crime

[3]  Raw Story:Eric Trump might have accidentally revealed key details about his father’s case

[4] Independent Co Uk: Trump White House visitor logs

[5] Raw Story:FBI raid on Trump’s resort isn’t about classified documents — it’s about the Capitol riot: legal expert

 

BBC: Vụ khám nhà Trump: Vì sao FBI khám dinh thự ở Mar-a-Lago và đã tìm thấy những gì?

 

  • Gareth Evans
  • Từ Washington
BBC

Image shows US President Donald Trump

GETTY IMAGES

Các đặc vụ FBI, những tài liệu tuyệt mật và khu dinh thự rộng lớn bên bờ biển của cựu Tổng thống.

Khi các nhân viên chính phủ lục soát ngôi nhà ở Florida của cựu Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần đã gây ra một cơn bão chính trị chưa từng xảy ra trước đây.

Vụ việc chưa từng có tiền lệ này rất phức tạp và nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, hãy chậm lại một nhịp – đây là những gì chúng ta biết cho đến nay.

Tại sao FBI khám xét dinh thự ở Mar-a-Lago?

Nói một cách ngắn gọn, vì Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ cựu Tổng thống có thể đã phạm tội.

Lệnh khám xét, đã được công bố cho thấy các nhân viên FBI đã thu thập bằng chứng vào ngày 8/8 như một phần của cuộc điều tra xem liệu ông Trump có xử lý sai hồ sơ chính phủ bằng cách đưa từ Nhà Trắng đến dinh thự riêng ở Mar-a-Lago hay không.

Điều đáng chú ý ở đây là các tổng thống Mỹ phải chuyển tất cả các tài liệu và email của họ đến một cơ quan chính phủ có tên là National Archives.

Đầu năm nay, cơ quan này cho biết họ đã lấy lại 15 thùng giấy tờ từ Mar-a-Lago mà Donald Trump lẽ ra phải giao lại khi ông rời Nhà Trắng. National Archives cho biết trong đó bao gồm các thông tin tuyệt mật và yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra.

Để có được lệnh khám xét, các công tố viên phải thuyết phục thẩm phán rằng họ có lý do chính đáng để tin rằng một hành vi phạm tội đã được thực hiện. Chúng ta cũng biết nỗ lực để có lệnh khám nhà đã được đích thân người đứng đầu Bộ Tư pháp phê duyệt.

Các đặc vụ đã tìm thấy những gì?

Theo một biên bản kiểm kê được công bố cùng với lệnh khám xét hôm 12/8, 20 thùng vật phẩm đã được lấy đi.

FBI đã lấy tổng cộng 11 bộ hồ sơ mật, trong đó có 4 bộ được dán nhãn “tối mật”. Ba bộ được xếp vào loại “tuyệt mật” và ba bộ là “mật”.

Trong đó cũng bao gồm các tệp tài liệu được đánh dấu “TS / SCI”, một ký hiệu cho những bí mật quan trọng nhất của đất nước mà nếu bị tiết lộ công khai có thể gây ra thiệt hại “đặc biệt nghiêm trọng” cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Authorities stand outside Mar-a-Lago, the residence of former president Donald Trump

EPA FBI khám nhà ông Trump ở Florida ngày 8/8

Theo hồ sơ của tòa án, một số trong số những tệp tài liệu này chỉ được lưu giữ trong các cơ sở an toàn của chính phủ.

Nhưng hồ sơ tòa án không cho biết những tài liệu này có thể chứa thông tin gì, và có nhiều điều chúng ta không biết về các vật phẩm khác.

Ví dụ, các vật phẩm khác đã bị lấy đi bao gồm tập ảnh, ghi chú viết tay và thông tin không xác định về “Tổng thống Pháp”.

Donald Trump đã phản ứng chưa?

Rồi – cựu Tổng thống đã lên tiếng về cuộc khám xét của FBI và đã nhiều lần phủ nhận hành vi sai trái.

Ông Trump nói rằng các tài liệu mà các đặc vụ lấy được “tất cả đã được giải mật” và đã được đặt trong “kho lưu trữ an toàn”. Ông cũng cho biết sẽ giao nộp nếu Bộ Tư pháp yêu cầu.

Văn phòng của cựu Tổng thống đã đưa ra một tuyên bố mới vào hôm 12/8, khẳng định rằng các tài liệu đã được giải mật. “Quyền phân loại và giải mật các tài liệu hoàn toàn thuộc về tổng thống Mỹ,” thông báo viết.

Trong khi ông Trump nói đã giải mật các tài liệu trước khi rời Nhà Trắng – và các đồng minh của ông khẳng định tổng thống có quyền làm điều này – các nhà phân tích pháp lý cho rằng việc này phức tạp hơn thế.

“Các tổng thống có thể giải mật thông tin nhưng họ phải tuân theo một thủ tục”, Tom Dupree, một luật sư từng làm việc trong Bộ Tư pháp, nói với BBC. “Họ không thể đơn giản nói rằng những tài liệu này đã được giải mật. Họ phải tuân theo một quy trình, và rõ ràng là đã không được tuân theo ở đây.”

Tuy nhiên, văn phòng của ông Trump phản đối điều này. “Ý tưởng rằng một số quan chức bàn giấy không quan trọng… cần phải chấp thuận việc giải mật là vô lý,” tuyên bố cho biết.

Những hành vi phạm tội nào có thể đã được thực hiện?

Có một số luật quy định việc xử lý thông tin mật và hồ sơ tổng thống, và những luật này đi kèm với cả hình phạt hình sự và dân sự.

Trên thực tế, ông Trump đã tăng khung hình phạt đối với việc xóa các tài liệu hoặc tài liệu mật khi còn đương chức và hiện ông có thể bị phạt tới 5 năm tù giam.

Lệnh khám xét đã được công bố cho thấy các công tố viên đang điều tra ba tội danh. Đó là:

  • Vi phạm Đạo luật gián điệp
  • Cản trở công lý
  • Xử lý hình sự các hồ sơ của chính phủ

Không có luật nào trong số ba luật hình sự được đề cập phụ thuộc vào việc các hồ sơ có được giải mật hay không. Điều này có nghĩa là không chắc lập luận của ông Trump thuyết phục trước tòa được hay không.

Cựu Tổng thống vẫn chưa bị buộc tội về hành vi sai trái và vẫn chưa rõ liệu kết quả của cuộc điều tra rằng ông Trump có bị buộc tội hình sự hay không.

RFI: Mỹ: Donald Trump giữ nhiều hồ sơ ”tuyệt mật” tại tư dinh Mar-a-Lago

 

 

RFI

Nhân viên an nịnh Mỹ có vũ trang đứng bên ngoài lối vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump, ngày 08/08/2022, Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ. 
Nhân viên an nịnh Mỹ có vũ trang đứng bên ngoài lối vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump, ngày 08/08/2022, Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ. AP – Terry Renna

Cùng lúc công bố lệnh khám xét tư dinh Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump, bộ Tư Pháp Mỹ, ngày 12/08/2022, cũng công bố danh sách những tài liệu được tịch thu trong đợt khám xét rầm rộ này. Theo bộ Tư Pháp Mỹ, ông Donald Trump đã giữ rất nhiều tài liệu tuyệt mật tại tư gia.

QUẢNG CÁO

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York tóm lược :

« Có nhiều tài liệu được ghi « Tối mật », « tuyệt mật » hay « bảo mật », cùng với nhiều hình ảnh và tài liệu khác… Và danh sách vẫn còn dài… Dường như có cả một hồ sơ ghi « 1 A Info : tổng thống Pháp ».

Tổng cộng, khoảng 30 thùng được thu giữ tại nhà của ông Donald Trump hôm thứ Hai (08/08) được ghi trên ba trang giấy và nêu chi tiết tất cả những gì mà nhân viên FBI đã mang đi, sau khi khám xét kĩ lưỡng 58 phòng và 33 phòng tắm trong biệt thự của ông Donald Trump, ở Mar-a-Lago, bang Florida.

Bản liệt kê này nằm trong số những văn bản pháp lý được Tư Pháp Mỹ công bố hôm qua (12/08), trong đó có cả lệnh khám xét do một thẩm phán liên bang ký. Lệnh khám này cũng cho phép sơ bộ biết được cựu tổng thống đã bị cáo buộc gì trên bình diện pháp lý. Nhiều luật đã được nêu lên, trong đó có những luật liên quan đến tội gián điệp, cản trở tư pháp và tiêu hủy tài liệu mật.

RFI: Có dấu hiệu phạm luật an ninh quốc gia, Donald Trump có nguy cơ bị án tù

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tới cao ốc Trump Tower, New York City, ngày 09/08/2022.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tới cao ốc Trump Tower, New York City, ngày 09/08/2022. REUTERS – DAVID DEE DELGADO

Diễn biến tiếp theo cuộc khám khu tư dinh Mar-A-Lago hôm 08/08/2022 ngày càng có thêm chi tiết củng cố cho các nghi ngờ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm các luật an ninh quốc gia, nhất là từ sau khi tư pháp cho công bố danh mục các tài liệu thu giữ trong cuộc khám xét. Các lý lẽ biện hộ cho ông Trump trở nên thiếu thuyết phục. Trên lý thuyết, tội danh vi phạm an ninh quốc gia có thể dẫn đến án tù.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin:

Càng biết thêm chi tiết về vụ khám dinh thự của Donald Trump, người ta càng thấy hoàn cảnh của cựu tổng thống có vẻ trở nên phức tạp.

Theo truyền thông Mỹ, một trong số các luật sư của ông Donald Trump cách đây nhiều tuần có thể đã ký một giấy xác nhận để khẳng định với chính quyền là tất cả những tài liệu mật mà Donald Trump mang đi đều đã được trả lại cho cơ quan Lưu Trữ Quốc Gia.

Vậy nhưng, giờ thì người ta biết điều đó không đúng. Các giấy tờ hợp pháp được tư pháp công bố cho thấy rằng khi khám tư dinh Mar-A-Lago, các nhân viên FBI đã mang đi khoảng ba chục thùng đầy các liệu ghi dấu Mật, Tối Mật hoặc tài liệu kín.

Chi tiết đó làm suy yếu bên bảo vệ Donald Trump. Họ vẫn quả quyết rằng vụ khám xét đó là không cần thiết và từ nhiều tháng qua ông Trump vẫn hợp tác với chính quyền.

Cựu tổng thống cũng đã giải thích rằng thực tế ông đã cho giải mật các tài liệu khi ông còn là tổng thống. Việc làm này là có thể đối với một tổng thống, nhưng vẫn cần một quy trình thủ tục dài. Đến lúc này, không có tài liệu nào xác minh cho những phát ngôn của ông Donald Trump.

FBI và Bộ Nội An cảnh báo đe dọa sau cuộc khám nhà ông Trump

Sài Gòn Nhỏ
 
Cảnh sát và Mật Vụ canh gác trước cổng dinh thự Mar-A-Lago của ông Trump tối 8 Tháng Tám 2022, trong lúc FBI thực hiện lệnh khám xét khu dinh thự. Ảnh Eva Marie Uzcategui/Getty Images.

Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Nội An (Department of Homeland Security – DHS) cảnh báo các cơ quan công lực về sự gia tăng các mối đe dọa đối với nhân viên thực thi pháp luật sau vụ khám xét dinh thự Mar-A-Lago của cựu tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần. 

Bản ghi nhớ tình báo nội bộ (bulletin) của DHS và FBI đã được gửi tới các quan chức thực thi pháp luật của tiểu bang, địa phương, bộ lạc và lãnh thổ trên toàn quốc vào đêm thứ Sáu 12 Tháng Tám. Đại diện Bộ Nội An xác nhận nội dung của bản tin nhưng từ chối chia sẻ nó với báo chí.

“FBI và DHS đã quan sát thấy một sự gia tăng các mối đe dọa đối với các cơ quan công lực liên bang, và ở mức độ ít hơn, đối với các cơ quan công lực địa phương, các quan chức chính quyền địa phương, theo sau sự việc gần đây FBI thực hiện trát khám nhà ở Palm Beach, Florida”, đài truyền hình CBS tường thuật.

Các mối đe dọa “chủ yếu diễn ra trên mạng trực tuyến”. Trong số các mối quan tâm mà bản tin của FBI trích dẫn có “mối đe dọa đặt cái gọi là ‘bom bẩn’ trước các trụ sở FBI, những lời kêu gọi ‘nội chiến” và ‘bạo lực vũ trang’,” 

Các cơ quan công lực đã xác định được “nhiều mối đe dọa rõ ràng và những lời kêu gọi giết hại có mục tiêu nhắm vào các quan chức chính phủ, quan chức tư pháp và thực thi pháp luật có liên quan tới vụ khám xét nhà [ông Trump] ở Palm Beach, Florida, kể cả thẩm phán liên bang đã phê chuẩn lệnh khám nhà”, theo tường thuật của Reuters.

***

Như tin đã đưa, hôm thứ Hai 8 Tháng Tám, 2022, FBI đã lặng lẽ thực hiện vụ khám xét dinh thự của ông Trump tại Palm Beach, Florida, thu hồi một số hiện vật và tài liệu, trong đó có 11 hồ sơ thuộc loại mật và tối mật. Các tài liệu này là tài sản của chính phủ liên bang Hoa Kỳ và bị cất giữ bất hợp pháp tại nhà riêng của một người không còn là quan chức lãnh đạo quốc gia. Hành vi thủ đắc và cất giữ tài liệu chính phủ một cách bất hợp pháp có thể dẫn tới vi phạm ba đạo luật của quốc gia, kể cả đạo luật Chống Gián Điệp.

Ngay sau vụ khám xét, ông Trump, các đồng minh của ông, một số đảng viên Cộng Hòa trong Quốc Hội và nhiều chuyên gia bảo thủ đã phản ứng mạnh mẽ; họ trút nỗi tức giận vào FBI và các quan chức liên quan đến cuộc điều tra ông Trump. Một số đồng minh của Trump đã so sánh FBI với “Gestapo” (cơ quan mật vụ của Phát-xít Đức), những người khác đang kêu gọi ngừng giải tán FBI và Bộ Tư pháp và một số người cáo buộc các cơ quan này có động cơ chính trị.

Ủng hộ viên của ông Trump tuân hanh trước dinh thự Mar-A-Lago ở Palm Beach, Florida nhân ngày lễ President Day 15 Tháng Hai 2021 biêu thị long trung thành với ông ta. Ảnh Joe Raedle/Getty Images)

Sự đe dọa đã từ lời nói biến thành hành động bạo lực. Hôm thứ Năm, một người đàn ông có vũ trang đã cố đột nhập tòa nhà FBI ở Cincinnati, Ohio. Anh ta đã bị cảnh sát bắn chết sau một cuộc rượt đuổi, một cuộc đấu súng. Nghi phạm được biết là Ricky Shiffer, Jr., mặc áo giáp và trang bị súng trường kiểu AR và súng bắn đinh, đã cố gắng đột vào Văn phòng hiện trường Cincinnati của FBI. Vài giờ trước khi hành động, Shiffer đã đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của cựu Tổng thống Donald Trump rằng anh ta muốn giết các đặc vụ liên bang. 

Hôm qua thứ Bảy 13 Tháng Tám, một nhóm ủng hộ viên của ông Trump cũng tụ tập trước văn phòng của FBI tại thành phố Phoenix, bang Arizona, giương các biểu ngữ: “Hãy từ bỏ FBI”, “Hãy tôn trọng lời thề”... Một số người trong nhóm mang theo vũ khí mạnh, theo tin từ Fox News.

***

Giám đốc điều hành của Liên đoàn Chống Phỉ Báng (ADL) Jonathan Greenblatt cho biết trên Twitter “Hãy rõ ràng: đây là kết quả trực tiếp của những lời lẽ vô trách nhiệm, những lời lẽ quá khích từ các chính trị gia và nhà bình luận cánh hữu đối với việc thực thi pháp luật.”

Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của FBI cho biết cơ quan này “luôn lo ngại về bạo lực và các mối đe dọa bạo lực đối với cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cả những người đàn ông và phụ nữ của FBI.” “FBI và DHS muốn đảm bảo rằng các nhân viên thực thi pháp luật, tòa án và chính phủ nhận thức được phạm vi của các mối đe dọa và các sự cố tội phạm và bạo lực”, bản ghi nhớ viết.

Bản tin cũng nói rằng các mối đe dọa cho thấy khả năng những kẻ cực đoan bạo lực trong nước có thể coi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 vào Tháng Mười Một là “một điểm nhấn để leo thang đe dọa chống lại các đối thủ ý thức hệ, bao gồm cả nhân viên thực thi pháp luật liên bang.

“Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác thực thi pháp luật để đánh giá và ứng phó với những mối đe dọa đáng trách và nguy hiểm như vậy. Như mọi khi, chúng tôi muốn nhắc nhở công chúng rằng nếu họ quan sát thấy bất kỳ điều gì đáng ngờ, hãy báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật ngay lập tức”, bản tin của FBI nhấn mạnh.

Võ Ngọc Ánh: Donald Trump ‘không phải là Thái thượng hoàng của nước Mỹ’

 

Võ Ngọc Ánh

“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi.

donald1

Cựu tổng thống Donald Trump

Lúc đó ông Merrick Garland, không nói rõ là có điều ra về cựu Tổng thống Donald Trump hay không. Nhưng rõ ràng câu nói trên hàm ý, dinh thự của cựu tổng thống không phải là vùng cấm với luật pháp ở Mỹ.

Cũng trong tháng Bảy, tôi đến nhà John, một người Mỹ trắng, tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington để định giá công việc sửa nhà cho ông. Câu chuyện rồi cũng đến một chút về chính trị trong chuỗi thời sự các phiên điều trần do Ủy ban ngày 6, tháng Giêng tổ chức đang diễn ra.

John nói với tôi, “Donald Trump nên vào tù”. Nguyên văn, “He should go to jail”.

Ngày cựu tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào tù đến giờ này vẫn chưa biết được, có hay không. Nhưng việc ông phải bị điều tra, xét hỏi trong tư cách một công dân là điều cần thiết phải được tiến hành trong một nhà nước pháp quyền.

Donald Trump lại ‘làm nên lịch sử’

Một việc chưa có trong tiền lệ từ thời lập quốc đến nay, vào chiều muộn ngày 8/8, Cục Điều tra Liên Bang (FBI) đã khám xét tư dinh của ông cựu Tổng thống thứ 45 của Mỹ ở Florida.

Donald Trump là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị tư pháp khám xét nhà.

Khảo sát trong người dân Mỹ về việc ông cựu tổng thống thứ 45 có nên bị điều tra, xét xử hay không, câu trả lời phụ thuộc vào thái độ ủng hộ đảng phái, trung thành với một con người cụ thể thay vì tinh thần thượng tôn luật pháp.

Có những dân biểu tiểu bang, liên bang, thống đốc, những người trong hệ thống nhà nước, vì lòng trung thành với Donald Trump đã gạt luật pháp ra một bên. Họ nói những lời để ‘mua’ phiếu cử tri, hùa theo đám đông hơn lương tri và sự thật.

Đến nay đã có hơn 700 người bị bắt, điều tra, xử tù vì tấn công vào tòa nhà Quốc hội trong ngày 6/1/2021.

Tại sao những người vì tin vào điều cáo buộc bầu cử gian lận, bị xúi giục tấn công vào cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ bị bắt, xử tù, còn người trực tiếp kích động biến cố 6/1 đến lúc này luật pháp vẫn chưa thể sờ đến ?

Một người dân Mỹ bình thường có được đặc quyền miễn nhiễm như Donald Trump cho đến lúc này không ?

Liệu luật pháp của nước Mỹ có công bằng không ? Hay luật pháp của nước Mỹ được tạo ra tinh vi để bảo vệ cho những người đã chạm vào quyền lực ở cấp cao ? Phải chăng các quốc phụ thời lập quốc đã đặt nền móng tạo ra thứ đặc quyền những người chóp bu ?

Tôi nghĩ, nếu luật pháp hoàn thiện, công bằng cho tất cả công dân thì cứ căn cứ vào tội mà xử lý, không có chuyện miễn trừ.

Giỏi tự biến mình trở thành nạn nhân

Ông cựu tổng thống thứ 45 lu loa việc FBI vào nhà ông khám xét là vụ “đột kích” – “raid”.

Donald Trump nói, việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ khám xét nhà ông không cần thiết và không phù hợp.

Đã không ít lần ông Donald Trump than, không có một tổng thống Mỹ nào bị đối xử bất công.

Sao ông ấy không tự hỏi, hơn 246 năm lập quốc, đã có một tổng thống Mỹ nào hành xử khinh thường luật pháp, vi phạm nguyên tắc dân chủ như Trump chưa ?

Donald Trump rất giỏi trong việc tự biến mình trở thành nạn nhân và xin tiền. Ngay sau sự việc khám xét nhà xảy ra, trang website vận động của ông đã không quên kêu gọi người ủng hộ ‘bắn’ thêm tiền vào tài khoản cho Trump.

Ông cựu tổng thống không quên cáo buộc, đây là “cuộc săn lùng phù thủy” của chính quyền đảng Dân Chủ do Joe Biden lãnh đạo.

Tôi thấy trong hơn một năm rưỡi qua Joe Biden đã tế nhị, giữ khoảng cách với ngành tư pháp trong các vụ việc liên quan đến người tiền nhiệm. Điều này là hoàn toàn khác với Donald Trump khi còn ngồi ghế Tổng thống.

Tôi tin, Cục Điều tra Liên Bang Mỹ và bên tòa án rất cân nhắc, làm rất cẩn thận trong việc khám xét nhà của Donald Trump. Do đó, họ đã tạo một nền tảng pháp lý vững vàng theo luật pháp Mỹ hiện hành trước khi khám nhà.

Khi có lệnh của tòa án thì bất kỳ công dân Mỹ nào cũng bị khám xét, kể cả Donald Trump.

Bởi những người chấp pháp này ý thức rất rõ sự quan tâm của công chúng, sự phẫn nộ của những người ủng hộ cho cựu tổng thống, nếu có sơ sót.

Tất cả sự việc này cho thấy, đối với Donald Trump, cá nhân ông là trước tiên và trên hết chứ không phải là nước Mỹ như khẩu hiệu rêu rao của ông.

Donald Trump hành xử như mình là một vị vua, hay ông ao ước là thứ quyền lực như của Putin ?

Buồn thay, không ít các nhân vật của đảng Cộng Hòa và rất nhiều người Mỹ không nhìn thấy điều này mà vẫn ủng hộ Donald Trump.

Phải chăng sau gần 250 năm lập quốc, lý tưởng dân chủ, pháp quyền của nước Mỹ đã bị suy thoái đang hiện diện trong những người ủng hộ Donald Trump ?

Trong suốt bốn năm ở Nhà Trắng, Donald Trump chứng tỏ, ông cần sự trung thành với cá nhân mình hơn sự ổn định của một nhà nước, chính quyền, một nền dân chủ.

Nhiều người Việt vẫn chưa ‘chia tay’ được Donald Trump

Hồi tháng giêng năm nay một người bạn thân quen từ trong nước sang đến bên này, hiện đang sống tại tiểu bang Texas nhắn tin cho tôi sau khoảng ba năm xóa kết bạn trên FaceBook. “Lâu nay vẫn khỏe luôn chứ bạn ? Tôi biết ông không ủng Trump, nhưng ông là người tốt”.

Một người bạn khác từ California ủng hộ cựu Tổng thống thứ 45 của Mỹ hồi tháng trước nói với tôi, bầu cử kết quả thắng thua đã rõ ràng. Ông Trump tiêp tục làm vậy chẳng được gì, nên dồn sức cho việc trong tương lai.

Một người bạn khác khá thân ở trong nước, từng làm cùng chỗ, cùng nhau xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, bất chấp những gì đã diễn ra, được công bố anh vẫn giữ trọn sự trung thành với Donald Trump. Vẫn gọi cựu Tổng thống thứ 45 là “anh hai của tui”.

Trên mạng xã hội Facebook từ trước bầu cử tổng thống Mỹ một năm đến nay khi tôi post những điều có liên quan đến Donald Trump, anh viết những bình luận giận dữ.

Tháng trước trong lúc nói chuyện với một người bạn khác là chủ doanh nghiệp ở Việt Nam. Anh này chất vấn tôi, vì sao lại không ủng hộ Donald Trump. “Ông làm được nhiều điều cho nước Mỹ, thế giới mà”, anh nói.

Gần cuối buổi nói chuyện anh này lại kéo anh này lại kéo thêm niềm tin tôn giáo vào để lý luận. Tôi là người Công giáo mà không ủng hộ Donald Trump là sai với đức tin. Vì cựu Tổng thống chống phá thai.

Đây cũng là thái độ tôi gặp ở nhiều người cùng đức tin chất vấn tôi.

Ô hay, tôi đi bầu tổng thống, ủng hộ một cá nhân để đảm bảo nền dân chủ, có trách nhiệm với quốc gia chứ đâu phải đi bầu lãnh đạo tôn giáo tôi tin.

Người Việt có câu ca dao, “Yêu nhau trái ấu cũng tròn”. Điều này có vẻ rất đúng với người Việt ủng hộ Trump, họ bất chấp, không thấy những điều tồi tệ, như thuốc độc với nền dân chủ đã xảy trong thời gian qua.

Donald Trump có biệt tài như một người khai đạo, giáo chủ thu hút tín đồ, ông khiến người khác nghe, tin vào những điều ông nói bất chấp sự thật.

Những lời nói, hành động của Donald Trump như có gắn “sinh tử phù”, khiến những người bị nhiễm chỉ còn biết trung thành.

Còn theo quan điểm của tôi, những việc làm của Donald Trump và người ủng hộ ông chỉ phá hủy nền dân chủ Mỹ.

Điều này, xét cho cùng có lợi cho Nga và Trung Quốc, vốn là các thể chế độc tài, có mong muốn xoay chuyển bàn cờ quốc tế để thế giới ngả về phía họ. Người Việt Nam chắc cần hiểu rõ hơn điều này thay vì tiếp tục bênh ông Trump.

Võ Ngọc Ánh

Nguồn : BBC, 12/08/2022

Tác giả hiện đang sinh sống tại Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Vũ Linh: CỘNG HÒA CHUỐI CHIÊN MỸ THEO LUẬT RỪNG?

 

13.8.2022
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều

    Tin động trời chưa từng thấy: tuần rồi, FBI đã đột kích tư dinh ông Trump tại Mar-a-Lago, tiểu bang Florida. Tuy các bản tin không ghi chi tiết, nhưng có lẽ FBI đột kích vì vụ họ đang điều tra việc ông Trump khi rời Tòa Bạch Ốc đã mang theo một số tài liệu mà bộ Tư Pháp cho là tài liệu công và bí mật thuộc sở hữu của chính phủ mà ông Trump không có quyền lấy theo.

    Trái bom chính trị nổ tung ra đã khỏa lấp mọi tin khác.

    

 

    Nhắc lại chuyện cũ.

    Vài ngày trước khi bàn giao cho tân tổng thống đắc cử Biden, TT Trump phải dọn ra khỏi Tòa Bạch Ốc để về tư dinh của ông tại Florida. Khi đó, Sở Văn Khố -National Archives- tiếp nhận một lô tài liệu từ ông Trump, nhưng họ cho rằng thiếu sót vì TT Trump cũng đã mang theo nhiều tài liệu quan trọng thuộc sở hữu quốc gia ông Trump không được mang theo. Dĩ nhiên họ khiếu nại và bộ Tư Pháp của Biden nhẩy vào cuộc. Hai bên thảo luận. Ông Trump nhận hợp tác với bộ Tư Pháp và Sở Văn Khố.

    Tháng 2/2022, một nhóm nhân viên FBI và Sở Văn Khố tới tư dinh ông Trump tại Mar-a-Lago, không cần trát tòa nào hết, khi đó có mặt ông Trump. Ông đã dắt nhân viên FBI vào một phòng kín dưới hầm cho FBI xem xét các thùng tài liệu của ông, sau đó, có tin Sở Văn Khố đã lấy đi 15 thùng, số còn lại chấp nhận để ông Trump giữ vì là tư liệu không liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng rồi theo lời yêu cầu của FBI, ông Trump đã cho đặt thêm một ổ khóa cửa phòng đó với mật mã riêng của FBI để khóa phòng. Nếu muốn coi hay lấy tiếp, FBI chỉ cần thông báo và trở lại thôi. Câu chuyện đến đó tưởng đã giàn xếp xong.

    Nhưng sau đó, bộ Tư Pháp nghĩ lại, trong số các tư liệu Trump giữ có thể còn nhiều tài liệu khác, chính thức ra trát -subpoena- đòi cả lô tài liệu đó. Ngày 3/6/2022 vừa qua, ông Trump nhận được subpoena, và ngay sau đó đã cung cấp tất cả những tài liệu bị đòi nộp. Một lần nữa, câu chuyện tưởng là xong. 

    Nhưng chưa hết chuyện. Sau đó, FBI, trực thuộc bộ Tư Pháp, cho cài một gián điệp vào Mar-a-Lago, và gián điệp này báo cáo ông Trump còn giấu nhiều tài liệu khác. Đưa đến việc FBI đột kích để tìm. Việc ông Trump mau mắn hợp tác mới cách đây hơn một tháng nêu lên câu hỏi như vậy tại sao lại phải cài gián điệp và đột kích? 

    Nhìn chung, ta thấy rõ mặc dù ông Trump hợp tác chặt chẽ, nhưng hiển nhiên bộ Tư Pháp không tin ông, ra lệnh cho FBI cài gián điệp rồi đột kích. Có thể là chuyện không tin tưởng, cũng có thể là cố tình đi tìm cho ra tội để đánh Trump như phe DC đã làm từ ngày ông Trump còn vận động tranh cử, chưa làm tổng thống. Chỉ vì như Diễn Đàn Trái Chiều này đã viết quá nhiều lần, ông Trump là một đe dọa khổng lồ không phải cho Biden, mà cho chính sự sinh tồn của đảng DC và cả ý thức hệ cấp tiến của đảng.

Tư dinh Mar-a-lago của Trump

    Tranh cãi về các tài liệu của cựu tổng thống đã có gần như với tất cả các tổng thống mãn nhiệm, không có gì mới lạ. Khi nào là tài liệu quốc gia, khi nào là cá nhân, cho đến nay đã không có phân định rõ ràng nên luôn xẩy ra xung đột. Tuy nhiên, khác biệt ý kiến luôn luôn được giải quyết qua những điều đình, thỏa thuận giữa Sở Văn Khố và cựu tổng thống. Thông thường Sở Văn Khố hay bộ Tư Pháp nể mặt, không làm khó cựu tổng thống, và các cựu tổng thống luôn hợp tác, và hai bên vui vẻ thỏa thuận. 

    Khi TT Clinton dọn ra khỏi Tòa Bạch Ốc, đã mang theo rất nhiều tài liệu, và tệ hơn nữa, mang theo cả lô đồ đạc đắt tiền cũng như nhiều tặng phẩm rất quý giá trị giá gần 200.000 đô, phần lớn do các nước khác tặng khi Clinton còn làm tổng thống. Sở Văn Khố, bộ Tư Pháp dưới thời TT Bush con điều đình và Clinton đã trả lại khá nhiều, hay bỏ tiền túi ra mua vài thứ, nhưng cũng giữ lại được ít nhiều tài liệu và tặng phẩm, đồ đạc.

   Khi TT Obama dọn ra, ông đã mang theo đâu 30 triệu trang tài liệu, chở mấy xe tải về tư dinh tại Chicago, trên nguyên tắc là ‘mượn tạm để chụp lại, cho vào máy điện toán’ làm tài liệu cho Thư Viện Obama. Cho đến nay, gần 6 năm sau, vẫn chưa có được một trang nào được chuyển vào máy điện toán, và những tài liệu trên vẫn chưa được trả lại, và quan trọng hơn nữa, Sở Văn Khố cũng như FBI, chẳng ai kiểm soát xem trong đó có những tài liệu gì, có các tin mật liên quan đến an ninh quốc gia hay không. FBI dưới thời Trump không cài gián điệp cũng chẳng đột kích để khám xét hay kiểm tra gì hết.

   Chuyện hy hữu vừa xẩy ra là bất ngờ khi ông Trump không có mặt ở nhà, FBI, có trát tòa, đã đột kích khám nhà từng ly từng tý, nguyên một ngày trời, 9 tiếng đồng hồ, thậm chí còn cho cậy tủ sắt cá nhân của ông Trump (tủ sắt trống trơn, không có gì ở trong đó), và bới lục cả tủ quần áo của bà Melania, thậm chí lục cả các túi áo, túi quần treo trong tủ. Rồi không cho người nhà và luật sư của Trump vào nhà xem họ làm gì, trong khi lại cho phép 3 luật sư của bộ trưởng Garland vào lục lạo cùng với FBI. Tại sao lại sợ, không cho luật sư của Trump đứng xem FBI làm gì? Ai biết được đám FBI này đã không nhét tài liệu phịa nào đó để vồ Trump? 

   Chưa khi nào trong lịch sử Mỹ lại có chuyện như vậy. Đột kích kiểu này là cách hành động của FBI khi rình bắt các tay tội đồ lớn như đám mafia hay các vua ma túy. Và đó chính là điểm gây chấn động lớn. Ông Trump không phải là Al Capone hay Pablo Escobar, mà là người đã nhận được phiếu của gần một nửa dân Mỹ (47%) bầu làm quốc trưởng.

   Trên nguyên tắc, ông Trump đã và đang hợp tác, FBI có thể báo trước rồi đến xét lại các thùng tài liệu như đã làm trước đây, hay khám nhà nếu cần. Việc đột kích bất thần khi ông Trump không có nhà là điều hoàn toàn không cần thiết, có điều gì ‘bí ẩn’ chưa ai rõ. Newsweek giải thích FBI muốn vào lục soát khi ông Trump không có nhà để tránh việc ông Trump sẽ gọi báo chí tới, làm ồn ào câu chuyện trong khi FBI muốn cuộc ‘hành quân’ này kín đáo hơn để tránh tai tiếng. Newsweek cho rằng đây là tính toán ngớ ngẩn nhất của FBI, hoàn toàn mù tịt về chính trị, không hiểu lén lút lục soát khi ông Trump không có nhà mới là điều gây chấn động dư luận quần chúng.

    Theo cựu giáo sư Hiến Pháp của Harvard, ông Dân Chủ Alan Dershowitz, bộ Tư Pháp đã có thể ra trát tòa gọi là ‘subpoena’ để đòi ông Trump nộp tất cả tài liệu trước, rồi nếu như ông Trump từ chối không chịu tuân hành thì mới có thể có trát lục soát gọi là ‘search warrant’. Theo ông Dershowitz, bộ Tư Pháp không dùng subpoena được vì subpoena phải ghi rõ muốn ông Trump nộp tài liệu cụ thể gì, trong khi bộ chẳng biết nên cần search warrant để có quyền đi mò tôm, mà Mỹ gọi là ‘fishing expedition’. Ông Dershowitz cho rằng đảng DC tuyệt vọng, cố tìm mọi cách để chế ra tội để cản ông Trump ra tái ứng cử. Ông Dershowitz nhắc lại câu nói nổi tiếng của Beria, trùm mật vụ của Xít-ta-lin: “Cho tôi tên một người, tôi sẽ tìm ra tội của hắn ngay”.

    Ngay cả CNN cũng đã phải nhìn nhận việc làm của bộ Tư Pháp là vô tiền khoáng hậu, nguy hiểm, không cần thiết, không chính đáng -unwarranted-, và sẽ tạo ra trận bão chính trị vĩ đại, sẽ phân hóa nước Mỹ trầm trọng hơn nữa, có thể đặt ông Trump trong thế bắt buộc phải ra tranh cử tổng thống dù không muốn. CNN cho rằng quyết định động trời này tất nhiên đã phải được lấy từ cấp cao nhất trong bộ Tư Pháp và FBI, hay ngay cả cụ lờ mờ Biden cũng có thể đã ‘bật đèn xanh’ luôn vì những hậu quả chính trị cực kỳ lớn. CNN cũng nhận định việc truy tìm vài tài liệu của Sở Văn Khố chưa đủ quan trọng để có thể biện giải được việc đột kích kinh khủng có một không hai này, nhất là khi ông Trump chưa hề bị truy tố về bất cứ tội gì.

 

 

    Đưa đến chuyện nhiều người cho rằng FBI đột kích không chỉ giới hạn trong việc tìm các tài liệu mật mà ông Trump mang theo, mà con bao gồm việc bới rác tứ tung xem ông Trump còn tội nào khác nữa có thể bị truy tố không. 

    Báo Washington Post biện bạch đột kích này không phải là quyết định chính trị vì xét nhà đã có trát tòa, tức là đã có một quan tòa chấp nhận dựa trên bằng chứng pháp lý rất thuyết phục nào đó. Trên nguyên tắc, không sai. Nhưng vấn đề là ông quan tòa ký trát trong vụ đột kích này là ông Bruce Reinhart của Palm Beach, Florida, một người đã từng công khai ủng hộ và đóng góp tiền yểm trợ cho Obama và cho Jeb Bush, là cựu thống đốc Florida đã từng là đối thủ tranh cử tổng thống chống ông Trump nhưng bị ông Trump hạ. Hiển nhiên ông Reinhart đã là người có những việc làm tích cực chống Trump. Nói trắng ra, trát tòa là bắt buộc phải có, nhưng vấn đề là phần lớn quan tòa thời buổi này lấy phán quyết theo tính phe đảng công khai. Cho dù đủ công tâm để không lấy quyết định phe phái, thì các quan tòa cũng không thể nào có phương tiện để điều tra lại xem lý do FBI đưa ra có chính đáng không, mà chỉ có thể đặt niềm tin vào FBI và bộ Tư Pháp và chấp nhận cho có lệ thôi. Nghĩa là viện dẫn trát tòa chỉ là chuyện ngụy biện vô giá trị.

    Thí dụ cụ thể và điển hình nhất ai cũng còn nhớ, là trong thời kỳ tranh cử tổng thống giữa bà Hillary và ông Trump năm 2016, FBI đã trưng ra một số tài liệu cho là bằng chứng, để ‘thuyết phục’ một quan tòa cho phép FBI đi theo dõi ban vận động tranh cử của ông Trump vì nghi ngờ có thông đồng với Nga. Để rồi bây giờ, cả nước thấy rõ, tài liệu bằng chứng đó là ngụy tạo, một vài nhân viên FBI cố tình thông đồng với phe bà Hillary để hại Trump, và quan tòa mù tịt chỉ ký giấy phép mà chẳng muốn hay có thể tìm hiểu thực hư ra sao. 

   Bộ trưởng Garland đã xác nhận chính ông đã ra lệnh cho FBI đột kích tư dinh ông Trump. Ông cũng không nói ông Trump đã phạm tội gì mà chỉ cho biết đang tìm xem ông Trump có giữ tài liệu mật nào không, nghĩa là ông đang đi mò tội thôi. Ông Garland đã và đang bị áp lực nặng của phe DC trong quốc hội và nhất là từ chính Biden để truy tố ông Trump về một tội nào đó. Mở ngoặc: ông Garland có tư thù riêng với phe CH và ông Trump: ông được TT Obama bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện là cái job mộng tưởng cả đời của tất cả các quan tòa hay luật sư, để thay thế thẩm phán Antonin Scalia bất ngờ qua đời tháng 2/2016. Phe CH khi đó nắm đa số tại thượng viện, đã không chịu phê chuẩn ông Garland, lấy cớ cận ngày bầu cử tổng thống, chờ cho tân tổng thống quyết định. Phe DC phản đối lấy lệ nhưng không quan tâm lắm vì tin chắc bà Hillary sẽ đắc cử và ông Garland sẽ được phê chuẩn. Bất ngờ, ông Trump đắc cử, gạt ông Garland qua và thay vào đó, bổ nhiệm ông Neil Gorsuch và được thượng viện do phe CH nắm đa số phê chuẩn. Cụ Biden lên nắm quyền, an ủi ông Garland, bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Tư Pháp để ông này có dịp trả thù.

   Áp lực trên ông Garland ngày càng mạnh và khẩn cấp, trước khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống, vì hai lý do: 1) nếu bị chính thức truy tố thì có thể ông Trump sẽ không được ra tranh cử lại, và 2) nếu chờ tới sau khi ông tuyên bố ra tranh cử thì bộ Tư Pháp sẽ khó truy tố hơn vì sẽ mang tiếng giúp Biden đàn áp đối thủ tranh cử. 

    Chuyện chưa rõ là nếu bị truy tố về tội nào đó thì ông Trump có còn được ra tranh cử hay không. Câu chuyện không giản dị chút nào.

    Theo luật thì bất cứ ai lấy cắp tài liệu an ninh quốc gia sẽ bị đi tù có thể lên tới 3 năm và sẽ không có quyền nhận bất cứ việc làm nào liên quan đến an ninh quốc gia. Trước đây, ta còn nhớ tướng David Petraeus, giám đốc CIA, bị bắt đã mang tài liệu an ninh quốc gia về nhà, đã phải từ chức, tuy không bị tù. Cựu phụ tá an ninh của Clinton, ông Sandy Berger cũng bị truy tố tội lén lấy cắp tài liệu an ninh quốc gia, bị phạt 50.000 đô và tù treo hai năm. Cho thấy tội lấy tài liệu mật chỉ bị phạt nhẹ, nhưng quan trọng là không được làm việc trong chính quyền nữa. Đó chính là mục đích thật sự của việc đột kích: tìm lý do để chặn, không cho Trump ra tái tranh cử. Ông Trump khó có thể bị đi tù trong khi bị phạt tiền vài chục hay vài trăm ngàn chỉ là chuyện muỗi đốt gỗ đối với ông Trump. Nghĩa là nếu ông Trump bị kết án tội này, ông sẽ không ra tranh cử được nữa. Biden sẽ ngủ ngon hơn vì theo các thăm dò hiện có, ông Trump sẽ hạ Biden dễ dàng.

    Ngoài tội trên, theo Hiến Pháp, cho dù ông Trump đang bị truy tố rồi kết án về tội nào đó, bị ngồi tù, thì ông vẫn có quyền ra tranh cử từ trong tù. Hiến Pháp chỉ quy định đúng một trường hợp duy nhất không được ra tranh cử tổng thống, đó là sau khi đã bị đàn hặc, truất phế, là chuyện phe DC đã cố hai lần, đều thất bại.

    Chẳng những vậy, cái lý do bầu cử cũng bắt phe Biden ra tay càng sớm càng tốt. Ông Trump đã khua chiêng trống đánh tiếng tuy chưa chính thức, cho cả thế giới biết ông sẽ ra tái tranh cử. Nếu muốn cản ông Trump ra tranh cử, thì bây giờ, trước khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử, chính là lúc hợp thời nhất. Cho dù không bắt tù ông Trump được thì cũng đã đạp lên uy tín của ông, chụp lên đầu ông cái mũ ‘tội phạm đang bị truy tố’ sẽ rất khó cho Trump đắc cử tổng thống. Nếu đợi sau khi ông tuyên bố ra tranh cử thì sẽ bị kẹt lớn, mang tiếng là công khai đàn áp ứng cử viên đối thủ của đương kim tổng thống.

    Một giả thuyết nữa cũng đã được nêu lên: đó là FBI đột kích vì lý do hoàn toàn khác, không phải để mò tội của ông Trump, mà là để đi lùng và tịch thu lại những tài liệu có thể có hại cho Biden, đặc biệt là các hồ sơ liên quan đến các giao dịch của cha con Biden với Trung Cộng và Ukraine mà ông Trump đã có được khi còn làm tổng thống, mà khi đó ông Trump không muốn hay không thể trưng ra trong tư cách đương kim tổng thống.

    Một lần nữa, chỉ xác nhận tư pháp dưới thời Biden đã ngày càng trở thành vũ khí chính trị phe phái, được đảng DC khai thác để đánh Trump chết bỏ, hay bảo vệ Biden tới cùng, một cách công khai, thô bạo nhất, bất chấp mọi luật lệ, theo mô thức KGB của Liên Xô trước đây. 

    Lãnh đạo khối thiểu số CH tại hạ viện, ông McCarthy đã cảnh cáo sau khi CH chiếm được đa số tại hạ viện, sẽ điều tra lại tất cả các hoạt động của bộ Tư Pháp, cả FBI và Sở Văn Khố luôn và ra luật kiểm soát họ. Ông McCarthy còn khuyến cáo ông Garland nên cất kỹ tất cả hồ sơ để ra điều trần sau này. Chưa nói tới chuyện sau này, nếu phe CH chiếm được Tòa Bạch Ốc, sẽ xử trí ra sao với Biden? Đàn hặc chăng? Hành động của bộ Tư Pháp Biden đã gây ra một tiền lệ chưa từng thấy trong cái thành đồng của pháp trị này, và tiền lệ đó có thể sẽ như cái boomerang của Úc, sẽ quật ngược lại chính họ sau khi họ mất quyền. Thế mới nói chính trị gia không bao giờ nhìn xa hơn được đầu mũi của họ. Nước Mỹ vẫn còn là có pháp trị đấy, nhưng là pháp trị một chiều, khi luật lệ và công quyền được dùng làm vũ khí chính trị của một đảng thôi.

    Phản ứng của chính giới Mỹ đã khá gay gắt, đặc biệt là từ phiá CH.

    Thượng nghị sĩ Florida, Marco Rubio công kích đây là loại hành động đàn áp đối lập chính trị chỉ thấy trong mấy xứ độc tài mác-xít hạng bét thôi, không thể chấp nhận được ở Mỹ. Thống đốc Florida, DeSantis, là người được coi như có thể là đối thủ tranh cử của ông Trump trong đảng CH, đã mạnh mẽ lên án và bênh vực TT Trump. TNS Rand Paul đòi điều tra bộ Tư Pháp và nếu cần, đàn hặc bộ trưởng Garland về tội lạm quyền. Ngay cả những ông CH không mấy thiện cảm với Trump đã mạnh mẽ lên án, trong đó có TNS McConnell và cựu PTT Pence.

    Về phiá DC, Marc Elias, cựu luật sư riêng của TT Clinton cho rằng đây là cách hữu hiệu nhất để phe DC tìm lý cớ chặn không cho ông Trump ra tái tranh cử. Cựu ứng cử viên tổng thống của đảng DC, Andrew Yang tuyên bố việc đột kích này củng cố những tố cáo của TT Trump về một nước Mỹ với một chính quyền thối nát -corrupt government establishment- đàn áp đối lập một cách không chính đáng -unjust persecution. TNS Schumer, lãnh đạo khối đa số DC trong thượng viện bối rối từ chối bình luận. Các cựu TT Carter, Clinton, Bush con, và Obama đều ngậm tăm.

    Tòa Bạch Ốc cho biết Biden không hay biết gì về chuyện này. Các chuyên gia không tin một chuyện tầy trời như vậy mà tổng thống lại không hay biết gì. Dĩ nhiên là bộ trưởng Tư Pháp có đủ quyền lấy quyết định, nhưng trong vấn đề trọng đại quá lớn, với hậu quả chính trị khủng khiếp này, cụ Biden phải là người ‘bật đèn xanh’. Không ký tên nhưng phải gật đầu. Ngoại trừ trường hợp cụ Biden chỉ là bù nhìn tàng hình, không ai coi ra gì.

    Bộ trưởng Garland cho biết sẽ công bố trát tòa cũng như sẽ cho biết những tài liệu nào đã lấy được từ nhà ông Trump. Cả hai chuyện đều là … bá láp.

    Trên căn bản, trát tòa có hai phần: một phần là giấy phép ngắn gọn có chữ ký của quan tòa cho phép lục soát, có một bản phải đưa cho nạn nhân là ông Trump khi tới tư dinh của ông để được mở cửa cho vào, do đó có thể công khai hóa dễ dàng. Ngoài ra, còn phần phụ đính là nguyên hồ sơ có thể có mấy chục hay mấy trăm trang giải thích nhu cầu lục soát để thuyết phục quan tòa, hồ sơ này dĩ nhiên tối mật, không cho Trump biết và không công bố được. Cái trát vừa được công khai hóa chỉ tóm gọn FBI được lục soát chỗ nào thôi, tuyệt đối chẳng đưa ra lý do và yếu tố cụ thể nào biện giải cho đột kích. Một tờ giấy hoàn toàn vô nghĩa, chẳng chứng minh được bất cứ gì.

    Về các tài liệu tịch thu được từ nhà ông Trump thì tất cả đều là tài liệu tối mật, chứ nếu không thì ông Trump đâu có bị rắc rối, mà nếu tối mật thì tất nhiên sẽ không thể công bố được. Bộ Tư Pháp đã cho biết tịch thu được một số tài liệu mật, nhưng dĩ nhiên không cho biết gì hơn, mà cũng chẳng ai kiểm soát được gì. Cũng như không. 

    Ở đây cũng phải nói thêm cho rõ: theo luật, tổng thống là người duy nhất có toàn quyền giải mật -declassify- bất cứ tài liệu mật nào. Theo một luật sư của Trump, tất cả các tài liệu ông Trump mang theo đều đã được ông giải mật khi ông còn ngồi trong Tòa Bạch Ốc, với đầy đủ quyền hành của một tổng thống. Những hồ sơ mật có thể đã được ông Trump giải mật nhưng trên hồ sơ vẫn còn con dấu ‘TOP SECRET’ hay ‘CLASSIFIED’. Chính ông Trump đã xác nhận tất cả tài liệu ông mang theo đều đã được giải mật, và bộ Tư Pháp chỉ cần hỏi là ông sẽ nộp ngay, chẳng cần phải đột kích gì. Ông Trump cũng chỉ cần đưa ra sắc lệnh giải mật là hết tội. Tuy nhiên vấn đề là người nắm giữ các sắc lệnh đó hiện nay là ông chủ Tòa Bạch Ốc, cụ Biden. Không biết ông Trump có quyền đòi công khai hóa những sắc lệnh đó hay không, và nếu quyền này trong tay cụ Biden và nếu cụ không chịu đưa những sắc lệnh này ra thì ông Trump sẽ nguy to. Có nhiều triển vọng cụ Biden sẽ dùng đòn này loại Trump không cho ra tranh cử chống ông nữa. Quá tiện!

    Bà chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi, được hỏi về chuyện này đã ẫm ờ trả lời “không có ai đứng trên pháp luật hết”. Không sai, hoàn toàn đồng ý với bà. Nếu ông Trump phạm tội, bất kể là trong tư cách cựu tổng thống hay đương kim tổng thống, đều phải theo luật pháp trả lời trước dân chúng, nhà có thể bị khám xét, ông có thể bị ra tòa, thậm chí có thể đi tù, không ai phản đối chuyện này và cũng chẳng ai nghĩ ông Trump ngồi trên luật pháp. Vấn đề là cách hành xử thô bạo của bộ Tư Pháp của Biden.

   Nhắc lại, thời Obama, bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder từ chối không ra điều trần viện lý do ‘đặc quyền hành pháp’, hạ viện biểu quyết truy tố ông về tội khinh thường quốc hội, chuyển hồ sơ qua thứ trưởng Tư Pháp, ông này từ chối truy tố và ông Holder chẳng bị gì hết. Bây giờ, một số quan chức của Trump cũng rơi vào trường hợp tương tự, không ra điều trần, bị hạ viện tố khinh thường quốc hội, nhưng sau đó, bị bộ Tư Pháp ra lệnh cho FBI bắt và truy tố ra tòa, như các ông Bannon, Meadows, Navarro. Có mấy loại tư pháp ở Mỹ?

    Ông Trump đã có thỏa thuận hợp tác, FBI có thể đến nhà ông khám xét lại, chỉ cần thông báo cho ông Trump biết mà không cần bất thần đột kích gì hết, như hai lần trước thôi. Nhưng FBI đã không làm vậy, mà lại chờ khi ông rời khỏi nhà, bất thình lình cho hơn 30 nhân viên đột kích vào nhà với trát tòa, dưới sự bảo vệ của Sở Mật Vụ -Secret Service- võ trang như ra chiến trường Afghanistan, canh gác trước và trong nhà, không cho người nhà và luật sư của ông Trump theo vào xem họ làm gì.

 Secret Service vào tư dinh Trump

 

    Cho dù người của Biden thù ghét cá nhân ông Trump tới mức nào đi nữa, thì cũng vẫn phải tôn trọng một cựu tổng thống, hay tối thiểu cũng phải tôn trọng cái chức vị tổng thống, không thể nào lấy bất cứ lý do gì để hành xử như đi khám nhà Pablo Escobar. Đúng như CNN nhận định, cái tội lấy tài liệu quốc gia mang về nhà -cho dù là có phạm tội đó đi nữa- không biện giải được phương thức thô bạo FBI đã dùng.

    Ở đây, xin nhắc lại chuyện bà Hillary. Năm 2016 khi có cuộc vận động tranh cử tổng thống, tin lộ ra là bà Hillary trong suốt thời gian làm ngoại trưởng đã bất chấp hoàn toàn thủ tục an ninh của bộ Ngoại Giao, cho thiết lập một hệ thống máy điện tử email riêng ngay trong phòng ngủ của bà để bà sử dụng, trong đó có tất cả emails tối mật liên quan đến an ninh quốc gia, đến ngoại giao Mỹ, liên lạc với các đại sứ Mỹ và các quốc gia khác, cũng như liên lạc với TT Obama và cả các bộ khác. Sau đó bà Hillary thông báo công khai là bà đã tự ý xóa hơn 30.000 emails mà bà gọi là ‘bàn về những chuyện riêng tư’. Nghĩa là bà Hillary nhận, gửi, lưu trữ trong nhà và xóa không biết bao nhiêu tài liệu, thông tin bí mật liên quan đến an ninh quốc gia. FBI điều tra và xác nhận bà vi phạm luật nhưng bộ Tư Pháp dưới quyền bộ trưởng Eric Holder của Obama không truy tố gì hết. Khi đó, FBI điều tra nhưng không hề có trát tòa đột kích vào nhà bà Hillary để tịch thu máy móc hay tài liệu gì, cho dù bà Hillary mới chỉ là ngại trưởng, không phải cựu tổng thống.

   So với việc FBI đang làm với ông Trump thì sao? Phe ta khẳng định không có ai có quyền đứng trên luật pháp, thế thì bà Hillary chắc không đứng trên luật pháp, chỉ là ngồi xổm trên đầu luật pháp thôi. Các con vẹt tị nạn nào giỏi thì bào chữa cho bà Hillary đi.


    Cuộc chiến của phe tả chống Trump càng ngày càng đi vào chỗ phi lý, thậm chí bẩn thỉu vô độ.

 

    Tuần qua, CNN viết bản tin tố cáo Trump đã tìm cách giấu/hủy một tài liệu viết tay của ông ta bằng cách xé rồi bỏ vào bồn cầu để giựt nước cho trôi đi. CNN còn hăng say đến độ đăng hình bồn cầu với một mảnh giấy chưa trôi.

 

    Chẳng ai hiểu làm sao CNN hay ai đó, có được bức hình đó. Tay gián điệp nào nằm vùng trong cầu tiêu Tòa Bạch Ốc để đi rình chụp hình bồn cầu của Trump cho CNN? Mà vào chụp hình bồn cầu mấy lần một ngày? Hay sau mỗi lần ông Trump đi cầu là mau mắn chạy vào chụp hình? Mà cũng chẳng ai biết đó có thật là bồn cầu của Trump hay không nữa. Mà ông Trump có viết gì, có thể là bản thảo diễn văn nào đó, rồi đổi ý, xé vứt đi thì có tội gì?

    Chính trị Mỹ nói chung và truyền thông cấp tiến ngày một bẩn thỉu, hạ cấp và phi lý, đúng là hết thuốc chữa. 

    Hậu quả của cơn bão chính trị này sẽ ra sao? Chẳng ai có câu trả lời rõ ràng vì còn quá sớm, chỉ biết hậu quả sẽ đi xa, rất xa hơn tất cả mọi diễn biến thời sự khác. Đây có vẻ như lá bài ‘nhất chín nhì bù’ của Biden. Một là đột kích này sẽ là viên đạn ân huệ kết liễu cuộc đời chính trị của ông Trump nếu thành công tìm ra được -hay nặn ra được- bằng chứng đại tội khủng khiếp nào của ông Trump, hai là đột kích sẽ là món quà lớn nhất mà Biden có thể thân tặng cho Trump. Cho đến nay, hầu như tất cả các chính khách và cử tri CH đều đã nhất tề ủng hộ Trump. Phải nói chưa khi nào Trump lại có được sự hậu thuẫn mạnh và nhất trí như vậy trong đảng CH. Đảng DC đã đại thành công đoàn kết toàn đảng CH sau lưng Trump! Hành động thô bạo này của FBI, bộ Tư Pháp và chính quyền Biden đã kích động phe CH và khối cử tri ủng hộ Trump hơn bất cứ chuyện gì khác, nếu không muốn nói sẽ khiến họ nổi điên ào ạt xuống đường. Ông Trump tất nhiên sẽ khai thác và có thể ra tranh cử trong tư thế ‘nạn nhân’, hay ‘thánh tử đạo’, và đảng DC sẽ hối hận không kịp vì việc làm thô bạo và ngu xuẩn của mình.

   Nhiều chuyên gia cũng đang nghiên cứu hậu quả trên cuộc bầu quốc hội cuối năm nay, nhưng còn quá sớm, chưa ai dám tiên đoán gì hết.

   Riêng kẻ này nghĩ đảng DC đang khiếp sợ ông thần Trump hơn bao giờ hết cho dù ông này đã không còn làm tổng thống từ hơn một năm rưỡi nay rồi, và đã đi đến mức tuyệt vọng, phải làm bất cứ chuyện gì bất kể quá đáng tới đâu, kể cả rủi ro nội chiến, để tiêu diệt ông Trump và cứu cụ Biden và đảng DC.

   Không cần biết trong những ngày tới, chuyện gì sẽ xẩy ra, chỉ biết hành động của FBI nói riêng và chính quyền Biden nói chung, đã mở ra một tiền lệ khổng lồ mà không ai biết được hậu quả về lâu về dài sẽ như thế nào trên thể chế dân chủ của Mỹ. Cái ly đã bị đập bể, không cách nào dán lại như cũ được nữa.

    Câu nhận định giá trị nhất trong câu chuyện này là của tổng thống El Salvador, một xứ thường bị khinh khi, coi như chậm tiến, cộng hòa chuối chiên -Banana Republic. Ông này tuyên bố “Thử tưởng tượng bộ Tư Pháp của tôi đối xử với phe đối lập chinh trị của tôi như vậy xem nước Mỹ [chính quyền và báo chí] sẽ sỉ vả tôi như thế nào”.

    Cuộc nội chiến DC chống Trump bước vào giai đoạn quyết liệt sống còn. Bước kế tiếp: đảng DC sẽ tìm ra cách truy tố ông Trump về một tội nào đó. Có thua keo này thì ta bày keo khác, đảng DC sẽ không bao giờ ngừng cho tới khi đạt được mục tiêu, chặn không cho ông Trump chiếm lại cái ghế của cụ Biden đang ngồi.

———-

 

 

VẸT CUỒNG CHỐNG TRUMP PHẢN ỨNG

 

    Việc FBI đột kích tư dinh ông Trump đã có phản ứng mạnh trên khắp thế giới, kể cả cộng đồng Việt tị nạn trên thế giới. Một số vẹt cuồng chống Trump cũng bị kích động và nhẩy nhổm lên sỉ vả Trump. Dưới đây là một vài phản ứng và lời bàn của VL.

    – Chuyện chui vào bồn cầu nhà Trump bẩn thỉu chưa từng thấy trong chính trị Mỹ hay chính trị thế giới, nhưng vẫn được một cụ vẹt già bên Đức hý hửng mang ra bàn thảo, tuy cụ cũng hiểu là chuyện bẩn không nên trực tiếp bàn, đã ‘khôn khéo’ bán cái, núp sau cái bình phong, giải thích đó là tin của báo chí Đức đấy. Một là cụ hiên ngang nhận trách nhiệm là mình mê thích loại tin bẩn này nên vui quá, không nhịn được, muốn chia sẻ cùng thiên hạ, hai là cụ hiểu đó là chuyện bẩn vô độ thì không nên phổ biến lại, chứ phổ biến rồi núp sau lưng báo Đức, chỉ nhận mình là vẹt đang nhai lại báo Đức thôi thì đó hiển nhiên là hành động chẳng những thiếu tư cách, mà cũng không mấy can đảm, dám làm dám chịu.

    – Cũng cái cụ vẹt bên Đức này đã bàn thêm cho rằng so sánh việc FBI đột kích nhà Trump với việc không truy tố bà Hillary cũng chẳng khác gì khiếu nại chuyện cụ vượt đèn đỏ bị phạt trong khi ông bạn của cụ đậu xe quá giờ mà không bị cảnh sát phạt. Xin lỗi cụ, thứ nhất chuyện phạm luật lưu thông vớ vẩn này so với các việc của Trump và Hillary liên quan đến an ninh cả nước hay cả thế giới, nghe nó … lẩm cẩm đến tiếu lâm luôn, miễn bàn thêm. Thứ nhì, bà Hillary lập nguyên giàn hệ thống email trong nhà trong khi chính tay bà ký lệnh bắt tất cả nhân viên bộ Ngoại Giao phải xử dụng hệ thống emails chính thức của bộ để bảo đảm bí mật an ninh quốc gia, rồi tự ý xóa hơn 30.000 emails, bị chính FBI của Obama xác nhận đã phạm tội nhưng FBI không đột kích để khám xét và bộ Tư Pháp của Obama xù không truy tố; trong khi ông Trump chưa hề bị truy tố bất cứ chuyện gì mà FBI đã đột kích đi mò tội, vậy mà cụ không thấy cách đối xử phe đảng thì chính cụ quả đã là người quá mù quáng vì phe đảng. Hay là ý cụ muốn nói mỗi trường hợp mỗi khác, với hơn ba trăm triệu dân Mỹ, cần có hơn ba trăm triệu bộ luật thích hợp với mỗi người? Hay là theo cụ, nước Mỹ ít nhất cũng cần hai bộ luật, một áp dụng cho đảng DC, một cho đảng CH?

    – Một con vẹt chuyên viết phóng sự du lịch nhẩy qua bàn chuyện chính trị: “FBI phải đột nhập nhà Trump: Trump lấy tài liệu của quốc gia, hơn một năm rưỡi không trả, trắng trợn vi phạm đạo luật Presidential Records Act. Khi Bộ Tư Pháp yêu cầu trả lại trong im lặng kín đáo thì Trump phẳng lờ không trả lời. Nếu Trump đã trả lời, đã cho phép FBI đến nhà tìm tài liệu thì Bộ Tư Pháp làm gì phải xin trát tòa đột nhập để chuyện nổ bùng lên?” Nói láo 100%. Đọc lại phần đầu của bài bình luận này để hiểu rõ câu chuyện. Trump đã hợp tác, cho FBI đến nhà khám một lần, sau đó tuân lệnh subpoena, giao nạp các tài liệu bị đòi nộp, sao FBI lại cần cài gián điệp rồi đột nhập lén? Chính CNN -không phải Fox đâu đấy- cũng nhận định đột kích không chính đáng và không cần thiết.

    – Có vài con vẹt cuồng chống Trump nhìn nhận đây là chuyện vô tiền khoáng hậu, nhưng biện giải ông Trump là tổng thống vô đạo, phạm cả triệu tội, vô tiền khoáng hậu, nên FBI có quyền hành động vô tiền khoáng hậu.  Câu hỏi là Trump đã phạm tội gì? 

         o Thông đồng với Nga? Công tố Mueller bỏ hai năm ra điều tra để rồi kết luận không có thông đồng gì hết. Công tố Durham tố cáo việc thông đồng với Nga hoàn toàn do ban vận động của bà Hillary dàn dựng chế ra.

      o Đổi chác với Ukraine? Chẳng có một bằng chứng cụ thể nào. Trong khi chính cụ Biden đấm ngực khoe đã dùng một tỷ đô tiền viện trợ để ép Ukraine phải cách chức công tố đang điều tra công ty Burisma của quý tử Hunter.

      o Tội gì nữa? Trump trốn thuế? Trump khuyến cáo uống thuốc rửa cầu tiêu để trị COVID? Trump ăn bánh trả tiền? Trump nói láo ba vạn lần? Xin lỗi, cần sáng tạo hơn nhiều mới có thể chống Trump hữu hiệu hơn.

    – Một con vẹt khác bào chữa đại khái “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Nghĩa là đối thủ chơi kiểu nào, ta chơi kiểu ấy. Đối thủ bá đạo phạm pháp, ta phải phạm pháp bá đạo mạnh hơn. Đó là luận cứ của đám cuồng chống Trump đấy. Mỹ không còn là xứ pháp trị nữa mà đã thành xứ của … phạm pháp thô bạo hơn làm vua.

    – Một con vẹt tị nạn viết láo là ông tòa ký trát cho đột kích là ông tòa do chính Trump bổ nhiệm. Bá láp, đây là quan tòa địa phương, tổng thống Mỹ chỉ bổ nhiệm quan tòa liên bang thôi. Lại một con vẹt khác nhắc lại giám đốc FBI do Trump bổ nhiệm. Không sai, nhưng chỉ quên mất ông Wray vẫn phải nghe lệnh của xếp là bộ trưởng Tư Pháp Garland do Biden bổ nhiệm.

    – Một con vẹt khác phán “Trump không phải Thánh Thượng Hoàng có quyền ngồi trên luật pháp”. Vâng, Trump không là Thánh Thượng Hoàng, chỉ có Hillary và cha con Joe và Hunter Biden là Thánh Thượng Hoàng được quyền ngồi xổm trên đầu luật pháp thôi, Trump không được chiếm cái chỗ này.

ĐỌC THÊM:

Một hành động tuyệt vọng của một chính quyền thối nát – Newsweek:

https://www.newsweek.com/mar-lago-raid-desperate-act-corrupt-establishment-opinion-1732352

Quyết định nguy hiểm của FBI – Wall Street Journal:

https://www.wsj.com/articles/the-fbis-dangerous-donald-trump-search-mar-a-lago-merrick-garland-justice-department-11660074118?st=t3fjw73hp1rc3vh&reflink=desktopwebshare_permalink

Luật pháp trở thành trò cười – The Federalist:

https://thefederalist.com/2022/08/10/under-bidens-doj-the-rule-of-law-in-america-has-become-a-farce/

CNN: đột kích nguy hiểm và không chính đáng – Fox News:

https://www.foxnews.com/media/cnn-analyst-fbi-mar-a-lago-raid-dangerous-not-warranted-about-presidential-records-act

Song Chi: Có lẽ đã đến lúc Trump phải trả giá

 

Song Chi

15-8-2022

Đối với những người bênh vực, ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến mức mù quáng mà chúng ta thường vẫn gọi là “cuồng” Trump, thì việc Trump làm ăn gian dối, lừa đảo, trốn thuế, vay nợ nước ngoài, nói láo hàng chục ngàn lần hay bị kiện tụng vì tội quấy rối tình dục, chơi gái rồi dùng tiền để bịt miệng v.v… họ vẫn cho là chuyện nhỏ.

Ngay cả chuyện Trump liên tục tung tin giả rằng cuộc bầu cử 2020 là gian lận, không chịu chuyển giao quyền lực một cách đàng hoàng, kích động để gây ra vụ bạo loạn ngày 6.1.2021, mà thật ra sau này cuộc điều tra của Quốc hội đã cho thấy đó là một âm mưu đảo chính bất thành chứ không phải một cuộc bạo loạn ngẫu nhiên… thì họ vẫn cứ bênh, vẫn cứ nói theo ngôn ngữ của Trump rằng tất cả chỉ là một cuộc “săn phù thủy”, là trò chính trị để hại Trump…

Nhưng tôi tin rằng nếu cuộc điều tra của FBI chứng minh rằng Trump đã phạm tội lưu trữ tài liệu mật, tối mật của chính phủ một cách sai trái, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của nước Mỹ, hay tệ hơn, lưu trữ tài liệu với mục đích thủ lợi từ đó, như bán cho một quốc gia khác, tức là phạm tội bội phản, làm gián điệp cho nước ngoài… thì không ai còn có lý do gì để mà tiếp tục bênh vực, ngưỡng mộ Trump nữa.

Dù sao, Trump cũng đã đạt được rất nhiều “thành tích”: là Tổng Thống Mỹ bị dính tới pháp luật nhiều nhất trong suốt cả cuộc đời, từ làm ăn kinh doanh cho tới chính trị, là Tổng thống Mỹ hai lần bị luận tội trong một nhiệm kỳ, là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị FBI lục soát nhà riêng, là Tổng thống và cựu TT Mỹ “được” báo chí, dư luận của nước Mỹ và thế giới nhắc tới nhiều nhất. Hồi còn làm TT thì không có ngày nào mà không có chuyện, không còn làm TT nữa vẫn cứ lên trang nhất báo chí đều đều. Và cuối cùng là Tổng thống Mỹ có số lượng fan cuồng và anti-fan nhiều nhất!

Trong tất cả các cường quốc dân chủ, chỉ có nước Mỹ mới có một Tổng thống như Trump, hay nói cách khác, mới có chuyện một người như Trump lại trở thành Tổng thống!

Nhìn lại cuộc bầu cử 2016, có nhiều lý do khác nhau để người Mỹ bầu cho Trump, một trong những lý do đó là họ chán ngán những chính trị gia chuyên nghiệp, ở trong hệ thống, kiểu như bà Hillary Clinton, họ muốn thay đổi, chọn một người ở bên ngoài và Trump là một “món lạ miệng”. Nhưng sau 4 năm tanh bành của Trump, thì rõ ràng tại sao phải chọn một chính trị gia chuyên nghiệp:

1. Ngay cả làm bồi bàn cũng cần phải có kinh nghiệm, làm thế nào Tổng thống của một cường quốc hàng đầu thế giới lại có thể chọn một người hoàn toàn không có hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị, đối nội đối ngoại để rồi biến 4 năm ở Nhà Trắng thành 4 năm thực tập làm Tổng thống?

2. Khi đã là một chính trị gia từ lâu, người ta phải biết giữ mình không bị scandal, không bị vi phạm pháp luật, chứ không phải chọn một tay kinh doanh lừa đảo rồi sau đó cứ mỗi ngày lại khui ra một vụ vi phạm mới.

Đó là chưa kể một người cả đời kinh doanh thì đụng đâu cũng chỉ nghĩ tới tiền, nghĩ tới cách làm tiền, như Trump, từ tranh cử, thua cử, đi kiện, vợ mất, bị FBI xét nhà… cái gì cũng kêu gọi mọi người đóng góp, mọi mối quan hệ đồng minh hay với mọi tổ chức, định chế quốc tế đều chỉ được xét trên lợi hại về tiền bạc mà không hề nghĩ đến những cái lợi, cái hại vô hình lớn hơn rất nhiều, thậm chí quan hệ với kẻ thù như Nga, Trung Cộng, Iran… mà nếu dàn xếp, thương lượng được bằng tiền thì Trump cũng gật ngay thôi.

Có lẽ đã đến lúc Trump phải trả giá, ít nhất là một lần trong đời, cho những hành vi liên tục chà đạp lên luật pháp, Hiến pháp của mình, để các ông nghị bà nghị đảng Cộng hòa và những người ủng hộ Trump mới có thể rứt ra khỏi cái bóng ma ám của Trump mà hướng về phía trước, và nước Mỹ may ra mới bớt chia rẽ.

RFI: Tư pháp Mỹ không công bố tài liệu giải thích lý do FBI khám soát tư dinh của Trump

 

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland phát biểu tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/08/2022.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland phát biểu tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/08/2022. REUTERS – LEAH MILLIS

Bộ Tư Pháp Mỹ ngày 15/08/2022 không chấp nhận công bố một tài liệu tư pháp giải thích lý do Cục điều tra liên bang FBI khám soát dinh thự Mar-a-lago của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida. Vụ khám soát chưa từng có nhắm vào một cựu tổng thống Mỹ đã gây ra một cơn bão chính trị trong những ngày qua.

QUẢNG CÁO

Nhiều tổ chức, trong đó có các cơ quan truyền thông, đã yêu cầu một thẩm phán cho công bố một tài liệu tư pháp trong đó, theo thông lệ, các nhà điều tra của FBI phải giải thích tại sao việc khám soát là cần thiết. Nhưng theo AFP, bộ Tư Pháp Mỹ hôm qua khẳng định việc công bố tài liệu đó sẽ « gây tác hại không thể khắc phục nổi cho vụ điều tra hình sự đang được tiến hành », do tài liệu này « chứa nhiều thông tin rất nhạy cảm về các nhân chứng » và bởi vì rất có thể việc công bố tài liệu « sẽ làm lộ chiến thuật của các nhà điều tra », những chiến thuật được hứa hẹn sẽ mang lại thành công cho những chặng điều tra sắp tới.      

Trong khi đó, ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa của ông Trump có một số bất đồng về cách phản ứng của các đảng viên đối với bộ Tư Pháp và FBI về vụ khám soát và hậu quả của các phản ứng đó đối với nền dân chủ Mỹ. Chẳng hạn thống đốc bang Maryland, Larry Hogan không thể hiểu nổi tại sao một số người lại có thể ví Cục điều tra liên bang  FBI với mật vụ phát xít Đức Gestapo. Trả lời kênh ABC News, ông Larry Hogan chỉ trích những cáo buộc kiểu này là phi lý, nguy hiểm, gây chấn động và có thể gây ra những hệ quả khủng khiếp ngay tại nền dân chủ lâu đời nhất thế giới. 

Đối với thống đốc bang Maryland, chính những phát biểu kiểu như vậy của một số đảng viên Cộng Hòa đã kích động những người ủng hộ ông Trump có những lời đe dọa nhắm vào các lực lượng an ninh. Thế nhưng, cũng như dân biểu Brian Fitzpatrick và nhiều nghị sĩ khác của phe Cộng Hòa, Larry Hogan đề nghị chính phủ Mỹ minh bạch trong vụ việc này để làm dịu tình hình. 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo cuộc khám soát tư dinh Mar-a-lago của ông là vụ « săn bắt phù thủy » và cho rằng việc hộ chiếu của ông bị thu giữ trong vụ khám soát dinh thự Mar-a-lago cho thấy ông là nạn nhân của « một vụ tấn công nhắm vào một nhà đối lập chính trị », điều « chưa từng xảy ra tại đất nước chúng ta ».

Đỗ Dzũng: Ai đâm sau lưng Trump, ‘chỉ điểm’ FBI khám nhà lấy hồ sơ mật bị cựu tổng thống ăn cắp?

15.8.2022

Người Việt
 
Trong lúc phải đối đầu với vụ bị FBI khám nhà và có thể phải đối diện với điều tra hình sự, cựu Tổng Thống Donald Trump thắc mắc ai là người “chỉ điểm” cho FBI đến nhà ông tịch thu các thùng hồ sơ mật ông ăn cắp sau khi rời Tòa Bạch Ốc.

 

Reuters: Khu resort Mar-a-Lago của Trump đề ra nguy cơ an ninh hiếm có, các chuyên gia nói

 

17.8.2022

Người Việt

Sau khi được FBI thông báo trả ba passport bị tịch thu trong lúc khám Mar-a-Lago hồi đầu tuần trước, cựu Tổng Thống Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social của ông là ông bị cơ quan này “ăn cắp” và nói chuyện này chỉ có thể xảy ra ở quốc gia thế giới thứ ba.

Đỗ Dzũng thảo luận với nhà báo Nguyễn Văn Khanh 15.8.2022

https://cdn.jwplayer.com/previews/WVwGmCnF

 

Nghe xúi giục, Trump bị lúng túng pháp lý vì ‘thủ’ vụ hồ sơ mật

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

WASHINGTON, DC (NV) – Đạo Luật President Records Act (Lưu Trữ Hồ Sơ Tổng Thống) ban hành năm 1978 quy định hồ sơ tổng thống là tài sản của chính phủ Mỹ phải được lưu trữ và bảo quản chứ không phải là tài sản riêng của tổng thống.

Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Brandon Bell/Getty Images)

Các hồ sơ phải được lưu giữ bao gồm các tài liệu liên quan đến các hoạt động chính trị nhất định và thông tin liên quan đến các nhiệm vụ hiến định, công tác, hoạt động chính thức cùng nghi lễ khác của tổng thống. Những hồ sơ phải được lưu giữ cũng bao gồm email, tin nhắn, và thời khóa biểu gọi điện thoại, theo CBS News.

Vụ hồ sơ này bùng nổ kể từ khi Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia (NARA) thu hồi 15 thùng hồ sơ ở Mar-a-Lago, nhà riêng của cựu Tổng Thống Donald Trump, cho thấy ông không tuân thủ đạo luật này.

Mặt ngoài tỏ ra hợp tác, nhưng tiết lộ mới đây của CNN cho thấy ông Trump ngấm ngầm phản kháng lệnh thu hồi các tài liệu mà ông đem đi trái phép vì tin theo lời của ông Tom Fitton, người đứng đầu nhóm bảo thủ Judicial Watch.

Vụ ông Tom Fitton kiện NARA hồi năm 2012

Không lâu sau khi NARA hồi Tháng Hai xác nhận hồi Tháng Giêng có thu hồi 15 thùng hồ sơ từ Mar-a-Lago, cựu Tổng Thống Donald Trump liên tục nhận các cú điện thoại từ ông Tom Fitton.

Ông Fitton cho rằng cựu tổng thống đã sai lầm khi giao nộp hồ sơ cho NARA và nhóm pháp lý của ông Trump đáng lẽ ra không nên để cơ quan này thu hồi 15 thùng hồ sơ đó, theo ba nguồn tin trong cuộc tiết lộ cho CNN.

Ông Fitton lập luận rằng những hồ sơ đó thuộc về cựu tổng thống, viện dẫn phán quyết trong một vụ kiện năm 2012 liên quan đến tổ chức của ông rằng một cựu tổng thống có quyền quyết định đối với các hồ sơ trong nhiệm kỳ của mình.

Năm 2012, tổ chức Judicial Watch kiện đòi NAFA chỉ định các bản thu âm mà cựu Tổng Thống Bill Clinton khi đó thực hiện với một nhà sử học tên là Taylor Branch. 

Nếu thắng kiện, NARA phải cung cấp các đoạn ghi âm phỏng vấn trên cho Judicial Watch theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act Request).

Nhưng vụ kiện cuối cùng bị một chánh án bác bỏ khi phán quyết NARA “không có thẩm quyền chỉ định tài liệu nào là ‘hồ sơ tổng thống’” và cơ quan này cũng “không có quyền, nghĩa vụ hoặc phương tiện nào để nắm quyền kiểm soát những tài liệu này.”

Điều khác nhau giữa vụ kiện nêu trên và vụ tịch thu hồ sơ ở Mar-a-Lago hiện nay mà ông Fitton không nói ra là các đoạn thu âm phỏng vấn của sử gia Branch với cựu Tổng Thống Clinton không phải là hồ sơ mật, đồng thời, bản chất vụ kiện của Judicial Watch là đòi NARA quy cuộc phỏng vấn của ông Clinton với sử gia là tài liệu tổng thống mà cơ quan này lại hoàn toàn không có thẩm quyền.

Còn vụ hồ sơ Mar-a-Lago là ông Trump lấy đi trái phép là tài liệu từ Tòa Bạch Ốc và đặc biệt trong đó có hơn 700 trang tài liệu được đánh giá từ mật đến tuyệt mật nguy hại đến an ninh quốc gia.

Chiếu theo Đạo Luật “President Records Act” tất cả hồ sơ từ Tòa Bạch Ốc, nếu không phải mang tính riêng tư cá nhân tổng thống, và đương nhiên các hồ sơ mật, phải giao nộp cho NARA.

Tuy nhiên, ông Fitton cố lập luận rằng phán quyết của tòa nêu trên là minh chứng cho thấy ông Trump có quyền giữ hồ sơ của mình.

Theo những nguồn tin, ông Fitton “xúi” ông Trump đừng tiếp tục trao trả thêm bất kỳ tài liệu nào khác cho NARA.

Tuy tổng thống thứ 45 công khai tỏ vẻ tiếp tục hợp tác với NARA, các nguồn tin thân cận cho biết ông Trump bắt đầu tin vào những lập luận của ông Fitton và phàn nàn với các phụ tá về 15 thùng hồ sơ đã giao nộp. 

Ông Trump ngày càng cảm thấy rằng mình có toàn quyền kiểm soát các hồ sơ lấy từ Tòa Bạch Ốc về để ở Mar-a-Lago, thậm chí yêu cầu ông Fitton trình bày các lập luận cho các cố vấn pháp lý của mình, theo một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

“Tình hình đã tồi tệ hơn kể từ khi Tom gọi điện cho ông Trump,” một thân cận với ông Trump kể cho CNN trong tình trạng ẩn danh.

Ông Tom Fitton, chủ tịch tổ chức Judicial Watch, tại đại hội khối bảo thủ CPAC ở Orlando, Florida, hồi Tháng Hai, 2021. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Fitton bị “hớ,” không ngờ Trump “thủ” tài liệu mật quốc gia?

Trong khi bí mật liên lạc với ông Fitton, trước công luận, ông Trump tiếp tục tuyên bố hợp tác với giới chức chính phủ.

Ông Trump không hoàn toàn chống đối chính phủ như lời khuyên từ ông Fitton, khi chuyển giao thêm một số tài liệu nữa vào Tháng Sáu sau cuộc họp giữa nhóm luật sư của ông với các nhà điều tra liên bang tại Mar-a-Lago. 

Nhưng sau khi một luật sư của ông Trump tuyên bố tất cả các tài liệu tuyệt mật đã được trao trả, các nhà điều tra tìm ra chứng cớ, chứng minh điều ngược lại, dẫn đến vụ FBI xin trát tòa ngày 5 Tháng Tám và khám xét tư gia ông Trump ba ngày sau.

Những sự kiện trên cho thấy ông Trump biết rằng mình phải giao nộp lại các hồ sơ, nhưng vì một lý do nào đó, chưa biết được trong lúc này, ông đã “thủ” các hồ sơ, từ mật đến tuyệt mật, không giao nộp cho NARA, và chính phủ Mỹ chỉ thu hồi lại được qua vụ khám Mar-a-Lago ngày 8 Tháng Tám.

Chính những hồ sơ mật này là mối ám ảnh vi phạm pháp luật của cựu tổng thống và phe nhóm ông.

Lúng túng biện bạch

Để bào chữa cho việc “ăn cắp” hồ sơ mật, ông John Solomon, một tay viết bảo thủ, được cựu tổng thống giao trách nhiệm liên lạc với NARA, đưa ra một tuyên bố “không bằng chứng” của các luật sư đại diện ông Trump rằng cựu tổng thống đã ra một “lệnh thường trực” giải mật các hồ sơ mà ông đem ra khỏi Tòa Bạch Ốc. 

Mười tám cựu viên chức của chính cựu Tổng Thống Trump xác nhận với CNN rằng tuyên bố trên là không đúng sự thật.

Sự việc càng rối rắm hơn cho cựu tổng thống khi chính ông Solomon hôm Thứ Hai, 22 Tháng Tám, lại công bố lá thư mà ông gửi cho NARA hôm 10 Tháng Năm xác nhận là phía ông Trump đã giao nộp hơn 700 trang tài liệu mật, trong đó có loại tuyệt mật.

Việc này lại đưa ra bằng chứng rõ ràng chính ông Trump biết mình giữ tài liệu mật và tuyên bố đã giao nộp hết, những vẫn tiếp tục giấu các tài liệu mật khác để rồi đổ bể vì vụ khám xét của FBI vào ngày 8 Tháng Tám.

“Điều này cho thấy ông Donald Trump và nhóm của ông biết mình đang sở hữu một lượng lớn thông tin tuyệt mật,” bà Elie Honig, cựu phụ tá Biện Lý Cuộc Địa Hạt Nam New York và là nhà phân tích pháp lý cho CNN, cho biết. “Bức thư này cho thấy nhóm của ông Trump đang cố gắng trì hoãn.”

Trump lúng túng về mặt pháp lý muốn tạo dư luận chính trị để gây quỹ?

Trước công chúng, ông Trump và các đồng minh rêu rao cựu tổng thống là nạn nhân của “lạm dụng quyền lực” nhưng phía sau hậu trường, ông và các đồng minh của ông ngày càng tỏ ra lo lắng. 

Một nguồn tin thân cận cho biết ông Trump còn lo sợ các đồng minh thân cận cũng bị truy tố. Một cố vấn khác thừa nhận rằng mặc dù ông Trump từng vướng vào các vụ kiện trước đây, kể cả khi ông còn là tổng thống, ông vẫn thoát. Tuy nhiên, lần này có thể sẽ khác và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi ông không còn là tổng thống, không còn đặc quyền bảo vệ hành pháp.

Cần lưu ý rằng phải mất hai tuần trước khi các luật sư của ông Trump chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý đối với lệnh khám xét nhà khi họ đâm đơn kiện vào Thứ Hai, 22 Tháng Tám.

Đơn kiện này có nhiều sai sót về thủ tục pháp lý sơ đẳng và hứng chịu chỉ trích từ các chuyên gia pháp lý ở cả hai đảng. 

Ông Trump và nhóm pháp lý của ông cho rằng bản khai hữu thệ (affidavit) xin trát tòa khám nhà ông nên được công bố.

Điều quan trọng ít người để ý rằng, dù ông Trump tuyên bố ồn ào về việc đòi phải công bố bản khai hữu thệ của FBI để xin lệnh xét nhà, nhưng các luật sư của cựu tổng thống hoàn toàn không đưa ra hành động pháp lý nào để đòi việc này.

Các cố vấn của Trump khẳng định rõ rằng họ muốn cuộc chiến này là một cuộc chiến chính trị thay vì cuộc chiến pháp lý.

Và điều này có lợi cho ông Trump vào thời điểm này bởi vì vào những ngày sau cuộc khám xét của FBI, cựu tổng thống huy động được hàng triệu đô la và nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ, bao gồm của chính các đối thủ ông trong đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

“Các cử tri đảng Cộng Hòa đang nhìn nhận vấn đề này và nghĩ rằng nếu họ có thể ủng hộ ông Trump,” một nguồn tin thân cận với ông Trump nói với CNN. “Và đó chính là điều chúng tôi muốn.” [đ.d.]

Báo New York Times kêu gọi truy tố Trump nếu ‘có đủ chứng cớ’

NEW YORK, New York (NV) – Hội đồng chủ biên nhật báo The New York Times mới đây kêu gọi Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland truy tố cựu Tổng Thống Donald Trump nếu “có đủ chứng cớ” rằng ông Trump có hành vi “phạm pháp trầm trọng.”

Trong bài xã luận đăng tải hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Tám, tờ báo nói rằng “Cuộc tấn công chưa từng thấy của ông Trump nhắm vào sự chính trực của nền dân chủ Mỹ đòi hỏi phải có cuộc điều tra hình sự” tiếp theo các buổi điều trần của Ủy Ban 6 Tháng Giêng và các tin tức về cuộc lục soát tìm tài liệu mật tại nhà ông Trump ở Mar-a-Lago của cơ quan FBI.

Trụ sở The New York Times ở New York. (Hình minh họa: Johannes Eisele/AFP via Getty Images)

Hội đồng chủ biên New York Times viết rằng họ cũng biết khi quyết định phải có hành động gì để trừng phạt ông Trump theo luật pháp, giới chức trách nhiệm không chỉ xem xét là việc truy tố có hợp lý “mà còn là có sáng suốt hay không.”

Tờ báo đề cập tới việc cựu Tổng Thống Ford ân xá cho cựu Tổng Thống Nixon về bất cứ hành vi phạm pháp nào mà ông này đã làm trong thời gian có vụ tai tiếng Watergate. Khi đó ông Ford giải thích mình làm như vậy để tránh “khơi dậy phẫn nộ cuồng loạn” cùng là sự chia rẽ trầm trọng trong nước.

Hội đồng chủ biên New York Times cũng nói rằng việc truy tố ông Trump có thể khiến sự ủng hộ dành cho ông mạnh mẽ hơn, góp phần xác nhận các thuyết âm mưu mà chính cá nhân ông Trump đang tìm cách phổ biến.

Theo họ, việc truy tố cũng có thể khiến các tổng thống tương lai lạm dụng tiền lệ để tìm cách tiêu diệt các đối thủ chính trị của mình.

Tuy nhiên, tờ báo cảnh báo rằng nếu không làm gì cả thì sẽ tạo ra một rủi ro lớn hơn và nếu không buộc ông Trump phải có trách nhiệm về những hành động liên quan đến cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc Hội thì đây là sẽ là một tiền lệ để khiến các tổng thống tương lai dễ dàng vượt qua lằn ranh giới hạn hơn.

Tờ báo giải thích rằng nếu không truy tố thì sẽ khiến các tổng thống này tự hỏi: “Tại sao không tìm cách ở lại chức vụ bằng mọi giá hay dùng văn phòng tổng thống để làm giàu cho chính mình, hay trừng phạt các kẻ thù của mình, vì biết rằng luật pháp không áp dụng cho tổng thống, dù là đương nhiệm hay đã mãn nhiệm?” (V.Giang) [kn]

7 Maxims về Donald Trump

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Sài Gòn Nhỏ 
Điều khác biệt căn bản của quốc gia dân chủ so với quốc gia độc tài là không ai được đứng trên pháp luật và cựu tổng thống vẫn có thể bị truy tố và nhốt tù (như trường hợp Nam Hàn) – ảnh: Liu Jie/Xinhua via Getty Images)

Trong lúc truyền thông báo chí đua nhau đăng tin vụ FBI lùng sục tư dinh cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago, và tờ chứng thư [affidavit] vừa được quan toà buộc FBI phải công bố, thì Seth Abramson, một luật gia và giáo sư đại học chuyên nghiên cứu và viết sách về Donald Trump, nói rằng nếu muốn hiểu rõ sự việc ta cần phải nhìn nó qua lăng kính của bảy cái Maxims về con người ông Trump.

Maxim nghĩa là gì? Giở tự điển Webster ra thì thấy cắt nghĩa là: “An expression of general truth or principle, especially an aphoristic or sententious one.”

Đọc xong càng thắc mắc, bèn phải tra tự điển tiếp:

Aphorism: a terse saying embodying a general truth, or astute observation.

Sententious: abounding in pithy aphorisms and or maxims.

Pithy: brief, forceful and meaningful in expression.

Hoá ra định nghĩa của tự điển cũng lòng vòng ghê gớm. Nhưng sau khi xem xét đầu đuôi, tôi mạn phép dịch Maxim như vầy:

Câu nói phản ảnh một sự thật ai cũng đồng ý [general truth], đặc biệt là nó thường ngắn gọn [terse, pithy] nhưng hàm chứa nhiều điều ta có thể quan sát được [aphoristic] hoặc phải công nhận là chuyện hiển nhiên [sententious].

Trong toán học thì maxim tương đương với chữ axiom mà ta hay gọi là mệnh đề. Nhưng trong ngữ cảnh này thì có lẽ từ đó không chính xác lắm. Có người gọi là tiên đề, người thì cho là luận đề. Ai có cao kiến gì xin góp ý. Nhưng trở lại với tiền đề của bài viết, bảy cái “sự thật hiển nhiên” mà Seth Abramson đưa ra về Donald Trump là những gì?

Maxim I: “You must always keep your eyes on Trump.” Vì Trump hay giở chiêu tung hoả mù, Abramson khuyên ta chớ nên phí quá nhiều thì giờ vào những gì đang được đăng rầm rộ bởi truyền thông báo chí mà quên mất Trump đang thực sự làm gì. Ta có thể mượn một maxim khác, của Tổng thống Thiệu, để diễn tả khái niệm này — “Đừng nghe những gì Donald nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Donald làm!”

Maxim II: “Trump’s conduct will turn out to have been much worse than was initially reported.” Ta sẽ phát hiện ra rằng những gì Trump làm thật ra không ổn hơn những gì được báo cáo lúc ban đầu rất nhiều. Chẳng hạn mới đầu ta nghe Nha Văn Khố (NARA) bảo rằng ngài cựu tổng đã mang 15 thùng tài liệu về Mar-a-Lago, nhưng bây giờ con số đó là khoảng 50 đến 62 thùng. Hoặc khởi thuỷ số tài liệu mật [classified] chỉ chừng 100 tập, nhưng giờ đã lên đến cả 1,000. Mới đầu họ nói Trump chỉ mang một số giấy tờ riêng tư về để sau này lập thư viện tổng thống, nhưng giờ ta biết còn có những tài liệu tuyệt mật thuộc dạng “Special Access Programs”. Thế nên thiên hạ đã bắt đầu gọi xì-căng-đan lớn nhất lịch sử Bạch Cung này bằng một từ mới — NARA-Lago!

Maxim III: “Every statement made by Donald Trump should, at first hearing, be presumed to be a lie.” Mọi tuyên bố của Donald Trump, khi mới nghe lần đầu, ta nên coi nó như lời nói láo. Maxim này còn được diễn tả một cách khác: “Every accusation is a confession” – mỗi câu Trump buộc tội người khác là một câu ông ta nhận tội. Trump rất giỏi trong việc đổ tội cho người khác. Và khi ông ta mở miệng buộc tội ai là báo chí lại đổ xô vào mổ xẻ, phân tách những cáo buộc ấy để ông ta có thì giờ đi làm chuyện (“không ổn”) khác. Nhưng ngược lại, những lời tố cáo thiên hạ của Trump là con dao hai lưỡi – qua chúng ta có thể đoán được bản thân Trump đã hoặc đang làm gì.

Những trang hồ sơ mật của Quốc Gia được FBI tịch thu tại tư dinh cựu Tổng thống Donald Trump (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Maxim IV: “Trump’s two chief sins are pride and greed.” Trong bảy tội lỗi chết người [the Seven Deadly Sins] thì hai tội nặng nhất của Trump là lòng kiêu ngạo  lòng tham. Và trong bảy cái maxim này thì đây có lẽ là maxim mọi người dễ thấy nhất nơi con người Trump. Có thể nói Trump không phải là người có tham vọng quyền lực (như Putin chẳng hạn). Suốt cuộc đời Trump, ông ta thích được làm nhân vật quan trọng và trên hết là làm tiền – bất kể bằng cách nào. Hồ sơ cực mật của quốc gia mà Trump dám mang về nhà mình một cách phi pháp thì đủ biết.

Maxim V: “Trump will always commit acts of Obstruction in attempting to hide his conduct.” Trump luôn tìm cách che giấu việc xấu của mình bằng những hành động mang tính Cản Trở. Từ khi còn trẻ, đối với Trump thì việc làm ra thật nhiều tiền là trên hết, do đó ông ta luôn tìm mọi cách né tránh sự can thiệp của pháp luật. Và thường là ông ta thành công. Thành thử riết rồi Trump tin là không ai có thể truy tố mình, rằng ông ta có thể đứng bên ngoài (hoặc bên trên) pháp luật. Nhưng có lẽ lần này vỏ quýt dày Donald Trump đã gặp móng tay nhọn Merrick Garland.

Maxim VI: “Trump uses his lawyers to commit crimes.” Trump mượn tay luật sư của mình để làm chuyện phi pháp. Seth Abramson giải thích, trong đầu mình Trump luôn tin rằng một nửa số luật sư là những kẻ phạm pháp. Sư phụ của Trump, cố luật sư Roy Cohn, là ví dụ điển hình. Gần đây hơn thì có Rudy Giuliani, Sidney Powell v.v. Thành thử nếu ta muốn biết Trump đang âm mưu chuyện chi, cách dễ nhất là theo dõi xem mấy tay luật sư của ông ta đang giở trò gì vì Donald luôn đứng sau lưng để giựt dây.

Maxim VII: With Trump, there is literally no bottom.” Trump không có đáy – ông ta sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì miễn đạt được mục đích. Là người chuyên viết sách về Trump, Abramson khuyên ta phải cảnh giác cao độ trong những ngày sắp tới. Nếu Trump cảm thấy ông ta có thể bị bắt hoặc bị truy tố, ông ta sẽ tìm cách tẩu thoát khỏi nước Mỹ. Nhưng nếu Trump nhận thấy Tư Pháp khó bề kết án mình, ông ta sẽ ra tranh cử vào năm 2024 và dùng việc mình bị truy tố như cái cớ để xách động những người ủng hộ mình, thậm chí kêu gọi họ nổi loạn một lần nữa và dẫn đến một cuộc nội chiến thật sự. Bởi vì, đối với Trump thì “There is no bottom!

Trên đây là vài nhận xét của một chuyên gia về Trump; đúng sai thời gian sẽ trả lời. Là công dân một xứ tự do dân chủ, như Nhật Bản, như Úc, như Đức, Nam Hàn (nơi tổng thống bị đưa vào nhà đá)…, ai cũng có quyền chỉ trích lãnh đạo chính quyền khi thấy họ làm điều quấy, với điều kiện ta phải chịu khó đi bầu và dùng lá phiếu của mình để chọn người đại diện. Tiếng Anh có câu: If you don’t vote, don’t complain!”

Tài liệu mật của Mỹ: Sự coi thường quy tắc chưa từng thấy của Trump

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump không phải là người đầu tiên gặp chỉ trích vì coi thường các quy tắc trong việc bảo vệ tài liệu mật của chính phủ, tuy nhiên những tiết lộ gần đây từ các chuyên gia an ninh quốc gia cho thấy sự coi thường ở mức độ lớn lao chưa từng thấy của ông Trump với những quy định này, theo AP hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Chín.

Những vụ lùm xùm về tài liệu chính phủ luôn thỉnh thoảng lại thấy qua các thời tổng thống.

Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Chẳng hạn cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng Thống Lyndon B. Johnson nắm giữ nhiều hồ sơ mật trong nhiều năm trước khi chuyển chúng đến thư viện Tổng Thống Johnson. Đây là những hồ sơ về việc vị tổng thống kế nhiệm, tức cựu Tổng Thống Richard Nixon, bí mật liên lạc trong những ngày cuối năm 1968 với chính phủ miền Nam Việt Nam để trì hoãn cuộc hòa đàm tại Paris nhằm chấm dứt Chiến Tranh Việt Nam.

Hoặc bà Fawn Hall, thư ký của cựu Tổng Thống Ronald Reagan, khai rằng mình từng thay đổi và tiêu hủy các tài liệu liên quan đến sự việc Iran-Contra nhằm bảo vệ ông Oliver North, sếp của bà tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc.

Ông David Petraeus, giám đốc CIA của cựu Tổng Thống Barack Obama, bị buộc phải từ chức và nhận tội nhẹ liên bang vì chia sẻ tài liệu mật với một người viết tiểu sử mà ông có quen biết. Hoặc bà Hillary Clinton, khi còn là ngoại trưởng dưới thời ông Obama, từng bị FBI điều tra trong thời gian có chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, với đối thủ lúc đó là ông Trump, vì bà gửi và nhận tài liệu có tính bảo mật cao bằng tài khoản thư điện tử cá nhân.

Trong cuộc lục soát của FBI tại nhà riêng của ông Trump, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, hôm 8 Tháng Tám, Bộ Tư Pháp cho thấy ông Trump xem nhẹ các quy tắc về hồ sơ chính phủ ở mức độ rộng lớn chưa từng thấy kể từ khi Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống được ra đời năm 1978.

Ông Richard Immerman, người từng là phó giám đốc cơ quan tình báo quốc gia từ năm 2007 đến năm 2009, nói rằng trước đó chưa từng có tổng thống hoặc viên chức cấp cao nào cố ý lấy đi một lượng lớn tài liệu như vậy.

Cụ thể, các nhân viên FBI tìm thấy hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 được đánh dấu bí mật và 31 được đánh dấu cần giữ bí mật. FBI cũng xác định được 184 tài liệu được đánh dấu phân loại trong 15 hộp được Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia thu hồi vào Tháng Giêng. Họ cũng nhận được những tài liệu được phân loại khác trong suốt Tháng Sáu. Ngoài ra 10,000 hồ sơ chính phủ khác không được phân loại cũng được tìm thấy.

Hành động này của ông Trump vi phạm Đạo Luật Tổng Thống, trong đó quy định rằng những hồ sơ, tài liệu như vậy là thuộc về chính phủ. Sau khi tổng thống rời nhiệm sở, Cơ Quan Quản Trị Lưu Trữ Và Hồ Sơ Quốc Gia sẽ quản trị hồ sơ của chính quyền sắp mãn nhiệm và làm việc với các nhân viên Tòa Bạch Ốc sắp đến để quản trị tài liệu hợp lý.

Đạo luật được ban hành sau khi ông Nixon từ chức giữa vụ bê bối Watergate và tìm cách phá hủy những đoạn ghi âm có thời lượng đến hàng trăm tiếng đồng hồ tại Tòa Bạch Ốc. Đạo luật có hiệu lực từ thời cựu Tổng Thống Ronald Reagan.

Một số tài liệu mật được tìm thấy ở nhà cựu Tổng Thống Donald Trump tại Mar-a-Lago. (Hình: Bộ Tư Pháp Mỹ)

Theo Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia, các hồ sơ không có “giá trị hành chánh, lịch sử, thông tin hoặc bằng chứng” có thể được bỏ đi trước khi có sự cho phép bằng văn bản của người có trách nhiệm lưu trữ.

Nhân viên FBI tìm thấy tài liệu từ phòng ngủ, tủ quần áo, phòng tắm và khu vực nhà kho của ông Trump. Trước đó hồi Tháng Sáu, khi viên chức Bộ Tư Pháp gặp luật sư của ông Trump để lấy hồ sơ theo trát tòa, thì luật sư này rất cẩn thận đưa cho họ tài liệu trong một phong bì được quấn hai lớp băng keo.

Ông Trump tuyên bố rằng ông giải mật tất cả tài liệu mà mình sở hữu và đang làm việc nghiêm túc với Bộ Tư Pháp để trả lại các tài liệu khi xảy ra vụ lục soát Mar-a-Lago.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump khẳng định rằng việc bà Clinton dùng tài khoản thư điện tử cá nhân cho những tài liệu nhạy cảm của Bộ Ngoại Giao khiến bà không đủ tư cách ứng cử. Những lời hô hào “giam bà ta lại” từ những người ủng hộ ông Trump trở thành một trong những điểm chính trong những cuộc mít tinh của ông.

Ông James Trusty, luật sư của ông Trump về vấn đề tài liệu này, nói rằng việc ông Trump giữ những tài liệu nhạy cảm của chính phủ tương đương với việc giữ quá hạn một cuốn sách của thư viện. Tuy nhiên ông Bill Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp dưới thời ông Trump, nói không thể chấp nhận tuyên bố “giải mật” tài liệu của ông Trump.

Với nhiều người từng làm việc với ông Trump, thái độ này của ông đối với hồ sơ Tòa Bạch Ốc không có gì là đáng ngạc nhiên.

Ông John Bolton, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết ông Trump thường giữ lâu những tài liệu nhạy cảm, vậy nên họ từng thực hiện những biện pháp đề phòng tài liệu không bị thất lạc.

Hành động của ông Trump không phù hợp với cách làm của những tổng thống hiện nay.

Khi rời nhiệm sở, ông Obama giao lại những hồ sơ mà ông từng được Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia gửi đến để nghiên cứu. Những hồ sơ này được hoàn trả với hình thức giống như khi chúng được gửi đi.

Hoặc cựu Tổng Thống Dwight Eisenhower, người từng rời nhiệm sở nhiều năm trước khi Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống thông qua, lưu giữ hồ sơ an toàn tại Fort Ritchie, Maryland, mặc dù không hề có luật nào yêu cầu ông làm vậy.

Ông Larry Pfeiffer, cựu nhân viên CIA và từng là giới chức cao cấp tại Tòa Bạch Ốc, nói rằng tổng thống có thể tiếp cận tài liệu tình báo mà không cần giấy tờ chứng nhận an ninh. Họ cũng không được hướng dẫn chính thức về trách nhiệm bảo vệ bí mật sau khi rời nhiệm sở.

Tuy nhiên bản hướng dẫn từ Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia yêu cầu tất cả “thông tin nhạy cảm” đều chỉ được xem trong một phòng bảo mật gọi là “SCIF.”

Ông Bill Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp thời Trump, cho rằng việc cựu Tổng Thống Donald Trump nói tự giải mật các hồ sơ đem về nhà là điều không thể chấp nhận. (Hình minh họa: Michael Reynolds-Pool/Getty Images)

Trong hồ sơ gửi tòa án hồi tuần trước, FBI có đính kèm một số hình ảnh tài liệu mà họ tìm thấy ở nhà riêng ông Trump. Hình ảnh cho thấy bìa ngoài của ít nhất năm tập tài liệu được đánh dấu là “TOP SECRET/SCI,” cũng như một bìa được đánh dấu “SECRET/SCI.” Họ cũng tìm thấy hàng chục tệp tài liệu rỗng, ngoài bìa được đánh dấu phân loại nhưng bên trong không có gì.

Một tổng thống có thể giữ các tài liệu để xem xét sau. Và các tổng thống, hoặc ứng cử viên tổng thống trong năm bầu cử, không phải lúc nào cũng bắt buộc đọc tài liệu trong SCIF, bởi vì còn phụ thuộc vào lịch trình và địa điểm của họ.

Ông Pfeiffer cho biết những người xung quanh tổng thống được phép tiếp cận tài liệu tình báo sẽ được đào tạo và buộc tuân thủ các quy tắc liên quan. Nhưng việc đặc vụ tình báo áp đặt hạn chế với tổng thống là điều khó khăn, bởi vì tổng thống là người điều hành cơ quan hành pháp và đặt ra các quy tắc liên quan đến bí mật và phân loại hồ sơ.

Trong những cuộc trò chuyện gần đây với phóng viên, Tổng Thống Joe Biden nói rằng mình thường đọc các thông tin tuyệt mật ở nhà riêng tại Delaware, nhưng sẽ đọc trong một không gian kín đáo, an toàn. Sau khi đọc, ông sẽ khóa lại và gửi cho quân đội. (V.Giang) [qd]

Tòa có cứu được Trump?

 

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc điều tra hành vi cất giữ tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ tại khu dinh thự kiêm câu lạc bộ Mar-a-Lago của cựu Tổng Thống Donald Trump lại vướng vào một cuộc tranh tụng mới giữa Bộ Tư Pháp và bà Aileen Cannon, chánh án tòa liên bang khu vực Nam Florida.

Khi khám xét nhà cựu Tổng Thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, FBI đã thu giữ hơn 11,000 trang tài liệu, trong đó có hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 tài liệu mật; 31 bí mật và 11,179 tài liệu, hình ảnh không có dấu phân loại. Trong hình, cựu Tổng Thống Donald Trump tại Wilkes-Barre, Pennsylvania, hôm 3 Tháng Chín. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

 

Diễn biến mới nhất là hôm Thứ Năm, 8 Tháng Chín, Bộ Tư Pháp đã yêu cầu bà thẩm phán tạm ngừng một phần phán quyết mà bà đưa ra hôm 5 Tháng Chín theo đề nghị của phía ông Trump. Bà Cannon quyết định Bộ Tư Pháp tạm thời không được sử dụng các tài liệu thu được ở nhà ông Trump trong cuộc điều tra của họ.

Quyết định ấy có có cứu được ông Trump khỏi cuộc điều tra hình sự của chính phủ hay không?

Từ xung đột Trump – Bộ Tư Pháp…

Như truyền thông đã loan tin rầm rộ hơn một tháng qua, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) đã khám xét dinh thự riêng của ông Trump sau khi được một thẩm phán liên bang ở Florida cho phép. Tại cuộc khám xét, FBI đã thu giữ hơn 11,000 trang tài liệu, trong đó có hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 tài liệu mật; 31 bí mật và 11,179 tài liệu, hình ảnh không có dấu phân loại.

Bộ Tư Pháp cho rằng các tài liệu mật này là tài sản của chính phủ Hoa Kỳ, ông Trump lấy và đưa chúng về nhà riêng là vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật an ninh quốc gia. Một cuộc điều tra hình sự đang được thực hiện để tìm bằng chứng chứng minh hành vi đó vi phạm các đạo luật quan trọng như luật chống gián điệp, luật về hồ sơ của tổng thống và cản trở cơ quan thực thi pháp luật.

Cựu Tổng Thống Trump tất nhiên phản đối rất gay gắt. Ông Trump và đội ngũ pháp lý của ông đã đưa ra nhiều lý do thất thiệt để phản đối vụ khám xét, chẳng hạn như ông nói ông đã giải mật toàn bộ các hồ sơ đó, việc các tài liệu có ở nhà ông là do nhân viên lưu trữ bị nhầm lẫn khi đóng gói đồ đạc; thậm chí ông tố cáo FBI “cấy bằng chứng giả” tại nhà ông… Khi những lời biện hộ này được chứng minh sai sự thật, ông lên mạng xã hội Truth Social lên án vụ khám xét là trò lừa đảo của FBI và của Biden, tố cáo FBI là “con quái vật” hãm hại ông. Ông cũng đã phát đơn kiện ngược lại Bộ Tư Pháp về vụ khám xét.

…đến bất đồng quan điểm giữa tư pháp và hành pháp

Nhưng tuần này, nhóm ông Trump giành được một thắng lợi pháp lý quan trọng khi Chánh Án Aileen Cannon quyết định sẽ bổ nhiệm một giám sát viên độc lập xem xét các hồ sơ tài liệu mà FBI đã thu giữ, và Bộ Tư Pháp không được sử dụng các hồ sơ đó cho đến khi trọng tài viên độc lập hoàn thành công việc.

Theo phán quyết, giám sát viên độc lập sẽ được cấp quyền xem xét, xác định và tách ra những tài liệu mà ông Trump có quyền sở hữu do “đặc quyền hành pháp” hoặc do đặc quyền luật sư-thân chủ hoặc chỉ thuần túy là tài liệu cá nhân.

Quyết định của bà Cannon dựa trên quan điểm rằng cựu Tổng Thống Trump có “đặc quyền hành pháp” đối với một số hồ sơ của chính phủ, và các hồ sơ đó phải được trả lại cho ông Trump.

Quan điểm gây tranh cãi của bà Cannon bị giới luật gia cho là đối xử ưu ái với ông Trump và làm gián đoạn một cuộc điều tra hình sự trước khi có bản án buộc tội. Quan điểm đó cũng trái với cách nhìn nhận của Bộ Tư Pháp rằng “đặc quyền hành pháp” chỉ dành cho người đang tại vị ở Tòa Bạch Ốc, và đã mất hiệu lực khi ông Trump rời nhiệm sở.

Trên đài Fox News hôm Thứ Ba, ông William Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp trong chính phủ Trump và từng là người thân cận của ông Trump, nói rằng phán quyết của bà Cannon là “có khiếm khuyết trầm trọng” và ông thúc giục Bộ Tư Pháp kháng cáo. “Tôi nghĩ, quan điểm [của chánh án] là sai và tôi nghĩ chính phủ nên kháng cáo. Nó có khiếm khuyết nghiêm trọng về nhiều mặt,” ông Barr nói.

Quyết định của Chánh Án Cannon đã đẩy Bộ Tư Pháp vào thế khó xử: Nếu chấp hành quyết định của tòa thì cuộc điều tra hình sự có thể bị gián đoạn và có nguy cơ bị đóng băng; còn nếu kháng cáo thì tiến trình phân định đúng sai sẽ kéo dài nhiều tháng vào lúc Bộ Tư Pháp đang tìm cách cân bằng giữa việc đẩy nhanh cuộc điều tra và hạn chế sự lạm quyền của ngành hành pháp như ông Trump cáo buộc.

Tòa không cứu được Trump

Trên mạng Truth Social, ông Trump ca ngợi bà Cannon, 41 tuổi – một thẩm phán do ông bổ nhiệm trong những ngày cuối của nhiệm kỳ khi ông đã bị thua phiếu ông Joe Biden – là “một thẩm phán sáng chói và dũng cảm mà phán quyết của bà vang dội khắp cả nước.”

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, bà Cannon chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể chuyển hướng cuộc điều tra ông Trump. Khả năng tòa án “cứu” được ông Trump trong vụ tài liệu mật là rất khó, nếu không nói là không thể, cho dù trước khi rời nhiệm sở, ông Trump đã bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán tòa liên bang và đề cử ba thẩm phán Tối Cao Pháp Viện để tạo thuận lợi cho những cuộc tranh tụng của ông sau này.

Tại sao như vậy? Trước hết, phán quyết của bà Cannon chỉ tác động tới các hồ sơ được FBI thu giữ trong vụ khám xét ngày 8 Tháng Tám mà không liên can tới các hồ sơ mà ông Trump và nhóm pháp lý của ông đã tự nguyện trả lại trước đó. FBI cho biết đã xác định được 184 tài liệu có dấu phân loại mật trong 15 hộp tài liệu được Văn Khố Quốc Gia thu hồi vào Tháng Giêng và trong một phong bì mà nhóm ông Trump nộp trong chuyến thăm của FBI tới Mar-a-Lago hồi Tháng Sáu.

Phán quyết cũng không liên can tới cuộc điều tra hành vi cản trở công lý của Trump khi ông ta năm lần bảy lượt từ chối trả lại hồ sơ cho chính phủ dù đã có trát đòi của đại bồi thẩm đoàn. Việc thu giữ hơn 100 tài liệu đã phân loại mật trong vụ khám xét chứng minh những lời ông Trump nói về “hoàn toàn hợp tác” với chính quyền trong vụ này là dối trá.

Hơn thế nữa, ba đạo luật được Bộ Tư Pháp viện dẫn làm căn cứ pháp lý cho cuộc điều tra của họ quy định việc mang về nhà riêng các hồ sơ về an ninh quốc gia của chính phủ là bất hợp pháp, cho dù các hồ sơ đó có thuộc loại mật hay không. Trong số hồ sơ thu được ở nhà ông Trump, FBI còn tìm thấy một tài liệu về năng lực quốc phòng của một nước ngoại quốc, gồm cả võ khí nguyên tử của quốc gia này, theo một số nguồn tin thông thạo của tờ Washington Post.

Cuối cùng, trong những hồ sơ mật thu được có những tài liệu “nhạy cảm” đến mức nhiều giới chức an ninh cao cấp quốc gia cũng không được xem, nếu không có sự cho phép từ giới chức cao cấp nhất, gồm tổng thống, bộ trưởng. Một trọng tài viên độc lập do tòa bổ nhiệm sẽ không được phép xem các tài liệu đó nếu không được cấp quy chế an ninh tối đa.

Chính vì vậy, trong đề nghị gửi tới Chánh Án Cannon hôm 8 Tháng Chín, các luật sư của Bộ Tư Pháp yêu cầu chánh án cho phép các điều tra viên tiếp tục sử dụng “các hồ sơ mật – một bộ hơn 100 tài liệu riêng rẽ” mà không giao chúng cho trọng tài viên độc lập xem xét nhằm bảo đảm cuộc điều tra không bị gián đoạn. Chính phủ và công chúng “sẽ bị tổn hại không đền bù được nếu cuộc điều tra hình sự những hành vi gây rủi ro cho an ninh quốc gia” bị đóng băng hoặc bị đình hoãn, đơn kháng cáo của Bộ Tư Pháp viết.

Bà Cannon lệnh cho nhóm pháp lý của ông Trump phải trả lời các đề nghị của Bộ Tư Pháp chậm nhất vào Thứ Hai tuần tới. Đơn nộp lên tòa của Bộ Tư Pháp cho biết nếu đề nghị của họ không được chấp nhận, Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục kháng cao lên Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Khu Vực 11 ở Atlanta, Georgia, dù biết tiến trình kiện tụng sẽ mất nhiều thời gian và kết quả không thể đoán trước vì tòa này có 11 thẩm phán thì trong đó có bảy người có quan điểm bảo thủ và do ông Trump bổ nhiệm.

Tranh chấp sẽ còn kéo dài nhưng cửa thắng của ông Trump càng lúc càng hẹp. [qd]

Vụ hồ sơ mật nhà ông Trump: Tòa phúc thẩm ủng hộ Bộ Tư pháp

Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận pháp lý của ông Trump và phán quyết của một tòa cấp dưới
Sài Gòn Nhỏ
Cựu tổng thống Donald Trump tại một cuộc mít tinh ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại tiểu bang Ohio hôm 17 Tháng Chín. Ảnh Jeff Swensen/Getty Images,

Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận pháp lý của ông Trump và phán quyết của một tòa cấp dưới, cho phép Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) tiếp tục sử dụng các hồ sơ mật thu giữ được từ dinh thự của ông cựu tổng thống ở Florida như một phần của cuộc điều tra hình sự đang diễn ra.

 

Phán quyết của hội đồng phúc thẩm gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 11 ở Atlanta, bang Georgia hôm thứ Tư 21 Tháng Chín 2022  đã mang lại chiến thắng áp đảo cho Bộ Tư pháp, cho phép các điều tra viên tiếp tục xem xét các tài liệu thu giữ được để quyết định liệu có nên đưa ra cáo buộc hình sự đối với việc lưu trữ hồ sơ tuyệt mật của chính phủ tại dinh thự kiêm câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump sau khi ông ta rời Nhà Trắng hay không. 

Tòa phúc thẩm cũng lưu ý rõ ràng rằng ông Trump đã không đưa ra bằng chứng nào chứng minh ông đã giải mật các hồ sơ nhạy cảm, như ông vẫn thường tuyên bố trên mạng xã hội, gần đây nhất là vào hôm nay thứ Tư trong một chương trình trình trên đài Fox News. Tòa cũng bác bỏ khả năng ông Trump có thể có lợi ích cá nhân đối với khoảng 100 tài liệu đóng dấu hiệu phân loại được FBI thu giữ trong cuộc khám xét nhà riêng của ông vào ngày 8 Tháng Tám.

 

Trong cuộc khám xét nhà ông Trump có sự phê chuẩn của tòa án, các đặc vụ FBI đã thu giữ hơn 11.000 hồ sơ, tài liệu trong đó có khoảng 100 tài liệu được đóng dấu mật / tối mật; và Bộ Tư pháp đang điều tra hành vi vi phạm ba đạo luật quan trọng của quốc gia liên quan tới việc sở hữu, bảo quản và sử dụng tài liệu mật về an ninh quốc gia.

Nhưng ông Trump đã phản ứng bằng cách viện dẫn cái gọi là “đặc quyền hành pháp” của tổng thống và “quan hệ luật sư – thân chủ” để biện minh cho việc mang tài liệu của chính phủ về nhà riêng một cách bất hợp pháp sau khi ông ra khỏi Tòa Bạch Ốc. Ông đã nộp đơn kiện lên một tòa án quận Nam Florida, yêu cầu Bộ Tư pháp hoàn trả cho ông những tài liệu đã bị thu giữ.

Tuần trước, Chánh án Aileen Cannon của tòa sơ thẩm liên bang quận Nam Florida – một thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm – đã ra phán quyết bổ nhiệm một giám sát viên độc lập (special master) xem xét các hồ sơ đang bị FBI thu giữ và cấm các điều tra viên của Bộ Tư pháp xem xét khoảng 100 hồ sơ có dấu mật/tối mật cho đến khi giám sát viên độc lập hoàn thành công việc. Việc ngăn cản các điều tra viên tiếp cận các hồ sơ mật có thể làm gián đoạn cuộc điều tra hình sự về việc cất giữ trái phép tài liệu của chính phủ hiện đang diễn ra.

Ảnh chụp tại hiện trường vụ khám xét nhà ông Trump ở Florida cho thấy nhiều tài liệu có dấu mật và tối mật (SCI) lẫn lộn với những giấy tờ, tạp chí thông thường. Ảnh Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đồng tình với việc bổ nhiệm ông Raymond Dearie, cựu chánh án tòa án liên bang có trụ sở tại Brooklyn, New York vào vị trí giám sát viên độc lập và đồng ý giao cho ông Dearie xem xét khoảng 11.000 tài liệu đã thu giữ, trừ những tài liệu có dấu mật/tối mật. Bộ Tư pháp không chấp nhận đình hoãn cuộc điều tra do bị cấm xem xét các tài liệu mật đó. Quan điểm của Bộ Tư pháp là ông Trump không có cơ sở chính đáng để yêu cầu đặc quyền hành pháp đối với các tài liệu, cũng như các hồ sơ mật không thể được bao phủ bởi đặc quyền của luật sư-khách hàng vì chúng không liên quan đến thông tin liên lạc giữa Trump và các luật sư của ông.

Sau khi không thuyết phục được bà thẩm phán Cannon thay đổi phán quyết, Bộ Tư pháp đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang. Đơn kháng cáo của Bộ nói rằng lệnh trì hoãn hoặc ngăn cản cuộc điều tra tội phạm đối với việc sử dụng các tài liệu mật “có nguy cơ gây tổn hại thực sự và đáng kể cho Hoa Kỳ và công chúng”.

Hai trong số ba thẩm phán của tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết hôm thứ Tư – Britt Grant và Andrew Brasher – được Trump đề cử còn thẩm phán Robin Rosenbaum được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử. Phán quyết của ba thẩm phán tán thành quan điểm của Bộ Tư pháp. “Chúng tôi kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại không thể khắc phục được do các hạn chế của tòa án quận đối với quyền xem xét bộ tài liệu hạn hẹp – và có thể là rất quan trọng – này, cũng như yêu cầu của tòa án rằng chính phủ Hoa Kỳ phải giao nộp các hồ sơ mật cho giám sát viên độc lập xem xét,” hội đồng ba thẩm phán viết.

Sau phán quyết của tòa phúc thẩm, các luật sư của Trump có khả năng sẽ đệ đơn yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ can thiệp để hủy bỏ phán quyết của tòa phúc thẩm. Tối cao Pháp viện với quan điểm bảo thủ chiếm đa số 6-3, trong đó có ba thẩm phán do Trump bổ nhiệm, có thể sẽ ra phán quyết có lợi cho Trump hơn.

Nếu phía ông Trump kháng cáo thì vẫn chưa rõ Tối cao Pháp viện có thụ lý vụ kiện hay không, và phán quyết cuối cùng chưa chắc đã có lợi cho Trump như kỳ vọng nếu coi các vụ kiện về gian lận bầu cử từng bị Tối cao Pháp viện bác bỏ trước đây như một tiền lệ.

Donald Trump: Chỉ cần nghĩ tới việc giải mật là đủ để giải mật các tài liệu

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trum tại New York, Hoa Kỳ, ngày 10/08/2022.

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trum tại New York, Hoa Kỳ, ngày 10/08/2022. REUTERS – DAVID DEE DELGADO

Trên đài truyền hình Mỹ Fox News, Donald Trump khẳng định các tổng thống Hoa Kỳ có thể giải mật các tài liệu thông qua tư duy. Tức là chỉ cần nghĩ đến việc giải mật là đủ để thay đổi quy chế các tài liệu vốn được xếp vào loại mật.

Trang mạng của đài truyền hình Pháp BFMTV ngày 27/08/2022 cho biết, sau khi khẳng định là đã giải mật các tài liệu mà FBI thu giữ tại tư dinh của ông hồi tháng 08/2022, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đề cập đến quy trình thay đổi quy chế các thông tin được xếp vào loại mật.

Chỉ cần nghĩ tới. Trang mạng kênh truyền hình Mỹ Fox News, ngày 22/09, đăng một vidéo phỏng vấn Donald Trump. Ông khẳng định, các tổng thống Mỹ có thể giải mật các tài liệu bằng cách « nghĩ tới việc này ». Thế là đủ.

Hồi tháng 08/2022, các nhà điều tra của FBI đã khám xét tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump, ở Florida và thu giữ nhiều thùng tài liệu mà cựu tổng thống Mỹ đã mang về nhà khi rời Nhà Trắng, Trước đó, cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu cựu tổng thống Mỹ trao trả các tài liệu mật.

Các nhà điều tra nghi ngờ Donald Trump vi phạm luật phòng chống gián điệp. Văn bản này quy định rất chặt chẽ việc lưu giữ các tài liệu mật. Thế nhưng, cựu tổng thống Mỹ thường xuyên khẳng định đó là những tài liệu đã được giải mật.Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về quy trình cho phép ông mang các tài liệu về nhà một khi mãn nhiệm ở Nhà Trắng, ông Trump giải thích, nếu ông hiểu đúng thì không nhất thiết phải có một quy trình. Ông Trump nói : « Ông là tổng thống Hoa Kỳ, để giải mật các tài liệu, ông chỉ cần nói : tài liệu đã giải mật hoặc thậm chí chỉ cần nghĩ tới việc này là đủ … Không nhất thiết phải có một quy trình. Có thể có một quy trình giải mã nhưng không cần thiết. Ông là tổng thống, ông ra quyết định như vậy… Tôi đã giải mã tất cả » các tài liệu đó.

Theo nhật báo New York Times, đúng là tổng thống Mỹ có quyền cho giải mật các tài liệu. Nhưng trong đa số các trường hợp, các bộ, cơ quan có liên quan đến những thông tin bí mật này đều được tham khảo trước khi việc giải mật diễn ra. Hơn nữa, tờ New York Times còn dẫn ra một quyết định của tư pháp vào năm 2020, theo đó, « việc giải mật, cho dù đó là quyết định của tổng thống, vẫn phải tuân theo các thủ tục đã được đề ra ».

 

Vụ tài liệu mật nhà ông Trump lên Tối Cao Pháp Viện

Sài Gòn Nhỏ

 

Thẩm phán TCPV Clarence Thomas lệnh cho Bộ Tư pháp phải trả lời ông Trump về vụ hồ sơ mật trước ngày 11 Tháng Mười sau khi ông cựu tổng thống đệ đơn khẩn cấp. Ảnh trụ sở TCPV Hoa Kỳ hôm 4 Tháng Mười 2022. Ảnh Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images

Cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến pháp lý của ông với Bộ Tư pháp về các tài liệu mật bị thu giữ tại nhà ông ở Florida như một phần của cuộc điều tra hình sự về việc xử lý hồ sơ của chính phủ.

Bản tin Reuters cho biết, hôm thứ Ba 5 Tháng Mười, ông Trump đã đệ đơn khẩn cấp yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (TCPV) ngăn chặn một phần phán quyết của tòa án khu vực không cho phép một trọng tài độc lập do Trump yêu cầu, được gọi là một giám sát viên đặc biệt, xem xét hơn 100 tài liệu được đánh dấu là đã phân loại nằm trong số 11,000 hồ sơ do FBI thu giữ tại điền trang Mar-a-Lago ở Florida vào ngày 8 tháng Tám 2022.

Vào cuối ngày thứ Ba 4 Tháng Mười, Thẩm phán TCPV Clarence Thomas, người được giao nhiệm vụ đánh giá các kháng cáo khẩn cấp, đã yêu cầu Bộ Tư pháp trả lời yêu cầu của ông Trump trước ngày 11 Tháng Mười. TCPV có chín thành viên, sáu người theo quan điểm bảo thủ và Thomas là một trong sáu người đó.

 

Trong đơn đệ trình lên TCPV hôm thứ Ba, các luật sư của ông Trump nói Thẩm phán Dearie nên có quyền truy cập để “xác định xem liệu các tài liệu mang dấu phân loại trên thực tế có được phân loại hay không và những hồ sơ đó là hồ sơ cá nhân hay hồ sơ tổng thống.”

Bộ Tư pháp đã “cố gắng hình sự hóa một vụ tranh chấp về quản lý tài liệu và hiện đang phản đối kịch liệt một quy trình minh bạch cung cấp sự giám sát cần thiết”, các luật sư của ông Trump nói thêm.

Ảnh chụp tại hiện trường vụ khám xét nhà ông Trump ở Florida cho thấy nhiều tài liệu có dấu mật và tối mật (SCI) lẫn lộn với những giấy tờ, tạp chí thông thường. Ảnh Bộ Tư pháp.

Cuộc khám xét dinh thự Mar-a-Lago được tòa án chấp thuận và thu được nhiều tài liệu đã được thực hiện như một phần của cuộc điều tra liên bang về việc liệu ông Trump có lưu giữ bất hợp pháp các hồ sơ của Nhà Trắng khi ông rời nhiệm sở vào Tháng Giêng 2021 sau cuộc tái tranh cử năm 2020 thất bại hay không và liệu Trump có cố gắng cản trở cuộc điều tra của chính phủ hay không.

Cuộc điều tra nhằm xác định xem ai đã truy cập vào các tài liệu đã phân loại, liệu chúng có bị xâm phạm hay không và có tài liệu nào vẫn chưa được thu hồi hay không. Vấn đề tranh cãi trong phán quyết của Tòa Phúc thẩm số 11 là các tài liệu được đánh dấu mật mật, tối mật hoặc tuyệt mật.

Đúng một tháng trước, ngày 5 Tháng Chín, Bà Thẩm phán liên bang Aileen Cannon của tòa án quận Nam Florida, chủ trì vụ kiện của ông Trump, đã tìm cách hạn chế Bộ Tư pháp tiếp cận các tài liệu bị thu giữ, cấm các điều tra viên xem xét các tài liệu đó trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.

Vào ngày 15 tháng Chín, bà Cannon, người được ông Trump bổ nhiệm vào ghế thẩm phán, đã từ chối yêu cầu của Bộ Tư pháp dỡ bỏ một phần lệnh đối với các tài liệu đã được phân loại vì nó cản trở nỗ lực của chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn từ việc tiết lộ trái phép tài liệu mật. Bà Cannon cũng bổ nhiệm Thẩm phán Dearie làm giám sát viên độc lập xem xét tất cả các hồ sơ.

Vào ngày 21 tháng Chín 2022, Tòa Phúc thẩm số 11 đã bác bỏ quyết định của Thẩm phán Cannon.

Hội đồng Tòa Phúc thẩm số 11 có ba thẩm phán, gồm hai thẩm phán được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm và một được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, đã chấp thuận yêu cầu của Bộ Tư pháp mà bà Cannon từ chối và cho rằng các hồ sơ mật thuộc về tài sản của chính phủ Hoa Kỳ, ông Trump không có bất kỳ “lợi ích cá nhân” nào đối với chúng và ông “thậm chí ông đã không cố gắng thể hiện rằng mình cần biết thông tin có trong các tài liệu mật.”

Tòa Phúc thẩm số 11 cũng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng ông Trump đã giải mật các tài liệu – như cựu tổng thống đã tuyên bố. Tòa cho rằng “không có bằng chứng” về hành động giải mật đó và lập luận “việc giải mật một tài liệu chính thức sẽ không thay đổi nội dung của nó hoặc làm cho nó mang tính cá nhân. “

***

Trong hồ sơ nộp lên TCPV, các luật sư của ông Trump cho biết ông ta có “thẩm quyền rộng rãi để quản lý việc phân loại và truy cập vào các tài liệu được phân loại.” Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News vào tháng trước, ông Trump một lần nữa khẳng định mà không có bằng chứng rằng ông đã giải mật các tài liệu và tuyên bố rằng ông có đủ khả năng để làm điều đó mà “chỉ cần suy nghĩ về nó.”

Ba đạo luật làm cơ sở cho lệnh khám xét được FBI sử dụng tại Mar-a-Lago khiến việc xử lý sai hồ sơ của chính phủ trở thành tội phạm, bất kể tình trạng phân loại của chúng như thế nào, mật hay không mật.

Cuộc điều tra tài liệu thu giữ ở Florida là một trong số những rắc rối pháp lý mà ông Trump đang phải đối mặt khi ông cân nhắc liệu có nên tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Bộ trưởng Tư pháp của bang New York vào tháng trước đã đệ đơn kiện dân sự cáo buộc Trump và ba người con trưởng thành của ông gian lận trong các báo cáo tài chính của công ty bất động sản gia đình. Công ty Tổ chức Trump cũng sẽ ra tòa vào ngày 24 tháng Mười về các cáo buộc gian lận thuế hình sự của bang New York.

Bộ Tư Pháp chính thức kiện việc bổ nhiệm giám sát viên độc lập

Người Việt

WASHINGTON, DC (NV) ­- Bộ Tư Pháp (DOJ) chính thức kiện việc bổ nhiệm giám sát viên độc lập, người đang duyệt xét tài liệu mà FBI tịch thu tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng Thống Donald Trump ở Florida, theo CNN.

DOJ nộp đơn kiện lên Tòa Kháng Án Hoa Kỳ Số 11 ở Atlanta, Georgia, hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Mười.

 

Biên bản của FBI về vụ khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

 

Tháng trước, tòa kháng án liên bang này chấp thuận yêu cầu của DOJ chặn một phần phán quyết của bà Aileen Cannon, chánh án tòa liên bang cấp dưới do ông Trump bổ nhiệm. Đơn kháng án hôm Thứ Sáu kiện toàn bộ phán quyết của bà Cannon. Chánh Án Cannon là người chấp thuận yêu cầu của ông Trump cử bên thứ ba duyệt xét tài liệu tịch thu ở Mar-a-Lago.

Giám sát viên độc lập này – ông Raymond Dearie, chánh án liên bang ở Brooklyn đã về hưu – đang duyệt xét khoảng 11,000 tài liệu tịch thu ở Mar-a-Lago hồi Tháng Tám. Nếu DOJ kiện thành công, có thể ông Dearie phải ngưng lại.

Tuy nhiên, quá trình kiện này sẽ mất ít nhất vài tuần. Mặc dù chánh án liên bang chấp thuận yêu cầu của DOJ đẩy nhanh vụ kiện này, nhưng nhóm luật sư cựu Tổng Thống Trump có đến ngày 10 Tháng Mười Một để phản hồi, và Tòa Kháng Án Số 11 phải chờ tới khi DOJ phản hồi vào ngày 17 Tháng Mười mới có thể lên lịch cho hai bên tranh luận.

Hiện tại, giám sát viên độc lập phải duyệt xét xong số tài liệu đó hạn chót ngày 16 Tháng Mười Hai theo phán quyết của Chánh Án Cannon.

Sau khi Tòa Kháng Án Số 11 tháng trước cho phép DOJ xem khoảng 100 tài liệu đánh dấu mật, cựu Tổng Thống Trump nộp đơn khẩn cấp yêu cầu Tối Cao Pháp Viện (TCPV) can thiệp.

Hôm Thứ Năm, TCPV bác bỏ yêu cầu của ông Trump, nghĩa là giám sát viên độc lập không còn được phép duyệt xét số tài liệu mật đó nữa.

Trong đơn yêu cầu gửi TCPV, nhóm luật sư cựu Tổng Thống Trump cho hay giám sát viên độc lập phải được xem số hồ sơ mật đó để “xác định những tài liệu đánh dấu mật có thực sự là tài liệu mật hay không, và dù mật hay không, số tài liệu đó là hồ sơ cá nhân hay hồ sơ tổng thống.”

Về phần DOJ, cơ quan này cho biết họ đang cần điều tra hình sự để đánh giá rủi ro về an ninh quốc gia trong cách ông Trump quản lý số tài liệu mật đó. (Th.Long) [qd]

Merrick Garland bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt giám sát các cuộc điều tra Trump của DOJ 

WASHINGTON (New York Times) — Tổng trưởng Tư pháp Merrick B. Garland vào thứ Sáu bổ nhiệm Công tố Đặc biệt đảm nhiệm 2 cuộc điều tra hình sự quan trọng liên quan đến nỗ lực vai trò của cựu Tổng thống Donald Trump trong những sự kiện dẫn đến vụ tấn công Điện Capitol, cũng như việc ông ta đưa tài liệu Mật của chính phủ về cất giữ riêng. 

Cựu lãnh đạo Bộ phận liêm chính công của Bộ Tư pháp, ông Jack Smith, sẽ giám sát cuộc điều tra Trump giữ hồ sơ nhạy cảm của chính phủ tại Mar-a-Lago, và cuộc điều tra những hành động của ông trước ngày 6 tháng 1 năm 2021, ông Garland cho biết tại buổi họp báo. 

Garland từ lâu đã có quan điểm rõ ràng, Bộ Tư pháp có thể giải quyết bất cứ cuộc điều tra nào về cựu Tổng thống Donald J. Trump bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật. Theo Tổng trưởng, khả năng của Bộ giải quyết những tình huống khó khăn như vậy sẽ cho công chúng Mỹ thấy họ vượt trên tinh thần đảng phái nổi tiếng dưới thời Trump, và không đóng vai trò là vũ khí hay kẻ thù của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Theo đánh giá của ông, không cần thiết phải bổ nhiệm luật sư đặc biệt giám sát bất cứ cuộc điều tra hình sự nào về cựu tổng thống. 

Nhưng quyết định tái tranh cử của cựu Tổng thống đã là Garland thay đổi.  Cuộc điều tra đang diễn ra liên quan đến cựu Tổng thống giải quyết tài liệu an ninh quốc gia và cản trở các nhà điều tra được xem là cuộc điều tra của Bộ Tư pháp của ông Biden nhắm vào đối thủ chính trị hàng đầu – một xung đột quyền lợi mà Garland không thể nào vượt qua. 

Khi thông báo bổ nhiệm Smith làm Công tố viên Đặc biệt, Garland thừa nhận điều đó. “Dựa trên những diễn biến gần đây, thông báo của cựu Tổng thống ra ứng tổng thống trong cuộc bầu cử lần sau, và ý định của đương kim Tổng thống cũng ra tranh cử, trở thành ứng cử viên của tổng thống đương nhiệm, tôi kết luận rằng bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt là  lợi ích công chúng,” Garland cho biết trong cuộc họp báo được tổ chức vội vàng tại trụ sở Bộ Tư pháp. “Những bổ nhiệm như vậy nhấn mạnh cam kết của Bộ Tư pháp đối với sự độc lập và trách nhiệm trong những vấn đề đặc biệt nhạy cảm.” 

“Tôi dự tính thực hiện các cuộc điều tra được giao phó, và bất cứ những truy tố nào từ kết quả điều tra, một cách độc lập và theo truyền thống tốt nhất của Bộ Tư pháp,” Smith ghi trong tuyên bố. Công tố viên đặc biệt thề các cuộc điều tra sẽ được thực hiện nhanh chóng “cho dù kết quả như thế nào theo sự thật và luật pháp quy định.” 

Theo quy định liên bang, Công tố viên Đặc biệt như ông Smith có quyền tự chủ trong công việc hàng ngày hơn các công tố viên thông thường, nhưng vẫn nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của Tổng trưởng Tư pháp. Ngoài ra, nếu Smith cuối cùng quyết định truy tố Trump thì Garland vẫn là người phải phê chuẩn. 

Quyết định bổ nhiệm Smith được Garland ký vào thứ Sáu nêu danh Trump liên quan đến vụ tài liệu Mật. Quyết định cũng cho phép Công tố viên Đặc biệt “thực hiện cuộc điều tra đang diễn ra xem liệu có bất cứ ai hay thực thể nào vi phạm luật” liên quan đến việc “chuyển giao quyền lực hợp pháp” sau bầu cử năm 2020. 

Được gọi là Jack, ông Smith từng giữ chức Chánh công tố viên tại toà Hague truy tố tội phạm chiến tranh ở Kosovo từ năm 2018. Ông không có mặt trong buổi họp báo thông báo bổ nhiệm vì mới bị tai nạn xe đạp làm bị thương đầu gối. 

Là công tố viên Văn phòng Biện lý quận Đông New York, Smith nổi tiếng là người tự tin, lôi cuốn, không ngại giải quyết những vụ khó hay gây tranh cãi, theo nhiều đồng nghiệp cũ chia sẻ. 

Công tố viên đặc biệt là công tố viên bán độc lập được Bộ Tư pháp bổ nhiệm cho những cuộc điều tra cao cấp có thể có xung đột về quyền lợi. Họ chỉ bị cách chức nếu có hành vi sai trái, và Bộ phải cho Quốc hội hay nếu tổng trưởng Tư pháp phủ quyết một số bước mà công tố viên đặc biệt muốn thực hiện. 

Tuyên bố bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt của Garland làm giấy lên làn sóng chỉ trích từ cả hai phía. Trump và đồng  minh Cộng hoà lên án  việc này mang động cơ chính trị, trong khi giới cấp tiến chỉ trích quyết định này sẽ làm chậm lại việc  truy tố cựu Tổng thống. “Thật đáng hổ thẹn, và chỉ xảy ra vì tôi dẫn đầu trong các cuộc thăm dò lưỡng đảng,” Trump lên Fox News chỉ trích. 

Vòng xoáy chính trị chung quanh những cuộc điều tra Donald Trump được tăng cường trong tuần này khi Cộng hoà thắng Hạ viện. 

Vào thứ Sáu, Uỷ ban Tư pháp Hạ viện gởi thư thông báo Tổng trưởng Garland ý định điều tra một số nhân vật trong Bộ Tư pháp đóng vai  trò trong những cuộc điều tra Donald Trump. Trong số những người Uỷ ban muốn thẩm vấn có Matthew Graves – Biện lý Hoa Kỳ tại Washington giám sát cuộc điều tra 6/1, và những công tố viên hàng đầu trong Ban an ninh quốc gia của Bộ đang tham gia vào cuộc điều tra Trump giải quyết tài liệu chính phủ. 

Hương Giang (Theo New York Times) 

Trump chỉ trích DOJ, kêu gọi Cộng hoà đấu tranh chống bổ nhiệm công tố viên đặc biệt 

CaliToday

(CaliToday – Tổng hợp)  — Cựu Tổng thống Donald Trump vào thứ Sáu chỉ trích gay gắt Bộ Tư pháp sau khi Tổng trưởng Merrick Garland thông báo bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt giám sát các cuộc điều tra Trump đem tài liệu Mật về cất giữ riêng tại Mar-a-Lago, và vai trò của ông ta trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1. 

Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News, Trump cho rằng, ông “trải qua những chuyện này 6 năm qua,” ám chỉ đến nhiều cuộc điều tra về hành động của ông ta, kể cả cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller “không tìm ra thông đồng,” và 2 cuộc điều tra luận tội. “Và tôi hy vọng Cộng hoà có can đảm để đấu tranh chống lại chuyện này.” 

“Đây hoà toàn là chiêu trò chính trị không có gì đáng ngạc nhiên của Bộ Tư pháp của Biden bất tài vô dụng, bị chính trị hoá và vũ khí hoá,” phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử của Trump nói thêm. 

Cựu Tổng thống tuyên bố  “sẽ không dính líu gì” đến những cuộc điều tra này, và chế nhạo bước đi là “việc chính trị hoá tư pháp tồi tệ nhất ở đất nước chúng ta.” 

“Họ không tìm ra gì, và bây giờ họ đưa một người ghét Trump vào. Điều này thật đáng hổ thẹn vì tôi đang dẫn trước trong tất cả thăm dò lưỡng đảng,” Trump nói tiếp “Thật bất công cho quốc gia, cho đảng Cộng hoà, và tôi không nghĩ người dân sẽ chấp nhận. Tôi sẽ không chấp nhận. Đảng Cộng hoà phải đứng lên đấu tranh.”

Trump lưu ý, thông báo bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt chỉ diễn ra vài ngày sau khi ông thông báo tranh cử 2024, điều mà Garland tuyên bố là một yếu tố đã đưa ông đến bổ nhiệm một công tố viên độc lập. 

Dựa trên những diễn biến gần đây, thông báo của cựu Tổng thống ra ứng tổng thống trong cuộc bầu cử lần sau, và ý định của đương kim Tổng thống cũng ra tranh cử, trở thành ứng cử viên của tổng thống đương nhiệm, tôi kết luận rằng bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt là  lợi ích công chúng,” Garland cho biết trong cuộc họp báo được tổ chức vội vàng tại trụ sở Bộ Tư pháp vào thứ Sáu. “Những bổ nhiệm như vậy nhấn mạnh cam kết của Bộ Tư pháp đối với sự độc lập và trách nhiệm trong những vấn đề đặc biệt nhạy cảm.” 

Các đồng minh Cộng hoà của ông Trump lên án quyết định của Garland. “

“Có một Bộ Tư pháp nào bị  chính trị hóa và vũ khí hóa hơn trong lịch sử Hoa Kỳ không?” Dân biểu Andy Biggs (Cộng hoà – Arizona) đăng trên Twitter. 

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hoà – Texas) chỉ trích Tổng thống Joe Biden “hoàn toàn vũ khí hoá Bộ Tư pháp tấn công các đối thủ chính trị.” 

“LUẬN TỘI MERRICK GARLAND!” Dân biểu theo thuyết âm mưu Marjorie Taylor Greene (Cộng hoà – Georgia) tweet. “Cộng hoà cần phải từ chối cấp ngân khoản cho Công tố viên Đặc biệt của Merrick Garland, và cắt ngân quỹ dành cho bất cứ bộ phận nào ở Bộ Tư pháp hành động nhân danh Bộ Tư pháp,” Greene tiếp tục trên Twitter. 

Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng hoà – Texas) lên Twitter cho rằng, việc bổ nhiệm là “sự thừa nhận xung đột quyền lợi của Bộ Tư pháp,” và vì vậy, Bộ nên “thừa nhận xung đột quyền lợi rõ ràng trong cuộc điều tra Hunter Biden và bổ nhiệm công tố viên đặc biệt.” 

Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson, người đôi khi chỉ trích Trump, gởi ra tuyên bố cho rằng, quyết định của Garland là “không phải tin tốt cho quốc gia chúng ta.” Hutchinson chia sẻ, bản thân ông từng có kinh nghiệm với các công tố viên đặc biệt và luật sư đặc biệt. “Họ mất nhiều thời gian điều tra và đưa ra quyết định. Điều này có nghĩa là vấn đề sẽ kéo dài đến chu kỳ bầu cử năm 2024. Nó sẽ làm xao lãng,” Hutchinson nói. Thống đốc Arkansas cũng bóng gió về việc tranh cử tổng thống năm 2024.

Tổng trưởng Tư pháp Merrick B. Garland vào thứ Sáu bổ nhiệm cựu lãnh đạo Bộ phận liêm chính công của Bộ Tư pháp, ông Jack Smith, là Công tố Đặc biệt “ngay lập tức,” giám sát cuộc điều tra Trump giữ hồ sơ nhạy cảm của chính phủ tại Mar-a-Lago, và cuộc điều tra những hành động của ông trước ngày 6 tháng 1 năm 2021. 

Quyết định bổ nhiệm Smith được Garland ký vào thứ Sáu nêu danh Trump liên quan đến vụ tài liệu Mật. Quyết định cũng cho phép Công tố viên Đặc biệt “thực hiện cuộc điều tra đang diễn ra xem liệu có bất cứ ai hay thực thể nào vi phạm luật” liên quan đến việc “chuyển giao quyền lực hợp pháp” sau bầu cử năm 2020.

“Tôi dự tính thực hiện các cuộc điều tra được giao phó, và bất cứ những truy tố nào từ kết quả điều tra, một cách độc lập và theo truyền thống tốt nhất của Bộ Tư pháp,” Smith ghi trong tuyên bố. Công tố viên đặc biệt thề các cuộc điều tra sẽ được thực hiện nhanh chóng “cho dù kết quả như thế nào theo sự thật và luật pháp quy định.” 

Hương Giang (Tổng hợp)

Phát giác thêm 2 tài liệu Mật trong nhà kho Trump sử dụng ở Florida

CaliToday

(CALI TODAY NEWS) – Có thêm ít nhất 2 tài liệu đánh dấu Mật nằm trong một hộp dán dấu niêm phong được bên thứ 3 do các luật sư của ông Donald Trump mướn thực hiện khám xét phát giác ra tại một nhà kho cựu Tổng thống sử dụng ở Palm Beach, Florida.

Những tài liệu này ngay lập tức được giao trả lại cho FBI, theo các nguồn tin tiết lộ.

Khám xét này nằm trong ít nhất 3 cuộc khám xét truy tìm tài liệu Mật do công ty chuyên nghiệp bên ngoài thực hiện tại các cơ sở của ông Trump trong những tuần vừa qua, sau khi toà buộc toán cố vấn pháp lý của cựu Tổng thống phải chứng minh đã tuân thủ đầy đủ trát đòi giao nộp tất cả những tài liệu được đánh dấu Mật được đại bồi thẩm đoàn tống đạt vào tháng 5.

Các nguồn tin cho hay, có một trận chiến kéo dài và căng thẳng giữa các luật sư của ông Trump và Bộ Tư pháp tại toà liên bang ở D.C trong thời gian gần đây. Hầu hết những tranh chấp pháp lý được toà giữ kín, nhưng theo những nguồn tin thông thạo sự việc, Bộ Tư pháp bày tỏ lo ngại về việc phía cựu Tổng thống từ lâu đã không tuân thủ đầy đủ trát đòi tài liệu.

Email được Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp GSA chịu trách nhiệm hỗ trợ các cựu Tổng thống trong thời gian chuyển sang đời sống tư cho thấy, họ đã giúp mướn nhà kho tại một cơ sở tư ở West Palm Beach vào ngày 21 tháng 7 năm 2021, để cất giữ những món đồ được các nhân viên của Trump sử dụng tại một văn phòng ở miền Bắc Virginia sau khi ông rời nhiệm kỳ.

Theo số email này, GSA và nhân viên của cựu Tổng thống hợp tác với nhau trong việc sắp xếp một số pallet chất thùng và những đồ vật khác nặng hơn 3000 pounds từ Northern Virginia đến nhà kho ở Florida vào tháng 9 năm 2021

Trong nhà kho này chứa lẫn lộn nhiều thùng, quà tặng, quần áo và những món đồ khác. “Có đồ vest, kiếm và dây đai đô vật và những thứ khác,” một nguồn tin tiết lộ. “Theo tôi được biết, ông ấy chưa bao giờ đến nhà kho này. Tôi không nghĩ có ai đó thân cận với Trump có thể nói có gì trong nhà kho đó.”

Không có danh mục ghi những món đồ cất trong nhà kho, các cố vấn của ông Trump cho hay, cũng như không có danh mục những tài liệu Mật được đem đi từ căn phòng hầm ở Mar-a-Lago.

Hiện chưa rõ tầm quan trọng của những tài liệu mật trong nhà kho ở Florida như thế nào, nhưng chúng thấy, Mar-a-Lago không chỉ là nơi duy nhất ông Trump cất giữ tài liệu Mật của chính phủ. Chúng cũng cho thấy chứng cớ rõ ràng Trump và các cố vấn đã không giao trả lại tất cả tài liệu được đánh dấu Mật cho chính phủ như trát đòi yêu cầu.

Ngoài ra, các luật sư của Trump cũng mướn công ty chuyên nghiệp thực hiện khám xét câu lạc bộ đánh Golf của ông ta ở Bedminster, New Jersey, và tại Trump Tower ở New York trong thời gian gần đây. Bên thứ ba cũng khám xét ít nhất một cơ sở khác.

Công ty này đề nghị FBI theo dõi cuộc khám xét, nhưng Cơ quan điều tra liên bang từ chối. FBI giám sát một cuộc khám xét tài sản của ai đó, không phải do cơ quan thực thi công lực thực hiện là điều bất thường.

Các luật sư cho Bộ Tư pháp hay, bên thứ ba không tìm ra bất cứ tài liệu Mật nào trong cuộc khám xét ở Bedminster và Trump Tower. “Tổng thống Trump và cố vấn pháp lý của ông tiếp tục hợp tác và minh bạch,” Phát ngôn nhân của ông Trump tuyên bố. Steven Cheung cũng tố cáo Bộ Tư pháp tấn công không chính đáng và chưa từng có tiền lệ nhắm vào cựu Tổng thống và gia đình ông.

Chánh thẩm Toà liên bang D.C Beryl A. Howell yêu cầu phía ông Trump tiếp tục tìm kiếm tài liệu, sau khi Bộ Tư pháp bày tỏ lo ngại họ đã không giao hết tất cả tài liệu được Trump đem ra khỏi Toà Bạch Ốc về cất giữ riêng. Tuy nhiên, ông Howell lại không yêu cầu cụ thể nên thực hiện khám xét như thế nào.

Mấy tháng trước, các nhà điều tra liên bang đã thẩm vấn nhiều nhân chứng xem, họ có biết liệu cựu Tổng thống Donald Trump có cất giấu bất cứ tài liệu Mật nào của chính phủ tại Trump Tower ở Manhattan, hay tại tư dinh của ông ta ở Bedminster, New Jersey. FBI cũng thẩm vấn liệu cựu Tổng thống có thói quen vận chuyển tài liệu Mật từ dinh thự Mar-a-Lago ở Florida đến những tư dinh hay chỗ ở khác hay không. Những cuộc thẩm vấn này cho thấy, Bộ Tư pháp có thể tin rằng, Trump cất giữ tài liệu không chỉ ở Mar-a-Lago, mặc dù không rõ họ có chứng cớ cho thấy cựu Tổng thống giấu tài liệu ở những nơi khác hay không.
Bộ Tư pháp vào đầu tháng 10 thông báo cho toán luật sư của ông Trump biết, họ tin cựu Tổng thống có thể đã không giao trả hết toàn bộ số tài liệu ông ta đem theo khi rời khỏi Toà Bạch Ốc. Luật sư Christopher Kise của cựu Tổng thống đề nghị mướn một công ty giám định pháp y tìm kiếm thêm tài liệu tại những chỗ khác của ông Trump.

Toán luật sư của Trump tìm cách ngăn cản một cuộc khám xét khác do cơ quan điều tra liên bang thực hiện tại các cơ sở của ông ta.

Hương Giang (Theo Washington Post)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen