Seite auswählen

50 năm sau hiệp định Paris, một Việt Nam không còn lịch sử

Jackhammer Nguyễn

28-1-2023

Bi kịch Paris

“Hòa bình ơi/ Tình yêu em như sông biển rộng/ Tình yêu em như lúa ngoài đồng/ Tình yêu em tát cạn biển Đông…” Lời bài hát này được nghe trên khắp các thành thị miền Nam Việt Nam, khi nó còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hòa 50 năm trước.

Người sáng tác bài hát đó là nhạc sĩ Thông Đạt, tức Ngô Văn Giảng, nhưng tôi không biết ai là người hát nó đầu tiên trên radio hay TV, chỉ biết rằng nó xuất hiện sau ngày 27-1-1973, ngày hiệp định đình chiến bốn bên được ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Tuy nhiên cuộc chiến không đình được, nỗi khát khao hòa bình trong bài hát nhanh chóng bị dập tắt. Chiến tranh tiếp tục trong hai năm tiếp theo, dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Với độ lùi thời gian nửa thế kỷ, cùng nhiều thông tin mới dần được công bố, nay đã rõ là việc ký kết hiệp định này có nguyên nhân lớn nhất là ý chí của người Mỹ, tìm kiếm một lối thoát trong vũng lầy Việt Nam của họ.

Việt Nam đã không còn là một tiền đồn chống cộng sản có giá trị nữa, chính sách mới của Washington bắt tay với Trung Hoa cộng sản nhằm phân hóa thế giới cộng sản bắt đầu. Tiền đồn của Mỹ bây giờ không phải là Sài Gòn nữa, mà là Bắc Kinh. Vũ khí không phải là ném bom nữa mà là những cái bắt tay thân mật bên cốc rượu Mao đài.

Cuộc chiến hai năm sau hiệp định Paris thực sự là nội chiến, là cuộc chiến giữa những người Việt với nhau, dù rằng cho đến 50 năm sau, cho tới bây giờ Hà Nội vẫn vô cùng “nhạy cảm” với hai từ “nội chiến”. Họ cũng “nhạy cảm” cả với ba từ “ý thức hệ”, lý do chính mà người Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Điều trớ trêu và buồn cười nhất là tính chất ý thức hệ (đấu tranh giai cấp) là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam lớn tiếng hơn ai hết khi họ nắm quyền trên toàn quốc.

Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vì sự yếu kém về tổ chức xã hội, nhà nước, của nó, không phải để chiến đấu, quân đội của họ dựa hoàn toàn vào người Mỹ, mà không sẵn sàng cho một cuộc chiến dựa trên sức mạnh của chính mình. Trong khi đó, xã hội và nhà nước miền Bắc, với mô hình toàn trị, thích hợp hơn rất nhiều lần để tiến hành một cuộc chiến. Vũ khí và tài lực từ Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Hà Nội.

Bi kịch ngày 30-4-1975 của Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi. Bi kịch đó kéo theo bị kịch tù cải tạo với hàng trăm ngàn người lao động khổ sai không án.

Bi kịch đó kéo theo bi kịch thuyền nhân với gần một triệu người liều mình đào thoát khỏi Việt Nam, trong đó không biết bao nhiêu người chết thảm khốc.

Lịch sử và xóa bỏ lịch sử

Người cộng sản Việt Nam đã thắng cuộc chiến quân sự sau bi kịch Paris, nhưng họ đại bại trong cuộc chiến ý thức hệ.

Nước Việt Nam ngày nay không phải là một đất nước sống theo thiên đường cộng sản, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, như trong các kinh điển Mác – Lê. Việt Nam ngày nay là đất nước của cụ già Nguyễn Phú Trọng sửa luật Đảng của chính ông ta để cầm quyền, là đất nước của hơn triệu công nhân bỏ chạy về quê vì đói trong đại dịch 2021, là đất nước của Phạm Nhật Vượng, chuyên thu gom đất đai giá rẻ để làm tỷ phú, và cũng là đất nước của những “thùng nhân” chết đông lạnh ở Anh.

Họ thất bại trong ý thức hệ, nhưng có thể họ đang thắng trong việc xóa bỏ lịch sử, ít nhất là đối với mấy chục triệu dân trong nước.

Tôi không nghĩ rằng có hơn 50% dân chúng Việt Nam trong nước biết Hiệp định Paris là cái gì! Dĩ nhiên họ cũng chẳng biết tới trại tù cải tạo khổ sai, không biết cả thảm họa thuyền nhân.

 

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973. Nguồn: Getty Images

Báo chí tuyên truyền của Đảng nói với họ rằng, có mấy triệu người Việt sống ở phương Tây, “lúc nào cũng hướng về tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (sic). Nhưng tại sao mấy triệu người ấy có mặt ở phương Tây? Báo chí và sách vở của Đảng … cứ làm như không biết!

Mấy ngày gần đây, báo chí Việt Nam cũng góp lời ca tụng hai diễn viên được đề cử giải Oscar danh giá ở Mỹ, có liên quan đến Việt Nam, là ông Quan Kế Huy và bà Hồng Châu. Họ ca tụng vì cả hai người đều được xem là người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên báo Đảng cắt bén đi cái lý lịch thuyền nhân của họ.

Mà không chỉ trong câu chuyện với hai người này, những cái từ như là thuyền nhân, trại cải tạo… cũng biến mất tăm ở Việt Nam ngày nay, dù rằng nó là một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc.

50 năm hiệp định Paris, Việt Nam đi từ một nền hòa bình tưởng tượng, cho đến một tương lai bất định, trên nền của một dân tộc 100 triệu dân bị xóa bỏ lịch sử.

Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973 — 27-1-2023)

 

Đỗ Kim Thêm

Tiếng Dân

26-1-2023

Ảnh chụp tại buổi lễ ký kết Hiệp Định Paris. Nguồn: RFA

Nội dung Hiệp định

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, gồm có 9 chương và 23 điều khoản. Nội dung mà Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ VNDCCH, Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTMNVN đồng thuận không phải là thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua, mà nhằm quy định việc ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam, QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại, Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ, VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Theo dự kiến, sau đó, miền Bắc và miền Nam bàn bạc và thoả thuận việc Việt Nam thống nhất, từng bước sẽ được thực hiện trên cơ sở không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài.

Ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris, bất cứ một người dân Việt bình thường nào cũng nhận ra là Bắc Việt chiếm trọn mọi ưu thế và thành công trong việc lừa đảo được Henry Kissinger.

Nhìn chung, Bắc Việt và MTGPMN  ba thắng lợi chính: Một là, toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là, công nhận sự hiện diện của 140.000 quân chính quy QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ “ma” MTGPMN; ba là, quy chế khu phi quân sự sẽ không được luật quốc tế công nhận và không ai sẽ can thiệp khi vi phạm.

Dù kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, nhưng VNCH thất bại nặng nề, vì không có tiếng nói chính thức trong hội nghị. Hai mục tiêu duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ QLVNCH và trục xuất binh sĩ QĐNDVN ra khỏi miền Nam đều không có kết quả.

Trong một mật ước với Hà Nội, Tổng thống Richard Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho miền Bắc và sẽ không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia.

Hoa Kỳ tự cho mình thắng lợi khi mang binh sĩ hồi hương, một lối thoát trong danh dự mà Tổng thống Kennedy và Johnson không đạt được. Tổng thống Nixon buộc Hà Nội phải từ bỏ yêu sách là một chính phủ liên hiệp không có chính quyền Tổng thống Thiệu tham gia và công nhận chính phủ VNCH là một thực thể chính trị để đối thoại.

Tổng thống Nixon ý thức về khó khăn của việc thực hiện Hiệp định vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam và việc tiếp tục ném bom miền Bắc trong tương lai là khó khả thi.

Khi cải thiện bang giao Nga-Hoa, Tổng thống Nixon mở rộng được các ưu thế dành cho Hoa kỳ, nên các áp lực quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam giảm đi đáng kể; dù vậy, ông vẫn còn nhiều lo âu về mật ước với Tổng Thống Thiệu.

Riêng Kissinger, vốn dĩ không dành thiện cảm cho VNCH và quan tâm đến tương lai của miền Nam, nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ông tiên đoán sẽ có một khoảng cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của miền Nam. Khi được hỏi, miền Nam sẽ còn sống được bao lâu sau ngày ngưng bắn, ông trả lời:Nếu may mắn, chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưi.” 

Dù tiên đoán Hà Nội không tôn trọng Hiệp định và miền N am sụp đổ, tại sao Kissinger không chuẩn bị các biện pháp khác nhằm ngăn chặn các hậu quả tàn khốc này? Đây là câu hỏi mà mọi người Việt miền Nam đặt ra, nhưng không được Kissinger trả lời.

Do sự im lặng này mà hầu hết người miền Nam nguyền rủa Kissinger đã phản bội VNCH và xem nhẹ các giá trị sống còn của miền Nam, vô đạo đức không thể tha thứ, khi đem Hiệp định Paris làm một món quà triều cống cho Trung Quốc.

Kissinger luôn né tránh biện minh trách nhiệm đạo đức cá nhân và những sai lầm trong Hiệp định. Ông tiếp tục đổ trách nhiệm cho chính quyền và dân chúng miền Nam là những người có quyền tự do tự định đoạt số phận của mình. Về trách nhiệm của phía Mỹ, ông dẫn chứng là Nixon bị buộc phải từ chức sau vụ Watergate và Quốc hội còn không muốn tiếp tục viện trợ cho VNCH.

Giải Nobel Hoà bình cho Hiệp định Paris

Ngay trong thời điểm ký kết cũng như về sau, công luận quốc tế luôn nghi ngờ thiện chí hiếu hoà nghiêm chỉnh của Bắc Việt và giá trị thi hành của Hiệp định. Gần đây, Uỷ ban Nobel Hoà bình đã tiết lộ nhiều chi tiết mới trong việc quyết định trao giải cho Kissinger và Lê Đức Thọ, hai nhà đàm phán Mỹ và Hà Nội.

Hai ngày sau khi ký kết hiệp định Paris, John Sanness, học giả, thành viên người Na Uy của Ủy ban đã đề cử Kissinger và Lê Đức Thọ được nhận giải. Lập luận chính của Sanness là: “… điều tích cực là các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt xung đột vũ trang giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ, … trong thời gian tới người ta mới hiểu rõ (loại) ý nghĩa mà các hiệp định sẽ có trong thực tế”. Ông Sanness qua đời năm 1984.

Quyết định trao giải đã bị hai trong số năm thành viên của Ủy ban phản đối và từ chức. Hiện nay, tất cả thành viên này đã qua đời.

Khi nhìn lại việc quyết định trao giải trong toàn cảnh, ông Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, đã nhận xét là Ủy ban cũng đã nhận thức được hiệp định: “không có khả năng được giữ vững, … ngạc nhiên hơn lúc đó ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy…. vì đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam… mà không có bất kỳ giải pháp hòa bình nào ở Nam Việt Nam.”

Việc Lê Đức Thọ nhận giải có chi tiết khác: “… vì Uỷ ban không thể trao cho một mình Kissinger… sau đó họ bổ sung thêm Lê Đức Thọ, người mà họ biết rất ít.”

Khi được tin đề cử nhận giải, ông Thọ có gởi điện văn từ chối với nội dung: “Khi hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, không còn tiếng súng và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này”.

Một chi tiết khác là Kissinger muốn trả lại giải ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ. Qua một bức điện gởi tới Ủy ban, ông bày tỏ: “hòa bình mà chúng tôi tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán đã bị đảo lộn bằng vũ lực”.

Nhưng Ủy ban quyết định không nhận lại giải thưởng. Cho đến nay, Kissinger không bình luận gì về các nguồn tin mới này.

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris tại Việt Nam

Dù ý nghĩa của việc tái lập hoà bình cho Việt Nam qua Hiệp định không còn nữa khi Bắc Việt đã công khai vi phạm hưu chiến, nhưng ngày 13 tháng 1 năm 2023, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức chương trình “Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Tham dự buổi gặp gỡ hữu nghị này có 26 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia. Các tham dự viên là những người đã ủng hộ cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến.

Trong thông điệp gởi tới cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh “… Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Nhân dịp này, Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Phan Anh Sơn khẳng định: “Hiệp định Paris là chiến thắng của “lương tri”, của niềm tin vào chính nghĩa, là chiến thắng của nhân dân Việt Nam ….”

Ngày 16 tháng 1 năm 2023, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Tham dự hội thảo có khoảng 350 đại biểu. Đa số thuộc giới lãnh đạo, các nhân chứng lịch sử, đại diện thành viên hai đoàn đàm phán, các nhà khoa học và chuyên gia.

Hội nghị kết thúc với khẳng định: “Hiệp định Paris tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam”.

Có hai điều đáng chú ý trong hai buổi lễ này. Thứ nhất, không còn ai nhắc đến hai lời hứa long trọng cho tương lai tươi sáng của miền Nam trong khi Bắc Việt và MTGPMN nỗ lực ngoại vận tại Paris.

Thủ tướng Phạm văn Đồng tuyên bố với báo Le Monde ngày 18 tháng 5 năm 1972 là: “Miền Nam sẽ phải chuyển đổi dần dần để giảm bớt những khác biệt. Với thời gian, thống nhất đất nước sẽ tự nó đến. Thời gian sẽ là một yếu tố quyết định. Để thành công, cần phải có một lịch trình khá mềm dẻo”.

Sau đó, cùng một lập trường, ngày 11 tháng 9 năm 1972, Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN long trọng cam kết tại Paris là, “sẵn sàng đi đến một hiệp định mà miền Nam sẽ không bị áp đặt dưới một chế độ cộng sản hoặc một chế độ do Mỹ tài trợ.”

Hiệp định Paris có ghi rõ các nguyện vọng này của bốn bên:

Điều 11: “hai bên sẽ thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với bên này hay bên kia, bảo đảm các quyền căn bản của người dân”.

Điều 15: ”thực hiện thống nhất từng bước trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào.“

Thứ hai, nội dung hội thảo kỷ niệm 50 năm này hoàn toàn giống với Hội thảo khoa học “50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968-2018) – Tầm vóc và bài học lịch sử” được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26 tháng 1 năm 2018.

Cuối cùng, Hội thảo 2018 cũng khẳng định tương tự, có nghĩa là, nêu cao ý nghĩa lịch sử và tôn vinh những đóng góp to lớn của đảng viên và nhân dân trực tiếp chiến đấu, không ai nhắc đến việc thảm sát hơn 5000 dân Huế vô tội.

Nhìn chung, các hội nghị khoa học đã khép lại quá khứ lịch sử một cách có khôn ngoan chọn lọc. Thảm sát thường dân Huế và vi phạm Hiệp định Paris không phải là sự thật lịch sử và là bài học cho thế hệ hậu chiến.

Kết luận

Hiệp định Paris đã thuộc về quá khứ khi nửa thế kỷ trôi qua. Nhìn lại thời gian lắng đọng, chúng ta có những lý do chính đáng để không tham gia mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết mà cần tỉnh thức:

Một là, chúng ta cùng nhau thành tâm tưởng niệm cho các những người của hai miền đã nằm xuống và không còn cơ hội để nhận ra ý nghiã đích thực và cao cả về công cuộc đấu tranh và Hiệp định Paris.

Hai là, đảng tiếp tục dành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Hiệp định Paris không bao giờ là một minh chứng cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc. Đảng đã lừa dối được Mỹ, công luận thế giới, đồng bào miền Bắc và miền Nam về ý nghĩa đấu tranh. Đảng vi phạm hưu chiến, gây bao tang tóc cho nhân dân miền Nam và toàn dân đại bại vào năm 1975.

Ba là, Việt Nam đã được một mục tiêu thống nhất lãnh thổ, những vẫn chưa thành công trong việc kiện toàn độc lập, hoà giải và hoà hợp dân tộc. Đó chính là ý nghĩa mà nhân dân mong muốn. Bối cảnh đất nước thay đổi, nhiều giông bão đang khởi đầu.

Bốn , đã đến lúc thế hệ hậu chiến phải đứng lên đảm nhận trách nhiệm chính trị trước lương tâm và lịch sử để hoàn thành giấc mơ thanh bình và thịnh vượng của toàn dân. Lịch sử đang nhìn chúng ta và chờ đợi một khởi đầu mới huy hoàng cho đất nước, mà mục tiêu trước mắt là toàn thể người dân quyết định quyền dân tộc tự quyết thông qua các cuộc bầu cử tự do.

50 năm Hiệp định Paris: Những điều không được nói tới trong tuyên truyền của Việt Nam

 

Năm mươi năm trước, Chiến tranh Việt Nam đạt tới một bước ngoặt lịch sử vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 khi bốn bên gồm Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam), Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) kí kết Hiệp định Paris với mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Hiệp định Paris 1973: Diễn tiến, Nội dung và Hiện trạng

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen