Seite auswählen

„Việt Nam là một nước bị tổn thương ở khu vực sông Mekong và là nước “đóng vai trò thiết yếu và tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực then chốt” trong lộ trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (MUSP).“

Bản đồ thể hiện dòng chảy của Mekong từ thượng nguồn Trung cộng tới các nước Tiểu vùng sông Mekong ở hạ lưu RFA

 

Khu vực sông Mekong là vùng chịu nhiều thương tổn, trong đó có những thương tổn do mạng lưới đập thủy điện do Trung cộng xây dựng trên thượng nguồn. Hôm 8/3/2023, Stimson Center tổ chức ra mắt Báo cáo “Đối thoại chính sách về các giải pháp thuận theo tự nhiên”, một chương trình nằm trong khuôn khổ “Lộ trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (Mekong-US Partnership, viết tắt là MUSP) của Chính phủ Hoa Kỳ, các nước Tiểu vùng Sông Mekong và các đối tác. MUSP là một phần của chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ.

 

Mặc dù là nước góp phần gây ra các thương tổn trong vùng sông Mekong, Trung cộng phản đối chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ, một chính sách thúc đẩy hợp tác dựa trên các giá trị minh bạch, pháp quyền và xây dựng lợi ích chung. Việt Nam là một nước bị tổn thương ở khu vực sông Mekong và là nước “đóng vai trò thiết yếu và tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực then chốt” trong lộ trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (MUSP).

 

 Viện trợ của Hoa Kỳ đối với các nước tiểu vùng sông Mekong 

 

Trung cộng từ lâu đã hoàn thành 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Năm 2020, vùng hạ lưu sông Mekong chứng kiến một đợt hạn hán, khô hạn nghiêm trọng, hủy hoại nông nghiệp trong vùng. Báo cáo của Ủy hội Sông Mekong năm đó cho biết một phần do hạn hán nhưng cũng do Trung cộng đã giữ nước lại trên các con đập. 

 

Thời gian đó, sau khi các nước hạ nguồn chịu đựng đợt thiếu nước đến mức không còn khả năng phục hồi, trước sự phê phán của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, Trung cộng có xả một ít nước và tuyên bố mình có thiện chí. 

 

Trung cộng công bố không đầy thông tin thủy văn liên quan đến 11 con đập của mình ở thượng nguồn. Ủy hội Sông Mekong và nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng đã kêu gọi Trung cộng tăng cường minh bạch thông tin và hợp tác. 

 

Cùng năm đó, “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông” (LMI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa các đập thượng nguồn Mekong của Trung cộng với sự sụt giảm nguồn nước ở hạ lưu.  “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông” (“Lower Mekong Initiative”, viết tắt là LMI) được thành lập để hưởng ứng cuộc gặp ngày 23 tháng 7 năm 2009 giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ngoại trưởng các nước Hạ lưu sông Mê Kông — gồm Việt Nam, Miến Điện, Campuchia, Lào, và Thái Lan — tại Phuket, Thái Lan. Khi đó, các Bộ trưởng Ngoại giao đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.

 

Năm 2020, trong bối cảnh các tổ chức, chuyên gia quốc tế lo ngại về tác động của hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn của Trung cộng tới vùng hạ lưu sông Mekong, Bộ Ngoại giao Mỹ nâng cấp “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông” (“Lower Mekong Initiative”, viết tắt là LMI) lên thành chương trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (Mekong-US Partnership, viết tắt là MUSP). 

 

Trao đổi với RFA về lý do LMI được nâng cấp lên thành MUSP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sau 11 năm hợp tác và đạt nhiều tiền bộ thông qua LMI, các nước tiểu vùng sông Mekong và Hoa Kỳ thấy cần phải mở rộng hợp tác trước những thách thức, và cả cơ hội mới.

 

Cả LMI và MUSP đều là cách Chính phủ Mỹ thể hiện cam kết hỗ trợ phát triển bền vững với người dân tiểu vùng sông Mê Kông. Riêng MUSP thực thi “Phương pháp tiếp cận toàn chính phủ” (Whole-of-Government Approach  – WGA) để hỗ trợ quyền tự chủ, nền độc lập về kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững của các quốc gia đối tác trong khu vực Mekong. “Phương pháp tiếp cận toàn chính phủ” là cách thực hiện các hoạt động chung, được phối hợp bởi nhiều bộ ngành, cơ quan hành chính công và cơ quan công vụ khác nhau, nhằm đưa ra giải pháp chung cho từng vấn đề cụ thể hoặc một loạt vấn đề có liên quan với nhau. MUSP cũng đóng vai trò là một cơ chế quan trọng để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới như buôn người, y tế công cộng, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với thiên tai.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho RFA biết từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 4,3 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại song phương và khu vực cho năm quốc gia đối tác Mekong. Trong đó bao gồm việc cung cấp 4,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 và hơn 80 triệu đô la hỗ trợ COVID-19.

 

Phát biểu tại buổi ra mắt Báo cáo trực tuyến hôm 8/3, TS. Brian Eyler ở Stimson Center cho biết “Chuỗi Đối thoại Chính sách MUSP Track 1.5” là một trong những sáng kiến hàng đầu của MUSP. Nó bao gồm bảy cuộc đối thoại trực tuyến và trực tiếp từ năm 2021 đến năm 2023, tập trung vào các thách thức về xây dựng chính sách cho phát triển bền vững mà Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan phải đối mặt. Các nghiên cứu của Stimson Center đối với vấn đề Mekong xây dựng chính sách theo hướng “quản trị thuận theo tự nhiên” để giải quyết các vấn đề của sông Mekong. “Quản trị thuận theo tự nhiên” là kết hợp các quá trình tự nhiên vào quá trình phát triển, để có thể bảo vệ tài nguyên,  thúc đẩy thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ lũ lụt, cải thiện chất lượng nước, bảo vệ vùng ven biển, phục hồi và bảo vệ vùng đất ngập nước, giảm nhiệt vùng đô thị… cho các cộng đồng địa phương trên khắp tiểu vùng sông Mê Kông.

 

 

Vai trò của Việt Nam trong chương trình MUSP 

 

Trao đổi với RFA, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Việt Nam, giống như các thành viên khác của MUSP, đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên. Về lợi ích của chương trình MUSP đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam ngày càng dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu, bằng chứng là thiên tai đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp vào năm ngoái. USAID (Cơ quan Viện trợ Quốc tế Hoa Kỳ) đã tiến hành đánh giá chi tiết các rủi ro và tác động của khí hậu ở cấp địa phương, khả năng các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu để bảo vệ cộng đồng trước các rủi ro liên quan đến vấn đề hệ trọng này. Việt Nam từ trước tới nay luôn hành động vì tầm quan trọng của khu vực Mekong, kể cả trong thời gian nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.”

 

Trả lời câu hỏi của RFA về chương trình ưu tiên của MUSP sắp tới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các quốc gia đối tác của MUSP đã xác định an ninh lương thực là vấn đề ưu tiên cần hành động tiếp theo, vì hơn 60 triệu người ở Hạ lưu vực sông Mê Kông phụ thuộc vào hệ sinh thái sông Mê Kông đang hoạt động để đảm bảo an ninh lương thực và nước. Vì vậy, MUSP đã xây dựng nhiều sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác an ninh lương thực, chẳng hạn như Dự án Phát triển Giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dự án thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các quốc gia trong Khu vực sông Mekong thông qua phát triển năng lực của các định chế chính trị xã hội giáo dục cho nghiên cứu và sáng tạo đổi mới.

Cựu Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng các nước “Đối tác Mekong – Hoa Kỳ” (MUSP) 11/9/2020. Ảnh: TTXVN

 

Trung cộng đe dọa

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho RFA biết rằng các hoạt động hợp tác của nước này với các nước ở Tiểu vùng sông Mekong trong đó có Việt Nam cũng nằm trong tầm nhìn lớn hơn là phát triển một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. 

 

“MUSP được định hướng bởi các giá trị – bao gồm tính minh bạch, quản trị tốt và tôn trọng pháp quyền. Những vấn đề này cũng đã được nêu trong Tầm nhìn của ASEAN (the ASEAN Outlook) về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó cũng góp phần củng cố cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Việc hỗ trợ quyền tự chủ, độc lập kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững của các quốc gia đối tác tiểu vùng Mekong là điều cần thiết cho sự thống nhất và tính hiệu quả của khối ASEAN. Bằng cách xây dựng chương trình MUSP, Hoa Kỳ muốn đồng hành với các đối tác trong tiểu vùng sông Mekong đối mặt với những thách thức quan trọng nêu trên trong khu vực.” 

 

Là quốc gia xây dựng 11 con đập ở thượng nguồn sông Mekong, góp phần gây ra rủi ro về nguồn nước và an ninh lương thực cho các nước hạ lưu của dòng sông, trong đó có Việt Nam, nhưng Trung cộng đã có phản ứng với tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà trong đó chương trình “Hợp tác Mekong – Hoa Kỳ” (MUSP) là một bộ phận. 

 

Hôm 7/3, trước buổi ra mắt Báo cáo của Stimson Center nêu trên, cả Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Tần Cương đã đồng thanh lên án Hoa Kỳ “can thiệp” vào khu vực. Tập Cận Bình nói: “Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã ngăn chặn, bao vây và đàn áp chúng ta toàn diện, đem lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta.” Còn Ngoai trưởng Tần Cương thì chỉ trích hàng loạt chính sách của Hoa Kỳ, trong đó nêu đích danh chính sách Án Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Tần Cương cũng cảnh cáo nếu Hoa Kỳ không dừng lại thì sẽ có “xung đột và đối đầu”. 

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với RFA về phản ứng của Trung cộng 

Đối với phát ngôn của Ngoại trưởng Trung cộng Tần Cương hôm 7/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trả lời RFA: 

“Tiểu vùng Mekong thu hút sự hợp tác và hỗ trợ phát triển của nhiều nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Trung cộng. Mỗi nước có cơ chế hợp tác riêng, tương tự như chương trình “Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ” (MUSP). Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác và đồng minh của mình để điều phối và giảm thiểu xung đột, tăng cường các nỗ lực vì lợi ích của tiểu vùng sông Mê Kông, giải quyết các thách thức xuyên quốc gia và cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, kết nối kinh tế và phi lợi nhuận. an ninh truyền thống. MUSP thúc đẩy một Mekong tự do, cởi mở, kết nối, kiên cường, thịnh vượng và an toàn, phản ánh các nguyên tắc cốt lõi trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi.”

 

Trả lời câu hỏi của RFA về lý do Ngoại trưởng Trung cộng phát ngôn như vậy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng câu hỏi này nên được gửi tới phía Trung cộng, còn về phía Mỹ, “chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các trụ cột cốt lõi trong chiến lược Trung cộng của mình: “Đầu tư, Liên kết, Cạnh tranh”. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm, bao gồm cả việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với CHND Trung Hoa, ngay cả trong thời điểm căng thẳng.”

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh nước Mỹ “không có ý định, cũng như không mong đợi những nước khác ngừng hợp tác với Trung cộng. Chúng tôi hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để đảm bảo rằng CHND Trung Hoa tuân thủ các quy tắc giống như mọi quốc gia khác. Như đã thể hiện trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi, chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè, bao gồm cả Việt Nam, để mang lại kết quả mà mọi người trong khu vực mong muốn, từ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID, giải quyết biến đổi khí hậu, đến thúc đẩy kinh tế phồn vinh. Chúng tôi tiếp tục cam kết hợp tác để đảm bảo một tương lai thịnh vượng và an toàn cho tất cả các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

 

RFA (11.03.2023)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen