Seite auswählen

Leo lên được chức đó thì nó không hiền đâu em!

Chu Mộng Long

18-4-2023

Thật ngây ngô khi có nhiều trí thức tỏ ra tiếc nuối cho tài năng Nguyễn Quang Tuấn bị sa lưới pháp luật. Một tài năng được đi du học ở nước ngoài, được đánh giá như là… nếu không có ông ta, nhiều người sẽ chết vì tim mạch! Nhiều người còn chiêu tuyết cho tài năng, rằng thì là, làm quan trong cơ chế này ai cũng phải tham nhũng. Cơ chế mà họ nói không chỉ là cơ chế chung mà cụ thể ở đây là cơ chế thầu trang thiết bị y tế.

Ảnh: Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh trên mạng

Bề ngoài những lời tiếc nuối, những lập luận chiêu tuyết tưởng có lý, nhưng rất cảm tính đến vô lý.

Đi du học thì sao? Kim Jong Un chẳng phải du học ở nước dân chủ để trở về Triều Tiên thành nhà độc tài? Vô số con ông cháu cha đi du học về làm gì, ngoài kế thừa bố mẹ chúng, không làm quan thì cũng làm đại gia bằng cách phá nát cái đất nước này? Theo tôi, với thành phần đó, bất tài thì tham lam trắng trợn, nếu có tài năng thì thành lưu manh và tham lam trá hình với nhãn hiệu nhân văn, nhân đạo. Đằng nào cũng phá hoại hơn là có ích!

Ừ thì do cơ chế. Một cơ chế lỏng lẻo như trước đây, đúng là cái cửa mở toang hoác cho các dự án, đặc biệt là các gói thầu chui hết vào bụng quan. Nhưng chuyện gì xảy ra khi nhà nước siết cơ chế? Chỉ một Nghị định siết cơ chế đấu thầu mà từ Nam chí Bắc, các quan chức y tế đã đồng loạt “đình công”, hô hoán không thể nhập thuốc, nhập vật tư, mặc cho con bệnh nằm chờ chết để gây áp lực Chính phủ mở cửa cơ chế như cũ.

Do cơ chế thì sao chính nhà nước lại tóm cổ các nhóm lợi ích này vào lò?

Tham lam là cái gene truyền thống Việt. Cái truyền thống giáo dục toàn rao giảng đạo đức giả, nhân văn giả, cho nên mỗi cá nhân luôn bộc phát tham vọng, từ chạy đua quyền lực đến tham lam, vơ vét vô độ cho cái túi tham của mình.

Nhớ một lần, ngồi nói chuyện với thầy cũ của tôi. Tôi khoe ông bạn đồng môn đã lên sếp và khen anh ta hiền. Cũng là học trò của thầy, nhưng thầy cười rất mỉa mai: “Nó đã leo lên đến chức đó thì nó không hiền đâu em!” Có nghĩa là những người này đã tham từ gốc bằng con đường chạy quan chứ không phải do làm quan mới tham. Người ta đã tham ngay từ khi chưa làm quan chứ không phải làm quan rồi mới tham. Tôi không tin có cái gọi là “tha hóa quyền lực”!

Một lần tôi hỏi một đồng nghiệp: “Mày đua quan để làm gì?” Anh ta nói: “Vì dân vì nước!”. Tôi chửi: “Dối! Vì dân vì nước thì hy sinh ở chiến trường, không phải đua quan!”

Tóm lại là, anh ta phải như thế nào mới được cất nhắc, bổ nhiệm. “Như thế nào” ấy không thể là phẩm chất đạo đức tốt và tài năng xuất chúng.

Với tôi, thằng quan nào vào lò cũng đều đáng ghét. Không thương tiếc được! Tài năng như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát,… mắc tội chống triều đình thối nát phải gặp họa tru di thì mới đáng chiêu tuyết, chứ đủ bằng chứng tham lam vô độ thì có oan đâu mà chiêu tuyết?

Nói thêm về chuyện ông Tuấn “Tim”

Quan Thế Dân

20-4-2023

Ông Tuấn “Tim” ra tòa. Dư luận lại xôn xao lên. Kể cũng lạ. Ngành này tưởng dân tình chán không muốn nói nữa vì quá tệ rồi, ai đời mà cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng đều bị bắt vì tham nhũng, thì một giám đốc có là cái gì đâu mà dư luận để ý thế. Vì thế dư luận xôn xao lên là ắt phải có lý do.

Có phóng viên của một báo lớn hỏi cảm nghĩ của tôi về việc này. Tôi bảo tôi chán không muốn nói nữa, vì đã nói hết rồi. Tuy nhiên rồi đọc dư luận trên mạng lại thấy bứt rứt phải ngồi vào viết. Vì nhiều người bên ngoài không nắm được sự việc nhưng bình luận chém đá chặt sắt như đúng rồi, đầy vẻ hả hê. Cũng nhiều bình luận non nớt kiểu “bắt người giỏi chuyên môn đi làm quản lý” để biện minh.

Đầu tiên phải nói rõ về cái nickname “Tuấn Tim”. Xin thưa đấy là cái biệt danh mà giới truyền thông gán ghép cho Bs Tuấn, chứ trong ngành chúng tôi chẳng ai gọi như thế cả. Vì trình độ tim mạch như Bs Tuấn trong ngành y cũng không phải quá hiếm để đến độ phải đặt thành biệt hiệu. Ví dụ như bậc thầy về ngoại khoa tim mạch là Gs Đặng Hanh Đệ, bậc thầy về nội khoa tim mạch là Gs Phạm Gia Khải, Trần Đỗ Trinh… mà trong ngành còn không ai gọi các thầy kèm với danh xưng “Tim” thì Bs Tuấn tuổi gì. Chỉ có mấy anh chị phóng viên bên ngoài cứ thích nâng vấn đề lên thôi thì mới thành cái biệt hiệu đó.

Thứ hai là chuyên ngành của Bs Tuấn là nội khoa tim mạch, sau đó được tu nghiệp ở nước ngoài về tim mạch can thiệp. Nghành tim mạch can thiệp nói đơn giản là sửa chữa các bệnh lý về mạch vành, về van tim thông qua các dụng cụ đi vào tim qua đường mạch máu, không cần phải mổ. Tim mạch can thiệp có thể nói là một tiến bộ của điều trị tim mạch, nằm giữa nội khoa và ngoại khoa. Như vậy Bs Tuấn không phải là bác sĩ ngoại khoa. Nhiều người mấy ngày nay cứ bình luận về chuyện run tay không cầm dao mổ tim… nên phải nói lại cho rõ.

Vào giữa những năm 1990 khi kinh tế bắt đầu khá lên, ngành y VN lúc đó cử hàng loạt bác sĩ trẻ đi du học các nước Âu Mỹ để tiếp thu các kỹ thuật mới. Rất nhiều người trong số đó sau này đã thành danh và là trụ cột của ngành y hiện nay. Bs Tuấn là một trong số đó. Anh là một trong vài bác sĩ trẻ của Bv Bạch Mai được học kỹ thuật can thiệp tim mạch sớm nhất và nhanh chóng trưởng thành.

Nói thật, bệnh viện Bạch Mai là một mảnh đất tốt cho học thuật, có thầy giỏi, có bệnh nhân hay, có phương tiện hiện đại nhất… nên chỉ trừ những người quá lười, còn tất cả những ai có chí tiến thủ thì chỉ ở đó một thời gian sẽ có bằng tiến sĩ và vài năm sau sẽ là Phó Giáo sư. Nhưng chính vì có quá nhiều người tài như vậy nên Bệnh viện Bạch Mai không phải là nơi tốt để thăng tiến. Hiểu điều đó nên sau khi đã trưởng thành, Bs Tuấn chuyển về Bệnh viện Tim Hà Nội, lúc đó do Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Mão làm giám đốc.

Lại nói về Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Văn Mão. Hình như năm chúng tôi vào trường y thì anh Mão vừa tốt nghiệp nội trú ngoại. Trời ơi, các bạn ngoài ngành không hiểu được đâu, với dân ngành y, các danh xưng nội trú Việt Đức hay nội trú Bạch Mai nó danh giá lắm, gần như là không phải để nói về lũ bác sĩ người trần mắt thịt, mà để nói về các siêu nhân. Anh Mão là một người như thế. Trong mắt đám sinh viên y khoa chúng tôi anh Mão là một tượng đài về tài năng. Chúng tôi ngưỡng mộ anh chỉ kém anh Bách (Gs Tôn Thất Bách) một tý.

Anh Mão là bác sĩ ngoại khoa đầu tiên của Việt Đức được sang Pháp du học khi Việt Nam mới mở cửa. Thế mà không hiểu sao đến tận khi về hưu anh vẫn chỉ có học vị là thạc sĩ. Hình như giận dỗi gì đó. Nghe đồn có giai thoại là phòng sau đại học của Y Hà Nội nài nỉ anh về hoàn thiện nốt hồ sơ để cấp bằng tiến sĩ mà anh không chịu về. Cũng như hồi xưa, anh Bách hay chạy con xe cá vàng 103 vào trường y dạy bác sĩ chuyên khoa 2 mà anh lại cười hề hề nói với bọn tôi: “tao mới có bằng chuyên khoa 1 thôi”.

Khi Bs Tuấn chuyển về Bệnh viện Tim Hà Nội, do giám đốc là dân ngoại khoa nên bệnh viện này hầu như chỉ hoạt động ngoại khoa, chỉ mổ tim. Mổ tim tốn kém nên số ca mổ cả năm không nhiều. Bệnh viện cũng ít tiếng tăm. Bs Tuấn là dân nội khoa, nên khi về bệnh viện này đã bổ sung cho mặt điều trị nội khoa tim mạch. Từ thời điểm này Bệnh viện Tim Hà Nội mới phát triển cân đối, đi bằng cả hai chân, ngoại khoa và nội khoa, hai ngành này bổ trợ cho nhau. Nói thật khi trước mấy bệnh viện đầu ngành y nhưng phát triển lệch, kinh bỏ mẹ. Nội khoa can thiệp cứ đè con nhà người ta ra nong nong mạch vành, thế nhỡ rách thủng ra đấy thì làm sao, ai mổ cấp cứu cho.

Chính mảng điều trị nội khoa tim mạch đã kéo số đông bệnh nhân đến với Bệnh viện Tim Hà Nội. Bệnh viện đã thành một trung tâm tim mạch hoàn chỉnh. Khám điều trị các bệnh tim mạch bằng thuốc. Khi nào có bệnh mạch vành, bệnh van tim thì can thiệp nong đặt stent, đặt van nhân tạo… Ca nào khó quá thì chuyển qua phẫu thuật hở. Bệnh nhân đến khám rất đông, Bệnh viện Tim Hà Nội trở nên nổi tiếng, có khi còn đe soán ngôi cả Việt Đức, Bạch Mai. Khi anh Mão về hưu thì Bs Tuấn lên làm giám đốc.

Lúc này mới thể hiện tài năng lớn nhất của Bs Tuấn, chính là quản lý. Ngạc nhiên chưa! Lâu nay có luồng dư luận ấu trĩ là bắt bác sĩ giỏi chuyên môn sang làm quản lý nên mới mắc sai lầm. Nhầm to nhé. Chẳng ai bắt cả. Mà phải phấn đấu trầy vi tróc vẩy mới được lên làm quản lý. Không hẳn người ta cố leo lên làm quản lý vì máu tham như có ai đó suy nghĩ một cách tầm thường gán ghép đâu. Mà đó là chí làm trai. Người có tố chất lãnh đạo sẽ bằng mọi cách vươn lên đứng đầu một tổ chức, không chịu dưới trướng ai. Để tự do thi triển những hoài bão của mình.

Bs Tuấn cũng vậy. Từ ngày anh lên làm giám đốc, Bệnh viện Tim thay đổi hẳn. Từ việc tổ chức lại phòng ban, tổ chức cách phân luồng giảm tải bệnh nhân, thay đổi cách ứng xử, đến quy tụ người tài, phát triển cân đối bệnh viện cả nội trú ngoại trú, cả nội khoa và ngoại khoa. Doanh thu bệnh viện tăng rõ. Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành một kiểu mẫu về bệnh viện bán công đổi mới sáng tạo. Tức là theo tôi, Bs Tuấn là một nhà quản lý y khoa rất giỏi. Thậm chí còn giỏi hơn cả chuyên môn tim mạch của anh. Giá như anh cứ ở yên tại đó thì giờ này anh vẫn là một nhân tài, một công dân Thủ Đô ưu tú, một đại biểu Quốc Hội.

Cái sai của anh là quá nôn nóng, quá tự tin. Khi giám đốc cũ của Bv Bạch Mai bị bắt, trên đã điều Bs Tuấn về thay. Đáng lẽ ra anh phải từ chối ngay. Nhưng anh lại nhận lời. Và anh đã rơi xuống vực thẳm ngay từ khi đó mà không biết.

Vì sao vậy? Vì anh có thể là một giám đốc trẻ đầy sáng tạo khi ở Bệnh viện Tim Hà Nội, nhưng khi trở về nơi cũ, bệnh viện Bạch Mai, anh chẳng là cái gì cả. Các cây đa cây đề trong viện chỉ nhớ, à, thằng Tuấn à, trước nó là học trò của tớ. Vậy thôi. Thế mà giờ anh dám ngồi trên họ, dám thay đổi cái này cái khác (mà lại thay khá nhiều). Và chết nhất là những thay đổi, những cách mạng của anh lại cắt đi các nguồn thu nhập của nhân viên trong viện. Đó mới là cái làm mất lòng người nhất. Nói không ngoa, Bs Tuấn hầu như bị phần lớn nhân viên bệnh viện ghét. Tôi chứng kiến có cô điều dưỡng khi thay băng cho bệnh nhân, cái kéo cùn, thì nhấm nhẳn nói với bệnh nhân rằng hồi còn giám đốc cũ đâu có thế. Ta có thể đoán ra ngày anh gãy cánh.

Việc các cải cách của Bs Tuấn ở Bệnh viện Bạch Mai mang lại lợi ích cho số đông bệnh nhân, nhưng lại làm giảm thu nhập cho nhân viên y tế bệnh viện, thật là một mâu thuẫn lớn, mà một mình ai đó không thể giải quyết nổi. Trong tình huống này, khó nói đúng sai, dại khôn. Đúng như dân gian vẫn nói, khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Về vấn đề này tôi đã phát biểu trên truyền thông, VnExpress ngày 9/7/2022 như sau:

Dù muốn dù không, vận hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có lãi để tăng trưởng. Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế… Thứ hai là chi phí mà người bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài… Nguồn lực thứ ba là tệ nạn tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một vấn đề có tính quy luật. Như vậy, nếu cắt đi một trong ba nguồn lực trên thì y tế hiện nay sẽ sụp đổ”.

Vậy thôi, một vài lời nhân việc Bs Tuấn bị ra tòa và nhận án tù. Thật sự tôi tiếc cho anh và các cải cách mà anh đang tiến hành dang dở. Nên nhớ Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội nói không với phong bì.

Tài năng… bẻm mép!

Chu Mộng Long

19-4-2023

Định dừng lại chuyện Tuấn Tim, nhưng do thấy nhiều người vẫn còn khóc thương cho một “tài năng” vào lò, bèn viết tiếp. Nói thẳng là tôi căm ghét tham nhũng. Năm 2009, Phó chánh Thanh tra Bộ, Phạm Văn Tại, “thẩm vấn” tôi khi tôi là người đứng đơn tố giác tham nhũng: “Anh có tư thù gì với Hiệu trưởng TTK?” Tôi hỏi ngược: “Kẻ tham nhũng là bạn của thanh tra chăng?” Ông Phó Chánh thanh tra Bộ ngậm bồ hòn…

Nói thẳng ở đây luôn. Những ai khóc thương cho kẻ tham nhũng, tôi đều căm ghét. Xem như tôi thiếu văn hóa tôn trọng cũng được. Chính những kẻ yêu tham nhũng theo cách khóc thương như vậy đã từng hùa theo quan tham nhũng trù dập người chống tiêu cực là ông Trần Văn Nhiệm, đến chết vẫn không nhắm mắt!

Thấy nhiều người cứ biện bạch về “tài năng”, tôi thử tra xem Tuấn Tim có tài năng gì và giúp ích cho ai? Bọc cái vỏ danh phong “Công dân ưu tú thủ đô”, ông ta tham nhũng gây thiệt hại trong đầu tư thiết bị y tế đến hơn 54 tỉ đồng, chắc chắn tài năng ấy làm lợi cho ông ta trước. Những người được ông can thiệp tim, biết ơn ông, khóc thương cho ông, thì cũng như được ông trao cho trái tim chỉ biết đớp và táp, bất chấp số tiền 54 tỉ đồng ấy là xương máu của dân.

Đáng sợ nhất là “tài năng” bẻm mép. Khi tranh luận với đại biểu Dương Trung Quốc về công chức nhà nước chỉ biết ăn lương và phục tùng, khó nhận ra tài năng, rất cần thu hút và bổ nhiệm người tài năng ngoài công chức, ngoài Đảng, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn đốp ngay: “Tôi cảm thấy rất sốc và buồn khi nghe phát biểu của đại biểu Quốc, vì tư tưởng Hồ Chí Minh, cách dùng người của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù nhiều chục năm đã trôi qua… Cho dù thời cuộc có thay đổi, cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.

Nghe tự xưng “nhân sĩ trí thức yêu nước” cống hiến hy sinh hết mình không phải vì tiền, các nhân sĩ trí thức khóc thương là phải. Chắc là ai cũng nghĩ “đồng tiền len lỏi” vào nhà ông Tuấn không phải do ông Tuấn tham tiền nên oan thật là oan!

Tôi, thời ra Bắc học, gặp loại sĩ phu “tài năng” tự ngợi ca sự cống hiến hy sinh như thế này rất nhiều. Khi đó, tôi từng mặc cảm sinh ra và sống dưới chế độ bên này vĩ tuyến 17, chỉ biết tiền và tiền. Khi túng thiếu, tôi nói chân thật: “Tao cần tiền!”, loại sĩ phu “tài năng” ngoài đó rất khinh bỉ và dạy cho bài học về sự cống hiến hy sinh. Tôi mang cái “Mặt trời chân lý chói qua tim” ấy về Nam dạy lại cho nhiều người. Thu phục được nhân tâm của người như tôi, đúng là họ có “tài năng” thật!

Bây giờ thì tôi mới hiểu, cái đứa nói “đ.éo cần tiền” thì lại là đứa cần rất nhiều tiền, tiền từ người khác, thậm chí là tiền người bệnh. Còn tôi và dân Nam dưới “chế độ kim tiền” nói to: “Tao cần tiền” thì chỉ cần trả lương cho mình đủ sống và sinh hoạt tối thiểu, không thèm đớp và táp của dân đen… Thúi!

Trí thức và làm quan

Hà Nhật

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn xuất hiện tại tòa với mái tóc bạc trắng, đôi mắt trũng sâu, thất thần. Ở hàng ghế dành cho bị cáo, ông Tuấn ngồi lặng yên, đôi bàn tay xoắn vào nhau, chân xỏ dép tổ ong run rẩy.

Ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) được biết đến là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC), thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI).

Năm 2018, ông Nguyễn Quang Tuấn được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận đạt chuẩn Chức danh Giáo sư ngành Y năm 2017, từng được trao giải nhất Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực y tế cho đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”.

Đôi bàn tay vàng” từng cứu nhiều bệnh nhân phải tra vào còng số 8 vì cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội, quỹ bảo hiểm xã hội hơn 53 tỷ đồng.

Trên đây là những dòng tin tôi đọc được trên một tờ báo sáng nay. Đọc rồi thấy xót xa vô cùng. Chao ôi, phải là người có trí tuệ bẩm sinh, rồi qua bao nhiêu học hành, rèn luyện, mới có được một người tài như thế này. Vậy mà cuối con đường là thế này!

Có lẽ đây là điều hiếm hoi trên thế giới, ngoại trừ Việt Nam!

Xót cho ông, xót cho giới trí thức Việt Nam!

Trí thức chân chính, cũng giống nhà thơ chân chính, đa số là ngây thơ, dễ bị sa vào cạm bẫy.

Thương nhân thì khôn lỏi, họ biết sờ đúng vào chỗ yếu ấy. Thế mới chết. Đúng là qua biển qua sông không chết, về chết vào vũng trâu đầm!

Các nhà thơ cứ làm thơ, đừng mang thơ đi mưu cầu làm triều quan!

Các bác sĩ cứ làm việc mổ xẻ, chữa bệnh cho dân, đừng khuyến khích họ làm quan mổ xẻ! Thiệt cho họ, cũng thiệt cho dân.

Trong xã hội ta, hình như có một luật mặc định: giỏi chuyên môn nghề nghiệp thì phải được thăng quan tiến chức.

Có nên thế chăng?

Rồi đây, chắc ông giáo sư kia sẽ vào trại, không nhiều thì ít. Đến khi ra khỏi trại, liệu tay ông có run khi cầm dao mổ?!

Tiếc quá! Tiếc quá!

Đấu thầu hay mặc cả hàng hóa là việc của nhà buôn chứ!

Cũng trách vị giáo sư một phần: sao ông nhận lấy cái công việc của nhà buôn làm gì?

Trên thế giới hình như cũng có bác sĩ ra toà, nhưng chắc chắn không phải vì đấu thầu thuốc men và vật tư y tế!

H.N

Không ông Tuấn này thì ông Tuấn khác thôi…

 

17-4-2023

Hôm nay Tòa xử ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội, thấy dân tình đa số bày tỏ tiếc nuối, giá như ông, một bác sĩ giỏi, chỉ làm chuyên môn thì tốt cho ông và cho bệnh nhân biết bao! Cũng đúng phần nào, nhưng lẽ nào mọi người đã quên vụ bác sĩ Hoàng Công Lương?

 

 

Ảnh: Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, hầu tòa ngày 17-4-2023. Nguồn: Báo Thanh Tra

Sự cố chạy thận làm chết 8 người, Tòa án tỉnh Hòa Bình bối rối 3 lần thay đổi tội danh đối với bác sĩ Lương, đến nỗi chính Bộ Y tế phải có văn bản kêu oan cho vị bác sĩ ấy, rằng lỗi của ông ta cùng lắm chỉ là vi phạm hành chính còn phạm pháp là người khác. Vẫn 30 tháng tù giam, không nói nhiều!

Nếu ông Tuấn, một giáo sư đầu ngành, “chỉ làm chuyên môn” nhưng dưới sự điều hành của một giám đốc vừa tham vừa dốt thì ông có thể thi triển tài năng của mình không? Hãy nhìn vào “phong trào” rầm rộ bỏ bệnh viện của y – bác sĩ trong thời gian qua thì hiểu, rằng không ai có thể chỉ hoàn toàn làm chuyên môn trong cái cơ chế này.

Công việc của giáo viên là đi dạy, đúng không? Tưởng điều ấy là câu hỏi thừa, nhưng không, bây giờ việc dạy học gần như đang trở thành một việc phụ bên cạnh việc chính là một núi những thu tiền, thi đua, họp hành, học chính trị, tiếp khách, hồ sơ sổ sách… Người ta có thể không chán việc đi dạy nhưng ngán ngẩm và mệt mỏi với tất cả những thứ nhiêu khê, vô bổ và cả bất lương ấy. Giáo viên, vì cuộc mưu sinh mà phải bám nghề, nếu có cơ hội là bỏ ngay và cũng bỏ không thua kém gì ngành y. Để làm nghề một cách tận tâm, tử tế trong môi trường này, khó lắm.

Bác sĩ, giáo viên hay lao động trong các ngành nghề bất kỳ, đang bị đối xử như những người làm thuê thuần túy mà sự rẻ rúng là mẫu số chung, cả lương lẫn lương tâm. Họ sẽ hoặc đối phó, hoặc tối ngày đầy công, ai năng nổ thì ra ngoài mở phòng mạch hoặc mở lớp dạy thêm để nuôi miệng, cố đợi đến tuổi hưu mà về.

Tất nhiên, nếu ông Tuấn không tham thì đã chẳng phải tù tội. Nhưng, một cơ chế mà chuyện vi phạm hay không chỉ phụ thuộc vào đạo đức cá nhân thì không Tuấn này cũng là ông Tuấn khác thôi. Hơn hết, nó phá hủy cả hệ thống mà người gánh tất cả và cuối cùng vẫn là bệnh nhân, học sinh và người dân nói chung.

50 tỉ đồng mà ông Tuấn làm “thất thoát” là tiền của chúng mình cả đấy. Và có ai dám chắc, bỏ tù ông Tuấn rồi thì người kế nhiệm ông sẽ không tiếp tục tiêu và phá tiền của chúng ta, nếu chống tham nhũng vẫn chỉ là “tìm – diệt” mà không thay đổi cái gốc?

Ông Tuấn đáng chê trách, nhưng cũng đừng quên câu nói của Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện.

Phần 2

[Sau khi tôi đăng cái status ở trên nói về ông Nguyễn Quang Tuấn và cơ chế, có một số bạn vào tranh luận, lại vẫn luẩn quẩn câu chuyện con gà – quả trứng. Ở phần 2 này sẽ nói thêm cho rõ về vấn đề ấy].

Ông Montesquieu – một nhà triết học chính trị khai sáng lỗi lạc, nói: dân sống lâu dưới quyền chuyên chế thì không biết đến đạo đức là gì nữa. Từ nhận thức này, những người như ông mới đề xướng lên cái thuyết tam quyền phân lập, để phá vỡ chuyên chế, xây nên nền dân trị mà cải tạo mọi mặt của đời sống, trong đó có con người.

Nếu không có cái hiểu biết căn bản mà nay đã trở nên thường thức ấy, có lẽ ông và Âu – Mỹ nói chung đến giờ vẫn còn mở lớp dạy đạo đức cho cán bộ… Và rồi cả thế giới vẫn đang chìm đắm trong các giáo điều vô ích, mà xã hội thì cứ băng hoại vô phương cứu vãn.

Như thế, Chí Phèo khi nói “Ai cho tao lương thiện” là đã gần như đạt đến độ minh triết xuất thần trong một khắc, đến mức chẳng có mấy cách biệt với nhà triết học lỗi lạc kia! Nhiều người sẽ nói rằng, nhưng Chí Phèo là một thằng bần cố nông say rượu, còn ông Tuấn là một giáo sư, sao có thể mang ra mà so sánh! Không, ở đây chúng ta phải nhìn con người và xã hội trong tất cả chiều kích của nó: sự tha hóa, chứ không phải chỉ chuyện tham nhũng.

Chí ban đầu vốn không phải là một thằng nát rượu, Chí hiền như đất, Chí có ước mơ bình dị mà lương thiện, Chí chăm chỉ làm việc, Chí không phải kẻ lưu manh. Lúc còn trai tráng, trước sự quyến rũ của bà Ba, Chí chỉ thấy nhục nhã chứ không sung sướng gì. Nhưng rồi Chí tha hóa, từ một người lương thiện, Chí trở nên lưu manh, rồi thành quỷ dữ, sau 7 – 8 năm bị quyền lực của Bá Kiến (kẻ đại diện cho nền cai trị) đẩy vào tù.

Ừ thì đấy là nông dân thất học, nhưng còn Hộ, còn Thứ, cũng của Nam Cao, thì sao? Tất cả đều tha hóa. Một kẻ nhân hậu có tài và có khát vọng cao đẹp chỉ muốn tạo lập một sự nghiệp để đời, nhưng rồi miếng ăn và sự tàn nhẫn của xã hội đã đẩy Hộ trượt dài. Hắn đã viết những thứ văn chương nhạt nhẽo bất lương để kiếm tiền nuôi miệng và cứu vợ con. Rồi từ một người lấy tình thương làm lẽ sống, hắn trở nên vũ phu, hắn đánh vợ đuổi con, hắn thành một con thú dữ. Nam Cao cảnh cáo chúng ta cách đây gần 1 thế kỷ về sự hủy hoại con người bởi một chế độ/xã hội bất công và vô luân. Và Chí Phèo trở thành cái loa phát ngôn cho ông. Những người có đầu óc lành mạnh đều hiểu được cái chân lý ấy. Hãy đọc Nguyễn Huy Thiệp những năm 80 thì rõ thêm, sự tha hóa đã ăn vào tận sâu vào bọn tiến sĩ và tầng lớp có học nói chung. Trong Tướng về hưu, một cô vợ bác sĩ khoa sản mang thai nhi về nuôi chó becgie kinh doanh trước mặt một ông chồng ươn hèn là nhà vật lý nổi tiếng. Trong cái thế giới “không có vua” ấy, người ta chỉ thấy một bầy người gồm đủ cả đồ tể đến trí thức, nhưng sống như súc vật, “Ai đồng ý bố chết thì giơ tay”.

Hãy nhìn vào lịch sử Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua. Những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường có phải là những trí tuệ sáng chói của dân tộc ta? Những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…, có phải là những tài năng lớn của dân tộc ta? Một Nhân văn – Giai phẩm đủ giết chết cả một thế hệ tài hoa và khí phách bậc nhất. Ai đã đánh họ? Chính những cây bút lừng lẫy như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, v.v., đã hạ thủ dưới sự chỉ đạo của bề trên. Cả 2 thế hệ ưu tú ấy đã bị hủy hoại theo những cách không giống nhau, một là con mồi và một là đồ tể.

Hãy nhìn rộng ra, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà chuyên chế/độc tài ngự trị, ở đó lụi bại, đặc biệt là nhân tính. Sự lụi bại không chỉ thô thiển như việc tham nhũng, nó có muôn ngàn lối khác nhau: hoặc là trở nên lưu manh tha hóa, hoặc là trở nên độc ác tàn nhẫn, hoặc là hèn đi, hoặc vô cảm, zombie… Xã hội có một sức mạnh hủy diệt mà không một cá nhân đơn độc nào có thể chống lại được. Hữu Loan có thể coi là một nhân cách kiên cường bậc nhất trong thế kỷ 20 của Việt Nam, ông không bị hư hỏng về tư cách như những người cùng thời nhưng ông đau khổ và đầy lòng bi phẫn. Bản thân điều đó cũng đã là một sự phá hủy lương thức của con người rồi. Đó là chưa nói tới một tài năng như ông, nếu không rơi vào vũng bùn ấy thì có thể ông còn nhiều, nhiều nữa những “màu tím hoa sim” để để lại cho đời, chứ không đến nỗi ngày ngày vào núi thồ đá kiếm ăn và chết mòn nơi thôn cùng xóm vắng. Hãy đọc những “Người xa lạ”, “Huyền thoại Sisyphe” của A. Camus; “Hóa thân”, “Vụ án” của F.Kapka; “Buồn nôn” của J.P. Sartre… để thấy tình trạng này ở chiều kích nhân loại trong các hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nó.

Trong tiếng thét của các nhà tư tưởng và tiếng khóc của các nhà văn, chúng ta sẽ luôn nghe thấy giọng phê phán xã hội một cách dữ dội và tiếng kêu hãy cứu lấy con người bằng cách thay đổi cái xã hội tàn bạo đã ăn thịt con người. Chỉ có những kẻ điếc mới không nghe thấy những thanh âm ấy.

Xã hội cũng giống như một bàn cờ, ở đó giá trị của mỗi cá nhân luôn phụ thuộc vào cái cấu trúc (thế cờ) của cả bàn cờ ấy. Việc dịch chuyển bất kỳ một quân cờ nào cũng sẽ lập tức làm thay đổi giá trị của tất cả. Một thế cờ tốt nhất chính là một thiết chế xã hội mà tất cả những quân cờ đều phát huy được ý nghĩa và sức mạnh của mình. Trong hiểu biết cơ bản này, không kẻ ngu ngốc nào lại cố đi tìm cách thay một quân cờ gỗ bằng một quân cờ kim cương để hi vọng rằng mình sẽ chiến thắng trong cuộc đấu.

Tại sao nhân tài đổ về nước Mỹ còn chất xám thì chảy khỏi Việt Nam? Tại sao chúng ta không có phát minh sáng chế, tại sao chúng ta không có thành tựu khoa học kỹ thuật, tại sao chúng ta nghèo nàn lạc hậu, tại sao và tại sao? Ta hay nhắc câu của Tản Đà, “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, là vì sao? Con người ở đâu trên thế giới thì cũng cơ bản giống nhau, không có chủng tộc nào ưu việt; những đất nước có một dân chúng khỏe khoắn, văn minh, trí tuệ và trưởng thành là bởi họ được sống trong các thiết chế tiến bộ. Cũng là một dân tộc đấy, tại sao Hàn Quốc và Triều tiên lại khác nhau đến thế, cả về mọi mặt của xã hội đến phẩm chất con người?

Bất cứ kẻ nào cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tất nhiên, điều ấy chẳng cần phí thời gian bàn cãi làm gì. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và yên tâm rằng, bỏ tù hay rao giảng đạo đức là đủ, thì bao nhiêu cuộc cách mạng mà nhân loại đã đổ máu, tù đày, thống khổ, là vì cái gì? Các nước dân chủ Anh, Pháp, Mỹ v.v., đâu phải từ trên trời rơi xuống, đó là thành quả của những cuộc cách mạng gian nan và trường kỳ. Không ai biện minh cho Chí Phèo cả, Chí Phèo đáng chết. Nhưng Bá Kiến còn đáng chết hơn. Và quan trọng là điều này: nếu không có Bá Kiến thì rất có thể sẽ không có Chí Phèo; nhưng một khi đã có Bá Kiến thì chắc chắn Chí Phèo được sinh ra, không chỗ này thì chỗ khác, không kẻ này thì kẻ kia. Không gì có thể bào chữa cho Hộ cả, nhưng nếu không muốn có hàng triệu anh Hộ trong cuộc đời thì hãy thay đổi cái bàn cờ nơi Hộ chỉ là một quân cờ. Việc mang anh ta ra giáo huấn hay đấu tố, được thôi, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết cho những thằng Hộ khác trong hiện tại và cả tương lai.

Con người là một sản phẩm của hoàn cảnh, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, đó là chân lý. Thức ngộ cái chân lý ấy để làm gì? Không phải để buông xuôi, cũng không phải để đi sửa từng trái trái dưa, mà là thay/phá cái khuôn. Không lựa bầu hay ống nữa, phải để mỗi loài cây trái được phát triển tự nhiên trong một môi trường rộng lớn, khoáng đạt và tự do để chúng phát huy hết vẻ đẹp và sự hữu ích của mình.

Việc phê phán mỗi cá nhân hay phê phán dân chúng nói chung chỉ có ý nghĩa chừng nào sự phê phán ấy nhằm đánh thức nơi mỗi người cái ý thức cải tạo môi trường, cải tạo xã hội. Phan Châu Trinh đã dành cả đời để làm công việc này. Ông không “chửi dân” một cách chung chung như chửi những những kẻ xấu xa tồi tệ, ông chỉ ra cho họ thấy rằng, họ tệ như vậy là vì xã hội, và muốn thay đổi cái xã hội ấy thì họ phải trở thành những công dân mang ý thức công lợi để rồi cùng nhau thiết lập một thế cờ mới. Chỉ có như thế, đời họ, đời con cháu họ mới được sống trong lẽ công bằng, tự do và tốt lành.

Nếu Phan Châu Trinh chỉ hô hào bỏ tù những kẻ làm sai hay thuyết giáo “độc thiện kỳ thân” thì ông đã chẳng đáng được hậu thế nhắc đến. Cái vĩ đại của ông là ở chỗ, không ngừng phê phán dân tộc mình, nhưng là để họ gắng gỏi mà đứng dậy tự gánh vác lấy một cuộc đổi thay. Thảm hại thay, ngày nay hậu duệ của ông đã không mấy ai còn nhớ đến điều ấy nữa, họ vẫn chỉ muốn đập chết những con ruồi bẩn thỉu chứ không muốn dọn đống rác, vì dọn đống rác thì vất vả và nguy hiểm, lại không có cơ hội nói đạo lý mà làm sang cho mình.

T.H

Cơ chế là cơ chế gì?

 

Nguyễn Tiến Tường

19-4-2023

Lỗi của cơ chế là không nên đặt bàn tay của người giỏi như ông “Tuấn tim” lên bàn giấy ký hợp đồng. Bác sĩ giỏi của một lĩnh vực khan hiếm người tài thì nên tạo điều kiện để ông ấy cầm dao mổ.

Tất nhiên, lương thưởng phải xứng đáng với tâm lực mà ông ấy bỏ ra. Làm sao đó để thu nhập khi cầm dao mổ đủ đối trọng với sự cám dỗ lợi lộc khi ký hợp đồng.

 Một bác sĩ giỏi chưa chắc là một nhà quản lý giỏi, trong nhiều trường hợp bác sĩ làm giám đốc, cơ chế làm mất đi một bác sĩ giỏi và sinh thêm một lãnh đạo tồi.

Tuy nhiên, trong cơ chế đó ông Tuấn tim có một quyền từ chối. Ông đã lựa chọn làm một lãnh đạo thay vì làm một bác sĩ tài danh trọn đời thì không thể đổ cho cơ chế.

Khi làm lãnh đạo, nói rằng ông không nắm bắt quy trình đấu thầu đến mức để cho các đơn vị cung ứng đưa vật tư sang dùng trước rồi mới làm thủ tục thầu hợp thức hoá sau là ngây thơ.

Càng ngây thơ hơn khi nói rằng ông “xé rào” vì bệnh nhân. Bởi vì thiết bị y tế không có đơn vị này thì có đơn vị kia cung ứng. Nếu là một nhà quản lý giỏi, ông đã tìm ra cách để có nguồn vật tư dự phòng cho bệnh viện. “Xé rào” thì vì sao lại chọn hai nhà thầu duy nhất để dùng trước trả sau trong thời gian dài, độc quyền và không có cạnh tranh?

Chỉ có thể hiểu rằng ông đã thoả hiệp với lợi ích. Và việc này gây thiệt hại trực tiếp khi người dân phải dùng thiết bị y tế giá cao (do chi phí mềm) và thiệt hại gián tiếp khi ngân sách từ thuế do họ đóng góp.

Bác sĩ Tuấn tài ba cầm dao mổ cứu sống nhiều người không thể đánh đồng với giám đốc Tuấn cầm bút ký hợp đồng trục lợi. Một hoặc nhiều người hàm ơn vì được bác sĩ Tuấn cứu sống, không có nghĩa là có thể khoả lấp đi hậu quả của vạn vạn con người bị thiệt hại do giám đốc Tuấn gây ra.

Cơ chế có lỗi khi không để người tài đúng chỗ. Cơ chế cũng có lỗi khi giấu mỡ trong miệng mèo và chờ mong con mèo có đức độ.

Nhưng trách kỷ hậu trách nhân, tay tự thọc xuống bùn thì không thể trách bùn bẩn.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen