Seite auswählen

Cuộc chiến Ukraine: Sự thất bại của Putin khiến Trung Quốc chiếm ưu thế ở Âu-Á

Cuộc chiến về ‘nền văn minh’ của Putin với phương Tây đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nâng cao ảnh hưởng của mình ở những nơi khác – với tổn phí của Nga

THE CONVERSATION by Stefan Wolff –  September 16, 2022

(Stefan Wolff  Giáo sư An ninh Quốc tế, Đại học Birmingham, thành viên Nghiên cứu Cấp cao của Trung tâm Chính sách Đối ngoại ở London, và là Điều phối viên của Mạng lưới các Tổ chức Tư vấn và Học thuật OSCE).

Ba Sàm lược dịch

VNC hiệu đính và đặt tựa

Vladimir Putin nói rằng ông hiểu ‘mối quan tâm’ của Tập Cận Bình về cuộc chiến Ukraine. EPA-EFE / Sergei Bobylev / Sputnik / Kremlin pool

Những gì từng bị nghi ngờ một thời gian nay đã lộ diện: Trung Quốc có “những quan ngại” về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Mặc dù điều này hầu như không phải là một bất ngờ lớn, nhưng nguồn gốc và địa điểm của sự thú nhận nó lại đúng như vậy. Ít ai có thể ngờ chính Vladimir Putin lại đưa ra tuyên bố đó – và có lẽ còn ít ngờ hơn nữa là nó lại xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tại sao lại có ý nghĩa quan trọng khi chính Putin thừa nhận những mối quan ngại của Trung Quốc? Với những thất bại quân sự to lớn mà Tổng thống Nga đã phải gánh chịu trong vài tuần qua, mất khoảng 8.000 km vuông lãnh thổ đã chiếm đóng được của Ukraine trước đó, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Nga không còn có thể giả vờ rằng hành động của mình không ảnh hưởng đến các đồng minh thân cận nhất.

Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc nhập khẩu dầu và khí đốt được giảm giá của Nga, nhưng các tuyến thương mại đường bộ chính của nước này đến châu Âu – qua Kazakhstan và Nga – đã bị gián đoạn. Lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và khả năng suy thoái toàn cầu cũng đè nặng lên một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Trung Quốc. Về phương diện chính trị, Bắc Kinh có thể đánh giá cao áp lực mà vụ hăm dọa về năng lượng của Moscow gây ra đối với phương Tây, nhưng về mặt kinh tế, Bắc Kinh luôn ủng hộ sự ổn định trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã khiến họ vô cùng thất vọng trước hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, hậu quả của việc này vẫn không thể đoán trước được về chiều sâu và độ dài thời gian của chúng.

Sự thừa nhận của Putin về những mối quan ngại như vậy, mặc dù ông không nêu tên rõ ràng, cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của ông vào Trung Quốc và sự khó chịu của Điện Kremlin về điều đó. Với các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu quả cắt đứt Nga khỏi công nghệ đang rất cần thiết, Trung Quốc là một trong số ít các cường quốc kinh tế có thể thực sự bước vào việc vi phạm các lệnh đó bằng cách cung cấp cho Nga. Tương tự, với các biện pháp trừng phạt thứ cấp đã tỏ ra có hiệu quả hợp lý, Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của Nga trong dài hạn – mặc dù với mức giá chiết khấu cao.

Việc Nga tập trung vào Ukraine và sự lựa chọn của Putin coi đây là một cuộc đấu tranh về nền văn minh với phương Tây đã tạo cơ hội cho Trung Quốc nâng cao ảnh hưởng của mình ở những nơi khác – với tổn phí của Nga. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình có thể giữ thái độ của một chính khách thực tế và sắc sảo, và nói về sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc hướng tới sự ổn định toàn cầu, trong khi Nga phải thừa nhận rằng Trung Quốc có những quan ngại về một trong những nguyên nhân của sự thiếu ổn định mà ông Tập than phiền, khiến Putin phải bẽ mặt.

Đây là dấu hiệu chung cho thấy cán cân quyền lực đang chuyển dịch giữa Nga và Trung Quốc. Và không nơi nào rõ ràng hơn ở Trung Á – và đây là lý do tại sao địa điểm của lời thú nhận của Putin cũng rất quan trọng.

Sự trỗi dậy của SCO

Cuộc gặp Putin-Tập diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand, nước cộng hòa Trung Á Uzbekistan. SCO được thành lập năm 2001 tại Thượng Hải, Trung Quốc, là một tổ chức hợp tác kinh tế và quân sự. Ban đầu, nó tập hợp Kazakhstan, Trung Quốc, Cộng hòa Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan – tức là tất cả các quốc gia kế thừa phần Trung Á của Liên Xô cũ (ngoại trừ Turkmenistan khép kín) nằm giữa hai cường quốc Nga và Trung Quốc. .

Kể từ đó tổ chức ngày càng phát triển. Ấn Độ và Pakistan đã được kết nạp vào năm 2017, Iran dự kiến ​​sẽ tham gia trong hội nghị thượng đỉnh hiện tại, và Belarus cũng đã nộp đơn đăng ký trở thành thành viên đầy đủ. Ngoài ra, còn có hai quốc gia quan sát viên khác – Afghanistan và Mông Cổ – và sáu “đối tác đối thoại”: Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

Trên thực tế, việc quân đội Nga được cho là hùng mạnh đã phải chịu những thất bại đáng xấu hổ dưới bàn tay của một Ukraine được phương Tây hậu thuẫn đã làm suy yếu đáng kể vị thế của Nga trong tổ chức này. Điểm yếu của Nga một lần nữa lại là cơ hội của Trung Quốc khi nước này xác lập các ​​lợi ích của mình và biến SCO thành một công cụ tiềm năng mạnh mẽ của trật tự khu vực do Trung Quốc lãnh đạo trên khắp Âu-Á.

Chuyến đi của Tập tới Kazakhstan, một ngày trước khi ông gặp Putin ở Samarkand, đặc biệt có ý nghĩa về mặt này. Nó đã gửi đi một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ tới một quốc gia ngày càng mâu thuẫn với Nga về cuộc chiến ở Ukraine.

Kazakhstan đã bị suy giảm vị thế, trong đó nó từng là quốc gia trung chuyển hàng hóa Trung Quốc sang châu Âu, do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Và cũng đã có những lo lắng về một “động thái” khác của Nga nhằm tái tạo Liên bang Xô viết ở những khu vực có sự hiện diện của nhiều người có sắc tộc Nga như miền bắc Kazakhstan.

Sự suy giảm ảnh hưởng của Nga cũng là điều hiển nhiên ở Nam Caucasus, nơi Armenia và Azerbaijan – hai đối tác đối thoại của SCO – lại đang trên bờ vực chiến tranh. Điều này bất chấp sự hiện diện của “lực lượng gìn giữ hòa bình” của Nga được thành lập theo thỏa thuận trung gian giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020.

Trong khi đó, tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai trong số các thành viên SCO Trung Á – Kyrgyzstan và Tajikistan, cả hai đều có truyền thống phụ thuộc nhiều vào Nga – cũng đã tái leo thang trong vài ngày qua.

Tại sao Tập có ‘những quan ngại’ về Ukraine

Tuy nhiên, điểm yếu của Nga cũng gây ra những vấn đề cho Trung Quốc. Có một đồng minh kém quyền lực hơn – kể cả về mặt quân sự – sẽ làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành vị trí lãnh đạo toàn cầu với Hoa Kỳ. Việc phải bước vào nơi mà Nga không mang lại trật tự và ổn định – chẳng hạn như ở Trung Á – có khả năng sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Trung Quốc về mặt vật chất. Sự gián đoạn nền kinh tế toàn cầu do cuộc xâm lược của Moscow gây ra càng làm gián đoạn quá trình phục hồi COVID của chính Bắc Kinh.

Thất bại ngày càng rõ ràng của Nga trước Ukraine dân chủ cũng gây nên một vết rạn nứt trong câu chuyện của Trung Quốc về tính tối cao của mô hình quản trị chuyên quyền. Chủ nghĩa phiêu lưu của Putin ở Ukraine có thể hữu ích đối với Tập nếu nó nhanh chóng thành công – giờ đây nó ngày càng trở thành một món nợ.

Việc Tổng thống Nga thừa nhận rằng Trung Quốc có những quan ngại về “hoạt động quân sự đặc biệt” của ông ở Ukraine có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy điều này đang ngày càng trở thành một tình thế tiến thoái lưỡng nan nhức nhối đối với Tập. Và đó là vấn đề mà ông ta muốn được giải quyết trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được triệu tập, vào ngày 16 tháng 10 tại Bắc Kinh, nơi ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa từng có.

Trung Quốc, tâm điểm một trật tự mới đang hình thành tại Trung Á ?

 

Ngoại trưởng Uzbekistan và các lãnh đạo tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, Samarkand, Uzbekistan, 16/09/2022.
Ngoại trưởng Uzbekistan và các lãnh đạo tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, Samarkand, Uzbekistan, 16/09/2022. AP

Cuộc gặp Vladimir Putin và Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải – OCS 2022 tuần trước, đã làm lu mờ một trật tự mới tại Trung Á với tâm điểm là Bắc Kinh. Vì chiến tranh Ukraina, kinh tế Nga lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, trong lúc nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lo tìm điểm tựa để được bảo đảm « toàn vẹn lãnh thổ ». 

Đây là cơ hội để Bắc Kinh lấn sang sân chơi của Nga, dùng lá bài đầu tư và kinh tế để lôi kéo các nước Trung Á về phía mình ?

Uzbekistan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cuối tuần qua, đã ký một loạt hợp đồng đầu tư, nhân là bên tổ chức thượng đỉnh OCS tại Samarkand : 16 tỷ đô la với Trung Quốc và khoảng 5 tỷ với Nga. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy ảnh hưởng của Matxcơva, ít ra là về kinh tế và thương mại, bị thu hẹp lại ngay trong vùng vốn là « sân nhà » của Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay.  

Putin trong thế yếu

Ngoài báo chí Nga, các phương tiện truyền thông quốc tế gần như im lặng về thông báo của tổng thống Vladimir Putin tại Uzbekistan cấp viện trợ phân bón cho các nước kém phát triển.  

Về phía chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không sang Luân Đôn dự tang lễ nữ hoàng Anh, không sang New York phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mà đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Kazakhstan, quốc gia có trọng lượng nhất tại Trung Á, và sau đó là để dự thượng đỉnh OCS tại Samarkand, Uzbekistan.

Cũng tại Samarkand Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải vừa chính thức kết nạp thêm một thành viên mới là Iran, một quốc gia thù nghịch với Washington và tương tự như Matxcơva, Teheran cũng đang ngạt thở vì lệnh cấm vận của châu Âu và Hoa Kỳ.

Kết thúc hai ngày họp tại Uzbekistan, giới quan sát đồng loạt đưa ra hai nhận định. Thứ nhất là ông Putin đã bắt tay ông Tập khi đang trong thế yếu trên mọi mặt. Về kinh tế, Nga bị phương Tây trừng phạt, đã trông đợi nhiều vào Trung Quốc. Về quân sự : Ukraina không đầu hàng và chiến dịch quân sự thần tốc như điện Kremlin mong đợi đã kéo dài hơn nửa năm mà chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Tệ hơn nữa, Kiev đang mở chiến dịch phản công, giải phóng nhiều thành phố Ukraina. Giới quân sự nói đến một bước ngoặt trong chiến tranh của Ukraina và thậm chí là một « thất bại » đau đớn cho quân đội Nga. Về ngoại giao, chiến dịch đặc biệt của ông Putin tại Ukraina đang khiến nhiều đối tác của Matxcơva trong khu vực Trung Á lo ngại với câu hỏi sau Ukraina, đến lượt quốc gia nào trong khối Liên Xô cũ sẽ là nạn nhân của điện Kremlin ? 

Nhận xét thứ nhì mà các nhà phân tích phương Tây đồng loạt đưa ra, đó là trọng tâm của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, mà 4 sáng lập viên từng thuộc khối Liên Xô – vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của Matxcơva, đang nghiêng thêm nữa về phía Trung Quốc. Đồng thời Nga đã không lôi kéo được thêm các đồng minh trong khối ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » như từ ngữ mà điện Kremlin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm chiếm Ukraina. Ngay cả tình bạn « vững như bàn thạch » hay « vô bờ bến » giữa hai lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng đã không được như Matxcơva mong đợi Trên đài truyền hình Pháp France 5, giáo sư địa chính trị trường Sciences Po, Paris Frédéric Encel giải thích :

Frédéric Encel : « Trung Quốc mua dầu hỏa của Nga, nhưng với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường và một lần nữa giữa hai quốc gia này hoàn toàn không là đồng minh của lẫn nhau. Hai chữ đồng minh ở đây, hiểu theo  đúng nghĩa của khoa địa chính trị. Ông Putin cố tình chứng minh rằng Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải là một khối với một mục đích chung là chống lại phương Tây. (…) nhưng trong khối này, Nga yếu thế hơn Trung Quốc : GDP của Trung Quốc lớn gấp 10 so với Nga. Cũng đừng quên rằng, một số thành viên OCS từ lâu nay đã mở kênh đối thoại với Hoa Kỳ. Ấn Độ chẳng hạn đã ký với Mỹ một thỏa thuận về hạt nhân quân sự năm 2005. Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải không là một khối đồng lòng vì nước Nga ».  

OCS không là công cụ trong tay Nga

Trên đài truyền hình Pháp – Đức Arte, chuyên gia kinh tế, Françoise Nicolas, giám đốc đặc trách về châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI thì nhấn mạnh đến những tính toán thận trọng của Trung Quốc trong việc « giúp đỡ » Nga :

Françoise Nicolas : « Có khác biệt lớn giữa lời nói và việc làm : Về mặt chính thức Trung Quốc giữ thế trung lập nhưng thực ra thì Bắc Kinh lại ủng hộ Nga trên phương diện chính trị qua tuyên bố của các lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc đã không đi xa hơn những tuyên bố này, có nghĩa là sử dụng lại những ngôn từ của điện Kremlin để biện minh cho việc Nga đem quân xâm chiếm Ukraina, nhưng tránh yểm trợ Nga về mặt quân sự hay lộ liễu giúp đỡ tài chính. Ngoài việc mua dầu khí của Nga, Trung Quốc không giúp đỡ gì nhiều cho Matxcơva cả. Bắc Kinh không dại gì để bị lãnh đòn trừng phạt phương Tây ban hành ».

Địa chính trị và kinh tế càng lúc càng gắn liền với nhau, theo tầm nhìn của Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, Bắc Kinh càng lúc càng « khó chịu » về chiến tranh Ukraina, bởi lẽ kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá cho tính toán đầy mạo hiểm đó của ông Vladimir Putin.  

Valérie Niquet  : « Trung Quốc sẽ hài lòng nếu như Nga nhanh chóng giành được thắng lợi tại Ukraina bởi vì điều đó sẽ chứng minh cho thế thượng phong của một mô hình chế độ không như của phương Tây. Kịch bản đó đã không xảy ra, mọi việc không tiến triển như mong đợi. Giờ đây chiến dịch quân sự của Nga là một gánh nặng và gánh nặng đó bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Mọi người nói nhiều đến việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để mua vào dầu hỏa của Nga, nhưng đừng quên rằng, Nga chỉ chiếm có 10 % thị trường năng lượng Trung Quốc,  90 % còn lại, Trung Quốc vẫn có các nguồn cung ứng khác. Bên cạnh đó, chiến tranh Ukraina đẩy giá nhiên liệu tăng cao, tác động trực tiếp đến các nhà máy công nghiệp của Trung Quốc. Hơn nữa, chiến tranh Ukraina kiềm hãm thương mại  thế giới. Nga bị trừng phạt nên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thận trọng chờ xem tình hình tiến triển ra sao và nhất là không muốn vì vẫn giao tiếp với Nga để rồi bị Washington xếp vào sổ đen. Trong tầm nhìn của Trung Quốc, thuần túy về mậu dịch, thị trường quan trọng nhất là Mỹ chứ không phải là Nga ».

Nếu như Trung Quốc bực mình vì Nga đã đi sai một nước cờ trên hồ sơ Ukraina để các nước « bạn » của Matxcơva bị vạ lây, trong chiều ngược lại, ở hậu trường, phía Nga cũng đang thất vọng không kém về ông Tập Cận Bình : Trung Quốc chỉ « bảo đảm những dịch vụ tối thiểu (…) ».  Một tờ báo Ấn Độ tiết lộ, tại Uzbekistan vừa qua, tổng thống Vladimir Putin khi nói về Trung Quốc đã thốt lên rằng « những người bạn của nước Nga là những nhà đàm phán đáng gờm ». Giới doanh nhân thân cận với điện Kremlin cũng đã thất vọng không kém.  

Valérie Niquet  : « Qua các cuộc họp thường xuyên, câu lạc bộ Valdai quy tụ các doanh nhân, các nhà đầu tư thân cận với tổng thống Putin, đã bắt đầu bực mình thấy rằng Trung Quốc không đầu tư nhiều vào Nga. Kim ngạch mậu dịch có tăng mạnh nhưng đã không được như ông Putin mong đợi. Matxcơva muốn Bắc Kinh hỗ trợ nhiều hơn nữa, cả về tài chính. Nhưng điều đó hoàn toàn không diễn ra ».

Giáo sư Frédéric Encel đã lưu ý Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải không là « một liên minh » quân sự như NATO, các thành viên chính chức và các quan sát viên của câu lạc bộ này « đối thoại với nhau » đặc biệt là trên vấn đề kinh tế, chia sẻ một số quan điểm về ngoại giao nhưng dứt khoán OCS không phải là một « khối ».

Đó là chưa kể hầu hết mỗi quốc gia trong số này đều đang có tranh chấp lãnh thổ với những thành viên khác. Tiêu biểu nhất là xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, hay giao tranh giữa Kirghizistan-Tadjikistan đã nổ ra, ngay vào lúc tổng thống hai nước cùng đang tham dự thượng đỉnh Samarkand cùng với các ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin.

Lá chủ bài về địa chính trị và địa kinh tế

Báo Nhật Bản The Diplomat ngày 15/09/2022 nêu lên câu hỏi, « thấy gì từ chuyến công du Trung Á của ông Tập Cận Bình, về quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực này ? » Hai đồng tác giả, Brian Wong và Iskander Akylbayev, trả lời :

Trung Quốc từ lâu nay đã chiếu cố Trung Á, mắt xích không thể thiếu trên con đường « Tây tiến » của kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường. Trung Á là một lá chủ bài cả về địa chính trị lẫn địa kinh tế. Ở vào thời điểm này, Bắc Kinh cần trấn an các đối tác trong khu vực vào lúc đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài không còn được « rộng rãi » như xưa, cùng lúc thì nhiều đối tác đã nhận đầu tư của Trung Quốc, như Sri Lanka chẳng hạn, đang rơi vào bẫy nợ.

Về phía các nước Trung Á, hai tác giả bài viết trên tờ The Diplomat ghi nhận : trước đây các nước trong vùng dựa vào Nga về an ninh, quân sự nhưng trông đợi vào Trung Quốc để phát triển kinh tế.

Chiến tranh Ukraina đã làm lung lay nguyên tắc đó : nhiều nước lo sợ khi ủy thác an ninh của chính mình cho« ông anh cả » Putin.

Riêng ông Tập Cận Bình như đã thấy rõ mối lo ngại đó của các đối tác Trung Á, chẳng vậy mà tại Samarkand lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh đến nguyên tắc « tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ » của các thành viên.

Ngoài những tính toán thuần túy kinh tế, Trung Á còn trông thấy những hợp đồng đầu tư với Trung Quốc như những « lá bùa hộ mạng » trước những tính toán chiến lược và chính trị của Nga.  

Vladimir Putin chịu lép vế

 


Vladimir Putin còn thú nhận rằng, về “cuộc khủng hoảng ở Ukraine,” “Chúng tôi hiểu những thắc mắc và mối quan tâm của các người bạn Trung Quốc, và trong cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ giải thích thêm chi tiết cho sáng tỏ.”

Nhưng chỉ vì lỡ gây chiến với Ukraine, Putin đang chịu lép vế trước Tập Cận Bình; bị cả thế giới tẩy chay, phải bám lấy Trung Cộng để bán xăng dầu, khí đốt và mua hàng hóa bị cấm vận.

Gặp Tập Cận Bình lần này, Vladimir Putin lép vế rõ ràng. Xuất hiện tay đôi trong cuộc họp thủ lãnh các nước thuộc Tổ chức Cộng tác Thượng Hải, ở Samarkand, thủ đô nước Uzbekistan, Tập Cận Bình chỉ thân mật gọi Putin là “ông bạn cũ,” cố hữu; còn Putin cố dùng những chữ nồng nàn níu kéo hơn, nói với Bình những lời, “Đồng Chí thắm thiết, Bạn thắm thiết.”

Vladimir Putin còn thú nhận rằng, về “cuộc khủng hoảng ở Ukraine,” “Chúng tôi hiểu những thắc mắc và mối quan tâm của các người bạn Trung Quốc, và trong cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ giải thích thêm chi tiết cho sáng tỏ.”

Nghe Putin nói về Ukraine phải đáng ngạc nhiên! Câu hỏi là: Tại sao Putin cần phân trần về “các thắc mắc và mối quan tâm” của người Trung Quốc? Để làm gì? Nếu hai bên sắp họp với nhau, sẽ có dịp giải thích, thì đâu cần tuyên bố trước công chúng, để ai cũng biết Trung Quốc “thắc mắc” với Putin về vụ Ukraine?

Có thể, trước khi hai lãnh tụ gặp mặt, nhân viên ngoại giao thảo luận, Trung Quốc đã báo trước rằng Tập Cận Bình sẽ than phiền về cuộc chiến ở Ukraine; vì thế người Nga xin để chính Putin sẽ nói, cho bớt căng thẳng.

Nhưng tại sao khi tới Samarkand, ở nước Uzbekistan, mà Tập Cận Bình muốn nói về chiến tranh Ukraine?

Đó là một cách nhắc nhở các nước Trung Á: Coi chừng, Nga có thể cũng gây ra mối họa cho quý vị, giống như ở Ukraine!

Bởi vì bốn nước Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan, và Kyrgyzstan, thành viên của Tổ chức Cộng tác Thượng Hải đang họp tại Samarkand, đều nằm trong Liên bang Xô Viết cũ, giống như Ukraine. Các nước này đều có thể bị Nga kiếm cớ xâm lăng, như Ukraine!

Tập Cận Bình nhắc nhở đến mối đe dọa của Nga để thuyết phục các nước Trung Á kết thân với Trung Quốc. Trước khi đến Uzbekistan, Tập Cận Bình đã ghé thăm Kazakhstan, chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi có bệnh dịch Covid-19. Ông đã hứa hẹn với Tổng thống Kassym-Jomart sẽ giúp bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan, “bất chấp các biến đổi trên thế giới!” Ai cũng hiểu, chỉ nước Nga mới có thể xâm lăng xứ này!

Kazakhstan và Trung Cộng cùng sáng lập Tổ chức Cộng tác Thượng Hải vào năm 2001, sau thêm sáu nước khác. Ông Kassym-Jomart cũng như Tập Cận Bình đều không công nhận hai nước “Cộng Hòa Nhân Dân” ly khai ở Ukraine mà Vladimir Putin đã dựng lên.

Nhiều người Nga sinh sống trong các nước Trung Á từ thời Xô Viết, nay vẫn còn đông. Số người nói tiếng Nga tại Kazakhstan chiếm 18% dân số, phần lớn sống ở phía Bắc, giáp đường biên giới với Nga dài 7,644 km, dài hơn biên giới chạy hướng Đông Tây giữa Mỹ và Canada, 6416 km (biên giới Canada giáp Alaska theo hướng Bắc Nam dài 2475 km).

Ông Putin tự coi mình có bổn phận “bảo vệ những người nói tiếng Nga” ở bất cứ nơi nào. Putin đã gọi Kazakhstan là một “nước nói tiếng Nga.” Ông từng mô tả Ukraine như vậy trước khi tấn công đầu năm nay. Tập Cận Bình đang nhắc nhở mối nguy này với các nước trong vùng.

Các nước từ Kazakhstan đến Uzbekistan, đều cùng một gốc với dân Thổ Nhĩ Kỳ, và cùng theo Hồi Giáo cũng như dân Uygur ở Tân Cương. Cho nên họ đều ủng hộ dân Ukraine, chính thức hoặc ngấm ngầm, trong cuộc chiến đấu chống quân Nga xâm lược.

Năm 2013 Tập Cận Bình đã công bố chương trình Nhất Đới Nhất Lộ (Một vòng đai, Một con đường) tại Kazakhstan. Đó là quốc gia rộng lớn và giàu quặng mỏ nhất trong vùng, còn tồn tại trên “Con Đường Tơ Lụa” xưa kia. Các vương quốc khác ở phía Đông đã bị quân Trung Quốc lần lượt chiếm từ trước Công Nguyên cho tới đời nhà Đường; bây giờ là tỉnh Tân Cương, giáp ranh Kazakhstan với biên thùy dài 1,700 km. Trên Con Đường Tơ Lụa này, đạo Phật từ vùng Gandhara (Bắc Pakistan và Afghanistan bây giờ) bắt đầu được truyền bá qua nước Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất. Các di tích của Đại đế Alexander và các trụ đá của Asoka vẫn còn rải rác trong vùng. Từ thế kỷ thứ 8, đạo Islam cũng theo đường này truyền bá suốt vùng Trung Á, qua tới Trung Quốc.

Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ nối dài đường Hỏa xa Trung Quốc Tốc hành (China Railway Express) xuyên Á châu qua Âu châu, với 11 thiết lộ, từ Kazakhstan qua Iran, Trung Đông, Âu châu và nối cả với vùng Đông Nam Á. Năm 2021 xe lửa đã chuyên chở 15,000 toa tàu công ten (container) đưa hàng hóa từ Trung Quốc qua Kazakhstan, tới các nước Âu châu.

Kazakhstan rất giàu khoáng sản, dầu lửa và khí đốt, chỉ thiếu chuyên gia và kỹ thuật. Từ năm 1991 sau khi tách khỏi Liên Xô, Kazakhstan mua bán với Trung Quốc nhiều thứ nhì, sau nước Nga. Năm 2021, Nga đầu tư trực tiếp vào xứ này nhiều hơn Trung Quốc, 8% so với 7.8% tổng số FDI, theo South China Morning Post nhưng Mỹ và Âu châu vẫn đầu tư nhiều hơn. Các công ty Mỹ như ExxonMobil hay Chevron đã đổ hàng tỷ đô la vào nước này.

Nhưng vì các lý do lịch sử và địa dư, Nga vẫn nắm thế mạnh so với Trung Quốc trong vùng Trung Á. Đầu năm nay, dân Kazakhstan biểu tình, bạo loạn. Putin đã gửi quân Nga qua giúp dẹp loạn, xong đã rút về. Tháng Bảy vừa qua, dân Uzbekistan cũng nổi dậy, bị đàn áp, chết 18 người. Dân Uzbek nói nhiều thổ ngữ, đang dùng tiếng Nga trong công văn, giao dịch thương mại, như dân Ấn Độ dùng tiếng Anh. Trung Cộng có muốn thay thế Nga ở vùng Trung Á cũng phải đợi ít nhất vài ba chục năm.

Nhưng chỉ vì lỡ gây chiến với Ukraine, Putin đang chịu lép vế trước Tập Cận Bình; bị cả thế giới tẩy chay, phải bám lấy Trung Cộng để bán xăng dầu, khí đốt và mua hàng hóa bị cấm vận. Dân Trung Quốc có thể muốn ủng hộ Nga nhưng cũng không thể cứu một nước kinh tế đang xuống dốc, vì chính họ cũng sợ bị Mỹ cấm vận. Chắc chắn Tập Cận Bình cũng không muốn dính líu đến một cuộc chiến tranh đang thất bại, khi thấy quân đội Nga lộ nguyên hình là “Cọp Giấy.”

 

Trung Quốc ngày càng dao động trong việc ủng hộ Nga xâm lược Ukraine

 

Nguồn: Anton Troianovski & Keith Bradsher, “Chinese Support for Putin’s War Looks More Shaky After Summit”, The New York Times, 15/09/2022.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Nghiên Cứu Quốc Tế

Hôm Thứ Năm 15/9/2022, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nói Moskva hiểu rằng Trung Quốc có “nghi vấn và lo ngại” về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đây là một lời thừa nhận đáng chú ý, cho dù khó hiểu, từ ông Putin đối với việc Bắc Kinh có thể không hoàn toàn tán thành Nga xâm lược Ukraine.

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với ông Putin kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã có giọng điệu ôn hòa hơn nhiều so với Tổng thống Nga, và trong các bình luận công khai của mình, ông Tập hoàn toàn tránh đề cập đến Ukraine.

Tóm lại, những nhận xét kể trên là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga thiếu sự hậu thuẫn đầy đủ từ đối tác quốc tế mạnh mẽ nhất của mình [là Trung Quốc], khi Nga đang cố gắng phục hồi sau cuộc tháo chạy bẽ mặt ở đông bắc Ukraine vào tuần trước.

Hai nhà lãnh đạo độc tài đã gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan nhằm thể hiện sức mạnh của mối quan hệ giữa hai nước vào thời điểm sự thù địch với phương Tây và những thách thức đối với chương trình nghị sự của họ đang tăng lên. Cuộc gặp này đặc biệt quan trọng đối với ông Putin, người đang bị Mỹ và các đồng minh cô lập hơn do Nga xâm lược Ukraine.

Chúng tôi đánh giá cao lập trường công bằng của các bạn Trung Quốc trên vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine”, ông Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình khi bắt đầu cuộc họp. “Chúng tôi hiểu sự nghi vấn và mối lo ngại của các bạn về vấn đề này. Tất nhiên, trong cuộc họp hôm nay, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết quan điểm của chúng tôi về vấn đề đó, mặc dù trước đây chúng tôi từng nói về vấn đề này”.

Trong khi gần đây các quan chức Trung Quốc phát biểu miệng một số lời lẽ khen ngợi thông điệp của Nga rằng cuộc chiến ở Ukraine là lỗi của phương Tây, thì khi phát biểu trên truyền hình, ông Tập đã không lặp lại bất kỳ lời nào như vậy. Ông cẩn thận tránh đưa ra bất kỳ sự ủng hộ nào đối với các chính sách cụ thể của Nga, thay vào đó, ông trình bày một cách chung chung quan điểm của Trung Quốc và Nga về thế giới.

Sau cuộc họp, Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng họ “sẵn sàng làm việc với Nga để mở rộng sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau”.

Đó là một giọng điệu hoàn toàn khác với ông Tập hồi đầu tháng Hai, trước khi xảy ra cuộc xâm lược. [Khi ấy] Hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung trước khi bắt đầu Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, mô tả quan hệ đối tác của họ là “không có giới hạn”.

Sự ủng hộ lạnh nhạt của Trung Quốc khiến ông Putin rơi vào tình thế ngày càng khó khăn khi cuộc xâm lược tiến gần đến mốc 7 tháng và ông phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng nhiều từ trong nước Nga về cách ông chỉ huy cuộc chiến.

Sergey Radchenko, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói: Bằng cách cắt đứt mối liên hệ với phương Tây, ông Putin “đã làm suy yếu nghiêm trọng ảnh hưởng của ông đối với Trung Quốc”.

Radchenko nói: “Ông ấy không có nơi nào khác để dựa vào, ngoài Trung Quốc.” “Và người Trung Quốc giỏi nhất về khoản chăm sóc lợi ích của chính họ.”

Trái ngược với những nhận xét thận trọng của ông Tập, ông Putin lên án trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ dẫn đầu; ông cho rằng Bắc Kinh và Moskva liên kết chống lại trật tự đó.

Chúng tôi cùng ủng hộ việc hình thành một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, chứ không dựa trên một số quy tắc mà ai đó đã đưa ra và đang cố gắng áp đặt lên người khác, mà không cần giải thích nó nói về cái gì, ” ông Putin nói với ông Tập.

Khi được hỏi về cuộc gặp thượng đỉnh trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 15/9, Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết “không có gì đáng ngạc nhiên” khi Trung Quốc lo ngại về cuộc chiến.

Ông Price nói thêm: “Có phần kỳ lạ là Tổng thống Putin là người thừa nhận điều đó”.

Trung Quốc đã là một đối tác thương mại quan trọng của Nga trong những tháng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược và khi các quốc gia phương Tây quay lưng lại [với Nga]. Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu một số mặt hàng sang Nga, và trong các tháng 5, 6, 7  họ đã mua từ Nga một lượng dầu kỷ lục.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm rất ít để giúp phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản Nga nhập khẩu công nghệ tiên tiến của phương Tây. Dường như việc vận chuyển vũ khí cho Nga trong năm nay đã bị hạn chế, buộc Moskva phải yêu cầu Iran và Triều Tiên cung cấp thiết bị quân sự.

Ông Putin và ông Tập đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức đa phương, tập trung vào an ninh. Tổ chức này gồm có Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 quốc gia Trung Á. Đối với ông Tập, cuộc họp là một cơ hội để tiếp tục vai trò của ông với tư cách là một chính khách toàn cầu. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông đến Myanmar vào tháng 1 năm 2020.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen